09 June 2020

ĐỖ CHU – MEN CÒN ĐỌNG LẠI NƠI ĐÁY VÒ - Đỗ Trường


Nhà văn Đỗ Chu


Ngay khi còn là học sinh cấp hai ở thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, cái tên Đỗ Chu đã rất gần gũi và quen thuộc với chúng tôi. Bởi, những truyện ngắn, tùy bút… của ông như thôi miên tâm hồn (trẻ thơ) chúng tôi lúc đó. Và rồi, gần nửa thế kỷ qua, nhất là mấy mươi năm lận đận ở trời Âu này, cái tên Đỗ Chu dường như cũng mờ nhạt dần trong ký ức. Nhưng thật may mắn, hôm rồi có một người bạn gửi tặng cho tôi (một bộ sách, gồm) 4 tập truyện: Một Loài Chim Trên Sóng, Thăm Thẳm Bóng Người, Tản Mạn Trước Đèn và Chén Rượu Gạn Đáy Vò của Đỗ Chu. Tôi đọc ngay, đọc một mạch. Và nó đã trả tôi về với tuổi thơ, với những cảm xúc, tâm trạng của cái thuở ban đầu khi đọc ông.
Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Bình, sinh năm 1944 tại Bắc Giang, nhưng lớn lên, và trưởng thành ở Bắc Ninh, chiếc nôi của Văn hóa Kinh Bắc. Do vậy, đó là một trong những nguyên nhân đưa Đỗ Chu đến với văn thơ rất sớm. Những truyện ngắn, tùy bút đầu tiên được viết khi ông còn là một cậu học sinh trung học phổ thông. Nhìn lại Văn học sử Việt Nam, ta có thể thấy, người viết có độ chín, thành danh sớm như Đỗ Chu quả thực không nhiều. Tuy nhiên, khi đi sâu vào nghiên cứu, ta cũng chợt nhận ra, một số nhà văn, nhà thơ có sự thành danh sớm như vậy, ngoài tài năng còn phải có một yếu tố may mắn nữa.

Với tôi, ở thời điểm ngồi viết những dòng chữ này, truyện Ao Làng, Thung Lũng Cò, Hương Cỏ Mật, hay Mùa Cá Bột… chỉ là chiếc thẻ thông hành để Đỗ Chu bước chân vào làng văn mà thôi. Bởi, khi đọc một cách có hệ thống, ta có thể thấy, cái mốc quan trọng để cảm nhận và đánh giá độ chín về cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật trong văn xuôi Đỗ Chu phải từ năm 1969, với truyện ngắn Ráng Đỏ. Tôi nghĩ, với truyện ngắn này, Đỗ Chu có thể ngồi cùng mâm, nhấc lên, đặt xuống khật khừ với các bậc đàn anh Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, hay Nguyễn Kiên… Nhưng nếu buộc phải chọn ra một truyện ngắn tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tạo của Đỗ Chu, thì với tôi đó là tác phẩm: Một Loài Chim Trên Sóng được viết vào tháng 5, năm 1994, in trong tập truyện cùng tên. Đây là truyện ngắn độc đáo, vì ngoài ngoài nội dung, thi pháp nghệ thuật, ta còn thấy được tư tưởng, tính hiện thực với cái nhìn mới của ông. Có thể nói, cùng với Vũ Điệu Cái Bô của Nguyễn Văn Thân, Một Người Lách Lên Phía Trước của Mai Ngữ… Một Loài Chim Trên Sóng nằm trong số những truyện ngắn hay vào thập niên tám, chín mươi ở thế kỷ trước của các tác giả sinh sống, làm việc ở trong nước.
Đọc Một Loài Chim Trên Sóng, ta có thể thấy, Đỗ Chu dường như trộn tất tần tật các thể loại văn học vào trang viết. Cứ như thể người ta trộn rượu để làm nên một thứ Cocktail, hay ủ men một vò rượu mới vậy. Dù chén đã gạn, song người đọc cảm được, cái hương men ấy vẫn còn đọng lại nơi đáy vò. Cái đặc tính này làm cho người đọc, kể cả giới phê bình thật khó phân biệt một cách rạch ròi, đâu là truyện ngắn, bút ký, tùy bút, hay hồi ký, khi đọc và nghiên cứu Đỗ Chu. Và đó cũng là thủ pháp, nghệ thuật đặc trưng, xuyên suốt những tác phẩm của ông. Có một điều đặc biệt, với thủ pháp nghệ thuật này, cũng đã làm nên tên tuổi nhà văn tài hoa, đồng tuổi, nguyên là người lính (đối đầu) bên kia của chiến tuyến Phạm Tín An Ninh, hiện cư ngụ ở Hoa Kỳ.
Phải nói thẳng, khi đọc và nghiền ngẫm Đỗ Chu cho tôi một suy nghĩ, văn phong, từ ngữ rất sáng và đẹp, nhưng những trang văn ấy, thường né tránh các vấn đề gai góc, bức xúc mang tính thời sự xã hội. Tuy nhiên, có một điều bất ngờ, khi viết Một Loài Chim Trên Sóng ngòi bút của Đỗ Chu khác hẳn. Ông đã đi sâu vào phân tích mổ xẻ cái tinh thần, thực lực của cuộc kháng chiến và chọc thẳng vào ung nhọt cải cách ruộng đất, cái nhức nhối của xã hội, thân phận lênh đênh bèo bọt của kiếp người sau 1975. Do vậy, Một Loài Chim Trên Sóng tuy chỉ là một truyện ngắn, song nó đã đi qua chiều dài lịch sử từ những năm kháng chiến chống Pháp cho đến nay. Xét về giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật chuyển tải đến người đọc, có lẽ không phải cuốn tiểu thuyết nào cũng làm được.
Có thể nói, Đỗ Chu có trí tưởng tượng, sự liên tưởng phong phú, vì vậy văn ông sáng, đẹp và sinh động, nhất là những trang thiên về miêu tả cảnh vật, thiên nhiên và con người. Đoạn trích dưới đây, không chỉ soi rõ điều đó, mà còn cho ta thấy sự quan sát tỉ mỉ, truyền cảm xúc của nhà văn đến người đọc một cách tinh tế. Tuy đây chưa hẳn đã là đoạn văn hay nhất của ông, song cái chất trữ tình với những nhận xét lồng trong sự miêu tả làm người đọc phải ngỡ ngàng:
“Bìm bịp kêu đâu đó, thế là mùa nước lên, những con chim cánh nâu, ức cổ mang màu đỏ như lửa bay là là ngang qua mặt đê, ngang qua mặt người. Chúng bay gần lắm, tưởng như với tay ra là tóm được, nhưng khốn thay, chính lúc ấy ta lại đứng sững lại vì quá ngỡ ngàng, và thế là chúng mất hút trong bãi dâu. Trời trong xanh. Mây trắng ngổn ngang tầng tầng lớp lớp. Dưới sông Cầu nước trôi băng băng, con sông già nua vốn thường uể oải lờ đờ mà nay bỗng quay cuồng với những vùng xoáy, trông vào đến khiếp. Vài ba con thuyền ngược dòng nặng nhọc, buồm kéo lên đón gió nam, tuy vậy vẫn phải có thêm dăm người khom lưng cõng dây kéo, họ bước chậm chạp ven bờ…” (Một Loài Chim Trên Sóng)
Sự hồi tưởng, tính hoài niệm để bộc lộ, hay lý giải tâm trạng nhân vật, hoặc của chính tác giả là một trong những thủ pháp nghệ thuật làm nên đặc trưng văn xuôi Đỗ Chu. Tuy nhiên, sự hồi tưởng, tính hoài niệm đan xen giữa quá khứ và hiện tại ấy giản đơn, không đa tầng, chồng chéo như trong truyện ngắn, tiểu thuyết của Bảo Ninh hay Dương Thu Hương. Với thủ pháp nghệ thuật này, sự đồng cảm, tình người trước cái bi thương, buồn thảm như được nhân lên trong lòng người đọc vậy. Đọc Đỗ Chu, chợt làm tôi nghĩ đến nét dân gian, mang mang hồn cổ phong trong thơ văn của Võ Thị Hảo. Dù khác nhau về thi pháp, tư tưởng sáng tạo, nhưng dường như phảng phất một chút gì đó của hai nhà văn cho tôi cùng một cảm xúc khi đọc. Tôi hoàn toàn không có ý so sánh, tuy nhiên, văn của Đỗ Chu giàu xúc cảm, sinh động, song về câu cú đôi khi cần phải bàn lại. Thật vậy, với mạch văn bị gãy, cùng câu không tròn trịa làm cho người đọc hơi bị hụt hẫng: “Cô chết thê thảm./ Dắt một con trâu mộng lầm lũi ra giữa đồng, vật nhau với trâu từ sớm đến xế chiều, tiếng chân người chân trâu quần thảo huỳnh huỵch…” Mấy câu văn này, nằm trong đoạn hồi tưởng về cuộc đời và những cái chết bi thương mang màu sắc dân gian rất cảm động của Đỗ Chu. Đoạn trích dưới đây, sẽ làm sáng tỏ phần lý giải trên:
“Sinh thời cô (Nỗng) là một người con gái cao lớn khác thường, bàn chân to như bàn cuốc, tay dài như tay vượn mà hiền hậu lắm. Nhưng người như thế ai dám lấy về làm vợ chứ, lâu dần cô thành ế chồng. Tính nết mỗi ngày một thất thường, lắm lúc như người hóa dở. Trai làng nhiều người sức vóc lực lưỡng nhưng hễ thoáng nghe tiếng cô là lảng trốn, có người bị cô đuổi kỳ cùng, ba ngày không dám bén mảng về nhà. Cô chết thê thảm. Dắt một con trâu mộng lầm lũi ra giữa đồng, vật nhau với trâu từ sớm đến xế chiều, tiếng chân người chân trâu quần thảo huỳnh huỵch. Hôm sau làng xóm thấy xác cô xác trâu nổi trên mặt chuôm. Mái tóc đen nhánh như mun phủ lòa xòa lên khuôn mặt bầm tím, cái miệng há rộng như cười cợt. Còn con trâu thì bị bẻ gãy cả hai sừng, nó bị rút tung ruột ra, hai hòn dái cũng bị cô bóp lòi ra, nát bét.” (Một Loài Chim Trên Sóng)
Đến với Một Loài Chim Trên Sóng, dường như Đỗ Chu đã cởi bỏ được sự ràng buộc về cuộc sống, xã hội hiện hành chăng? Bởi, dưới ngòi bút của ông sự thẳng thắn, tính hiện thực hiện lên rất rõ nét. Thông qua lời cụ Chánh, cùng những khẩu ngữ trần trụi, Đỗ Chu bóc trần sự yếu kém, hèn nhát của đám dân quân du kích: “- Các chú đánh đấm như cứt, chưa chi đã chạy, chưa gì đã chuồn, bắn có mấy phát như mấy cái rắm mà để xảy ra bao nhiêu rắc rối. Nhanh nhanh giấu anh ấy vào sau chùa cho tôi, để tôi cùng ra với, ngoài đó đã có sẵn một cái hầm kín rồi.” (Một Loài Chim Trên Sóng)
Trong cái không khí hừng hực của những ngày thắng trận (Điện Biên Phủ) nhà văn đã chợt nhận ra cái bộ mặt đen sì, nhem nhuốc của nó. Khoảng cách của thắng lợi, được cho là vẻ vang ấy, ngày càng nới rộng, xa cách với dân chúng. Và sự hênh hoang, kiêu hãnh đó, không thể che đậy hết hình ảnh thực của người chiến sĩ Điện Biên. Lời văn mỉa mai, tác giả đã bóc trần cái bản chất ấy:
“Người ta có ý ra mặt xa lánh chúng tôi. Ở các làng lân cận, chiến sĩ Điện Biên nô nức trở về, anh nào anh nấy huân chương huy hiệu chói lòa trên ngực. Họ kể chuyện quân ta hết bò vào lại bò ra, quân địch chui rúc như nhím như chuột. Bà tôi buông gọn một câu chắc là trên đó phải có lắm người chết. Người chết chẳng kể gì được với ai, nhưng đấy mới là những ngưòi đáng thờ. Còn sống mà về với cha mẹ vợ con thì cho dù có tài giỏi mấy cũng cứ nên bớt mồm mới phải.” (Một Loài Chim Trên Sóng)
Hệ quả ấy, là cuộc cải cách long trời lở đất. Và sau cái chết với đám tang hiu quạnh của người bà, thì dường như chiếc vòng kim cô đã rớt bỏ, nỗi đau giúp cho con người vượt qua sự sợ hãi: “- Em cũng xuống Sơn bây giờ đây, xuống thăm cụ Chánh xem tình hình thế nào. Cháu nội một mụ địa chủ đến thăm một tên địa chủ, làm đếch gì mà phải sợ, đằng nào chả là đã có liên quan.” (Một Loài Chim Trên Sóng). Từ thay đổi nhận thức tư tưởng dẫn cái nhìn khách quan, Đỗ Chu can đảm chọc thẳng vào cái ung nhọt đó. Dưới ngòi bút của ông hình ảnh Cải cách ruộng đất hiện lên một cách trung thực nhất: “Địa chủ cường hào, ông Chánh sắp bị đem lên núi đấu tố, người ta đang dựng kỳ đài để tòa án nhân dân ngồi luận tội.” (Một Loài Chim Trên Sóng). Nếu vườn chùa trước kia, nơi cụ Chánh đào hầm che giấu, nuôi dưỡng những người dân quân, du kích, thì hòa bình về, đó là nơi cụ Chánh phải đi đến, chịu cảnh đọa đày. Và ghế trên ngồi luận tội chính là những kẻ đã được cụ Chánh chở che, nuôi dưỡng. Sự bỉ ổi và lưu manh đến tận cùng ấy, tuy không đi sâu vào miêu tả và phân tích, song chỉ bằng một vài hình ảnh so sánh, Đỗ Chu đã vẽ nên một bức tranh sống, làm người đọc không khỏi ngậm ngùi, xúc động:
“Cụ Chánh đã bị đuổi ra ngoài vườn chùa. Có anh du kích bị đạn gãy đùi từng sống trong căn hầm nơi đây. Có người chị gái từng tới nơi này săn sóc anh, mỗi lần mang cháo mang thuốc ra đây chị vẫn đóng áo dài, tay xách theo làn trong đó có đủ hương hoa như một người ra chùa lễ phật.” (Một Loài Chim Trên Sóng)
Đọc Một Loài Chim Trên Sóng, đôi lúc tưởng chừng cốt truyện lỏng lẻo, và câu chuyện đang lạc về đâu đó. Nhưng không phải vậy, bởi từ số phận bi thương của cô Nỗng đến kiếp lênh đênh, mấy lần phải bỏ xứ của chị Tâm là hai mảng ghép của một cuộc đời vậy.
Sự trốn thoát, xuống chuyến tàu vét di cư vào Nam (với chị Tâm) của cụ Chánh là hình ảnh chung cho sự lựa chọn hay lối thoát duy nhất cho cả một dân tộc. Những cuộc di cư, trốn chạy này đã khắc họa, hay hình tượng hóa nỗi đau thân phận con người, nó được xuyên suốt Một Loài Chim Trên Sóng. Câu nói tưởng như đùa của chị Tâm với một người lính miền Bắc, (hay với chính tác giả) khi gặp lại lần thứ hai, tuy mộc mạc, nhưng làm cho người đọc phải nhói lên một nỗi đau:
“Lại phải có trên mươi năm sau đó, một lần qua Tây Âu vào thăm một cái chợ của người Việt, tôi không ngờ lại gặp chị Tâm. Trước mặt chị vẫn chỉ thấy toàn rau quả nhiệt đới, có đủ cả gừng, tỏi, hành, răm, trăm thứ quê nhà. Chị gọi tôi ơi ới. Nói đùa rằng, chẳng làm cách nào tránh được tôi, hóa ra gầm trời cũng hẹp, cậu có định sang đây giải phóng chúng tôi lần nữa hay không thì bảo! Tôi cười khì.” (Một Loài Chim Trên Sóng)
Những năm gần đây, tuy không thẳng thắn phủ nhận cái hiện thực xã hội tất tần tật như Nguyễn Minh Châu, hay Nguyễn Khải, nhưng dường như bằng cách này, cách khác Đỗ Chu tỏ thái độ của mình. Dù có bức xúc, nỗi lòng ấy của ông đều ẩn trong con chữ, và hình tượng trên những trang viết của mình. Có lẽ, cái tạng của ông như vậy rồi. Đoạn văn tuyệt đẹp, giàu hình ảnh mang nỗi đau thân phận con người, với triết lý nhân sinh, ẩn vào nỗi lòng tiếc nuối, nhớ thương, cũng như phủ nhận cái hiện tại của chính mình dưới đây, sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về Đỗ Chu:
“Hai chị em bước đi bên nhau giữa một thànhphố xa lạ, hết sức là ồn ào. Tôi thấy se lòng khi nhìn thấy mái tóc đã bạc trắng của chị, bất giác tôi buộtmiệng hỏi:
– Diễm giờ đang ở nơi nào?
– Ca-li-phoóc-ni. Cô ấy có lần gửi thư cho chị, nhắc đến chú, hỏi chú có còn bị bệnh hen hành hạ nữa không. Cô ấy hát ở một quán có tên là “Quê mẹ”, khi nào có việc sang đó, ghé qua chắc chắn sẽ gặp được nhau, chị đã viết thư kể chuyện gặp lại chú ở Sài Gòn năm nọ, nói chú là người thiệt hay đó nghe.
Tôi thở dài. Ôi dào, hay hớm cái nỗi gì hả chị Tâm, hả Diễm. Chẳng qua đời mỗi chúng ta cũng giống như con chim gì đang nhảy nhót chấp chới trên những con sóng. Chỉ những ai từng lênh đênh ngoài khơi mới gặp loài chim ấy. Chẳng hiểu chúng đậu vào đâu mà sống nổi, và nhờ đâu chúng vẫn cất tiếng hót giữa trùng trùng sóng gió. Kiếp người tưởng vậy mà nào có khác nhau là bao. Tôi vẫn thấy có tiếng hát của em, tiếng gọi của chị trong mỗi ngày sống của mình.” (Một Loài Chim Trên Sóng)
Quả thực, rất có lý, khi một số bác vẫn phân vân khi gọi Một Loài Chim Trên Sóng là một truyện ngắn. Bởi, bóng dáng, giọng điệu của tùy bút, hồi ký… vẫn còn hiển hiện ở đâu đó. Vâng! Âu đó cũng là cái điều ta vừa phải đi tìm, phân tích làm sáng tỏ cái đặc trưng thủ pháp nghệ thuật trong văn xuôi của Đỗ Chu trong bài viết này. Và phải chăng chính sự rung động sâu sắc, đã sinh ra những cảm xúc mãnh liệt, xóa nhòa đi cái ranh giới loại hình sáng tạo vốn dĩ rất mỏng manh ấy của người nghệ sĩ?
Không dám nói, Đỗ Chu là một nhà văn lớn, nhưng với tôi, chắc chắn ông là một nhà văn tài hoa. Đỗ Chu là một trong những nhà văn hàng đầu viết về tùy bút của Việt Nam hiện nay. Văn ông cho người đọc một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản, mang mang hương khói lam chiều. Đọc ông, ta như nghe được tiếng vọng hồn quê từ hàng trăm năm trước vậy… Song rất tiếc, văn của Đỗ Chu không được đưa lên Internet, ngoài Một Loài Chim Trên Sóng, và vài, ba truyện ngắn khác. Khi viết bài này, tôi cố ngồi nhớ (lõm bõm) lại những tùy bút, truyện ngắn đã đọc từ gần nửa thế kỷ trước của ông. Do vậy, tôi bị gò bó, eo hẹp về tài liệu, dẫn đến bài viết không thể đầy đủ, và khó tránh khỏi những sai sót.

Leipzig ngày 24- 5 -2020
Đỗ Trường