14 January 2020

TÔI VẪN SỐNG Ở NƠI MÌNH VẮNG MẶT - Đỗ Trường


MỘT TẬP THƠ ĐÃ TÓM GỌN HỒN VÍA CON NGƯỜI, CŨNG NHƯ THI CA THẾ DŨNG
Cứ ngỡ, ở cái tuổi quá lục tuần, với những cuộc rong chơi cùng trời cuối đất, Thế Dũng đã lạnh nhạt với văn chương, song tôi đã lầm. Bởi, hôm rồi tôi gọi điện thúc giục gã viết cho xong cuốn Con Chữ Thiên Di. Điện thoại chuông đổ ầm ầm, lúc sau mới thấy gã cầm máy. Tiếng ồn nơi đông người thật khó nghe:
– Thế Dũng! Bác đang ở đâu đấy?
Nghe tiếng gã cười khùng khục ở đầu dây bên kia:
– Đang bẹt nhè ở Pleiku. Có về được thì uống đỡ cho anh mày một chút.
– Rượu chè thế này, Con Chữ Thiên Di đến cuối năm xong thế chó nào được!
Tôi vặc lại Thế Dũng như vậy, làm cho gã giải thích như quát trong máy:
– Thằng em cứ đùa. Không xong cuốn này, thì anh mày xong cuốn khác. Văn thơ chứ đâu phải bổ củi. Đôi khi còn phụ thuộc vào cảm hứng nữa. Lắm lúc, định viết cái này, tự nhiên nó xọ mẹ sang cái khác. Vừa in xong cuốn: Tôi Vẫn Sống Ở Nơi Mình Vắng Mặt. Không nằm trong dự định, cũng đang định gửi cho thằng em…


Cứ tưởng bia rượu nói, không ngờ mấy tuần sau tôi nhận được tập thơ thật. Sách mới nóng hôi hổi. Với dòng chữ của Thế Dũng đề tặng, rất cảm động. Tuy nhiên, bìa in không được sắc cạnh cho lắm. Chữ và giấy y trang như một số sách in ở trong nước, mà tôi đã được tặng. Dù Vipen Berlin xuất bản, ghi nhận in ấn tại Đức, nhưng tôi nghĩ, đây là thủ thuật “vượt tường lửa” của nhà in chăng?

Có thể nói, đây là thi tập khá công phu của Thế Dũng. Chỉ vỏn vẹn 55 bài, viết trong thời gian gần đây nhất, được biên tập thật chắt lọc thành 5 phần: Từng đêm nhớ mặt từng người. Đau thương hành. Cứ sống cùng mình với trời xanh. Em vẫn sống cùng anh như gió chuyển. Và, Tôi vẫn sống ở nơi mình vắng mặt. Có lẽ, đây cũng là 5 đặc điểm tiêu biểu nhất về cuộc sống, cũng như tư tưởng, thi pháp sáng tạo của Thế Dũng.
Thật vậy, sau giai đoạn sung sức nhất, thời của những câu thơ sảng khoái, một mất một còn với kẻ thù ở biên giới phía Bắc: “Cởi trần mà bắn thôi! Trời xanh kia là áo…” thì, Tôi Vẫn Sống Ở Nơi Mình Vắng Mặt là một thi tập cho tôi trở về cái cảm xúc ban đầu đọc Thế Dũng. Bởi, vẫn thủ pháp thông qua hình tượng, mang tính đối thoại, trữ tình chuyển tải tư tưởng và tình cảm của thi sĩ đến với người đọc. Nhưng đến tập thơ này, sự trong sáng, tính khẳng khái, can trường, tình yêu quê hương, đất nước của Thế Dũng đã đẩy lên nấc cao hơn.
Càng lớn tuổi, dường như Thế Dũng lại càng đau đáu trăn trở, suy tư về đất nước và con người. Một kỷ niệm nhỏ đã xa vời vợi cũng làm cho nhà thơ day dứt. Nếu bài Từng Đêm Nhớ Mặt Từng Người, là chiếc kính chiếu yêu trong từng con chữ, hay lời khản nguyện tâm linh của một thời đã qua, thì Vui Buồn Mình Còn Kịp Tặng Cho Nhau, như một món nợ của Thế Dũng đối với gia đình, và tha nhân vậy:

“Cứ mỗi bận chia tay và hẹn gặp

Như hôm nay mắc nợ một hôm nào
Lòng thấp thỏm một hôm nao tái ngộ
Vui buồn mình còn kịp tặng cho nhau?”

Chiến trường xưa, một món nợ luôn làm người lính Thế Dũng phải day dứt. Hơn bốn mươi năm qua đi như một tia chớp, và người thi sĩ đã tìm về. Ta Có Ngày Về Như Đang Thu là một bài thơ thất ngôn mang tâm trạng như vậy của Thế Dũng. Tuy không phải là bài thơ hay nhất trong thi tập này, nhưng có hình ảnh, lời thơ đẹp và nhẹ nhàng. Tuy nhiên, hình ảnh hồi sinh lãng mạn: “ Bốn mươi năm lẻ ta về lại/ Rừng xưa tan tác tự sinh hương” chỉ có trong trí tưởng tượng của thi sĩ, và trong văn học của bác Thiều (Nguyễn Quang Thiều), bác Thỉnh (Nguyễn Hữu Thỉnh) mà thôi. Chứ rừng Tây Nguyên trọc lông lóc như cái bình vôi, với những cơn lũ quét kinh hoàng đã từ lâu lắm rồi.
Và tiện đây, cũng xin phép bác Thế Dũng, trong câu thơ trích dưới đây, chữ thủa của bác, em đổi thành chữ thuở cho đẹp. Cũng nhiều lần được đọc bản thảo của Thế Dũng, tôi đã góp ý nên đổi từ này, hoặc từ bẩy (con số 7) cũng nên đổi thành bảy trong câu thơ. Bởi, bẩy này chỉ đúng và chính xác tên gọi của danh từ chiếc đòn bẩy, hoặc động từ bẩy lên…Thế Dũng ừ ừ, cạc cạc, rồi quên ngay. Không phải là người nghiên cứu ngôn ngữ học, nên tôi không bàn đúng sai ở đây. Và cũng không dám nghĩ, Thế Dũng là người bảo thủ. Nhưng tôi cho rằng, từ thuở, và bảy đẹp, chính xác trong câu thơ hơn thủa và bẩy của Thế Dũng rất nhiều:

“Cao nguyên thủa (thuở) ấy thật lãng mạn

Đêm rừng tìm bạn vàng ký ninh
Sốt rét từ khi vào chiến dịch
Tăng võng màn chăn cũng như không


Rúc xe vào lá xong là ngủ

Rừng già như thể con phố đông…
Dĩ vãng dường như tia chớp xé
Ác mộng đi qua mấy hoang đường


Bốn mươi năm lẻ ta về lại

Rừng xưa tan tác tự sinh hương…”
(Ta có ngày về như đang thu)

Tình người, và nỗi đau trước thảm họa của đất nước luôn thường trực trong lòng, để từ đó cô thành chí khí, can trường của thi nhân: “Ta đập vỡ ta thành câu hát/ Biến khúc đau buồn. Biển phục sinh”. Có thể nói, Đau Thương Hành, không chỉ là phần gồm những bài hay, và quan trọng nhất của thi tập, mà là một trong những bài Hành hay nhất của thi ca đất Việt. Vâng! Cuộc chiến hai mươi năm tương tàn để lại những gì? Hay cải tạo, tù tội, hoặc lại một lần nữa phải trốn chạy, phải vùi thân dưới lòng biển cả. Liệu máu và nước mắt ấy, có thể kết thành hoa? Một câu hỏi tu từ, Thế Dũng gây nhức nhối cho bao người đọc:

“Ly biệt!- Mười chết, một sống sót

Sinh Nam Tử Bắc huyết lệ nhòa
Vạn xác trẻ già vùi đáy biển
Sinh Bắc Tử Nam máu thành hoa?”
(Đau thương hành)

Những thi tập trước đây, Thế Dũng chỉ kịp đến Berlin ngồi nấc, với những băn khoăn tự hỏi: “Tuổi mười tám bị đánh lừa?/ Kẻ thù ở đâu chưa rõ/ Chỉ thấy máu đẫm mặt nhau” (Từ Tâm). Nhưng đến thi tập: Tôi Vẫn Sống Ở Nơi Mình Vắng Mặt, nhận thức, và tư tưởng của Thế Dũng khác hẳn. Thi sĩ đã hoàn toàn tháo bỏ được chiếc vòng kim cô ở trên đầu. Với bút pháp hiện thực, cùng sự can trường, lòng dũng cảm, tính trực diện, đối đấu với cường quyền, hắc ám xuyên suốt thi tập này của Thế Dũng. Ngoài Đau Thương Hành, Mẹ Việt Nam- Không Chỉ Nhìn Ra Biển…ta còn có thể thấy: Trì Hoãn Mãi Cũng Phải Đến Giờ Đối Mặt, Tác giả đã phẫn nộ, điểm mặt chỉ tên rõ ràng những kẻ lưu manh, phản quốc. Đây là một bài thơ có tính thời sự hay nhất, mà tôi đã được đọc trong thời gian gần đây:

“Lặng thinh mãi để bùng cơn thịnh nộ

Mạt tướng nào ra lệnh súng phải câm
Bọn phản quốc chẳng thể nào giấu mặt
Đừng ăn mày ăn nhặt máu nhân dân”

Và không những chỉ ra nguyên nhân dẫn đến khổ đau cho cả dân tộc: “Ngót bốn mươi năm liền một dải/ Hà cớ chi bức tử nhau/ Sợ bị thủ tiêu thà tự tử/ Độc đảng! Độc tài! Độc hành đau” (Đau thương hành) mà đến với thi tập này, thơ Thế Dũng còn mang tính dự đoán rất sâu sắc:

“Bao nhiêu mầm mống thiên tài

Đã tàn lụi đã quái thai nhãn tiền
Tan đàn biến khúc tam nguyên
Tàn canh độc đoán hóa quyền đa phương…”
(Mặc cho vàng- đá vỡ lời tiên tri)

Làm được điều: “Tàn canh độc đoán hóa quyền đa phương” dường như với Thế Dũng trước hết buộc phải: Không Thể Không Cùng Nhau Vượt Qua Sự Sợ Hãi. Và đó cũng bài thơ cùng tên, mà Thế Dũng đã chỉ ra cái vòng tròn luẩn quẩn thối nát của xã hội, và con người. Từ đó, tác giả mở ra lối thoát cho một thể chế độc tài. Bài thơ như một trường khúc luận, với qui tắc bắc cầu của toán học vậy. Có thể nói, bóc trần sự thật này, là một sự can đảm, không phải nhà thơ nào cũng làm được. Nhất là khi tác giả đang sống ở Berlin, xung quanh một cộng đồng đỏ rực, càng hiếm vô cùng:

“Nếu Đảng trưởng độc tài

thì thể chế độc Đảng sẽ đẻ ra Quốc Hội gật gù
quốc hội bù nhìn sẽ dung dưỡng các trùm tham nhũng.
Các trùm tham nhũng sẽ sinh ra lũ cướp chuyên nghiệp
Chuyên ăn cắp, ăn chặn, ăn bẩn, ăn theo cơ chế
Và sành sỏi gây án đồng bộ.
Nhân dân lầm lũi sống lầm than từ ăn vay ăn đong ăn
nhặt đến ăn mày.
Bởi một thể chế chỉ biết sống bằng thủ thuật ăn đất
thì quốc gia sẽ suy vong thảm bại
không thể không cùng nhau vượt qua sự sợ hãi…”

Vẫn nối tiếp mạch thơ từ Từ Tâm, tình yêu của Thế Dũng càng mãnh liệt với cái tôi cuồng say. Tôi hiếm thấy có một nhà thơ nào, gần hết cả cuộc đời, thơ tình chỉ viết riêng cho một người. Thật vậy, sau Từ Tâm, thì thi tập Tôi Vẫn Sống Ở Nơi Mình Vắng Mặt, Thế Dũng đã dành cả một phần: Em vẫn sống cùng anh như gió chuyển, lấy từ cảm hứng từ người vợ của mình. Và cái tôi trữ tình ấy, cho người đọc tìm ra giá trị, tính chân thực trong thơ Thế Dũng. Nếu ở Từ Tâm tính chân thực cuồng si: “Cõi người giam lỏng thi nhân/ Tôi giam tôi với Minh Tâm giữa đời” thì đến với Tôi Vẫn Sống Ở Nơi Mình Vắng Mặt, dường như ta tìm thấy có sự bi lụy trong hồn thơ Thế Dũng: “Đã lâu rồi tưởng mình không thể khóc/ Chưa bao giờ Em tê bại thế đâu” (Đã lâu rồi không tin vào nước mắt). Có thể nói, thơ tình Thế Dũng chưa nổi bật so với những phần thơ khác, ở thi tập này. Tuy nhiên, Bất Lực Đành Văng Tục Với Thời Gian là một bài thơ hay. Lời thơ đẹp, mong manh sương khói, với những nỗi niềm hoài cổ phảng phất đâu đây:

“Anh sẽ gọi em từ hồ Lục Thủy

Có một chiều ngựa phố cổ cô đơn
Hồ Tây biết vì sao em vắng mặt
Khi hồn hoang anh gọi nắng hoang hồn…”

Đọc thi tập: Tôi Vẫn Sống Ở Nơi Mình Vắng Mặt, còn sáng tỏ thêm một điều, Thế Dũng có sở trường về thất ngôn thơ. Dường như, bài nào của gã đọc cũng thấy thâm trầm, mang mang hồn cổ phong. Duy Nhất, tuy không phải là bài thơ hay trong tập thơ Tôi Vẫn Sống Ở Nơi Mình Vắng Mặt. Song nói vui, thơ thất ngôn tứ tuyệt nó như cái lò nén, nổ bỏng ngô vậy. Cho nên, tôi mượn cái lò nén này, (nổ một phát) góp phần làm sáng tỏ thêm thân phận, tư tưởng, tình cảm Thế Dũng, cũng như để kết thúc bài viết này:

“Ngày này năm ấy tôi bỏ nước

Vui kiếp lao nô tận bây giờ
Quốc tịch đã thay râu đã bạc
Quê hương duy nhất vẫn là thơ”
(Duy nhất)


Leipzig ngày 5- 12- 2019
Đỗ Trường