22 March 2018

NỘI VỀ CẦN GIUỘC - Phan Ni Tấn



Nội tôi gốc người Cần Giuộc. Thuở nghĩa sĩ Cần Giuộc chống thực dân Pháp (năm Tân Dậu 1861), Cần Giuộc còn nghèo thấy mụ nội. Đến thời của nội tôi, nội nói Cần Giuộc vẫn nghèo. Xóm nhà tranh vách lá nền đất chỉ có vài chục căn nằm lọt tỏm vào giữa đầm lau sậy bạc đầu, tha hồ cho gió lọt nhà trống. Ban đêm thắp đèn hột vịt tù mù tịt mịt, ánh đèn soi không thấu mặt đất. Trong gia đình, nội thứ ba, tên Phó, giỏi về thêu thùa may vá nên xóm giềng gọi nội là “bà ba Phó may”, cái tên mộc mạc, dễ thương, nghe hiền vậy đó.
Hồi mới lẫm đẫm biết đi tôi đã ở với nội. Ba má lên Đà Lạt chạy hàng rau cỏ, trái cây, tháng tháng mang tiền về nuôi hai bà cháu. Mới chút xíu đã xa cha mẹ nên nội thương tôi lắm. Ban ngày vừa may vá nội vừa dòm chừng tôi. Ban đêm nội ru tôi ngủ bằng những câu hát đưa em mùi tai nên lần nào cũng vậy, lời ru chưa dứt tôi đã ngủ khò. Có lần tôi đạp nhằm cái kim may nội làm rớt khiến hai bà cháu lui cui tìm hoài không thấy. Cái kim mắc dịch chỉ chờ có vậy, rình đâm cho mầy một phát đau thấu trời xanh. Nội đang vá cái áo nghe tôi khóc thét cũng quýnh quáng chạy tới dở giò tôi lên rút cây kim ra nghe… một cái sực. Lúc đó vết thương có… đường thông thương nên máu tha hồ chảy, nó vui vẻ chảy hết… 8 lít máu lận. Hihi.

Lên 5 tuổi tôi bắt đầu học Mẫu giáo. Nội đưa đi đón về. Ngày đầu tiên vào lớp thấy toàn người lạ tôi khóc hết nước mắt. Tiếng khóc bù non bù nước của trẻ con làm nội sốt ruột đứng cà thụt cà ló suốt buổi ngoài cửa lớp, không về.
Lúc lên tiểu học tôi mới đi học mình ên. Mỗi sáng tôi phải lội ngang qua chợ Rạch Kiến mới tới trường. Lúc đi qua cầu ván, chỗ long đinh nghe tiếng kêu ọp ẹp làm tôi đứng lại. Đứng lại rồi rón rén bước đi để nghe nó kêu thật vui tai. Những lúc đó tôi hay dòm xuống đám lục bình trôi riu ríu dưới dòng nước liu riu. Thỉnh thoảng thấy con bồ nông, chàng bè trên trời đáp xuống giề lục bình rỉa lông, rình cá thấy lạ tôi hay reo lên… một mình. Hồi đó, năm đầu tiểu học gọi là lớp năm (không phải lớp một như sau này). Hết lớp năm thì lên lớp tư, rồi lớp ba, lớp nhì, lớp nhất. Trong lớp, nhà trường dạy lũ nhóc tụi tôi không được gọi mày tao, mà phải xưng bằng “trò”.
– Trò Tí ơi. Cho trò mượn cục gôm cái nghen.
– Nè trò. Trò tên gì mà ngộ quá hà. Mỗi lần gọi trò tui muốn trẹo cái bản họng luôn.
Vừa xong bậc tiểu học thì ba má đưa tôi lên Đà Lạt cho học trường Tây. Từ đó tôi xa nội, xa xóm nghèo Cần Giuộc của nội. Tưởng có ngày về thăm lại ai dè mất nước tôi theo ba má vượt biên ra nưóc ngoài xa quê nội tới mãi tận bây giờ. Tính ra tôi xa Cần Giuộc tròm trèm đâu hết sáu chục năm ròng.
Xóm nghèo Cần Giuộc ngày xưa, dĩ nhiên, giờ đây đã lô nhô mọc lên nhà lầu, nhà ngói, con lộ đất đã thơm mùi hắc ín. Người già trong xóm như nội, dĩ nhiên, đã cùng lau sậy chở nhau vào thiên cổ từ cái thuở não nào xa.
Xóm nghèo Cần Giuộc quê nội tôi ngày xưa, nay không còn nữa. Nhà tranh vách lá nền đất nâu đen nằm lúp xúp trong đầm lau sậy cũng không còn. Nhưng tâm hồn trẻ thơ tôi ở Cần Giuộc vẫn còn đó. Tiếng khóc nhè của bàn chân tôi bị kim đâm vẫn còn đó. Tiếng cây cầu ván long đinh mỗi ngày bước chân tuổi thơ tôi đi qua đến trường vẫn còn đó, vẫn vang trong tôi những tiếng kêu quê mùa, thô thiển nhưng dễ thương đến quen thuộc: “ọp ẹp”.
Và nội nữa. Tình thương và lòng quảng đại của nội vẫn còn đó, vẫn tồn tại mãi mãi trong trí nhớ của tôi nhỏ bé biết bao. Trong vũ trụ bao la mà chúng ta đang sống, trong mắt tôi luôn luôn có hai đối tượng: người già và trẻ thơ. Chính hai hình tượng lương thiện và trong sáng này mà cuộc sống của chúng ta chứa chan biết bao là niềm vui của tiếng cười và hình ảnh sống động của hạnh phúc.
Trên đời này có nhiều điều kỳ diệu. Kỳ diệu của vũ trụ. Kỳ diệu về con người. Và kỳ diệu nhất với tôi vẫn là nội. Dù nội ở Cần Giuộc hay đã về Tây phương cực lạc nội vẫn là hành trang theo tôi đi suốt cuộc đời này.

Phan Ni Tấn

PHỤ LỤC
Thưa bạn đọc,
Từ ngày được biết cô cháu gái của tôi, cô Trương Uyên Phương gốc người Cần Giuộc, cùng quê nội tôi, hai chú cháu đâm ra thân thiết như ruột rà. Tôi không sinh ra ở đó, nhưng hồi nhỏ Cần Giuộc và tôi từng gắn bó với nhau như đất đai và lau sậy, dĩ nhiên, hồi đó cô cháu gái dễ thương còn rong chơi đâu đó ở trên mây, chưa ra đời.
Bây giờ thì cô đã có mặt, cùng nhân số góp phần làm đẹp cho cuộc đời này. Cô hồn hậu, dịu dàng, bình dị, dễ tin cậy, như người thân. Mà hình như người Cần giuộc, hay người miền Nam nói chung, tôi đã từng gặp gỡ, kết thân, ít nhiều đều mang những đức tính như cô.
Ngoài ra, trong điệu bộ tự nhiên, xuề xòa mà trầm tĩnh kia, cái dáng dấp xinh xắn, cái gương mặt thông minh, cái cặp mắt sắc sảo của cô, tất cả – tôi khẳng định – đều do Cần Giuộc kết tinh thành. Cần giuộc, cái xứ đất đó dù đã đổi thay đến tận cùng gốc rễ, vẫn như người, mòn mỏi đợi tôi về.

Phan Ni Tấn