Thời gian gần đây, những lúc tâm trạng không được
thăng bằng, tôi thường tìm đến Nguyễn Văn Gia. Đọc thơ ông, tuy không có
cái chất cổ phong, với chiều sâu suy tưởng của Phạm Ngọc Lư, nhưng cho
tôi cái tĩnh tại của nội tâm, cùng sự lắng đọng mang mang hương lúa,
hồn quê. Khi đi sâu vào đọc và nghiên cứu, ta có thể thấy, cái cái
truyền thống văn chương xứ Quảng đã đưa Nguyễn Văn Gia đến với thi ca
ngay từ cái thuở học trò. Song cái hồn thơ ấy, dường như bị chẻ,
chia ở đâu đó. Và phải đợi đến biến cố lớn nhất của cuộc đời ở
cái tuổi ngũ tuần, mới làm hồn thơ Nguyễn Văn Gia chợt tỉnh. Tuy
nhiên, là người trầm tư, kỹ tính, do vậy, Nguyễn Văn Gia viết không
nhiều. Cho đến nay, ông mới cho in ấn và phát hành ba thi tập: Đôi Bờ
Thời Gian (2010) Lặng Lẽ Phù Sa (2015) và Nắng Gió Quê Nhà (2019). Có thể
nói, đây là những tập thơ hay về nội dung tư tưởng cũng như nghệ
thuật sáng tạo, mà tôi đã được đọc trong thời gian gần đây. Nếu Đôi Bờ
Thời Gian và Lặng Lẽ Phù Sa hồn quê, hương lúa được vọng lên từ tình
yêu, lẽ sống của con người, thì đến với thi phẩm Nắng Gió Quê Nhà
ngòi bút Nguyễn Văn Gia đã chọc thẳng vào những nỗi đau đang hằn lên
hình đất nước. Và có thể nói, đi tìm lại ký ức, tìm lại đất
nước, hồn quê là tư tưởng xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của ông.