25 May 2017

TRĂNG MẬT BẾN SÔNG CẦU - Nguyễn Tấn Hưng


Đêm đã khuya, tiệc đã gần tàn. Hoàng nghĩ mình đãi bữa nay cũng không đến nỗi tệ lắm. Bạn bè có mặt đầy đủ. Mình không quý người ta ai quý mình. Cũng có lý. Ở cái thành phố nặng mùi thuốc lá này, Winston Salem, North Carolina, số gia đình Tar-Heel gốc Giao Chỉ của mình cũng không có mấy. Đếm đầu ngón tay. Số ít nhưng tình nhiều. Chiều thứ sáu mà không có điện thoại của bạn bè, thấy như thiếu một cái gì. Mình muốn quên hãng xưởng, quên làm lụng để thấy weekend còn dài. Chiều thứ bảy vẫn là những mục tiêu lớn. Và chiều chủ nhật là những gì còn sót lại, những gì khẩn cấp cần thiết, ngày mai còn phải đi làm. Ba chiều phải có một chiều, một chiều cho đồng hương, cho quê hương. Ba chiều có đủ ba chiều thì càng hay. Lắm khi liên tiếp ba chiều được Việt ngữ hoá, sáng thứ hai vào sở phát ngôn tiếng Mỹ đầu ngày như bị ngọng.
Buổi họp về việc tổ chức văn nghệ gây quỹ bữa nay cũng thành công. Còn dợt nhạc, còn gặp nhau dài dài…

– Anh cũng ở Sông Cầu nữa hả. Mà sao anh biết Nghề ở Sông Cầu?
Hoàng cũng không hiểu câu chuyện đầu đuôi ra sao mà bây giờ dẫn tới màn này, câu hỏi này. Hoàng trả lời đại:
– Thì nghe thằng Thành mới nói.
Nghề ra vẻ trầm ngâm suy nghĩ.
– Từ hồi qua Mỹ đến giờ em chưa bao giờ nói với ai là em ở Sông Cầu.
Hoàng cắt ngang:
– Sao vậy. Quê hương của mình mà, làm gì lại chối bỏ.
– Em chỉ muốn sống với quê hương cho riêng mình mà thôi. Hình như trên đất Mỹ này không còn ai biết Sông Cầu, cái quận xa xôi hẻo lánh miền Trung. Cả thằng Thành nữa, nó chỉ biết em ở đó thôi chứ nó đâu có biết Sông Cầu về cái gì đâu… Mà anh còn nhớ trường trung học Sông Cầu ở hướng nào không?
– Nhớ cái gì. Anh chỉ nói sơ sơ …từ chiếc tàu chìm trong vịnh, cái sân banh ngó vô dinh quận, những buổi chợ phiên có bạn hàng xuống từ trên núi, và những con heo nái dẫn con dạo phố cùng đường…là đủ diễn tả Sông Cầu, cần gì cái trường trung học.
– Trời đất ơi, vậy là anh rành quá rồi. Không ngờ em gặp lại anh.
Nghề đưa tay ra bắt tay Hoàng, xiết thật mạnh như tỏ lòng kính mến đàn anh. Hoàng lâng lâng thả hồn về một thời xa xưa, những ngày tháng nên thơ tại cái thành phố nhỏ nhoi miền biển này. Kỷ niệm như có đối tượng để được khơi lại, để được bộc phát, để được thấm thía một lần.
Hoàng bắt đầu kể chuyện.
***
Phục vụ trên Hải Vận Hạm 405 mới được hơn năm thì tôi được lệnh đổi lên bờ. Tôi là một trong những thằng cùng khoá bị đổi về bờ sớm nhất. Không khá được. Tất cả bạn bè đều còn ở hạm đội mà mình phải lên bờ. Lẻ loi, bơ vơ, lạc đàn. Thiệt tình lúc đó đang ở với ông hạm trưởng lé của tôi, hải quân Việt Nam duy nhất chỉ có một hạm trưởng lé, và tôi đang bị trù giống như thời tôi còn ở trong trường. Thuở đời nay, dưới tàu mà cũng bị cấm trại dài hạn, cho đến khi có lệnh mới. Nhưng tôi vẫn còn thích đi tàu, đi tàu như đi du lịch khỏi tốn tiền. Tàu cặp bến lúc nào cũng có bạn bè, vì chiếc nào cũng có bạn bè cùng khoá, pont cũng như cơ khí. Vả lại hồi xưa mình đâu có khí phách anh hùng, đâu có chọn tàu tuần dương miệt mài biển khơi, thì đâu gì phải lo. Tàu vận chuyển có hải hành nhiều lắm là bốn ngày bốn đêm liền, Sài Gòn- Đà Nẵng chẳng hạn, thì cũng cặp bến, có dịp ngắm nhìn người đẹp, có dịp say sưa.
Cầm cái công điện thuyên chuyển đã thấy bất mãn, mà lại thuyên chuyển về Tây Kết, Nha Trang, thì lại càng bất mãn hơn. Huấn luyện ở đó hai năm, hai năm tung tăng khắp phố phường, hang cùng ngõ hẻm đã nhàm chán rồi. Vậy mà bị đưa trả về đây. Lúc ra trường tất cả đã bàn giao cho khoá đàn em, cho con cái cháu chắt hết rồi, bây giờ đâu có đòi lại được. Hơn nữa tôi cũng sắp sửa hết còn độc thân, Lan và tôi đã làm lễ hỏi năm sáu tháng nay, sau chuyến chở hàng về Cần Thơ. Bởi vậy lúc vác sac marin vào Tây Kết tôi tự hứa không trở ra phố Nha Trang nữa. Rồi tôi được thảy xuống làm sĩ quan trực trung tâm hành quân. Chán chưa. Sĩ quan trưởng phiên trên tàu có lý hơn nhiều. Xung quanh mình còn có trời, mây, trăng, nước. Còn được ra lệnh, còn được làm hạm trưởng tạm thời. Trong “ca” có súp, hết “ca” có đồ nhai, sẵn trong carré sĩ quan. Trực trung tâm hành quân chỉ thấy bốn bức tường và khói thuốc. Lên “ca” mì gói, xuống “ca” vô câu lạc bộ và…cờ tướng, bi da. Cờ tướng và bi da như là nghề phụ của hầu hết sĩ quan trực trung tâm hành quân. Nhờ vậy tôi lại ăn chịu và quen thân với đại uý Biên, trưởng Phòng Một, một tay cầm cờ có hạng.
– Đại uý làm sao đưa tôi đi khỏi chỗ này. Tôi chán ở đây quá!
– Mày đi mất tay chơi sao? Còn mấy chỗ thiên hạ chê đó mày muốn đi thì đi. Deji, Sông Cầu chẳng hạn.
– Còn mấy duyên đoàn ở phía nam chi cha nội. Cam Ranh, Thanh Hải gì đó.
– Không dễ gì đổi vô đó đâu, tao đề nghị tư lệnh cũng bác, mày mới tới có mấy tháng.
Rốt cuộc rồi cũng có ngày tôi khăn gói lên đường đi Sông Cầu, Duyên Đoàn 23. Còn đỡ hơn Deji, Duyên Đoàn 21, duyên đoàn địa đầu Vùng 2 Duyên Hải.
Hồi ở đây ngày nào cũng mong đi, đến lúc đi lại thấy buồn buồn, tiếc tiếc. Chiếc fibro-ciment, loại ghe chỉ được chế tạo tại Hải Quân Công Xưởng Việt Nam, của duyên đoàn gửi về sửa chữa ở Cầu Đá đã xong và sẵn sàng chờ tôi tách bến. Ngày ra đi tôi đến từ giã đại uý Biên, ông ta còn gửi tôi một câu thòng:
– Hoàng, mày muốn được đổi về Sài Gòn không ? Nếu muốn thì ký tên vô đây để tao đề nghị mày về học tình báo. Ở đây cóc có tên nào chịu đi.
Tôi ký tên đại vào chỗ trống có đánh dấu. Đúng ra tôi chỉ muốn trở về Sài Gòn thôi. Học một khoá sáu tháng, mình như được đi phép sáu tháng, học một năm mình đi phép một năm. Chứ học tình báo thì tôi chưa biết có thích hay không. Chẳng lẽ lại đổi nghề à, nghề hải quân của mình nó cao đẹp nên thơ lắm, bỏ sao được. Thây kệ, tới đâu hay tới đó.
Tôi xuống ghe Duyên Đoàn 23 đi về Duyên Đoàn 23. Thủy thủ đoàn biết tôi mới đổi về đơn vị săn sóc tôi rất chu đáo, không như mấy đứa đoàn viên ở trung tâm hành quân, công việc ai nấy làm, mì gói ai nấy ăn, mình như quan không có lính.
Hai ngày một đêm thì ghe về đến bến. Vịnh Sông Cầu rộng lớn, sóng nước nhấp nhô trông như một mặt hồ hơn là mặt biển. Tôi ngạc nhiên thấy chiếc tàu chìm trong sông chứ tàu đâu chìm ngoài vịnh. Ống khói, cột cờ đài chỉ huy in bóng dài trong nắng chiều. Chỗ này như là chỗ đi câu lý tưởng, mà sao không thấy ghe tàu đánh cá, xứ gì lạ vậy. Tất cả như im lặng, không hoạt động.
Ghe cặp cầu, tôi ngạc nhiên thấy người đón tôi là trung uý Tám, em của thằng bạn cùng khoá, thằng Kiết. Tôi chào trung uý Tám, qua lại vài câu xã giao rồi lang thang theo hắn về trại. Duyên Đoàn nằm dọc theo Sông Cầu, từ cửa sông đổ ra vịnh có cái miếu thổ thần cho đến cây cầu sắt bắt ngang sông của quốc lộ 1. Một bãi cát dài chỉ thấy một nhà kho, và một nhà tiền chế trống trơn không có vách. Nhiều lô cốt phòng thủ vòng đai dọc theo bờ sông có kéo mấy lớp kẽm gai tròn.
Lội cát một khoảng đừ người mới đến câu lạc bộ, cư xá hạ sĩ quan và đoàn viên, rồi đến khu sĩ quan và cố vấn Mỹ. Tôi bỏ đồ đạc vào phòng rồi xuống câu lạc bộ sĩ quan, Hội Trùng Dương, một cái nhà sàn ngó ra dòng sông. Trung uý Định cùng khoá với ông Tám, khoá 15, làm chỉ huy phó. Ông Tuấn, cũng trung uý, khoá 14, làm chỉ huy trưởng. Ai cũng trung uý hết, chỉ có tôi là thiếu uý, khoá 17. Mà sao không có đại uý? Tôi đến đúng vào giờ cơm nên nhảy vô nhập tiệc luôn. Tất cả đều độc thân, chỉ có ông Định là có gia đình, vợ mới cưới, chưa con cái và có nhà riêng ở ngoài phố. Cơm nước xong xuôi còn lại tôi và ông Tám, ông nói nhỏ cho tôi biết chỉ huy trưởng của mình là em của một ông tướng ở Sài Gòn. Vậy sao, hèn chi ổng mới trung uý đã nắm chỉ huy trưởng rồi. Tôi thấy mình như Tôn Tẩn bắt được cây Hạnh Huỳnh Kỳ. Bảo đảm lần thuyên chuyển này sẽ không đến đỗi.
Sĩ quan ăn uống khỏi tốn tiền lại có đầu bếp giỏi, trung sĩ Ngô. Dọn đẹp phòng ốc, giường nệm và giặt ủi quần áo có hạ sĩ Nhánh. Còn đòi hỏi gì nữa. Tôi được chỉ định làm sĩ quan kỹ thuật, coi việc bảo trì sữa chữa máy móc tàu bè, kiêm sĩ quan chiến tranh chính trị, lo việc phát thực phẩm, áo quần cũ, thuốc men, quà tâm lý chiến nói chung cho dân nghèo.
Việc hành quân tuần tiễu do mấy ông lớn lo hết vì tôi chưa có kinh nghiệm chiến trường. Còn gì phải đòi hỏi. Cố vấn Mỹ có đại uý Pine, trung úy Alexander, và trung sĩ Mập, hắn ta mập và thích được kêu như vậy. Đại uý Pine và trung sĩ Mập nói tiếng Việt khá lắm. Biết chửi thề văng tục. Không biết ai dạy, thâu băng cho tụi nó, tối ngày cứ nghe tape, thực tập rồi phát ngôn bừa bãi, rồi cười.
Tôi ở được ba tuần, chân ướt chân ráo thì đến ngày xin phép về Mỹ Tho cưới vợ. Ông bà già vợ nghe nói phải đi ra tận miền trung thì ngại lắm. Nhưng con gái lấy chồng thì phải theo chồng, đâu có cản được. Ngày ra đi bà già khóc sướt mướt làm như tôi đưa con bà đi tới chỗ chó ăn đá gà ăn muối, làm công lên chuyện xuống gì nhọc nhằn lắm vậy. Tôi phải trấn an Lan vì Lan cũng chưa lần nào ra trung. Ngoài ấy sống được lắm em khỏi phải lo gì ráo trọi, tôi nói như thế. Đây cũng có lẽ là lần đầu tiên Lan có dịp đi Air Việt Nam. Đáp xuống phi trường Tuy Hoà xong, hai đứa tôi đón xe về Sông Cầu.
Đây cũng là dịp đầu tiên cho tôi được đi đường bộ vùng này, thường hải quân phải đi đường sông đường biển, nhưng mấy ai dẫn vợ đi tàu, vừa lâu vừa bất tiện. Đường miền trung lên đèo xuống vịnh, ngoằn ngoèo trong núi, mù tít trong rừng. Nhiều đoạn di chuyển thật chậm, theo toán rà mìn của lính Mỹ, lính Đại Hàn. Mệt mỏi rồi cũng đến nơi. Phòng ở độc thân của tôi thành phòng có gia đình. Cũng không sao, kéo thêm tấm rideau cho kín đáo một chút. Bên mặt là ông Tuấn, bên trái là ông Tám, ai cũng muốn giành căn bìa, hai đứa tôi phải ở căn giữa. Lan cũng nhảy vô carré sĩ quan ăn chùa, tạo thêm đề tài cho ông Tám, ông Tuấn. Bữa ăn nào cũng vậy, ít khi kết thúc sớm.
– Rồi, bữa nay ông Hoàng chọn ngồi phía này đặng để dễ dàng ngó qua phía đầu cầu bên kia rồi.
– Ngó qua bên đó rồi sao?
– Bà này làm bộ ngây thơ nữa. Bà không biết bên đó có cái quán nước hả. Cô chủ quán coi cũng được lắm nghe, hồi bà chưa ra cổ để ý ông Hoàng dữ lắm đó.

– Không biết để ý ông Hoàng hay ông Tám đây, cái gì cũng đổ cho ông Hoàng hết chắc có ngày nồi cơm bị bể.
– Chỉ huy trưởng nói vừa vừa thôi.

– Cái bà này hiền khô, tui chịu cái tánh bà bình dân. Người đẹp phải đẹp cả thể xác lẫn tâm hồn. Tui không ưa cái thứ son phấn ỏng ẹo.
Khỏi cần giải thích tụi tôi cũng biết ông Tám muốn nói xiên nói xỏ bà Định, và cũng có lẽ tại vì ông Định là bạn cùng khoá mà lại trên quyền. Cơm nước sẵn ngày ba bữa sáng trưa chiều, còn bữa tối đôi khi tụi tôi phải làm lấy khi trung sĩ Ngô không ở trong trại. Gà vịt thì nuôi sẵn bên chuồng, cá cua, tôm hùm thì rộng sẵn dưới sông muốn ăn lúc nào cũng có. Đặc biệt tôm hùm, mấy đứa có nghề lặn được giao nhiệm vụ đi bắt tôm hùm cho chỉ huy trưởng. Mỗi ngày. Vậy mà lớp ăn lớp cho cũng hết. Không lần nào về Nhà Trang họp mà ông Tuấn không mang theo tôm hùm. Tôm hùm vừa cỡ ăn mới ngon, nhiều con lớn quá, “tôm biết nói” bằng bắp đùi trở lên thì bị chê, không ai thèm ăn. Trung sĩ Ngô nấu mấy món ăn kiểu Tây thì hết sẩy, có điều ai cũng phàn nàn là bánh mì Sông Cầu sao mà cứng quá, hình như chỉ làm toàn bột gạo.
Vài tuần sau ông Định tổ chức đi biển. Hải quân tổ chức đi biển thì chỉ có đi đảo hoang, bãi hoang chưa người đặt chân tới. Vậy mới thú, vậy mới thần tiên tưởng như mình là chúa đảo. Rau sống bánh tráng làm sẵn ở nhà mang theo, bia lạnh đã vô thùng đá. Mấy thằng em thì quá rành với việc đánh cá bằng chất nổ, bởi vậy phải kiếm chỗ hoang vắng. Phải lựa bầy cá thật nhiều thật to mới làm một phát. Một trái lựu đạn MK3 là cá chết ngập mắc cá chân, cá đuôi đỏ. Xúc lên ghe vài thùng nướng liền tại chỗ, cá tươi ngọt làm sao! Lần này đi có thêm vợ chồng đại uý Be, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh, vợ chồng ông Thân, trưởng chi quan thuế.
Tháng sau ông Định bỗng nhiên được lệnh đổi về Nha Trang. Tôi mới tới, ông Định lại đổi đi, rồi sẽ có sĩ quan thay thế, hình như ở trong hải quân không ai được ở yên một chỗ. Ông Tám lên làm chỉ huy phó, tôi làm sĩ quan đệ tam tuy nhiên công việc của tôi cũng không có gì thay đổi, tôi cũng chưa có kinh nghiệm chiến trường. Vợ chồng ông Định đi, nhường lại vợ chồng tôi căn nhà ngoài phố. Tưởng là thuê là mướn gì ai dè cũng ở không. Cư xá của quan thuế, cư xá của ông bà Thân, một dãy nhà gạch năm căn. Nhân viên quan thuế không ai thiếu chỗ ở nên cư xá được nhường cho các quân binh chủng bạn, hải quân, cảnh sát, pháo binh…ông bà Thân ở cái nhà giữa lớn như cái dinh, có sân cờ, có cổng vào hẳn hòi. Đối diện với khu quan thuế bên kia đường là nhà của ông bà đại uý Be, Lan có thêm bạn để trò chuyện, đi qua đi lại cũng gần.
Lúc này vào dạo hè, dân miền núi hay xuống miền biển nghỉ mát. Cô Bộ, em bà Be cũng từ Kontum xuống Sông Cầu thăm chị, ở chơi vài tuần trước khi nhập học. Lan lại có thêm bạn bè nữa để trò chuyện. Ngang ngang tuổi, cô Bộ và Lan thân nhau ngay. Đặc biệt hơn, sau mấy lần tiệc tùng tại nhà ông bà Be, ông Tuấn lại có cảm tình với cô Bộ. Phen này anh chàng hết dám chọc mình rồi, chọc mình mình chọc lại. Nói vậy chứ ổng là chỉ huy trưởng của một đơn vị, chuyện tình cảm lúc nào cũng kín đáo, dè dặt. Ông Tuấn không bị chọc mà ông Tám lại bị kẹt làm đề tài:
– Ông Tuấn bây giờ có nơi có chỗ rồi, giờ chỉ còn mình ông thôi, kiếm một người nào gần đây, khỏi phải đi Tuy Hoà chi cho xa…Cô bán gạo dưới chợ coi cũng được lắm đó, trung uý.
– Thôi đi ông bà ơi, để tôi chịu khó đi xa một chút. Ở đây không được đâu, mang tiếng chết. Chỗ này nhỏ, có gì một chút thiên hạ đồn rùm beng lên, khó làm việc lắm.
– Rồi chừng nào cho ăn đám cưới đây. Lúc này thấy ông đi Tuy Hoà đều đều, đi hai ba bữa mới về.
– Đi như ” đi giải độc ” vậy thôi, vợ con gì, cưới hỏi gì.
Rồi cô Bộ và ông Tuấn càng lúc càng khắn khít. Nhanh thiệt. Cô Bộ muốn ông Tuấn về Kontum một lần cho biết nhà, biết gia đình. Nhưng chưa biết làm sao ngõ lời. Ngày về cũng gần, không thể bỏ lỡ dịp may. Rồi không biết ai đề nghị, cô Bộ và Lan về Kontum trước, ông Tuấn và tôi hai tuần nữa sẽ lên sau. Gặp lúc đi họp, ông Tuấn đưa cô Bộ và Lan đi Qui Nhơn ở một đêm rồi sáng hôm sau mới ra bến xe đò về Kontum. Tôi có bàn với Lan, đi như vậy em có làm cản trở tay chân người ta không. Lan bảo cô Bộ không muốn đi một mình với ông Tuấn, mà ông Tuấn cũng không muốn như vậy. Cũng được, mình có dịp đi phép về miền núi. Đến chừng đi họp về, ông Tuấn đổi ý không đi Kontum vì bận lo công vụ, nhiều kế hoạch hành quân mới của vùng vừa đưa ra, phải chuẩn bị thi hành. Sẽ có thêm sĩ quan bổ nhiệm về đây. Tôi phải đi Quy Nhơn rồi Kontum một mình để đón Lan về. Lần đầu tiên qua đèo An Khê, lần đầu tiên đi qua Pleiku, lầu tiên đến Kontum. Cũng may, ba của cô Bộ làm xếp ở văn phòng Air Việt Nam nên tôi cũng dễ tìm một chút. Cô Bộ cũng buồn, khóc, trách ông Tuấn quá chừng khi thấy tôi đến có một mình. Chẳng làm sao khác hơn. Lan và tôi được dịp đi thăm thành phố có cái nắng chang chang nhưng lạnh lạnh nầy. Còn nhớ chợ Kontum, còn nhớ dòng sông Đáp La, còn nhớ ký túc xá Bok Kiom, và còn nhớ những làng thượng và những mồ mả có hàng rào cây tạc hình đầu người. Rồi phút chia tay cũng đến, ai muốn gửi lời thăm, lời nhắn nhủ, lời dặn dò. Hẹn rồi sẽ có ngày gặp nhau. Hẹn rồi sẽ thư từ qua lại. Chúc tụng nhau những gì thật ân cần, thật tốt đẹp…Đến Quy Nhơn thì trời cũng về chiều. Còn chuyến xe lam cuối cùng về Sông Cầu. Tôi hỏi lại cho chắc:
– Liệu có về kịp không bác tài ?
– Kịp mà.
Không ngờ gặp chiếc xe chạy như rùa bò, chạy hoài không thấy tới đâu hết. Mặt trời chếch bóng, rồi mặt trời lặn. Vài ánh nắng chiếu thoi thóp. Không cách gì về kịp, phải chiếc xe khác thì chắc đã tới mất tiêu rồi. Hành khách đã xuống hết dọc đường, chỉ còn hai đứa tôi ngồi bó gối, chẳng biết làm gì hơn. Trời một lúc một tối thêm, xe bật đèn, chạy được một lúc thì ngừng lại cạnh cái quán cóc bên đường.
– Mời cô bác xuống xe.
– Sao vậy? Chưa tới mà.
– Không đi được nữa, đi đêm đoạn này nguy hiểm lắm. Ngủ lại đây.
– Ngủ chỗ này sao được, tụi này đâu có quen ai ở đây. Đây là đâu rồi?
– Tuy Luật Hoà.
Chưa từng nghe qua, chưa từng biết tới. Sao có chuyện này được, bác tài này ác vừa vừa thôi chứ. Tụi tôi chần chờ chưa chịu xuống, thì hắn ta tiếp luôn:
– Muốn đi theo tôi thì đi, ở đây thị tứ còn đỡ chứ theo tôi thì càng nguy hơn.
Chẳng lẽ thằng cha này là Việt Cộng nằm vùng, là giao liên thành phố cũng không chừng. Chúm được mình thì lập công to với bác và đảng rồi. Không được, tôi kéo Lan xuống xe, vào quán kêu nước uống nghỉ trước và hỏi thăm tình hình sau. Tuy Luật Hoà, Tuy Luật Hoà là đâu? Chiếc xe lam chạy theo quốc lộ 1 một đỗi rồi quẹo về phía biển mất dạng. Gặp thằng Mỹ làm hãng thầu RMK, hắn hiểu hoàn cảnh và mời hai đứa tôi về chỗ nó ở, ngủ qua đêm. Đâu có được, cũng đâu có tin thằng Mỹ này được. Cám ơn lòng tốt của nó, tôi còn Lan, còn vợ con phải bảo vệ. Phải nhờ bà chủ quán chỉ đường vô văn phòng xã. Khỏi phải lo, chờ một chút, chờ thằng Mỹ về, đóng cửa quán rồi đi luôn.
Từ quốc lộ vô xã cũng xa, băng qua mấy nhà kho của Mỹ và một đơn vị Đại Hàn. Tại văn phòng xã anh em Nhân Dân Tự Vệ súng ống hẳn hoi, đang tập họp để chuẩn bị phân toán đi canh, đi kích. Ai cũng từ chối khéo. Nước cùng tôi vọt miệng nói với người trưởng toán:
– Thôi, làm ơn cho tụi tui ngủ tại văn phòng xã này đi.

– Không được đâu, tôi khoá cửa và về ngay bây giờ. À, đâu để tôi dẫn chú em lại nhà thím Ba coi.
Bây giờ đi đâu cũng được, tới đâu tính tới đó, hy vọng gặp hên. Thêm một đỗi quanh quanh quẹo quẹo trong xóm, chúng tôi đến một dãy nhà lá cất rời nhau từng cái một, nhưng cái này khít khít cái kia như thiếu đất.

– Thím Ba ơi!
– Ai đó.
– Tui đây.
Nghe tiếng người quen thím Ba mở cửa, cánh cửa bằng lá được đẩy lên trần, cửa mở như kiểu mở cửa garage. Người đàn ông phân trần hoàn cảnh thay cho hai đứa tôi. Thím Ba hiểu ý trả lời:
– Cũng được.
Ngọn đèn dầu không đủ sáng, leo loét soi mờ khắp căn nhà như có một phòng. Phòng khách có cái bàn và mấy cái ghế, phòng ngủ có cái giường phía bên kia, phòng ăn nhà bếp thì cũng có mấy ông táo nằm đó. Vậy rồi phòng khách đâu, mình ngủ ở đâu. Thím Ba chỉ cho cái ghế bố để dựa bên vách. Mới bước vào nhà là đã nghe mùi đàn bà đẻ rồi nhưng chưa dám chắc, đến lúc thấy bộ đi đứng của thím Ba như học trò lễ mới biết là mới sanh, non ngày non tháng. Tôi nhảy lại bê cái ghế bố trải ra gọn gàng như của mình. Cái ghế bố nặng quá chừng mà không thấy gì mệt nhọc. Thím Ba lấy đưa cho tôi một cái mền rồi chun vô mùng với đứa nhỏ chẳng nói tiếng nào.
– Chị muốn tắt đèn hay để đèn.
– Chú muốn tắt cũng được.
Đàn bà ở một mình, chắc thím Ba để đèn sáng đêm, bữa nay có khách khỏi phải lo. Tôi thổi đèn, bóng đêm chợt phủ trùm, đen như mực. Mò mẫm lại ghế bố nằm, tôi tung mền đắp bít chân bít đầu cho cả hai. Tôi biết Lan muốn trách tôi tại sao không ở lại đêm ở Qui Nhơn để khỏi phải gặp cảnh trắc trở như vầy, nhưng nàng không nói được. Bây giờ phải im lặng và ngủ thôi, làm ồn ào con thím Ba thức thì lại càng không ổn. Nói vậy mà nửa đêm thức giấc hai đứa thì thào và làm đủ trò trong chăn mà chẳng thấy thằng nhỏ giật mình.
Tờ mờ sáng thức dậy, không cần đánh răng rửa mặt, cám ơn thím Ba rối rít đặng đi về. Thím Ba cũng ừ hử ở trong mùng mà không thèm bước xuống đất. Cửa không khoá, mở lên xập xuống là hai đứa đã bước vào với thiên nhiên, không khí trong lành của buổi sáng. Cứ theo con đường duy nhất của xóm mà đi thì gặp đường cái, rồi theo đường cái ra quốc lộ 1. Bây giờ mới có dịp nhìn lại cảnh vật hai bên đường đêm rồi mình đã đi qua. Tất cả như khác lạ. Ra đến quán thì thấy mấy chiếc xe lam chạy sớm đã đậu thành hàng. Chỗ này lại là bến xe. Hai đứa nhảy lên chiếc đậu đằng trước. Bác tài chờ khoảng mười phút không thấy ai nữa thì rồ máy chạy. Không ngờ từ Luật Tuy Hoà xuống Sông Cầu đâu có xa, gặp chiếc xe chạy như gió. Về ngang duyên đoàn chưa đến tám giờ, chưa đến giờ làm việc, Lan và tôi về nhà tiếp tục ngủ. Chuyện ” báo cáo tình hình Kontum” cho ông Tuấn hạ hồi phân giải, thiếu chút nữa bị thiên hạ bắt cóc rồi.
Một tháng sau chuẩn uý Tâm đổi tới đơn vị. Tâm còn trẻ, ít nói, lại không ưa hải quân, bảo là bị hải quân bạc đãi. Từ Thủ Đức chuyển sang, không được mang danh hiệu hải quân trung uý, hải quân thiếu uý như các sĩ quan xuất thân từ trường hải quân, mà gọi là chuẩn uý chiến binh. Tôi có trách nhiệm hướng dẫn và bàn giao chức vụ sĩ quan kỹ thuật và chiến tranh chính trị cho Tâm.
Tôi làm một lần phát quà lớn và dẫn Tâm đi theo. Khu phát quà nằm dưới miệt Gành Đỏ, khu nổi tiếng có nhiều Việt Cộng. Nhân viên Ban Hai cũng thừa cơ hội này đi theo để dò la tin tức. Sĩ quan có trung uý Alexander, Tâm, và tôi, hạ sĩ quan có trung sĩ nhất Dương, phụ tá ban chiến tranh chính trị, trung sĩ Ninh y tá, và một số thủy thủ đoàn.
Quà cáp chuyến này mang theo gấp đôi số lượng. Tất cả dồn lên chiếc “chủ lực” , loại ghe lớn của hải quân. Vừa vào vịnh đã thấy một bãi cát thật dài, rồi cát và rau muống biển xen lẫn nhau trông như một đồng cỏ xanh bao là, xa tít. Đến bìa rừng mới có tàn cây bóng mát, có lẽ vì vậy mà không ai cất nhà ngoài bãi trống này. Dương và tôi đến trụ ấp trước tiên, một ngôi nhà lá lụp xụp vừng ba phía vách để trống mặt tiền, bên trong kê một cái bàn và mấy cái ghế lỏng chỏng. Nhân viên Ban Hai mới lên đã phân tán mỏng vào xóm, hình như tụi nó đã từng ăn dầm nằm dề ở đây. Đường ngang đường dọc, hẻm hóc chằng chịt trong buội lá rừng cây.
Dân chúng tề tựu về trụ sở ấp càng lúc càng đông. Quà tâm lý chiến cất lên xong thì ông trưởng ấp cũng chỉ thị ông “tà la”, mang ống loa đi phát động khắp vùng. Ông tà la đi theo đường mòn lên xóm trên, vừa khuất dạng được một lúc thì nghe một loạt đạn nổ, tôi hỏi:
– Cái gì vậy Dương, ai nổ súng mà chưa có lệnh vậy?
– Dạ, chắc không có gì lạ đâu.
– AK nổ đó thiếu uý, không phải mấy thằng em mình đâu.
Tôi cũng chưa rõ tiếng súng AK khác với tiếng súng M16 của mình ra sao. Chưa nghe loạt thứ hai, chưa biết được, tôi bảo:
– Sao chỗ này kỳ vậy Dương. Anh kêu gọi anh em tập họp hết về đây cho tôi ngay.
Nhìn đi nhìn lại chỉ có Dương, Ninh, và ba thủy thủ lẫn lộn trong đám dân, còn bao nhiêu đi đâu mất hết. Tôi có linh tính như đi chuyến này không yên. Hai lần trước phát quà vùng Từ Nham, Cù Mông thật là tốt đẹp. Xong việc rồi còn tiệc tùng với dân trong ấp. Còn nhớ món gỏi cá đặc biệt, những ngôi nhà xây bằng đá ong và người dân hiền lành chất phác…
Ông tà la chạy như chạy cà nhắc trở về trụ sở ấp, không phải chân mà tay, cánh tay trái ôm cánh tay phải xụi lơ, không cử động. Máu me thắm đỏ lằn vải đen, nhăn nhó:
– Du kích về nữa rồi, tôi bị bắn sẻ.
Ninh để ông tà la ngồi xuống ghế, băng bó vết thương, đạn đi giữa bắp tay trên, chắc trúng xương. Mấy thằng em nghe tiếng nổ cũng đã tự động quy tụ về, M16 lên đạn nghe lách cách. Tôi cũng rút khẩu Colt 45 lên đạn.
– Còn chuẩn uý Tâm và trung uý Mỹ đâu?
– Chưa thấy lên, chắc đang đi giữa đường.
– Dương, kêu anh em rút ra bãi thôi. Mình không rành địa thế, ở đây bất lợi.
– Thiếu uý đi trước, tôi cho tụi nó sắp xếp đồ đạc rồi tôi đi sau.
Ông tà la, Ninh, và vài ba đứa nữa theo tôi, còn phần đông ở lại với Dương. Gần đến bãi mới gặp Tâm và Alexander. Alexander thấy ông tà la bị thương, mặt mày tái dần. Hắn im lặng rút khẩu Colt 45 lên đạn sẵn rồi để vô bao trở lại. Tôi yêu cầu nó gọi trực thăng tải thương. Nó làm nhiệm vụ và cho biết trực thăng sẽ đến trong vòng hai mươi phút. Bây giờ mình phải chọn bãi đáp và bảo vệ bãi đáp. Bãi cát trống này đáp đâu chẳng được, tầm đạn Việt Cộng trong bìa rừng cũng bắn không tới. Chuyện này dễ. Ông tà la được để lên băng ca lúc nào tôi không hay, sắc mặt biến đổi, mất hết thần khí. Dương và đám nhân viên còn lại khệ nệ khiêng mấy bao bột mì, mấy bành quần áo cũ trở ra bãi. Tôi cằn nhằn:
– Bỏ cha nó trong đó cho rồi, khiêng tới khiêng lui chi cho mệt.
– Để dành cho chuyến tới thiếu uý, khỏi phải báo cáo tổn thất.
Tôi kêu Dương sắp xếp nhân viên làm vòng đai phòng thủ cho bãi đáp. Hơn hai mươi phút rồi không thấy máy bay. Alexander check lại mới biết hai mươi phút nữa, tình trạng này chỉ nằm ưu tiên hai. Hai mươi phút nữa rồi cũng đến. Khói màu thả lên làm hiệu. Trực thăng lượn một Voòng rồi đáp xuống, băng ca đưa vào, bốc lên bay đi lập tức. Trong khoảnh khắc dồn dập này tôi bất thần nhìn ra biển thấy ghe duyên đoàn xuất hiện chạy ào ào vào vịnh, một chiếc, hai chiếc, năm chiếc. Rồi hình như cả hải đội của duyên đoàn. Sao có chuyện gì kỳ lạ vậy. Phút chốc đoàn chiến đỉnh vào tới nơi. Quan, lính nhảy xuống nước, súng dơ ngang đỉnh đầu lội vào, đổ bộ. Đổ bộ như trong phim The longest Day. Tôi lội ra tiếp ông Tuấn và đại uý Pine.
– Sao commandant xuống đây?
– Thì chuẩn uý Tâm báo cáo anh đang đụng Việt Cộng, đang kẹt giữa đường, tiến vô đất liền không được mà rút ra bãi cũng không xong.
Bây giờ tôi mới để ý là không thấy chuẩn uý Tâm ở đâu hết. Không ngờ nó lội ra ghe còn lên máy báo cáo bậy bạ. Đến giờ cũng chưa thấy ló đầu ra. Tôi giận:
– Tôi đâu có ra lệnh cho nó làm cái gì đâu. Cái thằng ..này.
Tôi tường thuật mọi sự cho ông Tuấn, chuyện cũng chẳng có gì là quan trọng. Ông Tuấn cũng đã hiểu rồi, thằng Tâm đã báo cáo lại nhưng lỡ đi rồi nên xuống đây luôn. Đại uý Pine, trước khi đi lại tiếp chuyện với Alexander, rồi đến bắt tay tôi mĩm cười:
– Đây là một kinh nghiệm tốt cho thiếu uý.
Tôi mím môi gật đầu.
Chuẩn uý Tâm bắt đầu đảm nhiệm chức vụ sĩ quan kỹ thuật và chiến tranh chính trị, còn tôi bắt đầu tham gia vấn đề hành quân tuần tiễu. Một vài lần kích đêm trong vịnh khi có tin tình báo cho biết Việt Cộng bè vũ khí từ biển lên núi. Đại uý Pine cũng thích đi kích với tôi, hắn lại thích trực ca khuya để nhìn starlight-scope, vũ khí mới, mới trang bị cho duyên đoàn. Chưa có lần nào tôi bắt được bè.
Phần hành quân của tôi không gì trở ngại lắm, chỉ thỉnh thoảng bỏ Lan ngủ một mình. Nhưng phần chiến tranh chính trị của Tâm thì không ổn chút nào. Chuyện gì thằng Dương cũng lên báo cáo với tôi mà coi chuẩn uý Tâm như không có. Tôi rầy hoài cũng vậy. Tôi như đứng giữa giải thích cho hai đứa biết thế nào là truyền thống, là trách nhiệm bổn phận. Và có lần tôi đề nghị với ông Tuấn cho hai đứa làm hai ngành khác nhau. Ông Tuấn nói để coi lại, rồi chần chờ cũng chưa có gì thay đổi.
Cho đến tối Thanksgiving, trong lúc ông Tuấn và đại uý Pine đi họp, ông Tám đi chơi ở Tuy Hoà, Lan và tôi trên đường vào trại vì tình hình lúc rày hơi động, không dám ngủ ngoài. Vừa bước ngang cửa câu lạc bộ hạ sĩ quan và đoàn viên thì nghe mấy tiếng súng nổ chát chúa bên trong. Tôi bảo Lan về phòng trước để tôi bước vào xem sao. Thằng Tâm bắn thằng Dương, có ba phát trúng vô người. Một vô bụng, một vô bắp đùi, và một vô bắp chân. Dễ sợ chưa. Thẳng Tâm chạy biến đâu mất, đám hạ sĩ quan nóng lòng bạn, đòi kiếm thằng Tâm trả thù. Tôi hết hồn kêu ông thượng sĩ quản đội trưởng tập họp tất cả nhân viên ra tuốt ngoài nhà tiền chế chờ lệnh. Vợ thằng Dương và mấy bà trong cư xá hạ sĩ quan túa ra, lớp khóc, lớp la, lớp chửi. Alexander có mặt tại đó chạy đi kêu trực thăng.
Tôi hỏi Ninh câu chuyện đầu đuôi ra sao, Ninh trả lời:
– Tụi tôi đang nhậu thì chuẩn uý Tâm và trung uý Mỹ đến cho biết sẽ chiếu phim cho anh chị em coi. Thằng Dương phản đối chuẩn uý Tâm nói đi chỗ khác chiếu phim, chỗ này là chỗ nhậu. Tắt đèn đổ rượu vào lổ mũi sao. Chuẩn uý Tâm bỏ đi, không ngờ một lúc sau ổng trở lại với cây Colt và bảo thằng Dương, tôi ra lệnh cho anh đi chỗ khác nhậu, chỗ này là chỗ chiếu phim. Thằng Dương đứng dậy nói, chuẩn uý muốn bắn tôi hả, rồi dang hai tay banh ngực, nè chuẩn uý bắn tôi đi. Chuẩn uý Tâm lên đạn nói, anh bước thêm một bước nữa là tôi bắn. Thằng Dương bước tới là ổng bắn.
Tôi bước lại băng ca kéo mền coi vết thương rồi đắp lại cho Dương. Máu ra nhiều quá, Dương run rẩy thì thào:
– Tôi lạnh quá thiếu uý.
Trực thăng tới tức thì và anh em phụ đưa băng ca ra ngay. Vợ thằng Dương trao thằng nhỏ trên tay cho bà đứng kế bên, leo lên trực thăng theo chồng. Viên đạn vô bụng thấp quá, sợ trúng bọng đái, khó sống.
Tôi trở về khu sĩ quan tìm thằng Tâm, chẳng thấy nó trong phòng. Chạy qua khu cố vấn Mỹ thấy nó trong phòng trung sĩ Mập. Tôi chưa có câu nào thuận tiện để nói. Tôi im lặng thì Tâm mở lời:
– Thiếu uý, tôi không hiểu làm sao tôi lại hành động ngu dại như vậy. Cuộc đời tôi coi như đã tàn.
Chuyện lỡ xảy ra rồi, không thể kéo lại được. Hãy nghĩ chuyện sắp đến thôi. Hy vọng thằng Dương không sao. Mình lo trấn an tụi lính và chờ chỉ huy trưởng về mới tính được.
Tâm bỗng nhiên nhảy lại chụp cây M16 treo trên vách ôm vào lòng. Tôi vọt miệng:
– Tâm, anh làm gì vậy ?
– Tôi phải có cây súng mới được, thiếu uý. Tôi phải bảo vệ tôi.
– Anh ở đây là an toàn rồi. Tôi không để ai hại anh đâu.
Trung sĩ Mập tiến lại từ tốn:
– Đưa nó cho tôi, làm ơn.
Tâm biết mình không thể giữ súng của người khác được, trù trừ một lúc rồi đưa súng cho thằng Mập, rồi ôm mặt khóc. Cũng may lúc đó ông Tám ở đâu bang bang về. Tôi mừng hết sức, nói cho ông biết sơ sơ câu chuyện và điều quan trọng là đám lính vẫn còn tập họp ngoài nhà tiền chế.
– Được rồi, để tôi lo.
Đêm đó ai cũng ngủ một đêm phập phồng. Sáng sớm hôm sau ông Tuấn và đại uý Pine về đơn vị. Tôi để ông Tám báo cáo hết mọi việc xảy ra. Tôi chuẩn bị đi Qui Nhơn thăm thằng Dương. Không ngờ nó còn sống, còn nói đùa với tôi vài câu. Bác sĩ giải phẩu cũng lẹ, chai nước biển vẫn còn treo, dây nhợ chằng chịt. Tôi mừng cho nó, cho gia đình vợ con nó. Tôi bảo tôi sẽ còn ra thăm nó nữa và tôi phải trở về Sông Cầu trong ngày.
Tôi lại đi thăm thằng Tâm, đang bị nhốt ở nhà giam của ban quân cảnh tư pháp. Tôi cho nó biết thằng Dương chưa chết. Nó nhắn tôi làm sao cho gia đình nó hay và biên cho tôi địa chỉ ở khu Hàng Xanh, Gia Định. Tôi hứa tôi sẽ làm điều này cho nó.
Tuần sau, thêm một vụ làm chấn động dư luận nữa. Một nhân viên của duyên đoàn đi ngủ đêm với gái điếm, không hiểu vì tư thù hay vì Việt Cộng, bị ném lựu đạn vô phòng nổ banh xác. Đâu ngờ cái quận lỵ nhỏ nhoi này cũng có gái điếm. Rồi vợ con nó từ Sài Gòn cơm ghe bè bạn ra hốt xương chồng, khóc kể đủ điều. Ông Tuấn cũng rầu thúi ruột.
Hai vụ khủng hoảng liên tiếp làm tinh thần binh sĩ trong duyên đoàn xuống dốc. Đi đâu cũng thấy tụm năm tụm ba bàn tán, không ai muốn làm việc. Cái thời vàng son như đã qua, những ngày êm đềm như đã mất. Ông Tuấn có ý định xin đổi đi chỗ khác. Nhưng tôi lại đi trước ông Tuấn, tôi có lệnh đổi về trường Cây Mai học lớp tình báo. Tôi mừng, Lan cũng mừng. Mình ra đi cũng vừa đúng lúc.
Tiệc tiễn đưa tụi tôi cũng đủ mặt bạn bè. Ai cũng chúc may mắn, thành công. Còn nhớ ông Tuấn cho tiền mua vé máy bay, ông bà Thân cho ba cái áo len, một cho Lan, một cho tôi, và một cho đứa bé trong bụng. Lan có bầu ba tháng. Ngày đi Lan và tôi còn ra Miếu Thổ Thần cúng vái giã từ, cũng như hồi tụi tôi mới tới. Cầu nguyện cho Duyên Đoàn, cho những người ở lại được bình yên.
Hai đứa đi xe đò về Nha Trang rồi mới đáp Air Việt Nam về Sài Gòn. Phải cho Lan biết Nha Trang, nơi mà hầu hết sĩ quan hải quân truyền thống đã được đào tạo. Cứ nghĩ như không còn dịp nào để trở lại miền trung. Mà thật đúng như vậy. Mấy năm trước 75 còn gặp thiếu tá Tuấn, cũng còn độc thân, đổi về làm trưởng phòng Tâm Lý Chiến ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Rồi nghe đâu ông đổi về làm chỉ huy trưởng “chấm” một Task-Force thuộc lực lượng trung ương, trong vùng Tuyên Nhơn, Đồng Tháp Mười. Còn gặp vợ chồng đại uý Định và ba bốn con nhỏ ở Bình Thủy, Cần Thơ trên đường thuyên chuyển về lực lượng thủy bộ, Năm Căn, Cà Mau. Còn gặp lại ông Tám, một nhóc tì và vợ mang bụng bầu ở trại Fort Chaffee, Arkansas. Có lẽ không bao giờ gặp lại thằng Tâm, cô Bộ, ông bà Be, ông bà Thân. Cũng không bao giờ gặp lại đám cố vấn Mỹ…
Cho Lan, cho tôi, sáu tháng Sông Cầu như hai mươi bốn tuần trăng mật. Tình nào đẹp cho bằng tình mới cưới…
***
– Đáng lý ra em phải gọi anh bằng chú, ba em, ông Thân như anh kể đó, bây giờ sa sút lắm rồi. Ba em phải xuống ghe đi đánh cá mà sống qua ngày.
Hoàng nhìn Nghề, trố mắt, con của ông bà Thân? Không lẽ thằng nhóc chạy lững cững đó bây giờ lớn như vầy. Hoàng chợt nói như đang mơ:
– Phải thật em là con của anh chị Thân không ? Ở Sông Cầu chỉ có một ông Thân quan thuế thôi.
– Ba em đó.
– Có hai đứa con, một trai một gái.
– Bốn đứa lận, hai trai hai gái. Hai đứa nữa chắc anh không biết đâu.
Chuông điện thoại bỗng reo vang. Nghề vội vã tiếp:
– Vợ em kêu nữa rồi. Anh nói là em mới rời đây chừng năm phút. Thôi em về, dịp nào em sẽ mời anh chị lại nhà chơi. Trời, bốn giờ sáng rồi.

Nguyễn Tấn Hưng
1988
Trích Văn số 71, tháng 5-1988