Có vài cuộc gọi về nhà kết thúc sớm hơn, mẹ có khách. Tụi nhỏ không
phiền vì ngưng chuyện giữa chừng, lại mừng. Nghĩ khách tới chơi nghĩa là đời
sống của mẹ ở quê không đến nỗi quạnh hiu, vắng con nhưng mẹ vẫn có nhiều niềm
vui khác. Ý nghĩ đó làm cho những đứa nhỏ xa nhà thấy nhẹ lòng, giờ này mình
thì tiệc tùng vầy, còn mẹ chỉ mình ên.
Hồi tụi nó còn ở nhà, mẹ cũng nhiều khách tới thăm. Một mình gánh ba
con, nhưng người đàn bà góa chồng chẳng cách nào làm cho duyên đừng sóng sánh
trong đi đứng, nói cười. Khí chất đã vậy, mặt nám tay chai cũng không ngăn nỗi
đàn ông theo đuổi. Có ông thầy giáo hay ghé nhà, nhẹ tựa mưa. Tròng trành ngồi
bên thềm ướt, nói chuyện ba khơi kiểu như Sáu ơi, ngoài vườn măng chắc sắp mọc
rồi, mà không hiểu sao nước sông mấy bữa nay đục quá. Lại có ông thợ rèn, tóc
tai bốc khói như đá trời vừa ngùn ngụt đi qua khí quyển trái đất. Không nói,
chỉ nhìn, cái nhìn như hóa lỏng người đàn bà mà ông thầm yêu. Một ông khác thì
xộc vào tận bếp, thay bóng đèn, đóng lại bản lề cánh cửa. Ông này thẳng đuột,
bảo Sáu ưng tôi đi, còn trẻ ở không chi cho phí. Lại có ông chống nạnh đứng
ngoài sân, nói tụi mình bạn bè từ hồi ở truồng tắm mưa, tánh nết đã thuộc lòng,
Sáu mà đi thêm bước nữa thì lấy tui cho đỡ mất công tìm hiểu.
Mẹ được nhiều người mê, tụi nhỏ cũng hưởng lợi. Khách hay mang bánh kẹo,
không thì cũng mấy trái mận, trái xoài. Ăn của người ta mà không giúp cũng kỳ,
nhưng tụi nhỏ cứ khen ông nào hay thì mẹ cũng gạt đi, mùa này xơ ri chín rộ
phải hái cho kịp, mương vườn cạn phơi đáy phải đào, đậu rồng đâm ngọn phải làm
giàn cho chúng, nói chung là lu bu lắm, đâu rảnh. Lần hồi, cho đến bữa đứa con
nhỏ nhất đón xe đò khăn gói xa nhà, mẹ vẫn một mình. Nhìn vào kiếng chiếu hậu,
là mẹ đứng sau đám bụi, chấm áo tím trên nền xanh gờn gợn.
May mà mẹ vẫn có khách tới chơi, tụi nhỏ hài lòng. Những người sớt bớt
nỗi cô độc của mẹ, chắc là mấy thím bên xóm hay để lại dấu răng trên những câu
chuyện dông dài ai đó chửa hoang ai đó bỏ vợ theo trai, ai đó vừa sinh bảy. Họ
hàng từ xa xôi cũng đổ lại, ngồi kiểm đếm coi chế ba chú bảy ai mất ai còn. Mà
biết đâu, mẹ vẫn còn nhiều ông mê lắm.
Một bữa tụi nhỏ về, chứng kiến mẹ dưng không ới lên rồi te te đi mở
cỗng. Khách của mẹ là ba con vịt xiêm, bộ điệu khệnh khạng xem chừng ghé chơi
thường lắm. Ăn xong mớ đầu tép mẹ dành cho, bọn nó lại hể hả ngoáy đuôi ra về.
Khách của mẹ còn có con mèo mướp, thường xuất hiện bất ngờ với cái bụng
chửa, rồi một bữa biến mất chẳng rõ đi đâu. Lá khô thì táo bạo hơn, xộc vào đến
tận góc buồng ngủ, chỗ mấy con dế thường đến gáy. Và mưa đêm, luôn để lại những
dấu chân trong suốt ngoài thềm.
Những người bạn láng giềng của mẹ lớp bán nhà dời đi chỗ khác, lớp nằm
đau. Xóm ngoại ô chóng mặt với những hàng quán mọc lên, những giọng nói vùng
miền xa lạ khác. Người thì đông hơn, nhưng không hẳn vui hơn. Tiếng cỗng đóng
rền rĩ vào mỗi sáng. Nhà mẹ vắng dần tiếng người và mặt cười.
Hỏi sao không thấy mấy ông mê mẹ, bà nhẩm đếm hao hụt hơn một nữa rồi.
Ông thì đột quỵ, ông thì ôm trong bụng khối u (phải ôm một khối tình, cũng đỡ).
Còn mỗi ông thợ rèn mạnh giỏi, vừa rồi có ghé nhà, vẫn bốc khói như rớt xuống
từ trời. Gặp mẹ, ông hỏi cô Sáu có nhà không, nói một hồi mới tin người muốn
tìm đang ở trước mặt. Từ bữa tới giờ không thấy quay lại nữa, chắc đang tiếc
đôi cánh đã cháy rụi trong lúc bay đi gặp người xưa. Cánh không còn để trở về
trời, mà chỉ gặp mỗi một bà già teo héo.
Vừa kể mẹ vừa đi rửa mấy cái ly đầy bụi, rót nước râu bắp bưng cho tụi
nhỏ. Phổi của những đứa con như cứng lại, thấy khó thở với cái cách mẹ đặt ly
xuống bàn, xua tụi nó uống đi nước mát lắm, cách mẹ vừa lau mặt bàn vừa phân
trần như một thói quen, có một mình nên nhà cửa cứ tèm lem, bỏ qua nghen.
Tụi nó, giờ làm khách của mẹ mình.
Nguyễn Ngọc Tư