05 July 2018

GẶP MẶT “PHU NHÂN” TRÊN ĐỒI GIÓ - Hồ Đình Nghiêm



Vừa đọc xong bài viết hay: “Huế, tôi và Mậu Thân”. Quá cảm động. Quá đau thương. Quá chân tình. Tác giả là cựu Trung Tá Nguyễn Văn Phán, Tiểu đoàn trưởng TĐ 8 “Ó Biển” Thuỷ Quân Lục Chiến, thuật lại trận giải toả thành phố Huế mùa Xuân Mậu Thân tang thương nghiệt ngã. Vào thời điểm đó, người con anh hùng của Huế chỉ mang cấp bậc Đại Uý ở Tiểu Đoàn 1 “Quái Điểu”. Và Phu Nhân là tên nguỵ trang, ám hiệu được dùng trong tần số liên lạc của truyền tin. Bài viết làm tôi nhớ lại cả tháng trời sống chui rúc giữa nội thành ngập mùi tử khí, quẫn trí trong căn nhà cách ba ngả tư có Phán Phu Nhân cùng binh lính đang khó nhọc di chuyển từng thước một, đổ mồ hôi sôi nước mắt khi thấy “con cái” rơi rụng, hao hụt dần. Những hàng chữ đầy tình nghĩa đã mang tôi về một kỷ niệm khác, vui hơn, phải mấy mươi năm sau, ngày đầu tiên tôi tình cờ được gặp mặt anh trong căn nhà nằm trên đồi gió.
Đồi gió là tên gọi một khu vực đắt địa ở Virginia, có thể “ăn” sang vùng phụ cận. Chủ nhà là bác sĩ Phó Ngọc Văn, năm 1990 anh có gửi dăm ba bài thơ (giọng hào sảng khinh khoái) cho báo Văn Học và mùa hè năm đó, tôi được quen anh, được bước chân vào một địa chỉ luôn hào phóng rộng cửa cho bằng hữu văn nghệ bốn phương về nghỉ chân. Trên đồi gió, láng giềng vây quanh Dr Van là dân bản xứ, họ hiểu sự hiếu khách của ông gia chủ lạ thường kia nên tế nhị đun xe vào garage, nhường con đường trống “cho quý vị được thong dong”, tha hồ đậu ngang dọc. Tế nhị một phần, phần khác coi mòi có hơi “tâm phục” do họ từng chứng kiến cách chào đón khách của “anh bạn người Việt không bao giờ tháo chạy”: Thuê bọn sinh viên học sinh Mỹ (muốn có chút tiền tươi) áo xống chỉnh tề đứng tiếp rượu, một thiếu nữ tóc vàng mặc đầm trắng ngồi đánh đàn piano tiếng du dương những cung bậc cổ điển. Chúng hiện diện chỉ hai tiếng thôi, như thể công binh đi dò mìn vậy mà, hết phận sự thì để cho chủ lực quân nhập trận chứ. Gia chủ Phó Ngọc Văn đùa thế, anh từng là bác sĩ quân y một đơn vị thiện chiến ngày cũ, giọng Bắc trầm ấm, hơi khàn đục. Tôi có cảm tình ngay với anh, chỉ xét riêng một cảm nhận: Đang hành nghề bác sĩ nhưng ăn chơi nào sợ mưa rơi, rượu uống mềm môi, thuốc Salem đốt khói liên tục. Hai ba giờ sáng: Còn sớm mà, ngủ ngáy gì giờ nầy!

Ở căn nhà ấm áp ấy, tôi gặp nhà thơ Tô Thuỳ Yên, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Cao Đồng Khánh, nhà văn nữ Dương Như Nguyện…để rồi chạy về một quán ăn nằm dưới phố được ngồi chung bàn với những khuôn mặt từng vào sinh ra tử, tưởng chỉ nhìn ra họ trên những trang ký sự thuật lại các trận chiến đẫm máu dành từng thước đất mà ngày xưa, thuở học trò tôi từng mê mệt họ: Phạm Như Đà Lạt. Phan Nhật Nam. Trung Tá Nguyễn Lô, Tiểu đoàn trưởng TĐ 7 ND. Trung Tá Nguyễn Văn Phán, Tiểu đoàn trưởng TĐ 8 TQLC. Bốn vị anh hùng này đều là “người mềnh”, con của Quảng Trị và Huế cả. Ngồi sát cánh bên họ, ngó Phan Nhật Nam vừa từ địa ngục sang tới, tôi ý thức rõ: Văn chương đã bất lực, đã không vẽ ra hình ảnh chân thực về những người sĩ quan từng xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.
Tôi xúc động khi nghe anh Nguyễn Văn Phán kể về những ngày vừa ký kết hiệp định ngưng bắn, con cái anh bị rụng khi lội qua sông Thạch Hãn và vì thương xót những cái chết vô nghĩa, lãng phí kia, anh đã làm một cuộc trả thù cho đàn em thuộc cấp để suýt phải bị ra toà án quân sự đối mặt với bản án vi phạm hiệp định. Giọng Huế khàn đục, nhìn tôi, anh cười chấm câu: Coi kìa, chưa chi mà mi đã nổi da gà ra rứa! Ở Mỹ lâu chưa mà da mặt anh vẫn ngăm đen, râu thép đầy cả sợi bạc? Và anh có hay hát không mà lại hát quá hay? Một ông Tiểu đoàn trường “lính thuỷ đánh bộ”, đơn vị kiêu hùng là thế mà sao có máu văn nghệ văn gừng dồi dào đến vậy? Ngồi bên anh biết ngay đó là một người lính năm xưa quen đụng trận trên khắp bốn vùng chiến thuật nhưng điều gây bất ngờ là anh từng làm thơ, viết tản văn rồi bây giờ ôm guitar hát giọng truyền cảm xưng tụng vẻ đẹp một tà áo vàng bay bên hàng giậu. Điều này hiếm, khác với Trung Tá Nguyễn Lô của Nhảy Dù, thân còn dấu tích của đạn AK 47 găm nát sẹo đã liền da, dáng người nhỏ thó hiền lành như học trò nhưng dầu sôi lửa bỏng cỡ nào cũng cầm cự được, đánh hết rác rồi chiếm lĩnh mặt trận. Tôi tự nhủ, đời mình không gặp mặt những vị này thì thật uổng phí, tôi lân la muốn nghe anh Nguyễn Lô kể về tháng ngày cầm súng nhưng hình như anh muốn quên, chỉ lầm lì tợp rượu.
Mà nói tình ngay, chưa chắc nhà văn đã thuật lại được mọi diễn tiến đầy sống động tựa trang viết “Huế, tôi và Mậu Thân” của anh Nguyễn Văn Phán:
“… thằng em luống cuống chạy quanh bị Mạ tôi nạt: Mi chạy mau vô nhà lấy khúc cá kho khô và đòn bánh tét gói lại đem ra đây bới cho anh mi. Mạ tôi dúi vào tay tôi chai dầu Nhị Thiên Đường: Con xức cho khỏi gió. Lính đi ngang hỏi nhau: Mạ Đại Uý sao đầu trọc lóc vậy bây? Bà ấy đi tu để phước cho con, tụi mình cũng được hưởng ké đấy! … Mạ tôi khóc oà, tôi thật não lòng… Tiếng gọi, nước mắt, những cánh tay chào vẫy, phải chăng nhắc nhở trách nhiệm của tôi. Bây giờ là lúc đền đáp ơn sâu nghĩa nặng. Vinh dự này thật khổ. Máu nóng sôi trong người…”
Thời gặp gỡ anh Nguyễn Văn Phán ở Virginia, nghe đâu anh lao động việc gì đó trong toà nhà trương bảng hiệu The Washington Post, một tờ báo lẫy lừng đầy uy tín. Sau này lại có tin anh đã dọn về sống ở bang Texas, nghỉ hưu nhưng tiếc uổng là anh đã thôi viết văn, làm thơ. Cá nhân tôi, một đứa sinh đẻ ở Huế, dù muốn hay không, đã mang nợ anh, ông Đại uý Tiểu đoàn 1 Thuỷ Quân Lục Chiến đã từ Sài Gòn mang quân ra đánh chiếm, dành lại từng tấc đất mà bọn thù địch đã lợi dụng dịp Tết linh thiêng để tràn về tàn sát những cư dân vô tội của một Huế nổi tiếng hiền hoà.
Tổn thất sơ khởi, chưa được bổ sung thêm, bắt đầu từ rạng sáng 31 tháng 1 năm 1968 kéo dài cho tới ngày 22 tháng 2,1968 có hơn 7.600 thường dân bị chết hoặc bị thủ tiêu. Con số này (hoặc nhiều hơn) sẽ vĩnh viễn gắn liền với ba nhận vật: Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân và Nguyễn Thị Đoan Trinh. Hoặc nói khác đi, nhớ về Tết Mậu Thân, những người Huế còn sống sót vẫn bị ám ảnh bởi Phan, Xuân, Trinh. Đã năm mươi năm, những kẻ liên luỵ vẫn chối quanh, vẫn tìm cách che đậy, vẫn phân bua chạy tội. Và trong chừng mực nào đó, khi hoài niệm chúng ta vẫn dấy lên chút hối tiếc về sự ngã xuống của vô vàn cái chết vô danh mà bài viết của quân nhân Nguyễn Văn Phán chỉ là một nhắc nhở hiếm hoi. Đó chỉ là chai Nhị Thiên Đường xức cho khỏi gió mà vô phước cho chúng ta đã từng sống qua một trận cuồng phong vô phương cứu chữa.
Cảm ơn anh Phan Nhật Nam, cảm ơn anh Nguyễn Văn Phán. Tôi nghĩ không riêng Huế, cả miền Nam yêu chuộng tự do sẽ còn nhắc nhớ tới các anh, từng đổ máu trên chiến trường đổ mồ hôi trên các trang viết chỉ nhằm nói lên một sự thật: Chúng ta thua đối phương một phần vì chúng ta không tàn ác bằng Bắc quân, bằng những tên nằm vùng. “Vì răng Mạ Đại uý đầu trọc lóc rứa bây?” Hỏi cũng là một cách trả lời. Quân nhân miền Nam ra trận mang theo con tim ngự đầy Chúa Phật như ý thơ của sĩ quan Thám báo Trần Hoài Thư.
Căn nhà trên đồi gió sang nhượng chủ quyền đã lâu, tôi bặt tin anh Phó Ngọc Văn cũng hơn hai mươi năm mà chưa có cơ hội nói lời cảm ơn sự hào sảng anh dành cho. Ôi, những người muôn năm cũ, những anh đã trao cho tôi một kỷ niệm khó quên. Nghe mơ hồ tiếng vọng của ai đó: Lính mà em!
Những người lính đầy khí khái dẫu thời cuộc đã khiến họ đầu hàng cuộc chơi. Đọc “Huế, tôi và Mậu Thân” để xúc động thấy rõ khuôn mặt của người lính hôm qua, thân cận, bất biến. Gợi nhớ lời thơ của anh Tô Thuỳ Yên:

“…
Lúc tàn khuya
Nhà hương hoả tối mốc
Còn ai không, có gọi chỉ thêm buồn
Thôi, chẳng tiếc túi vàng đã phung phá
Mà mừng mẩu nến chợt tìm ra”.


Hồ Đình Nghiêm