11 June 2015

NGUYÊN SA, LỜI THƠ Ý NHẠC - Vương Trùng Dương

Sau hai bài thơ Tôi Sẽ Sang Thăm Em và Tiễn Biệt, bài thơ Nga làm tại Solden, nước Áo, Giáng Sinh 1954, thay giấy báo hỷ, in tại Paris ngày 10 tháng 12 năm 1955. Thể tỷ hứng, cách liên tưởng, so sánh của Nguyên Sa, qua bao thập niên, chỉ có ở Nguyên Sa.


Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển”.

Qua bốn câu thơ đầu trong bài thơ Nga xác định ngôn ngữ thi ca mới lạ, riêng biệt “con chó ốm” mà trong ngôn ngữ đời thường chỉ xử dụng con chó... để chê trách, và “đôi mắt cá ươn” chẳng gợi hình ảnh nên thơ chút nào nhưng cách liên tưởng mới lạ đó của Nguyên Sa lại dùng cho người yêu.

Tạp chí Sáng Tạo do Mai Thảo chủ trương biên tập số 1 phát hành tháng 10 năm 1956. Trong số đầu tiên nầy Nguyên Sa chưa đăng thơ mà bài biên khảo. Số 2 với bài thơ Tự Do.

Hai bài thơ Tôi Sẽ Sang Thăm Em (Paris 1953) và Tiễn Biệt (Paris 1954) trên sáng Tạo số 4, tháng 1, 1957. Tiếp đến với các bài thơ Bài Hát Cửu Long (ST số 6), Đẹp (ST số 7), Tôi Sẽ Bỏ Đi Rất Xa (ST số 8), Có Phải Em Về Đêm Nay (ST số 8), Bài Thơ Ngắn (ST số 12, Tâm Sự (ST số 13), Gọi Em (ST số 14)...
Thơ tình Nguyên Sa qua các bài thơ:
Tiễn Biệt:

“... Sao người không là một cung đàn
Cho lòng tôi mềm trong tiếng than
Khi trăng chảy lạnh từng chân tóc
Khi gió se trùng muôn không gian...”
Có Phải Em Về Đêm Nay:

“... Có phải em sẽ về
Dù bầu trời ẩm đục
Hay bầu trời trang điểm bằng mây
Anh sẽ chải tóc em bằng năm ngón tay
Trong những chiều gió thổi...”.
Tâm Sự:

“... Còn vụng dại, thưa vâng, tôi vụng dại
Tôi dại khờ mà vẫn cứ say sưa
Chuyện đời người làm gì có lượng cân đo
Thì tình ái biết đâu mà suy tính...”
Bài Thơ Ngắn:

“... Nên anh chỉ làm bài thơ rất ngắn
Bài thơ rất nhỏ
Của đôi mắt khẩn cầu:
Em đừng rút bàn tay em
Ra khỏi bàn tay anh...”.

Khi xuất hiện Áo Lụa Hà Đông, Cần Thiết, Em Gầy Như Liễu Trong Thơ Cổ, Tháng Sáu Trời Mưa, Tuổi Mười Ba, Paris Có Gì Lạ Không Em... Những bài thơ tình của Nguyên Sa thay cho dòng thư, lời tự tình của giới trẻ và sau nầy được phổ thành nhiều ca khúc rất quen thuộc. Thơ Nguyên Sa ấn hành vào năm 1957, được mọi người đón nhận, nhất là giới trẻ. Tập thơ nầy rất mỏng, có 40 bài thơ từ Áo Lụa Hà Đông đến Ngoài Tầm. Với 40 bài thơ sáng tác vào giữa thập niên 50 ở Pháp và những bài thơ khi trở về nước. Thi phẩm xuất hiện, được đón nhận như món quà trân quý cho thời kỳ chuyển hướng trong thi ca. Ngoài ra, hồn thơ Nguyên Sa xâm nhập vào cửa sổ, sân trường, cặp sách, trang vở học trò; là nỗi niềm, tâm sự, là nhịp cầu nối kết thương yêu, là lời bầy tỏ chất chứa niềm khát khao, ước vọng của trái tim đang mong mỏi về hình ảnh muốn thổ lộ tình cảm cho nhau.

Trong quyển Mặc Khách Sài Gòn, Tô Kiêu Ngân viết về Nguyên Sa: “Nguyên Sa nổi tiếng với tập thơ đầu tay vừa in đã tái bản đến 7 lần... Người ta cho rằng sự thành công của Nguyên Sa một phần thơ anh hay đã đành, phần khác anh có nhiều môn đệ ở khắp các trường trung học Sài Gòn nơi anh dạy triết, chưa kể học sinh hai trường Văn Khôi và Văn Học do vợ chồng anh sáng lập và điều hành. Như thế anh có sẵn một số độc giả khá đông và gần gũi, từ đây mà nhân rộng ra...”.
                                   *
Vào thời điểm cuối thập niên 90, nhiều khuôn mặt tên tuổi trong Văn Học Việt Nam hiện đại nói chung, lưu vong nói riêng đã vĩnh viễn ra đi. Một trong những cây bút nổi tiếng về thơ, văn, biên khảo... đã góp mặt trong suốt bốn thập niên từ quê nhà và hải ngoại: Nguyên Sa.

Ngày 10 tháng Giêng năm 1998, Mai Thảo rời xa cõi trần. Vĩnh biệt Mai Thảo được yên nghỉ ở Vườn Vĩnh Cửu - Westminster Memorial Park - Little Saigon, California, Nguyên Sa đã “Tiễn Bạn” đồng nghiệp với dòng thơ:

“Tiễn nhau nhớ tháng Giêng, mưa
Sông hồng mướt động bóng chưa nhập hình
Tiễn anh linh hiển u minh
Cấu vào da thịt thấy mình bỏ đi”.

Thứ Bảy ngày 17 tháng 4 năm 1998, Nguyên Sa không còn nữa, được yên nghỉ cùng nơi chốn với Mai Thảo. Cả hai, cùng thời điểm bước vào con đường văn nghệ, có mối tương quan với nhau rồi lại ra đi trong bao niềm thương tiếc.
Mai Thảo bước vào cửa ngõ văn chương chữ nghĩa trước Nguyên Sa khoảng thời gian ngắn. Sau hiệp định Genève 1954, di cư vào Sài Gòn, truyện ngắn Đêm Giã Từ Hà Nội được trình làng trên tờ Lửa Việt vào năm 1955 của Hội Sinh Viên Đại Học Hà Nội, tạo thế đứng cho người cầm bút.

Đầu năm 1956, từ Paris trở về Sài Gòn, Nguyên Sa khởi đầu góp mặt trong dòng sinh hoạt văn nghệ với bài thơ Nga, mang từ Paris về trình làng trên tờ Lửa Việt rồi sau đó lần lượt xuất hiện trên tờ Sáng Tạo của Mai Thảo đã đáp ứng luồng gió mới trong thi ca.

Thanh Tâm Tuyền đã viết những lời chào mừng Nguyên Sa trên trang báo văn nghệ, trong sự mong ước, trong bước khởi đầu của thi phái tự do, có bạn đồng hành với dòng thơ rất tuyệt. Sau bài Nga, bài Tự Do trên Sáng Tạo và dần dà xuất hiện những bài thơ đã đề cập ở trên... từ đó, dòng thơ Nguyên Sa được giới trẻ xem như thông điệp tình yêu, truyền đạt cho nhau.

Kể từ mùa Thu năm 1956, được sự tài trợ của Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, Mai Thảo đảm nhận tờ Sáng Tạo, quy tụ nhiều cây bút của tờ Lửa Việt, Người Việt đình bản, tên tuổi Nguyên Sa đã xuất hiện đều đặn về tiểu luận văn học, triết học và thi ca.

Sau 3 thập niên, trong tác phẩm Chân Dung (Văn Khoa 9-1985), Mai Thảo viết về kỷ niệm, dấu tích với 15 nhà thơ, nhà văn, trong đó có Nguyên Sa: “... Bấy giờ là 1955-1956, Nguyên Sa mới chia tay với tả ngạn sông Seine và đại học Sorbonne từ Pháp trở về... Nguyên Sa lập tức đi giầy mặc áo ra sân chơi văn chương... Đó là bài thơ Nga với tiểu đề “thay cho thiệp báo hỷ”, cũng là bài thơ đầu tiên Nguyên Sa làm từ Paris mang về và trao cho chúng tôi. Báo hỷ thật. Báo hỷ không chỉ về sắp sống chung hòa bình với một vị hôn thê mà thơ ngộ nghĩnh tả lúc như “một con chó ốm” lúc như “một con mèo ngủ”. Mà còn báo hỷ cho thơ. Rằng thơ vừa có tin vui. Rằng thơ Việt Nam có một vì sao mới... 

Nguyên Sa hồi hương đã đi ngay vào thơ trên lối vào rực rỡ sinh động nhất của thơ lúc bấy giờ. Điểm nầy tôi viết như nhận định một sự thật về thơ Nguyên Sa thời kỳ khởi đầu, cái vị trí tiền phong của tiếng thơ Nguyên Sa mới về nước và trong thập niên 50, tuyệt đối không vì cảm tình hoặc xô đẩy của ngòi bút... Thành ra mấy chục năm rồi, cái anh chàng liệu bệu tròn hoay về từ Paris và ra sân với chúng tôi ngày nào đã là tay đua đường trường ngoại hạng. Đã là một Nguyên Sa marathon”.

Mai Thảo, nhà văn có nhiều hệ lụy tình cảm và cuộc sống nổi trôi trong thế giới đèn mầu. Nguyên Sa không ngụp lặn trong thế giới đèn mầu, sống trong phong cách nhà giáo, làm thơ, viết văn, viết báo... nhưng hợp nhau.
Nguyên Sa vẫn giữ phong cách đạo mạo của nhà giáo như thuở nào. Khi đổi đời, tị nạn tại California năm 1975 rồi Paris, Pháp, sum họp cùng gia đình. Nới đó, Nguyên Sa là thành viên trong Văn Bút Việt Nam, Nguyên Sa cùng Minh Đức Hoài Trinh, Trần Thanh Hiệp và anh em cầm bút xúc tiến việc hình thành Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Khi trở lại định cư tại California, Hoa Kỳ, Nguyên Sa thực hiện tạp chí Đời, sau chuyển sang tuần báo khổ standard, Phụ Nữ Việt Nam và bước vào thế giới âm nhạc, nhà sản xuất băng nhạc, video với trung tâm băng nhạc Đời. Thế nhưng, khi hạt cát trở về với cát bụi, hạt cát đã dệt thành những dòng thơ trác tuyệt, nhập vào cung bậc, lơ lửng, óng ánh giữa chốn trần gian.
*
Nguyên Sa Trần Bích Lan sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932 tại Hà Nội. Năm 1949 được gia đình gửi sang Pháp du học. Sau bốn năm lận đận với mảnh bằng Tú Tài I (Đệ Nhị - Lớp 11) & II (Đệ Nhất - Terminal - Lớp 12). Năm 1953 theo học Triết Học ở Đại học Sorbonne (Hai năm học ở Sorbonne đỗ các chứng chỉ, sau khi về nước tiếp tục học ở đại học Văn Khoa Sài Gòn).

Ngày 17 tháng 12 năm 1955, Nguyên Sa kết hôn với Trịnh Thúy Nga (sinh viên ban Toán). Đầu năm 1956, vợ chồng trở về Sài Gòn.

Theo nhà giáo Lưu Trung Khảo, em rể, Trần Bích Lan chọn “Bút hiệu Nguyên Sa, ông sử dụng từ thời ở Pháp và theo lời ông thì bút hiệu đó không có gì sâu sắc cả. Thành thực, lúc nào tôi cũng cho tôi là số không, tôi không lớn nên tôi tự cho mình vốn dễ chỉ là hạt cát”.

Nguyên Sa dạy Triết cho nhiều trường trung học và được GS Nguyễn Khắc Hoạch mời dạy ở  đại học Văn Khoa Sài Gòn. Xây dựng trường Văn Học trên đường Phan Thanh Giản ở Sài Gòn. Năm 1966 nhập ngũ Khóa 24 SQTB/Thủ Đức, phục vụ tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử từ năm 1967 đến tháng 4-1975.

Sau thời gian cộng tác với tờ Sáng Tạo, năm 1960, Nguyên Sa chủ trương tạp chí Hiện Đại. Thuở đó, có 3 tờ được trợ cấp của Phủ Tổng thống, tờ Sáng Tạo của Mai Thảo, tờ Thế Kỷ Hai Mươi của Nguyễn Khắc Hoạch và tờ Hiện Đại do Nguyên Sa chủ trương, chủ bút: Thanh Nam và tổng thư ký: Thái Thủy. Hiện Đại sống được 9 số từ tháng 4-60 đến 12-60. Nguyên Sa tiếp tục xuất hiện trên nhiều báo ở Sài Gòn và cả tờ Đất Nước phát xuất từ đại học Huế với nhóm Nguyễn Văn Trung, Đỗ Long Vân... Năm 1974, ra đời tạp chí Nhà Văn...

Nguyên Sa sáng tác trên nhiều lãnh vực, ngoài thơ, văn còn biên khảo về triết học và văn học, giáo khoa, nhận định... (Quyển sách giáo khoa Tâm Lý Học cho lớp Đệ Nhất rất hay với học sinh Ban C). Mỗi lãnh vực chỉ có vài tác phẩm nhưng thể hiện được sự sâu sắc, sinh động, mới lạ, giá trị. Trần Bích Lan lấy nhiều bút hiệu, trong đó ngòi bút phiếm luận với tên Hư Trúc trên tờ Sống xuất thủ nhiều tuyệt chiêu sắc sảo, độc đáo mới lạ thoáng hiện giữa chiêu thức chính giáo Thiếu Lâm Tự và tà giáo Tiêu Dao.

Trải qua ba thập niên (giữa thập niên 60-80), Thơ Nguyên Sa, tập hai, sáng tác trong khoảng thời gian 1982 đến 1988 và số bài thơ ở thập niên 60-70, ấn hành tại Cali, nhà xuất bản Đời, tháng 8, 1988. Thơ Nguyên Sa, tập ba, sáng tác trong khoảng thời gian 1988 đến 1995 (tháng 8, 1988 là thời điểm Nguyên Sa bị giải phẫu ung thư cổ), ấn hành tại Cali, nhà xuất bản Đời, tháng 7, 1995. Trong 3 tập thơ của Nguyên Sa, tập hai & ba, hình như ít ai biết đề cập đến dòng thơ Nguyên Sa. Trong 55 bài thơ ở tập hai, còn vang vọng bài Tám Phố Sài Gòn; trong 42 bài thơ ở tập ba, có lẽ bài Phân Thân với thể lục bát còn gợi nhớ trong ngôn ngữ thi ca. Thơ Nguyên Sa, tập bốn, xuất bản sau ngày nhà thơ qua đời. Cái bóng của Thơ Nguyên Sa ở thập niên 60 che khuất những tập thơ kế tiếp.
 
* Lời Thơ Ý Nhạc

Bài thơ Tiễn Biệt của Nguyên Sa với dòng thơ

Người về đêm nay hay đêm mai
Người sắp đi chưa hay đi rồi
Muôn vị hành tinh rung nhè nhẹ
Hay ly rượu tàn run trên môi...
... Sao người không là một cung đàn
Cho lòng tôi mềm trong tiếng than
Khi trăng chảy lạnh từng chân tóc
Khi gió se trùng muôn không gian”.

Đây là bài thơ đầu tiên được phổ thành ca khúc. Trả lời phỏng vấn với Lê Ngọc Ngoan, Song Ngọc cho biết: “Năm 1961, lúc ấy tôi mới 18 tuổi, do một tình cờ tôi phổ nhạc bài Tiễn Biệt của Nguyên Sa. Tôi có được bài Tiễn Biệt do một người bạn gái chép tặng. Tôi đã rung cảm với Tiễn Biệt và phổ thành ca khúc Tiễn Đưa. Sau đó được biết thi phẩm Tiễn Biệt là của ông Nguyên Sa, tôi tìm đến anh Nguyên Sa, lúc đó nhà anh tại đường Pasteur Sài Gòn.

... Sau khi trình bày tự sự, tôi còn nhớ anh Nguyên Sa đã nói: ‘Lần sau, trước khi phổ thơ của ai, cậu nhớ xin phép trước rồi sẽ phổ nhé!’... Trước lúc ra về tôi bạo dạn hỏi: ‘Thưa anh, anh có cho phép em ghi tên anh vào nhạc phẩm nầy không?’. Ông Nguyên Sa trả lời cụt ngủn: ‘Thôi, khỏi’.

Không ngờ Tiễn Đưa sau đó đã một thời được quần chúng yêu chuộng. Khi được nhà xuất bản Diên Hồng phát hành, Tiễn Đưa đã ghi tên tác giả - Thơ: Nguyên Sa, phổ nhạc Song Ngọc, mặc dù ông Nguyên Sa đã bảo ‘Thôi, khỏi’...”.

Sau nầy Song Ngọc và Nguyên Sa quen biết nhau, bài thơ Paris được phổ qua nhạc phẩm Mai Tôi Đi, bài thơ Kỳ Diệu (ca khúc cùng tên) và ý thơ bài Trăm Năm thành nhạc phẩm Ru Điệu Trăm Năm.

Bài thơ Cần Thiết ra đời như “tuyên ngôn tình yêu” của giới trẻ. Thay vì nhút nhát viết thư bày tỏ, chép bài thơ nầy tặng cho người đẹp, nếu bị háy, nguých thì gởi cho bóng hồng khác.

“Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau nước mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa...
... Không có anh nhỡ một mai em khóc
Ánh thu buồn trong mắt sẽ hao đi
Tóc sẽ dài thêm mái tóc buồn thơ
Không có anh thì ai ve vuốt.
Không có anh lấy ai cười trong mắt
Ai ngồi nghe em nói chuyện thu phong
Ai cầm tay mà dắt mùa xuân
Nghe đường máu run từng cành lộc biếc.
Không có anh nhỡ ngày mai em chết
Thượng Đế hỏi anh sao tóc em buồn
Sao tay gầy, sao đôi mắt héo hon
Anh sẽ phải cúi đầu đi về địa ngục...”

Bài thơ nầy được nhạc sĩ Anh Bằng dựa vào ý thơ viết thành ca khúc Nếu Vắng Anh. Vào thời điểm đó, trong không khí chiến tranh, Anh Bằng đem hình ảnh người chiến binh hòa nhập vào trái tim em gái hậu phương, làm đẹp hình ảnh cho muôn nghìn mối tình trong thuở chiến chinh. Anh Bằng trả lời với Đỗ Cường: “Hồi đó, tôi phục vụ trong ngành Chiến Tranh Tâm Lý Trung Ương. Có một anh bạn thuộc hầu hết những bài thơ của thi sĩ Nguyên Sa. Anh bạn đó đọc từ đầu chí cuối bài thơ mang tựa đề Cần Thiết của Nguyên Sa cho tôi nghe... Tôi thấy bài thơ hay quá, nồng nàn quá và cũng lãng mạn quá nên giữ lấy ý thơ, đặt bút viết ngay ca khúc Nếu Vắng Anh:

“Nếu vắng anh, ai dìu em đi chơi trong chiều lộng gió - Nếu vắng anh, ai đợi chờ em khi sương mờ nẻo phố - Nếu vắng anh, ai đón em khi tan trường về, kề bóng em ven sông chiều chiều, gọi tên người yêu...

... Có những đêm, âm thầm nghe tin vang xa ngoài tiền tuyến - Nhớ đến anh oai hùng xông pha gian nguy vòng chinh chiến - Phút luyến thương, em chắp hai tay lên nguyện cầu - Mộng ước quê hương thôi hận sầu, ta sớm gần nhau...”
Ý thơ Nguyên Sa, dòng nhạc Anh Bằng, tiếng hát Lệ Thanh, Xuân Thu đủ làm rướm máu trái tim, đủ ru hồn chết lặng với yêu thương. Giữa chốn hồng trần, có được hình ảnh, mối tình, tuyệt vời dễ thương như vậy, dù trong khoảnh khắc rồi tan biến trong hư vô cũng mãn nguyện. Có dâng hiến, khổ đau, đọa đày bởi trái tim, ngụp lặn trong nòi tình mới thấm thía từng cung bậc, ý thơ như rượu nồng rót vào đầu lưỡi tử kẻ tình si.

Sau ca khúc Nếu Vắng Anh, bài thơ Áo Lụa Hà Đông, Anh Bằng phổ thành ca khúc Bài Thơ Tình Lụa Trắng, bài thơ Tháng Sáu Trời Mưa, Anh Bằng phổ thành ca khúc Gót Chân Mưa Tháng Sáu, ca khúc Kỳ Diệu, Anh Bằng phổ nhạc cùng tựa đề bài thơ.

Sau gần bốn thập niên, ở hải ngoại Hoàng Thanh Tâm sáng tác ca khúc Cần Thiết theo dòng thơ Nguyên Sa.
Nếu nói về lương duyên giữa thơ và nhạc, những bài thơ của Nguyên Sa do Ngô Thụy Miên phổ nhạc với nhiều ca khúc được giới thưởng ngoạn âm nhạc ái mộ. Bài thơ Áo Lụa Hà Đông, ngay trong thơ đã có âm điệu và khi Ngô Thụy Miên phổ thành ca khúc thì đi vào quần chúng:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng...
... Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng”.

Giữa thơ Nguyên Sa và nhạc Ngô Thụy Miên làm rung cảm từ khi ca khúc đầu tiên ra đời, và từ đó, gần ba thập niên, Ngô Thụy Miên đã sáng tác mười ca khúc từ thơ và ý thơ của Nguyên Sa.

Trong bài viết Nguyên Sa & Tình Ca Ngô Thụy Miên, nhạc sĩ ghi lại quá trình với thơ và nhạc:

“Cuối năm 1969, khi một số tình khúc của tôi đã được phổ biến rộng rãi trên các đài phát thanh, cũng như trong những đêm sinh hoạt văn nghệ được tổ chức tại nhiều trung tâm văn hoá, hay các giảng đường đại học. Tôi đến với thơ Nguyên Sa, không từ một chọn lựa, mà vì tôi đã nhìn thấy mình trong thơ của ông, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ mình được ông tạo lên bằng những lời thơ ngọt ngào tình tứ, tươi mát. Cũng như bao nhiêu anh em thanh niên sinh viên học sinh của thập niên 60, tôi yêu và thuộc không ít thơ của ông. Nói đến Áo Lụa Hà Đông, có lẽ chúng ta mấy ai không biết.

... Cuối năm 1970, trong một đêm nhạc tình ca tại trường đại học Khoa Học, tôi đã giới thiệu bài hát tới các bạn trẻ của tôi. Sau đó bản nhạc đã được phổ biến thường xuyên qua các chương trình nhạc do tôi và nhạc sĩ Trường Sa thực hiện trên đài phát thanh Quân Đội, cũng như trong các đêm nhạc do bạn bè chúng tôi tổ chức tại Sài Gòn. Ngoài ra trong năm 1970, tôi cũng đã viết Tình Khúc Tháng Sáu phổ theo ý thơ bài Tháng Sáu Trời Mưa của Nguyên Sa. Mãi đến năm 1984 tôi mới phổ bài Tháng Sáu Trời Mưa của ông.

Những năm 60, 70, bọn trẻ chúng tôi dù trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, có ai không mơ một ngày được đặt chân đến Paris, được cùng người yêu dạo chơi phố phường Paris, hay lang thang bên bờ sông Seine nhớ đến một cuộc tình... Paris như một lời kêu gọi, một nơi chốn tìm về cõi tình yêu. Từ những mộng ước đó, bản nhạc thứ hai tôi phổ từ thơ Nguyên Sa đã thành hình. Có những bài thơ khi muốn phổ nhạc, người nhạc sĩ phải tìm điệu nhạc để chuyên chở ý thơ, hoặc phải thay đổi lời thơ để nhập vào ý nhạc... Riêng bài thơ Paris Có Gì Lạ Không Em khi đọc lên tôi đã nghe phảng phất tiếng phong cầm rộn rã của nhịp 3 luân vũ. Trên phím dương cầm, giòng nhạc dồn dập, chạy dài trên 10 đầu ngón tay, tôi đã hoàn tất phổ bài thơ trong một ngày đầu xuân năm 1971... Sau Áo Lụa Hà Đông và Paris Có Gì Lạ Không Em, tôi đã phổ tiếp Tuổi Mười Ba.

Đầu năm 1974, khi quyết định cùng một nhóm bạn thực hiện cuốn băng Tình Ca Ngô Thụy Miên, tôi đã đến gặp nhà thơ để xin phép thử 3 bản nhạc. Lần đầu tiên nói chuyện để lại ít nhiều kỷ niệm. Nhà thơ rất giản dị, dáng dấp xuề xoà. Ông rất vui khi biết tôi phổ thơ ông, và hỏi tôi sẽ nhờ ai hát? Tôi nói nhạc sĩ Văn Phụng viết hoà âm, ca sĩ Duy Trác hát Áo Lụa Hà Đông, Thái Thanh hát 2 bài Paris Có Gì Lạ Không Em, Tuổi Mười Ba. Và từ đó, Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tuổi Mười Ba, đã trở thành một phần đời nhạc Ngô Thụy Miên.

... Năm 1980 khi tôi đặt chân đến Cali, người đầu tiên tôi liên lạc để hỏi thăm tin tức sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng chúng ta ở hải ngoại là nhà thơ Nguyên Sa... Tôi đã phổ bài thơ Paris của Nguyên Sa... Năm 1981, sau khi về cư ngụ tại thành phố Seattle, trong nỗi nhớ nhung con đường, những hàng quán thân quen của Sài Gòn ngày nào, cùng với ám ảnh thương yêu về Áo Lụa Hà Đông, về Paris của một thời, tôi đã viết bài Nắng Paris Nắng Sài Gòn...

Năm 1986, nhà thơ gọi lên tôi và nói sẽ thực hiện một cuốn cassette gồm một số bản nhạc phổ thơ mới của ông. Tôi gửi xuống ông Tháng Giêng Và Anh... Ông rất thích bài hát này. Tiếc là bản nhạc đã không được phổ biến rộng rãi như ý ông muốn.

Đầu năm 1997, tôi về Cali ra mắt cuốn CD Riêng Một Góc Trời, trong đó có bài Cần Thiết phổ từ thơ ông... Thi sĩ Nguyên Sa đã có lần nói rằng bài thơ Áo Lụa Hà Đông của ông có một số mệnh rất đặc biệt. Khi bài thơ được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thành ca khúc, và ca sĩ Duy Trác trình bày, thì từ đó cái tên Áo Lụa Hà Đông đã gắn chặt tên tuổi của 3 người, thi sĩ, nhạc sĩ và ca sĩ. Nó đã trở thành một định mệnh. Mặc dù đây không phải là bài thơ hay nhất của Nguyên Sa, cũng như không phải là ca khúc tuyệt tác nhất của Ngô Thụy Miên, cũng như không phải là bài hát mà ca sĩ Duy Trác trình bày thành công nhất...”.

Bài thơ Tuổi Mười Ba có bốn câu trở thành hình ảnh rất thân quen cho lứa tuổi con tim biết rung động đến những lời tán tỉnh như mượn dòng lá thắm xe duyên.

“... Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi pha mực cho vừa màu áo tím...”

Ngô Thụy Miên đã chọn 16 câu thơ trong bài thơ dài 44 câu để viết thành ca khúc Tuổi Mười Ba với 32 trường canh. Và hình ảnh liên tưởng màu vàng với hoa cúc, màu xanh với sân trường tạo thành dòng thơ tuyệt vời, rất nên thơ, dòng nhạc trữ tình, mộng ảo.

Paris, một thời kinh đô ánh sáng, lãng mạn trong sương khuya, dòng sông Seine thơ mộng mang bóng dáng tình nhân. Bài thơ Paris Có Gì Lạ Không Em:

“Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim...
... Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày sau hai đấu mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay...
... Paris có gì lạ không em?
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai là lá sen?”

Ngô Thụy Miên sở trường về nhịp 2/4 & 4/4, tuy nhiên ca khúc Paris Có Gì Lạ Không Em với nhịp 3/4 tạo nét duyên dáng, hay, dễ thương, vừa thôi thúc vừa khoan thai, được giới thưởng ngoạn âm nhạc đón nhận trong vài thập niên qua.

Từ Paris về Sài Gòn, Nguyên Sa mang theo tình yêu nồng cháy mà hình ảnh dấu yêu được bắt gặp khi quê hương bị ngăn cách, bị chia lìa làm xoa dịu trái tim. Với màu áo, mái tóc của nơi chốn đã bị ngập chìm trong bóng tối được khơi dậy như ân tình của tình cảm. Trong những tháng ngày di cư với bao nỗi buồn, đau thương khi lạc bước thì Áo Lụa Hà Đông làm xoa dịu tâm hồn. Qua bài thơ nầy, Ngô Thụy Miên chọn 16 câu thơ trong 28 dòng ở bài thơ, và nhạc phẩm Áo Lụa Hà Đông rất phổ thông làm sống lại hình ảnh áo lụa thướt tha, dịu dàng bên cạnh hình ảnh sư tử bị gán ghép cho bóng hồng ở địa danh Hà Đông đã đi vào văn chương.

Ngô Thụy Miên đã chọn ba bài thơ tình hay nhất trong thi tập của Nguyên Sa để phổ thành ca khúc, giữ nguyên được ý thơ, dòng thơ.

Thời qua trôi qua, biến thiên cuộc đời, từ phương trời xa ở miền nam bán cầu, Hoàng Thanh Tâm nối kết âm hưởng của Ngô Thụy Miên chọn 12 trong số 28 câu thơ trong bài Tháng Sáu Trời Mưa của Nguyên Sa:

Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong tỏa đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận...
... Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng tiếc mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc
Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng Sáu”

Hoàng Thanh Tâm viết thêm 4 câu cho ca khúc được trọn vẹn, và giữ được chất tình nồng nàn, tha thiết, say đắm, đam mê:

“Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến
Sưởi ấm đời nhau bằng những môi hôn
Mình cầm tay nhau nghe tình dâng sóng vỗ
Hãy biến cuộc đời bằng những tối tân hôn”.

Bài thơ Tháng Sáu Trời Mưa của Nguyên Sa trên Sáng Tạo số 31 tháng 9-59 mang nỗi nhớ thương trong tình đôi lứa mà ở thập niên 1940 Vũ Hoàng Chương bày tỏ trong bài Mười Hai Tháng Sáu. Bài thơ nầy được Ngô Thụy Miên phổ nhạc Tình Khúc Tháng Sáu vào năm 1970 nhưng đến năm 1984 mới xuất hiện trong ca khúc Tháng Sáu Trời Mưa.
Bài thơ Tôi Sẽ Sang Thăm Em trong tập thơ đầu tay của Nguyên Sa:
“... Tôi sẽ sang thăm em
Để tình yêu đừng chua cay
Để tình yêu là sóng
Một giòng sông gặp gỡ giòng sông...”.

Trần Duy Đức phổ thành ca khúc theo tưa bài thơ, và cho biết “Khoảng giữa năm 1980... Tôi hoàn tất trong thời gian ngồi trên một chuyến bay từ Los Angeles tới Houston, thăm người yêu...”.

Bài thơ Lúc Chết  của Nguyên Sa như linh cảm điều gì đó với thân phận con người lúc xa lìa chốn nhân gian:

“... Anh cúi mặt hôn lên lòng đất
Sáng ngày mai giường ngủ lạnh côn trùng
Mười ngón tay sờ soạng giữa hư không
Đôi mắt đã trũng sâu buồn ảo ảnh
... Nằm ở đấy, hai bàn tay thấm mệt
Ngón buông xuôi cho nhẹ bớt hình hài
Những bài thơ anh đã viết trên môi
Lửa trái đất sẽ nung thành ảo ảnh”.

Trần Duy Đức cho biết đã phổ bài thơ nầy vào khoảng năm 1990 nhưng chưa hoàn tất... sau hôm dự đám tang, trở về với tất cả lóng nhớ thương, hoàn tất ca khúc Lúc Chết. Dòng thơ Nguyên Sa được đi vào cung bậc của phái nữ,  ca khúc Tương Tư  do Mộng Lan phổ nhạc qua bài thơ Tương Tư và ca khúc Hoa Lan Giữa Tóc Thề phổ nhạc trong bài thơ Hải Âm. Hai ca khúc nầy do Trọng Nghĩa - Mộng Lan thực hiện qua CD Hoa Lan Dựa Tóc Thề năm 1996.

Trong 4 thi tập, hàng trăm bài thơ của Nguyên Sa đã cống hiến cho đời, đóng góp cho nền thi ca Việt Nam, trong đó ở tập I với những bài thờ tình trác tuyệt được chọn lọc và tạo dựng thành ca khúc dễ thương nhất được nghe với dòng thơ diễm lệ, chất ngất yêu thương. Có lẽ nhưng tập thơ sau nầy, ít có bài nào hay và gợi ý trong tâm hồn nhạc sĩ.

Trả lời Nguyễn Mạnh Trinh & Lê Ngọc Ngạn, Nguyên Sa chia sẻ: “Từ năm 1975 đến năm 1982, tôi không viết ra được những câu nào ra hồn ưng ý. Lại bế tắc. Viết mà giống như những điều mình đã viết, đôi khi còn kém trước thì đâu phải là sáng tác nữa...”.

Trong 40 năm cầm bút, tác phẩm Nguyên Sa được viết dưới nhiều thể loại.
Truyện dài: Vài Ngày Làm Việc Ở Chung Sự Vụ, Giấc Mơ 1,2,3.
Truyện ngắn: Gõ Đầu Trẻ, Mây Bay Đi.
Biên khảo: Descartes Nhìn Từ Phương Đông, Một Mình Một Ngựa, Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ, Hai Mươi Khuôn Mặt Nghệ Sĩ Việt Nam Ở Hải Ngoại.
Giáo khoa: Luận Lý Học, Tâm Lý Học. Bút ký, Hồi ký: Đông Du Ký, Nguyên Sa...
Khi xa cõi trần, Nguyên Sa để lại những dòng thơ trữ tình, lãng mạn được viết thành ca khúc, tiếng nói yêu thương đã một thời đi vào lớp học, mãi mãi là tiếng tơ lòng ngự trị ở cõi trần.
                                                          *
Lần đầu tiên tôi gặp Nguyên Sa vào tháng Giêng năm 1967 tại trường Bộ Binh Thủ Đức. Tôi theo học Khóa I Nguyễn Trãi tại trường đại học CTCT Đà Lạt. Lúc đó quân trường trong thời kỳ mới thành lập nên Khóa I NT gởi về quân trường Thủ Đức để học giai đoạn I (4 tháng). Thời gian đó, Khối CTCT thành lập Ban Biên Tập nguyệt san Bộ Binh của liên khóa 23 & 24 gồm: Nguyên Sa, Lưu Trung Khảo, Lâm Chương, Luân Hoán, Cao Thoại Châu, Trần Hoài Thư, Hồ Minh Dũng... và tôi. Mỗi tuần được gặp nhau vào sáng Thứ Tư. Nguyên Sa cũng là đại diện khóa 24.
Khi tôi trở về quân trường ở Đạt Lạt, gặp vài anh theo hoc khóa Căn Bản CTCT, hỏi thăm thì những người ở trong Ban Biên Tập nầy không “lọt vào mắt” ngành CTCT! Trần Hoài Thư bị cận thị nặng nhưng về Trinh Sát ở Sư Đoàn 22, Luân Hoán về đơn vị tác chiến ở Sư Đoàn 2, Cao Thoại Châu về Quân Khuyển... Nguyên Sa cũng không vể Tổng Cục CTCT (Tổng Cục & Cục Tâm Lý Chiến có tờ Tiền Phong, Chiến Sĩ Cộng Hòa, nhật báo Tiền Tuyến. Cục Chính Huấn có thêm trung tâm huấn luyện CTCT), nhà giáo, nhà văn, nhà thơ lại về học ở trường Quân Nhu và phục vụ tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử.

Tháng 3 năm 1998, Lâm Tường Dũ (chủ bút) nói với tôi (tổng thư ký) nghe tin Nguyên Sa đau nặng, viết thêm một bài nữa về Nguyên Sa cho tờ Thế Giới Nghệ Thuật. Đang viết dang dở về Mối Tình Màu Hoa Đào của Nguyễn Mạnh Côn, phải ngưng. Bài viết với tựa đề: Nguyên Sa, Lời Thơ Ý Nhạc Gởi Người Trần Gian. Báo phát hành được hai tuần. Nhà thơ Nguyên Sa về cõi vĩnh hằng. Và, không ngờ, Tháng Tư là ngày giỗ của Nguyên Sa.ª
(Tạp chí Thế Giới Nghệ Thuật Tháng 4-1998, viết lại 2015)


Vương Trùng Dương