Người ta
hay nói dân trí là yếu tố sống còn đối với vận mệnh của một quốc gia. Nhưng
hiểu về dân trí như thế nào thì chắc vẫn còn tranh cãi. Có người cho rằng dân
trí ở Viêt Nam cao, trong khi “quan trí” lại thấp, cần phải nâng cao. Nhưng từ
xưa đến nay (từ thời cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh), tại sao người ta
thường kêu gọi “nâng cao dân trí”? Có lẽ người ta muốn đề cập đến cùng một vấn
đề. Hay nói cách khác, “dân nào thì quan nấy”.
Sau 40
năm, hãy điểm lại 10 hình ảnh hài hước và độc đáo “chỉ có tại Việt Nam” để xem
dân trí đang ở đâu, và vì sao có thể (hay không thể) thay đổi được. (Tất nhiên
các bạn có thể bổ sung thêm). Tuy hình ảnh chỉ là bề nổi của tảng băng chìm,
nhưng nó là một tiêu chí quan trọng. Những người cầm quyền hay nói “lấy dân làm
gốc”, vậy làm thế nào thay đổi được cái ngọn bị sâu bệnh, nếu cái gốc cũng yếu
kém và khó thay đổi?
1. Cái
cột điện
Bill Gates
hay khách quốc tế nào đến Việt Nan đều ấn tượng bởi “cái cột điện” như một hình
ảnh độc đáo khó quên. Đó là một đống dây điện lằng nhằng cuộn vào nhau như cái
mạng nhện khổng lồ, tạo thành một tác phẩm nghệ thuật đường phố mà không một
nghệ sĩ sắp đặt nào có thể làm nổi. Tác phẩm này có mặt khắp nơi, từ các đường
phố lớn sang trọng đến các ngõ hẻm tồi tàn. Không biết nó xuất hiện từ bao giờ,
nhưng đã tồn tại qua thời gian như một phần của nền văn minh đô thị (theo “định
hướng XHCN”). Chắc không thể cải tạo được nó, mà chỉ có thể bỏ đi và thay bằng
một hệ thống khác. Có người nói đó là hình ảnh của Hà Nội, những người khác thì
cho rằng đó là hình ảnh của EVN (tập đoàn điện lực VN). EVN vừa được hưởng ngân
sách, vừa có quyền tăng giá điện tùy ý, mà chẳng cần phải đầu tư đổi mới hạ
tầng (như một nhóm lợi ích). Vậy tiền chạy đi đâu? Dù sao, cái tác phẩm nghệ
thuật này (biểu tượng cho dân trí VN) đáng được đưa vào “Guinness Book” về
những kỷ lục tồi tệ nhất.
2. Cái
loa phường
Có lẽ
Bill Gates chưa có dịp thưởng thức cái loa phường để đánh giá. Nó dễ dàng đánh
bại cái cột điện để chiếm vị trí số một nếu xếp hạng. Nó cũng hiện diện khắp
nơi, nhưng không câm lặng như cái cột điện. Từ sáng sớm đến tối, nó oang oang
lặp đi lặp lại mấy nội dung nhàm chán. Ngay cả khi ta ngủ, hay sang tận Paris
hoặc London, trong tai vẫn văng vẳng tiếng loa phường. Thật khó lòng thoát khỏi
nó, ngay cả trong tâm thức. Tại sao người ta bỏ được sổ gạo và tem phiếu, mà
lại không bỏ được cái loa phường điên khùng này? Có lẽ vì nó là công cụ kiểm
soát văn hóa tư tưởng, nên tồn tại cùng với chế độ. Chúng ta lớn lên với nó,
quen thuộc và chấp nhận nó, nên nó đã đi vào tiềm thức và dân trí, ngay cả khi
ta sống cũng như chết. Có lẽ nhạc sỹ Văn Cao, dù đã ở thế giới bên kia, cũng
không thể quên được cái thứ “khủng bố mềm bằng âm thanh” này (như có người đặt
tên). Tác giả của bài Quốc Ca đã phải chịu đựng cái loa phường chõ vào căn
phòng mình như để tra tấn trong suốt cuộc đời còn lại, cho đến khi nhắm mắt.
3. Giao
thông nguy hiểm
Đối với
những người nước ngoài nào mới đến Việt Nam lần đầu thì có lẽ điều đáng sợ nhất
trong đời là phải vượt qua đường phố, nơi xe cộ đi lại hỗn loạn, không ai tránh
ai. Nó còn nguy hiểm hơn cả cái cột điện và cái loa phường. Nó giống như cảnh
tượng bạo lực chỉ thấy trong phim hành động. Nó phản ánh một não trạng bất an
và ám ảnh bạo lực của nhiều người Việt, như một di chứng của chiến tranh, làm
cho con người dễ vô cảm. Nó lý giải tại sao Việt Nam lại được xếp thứ 13 (gồm
những nước vô cảm nhất) trong 150 quốc gia được viện Gallup khảo sát năm 2012.
Huffington Post coi giao thông ở Việt Nam là “nơi nguy hiểm nhất”, còn CBS News
thì ví giao thông ở đây như “địa ngục”, và BBC cho rằng nó còn nguy hiểm hơn cả
đại dịch AIDS. Bộ Y tế VN thông báo trong 7 ngày nghỉ Tết năm 2015 có 246 người
chết do tai nạn giao thông. Còn bộ trưởng Giao thông VN gọi đó là “quốc nạn” vì
mỗi năm có gần 12.000 người chết và 9.300 người bị thương, có thể so sánh với
con số thương vong do thảm họa sóng thần ở Nhật Bản. Nhưng đối với những người
Việt đã quen với chiến tranh và bạo lực thì giao thông hỗn loạn và tắc đường là
một phần của đời thường và dân trí. Người ta hay đùa “Hà Nội không vội được
đâu!” Hình như người Việt có khiếu hài hước đặc biệt, thích đùa ngay cả với
tính mạng của mình. Có người còn lập luận là tại sao lại sợ chết khi hàng ngày
vẫn “sống trong sợ hãi” như trong phim “thập diện mai phục”.
4. Đường
phố ngập lụt
Khi mùa
mưa đến, những đường phố lớn ở Hà Nội có thể biến thành những dòng sông nhỏ.
Bạn không cần mất công đến tận Venice để thưởng ngoạn cảnh này. Chỉ cần sắm cho
mình một cái thuyền nhỏ, thay vì cái xe máy vô tích sự trong nước lụt. Năm này
qua năm khác, người Hà Nội nơm nớp vừa lo “mất nước” vừa lo “ngập lụt’, mà cả
hai đều cùng một nguyên nhân. Nghe nói đã có những khoản kinh phí lớn của các
nhà tài trợ quốc tế và ngân sách quốc gia đầu tư để cải tạo hệ thống cấp thoát
nước Hà Nội. Nhưng các khoản tiền này đã trôi theo dòng nước cống ra sông ra
biển (hoặc chui vào túi ai đó). Ách tắc không phải chỉ có giao thông, cấp thoát
nước, hay hệ thống hành hành chính công, mà trước hết là ý thức hệ và dân trí.
Vì vậy, muốn tháo gỡ ách tắc ngoài đường, phải tháo gỡ ách tắc trong đầu con
người trước.
5.
Đái đường và vứt rác
Tuy
nhiên, chúng ta có một thói quen rất thông thoáng, đó là đái đường và vứt rác.
Bạn có thể thấy cái biển “cấm đái bậy” khắp mọi nơi, nhưng nó không ngăn được
người dân đái bậy. Người ta đái bậy và vứt rác khắp nơi, từ những góc phố cổ
quanh Hồ Hoàn Kiếm, đến con đường đê dọc sông Hồng nơi có những bức tranh gốm
hiện đại. Phải chăng dân ta uống nhiều bia hơi, nên đái nhiều hơn người khác?
Phải chăng họ lâu nay “sống trong sợ hãi” nên hay vãi đái? Phải chăng đái bậy
đã trở thành một phong cách sống? Hay chỉ vì họ không có đủ toilet? Dù đây có
phải là một vấn đề quan trọng cần “tái cấu trúc” hay không, dù các “sở ban
ngành” (như giao thông công chính hay văn hóa tư tưởng) đã làm được những gì,
thì đái bậy và vứt rác vẫn đang hiện hữu như một hình ảnh “đặc thù” của văn hóa
và dân trí VN.
6. Ném đá
và chửi đổng
Không
phải chỉ có đái bậy, mà hình như người Việt còn thích văn hóa ném đá và chửi
đổng, đặc biệt là gần đây trên internet và thế giới mạng. Nhiều người cũng rất
mê internet và truyền thông kỹ thuật số nhưng rất ngại tham gia thế giới mạng,
chỉ vì vấn đề này. Trên đó hoàn toàn tự do, kể cả ném đá vô tội vạ. Không có
luật lệ nào cả, giống như vô chính phủ, chỉ có dân trí điều tiết. Đó là bản
chất của thế giới mạng, nơi cả hai mặt tích cực và tiêu cực cùng tồn tại. Có lẽ
vì vậy mà tốc độ phát triển internet và Facebook ở Viet Nam vào loại nhanh nhất
thế giới, dù không tỉ lệ thuận với dân trí. Có mấy nguyên nhân. Người Việt vốn
có truyền thống hay chửi nhau và cãi nhau (chẳng cần lý do cụ thể). Do bị kiểm
duyệt quá nhiều và quá lâu nên họ không có thói quen tranh luận một cách có văn
hóa. Nay internet và truyền thông kỹ thuật số đã mở ra một xa lộ thông tin mới
cho tự do ngôn luận (mà không bị kiểm duyệt). Nó giống như “tháo cống” cho mọi
thứ, kể cả gia bảo và rác rưởi trong nhà đều được phơi bày.
7. Học
vẹt
Không có
vấn đề nào bị công chúng phê phán nhiều như giáo dục. Và lúc này không có vấn
đề nào quan trọng hơn giáo dục, để nâng cao dân trí và chấn hưng đất nước.
Nhưng tại sao càng cải cách, chất lượng giáo dục càng tụt hậu? Các chuyên gia
giáo dục cho rằng học vẹt và chế độ thi cử chạy theo thành tích và bằng cấp làm
triệt tiêu năng lực sáng tạo và tư duy độc lập của học sinh. Human Development
Indicators xếp Việt Nam đứng thứ 121/187 (dưới trung bình). Không có một trường
đại học nào của VN lọt được vào danh sách các trường đại học có danh tiếng và
chất lượng (trong khu vực). International Property Rights Index xếp Việt Nam
thứ 108/130 (gần đội sổ), tính theo giá trị trí tuệ. Giáo dục bị tụt hậu thê
thảm như vậy mà vẫn có nhân tài xuất hiện (như Ngô Bảo Châu). Đất nước bị tàn
phá kinh người như vậy, mà vẫn còn cảnh đẹp (như hang Sơn Đòng). Nhưng Ngô Bảo
Châu không phải là sản phẩm của giáo dục VN, cũng như Sơn Đòng không phải là
sản phẩm của du lịch VN. Nếu không thay đổi cơ bản về hệ thống giáo dục và đào
tạo, Việt Nam sẽ chảy hết chất xám vì hầu hết nhân tài rời bỏ đất nước
8. Lễ hội
quá nhiều
Gần đây
có quá nhiều lễ hội ở Việt Nam (nghe nói 9000 mỗi năm), nhưng cũng có nhiều
hình ảnh phản cảm thiếu văn hóa và thậm chí đầy bạo lực trong các hoạt động
này. Đây là hệ quả của căn bệnh “cờ đèn kèn trống”, phản ánh tâm thức bất an
của những người bị cuồng tín và quá khích, cố giành bằng được vài biểu tượng
văn hóa nào đó để trang trí, mà không hiểu đó là dân trí thấp. Điều này có thể
bị những kẻ bất lương và tham nhũng trong chính quyền lợi dụng để “đục nươc béo
cò”. Trong khi kinh tế đang khó khăn, thì rất nhiều kinh phí nhà nước đã được
chi cho những lễ hội tốn kém như vậy. Nhiều đền chùa cổ kính vô giá đã bị phá
bỏ để biến thành những “công trình văn hóa” mới toanh rất tốn kém nhưng chẳng
có giá trị gì về lịch sử. Trong khi khu chùa Bái Đính hoành tráng (ở Ninh Bình)
góp phần thương mại hóa Phật Giáo, thì tỉnh Vĩnh Phúc đã “mạnh dạn” đầu tư 271
tỷ VNĐ xây lại Văn Miếu của tỉnh (để thờ Khổng Tử!). Lạm phát lễ hội là một
biểu hiện của tham nhũng về văn hóa và dân trí thấp. Tổng cục Du lịch cho biết
85% khách du lịch quốc tế không muốn quay trở lại Việt Nam, và ngày càng nhiều
người Việt đi du lịch nước ngoài. Đó là cách họ “bỏ phiếu bằng chân”.
9.
Xây để phá
Gần đây,
ai đi qua đường Bưởi ở Hà Nội đều nhìn thấy một quang cảnh như thời chiến (sau
một trận ném bom), nhà cửa dọc phố đang bị phá hủy để làm đường. Nó lặp lại
hình ảnh nhiều năm về trước khi nhà cửa dọc đường đê Yên Phụ (phía đông bắc Hà
Nội) cũng bị phá hủy như vậy để “bảo vệ đê” (thật vậy sao?). Nghe nói bài học
này đã gây tổn thất trên 10 triệu USD, và làm cuộc sống nhiều gia đình điêu
đứng. Trong thời chiến thì những việc này có thể hiểu được, nhưng thật khó hiểu
là tại sao 40 năm rồi mà tư duy thời chiến vẫn không hề thay đổi. Quy hoạch đô
thị kiểu gì mà cứ cho xây rồi lại phá? Hàng năm, Hà Nội vẫn đào vỉa hè và đường
phố lên để lát lại và sửa đường ống, chẳng ai phối hợp với ai, vừa tốn kém và
lãng phí, bất ổn cho giao thông và cuộc sống con người. Gần đây căn bệnh này đã
lây lan tới thành phố Hồ Chí Minh, với những “lô cốt” (bịt đường để thi công)
mọc lên ngày càng nhiều trên đường phố. Hình như người Việt thích xây để phá
(chứ không phải để tồn tại). Kiểu dân trí lạ lùng này (theo “định hướng XHCN?”)
có thể biến “nền văn minh Sông Hồng” thành “nền văn minh Sông Tô Lịch” (một con
sông nhỏ tại Hà Nội đã bị chết vì ô nhiễm nặng nề).
Như để
minh họa, trong khi đang viết bài này thì một tổ công nhân (xí nghiệp “nước
sạch”) lại đến đào đường ống nước trước cửa nhà (để thay cái đồng hồ cũ). Trước
đó chỉ khoảng mấy tuần một tổ khác (cùng xí nghiệp này) đã đến đào đường để
thay ống nước mới (nhưng không chịu thay cái đồng hồ cũ). Có trời mới biết tại
sao họ không phối hợp với nhau? Tất nhiên vấn đề không phải do họ, mà do một hệ
thống bị phân liệt và dân trí thấp.
10. Đốn
hạ cây xanh
Trong khi
các vấn đề nan giải trên đây vẫn còn nguyên, thì gần đây Hà Nội đã có một quyết
định “sáng tạo” là chặt bỏ 6700 cây xanh đã tồn tại hàng thế kỷ nay như “lá
phổi” của thành phố và là hình ảnh hấp dẫn của Hà Nội. Cũng may, cái quyết định
ngu xuẩn và quái gở này đã vấp phải một làn sóng phản kháng của dư luận, buộc
lãnh đạo thành phố phải nghĩ lại và nhân nhượng (sau khi vài trăm cây xanh đã
bị giết oan). Cực đoan và bạo lực không chỉ đe dọa con người, mà còn đe dọa
thiên nhiên và môi trường sống. Hình ảnh phản cảm về Hà Nội chặt hạ cây xanh vô
tội đã lan truyền khắp thế giới mạng, trong khi bảo vệ môi trường để đối phó
với thay đổi khí hậu đang trở thành vấn đề sống còn của loài người. Chẳng lẽ Hà
Nội muốn quay về thời kỳ đồ đá, bằng cách phá hủy nốt những gì chiến tranh chưa
kịp phá hủy?
Thay cho
lời kết
Không
biết sau khi Hà Nội quyết định chặt 6700 cây xanh sẽ là sự kiện gì khác tiếp
theo, nhưng vụ bê bối này đã đem lại một số bài học hữu ích. Một là, khi nào
báo chí mạng “lề trái” và báo chí “lề phải” cùng vào cuộc, phản ánh đồng thuận
xã hội cao hơn, thì tiếng nói sẽ mạnh hơn. Hai là, khi nào dư luận trong nước
và quốc tế cùng lên tiếng, thì sức ép sẽ hiệu quả hơn. Ba là, khi nào chính
quyền bị động, lúng túng đối phó với dân trí cao hơn, thì họ buộc phải lắng
nghe và nhân nhượng, dù chỉ để gỡ thể diện. Tuy nhiên, chừng nào hệ thống độc
quyền và thân hữu (theo “định hướng XHCN”), được gia cố bằng não trạng cực đoan
và bạo lực, còn ngự trị xã hội, thì mọi thứ đều có thể xảy ra. Nếu người dân
không thoát khỏi nỗi sợ hãi, không nâng cao dân trí và năng lực, để buộc chính
quyền phải lắng nghe, thì sẽ không có gì thay đổi. Xét cho cùng, dân trí là nền
tảng của xã hội công dân và sự chấn hưng của một quốc gia.
N.Q.D.
Ngày cuối
tháng 5/2015