20 January 2018

CHIA TAY - Hồ Đình Nghiêm


Montreal snow scene
Darlene Young


Sáng nay trời ửng chút nắng. Nhiệt độ leo lên được con số 3, độ C. Nàng Bạch Tuyết mới làm tình làm tội phủ ngập người mà giờ này lại cựa mình, bắt đầu tan chảy, tựa niềm vui hiếm thấy, chẳng mấy khi gặp. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ? Câu này đúng mấy phần, sai bao dặm? Chớ thắc mắc. Chỉ nên tin vào thống kê người ta cất công nghiên cứu: Ngoại cảnh u sầu ám nặng trong mùa đông đã ảnh hưởng tới tâm lý và sức khoẻ con người, dẫn tới số tử vong cao nhất so với ba mùa Xuân Hạ Thu còn lại trong năm. Nôm na, qua khỏi mùa Đông thì trên các mặt báo sẽ thưa bớt những ô phân ưu chia buồn bao kẻ bạc mệnh nhác chơi với cuộc lữ. Và mùa đông chốn này, eo ơi nó lê thê kéo dài, giết người không gươm đao bằng cái miên man nọ. Đứng tuổi mới dạ cảm hoài kiểu ấy, chứ thanh niên trai tráng lại phán: Chỉ teo bu-gi chút đỉnh. Chuyện nhỏ! Già cả đâm bất tiện các thứ. Nó teo lại là chết chắc đấy con ạ!
Trời ấm, phải tận dụng màu vàng eo xèo của nắng yếu, tôi cầm đùi lẻ chống cây ba-toong đi bộ ra đầu đường gió nhẹ mơn man. Chim bồ câu tụ bầy trên mái giáo đường đứng gật gù rỉa lông thì thầm bao cung bậc đầy trắc ẩn. Điều này đồng nghĩa là chưa đúng ngọ, tháp chuông gắn phía sau nhà thờ sẽ đổ nhịp lúc 12 giờ trưa. Chim chóc cũng biết hưởng thụ giây phút thanh nhàn trong yên ả. Chúng sẽ bay đến nơi khác trước khi hồi chuông đổ tràn ra điệp trùng tiếng kinh cong. Tôi chưa từng xét nghiệm lòng mình về phản ứng khi nghe chuông giáo đường mãi tạo sóng. Tôi chỉ nghe bất an khi cúi đầu hứng chịu tiếng mõ cùng những đoạn kinh khó hiểu rót vào tai. Và hương hoa, và nhang đèn, và hương khói… Một thứ buồn vào hồn không tên!

Quán cà phê quen thuộc bữa nay có thay đổi cách trưng bày làm như mùa xuân đang ngấp nghé bên ngoài hàng hiên. Chỉ chút nắng tạo ra vệt vàng tấp vào cửa kính cũng đủ đóng khung bức tranh trông sinh động. Tấm bảng gỗ thường viết phấn màu quảng cáo món đặc biệt trong ngày cũng như kê khai một loạt thức uống đã được thay bằng hàng chữ huê dạng: “BOOK, the only thing you can buy that makes you RICHER”. Ủa, giờ này mới biết là sách chứ không phải vé số. Vậy mà bấy lâu cứ đè vé số cá cược may rủi với thần tài đỏ đen, mấy tiền cũng hết răng chưa mua được tiên? Giàu và nghèo, hoá ra không nằm riêng ở khoảng số tiền anh đang sở hữu được. Một ông homeless râu ria ra rậm rạp ngồi trụ ở góc đường đang hí hoáy làm thơ bỏ quên thế sự sầu não thì không hẳn đích thực là kẻ vô sản nghèo rớt mồng tơi đâu nhé, bởi đơn giản đứa tiền rừng bạc biển chưa chắc đã rung động con tim để tạo ra vẻ đẹp, dẫu phù du.
Khi tôi gọi xong ly cà phê và chọn được cái bàn có hai ghế trống thì bạn tới. Bạn tôi nằm trong danh sách những người thôi lao động ở trường đời, ăn tiền già, ăn hưu non hoặc hưởng một thứ trợ cấp nào đó từ chính phủ quan tâm đoái hoài chi viện. Tiền bạc rủng rỉnh tuy chẳng dư thừa nhưng thời gian thì giàu sụ chẳng biết cách tiêu cho hết. Rất đại gia. Đó là những ca sĩ nghiệp dư chỉ biết hát có đôi bài tủ, đại loại: Ôi, ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu… Hoặc: Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa… Rất thân bại danh liệt.
Ông có thấy tấm bảng dựng ở cạnh cửa không? Bạn hỏi. Tôi khuấy ly cà phê đen, chậm rãi: Do đâu mà chúng đổi menu lạ thường vậy không biết! Những cuốn sách long bìa tróc gáy bám bụi dựng sát vách kia thuần chỉ là món dùng để trang trí. Người bạn cởi bớt áo xống móc ở lưng ghế: Chừng nào ông tính in một cuốn sách? Tôi ngó vào mặt kính cận mờ đục hơi ẩm nơi gương mặt người đặt câu hỏi để nhớ lại những dự tính chẳng mấy thiết tha. Hình như đêm tụ họp ăn tất niên cùng nhau, tôi lỡ vung vít: Sang năm mới tôi sẽ thực hiện hai điều có hơi lạc hậu, một là tự mở cho mình trang facebook, hai là in một tập truyện ngắn. Thầm thà thậm thụt kiểu nói trước bước không rời. Ngó trước trông sau, nghiệm thấy chẳng mấy vui. Bất ổn và bất khả. Chắc phải về cố quận để hỏi cho ra lẽ: Hồ hởi phấn khởi nghĩa là gì? Rất hoang mang!
Người bạn tháo hai con mắt xuống để lau cho trong trẻo, hai mắt còn lại tuồng như chưa hề ngủ tròn giấc. Khi lấy cặp kính cận ra, gương mặt bạn lộ rõ những tàn phai ghi dấu, tựa một trang lưu bút đã chịu qua nhiều giở lật. Ngày xưa bố mình tuy nghèo nhưng ông luôn hào sảng chuyện mua sách cho con cái. Bố mình bảo, sách là người bạn chung tình không hề phản bội. Anh mình thì ví von: Đàn bà giống như một cuốn sách mà chúng ta khó đọc xong. Bạn thôi nói khi mang lại vật bảo vệ cửa sổ tâm hồn. Tôi bắt gặp một dung mạo quen thuộc cũ. Tôi kể cho người bạn nghe một mẩu chuyện hài với tựa đề “Sách, đôi khi không tốt”, có anh chàng nọ rất yêu hoa, bỏ tiền mua bao kỳ hoa dị thảo mang về trồng vun xới làm khu vườn trông lung linh huyền ảo. Ngày kia, đi làm về mặt anh biến sắc khi nhìn ra sự trơ trụi xác xơ của khu vườn trong khi vợ anh thì đang nghiền ngẫm cuốn sách Nghệ Thuật Cắm Hoa. Người bạn cười thành tiếng: Vậy thì đã có thêm người đồng ý rằng đàn bà là một cuốn bí kíp hóc hiểm.
Tôi nói e là vậy, vì những cuốn truyện nhiều tình tiết mãi lôi cuốn đều chứa đựng đôi ba hình ảnh của quý vị nữ lưu. Thi ca cũng thế, riêng khoảng diện mạo và thể hình của “nàng” cũng khiến anh hồn xiêu phách lạc, ca ngợi đủ mọi ngôn từ. Món phở nổi đình nổi đám hơn cơm là có nguyên cớ bên trong. Người bạn cho hay mấy năm qua để dành được một ít tiền đặng về thăm nhà trong nay mai. Xa quê hương thì lúc nào cũng nhớ mẹ hiền, bạn bổ túc thêm, và nếu về êm xuôi mình sẽ quyết dùng văn hoá phong bì để được đi vào tù thăm thú phạm nhân Nguyễn Hoàng Tâm. Rất ấn tượng tay này, chỉ mới có 30, tuổi trẻ tài cao mình ên đi xe máy vào Thành nội Huế, cướp ngân hàng BIDV gần cửa Đông Ba lấy đi 800 triệu đồng chỉ trong vòng 12 giây. Ung dung ra nổ máy xe chạy thoát trong lúc nhân viên bảo vệ chưa kịp phản ứng. Tuyệt! Đạo diễn phim hình sự cũng chả dám viết ra được một kịch bản thần sầu như rứa. Ôi chao, con cái nhà ai mà giỏi dang rứa bây! Rất đáng ngưỡng mộ.
Cà phê chỗ này uống được quá đi chứ? Nhâm nhi gần hết ly mà sao giọng người bạn nghẹn như chưa thông cần cổ: Sáng nay mình xem tin tức phát sóng trên đài VTV: Ở Việt Nam vừa phát hiện ra đường dây buôn người. Người được mua đứt với giá từ 300 đến 500 triệu. Mua xong mang về phân loại: Bắt mắt thì thời gian đầu cho làm gái mại dâm, thời gian sau đem bán cho bọn đang cần vợ. Xấu xí thì chuyển đến trại chuyên mổ lấy nội tạng. Mua nhanh bán chạy đắt như tôm tươi là các trẻ sơ sinh…
Có hoang đường không? Những cuốn sách fiction cũ mốc dựng chật một góc kia có tác giả nào viết được một tình huống ấy? Mạng người sao rẻ rúng, sao túng quẫn, sao nằm mơ cũng chẳng ngờ tới nhường kia? Vậy thì khi anh cướp ngân hàng được tới những 800 triệu, buồn tình anh có thể mua luôn hai bà vợ một lúc nhỉ? Biết xài sao cho hết! Vào lúc 30 tuổi, thời đó chúng mình có làm được gì đâu. Sao đẳng cấp bằng! “Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi, van nợ lắm khi tràn nước mắt” như cụ Tú Xương mà thấm béo gì. Tình huống căng hơn nhiều. Kể làm răng cho hết. Cháu con nó hoàn cảnh lắm cụ ạ! Nhưng an ủi một điều, chúng nó chưa đánh mất nhân tính, chúng bổn thiện, chúng biết hổ ngươi khác xa thời buổi đương đại này.
Tôi hỏi: Vậy thì bạn còn giữ nguyên tính bổn thiện không. Mang thứ hành trang ấy về không chừng mà thua thiệt đấy. Sách xưa có dạy “Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Trước đây bạn mắng những thằng Việt kiều sao giờ này lại giở thói sáng nắng chiều mưa tiền hậu bất nhất. Người bạn ngồi rụt cổ: Thôi mà, chớ gắp lửa bỏ tay người, cho em nhờ tí! Hãy xem như mình đang âm mưu viết nên một cuốn tiểu thuyết và về lại chốn cũ là cách đi thực tế. Va chạm, chung đụng, thu gom tư liệu làm giàu vốn sống. Mình tin là sẽ hấp dẫn hơn chuyện Liêu Trai Chí Dị.
Tôi ngó người vừa đơm mộng ước để tự nhủ lòng, cho hắn bon bon chạy mà chớ thọc gậy bánh xe. Ừ, chúc ông thuận buồm xuôi gió. Ông nên tự tạo ra niềm tin, chớ sờn lòng. Kiểu như cách tuyên bố của ông phó chủ tịch quận 1 Sài Gòn: “Không lấy lại được vỉa hè tôi sẽ cởi áo từ quan”. Nghĩa là sao? Nghĩa là không viết được cuốn tiểu thuyết hiện thực huyền ảo kia tớ sẽ thôi làm nhà văn. Tôi gợi ý cho bạn một cái nhan truyện nhé: Đi Xe Có Còi Hụ.
Chuyện nhạt dần, cà phê cũng đã cạn. Một cuốn sách mỏng đã đọc hết chữ cuối. Ngồi trong quán lâu cũng đâm áy náy, nên giã từ trả chỗ trống cho người ta tiếp khách mần ăn. Khi mặc lại áo ấm, người bạn cho hay sẽ ghé thăm các chùa chiền khắp ba miền cho mãn nhãn, ở Hà Nội họ vừa mở khoá bồi dưỡng cho sư sãi và ni cô biết cách tránh thai, cách tính chu kỳ kinh nguyệt và cách sử dụng condom. Muốn ghi danh học lên tiến sĩ về đạo pháp bạn phải thi đỗ môn lý luận triết thuyết Mác-Lê. Mình sẽ đi thăm thượng toạ Thích Chân Quang, người vừa tạo sóng: “Theo lịch sử không chối cãi được, Trung Quốc là anh, Việt Nam là em… mà Lý Thường Kiệt mang quân đánh là hỗn”. Lạ thật, sao những tin tức rậm rật kiểu đó mà tôi lại chẳng hay biết cà? Tại vì ông cứ bình chân như vại chốn đây, còn mình sắp lên đường nên cần phải bỏ công tìm hiểu đôi chút. Ta không vào địa ngục thì ai vào? Phải chăng chính Phật là người nói ra câu đó?
Xô cửa bước ra đường, tôi nói cùng bạn: Tôi cũng hồ nghi chẳng nhớ ai viết ra câu: Khi bọn học trò lớn dần, viết chì được thay bằng viết mực, chỉ để giải thích là bây giờ khó mà tẩy xoá những lỗi lầm. Hơi lạnh còn ẩn chứa trong gió, dù heo may rợn cảm. Về Việt Nam, chẳng biết mình có mắc phải lầm lỗi? Điều ấy chỉ có lương tâm ông hay biết, nhưng viết được một cuốn sách sau chuyến đi là cả một điều đáng xiển dương. Chừng nào chính thức khởi hành? Cuối tuần, chủ nhật tới. Bà vợ cũ vẫn còn ở Nha Trang? Không, nhà dưới đó đã bán vì giá quá hời, bả hiện ở Đà Lạt và trùng hợp làm sao bả có chân trong hội văn nghệ Lâm Đồng. Có nghĩa là khi ông xuống tới phi trường Liên Khương sẽ gặp lại người xưa đứng đợi? Mình không rõ, bà ấy từng gửi email: “Nếu bạn yêu ai mà kẻ đó không yêu lại bạn, nó giống như bạn ra phi trường để chờ một chiếc tàu thuỷ”.
Hai đứa đi ngược hướng nhau. Thôi, bai nhé. Thượng lộ bình an. Còn sớm tôi rảo tới gian hàng bán đồ cũ. Việt Nam gọi là đồ hàng bành, hoặc Sida. Đã xi-đa mà còn xông pha hiến máu. Bên đó bị nhiễm vi-rút chơi chữ, hăng làm thơ đến nỗi bị vợ bỏ mà cũng không nhụt khí. Buồn đến khó chuồn, chán hơn sứt trán. Quá ngao ngán, không cách chi ta thán.
Siêng tay lục soạn một hồi, tôi mua được cuốn “Một Chút Mặt Trời Trong Nước Lạnh” của nhà văn nữ Francoise Sagan với giá 50 xu. “Un Peu De Soleil Dans L’eau Froide”. Một chút mặt trời vừa bỏ đi, trời xám, ẩm lạnh, nhức xương ở chân bước về nhà, gồng mình đợi trận tuyết khác kéo về. Không một chút mặt trời trong băng giá.

Hồ Đình Nghiêm