05 June 2018

MÙA XUÂN NƠI ĐÂU - Hà Đạo Hàm


wikiLover

Chợ Tết của cộng đồng người Việt ở Montreal thường được tổ chức trước ngày mồng một Tết, có khi thì vài ngày, nhưng cũng có lúc một vài tuần, vì còn tuỳ theo sự thuê mướn địa điểm. Tôi sống ở thành phố Quebec, nhưng năm nào cũng về tham dự chợ Tết, bởi đây là cơ hội gặp đồng hương, và nhất là bạn bè mà cả năm mỗi người mỗi việc, ít khi thấy mặt nhau.

 Chúng tôi đến chợ Tết khá sớm, vào bên trong chỉ thấy khoảng năm, sáu mươi người, nhưng phần lớn có lẽ là người trong gia đình của chủ nhân các bàn bán thức ăn, họ cần đến sớm để chuẩn bị trước khi khách đến. Khu ẩm thực được sắp xếp ở góc hội trường gồm những bàn rộng đặt nối tiếp nhau, có đủ các món ăn đặc biệt của người Việt. Hiền đề nghị:
Anh à! Lợi dụng lúc ít người như thế này nên đi một vòng, xem có món gì thích thì ăn trước cho chắc bụng, sau đó ngồi chơi, gặp lại bạn bè tha hồ nói chuyện, không phải lo cho cái bao tử nữa.

Không đợi tôi trả lời , Hiền kéo tôi lại các dãy bàn bán thức ăn. Rồi cũng không cần
hỏi ý, đến hàng bánh bèo lấy ngay cho tôi một đĩa và qua hàng bên cạnh chọn cho mình một đĩa bánh cuốn. Mỗi người một đĩa mang ra bàn ăn. Tôi hỏi Hiền:
- Em làm gì như bị bỏ đói lâu ngày vậy, ăn mà không chọn lựa gì cả?
 Hiền cười vui vẻ nói :
- Cũng có nhiều món ăn để chọn, chỉ liếc qua là biết hết rồi. Gì chứ ăn em lẹ mắt
lắm ...! Nhưng mình chỉ ăn những món ít khi được ăn như bánh bèo bánh cuốn, gỏi đu đủ... , còn những món khác có thể làm được ở nhà. Em lấy mỗi người một đĩa chia nhau ăn, nếu ngon thì mua thêm, còn không ngon mình chọn món mới.
 Tôi và Hiền chia nhau ăn hết hai đĩa bánh, Hiền tự động đứng lên mua thêm các món ăn khác. Phần vì chưa ăn sáng, phần vì lâu lâu mới có dịp ăn lại các món này nên tôi ăn ngon lành. Ăn xong, trong khi cả hai cùng ngồi uống nước trà, Hiền mới đưa mắt quan sát chung quanh rồi đưa ý kiến:
- Người ta vào cũng nhiều nhưng chưa đông lắm. Em nghĩ không biết trong tương lai, các thế hệ sau mình có còn biết tổ chức được như vầy không?
- Em khéo lo chuyện bò trắng răng, mỗi thế hệ có một cách thích ứng với đời sống, nếu chúng nó thấy cần thiết thì làm, không thì thôi!
- Anh nói chuyện huề vốn, ai chẳng biết như vậy!
- Thật ra anh tin rằng các thế hệ sau sẽ không quên truyền thống đâu vì luôn được nhắc nhở. Ngày nay thế giới rất gần nhau, đi lại cũng dễ mà thông tin thì tràn ngập. Thế hệ trẻ lại thường xuyên tiếp xúc với internet, mở máy vi tính là biết ngày hôm nay là Tết ta hay Tết tây ngay. Chỉ có khác với chúng ta là lớp trẻ lớn lên bên này không có cái cảm xúc của phút giao thừa, của ngày đầu năm như chúng ta thôi.
- Anh nói đúng, mình ở đây đã lâu nhưng mỗi khi Tết đến, thắp nhang cúng giao thừa em đều cảm thấy xúc động trong giờ phút linh thiêng...
Chợt có người lên tiếng:
- Chào anh chị, anh chị đến sớm quá vậy?
Nhận ra Trác, một người bạn của em tôi, tôi đứng lên bắt tay:
- A ! Chào chú Trác, khoẻ không? Cô đâu mà thấy chú một mình?
- Dạ, nhà em đang nói chuyện với bạn ở đàng kia. Còn anh chị như thế nào?
- Anh chị cũng thường thôi, chú ngồi xuống đây đi.
Tôi vừa nói vừa kéo chiếc ghế bên cạnh, rồi tiếp:
- Anh nghe Sinh nó bảo lúc này chú thường xuyên về Việt Nam lắm, phải không?
- Dạ đúng, em có mở một cơ sở sản xuất ở bên đó.
Hiền lên tiếng:
- Chú về làm ăn có được không? Thế cô có đi theo chú không?
 Trác cười :
- Công việc thì cũng tạm ổn định, còn nhà em thì cùng về với em, chứ cô ấy đâu dám cho em đi một mình!
- Cô ấy làm như vậy là phải rồi, chồng đâu vợ đó mới được. Các ông bây giờ mà thả về Việt Nam một mình chỉ có hư!
 Tôi trách Hiền :
- Em cứ vơ đũa cả nắm, chẳng lẽ ông nào về Việt Nam một mình cũng bậy bạ cả sao?
Hiền cười trả lời:
- Em chẳng tin ông nào cả!
Bà con người Việt đến tham dự đông đảo hơn, câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi phải chào hòi và trả lời vài người quen. Đến trước giờ khai mạc, trước sân khấu đã đầy người. Sau khi ban tổ chức thực hiện các nghi thức khai mạc chợ Tết là văn nghệ giải trí, các ca sĩ lên hát những bài ca mùa Xuân quen thuộc. Một người bạn đến kéo Hiền nhập vào nhóm phụ nữ. Tôi thấy vậy vỗ vai Trác nói:
 - Hai anh em mình ra đây kiếm cà phê uống đi.
 Trác theo tôi ra quầy bán cà phê mua mỗi người một ly rồi cả hai cùng bước ra góc phòng, tôi hỏi Trác:
 - Em về bên đó làm ăn ra sao, có khó khăn lắm không?
 - Em chỉ đưa về bên đó sản xuất một số bộ phận cho hãng chính ở bên này, khó khăn thì đâu chẳng có, nhưng ở Việt Nam thì mình biết điều với chính quyền một chút cũng xong thôi.
 Đứng nói chuyện một lúc có vài người khác nhập cuộc; đó là bạn của Trác hoặc của tôi. Chúng tôi đứng thành vòng tròn, nói cười rộn rã. Tôi chợt nghe một giọng đàn ông khá lớn từ một nhóm khác ở sau lưng tôi, cách một khoảng không xa. Sự chú ý của tôi không phải cách phát âm giọng miền Trung pha thổ ngữ miền Nam mà ở lời nói. Ông ta đang lên án những sai trái của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại, nhưng nội dung thì không mang được điều gì mới lạ cho lắm. Như để biện minh cho lời nói của mình, ông lên giọng: “Bây giờ ở bên đó thì thế này... , hiện nay thì thế nọ... Nghe những lời như vậy tôi chắc rằng ông ta mới từ Việt Nam sang hoặc mới ở Việt Nam về. Tôi thử liếc xem người đó là ai, nhưng ông ta đứng xoay lưng về phía tôi nên không thể thấy mặt. Nhìn từ phía sau lưng, đó là một người tầm thước, có vẻ hơi gầy, tóc bạc và hói, mặc bộ com lê màu nâu đậm. Không giải toả được thắc mắc của mình, tôi lại tiếp tục chuyện trò với các bạn. Một người bạn nữa của Trác nhập bọn, được giới thiệu là Sơn, anh ta hỏi Trác:
- Tôi tưởng ông đang ở Việt Nam và ăn Tết ở bên đó chứ!
Trác trả lời:
- À ! Hai mươi tám Tết tôi phải có mặt bên đó để ăn tất niên với anh em trong hãng, hai hôm nữa là tôi đi rồi.
- Ông sướng thật, đi Việt Nam mà cứ như đi chợ!
Một bạn khác chen vào:
- Sướng nỗi gì , bà xã kè kè bên cạnh còn làm ăn được gì nữa!
- Chẳng lẽ đi đâu bả cũng theo à, phải có lúc lơ là chứ!
- Ai chứ ông Trác là thứ chân chỉ hạt bột mà....
Chợt thấy Khoát , một người bạn cũ đi qua, tôi tách mình ra khỏi nhóm lên tiếng gọi:
- Anh Khoát !
 Khoát quay lại, bắt tay tôi vui vẻ hỏi:
- Ồ! Anh Giao, lâu quá không gặp, anh chị vẫn mạnh khoẻ chứ?
- Cám ơn, tụi tôi cũng thường, còn anh chị ra sao?
- Tụi tôi đều về hưu cả rồi, bây giờ ở nhà trông cháu, thỉnh thoảng đi du lịch chỗ nọ chỗ kia.
- Thế thì anh chị sướng quá, tụi tôi còn phải làm thêm vài năm nữa mới được nghỉ hưu. Vậy anh chị đã về Việt Nam chưa?
Khoát thở dài:
- Không anh ạ! Tôi nhớ Sài Gòn lắm, nhưng đã có bao nhiêu lần tù tội, mấy lần vượt biên suýt chết mới đi thoát, bây giờ lại tìm về, tự thấy vô lý quá, trừ khi chế độ đó không còn.
Vừa nói chuyện với Khoát, tôi vừa chọn vị trí để có thể trông rõ người đàn ông mà tôi thắc mắc. Không lẽ đó là Thành! Tôi tự hỏi như vậy và nhìn thật kỹ hơn, chẳng còn phải nghi ngờ gì nữa. Khuôn mặt Thành khắc khổ hơn xưa, nhiều nếp nhăn nhưng có thể nhận ra ngay nếu như tóc không bạc và đừng đeo kính lão. Thành là một bạn học của tôi từ lúc còn học trung học, và cuộc đời của tôi có ít nhiều ảnh hưởng bởi anh ta. 
 * 
 Vào ngày đầu niên học của tôi ở lớp đệ tứ, trong khi thầy hướng dẫn đang chuẩn bị những công việc cần thiết cho lớp như bầu lớp trưởng, tổ trưởng..., chợt có một học sinh lạ bước vào, trình cho thầy một tờ giấy nhỏ. Xem xong thầy nhìn quanh lớp, thấy chỗ ngồi bên tôi còn trống, quay lại bảo người học sinh mới xuống ngồi cạnh tôi. Giờ ra chơi, tôi được biết tên người bạn mới tên Thành, vừa từ miền Trung chuyển vào Sài Gòn. Thành có dáng người tầm thước, hơi gầy, khuôn mặt khắc khổ và trông già dặn hơn các bạn đồng lớp, giọng nói nặng nhưng không khó nghe lắm. Học chung với nhau được một vài tháng, tôi nhận thấy Thành không có ý kết thân với ai, với các bạn chỉ tiếp xúc chừng mực như cố giữ khoảng cách. Trong lớp, tôi đã có vài đứa bạn rất thân từ mấy năm trước, hay đi chơi chung với nhau. Nhưng khi tôi rủ Thành nhập bọn thì Thành thường từ chối. Lúc đó tôi có nhận xét là do mặc cảm hơi quê mùa nên Thành ngại. Sau này tôi mới biết tôi đã có nhận xét sai, nhưng cũng chính vì nhận xét sai lầm đó mà tôi cảm thấy thương hại và với cơ hội ngồi cùng bàn, tôi và Thành trở nên thân thiết hơn.
 Theo như lời Thành kể, vì cha mẹ Thành ở ngoài quê đều qua đời nên phải vào Sài Gòn sống với người anh làm công chức ở Bộ Y tế. Nhà người anh thì nhỏ, gia đình lại đông con nên Thành cũng chỉ nhờ mỗi ngày hai bữa cơm, thiếu chỗ yên tĩnh để học hành. Vào thời đó còn phải thi trung học đệ nhất cấp nên khi nghe Thành tâm sự tôi cũng chạnh lòng. Về nhà kể lại cho cha mẹ tôi nghe, cha tôi bảo nếu tôi thích thì buổi tối gọi Thành lại nhà học chung cho có bạn. Khi tôi nói ý kiến của cha tôi thì Thành chấp thuận ngay. Từ đó, vài ba ngày Thành đến nhà tôi cùng nhau học hành, ăn ngủ... 
 Bấy giờ tuổi tôi chỉ trên dưới mười lăm, chưa có ý thức gì về chính trị, nhưng trong những lúc thong thả ngồi nói chuyện với nhau, Thành hay hướng đề tài qua các vấn đề về tình hình đất nước, về quốc gia và cộng sản. Thành tỏ ra hiểu biết về các cuộc cách mạng vô sản ở Nga và Tàu, thường ca ngợi những thành quả do cách mạng mang lại. Với đầu óc non dại thuở ấy, hai chữ cách mạng đối với tôi mang một ý nghĩa hết sức lãng mạn, con người cách mạng tiêu biểu của tôi là Dũng trong truyện “Đoạn tuyệt của Nhất Linh. Có lúc tôi cũng mơ mộng được làm người cách mạng như Dũng, có Loan luôn trông ngóng ở cuối trời, mặc dù không biết công việc cách mạng của Dũng như thế nào! Trong những lúc thảo luận với Thành, tôi ngây thơ nghĩ rằng chỉ là sự thảo luận suông của những người thanh niên mới lớn, muốn hiểu biết thế giới chung quanh, không có mục đích gì khác. Nhưng dần dà tôi lại có cảm tình với những nhà cách mạng trong thế giới cộng sản, và thích những hứa hẹn mà chủ nghĩa cộng sản sẽ mang lại cho xã hội.
 Năm học trôi qua, cả hai chúng tôi đều thi đậu. Những ngày hè còn lại tôi cùng bạn bè vui chơi hồn nhiên, đi đá banh, xem phim...  Mỗi lần các bạn kéo nhau đi chơi đâu, tôi cũng rủ Thành, nhưng Thành thường từ chối, viện lý do bận đi làm trong một khách sạn để có tiền chi tiêu. Một buổi chiều tôi đi chơi về đến nhà thì thấy Thành đang ngồi nói chuyện với cha tôi. Gặp nhau, Thành vui vẻ cho biết đến tìm tôi để rủ tôi đi ăn mừng vừa mua được chiếc xe gắn máy. Tôi tròn mắt hỏi:
Sao hay vậy? Tiền đâu mà mua xe?
Ông anh mình vừa về ngoài quê bán căn nhà của ông bà già, mang tiền vô chia cho mình một phần nên mới có tiền mua xe. Mình vừa nói chuyện và xin phép hai bác cho Giao đi chơi với mình tối nay. Bây giờ mình đi đi!
Tôi hân hoan chào cha mẹ rồi đi theo Thành. Thuở đó học sinh mà có xe gắn máy rất hiếm, đa số đều đi bằng xe đạp. Tôi mê xe máy lắm, nhưng đó vẫn còn là một ước mơ xa vời. Gia đình tôi thuộc tầng lớp trung lưu nhưng cha tôi hứa chỉ khi nào lên đại học mới mua cho xe gắn máy, do đó thấy Thành có xe là tôi bị lôi cuốn ngay. Bước ra khỏi nhà, Thành đến bên chiếc xe hiệu Sachs hai màu xanh trắng, mở khoá rồi hỏi tôi muốn chạy thử không, vì chưa quen lái xe gắn máy nên tôi ngại và từ chối. Biết vậy Thành bảo hôm sau sẽ mang xe lại chở tôi ra sân vận động, cho tôi “zợt “ vài vòng sẽ quen ngay. Buổi tối hôm đó tôi được đi ăn cơm Tàu ở Chợ Lớn, rồi đi một vòng Sài Gòn. Cả hai đi đến khoảng mười một giờ đêm mới trở về. Có lẽ đây là kỷ niệm vui nhất mà tôi có được với Thành trong thời đi học. Và cũng từ đó tôi thường tìm gặp Thành để rủ nhau đi chơi, nếu Thành giao xe cho lái thì tốt, còn nếu được ngồi sau xe cũng là hạnh phúc lắm rồi.
 Một buổi tối tôi đi chơi với Thành hơi khuya, về đến nhà thấy cha tôi còn thức. Một điều hơi bất thường vì như mọi ngày khoảng mười giờ là ông đã đi ngủ. Thấy tôi về cha tôi gọi lại, tưởng sẽ bị la vì chuyện đi chơi về trễ, nhưng ông chỉ hỏi tôi về Thành. Sau khi nói hết những gì tôi biết về Thành thì cha tôi bảo :
Con cần phải để ý hành động của nó, vì ba nhận thấy nó có điều gì đó khả nghi. Nếu không thân cộng thì có thể nó đang hoạt động cho cộng sản!
Tôi hơi ngạc nhiên vì lời nói của cha tôi nên hỏi lại:
Tại sao ba biết nó theo cộng sản?
Ba đã có dịp nói chuyện với nó và đôi khi vô tình ba cũng nghe được những gì nó nói với con. Dĩ nhiên ba không có bằng chứng nhưng ba có nhận xét riêng của ba.
 Vốn có thiện cảm với cộng sản, nên tôi đánh bạo trả lời:
Con thấy cộng sản cũng đâu có xấu gì, nó đem lại công bằng cho xã hội, không ai bóc lột ai...
Cha tôi ngắt lời:
Con đã biết gì về cộng sản mà nói như vậy. Ba chắc chắn những ý tưởng đó là do thằng Thành gieo vào đầu óc con. Trên đời này không có cái gì hoàn toàn xấu mà cũng không có cái gì hoàn toàn tốt, vì vậy cộng sản hay quốc gia cũng có cái mặt xấu mặt tốt của nó. Nhưng kinh nghiệm cho ba thấy, nếu phải chọn lựa bên này hoặc bên kia thì ba chọn bên này. Tuy nhiên con còn nhỏ, chưa hiểu được cặn kẽ vấn đề thì không nên để ý vào chuyện này, lo học hành trước đã.
Như vậy ba có ý nói con đừng chơi với thằng Thành nữa?
Phải, con nên xa lánh nó thì hơn. Nhưng phải tìm cách giản ra từ từ, đừng làm nó nghi ngờ.
Cha tôi giải thích thêm những điều hơn thiệt cho tôi nghe rồi mới đi ngủ. Tôi có thói quen không đối chất với cha mẹ, vì vậy trong lòng không đồng ý hoàn toàn những gì cha tôi nói, bởi tôi chưa nhìn thấy hành động nào gọi là cộng sản của Thành cả, nhưng cũng đành im lặng. Dù đã hứa phải tìm cách xa lánh Thành, nhưng cả hai đứa vẫn thường gặp nhau. Tôi nói dối với Thành là cha tôi la vì từ khi có xe gắn máy, hai đứa đi chơi nhiều nên tốt hơn là Thành đừng đến nhà tôi nhiều như trước. Thật tình tôi cũng không thích lắm tính tình độc đoán của Thành, nhưng điều khiến tôi còn giữ liên lạc là vì chiếc xe gắn máy. Biết ý tôi thích xe nên lần nào gặp nhau hay hẹn hò đi chơi Thành đều giao cho tôi lái. Nhiều người quen biết gặp Thành và tôi chở nhau trên chiếc xe gắn máy, vô tình nói lại cho cha mẹ tôi nghe. Tôi lại bị cha tôi mắng cho một trận, do đó tôi không dám gặp Thành nhiều, năm bảy ngày mới có một lần. Nhưng không hiểu tại sao mỗi lần tôi lén lút đi chơi với Thành là hầu như cha tôi đều biết, mặc dù tôi đã cố tránh mọi người. Cha tôi cho là tôi không nghe lời, vì vậy gần đến ngày tựu trường, ông quyết định gửi tôi lên nhà chú Tánh, em ruột của cha tôi trên Đà Lạt để ăn học và xa cách Thành.
 Lúc đầu tôi quyết liệt từ chối việc đi xa nhà, nhưng cha tôi không nhượng bộ. Ông đích thân dẫn tôi lên nhà chú Tánh. Tại đây tôi thấy hai người bàn bạc to nhỏ với nhau, sau đó chú tôi dắt tôi lên trường Trung học Trần Hưng Đạo để xin cho tôi vào học lớp đệ tam. Nhìn thấy ngôi trường nằm trên đồi soi bóng mặt hồ, tôi rất thích nên cũng bớt đi nhiều buồn phiền. Hai cha con tôi về lại Sài Gòn để tôi thu xếp đồ đạc, chuẩn bị chuyến đi xa nhà lần đầu tiên trong đời.
 Tôi rời Sài Gòn vào một buổi sáng sớm trời mưa. Tôi bịn rịn chia tay mẹ và các em rồi cha tôi đưa tôi ra bến xe bằng chiếc Vespa của ông. Trên đường đi, cha tôi dừng xe ở một tiệm phở để cùng nhau ăn sáng. Tính tình của cha tôi nghiêm khắc nhưng chắc trong lòng cũng buồn khi xa tôi. Trong lúc ngồi ăn, ông khuyên tôi nên lo chuyện học hành, đừng mơ màng những chuyện hão huyền. Ông cũng khuyên tôi sau này nên học sư phạm, vì làm thầy giáo thì bắt buộc phải có cuộc sống đạo đức, sau nữa là cái nghề thầy giáo có làm có ăn, không thể hoặc ít khi có thể nhận bổng lộc nào khác. Khi ra đến bến xe, cha tôi mua vé xong, cả hai cùng đứng đợi giờ xe chạy. Thấy tôi buồn buồn, như để động viên tinh thần, cha tôi bảo nếu sau nửa năm học trên Đà Lạt mà kết quả học tập tốt thì sẽ thưởng cho một chiếc xe gắn máy. Tôi xúc động vì phải đi xa nhà và tình thương của cha mẹ, cố giữ không để rơi nước mắt tôi bước nhanh lên xe. Khi xe chạy khuất ra khỏi ngã tư còn thấy cha tôi đứng nhìn theo. Tôi tự hứa sẽ cố gắng không làm cha mẹ tôi phải buồn vì tôi nữa.
 Nhà chú Tánh ở Đà Lạt khá lớn, chú thím chỉ có hai người con, một trai một gái đều nhỏ tuổi hơn tôi. Tôi được ở một phòng riêng rộng rãi. Chú làm ăn khá giả nên không tính toán gì về chi phí ăn ở của tôi với cha mẹ tôi, chỉ yêu cầu tôi dạy học thêm cho hai đứa em. Tôi còn có may mắn được chú Tánh mua ngay cho một chiếc xe gắn máy mới tinh để đi học. Chú nói vì thấy khoảng cách từ nhà đến trường khá xa, mà Đà Lạt lại nhiều dốc đồi, sợ tôi đi xe đạp mệt, không còn sức học tập. Nhưng tôi cũng hiểu mua xe cho tôi, ngoài việc cho tôi đi học còn có thể chở thím đi công chuyện những khi chú bận, và lại còn được lòng cha mẹ tôi vì biết lo cho cháu. Dù gì đi nữa thì tôi cũng được một chiếc xe Puch ba đèn, ba số, chạy êm như mây trời. Thói đời được voi đòi tiên, tôi lại ngắm nghía chiếc xe Peugoet 403 màu xanh đen bóng loáng mà mỗi tuần chú Tánh cho phép... rửa!
 Trong thời gian ở Đà Lạt, tôi chỉ chú tâm vào chuyện học hành và vui chơi với các bạn. Đà Lạt đã cho tôi một khung trời êm đẹp, bình yên. Thỉnh thoảng có nghe tin tức của Thành qua báo chí, vì Thành sinh hoạt trong Tổng hội sinh viên học sinh. Từ ngày rời Sài Gòn, tôi không còn liên lạc gì với Thành nữa. Thời gian êm đềm trôi qua, học xong trung học tôi thi vào trường sư phạm như ý của cha tôi. Tốt nghiệp xong tôi được nhận dạy học ở Đà Lạt, rồi gặp Hiền để trở thành vợ chồng, rồi con cái ra đời... Tôi sống an phận với nghề thầy giáo. Cha tôi đã có một thời theo Việt Minh, chắc vì vậy mà ông có kinh nghiệm để nhận xét về Thành. Còn với tôi, có lẽ cha tôi đã nhìn thấy trước sự tầm thường của đứa con trai đầu lòng của ông; sẽ chẳng làm nên vương nên tướng gì cả thì đừng để bị cuốn hút vào chuyện cách mạng với chủ nghĩa.
 Tôi yêu mến Đà Lạt nên tin tưởng sẽ sống mãn đời ở đó, nhưng cuộc đời không như tôi suy nghĩ. Sau ngày miền Nam thất thủ, gia đình tôi kẹt lại ở Đà Lạt trong khi cha mẹ và các em tôi đều di tản sang Mỹ. Bốn năm sau gia đình tôi mới vượt biên và định cư ở Canada cùng với tất cả gia đình Hiền. Bây giờ tôi mang một quốc tịch khác với cha mẹ và các em tôi. Nhớ lại buổi sáng trời mưa năm nào, cha tôi đưa ra bến xe đi Đà Lạt, lần đó tôi rời gia đình và mãi mãi không còn được gần gũi nữa! 
 *
Khoát và tôi đứng nói chuyện một lúc thì có thêm vài người bạn tụ lại, trong đó có Đức, anh là người bạn láng giềng của gia đình tôi ở Sài Gòn, sau khi chào nhau, hỏi thăm nhau về gia đình của hai bên, anh có vẻ chán chường:
Thấy tuyết ngập trời thật là chán, tôi chỉ muốn về lại Việt Nam, sáng sáng ra đầu ngõ uống ly “xây chừng ngắm nhìn thiên hạ qua lại mà vui!
Bây giờ anh muốn về cũng được mà, anh đã nghỉ hưu rồi chứ gì?
Thì tôi đã nghỉ hưu được hơn một năm nay, nhưng muốn về cũng phải chờ thay đổi chế độ trước đã.
Anh có “ nợ máu với nhân dân “ đâu mà phải sợ, anh chẳng có dính dáng gì với nguỵ quân nguỵ quyền mà?
Đúng vậy, với chế độ mới lý lịch của tôi rất tốt, tuy nhiên thấy những hành vi chướng tai gai mắt của họ tôi không chịu được.
Nghe nói bây giờ thay đổi nhiều lắm rồi anh ơi! Thiên hạ về hà rầm anh không biết sao?
Biết là vậy nhưng tôi vẫn chưa thay đổi được thành kiến...
Một người có lẽ là bạn của Khoát đứng bên cạnh nghe chuyện bèn lên tiếng:
Về Việt nam hả! Không bao giờ tôi về, bố tôi chết trong trại học tập cải tạo, nhà cửa, tài sản của gia đình tôi từ mấy đời nay đều bị tịch thu, cả nhà tôi phải ra đi với hai bàn tay trắng. Tôi không đội trời chung với chúng nó...
 Nghe anh bạn nói vậy, tôi hình dung đến số phận nghiệt ngã mà sau cuộc chiến đã có một số không ít gia đình phải hứng chịu. Thật khó dùng từ ngữ nào để nói chuyện với anh ta trong trường hợp như thế này.
Đang nói chuyện rôm rả thì Hiền đến nhắc tôi :
Khoảng nửa giờ nữa mình chuẩn bị về là vừa, tối nay có tuyết, đi đường nguy hiểm lắm.
Ừ, em làm gì thì làm khi nào muốn về thì gọi anh.
Tôi lại tiếp tục nói chuyện cùng các bạn cho đến khi Hiền trở lại mang theo áo lạnh cho tôi để chuẩn bị ra về. Bắt tay từ giã và chúc Tết các bạn rồi cả hai chúng tôi mặc áo ấm cùng đi ra cửa. Nhưng khi vừa ra đến cửa thì gặp Thành bước vào. Gặp tôi, Thành nhìn một lúc rồi lên tiếng:
Có phải là Giao không?
Tôi làm như không biết gì đáp:
Phải, tôi là Giao, còn anh có phải Thành không?
Đúng , Thành đây, lâu lắm mình mới gặp lại nhau!
-    Ừ, có đến hơn ba mươi năm. Thành qua đây hồi nào, qua chơi hay định cư ở đây?
Mình qua định cư luôn cùng bà xã và mấy đứa nhỏ.
À, đây là Hiền, bà xã mình, còn bà xã Thành đâu?
Nhà tôi và mấy đứa nhỏ vừa ra về theo xe của ông anh. Gia đình mình qua đây do anh ấy bảo lãnh, chắc Giao còn nhớ ông anh mình chứ! Mình qua đây cũng vì muốn cho mấy đứa nhỏ có cơ hội học hành tốt hơn...
Thành đã có việc gì làm chưa?
Thành trả lời theo tiếng thở dài:
- Hiện tại mình làm ở tiệm ăn của ông anh, tương lai chưa biết ra sao. Dù muốn dù không thì cũng phải bắt đầu làm lại thôi!
Nói chuyện một lúc, tôi trao đổi địa chỉ với Thành để liên lạc và nói lý do phải về sớm rồi chia tay. 
Trên đường về, tuyết rơi lất phất, hai bên đường những hàng cây trơ cành trụi lá, lạnh lẽo bao trùm không gian. Âm thanh những khúc nhạc mừng Xuân phát ra từ cái đĩa nhạc Hiền mới mua, ca ngợi nắng Xuân ấm áp, cỏ cây xanh tươi làm xót xa thêm nỗi lòng người xa xứ. Hiền im lặng lắng nghe nhưng bất chợt hỏi tôi:
Anh Thành gặp ở cổng ra có phải Thành hoạt động trong Tổng hội sinh viên học sinh ngày xưa, đến 30 tháng 4 thì lăng xăng theo đoàn bộ đội vào Sài Gòn không?
Phải, nó học chung với anh năm đệ tứ.
Sau này thấy anh ta cũng viết báo viết sách gì đó, năng nổ dữ lắm. Tưởng theo cách mạng đã có quyền cao chức trọng rồi, sao bây giờ lại chạy qua đây?
Tôi không muốn Hiền bàn sâu vào chuyện này nên cười trả lời:
Đâu có phải ai theo cách mạng cũng có quyền có chức đâu em! Muốn có quyền hành thì số phải tốt, cung quan lộc phải có tử phủ vũ tướng, tả phù hữu bật nữa chứ!
Đúng như ý tôi, Hiền chuyển đề tài:
À ! Anh nhớ ông Tống, chồng bà Phương không, đang làm ăn khá giả bên này, bây giờ về Việt Nam thường xuyên, nghe nói có bồ nhí ở đâu bên đó rồi. Đàn ông thật tệ! Mà cũng chỉ vì cộng sản thôi, nếu biết lo cho dân giàu nước mạnh thì mấy ông bên này đâu có đem tiền về mà mồi chài mấy cô gái trẻ bên đó được.
- Ai lại kết án theo kiểu trăm dâu đổ đầu tằm như vậy hả em! Hậu quả nào cũng phải có nguyên nhân của nó, chỉ vì ông Tống mà kết luận chung như vậy thì đâu có công bằng.
Hiền không nói gì thêm, im lặng một lúc rồi lên tiếng:
Cứ mỗi lần đi chợ Tết như thế này em lại nhớ Đà Lạt, nhớ cái không khí lành lạnh của những ngày cuối năm, nhớ những năm êm đềm sống với ba mẹ, nhớ tiếng pháo đêm giao thừa... Chắc hết cuộc đời mình cũng không thể về sống lại ở Đà Lạt, phải không anh?
 Hiền nói phải, chẳng bao giờ tôi còn mong tìm lại được cuộc sống an phận ngày xưa. Có những ràng buộc cuộc đời tôi với xứ sở mới này và những khó khăn ngăn chặn đường về quê cũ. Tôi ngậm ngùi nghĩ đến thân phận của những người Việt tha hương ở thế hệ như tôi, những ưu tư của bao người phải bỏ nước ra đi vì lẽ này lẽ khác, mà mỗi khi Xuân về lòng nghe ray rứt bởi tiếng réo gọi của cội nguồn. Tôi lại nghĩ đến Thành, trong lòng thương cảm và nhận ra mình còn có may mắn hơn Thành nhiều lắm. Tôi không trách việc Thành theo phía bên kia, ít ra Thành cũng là người sống có lý tưởng. Giờ đây, dù lý tưởng đó có phản bội hay không còn thích hợp với mình, thì cũng an ủi rằng mình đã sống một thời hăng say, sôi nổi. Chỉ tiếc thế hệ chúng tôi sinh ra vào lúc vận nước đang hồi đen tối, đầy những biến động khiến nhiệt huyết của tuổi thanh niên phải hao phí, lắm khi lại bị chà đạp phũ phàng. Nếu được sống ở một đất nước thanh bình, cái lý tưởng của Thành được đặt đúng nơi đúng chỗ sẽ cho một kết quả xứng đáng hơn, chứ đâu phải như bây giờ mới bắt đầu làm lại cuộc đời, khi tóc đã bạc màu, thân đã mệt mà tâm cũng chẳng an.
 Mỗi năm, khi Xuân về trên đất Việt xa xôi, tôi đều đi chợ Tết của cộng đồng người Việt, mong tìm lại chút hương xưa ngày cũ của quê hương. Một quê hương thương yêu ngàn trùng xa cách, một quê hương bị tàn phá bởi chiến cuộc lâu dài. Chiến tranh bom đạn thì đã qua hơn nửa thế kỷ, những tàn tích trong chiến tranh như bom, mìn, súng đạn rơi vãi trên mặt đất, dần dần được gom nhặt lại để phá huỷ đi, những hố bom mìn cũng được san lấp để trồng lúa trồng rau. Nhưng cho đến bây giờ chiến tranh vẫn còn để lại ít nhiều trong lòng người dân Việt khắp nơi những hố hầm cách biệt, bởi ý thức hệ, bởi hận thù, bởi thành kiến...  Quê hương Việt Nam thân yêu đó, vẫn có người ra đi, vẫn có kẻ tìm về, nhưng biết đến bao giờ thì những hố hầm kia mới được lấp đầy, để mỗi khi Xuân về, tôi đi chợ Tết sẽ không còn phải nghe đâu đó những tiếng thở dài, oán than. Một mùa Xuân nào đó, người ta đến đây hoàn toàn chỉ vì ý nghĩa của mùa Xuân: vui tươi, hy vọng, hạnh phúc... Tôi trông chờ mùa Xuân ấy từ mấy mươi năm nay, nhưng rồi mùa Xuân vẫn cứ ở nơi đâu! 

QB 11/06
Hà Đạo Hàm