05 June 2018

LỆ NHƯ SƯƠNG - Hồ Đình Nghiêm



Chân dung đội khăn (1)
Oil on canvas, 14”x18”
dinhcuong

Trần có hai tay, tay nào cũng thuộc loại diệu thủ. Bạn bè thương Trần, lếu láo gọi hắn có ba đầu sáu tay. Trần nghe, chẳng nói gì, chỉ cười lành. Nguyễn bảo, vậy là hàm oan, bởi chàng ta từ khi sang đây tả xung hữu đột đã làm tới bảy nghề khác nhau, thợ đụng thứ thiệt phải nể mặt, cung kính không bằng chào thua.


Trần giỏi việc chợ búa bếp núc, nấu ăn ngon, luôn biết cách sáng tạo thay đổi các món dù nguyên vật liệu vẫn chừng ấy thứ. Tình ngay, với ba năm nai lưng chân phụ bếp trong nhà hàng của Pháp, gặp đứa cục vắt thành hòn thì chẳng thể có hoa tay như Trần được. Phan đơm mộng quấy: Hàng tuần ông đều mua vé số, trời kêu một tiếng thì ông mở ngay cái quán ăn, kêu Trần tới làm sếp để hét ra lửa chơi. Trần cười hiền, ép dầu ép mỡ sao nỡ ép tôi, quan hoài cho nhau kiểu đó hèn gì thần tài chưa gõ cửa nhà ông, mấy khi mà sung rụng ngay chỗ nằm!

Ngày lễ các bà mẹ, nhằm cuối tuần,Trần điện thoại gọi bạn tới nhà nhậu lobster, cua xanh và nghêu sò đang được mùa. Nguyễn chém gió: Nói nghe thương, nhưng cớ sao lại vin vào lễ mẹ hiền? Chỉ chém cho Lê cùng Phan nghe chút gió đìu hiu vậy thôi. Và cả ba đóng góp chút rượu bia cùng thùng xoài, chục mãng cầu, hẹn hò nhau lại gõ cửa lúc sáu giờ chiều.

Khi bạn bè tới thì hai đứa con của Trần đã tề tựu, chật tiếng nói cười. Một gái một trai đã thành người hữu dụng cho xã hội. Vì công việc, chúng phải ở xa Trần, thỉnh thoảng lái xe nuốt dặm dài về thăm bố. Nếu làm cuộc phỏng vấn bỏ túi, hẳn chúng sẽ không dấu sự hãnh diện khi có được một người bố “công, dung, ngôn, hạnh” như Trần, hơn cả ba đầu sáu tay. Tuy ngày lễ các bà mẹ, hai đứa con vẫn có quà cho cha, vì Trần vừa là núi Thái sơn lại kiêm luôn nước trong nguồn chảy ra. Đã mười năm, Trần đích thị là một con gà trống, chưa rụng lông, chưa chạy làng, chưa hao mòn tiếng gáy. Phong thái xem chừng ung dung tự tại, ưỡn ngực chào bình minh mà không hề quan ngại bóng chiều tà nhuộm sẫm. Mình ên vô ra chuồng, quên béng chuyện đạp mái.
Vì con gái, An yêu thích bông hoa và nhân ngày Mother’s Day, hoa lá cành là mặt hàng bày bán khắp hang cùng ngõ hẹp nên cô con hiếu thảo đã ôm tới cho bố một bó rõ to. An đang cắt tỉa chúng, cắm vào bình nước, loay hoay trình bày một bố cục vẹn toàn rồi mang ra đặt giữa bàn ăn. Nguyễn ngắm hai loài hoa, nhưng Nguyễn chỉ để tâm thưởng thức tới thứ hoa di động kia. Hoa có mái tóc dài, hoa có nước da trắng, hoa rạng ngời một vẻ đẹp khiến Nguyễn mơ hồ nhớ về người sở hữu gương mặt tới tám phần giống hệt An. Bà ta giờ này ở đâu? Lý ra người xứng đáng đón nhận bó bông nhiều màu sắc đó là bà, danh chính ngôn thuận hơn gã đàn ông mang tên Trần một mực hồn nhiên trong cuộc lữ. Nguyễn nói:
Bác có đọc một chuyện khôi hài mang tên “Sách vở đôi khi không tốt” để kể cho An nghe: Nhà nọ có trồng vườn hoa rất đẹp, ông chồng đã bỏ ra lắm công sức cũng như đổ tiền bạc vào trò tiêu khiển thú vị và lành mạnh ấy, ông tự hào mình là kẻ chăm bón gần đủ bao loài hoa quý phái trong thiên hạ. Một chiều kia, đi làm về, ông ta tối tăm mặt mũi khi nhìn ra khu vườn trơ trụi, xác xơ trong khi người vợ thì say sưa cúi đầu nghiền ngẫm cuốn sách “Nghệ thuật cắm hoa”.
Chỉ giúp vui cùng An, người vừa cắm hoa có nghệ thuật, nhưng thứ chuyện cười kia lại lọt vào tai Bảo, cậu em kỹ sư đầu quân cho công ty điện lực đưa ra câu hỏi: Bác còn viết lách không? Sách bác có tốt không? Nguyễn thấy thất bại vì mẩu chuyện đã chẳng làm đôi trẻ bật cười. Thì bác vẫn viết đều đấy thôi. Vì sao Bảo hỏi thế? Vì bác phải hình dung ra ai là người đọc sách truyện ấy? Thời buổi này người ta đều chúi mũi vào internet cả!
Nguyễn nhìn Bảo, ngạc nhiên vì cậu ta nói tiếng mẹ đẻ còn ngon lành quá. Khá suông sẻ, rất ngon cơm dù đôi lần Bảo bịt mũi trước chén nước mắm mà Trần chưa kịp pha chế chanh đường ớt tỏi. Công việc mà cháu đang làm có bao giờ phát sinh ra lỗi kỹ thuật? Ý của bác là thành phố Bảo ở từng bị mất điện chưa? Hãy xem việc bác in sách cũng tựa như một tai nạn ngoài ý muốn, bác cố đốt thắp ngọn nến trong khi đợi có điện trở lại… An mang tới cho Nguyễn một chai bia: Bác nói vậy cũng không đúng, bởi vì bác đâu sáng tác ra sách nghệ thuật cắm hoa, phải vậy không? Là sao, bác chưa hiểu cái bóng gió của An?
Lê hút xong điếu thuốc, từ ngoài vườn trống chẳng có hoa dại hồi sinh sau kỳ nghỉ đông quá dài, bước vào góp tiếng: An biết không, có nhiều người rất giỏi việc cắm hoa nhưng lại vụng về trong chuyện cắm tin yêu vào bao người thân, có nghĩa là họ quá tệ việc ứng xử… Trần xuất hiện từ vuông bếp chật, hắng giọng: Đàm thoại như vậy xét đã đủ, giờ thì nên để miệng mồm được nhai nuốt thức ăn, dĩ thực vi tiên, hoặc muốn đạt đạo phải chìu chuộng cái bụng trước. Cơm no hẳn bò cỡi. Phan đùa: Lời nhà ngươi thật hợp ý ta. Để chấm dứt, có một câu xét thấy cần tra vấn nhất, đó là đến bao giờ thì mấy bác ngồi đây được góp mặt trong ngày vui của An? Con chưa tính được bởi con không tìm ra cuốn “Làm thế nào để giữ hạnh phúc dài lâu?”
Khi da mặt của bốn tên Trần Nguyễn Phan Lê đổi màu thì hai người đầu xanh xin phép được rút đi. Bảo nói, nghe các bác kể chuyện đời xưa thì cũng học hỏi được lắm điều, mặc dù toàn buồn đau, không thấy có vui chen chân. Mấy bác tài thật, khi nhớ những thứ chẳng đáng nhớ. Máy móc đôi lúc phải thay cái mới khi muốn nó vận hành tốt, gọi là phải bảo trì chúng, dụt bỏ các thứ cũ xưa, hết thời hạn… Có thể Bảo muốn nói dài lời nhưng cậu ta tìm chưa đủ vốn chữ. Thôi, tụi con phải về, qua cầu xa lộ dễ bị kẹt xe lắm. An tiếp, cảm ơn mấy bác luôn đến nhậu với ba con, không có ai thân cận chắc ba Trần cô đơn lắm. Con đi nghe ba, mấy món ba làm quá super.
Trần đứng lên, tiễn hai đứa con ra: Lái xe cẩn thận. Lời đề nghị của hai con, ba xin nghe theo, nhưng phải tới khi nghỉ hưu mới tính được, bởi hơn ai cả, ba luôn muốn sống gần với các con, ở đây lạnh lẽo quá. Phan nhìn qua ô cửa: Hai đứa thật dễ thương, rõ là ở đời vẫn còn đó luật bù trừ. Lê nói nhỏ, giọng mềm như tẩm nhiều men bia: Vợ tôi có facebook, bả lùng sục kiểu gì đó mà tình cờ lạc trôi tới giáp mặt một bóng hình, bả nhìn nhận ra ngay đó là vợ cũ của chàng Trần nhà mình. Điều đó không kinh khiếp bằng chuyện nay mai “người đẹp” sẽ lấy một anh chồng nhỏ thua tới mười cái xuân xanh, hôn lễ đình đám diễn ra ở tận Biên Hoà. Ngồi uống chất cay tôi những muốn ngứa miệng mới gớm. Phan hoa tay: Ông nuốt xuống là đúng, bốn đứa mình thì chẳng hề hấn gì nhưng để hai đứa An, Bảo nghe được thì không hay, mất vui đi. Ngày lễ mẹ, xin cho chúng hình dung ra một ảnh hình khác với thứ nằm mộng cũng chẳng ngờ kia.
Tiếng động cơ nhỏ dần, có thể Trần nhìn theo chiếc xe vụt mất mới mở cửa trờ vào nhà, nhìn xuống bàn vung vãi một “bãi chiến trường” đã đến hồi tàn cuộc. Tất cả chừng như không còn giữ được sự nguyên vẹn như ban đầu, chỉ duy những bông hoa là khởi sắc, tươi mươi, ướt át dâng trọn vẻ đẹp hằng cửu. Hằng cửu là nói chung về nhan sắc của hoa chứ thực ra, sau lễ mẹ hẳn nó sẽ chịu rụng tàn đi trong kiếp ngắn mà phận hoa vẫn mang. Dâng cho đời, kín tiếng một màu sắc để rồi nhạt phai. Đôi khi nó đẹp chỉ do bởi cái tạm bợ ấy. Vậy thì thẩm mỹ có nương náu vào sự bất biến? Trần hỏi, có bạn nào uống tiếp nữa thôi? Và không chờ một ai hưởng ứng, Trần mở tủ lạnh lôi ra xâu bia: Nguyễn à, hồi nào ông cạn đề tài thì cứ hỏi tôi. Ông ngờ được không là tôi vẫn còn giữ cuốn nhật ký từ thuở bắt đầu làm chồng làm cha. Tôi sẽ trao cho ông hôm nào xét thấy nhác chơi, nghe bệnh tình thăm viếng. Tôi có niềm tự hào riêng, là tôi hứa sẽ tìm mọi cách không cho hai đứa con tôi nghĩ xấu về mẹ chúng nó. Rằng chúng ta mỗi người có lấy một hoàn cảnh riêng, và hoàn cảnh của tôi là do lỗi lầm tôi tự gây ra. Tôi từng giải thích cho An và Bảo biết về câu “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Tự xét mình trước khi đỗ lỗi cho kẻ khác. Chúng nó muốn tôi dọn về ở gần để lỡ có gì chúng còn biết đường mà xoay trở. Điều đó có nghĩa là tương lai gần tôi sẽ chia tay cùng các bạn. Trong chúng ta, ai mà không có lúc nói tiếng giã từ… Vô cái này đi chứ, khà khà, bia thương chứ không ai thương đâu! Nói bỏ lỗi chứ chúng ta đứa nào cũng đều mất mẹ, buổi nhậu này là cái cớ để dành một phút mặc niệm cho mẹ già, cho hiền mẫu, cho một nhân vật mà thượng đế ưu ái dành riêng cho mỗi đứa chúng ta. Nói mấy cũng không cùng, có đúng không?
Nguyễn, Phan, Lê bước khỏi Trần gia trang khi đêm dịu dàng vây bủa bóng tối. Sương xuống, mát lạnh, đẫm vai. Nguyễn đã nhanh tay ngắt từ bình hoa An cắm một cành hoa hồng màu trắng, nhét vào túi áo. Phan hỏi: Ông đang nhớ mẹ chăng? Ừ, tôi mãi là thằng con bất hiếu, chưa thể hoàn thiện một đoản văn ngợi ca mẹ mình. Lê nói: Vậy thì mai hậu có viết nỗi chuyện đời, một nửa của bạn Trần? Nguyễn gật đầu: Sẽ cố, nếu bạn ấy đã tín nhiệm gửi trao. Các bạn có hiểu sự ví von: Tuổi già hạt lệ như sương?
Người uống ít nhất là Lê. Lê sẽ ngồi vào tay lái. Xe nổ máy, chiếc Honda đời 2008 chưa tiện đun vào nghĩa địa sắt thép đang run bần bật, húng hắn chạy ra giữa con lộ ướt sương.

Hồ Đình Nghiêm