25 June 2015

NHỮNG NGÔI TRƯỜNG TUỔI THƠ - Dzạ Lữ Kiều

Đã làm người… Ai cũng có những kỷ niệm của thời cắp sách đến trường. Trừ những kẻ bất hạnh!  Tôi, có một thời thật hạnh phúc, được sống với tuổi học trò hồn nhiên,giận hờn… Những lần đùa vui, nghịch ngợm … Dù thời gian đã đi qua mà dấu ấn còn sót lại.
        Nhà văn Thanh Tịnh có “ Tôi đi học” đã làm rung cảm bao thế hệ học sinh và đến hôm nay vẫn còn in đậm vào tâm thức của tôi. Tuy nhiên, tuổi thơ của tôi không mấy suông sẻ trên bước đường học tập. Ngay từ buổi học vỡ lòng!
        Ba tôi là một công chức quèn mà giàu cá tính, không chịu luồn cúi nên không làm chổ nào được lâu. Nay công sở này, mai đơn vị nọ. Do đó, Mẹ và hai anh em chúng tôi cứ khăn gói lên đường theo giòng đời của Ba và tuổi học trò của tôi cũng lận đận không như những bạn bè đồng lứa.


        Tôi nhớ vào khoảng năm 1950. Một buổi sáng, Ba tôi dắt tay tôi đến trường, áo quần mới, cặp sách mới,  tất cả người tôi cũng đổi mới theo ý của Ba tôi. Mặc dù trường và nhà chỉ cách nhau một con đường dầu khoảng tám mét. Nhưng hai bức tường thành ngăn riêng biệt,  muốn ra đúng hướng phải đi bằng cổng chính – Tòa Hành chính Tỉnh Thừa Thiên, sau này. Rồi từ đó, tôi phải đi bộ trên vĩa hè có lát gạch ca rô dưới những tàng cây “Long não”, cây muối… để đến cổng trường Đồng Khánh- May mắn thay, năm đó là năm cuối Trường Đồng Khánh còn nhận học sinh Nam con công chức vào lớp Vỡ lòng (Mẫu giáo ngày nay). Thế là tôi nghiểm nhiên trở thành học trò Trường Đồng Khánh.
        Cái khái niệm học của tôi cũng còn lơ mơ, chỉ ham chơi cùng bạn bè đồng lứa… Bắn bi, bắt bướm, thả diều trước hoa viên, có lối đi, ghế đá dưới giàn hoa Ti gôn, những táng lá kè như chiếc dù… Cỏ trong vườn hoa được cắt xén, xanh tốt… Cạnh bến đò Thừa Phủ ( Chắc giờ này ít người còn nhớ có một bến đò như thế, chỉ còn trong sách vở, thơ văn !)
        Gia đình tôi sống ở dãy nhà Công chức, nằm gọn phía sau tòa Tỉnh, có thành vây bọc chung quanh. Phía sau có cổng thông qua “Lao xá Thừa Phủ”. Vì thiếu sân chơi, nên hoa viên và bến đò là chổ lý tưởng cho trẻ con chúng tôi. Nơi đây, những đống đá chất cao làm “dã sơn”, những cây sồi thẳng tắp, cao nghều nghệu, những cây đa, cây bàng cành lá sum suê, che nắng cả vùng cho chúng tôi, học sinh và cả khách chờ đò qua sông Hương … ( Đâu có cầu sông Hương như bây giờ, cầu Trường Tiền có mấy vài lót cây gỗ cho bộ hành qua lại…)
        Khu vườn thật lý tưởng cho bọn trẻ con chúng tôi. Thật yên vắng, tiếng chim hót đâu đây… Hơi nước từ sông Hương theo cơn gió thổi làm lạnh, mát cả vùng. Có nhiều buổi trưa, chúng tôi ngủ quên trên những tảng đá phẳng lỳ hay trên bục xi măng xây quanh gốc bàng để khách qua đò ngồi đợi
       Vào trường học, ngày hai buổi với chiếc cặp lè kè bên hông. Trong đó đựng quyển sách vỡ lòng,quyển tập đồ, cây bút chì và chiếc bảng đen xinh xắn. Ngoài ra, ngăn bên còn những đò chơi mua tại nhà hàng Mô Rin như chiếc xe, con lật đật vặn bằng dây cót… Nhưng tôi không ham học, cũng không thích mấy thứ đồ chơi ấy. Sở thích của tôi là chiều chiều đứng trên thành mạn đò (Nơi đây thường có hai chiếc và bên bờ Thượng Tứ cũng hai chiếc để đưa đón học sinh Đồng Khánh và Quốc Học trở về bên Thành Nội) Cùng nhau cởi trần nhảy tùm xuống giòng nước trong xanh, vùng vẫy thảnh thơi… Những khi đò chưa kịp đẩy xa bờ, các chị nữ sinh xô đẩy nhau la ơi ới, vì những đợt nhảy  làm nước xao động, lay đò nghiêng, chòng chành … là chúng tôi thích chí cười vang…

        Ngày tháng lặng lẽ qua nhanh… Nửa năm học! Một buổi trưa, sau khi cơm nước xong, những đứa bạn tinh nghịch của tôi (Dãy nhà sau cùng) Trèo theo bờ thành lên mái ngói, mỗi đứa chuẩn bị một chếc gương tròn, bằng miệng ly uống nước. Ánh sáng mặt trời chếch nghiêng về phía Tây. Chúng tôi đồng loạt phản chiếu ánh sáng ấy về phía các Cô giáo trường Đồng Khánh đang trang điểm để lên lớp chiều. Ở tầng lầu phía trường hướng về phía chúng tôi, các Cô lúng túng, khó chịu nhưng chẳng biết làm sao cả! Nhiều lần như vậy… Một hôm Ba tôi biết do có văn thư hay có người đến gặp Ba tôi sao đó. Ba tôi gọi tôi vào, nằm sấp xuống nền xi măng đánh một trận nên thân, những lằn roi tím bầm, tươm máu, Mẹ tôi chỉ ngồi khóc. Tôi không ngồi dậy được và Ba tôi cho tôi nghỉ học nửa chừng… Thế là trường Đồng Khánh không ấp ủ được tôi !

        Đầu năm học sau …Ba tôi lại dắt tay tôi lên Phú Cam, gởi vào trừơng Tê rê xa Thánh đường học lớp Năm ( Lớp Một bây giờ). Trong đó có những bạn bè cùng khu trại học ở đó. Tôi được theo học, hằng ngày phải lên đúng giờ, vào vị trí viên gạch hoa đã quy định, quỳ gối ngay ngắn để đọc Kinh Thánh… Mặc dù các Soer (Xơ) chăm sóc chu đáo, dỗ dành, quà bánh… Nhưng nơi này cũng không làm tôi vui được! Cứ ám ảnh những lời thần thánh mà tôi chưa nhận thức được; không đúng với đời thường mà tôi tiếp xúc hàng ngày…
        Chỉ còn hai tháng nữa là nghỉ hè. Trời Huế ấm áp và có nắng hanh. Cánh đồng ruộng lúa sau trường Đồng Khánh óng vàng như tấm thảm. Chúng tôi tung tăn hít thở không khí trong lành, một thằng bạn đuổi theo , con chuồn chuồn xanh biếc, chạy xuống bờ ruộng. Nó la lên : Ở đây có cá! Thế là lũ quỷ chúng tôi bốn đứa, không ai bảo ai chạy ngay xuống ruộng lúa. Một đường mương dẫn nước vào ruộng thấp thoáng có bóng cá. Quên cả áo quần đang mặc, chúng tôi ven bờ ngăn lấy tay tát nước. Áo quần, chân tay bùn lem luốt. Gần đến tối, mới mò về nhà mà trong chiếc lon sữa bò chỉ có năm con cá lia thia nhỏ… Chuyện này đến tai Ba tôi. Lại bị một trận đòn bán sống, bán chết. May mắn  nhờ có Bác Gái bên cạnh đem tôi giấu vào buồng riêng của Bác ấy, mới thoát thân… Nhưng chứng nào tật ấy, tôi và lũ bạn cũng đi tát cá tiếp. Ba tôi đi tìm, bắt gặp… Thế là ù té chạy, bỏ cả quần áo, sách vở, giày dép… Không dám về nhà, mà trốn xuống gầm giường của nhà bên cạnh.

        Nhận thấy việc học của tôi không kiểm soát được. Ba tôi lại chuyển về làm Bưu điện ở Cầu Hai, mặc dầu Mẹ và em tôi vẫn ở đấy. Tôi đành nghỉ học theo quyết định của Ba tôi.
        Về Cầu Hai, Ba tôi xin cho tôi học tiếp lớp Năm. Xa Mẹ xa em, xa bạn bè và cái gì cũng lạ lẫm! Về nông thôn con trâu, con bò tôi vẫn chưa phân biệt được. Học trò ở nông thôn áo quần luộm thuộm, chân đất … Khác với môi trường thành phố. Tôi bơ vơ, bắt đầu học.
        Năm sau, Ba tôi lại chuyển công tác về lại Thành phố Huế, bên cạnh cầu Nam Giao. Mua đất làm nhà ở cạnh chùa Báo Quốc. Ba tôi muốn rèn luyện cho tôi học hành tốt nên gởi tôi đến trường  Tiểu học Tư thục Lương Xuân, cạnh đường rầy xe lửa, khoảng giữa dốc Nam Giao và Bến Ngự . Trường do hai Thầy đã cao tuổi giảng dạy ( Lâu rồi tôi cũng quên tên!). Những vị Thầy đáng kính, gương mẫu trong dạy học, thương yêu học trò như con cháu trong gia đình. Nhưng kỷ luật thì tuyệt nghiêm; chiếc roi mây gác trên chiếc bảng đen, vỏ xơ mít khô để ngoài hiên. Học sinh bỏ học, nghịch ngợm, phá phách … thì kéo chiếc ghế dài ra, nằm sấp lên đó, những nhịp roi của Thầy làm tôi phát ớn. Ở đây tôi chưa có bạn bè thân; ngồi bên cạnh tôi là Dung, cô bé lớn tuổi hơn tôi và bên cạnh là Khánh con của Thầy. Hai đứa đều học tốt và tôi bắt đầu đi vào khuôn mẫu .
        Cuối năm, tôi được nhận thưởng – Học sinh khá. Thế là xong lớp Tư. Tôi được Thầy làm giấy chuyển lên trường Tiểu học Công lập Nam Giao. Vì lúc đó, trường chưa được xây dựng, nên lớp Ba B tạm cho học tại ngôi nhà cổ của Pháp, trước lăng mộ Cụ Phan Bội Châu, góc trước chùa Từ Đàm Huế
        Vì có sự rèn luyện của Thầy từ lớp Tư, nên khi vào học lớp Ba B trường Nam Giao với Cô Tác ( Một giáo viên từ Quảng Bình chuyển vào). Tôi chăm học lạ thường. Cô giáo lớn tuổi nên chúng tôi đều xưng “Con” với Cô. Tháng học nào tôi cũng đứng đầu lớp với Ngôn ( Người bạn lớp trưởng lớn con hơn tôi) ở núi Ngự Bình. Những Bảng Danh Dự cứ đến tay Ba Mẹ tôi. Được sự khuyến khích của Ba Mẹ và Thầy dạy cũ ( Tôi vẫn đến nhà Thầy chơi trong những ngày nghỉ học) và Cô giao đang dạy. Tôi học hành tiến bộ hẳn lên. Tôi nhớ nằm lòng …Tôi và Ngôn là hai học sinh luôn luôn viết bảng đen. Cô giáo chỉ đọc bài. Tôi hoặc Ngôn kéo tấm màn xanh che bảng lại, sau khi xong, được lệnh mở ra – Chính tả, thường thức, toán, ngữ pháp…Bạn bè nhìn lên bảng đen, tự động ghi lỗi của mình lên lề vở hoạc có khi đổi vở từ bàn này sang bàn khác. Cô giáo còn trao trách nhiệm viết bài học lên bảng, vẽ các con vật theo trong sách cho học sinh ghi chép (Không có sách bán như bây giờ). Những ngày tháng học ở trường Nam Giao, tôi cũng rong chơi với bạn bè cùng học một lớp như Ngôn, Tấn, Chất, Hoài … ở chân núi Ngự Bình ( Nhà các bạn ở đấy) để câu cá, tát cá hay trèo lên đỉnh núi Ngự Bình tìm sim, móc, trang chín hoặc vào chùa Tây Thiên để quý Thầy cho chuối, xoài, đào …
        Nhà tôi ở cạnh chùa Báo Quốc nên những hồi chuông công phu sớm chiều, những ngày lễ lớn thập phương đến lễ bái, tự nhiên tôi cảm nhận mình bớt nghịch ngợm… Vườn nhà tôi chỉ cần trèo lên bờ đất là vào được vườn chùa. Mà trong vườn chùa Báo Quốc thì không thiếu cây trái gì… Nào mít, ổi, xoài, thơm, đào … cả bốn mùa đêu sai quả. Cuối năm học tôi được xếp thứ Nhì(sau Ngôn lớp trưởng) và được Thầy Hiệu Trưởng Tôn Thất Tường trao tặng phần thưởng…
                                        &
        Hiệp định Genève được ký kết… Ba tôi xin nghỉ hưu và trở về quê. Bán nhà cửa ở thành phố về quê. Tôi rất buồn, vì nơi đây tôi đã có bạn bè, học hành tốt mà Cô giáo là người tôi quý mến nhất.
Gia đình tôi thuê được chuyến xe ngựa để chuyển đồ đạc về quê ( Lúc đó chưa có xe hàng) Tôi lặng người nhìn thành phố xa dần…
        Về quê, gia đình tôi không quen với nghề đồng áng…Thấy con đĩa bơi trong nước là Mẹ và tôi, phát ớn luôn… Dần dà Ba tôi biết cày, Mẹ tôi biết cấy. Tôi cũng nguôi nhớ Thầy Cô, bạn bè.
        Mùa tựu trường đã đến, tôi lại theo Ba tôi cắp sách đến trường. Nhưng trường ở đây, không phải là những dãy nhà cao ráo, cửa chớp, tường vôi… như bao nhiêu trường khác ở thành phố. Trường Tiểu học Văn Xá được mở ra đầu tiên sau chiến tranh Việt- Pháp. Quy tụ học sinh nhiều làng, xã quanh vùng như : Phước Yên, Hạ Lang, Hạ Cảng ( Huyện Quảng Điền) Thanh Lương, Song Liễu, Tiên Lộc, Văn Xá, Phú Ốc ( Huyện Hương Trà).
       Đình làng Văn Xá là nơi mở trường học tạm thời. Đình tọa lạc giữa cánh đồng, phía sau là Giáp Nhất làng Văn Xá với những lũy tre bao bọc, trước đình là một hố sen. Mặc dù chiến tranh, nhưng ngôi đình làng vẫn nguyên vẹn, rêu phong cổ kính theo thời gian… Trong đình, nhìn đâu cũng thấy cột tròn, tôi choàng tay vừa ôm đủ, những bức “Liễng” chữ Hán sơn son thiếp vàng đứng theo hàng cột… Bốn lớp học ở bốn góc đình, chưa có lớp Nhất (Lớp Năm bây giờ). Học sinh ở thôn quê thì áo quần đâu có tươm tất, đủ màu,dài ngắn, tây ta gì cũng được. Anh chị nào cũng lớn tuổi, bự con; vì ai cũng thất học nên học lại, có người đã 17 – 18 tuổi mà mới vào lớp Nhì Tôi bị liệt vào hạng bé con mà các anh, chị ấy gọi đùa “Búng ra sữa!”. Trong số 33 học sinh, duy nhất có một nữ : Nguyễn Thị Hương ( hiện nay ở Mỹ) và một thằng nhóc con bằng tuổi tôi – Lương Văn Thuận (Ở Mỹ). Theo thứ tự sắp hàng : Nhỏ trước, lớn sau khi vào lớp. Tôi ngồi bàn đầu cạnh Hương và Thuận. Lớp Nhì được Thầy Hiệu trưởng phụ trách đó là Thầy Phạm Chương  mà học sinh chúng tôi gọi thân thương là Thầy Trợ Chương!
        Thầy đã già, tóc bạc trắng, điềm đạm rất thương học trò và giỏi tiếng Pháp. Do đó lớp tôi suốt năm học, tiếng Pháp rất khả quan, chúng tôi thực hành luận văn bằng tiếng Pháp. Riêng tôi cuối năm đã đạt điểm cao về Pháp văn và đứng thứ Hai trên 33 học sinh. Tôi cũng tự hào là học sinh ở thành phố về. Năm học trôi qua…Lại mùa tựu trường, tôi đến lớp. Đường xa, có nhiều học sinh phải đi bộ gần mười cây số mới đến trường, cơm trưa gói vào mo cau, những ngày trời mưa, nhiều học sinh lè kè chiếc “tơi đọt”, che nón, đi chân đất trông thật tội nghiệp!  Năm đó, lớp tôi ở lại hai đứa, nên sĩ số còn lại 31. Hai Thầy Cô giáo mới ra trường chuyển về, Thầy Lê Khắc Lâm , đứng lớp Nhất và Cô giáo lớp Nhì. Dù là Thầy Cô nhưng chỉ nhỉnh hơn học sinh trong lớp tôi chút ít mà thôi. Mọi sự sinh hoạt của lớp vẫn còn mới mẻ khó khăn với Thầy. Riêng câu xưng hô với chúng tôi cũng còn bỡ ngỡ là “Em” với Thầy. Không còn dùng chữ “Con” như với Thầy Trợ Chương. Thầy Hiệu trưởng trở về dạy lớp Ba. Tuy nhiên môn Pháp Văn vẫn do Thầy đảm trách.
        Bản thân tôi, học chung với các anh chị lớn tuổi, có tư duy nên tôi mất dần cá tính nghịch ngợm, đã biết e thẹn, mắc cở …và, chững chạc hơn. Cuối năm học, bạn bè cùng lớp đều thi đổ Tiểu hoc. Tuy nhiên, cuộc sống người dân quê chân lấm, tay bùn, không làm sao chu cấp cho con em mình lên Huế để học được- Chỉ ở thành phố Huế mới có trường Trung học Đệ nhất và Đệ nhị cấp…Tôi cũng nằm trong hoàn cảnh đó. Học sinh lớp tôi cũng có đứa gia đình khá giả theo học được. Có đứa nghỉ học năm sau là có vợ rồi có con . Tôi vì phẫn chí, nhà nghèo nên ngày nào cũng xách cần câu ra trước con “hói” làm ngư ông, tối mịt mới về nhà với giỏ cá trên tay mà lòng buồn rười rượi. Nếu gia đình mình còn ở Huế thì đâu đến nỗi này!

        Mặc dù sau này, một người Ông họ đem tôi vào Quảng Ngãi cho ăn học hết Trung học Đệ nhất rồi Đệ nhị cấp… Nhưng mỗi lần nhớ lại những kỷ niệm đi học đầu đời của mình, tôi không thể nào quên được. Cái thời cắt tóc húi cua, đá dế, thả diều nghịch phá như lũ quỷ mà một câu ca dao đã ví von :
 “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba … Học trò!”
Đúng không sai chút nào cả … Bạn bè tôi có nhiều người đã thành danh, cũng lắm đứa nằm xuống trong cuộc chiến tranh cả hai phía Nam- Bắc, cũng có đứa bệnh tật, già nua…
        Xin cúi đầu tri ân những Thầy Cô đã tận tình dạy dỗ, xin chút ân tình những ngôi trường ấp ủ tuổi thơ, xin bạn bè cảm thông một thời non trẻ…
        Những ngôi trường tôi đi qua đều ghi lại những dấu ấn khó quên…
        Thời gian không quay trở lại, nhưng tuổi thơ và kỷ niệm mãi đồng hành theo thời gian …
                
                                        Ngày 11-5-2001
                                          Dzạ Lữ Kiều