Khoảng tháng 9/1975, hoàn tất đợt học tập 10 bài chính trị về Đế Quốc Mỹ,
Ngụy Quân, Ngụy Quyền, Ba Dòng Thác Cách Mạng … trại cải tạo của tôi (ở Long
Khánh) tổ chức ăn mừng. Sau buổi “họp liên hoan” cán bộ khung của tiểu đoàn,
trong lúc đi vệ sinh tôi tình cờ nghe hai C Trưởng nói loáng thoáng ở E (trung
đoàn) nào đó có “thằng Ngụy cải tạo làm 4 câu thơ cực kỳ phản động” và “nó đang
bị giam riêng để chờ biện pháp xử lý thích đáng”. Tôi đứng gần đấy vừa đái vừa
run, nghĩ thầm trong bụng: “Mẹ kiếp! Không biết 4 câu thơ của thằng Ngụy cải
tạo kia phản động đế mức nào, chứ thơ mình đọc chơi với mấy người bạn cùng A
(tiểu đội) mấy chả mà biết được thì mình chắc bầm dập”. Số là cách đó mấy hôm,
trong lúc ngồi tán gẫu trước khi đi ngủ, nghe một anh cao hứng đọc mấy câu thơ
trong bài Mòn Mỏi của Thanh Tịnh, tôi nổi hứng bất tử, chẳng giữ ý, giữ tứ chơi
luôn 8 câu vừa “nhái” bài Mòn Mỏi mấy tuần trước:
Nếu nội hỏi “sao con cực khổ
Cơm không no áo mặc không lành?
Con hãy chỉ lá cờ màu đỏ
Có sao vàng bay giữa trời xanh”
Nếu nội hỏi “sao nhà vắng vẻ
Không bàn thờ nhang khói tổ tiên
Con hãy chỉ một anh bộ đội (1)
Ở sau hè, rồi đứng lặng yên.”
Thế rồi lu bu ăn uống, lao động, họp hành kiểm điểm, câu chuyện “4 câu thơ
cực kỳ phản động” đi vào quên lãng . Nhưng chỉ vài tuần sau thái độ chán chường
bất cần đời và lối ăn nói vung tít mẹt, coi trời bằng vung của tôi đã mang đến
tai họa. Để “chửi xéo” một tay nịnh bợ “ông chủ mới” một cách trơ trẽn, tôi vừa
đứng đái vừa to tiếng nói với người bạn bên cạnh: “Tao cái con mẹ gì cũng thuận
bên phải; chỉ có cái thằng khốn nạn này lúc nào cũng ngoẹo đầu về bên trái”.
(2) Lần ấy tôi không những bị “bề hội đồng” bằng nắm tay, đầu gối, gót chân mà
còn bị mấy cái báng súng AK vào ngực đến ói máu. Sau đó là cả tháng trời nằm
conex (biệt giam trong thùng sắt).
Năm 1977 tôi bị đưa lên Bù Gia Mập. Trong ngày bị phân công vào rừng chặt
tre, vào giờ nghỉ ăn trưa, tôi ngồi chung với một nhóm anh em cải tạo ở trại
khác cũng đốn gỗ, chặt tre ở gần đấy. Một anh kể cho tôi nghe chuyện về một bài
thơ chỉ có 4 câu mà tác giả vì nó đã chết trong biệt giam vì bị đánh đập, mang
bệnh nặng, không được chữa trị, thuốc men. Tôi nhớ lại mẩu đối thoại của hai C
Trưởng năm nào ở Long Khánh mà giật mình, hồi hộp, hối thúc anh bạn đồng cảnh
tù đọc bài thơ.
NHỚ CON
Bố nhớ bé nhiều lắm bé ơi
Bé mang dép ngược bố la hoài
Ở đây chân trái là chân phải
Chân lý học hoài cũng thế thôi.
Tôi reo lên khe khẽ ở trong lòng: “Thôi đúng rồi! Đúng là bài thơ có 4 câu
mà cực kỳ phản động đây rồi”.
Tôi nghe hết bài thơ mà người bàng hoàng, thương cảm. Vâng, bài thơ hay quá.
Ẩn dụ tuyệt vời. Rất hợp thời, hợp cảnh. Mà cực kỳ phản động thật. Vừa mới học
xong 10 bài chính trị mà anh viết:
Ở đây chân trái là chân phải
Chân lý học hoài cũng thế thôi.
thì đám cán bộ “nổi trận lôi đình”, biệt giam anh là đúng rồi. Nhưng đánh
đập anh tàn tệ, khi anh bệnh hoạn không cho chữa trị thuốc men, để chết trong
biệt giam thì quả là quá ác, quá vô nhân đạo. Sau đó tôi hỏi tên tác giả thì
anh bạn tù lắc đầu không biết vì chính anh cũng là người nghe lại.
Hôm nay nhân ngày quốc hận 30/4 ngồi nhẩm đọc lại bài thơ; càng đọc càng
thấy thương và cảm phục tác giả. Anh đã thấy bộ mặt xảo trá, lọc lừa của người
cộng sản ngay từ những ngày đầu và đã dùng tài thơ độc đáo của mình khắc họa bộ
mặt ấy bằng 4 câu thơ tuyệt tác.
Cô bé “đi dép ngược” trong bài thơ giờ này cũng hơn 40. Không biết cô đang
phiêu bạt phương nào? Đã đọc bài thơ này chưa? Và không biết cô đã biết cha cô
vì bài thơ này mà bỏ mạng trong biệt giam của nhà tù cộng sản?
Hoàn cảnh của tôi và cha cô có khác nhau. Tôi chỉ bị đánh đập đến mang
thương tật, bị tù đày, hành hạ lâu dài, mất hết tuổi thanh xuân; còn cha cô bị
cướp đi mạng sống. Một khác biệt nữa là tôi “đáng tội” hơn, tỏ thái độ chống
đối rõ ràng; còn cha cô chỉ nhân sự việc xảy ra trước mắt, Nhớ Con viết mấy vần
thơ chân thật.
Tôi không cổ xúy hận thù. Cũng không muốn sống mãi với quá khứ đau thương
sân hận. Kẻ thù tôi vẫn còn nhớ mặt, đã đánh đập gây thương tích cho tôi, tiếp
tục giam hãm đày đọa tôi, khi gặp lại, thấy anh thay đổi cách suy nghĩ, giúp
dân oan đối phó với bạo quyền, tôi đã bắt tay quên hết chuyện xưa. Tôi có những
người bạn ở phía bên kia, không phải chỉ bạn trong giao tế xã hội mà còn trong
câu thơ lời văn, trong những ước mơ cho quê hương dân tộc.
Nhưng thỉnh thoảng hình ảnh của người cha bệnh hoạn và bài thơ Nhớ Con lại
hiện về. Muốn quên nhưng sao thật khó quên. Ai sẽ lấy lại công đạo cho người
cha bệnh hoạn? Ai sẽ lấy lại công đạo cho cô bé côi cút đáng thương? Những kẻ
từ Bộ Chính Trị, từ Trung Ương Đảng CS Việt Nam đã vạch ra chính sách, ra lệnh
giết cha cô (và biết bao người vô tội khác) vẫn chưa bước ra vành móng ngựa để
trả lời về tội lỗi của mình. Những người kế tục nắm quyền vẫn chỉ biết bán nước
cầu vinh, hà hiếp dân lành, vơ vét cho đầy túi tham, mặc kệ văn hóa suy đồi, xã
hội băng hoại.
Bốn câu thơ hay quá, thâm thúy quá. Nhưng chỉ vì 4 câu thơ ấy mà giáng xuống
“bản án tử hình” cho anh thì dã man quá, vô nhân đạo quá. Mà anh có vu khống,
xuyên tạc gì đâu. Ngụ ý của anh ở thời điểm ấy đâu có sai sự thật và bây giờ
không những hoàn toàn đúng mà lại còn rõ như ban ngày nữa. Như vậy “bản án” của
những người cộng sản đối với anh không những dã man, vô nhân đạo mà lại còn vô
lý nữa.
Tôi viết lại câu chuyện này trước hết, để một bài thơ hay không bị quên
lãng; kế đến, đưa thêm một bằng chứng về sự tàn ác của chính sách cải tạo mà
người cộng sản vẫn rêu rao là “nhân đạo, khoan hồng”. Bên kia dòng sông ngăn
cách là quê hương, là những người thân yêu và biết bao nhiêu kỷ niệm. Muốn bơi
về nhưng sao “Bờ Vẫn Quá Xa”. (3)
Galveston 05/2015
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
Chú thích:
1. Lúc ấy còn quân quản, chưa có công an. Sau này tôi sửa lại:
Con chỉ chiếc bóng vàng lấp ló
Ở sau hè rồi đứng lặng yên.
2. Gặp Lại Kẻ Thù Xưa (sangtao.org)
3. Tên một bài thơ của Phạm Đức Nhì