19 May 2015

HOẠN THƯ: Ý Thức Phản Kháng... - Phạm Đức Khôi


HOẠN THƯ
Ý THỨC PHẢN KHÁNG ĐÒI NỮ QUYỀN CỦA PHỤ NỮ VIỆT 

Tôi còn nhớ Bà cụ thân sinh tôi lúc đương thời đã có lần được tin của một ông chú họ cho biết, xông thẳng vào lễ dạm hỏi của cụ thân sinh tôi với một thiếu nữ ngoài độ trăng tròn tại ngôi đền Mõ thuộc quê hương của cụ, phá nát mâm ngũ qủa và lễ vật trước sự chứng kiến bất động của hàng trăm người khách mời tham dự. Sự việc chỉ ngã ngũ khi Bố tôi rút súng bắn chỉ thiên, bà mới nhượng bộ rút lui. Chuyện nhờ vậy đã không thành. Sau này cụ vẫn hãnh diện khoe với con cháu là “làm cho rõ mặt con nhà Hoạn Thư

Mặc dù cụ là một trong những người đàn bà Việt đảm lược, một tay chèo chống gia đình hai bên nội ngoại trong suốt thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp, nhưng hoàn toàn “một chữ bẻ làm đôi” cụ cũng không được biết, vì ông bà ngoại tôi sợ cho đi học “biết chữ sẽ viết thư cho trai”! Tuy vậy động mở miệng ra là cụ nói “tập Kiều” hay nói đến ghen tuông là phải dẫn đến Hoạn Thư! Ngay cả hành động đánh ghen cụ làm ở trên cũng phản ánh tác dụng mẫu người “thần tượng” ấy.

Vậy Hoạn Thư là ai ? ý thức phản kháng và sự khôn ngoan mẫu mực nào đã khiến người bình dân đến giới học thức trong xã hội ta đã chọn làm chuẩn mực?

Trước hết nói về cái tên Hoạn Thư. Tên này đúng ra chỉ là họ (Hoạn) người Tàu dùng để gọi con nhà danh gia vọng tộc, viết tắt của chữ Hoạn tiểu thư. Trong Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà cụ Nguyễn Du mượn cốt truyện viết Truyện Kiểu cũng gọi nhân vật nổi tiếng đánh ghen là Hoạn tiểu thư (宦小姐),nghĩa là gọi bằng tên họ. Nhưng đến cụ Nguyễn Du chữ Thư viết tắt từ Hoạn tiểu thư này lại được tái sinh thành tên cô Thư (first name) nhà họ Hoạn ( surname)-Hoạn Thư-chỉ thiếu chữ lót thị nữa là hoàn toàn thành tên cô gái Việt:

Vốn dòng họ Hoạn danh gia (1333)(1)
Con quan lại bộ tên là Hoạn Thư (1334)

Cụ Nguyễn Du giới thiệu gia thế Hoạn Thư là con cùa một gia đình danh gia vọng tộc. Thân sinh là vị quan họ Hoạn, quan thượng thư bộ lại, tức là một bộ trong lục bộ (Binh, Hình, Hộ, Lễ, Công, Lại). Đây là một cơ quan hành chánh đứng đầu một nước quân chủ chuyên chế, chuyên trách về bổ nhậm, bãi nhiệm, thăng thưởng, thuyên chuyển, bổ xung quan chức thời xưa... Tóm lại là bộ máy hành chánh lo việc tổ chức điều hành nhân sự trong triều đình và ngoài xã hội. Một vị quan xét về mặt quyền uy gần như trùm cả nước, chỉ sau vua.
Chồng nàng nguyên từ Kim Vân Kiều Truyện cũng chỉ được gọi bằng chàng họ Thúc - Thúc thủ. Nhưng qua Truyên Kiều cũng được Nguyễn Du cho một cái tên đầy đủ, tức chàng người họ Thúc, tên là Kỳ Tâm vốn dòng dõi con nhà nho học, mặc dù ta không biết rõ chàng đèn sách đến bậc nào:

Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương (1123)

Qua hai cái tên của hai nhân vật phụ từng làm điêu đứng cuộc đời ba chìm bảy nổi của nàng Kiều, ta cũng thấy phần nào ý thức cách mạng và tinh thần ái quốc của Nguyễn Du thông qua việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc - xưng hô bằng tên thay vì bằng họ, khác với người Tàu. Dù là sơ đẳng nhưng phát xuất từ lòng tự hào dân tộc. Như vua Quang Trung đã từng truyền hịch đánh quân Thanh: “Đánh cho để răng đen, đánh cho để tóc dài, đánh cho chích luân bất phản, đánh cho phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ
Với Nguyễn Du, Hoạn Thư có thể chỉ là mặt phản diện của Thúy Kiều - làm nhân vật phụ tạo thêm điêu đứng cho nàng Kiều trong mười lăm năm luân lạc - nhưng là một mẫu nữ nhân vật đầy cá tính được cụ khai sinh ra với đầy đủ vẻ khôn ngoan lịch lãm và và bản lãnh hơn người đến chính kẻ tình địch là nàng Kiều cũng phải thừa nhận:

Khôn ngoan rất mực nói năng phải lời (2374)




Nhân vật Hoạn Thư dù cụ Nguyễn Du có chủ ý hay không, đứa con tinh thần mang tinh huyết của mình tự nó trưỏng thành, đủ khôn ngoan và bản lãnh tạo làn sóng phẫn nộ, gây xáo trộn nền tảng xã hội bất bình đằng nam nữ đương thời dù chỉ trong ý thức và trong phạm vi gia đình. Một ý thức vùng lên phá bỏ một trật tự gông cùm mà những người “cai ngục” dù biết đấy nhưng đành thúc thủ, mà tiêu biểu là Thúc Sinh chồng nàng và cả Thúc ông cha chồng. Không biết có phải vì vậy mà xã hội Tàu còn gọi chàng là Thúc thủ (束守)? (2)

Điểm thứ hai đề cập đến tình duyên gia đạo và cá tính của Hoạn Thư:

Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa (1531)
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều giàng buộc thì tay cũng gìa (1534)

Theo Vân Hạc Văn Hòe trong Truyện Kiều Chú Giải (3) thì Duyên Đằng tức là duyên may, do câu thơ cổ “Thời lai phong tống Đằng Vươnng Các.”  Nghĩa là vận may tới, được gió đưa lên gác Đằng Vương. Nhắc tích xưa, Vương Bột một thi hào thời Sơ Đường (618-713) đi thăm cha, dọc đường nghe tin thi nhân được mời hội ngộ tại lầu Đằng Vưong. Khi ấy đường còn quá xa, may nhờ một thần nhân giúp sức, tạo gió đẩy thuyền đến kịp thời. Do đó ông mới có bài phú “Đằng Vương Các Tự,” trong đó có hai câu thơ tuyệt vời lưu lại đời sau:
.........................................................

Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng trường thiên nhất sắc (4)
.........................................................

Với giới bình dân, “Duyên Đằng” dù là gì không cần biết, họ chỉ hiểu là dịp may do duyên trời run rủi: Hoạn Thư được may mắn kết duyên cùng Thúc Sinh. Dù là ai đi nữa trong trường hợp này cũng phải thắc mắc: dòng dõi con quan lại bộ như Hoạn Thư, giàu sang quyền uy tuyệt đỉnh, tài tử giai nhân, anh hùng cái thế thiếu gì người rắp ranh bắn sẻ, sao lại được cho là may mắn lọt vào tay gia đình họ Thúc thương gia? ngay cả khi Thúc sinh là “con nhà giàu đẹp trai học giỏi” đi chăng nữa?
Chính tác gỉa Truyện Kiều Chú Giải cũng phải thừa nhận sự kiện này quả là  nghịch lý !(P324), dù rằng bài phú Đằng Vương Các Tự của thi Hào Vương Bột có làm gìới đọc sách bị thu hút phân tâm.
Vậy phải hiểu thế nào về ý nghĩa cố tình này?
Nàng bị điều thị phi gì nên may mắn được gả bán ép duyên để bảo vệ danh gía gia đình? Nàng qúa xấu xí và lớn tuổi không người hoài đoái? Nàng bị hai bên cha mẹ họ Hoạn và họ Thúc lúc hàn vi thân thiết hứa gả con cho nhau khi còn trong bụng mẹ? Nàng bị tiếng sét ái tình kiểu như Kiều và Kim Trọng? hay nàng may mắn vớ được thằng chồng “phải gió”, nhờ vậy trở thành nổi tiếng (ghen tuông) tương tự như Vương Bôt và Đằng Vương Các?
Tất cả những gỉa thuyết này và còn nhiều nữa có thể không đúng như sự thực của đời nàng. Nhưng chắc chắn một điều khi hạ bút “Duyên Đằng” mà không phải duyên “Ông tơ bà nguyệt,” cụ Nguyễn Du phải nhận trách nhiệm đã đặt vận mệnh và cuộc đời của Hoạn Thư trước những thách đố bất bình đẳng của xã hội, mà ít nhiều cụ cũng ảnh hưởng hay thấm nhuần với tư cách là một nho sĩ đương thời.
Về điều ăn nết ở trong việc điều hành gia sự, Nguyễn Du với chỉ hai câu lục bát ngắn gọn đã nói lên vai trò đảm lược làm chủ gia đình mà ta thường gọi là nội tướng, quán xuyến giao dịch êm thắm mọi việc trong ngoài; từ việc cư xử phải đạo với cha mẹ chồng, bà con dòng họ đến việc điều hành gia nhân ăn ở trong nhà, đâu đấy nghiêm mimh trên thuận dưới hoà. Đặc biệt  lời ăn tiếng nói không những “khôn ngoan rất mực” mà còn lý luận rạch ròi như “ ràng” như“buộc, những tay mơ kiểu Thúc sinh dễ dầu gì qua mặt? Điểm này cũng nói lên bản lãnh, tài ăn nói, và khả năng quán xuyến, lèo lái gia đình và sau này thể hiện nơi việc giàn dựng mưu cao để giằn mặt Thúc sinh và cô lập nàng Kiều.

Điểm thứ ba đề cập đến ý thức và hành động phản kháng của Hoạn Thư xuyên qua những mưu lược đánh ghen, mà các đấng  mày râu phải e dè ngao ngán và giới quần hồng càng tôn phục nể vì.
Chúng ta đã biết Thúc sinh là con một thương gia giàu có, hẳn cũng có học đòi làm dân đọc sách, nhưng tính tình phóng đãng và bản lãnh dưới mức tầm thường so với Hoạn Thư. Chàng tìm cách theo cha là Thúc ông đi buôn bán phương xa (Lâm truy) để dễ bề hành lạc:

Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm truy (1278)

Khi gặp Kiều ở lầu xanh, chàng khởi đầu chỉ là quen thói hành lạc mua vui, nhưng sau bị thu hút bời nhan sắc, tài năng và tính tình hồn hậu của Thùy Kiều nên đã kết thành vàng đá:

Sớm đào tối mận lân la (1289)
Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng (1290)

Sự việc đến tai thân phụ chàng. Thúc ông tìm cách cản ngăn nhưng chàng đã lún sâu vào biển tình không thoát ra được nữa. Thúc ông phải nhờ đến cửa quan để chia cách hai người.  Nhưng trời xanh có mắt, quan phủ khi biết được Kiều có tài thơ văn lại ăn nói khôn ngoan khí khái, hiểu chuyện trên dưới trước sau, nên cũng động lòng trắc ẩn, thiên vị khuyên thân phụ chàng dẹp nỗi bất bình, chấp nhận cho chàng nhận Kiều làm vợ lẽ:

Đã đưa đến trước cửa công (1461)
Ngoài thì là lý, song trong là tình
Dâu con trong đạo gia đình
Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong (1464)

Sự việc đã đến nước này nhưng Hoạn Thư tại quê nhà không hề được hỏi ý kiến hay thông báo sự tình, nên nàng lửa giận bừng bừng mà vẫn dằn lòng chịu đựng, tìm cách êm thắm nhưng bẽ bàng để báo thù người chồng bội bạc:

Từ nghe vườn mới thêm hoa (1555)
Miệng người đã lắm, tin nhà thì không
Lửa tâm càng giập càng nồng
Giận người đen bạc ra lòng trăng hoa (1558)

Thời ấy đàn ông đa thê lắm thiếp là sự thường tình. Không những vậy còn được luật pháp, phong tục, lễ giáo gia đình và xã hội đương thời nhìn nhận. Nhưng với Hoạn Thư, người đàn bà bản lãnh quyền uy, sâu sắc nước đời, thì chẳng phải là chuyên bình thường! Người đàn bà có máu lạnh này đã thể hiện uy quyền, sự lọc lõi đến đáng sợ qua cái cách hành xử khôn ngoan mẫn tiệp của nàng.
Khi nghe phong thanh chồng có vợ bé, người phụ nữ nào chẳng nổi tam bành?  nhưng Hoạn Thư bề ngoài vẫn lịch lãm, văn vẻ nhẹ nhàng “trách người đen bạc ra lòng trăng hoa”. Bề trong? lửa hận bừng bừng, căm giận anh chồng đốn mạt phản bội tình xưa nghiã cũ, làm tổn hại tới uy phong, danh dự cá nhân và  thế gia dòng họ Hoạn. Nguyễn Du đã để lộ tâm can, gan ruột Hoạn Thư bằng một đoạn độc thoại nội tâm bậc thầy, trong đó hứa hẹn một pha đầy kịch tính:

Ví bằng thú thật cùng ta (1559)
Cũng dong kẻ dười mới là lượng trên
Dại chi chẳng giữ lấy nền
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?
Lại còn bưng bít dấu quanh
Làm chi những thói trẻ ranh nức cười!
Tính rằng cách mặt khuất lời
Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho!
Lo gì việc ấy mà lo
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?
Làm cho nhìn chẳng được nhau
Làm cho đầy đoạ cất đầu chẳng lên!
Làm cho trông thấy nhãn tiền
Cho người thăm ván, bán thuyền biết tay (1572)

Nghĩ vậy, nhưng “Buồng đào khuya sớm thành thơi, ra vào một mực nói cười như Không.” Khi người ăn kẻ ở lẻo mép tâng công, Hoạn Thư vẫn ra vẻ nổi giận đùng đùng:
Chồng tao nào phải như ai (1560)
Điều này hẳn miệng những người thị phi

Lấy cớ rằng chúng thêu dệt chuyên thị phi để nói xấu chồng, lập tức lôi ra đánh đòn ( đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng), khiến trong ngoài kín mít như bưng. Kịp khi Thúc sinh trở về, Hoạn Thư vẫn đon đả mở tiệc mừng chào đón ( Lời tan hợp nỗi hàn huyên- Chữ tình càng mặn chữ duyên càng nồng- Tẩy trần vui chén thong dong). Vẻ mặt tươi cười vồn vã tỉnh bơ, khiến chàng họ Thúc tưởng nàng chưa biết gì nên nhát gan ém nhẹm chuyện vợ lẽ được cha cho phép. ( Nghĩ đà bưng kín miệng bình, Nào ai có khảo mà mình lại xưng). Trong khi Hoạn Thư vẫn đẩy đưa, buông những lời bóng gió xa xôi, nhằm củng cố niềm tin ngây thơ của chàng hầu mưu đồ một điều gì bí hiểm về sau:

Rằng : Trong ngọc đá vàng thau (1583)
Mười phần ta đã tin nhau cả mười
Khen cho những miệng dông dài
Bướm ong lại đặt những lời nọ kia!
Thiếp dù vụng chẳng hay suy
Đã dơ bụng nghĩ, lại bia miệng cười!(1588)

Thúc Sinh nông cạn, đớn hèn làm sao có thể hiểu được ẩn ý sâu xa trong những lời bóng gió của nàng. Anh chàng hí hửng khi được vợ dẫn dụ đường mật nên trở lại Lâm Truy. Nàng vẽ đường cho hươu chạy! Thật đúng là “cà cuống chết đến đít vẫn còn cay.”
Sau khi Thúc Sinh đi, Hoạn Thư về nhà mẹ đẻ để hỏi ý kiến mẹ về kế hoạch trừng trị Thúc Sinh và Thúy Kiều (Thưa nhà huyên hết mọi tình - Nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu đen ). Cái cách đánh ghen của Hoạn Thư thật lạ lùng và thâm độc:

Nghĩ rằng: Ngứa ghẻ hờn ghen (1609)
Xấu chàng mà có ai khen chi mình!
Vậy nên nghảnh mặt làm thinh
Mưu cao vốn đã rắp ranh những ngày...
Lâm Truy đường bộ tháng chầy
Mà đường hải đạo sang ngay thì gần
Dọn thuyền lựa mặt gia nhân
Hãy đem dây xích buộc chân nàng về
Làm cho cho mệt cho mê
Làm cho đau đớn ê chề cho coi!
Trước cho bõ ghét những người
Sau cho để một trò cười về sau !(1620)




Đây cũng chính là điều đi ngược lại lẽ thường được ghi nhận trong câu tục ngữ dân gian: cả giận mất khôn. Nhưng với Hoạn Thư càng giận lại càng tỉnh táo sáng suốt; đánh ghen nhưng không ai biết mình ghen.
Tiếp đó là màn lập hiện trường giả, đốt nhà với xác trôi sông, bắt cóc Thuý Kiều về nhà tra khảo…, qua mặt được cả bố chồng lẫn người chồng ngờ nghệch, khiến mọi người cứ tưởng như Kiều đã chết. Mưu mô được thực hiện vô cùng hoàn hảo, không để lại một dấu vết gì, ngay cả quan lại điều tra xét xử thời ấy cũng phải bó tay. 
Công việc tiến hành song suốt nhưng không dừng ở đấy! Hoạn Thư còn gìàn dựng cảnh bắt Kiều gẩy đàn, hầu rượu Thúc sinh khi chàng buồn nản trở về để chàng phải ngạc nhiên, dở cười dở khóc. Đúng là: “Cùng trong một tiếng tơ đồng, người ngoài cười nụ người trong khóc thầm!”
Đây là đoạn đầu của màn kịch đánh ghen mà Hoạn Thư vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn kiêm diễn viên. Trong đó ba nhân vật chính: Hoạn Thư, Thúc sinh và Thuý Kiều, ai cũng là người trong cuộc, và ai cũng là khán gỉa bàng quan; ai cũng cười nụ, ai cũng khóc thầm. Hoạn Thư cười nụ vì đã thoả mãn với sự trả thù. Thuý Kiều và Thúc Sinh cườì nụ vì gỉa vờ không quen biết nhau, lấy nhạc làm vui... Nhưng đúng ra là cả hai Thúc sinh và Thúy Kiều không ai đủ can đảm dám đối diên với sự thực trước mắt!  Cả ba người đều đau khổ bẽ bàng! Tuy nhiên, Hoạn Thư không phải là người đàn bà cố chấp, đã cạn nhân tình. Trong tình huống nghe Kiều gảy đàn chan hoà nước mắt, nàng đã có phần càm động và nhẹ nhàng nói với Thúc sinh: “Rằng: Tài nên trọng mà tình nên thương!” Ngoài ra, nàng còn nói lời chia xẻ và thông cảm với số phận đào hoa:

Bể trần chìm nổi thuyền quyên (1903)
Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời

sau đó  Hoạn Thư còn gia ân cho Thuý Kiều ra tu ở Quan Âm Các sau nhà. Tuy nhiên để hai người bặt đường dan díu, nàng cho hoa nô theo dõi bắn tiếng trước là, chính nàng cũng đang xoi mói. Để Thúc Sinh và Kiều vật vã thở than... Rồi thình lình ỡm ở xuất hiện, xởi lởi ngọt ngào, làm hai người bẽn lẽn không dám tìm dịp gặp lại về sau:

Tiểu thư đâu đã rẽ hoa lối nào (1982)
Cười cười nói nói ngọt ngào
Hỏi:” Chàng mới ở chốn nào lại chơi ?”…

Hoạn Thư biết hết mà coi như chẳng biết chút gì. Quả là cao thủ võ lâm! không trách gì họ Thúc phải bó tay, dù xã hội và gia đình đã tạo mọi điều thuân lợi:

Người đâu sâu sắc nước đời (2007)
Mà chàng Thúc phải ra người bó tay!

Kết qủa đánh ghen của Hoạn Thư và mối tình Kiều-Thúc là, Kiều đuợc bật đèn xanh cho ôm chuông vàng bỏ trốn trước sự toàn thắng vẻ vang về mặt trận ghen của nàng họ Hoạn:

Cất minh theo ngọn tường hoa(2027)
Lần đường theo bóng trăng tà về tây.

Qua biến cố này ta thử lượng gía về mặt cá nhân, chiến thuật đánh ghen và chiến lợi phẩm hạnh phúc mà Hoạn Thư đạt được ở mức độ nào ? Những thành qủa của đấu tranh giành quyền bình đẳng nam nữ về mặt gia đình và xã hội đã dẫn đến đâu qua sự đấu tranh sắc nét khôn ngoan của người kiệt nữ Hoạn Thư?
Khi nhắc tới Hoạn Thư người ta chỉ nhắc đến tuyệt xảo của đòn ghen, it ai nghĩ đến mục đích và đối tượng của đánh ghen. Ở đây chính là quyền của người phụ nữ đấu tranh với tình địch, chồng và xã hội để gìành hạnh phúc cho cá nhân mình. Hoạn Thư đã xua đuổi được Thúy Kiều và làm chồng phải ngao ngán rời xa người bạn tình, nhưng nàng có thực sự tìm lại được hạnh phúc gia đình?
Để trả lời câu hỏi này chúng ta phải khảo sát những yếu tố và điều kiện tạo thành hạnh phúc của hai người:

Về mặt văn hoá và xã hội, tác gỉa Võ Thu Tịnh trong bài Đòn Ghen Của Hoạn Thư (5) đã nêu ra những thế kẹt của Hoạn Thư mà  Luật Hồng Đức đã ghi:

 Thứ nhất, cha Thúc sinh và quan trên đã chính thức cho phép Thúc sinh cưới Kiều rồi. May mà Thúc sinh hèn nhát, quen thói sợ vợ, nên chưa dám nghĩ đến việc cùng cha đưa Kiều về nhà ra mắt nàng. Rơi vào hoàn cảnh ấy, nàng cũng khó mà từ chối.

Thứ hai, nàng không có con. Đó là một cớ trong thất xuất (không con, dâm đẵng và biếng nhác, bất hiếu với cha mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông, có ác tật) để người đàn ông ly dị vợ.

Thứ ba, bất hiếu. Không cho chồng lấy vợ lẽ để có con nối dõi tông đường (Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại)

Thứ tư, ghen tuông lỗ mãng, gây gỗ hành hung không cho chồng giao du với phụ nữ (thất xuất).

Cũng theo Võ Thu Tịnh, Hoạn Thư phải khôn ngoan, úp mở làm cho Thúc Sinh tiếp tục giấu, tức là chàng không mở miệng xin lấy Kiều, Hoạn Thư sẽ có thời gian dùng tình cảm lôi kéo chồng, làm cho chồng quên Kiều mà trở lại với nàng.

Hoạn thư là người khôn ngoan rất mực và hiểu biết sắc nét mọi điều. Chắc hẳn nàng hiểu và ý thức được hoàn cảnh tế nhị của mình nên đã thực hành kế hoạch đánh ghen trong điều kiện hết sức giữ kín trong ngoài, tuyệt đối thâm nghiêm kín cổng. Nạn nhân được cài răng lược, kiềm chế lẫn nhau, không ai biết trước và khi biết cũng không dám hé răng như ta đã nhìn thấy sự việc diễn ra…
Có thể nàng đã đạo diễn vở bi hài kịch thành công để bảo vệ bản thân và giáng trả những đòn đớn đau thích đáng cho người chông bội bạc, cho Thúy Kiều cho cả Thúc ông, và những đối tượng thù nghịch tiêu biểu cho quyền uy xã hôi đương thời. Nhưng còn hạnh phúc tình cảm của nàng với Thúc sinh sẽ đi về đâu? vấn đề không đơn giản với nụ cười hả hê vô tư của mọi người!

Có thể nói nàng có máu lạnh thích đấu đá ghen tuông gai góc để thoả mãn uy quyền và tự ái cá nhân hơn là tự vấn đấu tranh đi tìm sự êm ấm, hoà hợp yêu thương trong tình chồng vợ. Nàng không nặng lời thô lậu như nhiều người đàn bà khác khi ghen tuông với chồng và đánh ghen với với tình địch. Nhưng những thủ đoạn và sự khôn ngoan sắc sảo của nàng đã làm người đàn ông thúc thủ bất động, đồng thời cũng trở nên nguội lạnh e dè, hay lãnh cảm nói theo ngôn ngữ thời nay, khi gần gũi với nàng. Than ôi ! Thiên thần hạnh phúc đã vỗ cánh bay đi…Sự đấu tranh giành hạnh phúc đã vượt qúa biên giới của sự thuyết phục đối tượng yêu thương về với hạnh phúc gia đình, và chính kẻ đấu tranh là Hoạn Thư cũng bước vào ngõ cụt không lối thoát trong cơ chế xã hội đương thời. Có thể nói Hoạn Thư đã chết đứng từ đây gìống như Từ Hải khi rơi vào bẫy tình của Hồ Tôn Hiến. Chì khác là,Từ Hải chết đứng như một kẻ chiến bại, còn Hoạn thư chết đứng như một kẻ chiến thắng!!!



Nghĩ cho cạn tình cạn lý, đứa con tinh thần của Nguyễn Du đã được hoài thai thiếu hoàn chỉnh. Mặc dù so với phiên bản văn xuôi Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, thi sĩ có châm chước đôi điều, trong đó có sự tha bổng Hoạn Thư khi Kiều trả ơn báo oán. Nhưng điều căn bản nhất là hạnh phúc có con cái và được thương yêu trong tình chồng vợ, không một ai, kể cả tác gỉa Truyện Kiều để ý đoái hoài. Một ngườì đàn bà đảm lược khôn ngoan chỉ được xử dụng vào việc quán xuyến gia đình và trở thành câu chuyện mua vui trong những dịp trà dư tử hậu, phỏng có phải là hạnh phúc? Trách nhiệm ấy ở ai? nếu không muốn nói là xã hội, chồng nàng và cả độc gỉa lẫn tác gỉa có dự phần trong đó?
Hoạn Thư rất cô đơn, ngoài bà mẹ già thương con, nhắm mắt ủng hộ con trong việc đánh lừa xã hội, còn có Thúy Kiều dù là tình địch, nhưng cũng là măt phải của đời nàng, còn giữ được tình người, cảm thông và tha bổng cho về. Một người dám phản kháng lại xã hội bất công với tham quan ô lại như Kiều, bằng hành động ơn trả nghĩa đền, vẫn giành một khoảng trống trong tâm hồn riêng cho người đồng điệu.
Tóm lại, Hoạn thư là một phụ nữ bản lãnh và khôn ngoan tột bực. Một nhân vật kiệt xuất đấu tranh về quyền con người của phụ nữ Việt, nổi lên từ những nghịch lý của xã hội bất công. Nàng đã ý thức được hoàn cảnh ngặt nghèo của cá nhân và đã vận dụng thành công công cuộc đấu tranh bằng tài sức của riêng mình--không phải bằng thế lực bất công đương thời của cha là Thượng Thư Bộ Lại--Một mình chống trả lại những bất công của gia đình và xã hội ràng buộc người phụ nữ vào những lề thói phi nhân bản. Tuy nhiên, nàng thật dũng cảm và cũng thật đáng thương! đã trở thành một con thiêu thân trong một xã hội khắc nghiệt bất công và trong môi trường vô hạnh phúc của đời mình. Người ta khiếp phục, ca tụng, tán dương nàng như những mẫu mực tuyệt vời của nghệ thuật đánh ghen để phục vụ khát vọng uy quyền và lòng tự ái ích kỷ cá nhân; ít ai cảm thông chia xẻ với những bất hạnh của đời nàng…


Phạm Đức Khôi


CHÚ THÍCH

1-    Tất cả số câu thơ Kiều trích dẫn trong bài lấy từ Tự Điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh do Đông Anh-Hà Nội xuất bản 1989; và Truyện Kiều Chú Giải của Vân Hạc Văn Hòe, Ziên Hồng, 1959
2-    Wikipedia, ngày 24 tháng 6 năm 2013
3-    Vân Hạc Văn Hoè, Truyện Kiều Chú Gỉai, Ziên Hồng, 1959, p323)
4-    http//w.w.w thivien.net
5-    Vietsciences-vo Thu Tinh (12/11/2005)