Theo tờ
Wall Street Journal cho biết, nhiều năm qua, hàng ngàn gia đình nhà giàu Trung
Quốc đã ào ạt mang tiền của ra đi đến Mỹ, Úc, Châu Âu… do không còn niềm tin
vào đất nước của mình đang sống. Nỗi sợ hãi về luật pháp không công minh, ô nhiễm,
nạn tham nhũng, văn hoá suy đồi… là động lực chính khiến họ ra đi. Đáng nói hơn
là 2/3 trong số những người được hỏi, ai nấy đều mơ đến quốc tịch khác của một
nước tư bản.
Niềm tin
vào cuộc sống ngay tại quê nhà của mình đã trở nên xa xỉ, và để đi tìm một cuộc
sống khác cho con cái mình về sau, mỗi gia đình Trung Quốc đã tốn ít nhất là
500 ngàn USD cho visa cư trú lâu dài, như chương trình EB-5 của Mỹ chẳng hạn
Thế nhưng
đó là những con người may mắn hiếm hoi trong đất nước hào nhoáng có hơn tỷ dân,
nhưng niềm tin đang mỗi lúc tàn tạ theo hiện thực đất nước của họ. Những bức
ảnh hiện thực tăm tối sau cánh màn nhung của Trung Quốc rực rỡ, do nhà nhiếp
ảnh Lu Guang giới thiệu với thế giới, đủ làm những ai tin vào phép lạ kinh tế
của Bắc Kinh đều tỉnh mộng.
Hoá ra,
phát triển thần kỳ đại nhảy vọt hay ngập các con số tăng trưởng không là điều
quan trọng nhất. Niềm tin của dân tộc mình vào đất nước mới là trái tim của sự
sống và trường tồn. Khi biến niềm tin ấy thành xa xỉ, thành ảo mộng… thì đó là
thảm cảnh mở đầu cho vở đại kịch sụp đổ.
Câu
chuyện chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người mua bán ve chai vô tình mua được đồ bỏ đi
có 5 triệu yên Nhật, nhưng có thể bị tịch thu số tiền ấy, hoặc phải chờ đến một
thập niên nữa mới có cơ may làm chủ số tiền ấy đang là đề tài của rất nhiều
người. Người ta nói về niềm tin, người ta nói về sự trung thực trong đời sống,
và thậm chí hẹn nhau nếu cơ may đó có thì sẽ không dại gì để làm một người tốt.
Trên báo
chí, truyền thông, luật A, B nào đó được viện dẫn tràn trề để giam tiền, để giữ
lại hy vọng của người khác mà quên rằng luật lệ để bảo vệ con người chứ không
phải để xiềng xích họ. Luật lệ không được dựng nên để tiêu diệt niềm tin và
công lý tự nhiên của đời sống. Và lâu nay, những điều kỳ lạ ấy vẫn nhan nhản ở
mọi nơi mà tiếng nói của đám đông tử tế vẫn bị nhấn chìm trong sự độc đoán.
Suốt
trong vài năm, bà Nguyễn Thị Sắc ở Tỉnh Gia Lai đã phải đối mặt với chính quyền
ở mọi hình thức doạ nạt, trấn áp, dụ dỗ… để buộc bà giao nộp tảng đá quý thiên
nhiên mà bà tìm thấy khi đào ao. Thậm chí chí quyền còn cho giam cục đá lại như
một tang vật hình sự. Sau cùng, tháng 2-2014, vì quá mệt mỏi và sợ hãi, bà Sắc
đành chấp nhận mức “hỗ trợ” của chính quyền tỉnh Gia Lai để họ mang hòn đá đó
đi. Cũng rất hài hước là các quan chức của tỉnh này giao điều kiện là bà Sắc
không được nói thoả thuận này cho ai biết, nếu không vừa mất đá và mất luôn cả
tiền “hỗ trợ”.
Rất nhiều
câu chuyện như vậy, mà nếu không nêu rõ địa danh, người ta có thể nhầm tưởng đó
là chuyện của Châu Phi hoặc một quốc gia lạc hậu nào đó ở Trung Mỹ. Quyền con
người bị xéo, vặn… với nhiều hình thức khác nhau – có lúc viện dẫn hùng hồn
bằng luật – chỉ đề nhằm thoả mãn mục đích nào đó, không thuộc về nhân dân.
Năm 2013,
ông Phạm Chứng ở Tây Ninh cho dựng một vườn tượng nghệ thuật trong sân nhà
mình. Nhưng sau đó ông bị Sở VHTT- DL tỉnh này buộc phải đập bỏ vì bị đánh giá
là “kinh dị”. Mọi thứ vô lý đến mức kinh ngạc vì mức độ mê tín và ấu trĩ của
những người làm văn hoá có chức quyền. Hơn cả vậy, chủ tịch Hội Mỹ Thuật TP.HCM
còn nhận định rằng “sự sáng tạo đó đi ngược với luật pháp”. Cũng may, đó mới
chỉ là những tượng đá có dạng mô phỏng điêu khắc cổ của nền văn hoá Vinca có từ
7000 năm trước công nguyên, ở Đông Nam Châu Âu, chứ nếu mô phỏng tranh Guernica
của Picasso thì cũng có thể bị đập bỏ vì méo mó, bạo lực và kinh dị.
Mọi thứ
một chút, xã hội bất an dần dần theo cách những người điều hành ứng xử bằng
niềm tin, nhân danh nhiều kiểu khác nhau, và làm rệu rã niềm tin của đám đông
đối với cuộc sống. Mọi thứ bất hợp lý và quái lạ cứ xuất hiện. Xã hội Việt Nam
quá mệt mỏi khi cứ phải vật vã tranh cãi liên tục cho điều hiển nhiên, dễ dàng
xác định trong một tầm mức văn hoá hiểu biết trung bình.
Trong The
Red Violin (1998), một tay Hồng vệ binh trong cuộc Cách mạng Văn hoá ở Trung
Quốc đã chất vấn một giáo sư dạy đàn rằng vì sao nhân dân Trung Quốc cũng có
các cây đàn dây dân tộc, sao vị giáo sư này không dạy mà chọn một nhạc cụ dây
của thế lực thù địch phương Tây. Ở ngoài đời, liệu vị giáo sư đó có tranh cãi
không, hay im lặng thở dài? Chắc chắn ông sẽ gật đầu xin lỗi tay Hồng vệ binh
đó nhưng niềm tin của ông đã sụp đổ từ đó.
Và với
chị bán ve chai tội nghiệp ở Sài Gòn đang vật vã với chuyện 9 triệu yên, nếu
may mắn như nhận được, liệu chị có theo chân các nhà giàu Trung Quốc đi tìm
cuộc sống mới, do đã giận mình quá xa xỉ khi mang vác một niềm tin?