Chính quyền cắm cọc sở hữu một khu đất rộng, tương lai sẽ hiện diện ra ở đó
nhà máy thu hoạch sàng lọc cát dưới sông. Vì thế họ xua đuổi bến đò đi chỗ
khác. Có tấm bìa máng ngoài hàng rào lưới chắn viết chữ cẩu thả: Địa điểm tập
trung ở cây đa già tuổi. Người ta cho hay, chỉ ngần ấy. Không một tên gọi nào
khác. Sẽ thừa thải bởi suốt bờ sông này hiện hữu duy chỉ mình cây đa, lẻ bóng
đổ thân để thu cất dưới lòng nó bao thâm u bóng tối. Có cái miếu nhỏ hoang phế
tàn lạnh trú ẩn khiêm nhượng và sóng mãi vỗ về vào làm dung mạo nó thêm tồi
tàn. Không cọng khói nhang, cô tịch ba chiếc lá khô bầu bạn cùng gió lùa lao
xao trên mái sồi sụt gạch ngói. Cây đa và am miếu dường như luôn là đôi bạn hài
hoà. Đa mọc trước miếu hay miếu già đầu hơn đa, có thể bộ sậu kia sẽ đòi một
song hành cùng thời điểm. Phong ba, chiến tranh, bão tố, lụt lội vẫn không thể
cướp đi mối tình son sắc kia. Muôn đời nó chẳng lẻ bóng. Chúng an phận đứng đó,
nhằm đánh đổ một hoài nghi: Cuộc đời này luôn hữu hạn?
Năm giờ sáng, khói sông vẫn thân vô trú trên con nước còn đắm đuối mộng. Sông
đoạn này an nhiên, ít khi nhìn ra vẻ cau có. Nước ấm khi đông về và ngọt mát
khi hè tới. Những kẻ đi câu cá trầm mặc bên triền cỏ bày vẽ một kinh nghiệm: Cá
bên dưới nhác ăn, ngồi cả ngày chỉ được một đôi con, nhưng bạn chớ tiếc công,
bởi thịt nó rất ngon, không tanh dù bạn gia công thay đổi chiên hấp rán canh
chua ngọt các thứ. Nôm na, thịt cá rất lành, đặc biệt nó trị được chứng mất
ngủ. Khi nói, kẻ ấy ngước nhìn tới cái miếu hoang và đáng trách cho kẻ ấy, sao
lòng không rung động để thắp vào chốn kia ba cây nhang cho ấm áp một tri ân.
Rồi mai hậu, khi nhà máy hoạt động, cá hẳn hoảng loạn bỏ thượng nguồn phiêu dạt
tìm chốn lành náu thân.
Năm giờ sáng có người con gái vào miếu đốt đỏ cả bó nhang. Cô hơi ái ngại
trước đó nhưng gã đàn ông như đọc được ý nghĩ cô, đã hỗ trợ bằng cách luôn đứng
kề cận. Tôi cũng cần đốt cháy một điếu thuốc cho ấm râu. Gã ấy nói. Bình minh ở
đây sao gai lạnh. Những cây diêm quẹt ra lửa, vách vôi tróc vỡ thu nhận bóng
đen họ ám lên dị dạng hình thể. Mùi hương khói, mùi nhang đèn và một thứ gì đối
chọi với tàn lạnh bùng lên. Cô gái lầm bầm trong miệng điều phân bày chỉ cốt
cho người khuất mặt nghe. Cô còn trẻ nhưng hiện thân y như một người đàn bà
quen việc trò chuyện cùng thần linh. Tin vào đã có một đời sống khác bên ngoài
cảnh giới này, điều ấy sẽ làm người ta ưa thân thiện với cô. Đợi cô cắm nhang
xong, gã đàn ông hỏi: Cô cũng qua bên kia sông? Cô gái thôi chắp tay, sửa lại
cái túi vải đeo một bên vai: Dạ, cũng sang sông.
Họ cùng bước ra. Có con đò vừa ủi cái mũi dài qua sạn sỏi rồi đâm vào bờ cỏ,
tiếng kêu khó chịu nghe như dao xẻ thịt, như làm rách toạt vẻ trầm tịch một
sáng nhọ mặt người. Đò sẽ xuôi chèo mát mái nếu chở được tối thiểu năm nhân
mạng quá giang. Ông chủ đò nói. Quen trôi nổi trên sông, cả con đò và chủ nhân
ông đều phát mùi tanh như rong rêu. Mặt trời chưa ló đầu nên hương vị phồn thực
của đêm chưa bị xua đuổi, chưa bị tước đoạt. Mọi vật sẽ bị lột truồng dưới ánh
dương quang, vì thế nên con sông vẫn còn đắp mặt nét diễm ảo đầy hư thực. Trưa
đứng bóng, lửa đổ xuống sẽ gột rửa thứ phấn son kia khiến chúng bày ra những
nông sâu đậm nhạt từng phân thuỷ. Một yết thị ngầm có thể tắm gội ở đoạn này
nhưng chớ bơi quờ quạng ra phía kia. Miếu nọ không khéo lập nên để hoàn tất lời
chứng giám, rằng con cháu của thuỷ thần tâm tính cũng buồn vui bất thường. Rong
níu cẳng, chân vọp bẻ chuyện ấy nào lạ gì cho đứa thích trửng giỡn cùng nước
nôi sông hồ.
Mọi người thôi đứng trên bờ, lục tục trước sau nối gót nhau lên đò. Anh
Nhân. Một tiếng gọi giật giọng, vút cao, có thể làm gợn sóng xao động. Gà gáy
sáng chưa hẳn đủ nội lực để lay người thoát khỏi triền mộng tật ngủ nướng,
nhưng giọng người thiếu nữ kia đường đột vất ra giữa bờ bãi này khiến tất cả
những cái đầu đều không hẹn mà cùng nhìn về hướng xuất phát. Sao chưa bảnh mắt
anh đã bỏ đi? Sao anh đi thầm lặng chẳng để lại một lời chào? Gã đàn ông tên
Nhân đứng yên đón nhận lời trách cứ. Gã chẳng phân bua như thể hồng tâm vừa bị
cắm lút hai mũi tên. Khoảng cách thu hẹp dần, Nhân gắng nở nụ cười tựa một hối
muộn. Tóc người thiếu nữ rối, dung mạo còn đọng vũng nét ngái ngủ. Cô ra được
tới bờ sông này mà tuyệt chẳng dư phút giây để kịp sửa soạn trang điểm. Người
chạy xe ôm vẫn còn phía sau, tiếng động cơ chiếc xe thồ cứ râm ran thứ nhạc nền
đầy hối thúc. Em biết là anh sẽ ra đi, nhưng ít ra chúng ta nên ngồi ở một quán
cà phê nào đó để chuyện trò lần cuối. Anh không thích tiễn đưa nhưng em thích
chính mắt nhìn ngó cảnh anh rời xa. Em có mua sẵn một tặng vật cho chị ấy, anh
mang tiếng sang sông mà khi trở lại không sắm cho chị ấy chút quà thì có kỳ
không? Em mong có ngày sẽ được gặp gỡ hàn huyên cùng chị và khi đó, kẻ sang
sông là em chứ không là ai khác. Bao giờ hai người làm đám cưới thì nên nhắn
với em một tiếng. Chỉ chừng đó thôi.
Gã đàn ông nhận quà. Nụ cười không còn đậu trên môi, quanh gã chờn vờn vây
bọc sự lúng túng vụng về gần như khờ dại. Thuỷ chung gã chẳng thốt được lời nói
nào hết. Sông luôn ngăn chia đôi bờ, lòng người đôi khi cũng úng thuỷ một con
nước trào dâng. Bằng vào con mắt thôi còn tinh anh, gã cũng nhìn ra cái quây
lưng đầy rung động của người thiếu nữ. Chiếc xe thồ cô đi, chìm vào khoảng cách
nhợt nhạt của bình minh chưa giỏi chân về. Và Nhân, gã đàn ông là người lên đò
sau rốt. Gã đi như mặt đất thôi còn sức hút. Đò chòng chành, trên băng ghế gỗ
bắt giữa lòng đò còn một chỗ trống, cô gái đốt nhang trong miếu nhích mông sang
thế cho sự đồng tình, hãy ngồi xuống đây. Dầu gì thì ban nãy họ đã có lời qua
tiếng lại với nhau, đi đường xa dễ nhạt mồm nếu thiếu bạn đồng hành. Lại nữa
khuôn mặt gã tên Nhân tiềm ẩn thứ nỗi niềm dễ xúi người nhìn ngắm khó dằn lòng
một gạn hỏi. Anh qua huyện Đồng Tử? Đúng thế, đồng tử. Chúng ta cùng chết một
lần, bà con trong huyện làm đơn xin lãnh đạo thay tên nhưng họ gạt phắt: Rườm
lời, sao láo lếu dị đoan tới mức ấy. Đổi thành đồng khởi chưa chắc đã cải thiện
được vấn đề.
Mặt trời nhú lên, và Nhân, gã đàn ông thấy rõ gương mặt xanh xao của người
thiếu nữ. Màu nắng mới còn làm cho tóc cô mướt đen. Gã đàn ông đặt câu hỏi, cô
hẳn không phải người địa phương? Người thiếu nữ nhìn con nước trôi: Tôi tới
Đồng Tử để chu toàn một lời uỷ thác. Ba tôi mất, ông muốn tro cốt rãi trên núi
Đồng Vọng. Gã đàn ông nhìn vào lòng cô, hai tay đang vòng lấy, ôm giữ gói hành
trang nhỏ nhắn. Chung cuộc một kiếp người, mừng thay khi cảnh giới này còn sót
đứa con hiếu thảo thuận nghe theo di chúc. Cô biết đường lên núi không? Hơi
nhiêu khê. Nếu cô chẳng ngại tôi có thể làm hướng đạo. Người con gái nghiêng
thân để ngó sâu vào mặt Nhân. Tôi hiểu, gã đàn ông nói, tôi trốn chạy cô gái
hồi nãy và đã nguỵ tạo, vụng về dối gạt rằng mình đã có vợ cho yên thân.
Gã bắt đầu mở gói quà cô gái trao: Một xấp vải lụa, một đôi dép nhựa. Nếu
chẳng phiền hà, xin cô thu giữ giùm tôi, có được không? Sao lại là tôi? Vì
những thứ này đều dành cho đàn bà con gái. Nếu nói rằng tôi đã có chồng, anh
tin không? Tin, và như thế có nghĩa là tôi sẽ quẳng cái gói này xuống sông? Tuỳ
anh. Hay là thay vì ném đi tôi sẽ trao nó cho ông lái đò khi tới bến? Tuỳ anh.
Nói chung là tôi không có lý do gì để nhận lấy nó.
Họ thôi đối đáp cho tới hồi đò hết dật dờ trên mặt sông. Đò cập bến. Trên bờ
nhộn nhạo đám người đứng chờ quá giang. Trong đám đông có bốn thanh niên mặc
thường phục hăm hở nhảy lên đò, chúng vây lấy gã đàn ông tên Nhân. Đứng yên,
dong hai tay lên trời. Một đứa la lớn, trong khi ba đứa còn lại quật ngã Nhân
xuống. Thủ pháp nhanh nhẹn thượng thừa. Người trong nghề gọi là nghiệp vụ cao.
Nghề gì? Nghề an ninh, nghề công an nghề cảnh sát. Mẹ mày, chúng ông theo dõi
đường đi nước bước của mày đã sáu tháng nay. Đối tượng bị bẻ quặt tay lui sau,
còng số tám bằng kim loại khoá cứng hai cổ tay lại. Người quyền hành đưa mười
ngón ra lùng sục sờ nắn tất cả những túi quần, rà soát ở thắt lưng, xong mới để
mắt tới bao ny-lông. Đại ca, nó dấu cả nạm thuốc trong xấp vải lụa. Cái này có
phải là ma tuý tổng hợp không? Hả, mày còn gì để nói? Tang chứng vật chứng lồ
lộ thế kia.
Nó đi mình ên hay sao? Không, ông lái đò trình báo nó cứ nhỏ to với cô gái
này suốt, tuồng là đồng bọn. Những con mắt đồng loạt đổi hướng, tập trung săm
soi lên nhân dạng người con gái. Mặt cô thoáng tái tựa hồ suốt đời chưa quen
ngồi đò, dật dờ say sóng. Cô co rúm thân thể khi có năm ngón tay bấu chặt vào
vai. Túi vải cô mãi ôm khư khư bị cướp đoạt, giật thót như thể ai vừa bức rời
ruột gan. Cái gì đây? Dạ, tro cốt của ba tôi. Tro cốt hay bạch phiến? Tôi lên
núi Đồng Vọng… Chốn ấy khá xa, tạm thời đi theo chúng tôi về trụ sở trước rồi
hẳn tính.
Uỷ ban nhân dân huyện Đồng Tử. Ba ơi ba, điệu này không khéo mà con chết
chung cùng ba. Gông giữa đàng sao có khi biết tròng vào cổ. Oan cho tôi quá.
Người con gái thút thít. Trưa đứng gió, lá cờ treo trên cột tuy không bay nhưng
đủ sức để dội xuống sân đất một vạt đỏ nực nội. Trụ sở huyện đường phô trương
vẻ bề thế của nó khiến cô gái chùn chân. Ba ơi ba, con sẽ quyết làm tròn lời
nhắn nhủ của ba. Nhưng khi bọn họ đổ ra xét nghiệm phân chất thì coi như ba
phải chịu sức mẻ ít nhiều. Như đang lành lặn không dưng bị tàn phế, như đủ tay
đủ chân khi không bị tật nguyền.
***
Rất khó nhọc, sau cùng tôi cũng cắm được chân vào trụ sở công an. Tôi đã lê
thân đi dọ hỏi và một đôi người thương hại đã chỉ đường bày lối. Trước tiên là
màn vấn đáp: Quan hệ với cô Nguyễn Thị Ẩn Nguyệt? Thưa, đó là vợ tôi. Người đầy
tớ của nhân dân nhìn vào một ống quần nhất phơ: Thương phế binh à? Bộ đội giải
ngũ à? Không, tôi chạy xe ôm, vô phúc bị xe điên cán qua người. Thế cơ à? Được
bồi thường tiền viện phí chứ? Không, hoàn cảnh tay lái xe rất khốn khó. Chẳng
có tiền, ông ta hứa sẽ mang sức ra phụ đỡ tôi, những chuyện mà kẻ tàn tật khó
bề xoay trở vén khéo. Chẳng hạn? Chẳng hạn như khi bố vợ tôi mất, ông ta bỏ
việc ba ngày đến xắn tay rửa ráy tẩm liệm nhập quan chỉ bày các thứ. Tốt nhỉ?
Vâng, chỉ tội cái nghèo, ông ta luôn coi trọng lời hứa. Thôi, bây giờ ta đi vào
cốt lõi vấn đề, hôm nay muốn đề đạt nguyện vọng gì nào? Thưa cán bộ, vợ tôi bị
bắt oan. Đã ba ngày trôi qua, tôi nghĩ cán bộ đã đọc qua những tờ khai. Bố vợ
tôi mất, ông mong được hoả thiêu rồi mang tro đi rải trên núi Đồng Vọng. Vợ tôi
nghe lời, vừa sang sông đã bị trói ké vu khống tàng trử mua bán hàng quốc cấm…
Đừng nhiều lời, có đọc thấy khẩu hiệu treo đằng bức vách kia không. “Chí công
vô tư”. Mình ngay thẳng thì chả có gì phải ngán cả. Cây ngay chẳng sợ gió.
Thủng thẳng, chờ đấy, đôi ba hôm nữa rồi cô ấy cũng được tại ngoại thôi. Trước,
tôi chạy xe ôm, như đã thưa, buộc phải giải nghệ sau tai nạn. Hôm trước tôi đã
bán chiếc xe máy ấy đi, gộp chung vô khoản tiền ông bố vợ để lại. Và đây là
phong bì, mong cán bộ đoái lòng can thiệp vào vấn nạn của vợ chồng tôi gặp
phải. Tôi cũng xin nộp cho cán bộ tờ giấy chứng nhận ở địa phương, để thấy là
vợ chồng tôi mưu sinh hoàn toàn lương thiện, chưa từng bị điều tiếng trong khu
vực.
Tôi chống nạng ra khỏi đồn công an, tôi đổ thân vào ngồi hàng quán đối diện
trụ sở, gọi cốc nước mía uống cho thông cần cổ. Chừng ba tiếng sau thì vợ tôi
xuất hiện, người sa sút thoát được ra khỏi cánh cổng sắt bề thế án ở mặt tiền.
Tôi run rẩy đứng lên, cố tập trung ý chí để đứng cho vững chãi hòng đón đợi tấm
thân tiều tuỵ của người vợ đổ ập vào. Anh ơi, em ra mạng không. Bất hạnh thay,
tro cốt của ba bị vung vãi đâu đó trong ngục tù mất rồi.
Vợ tôi khóc to tiếng. Tôi câm lặng và thầm mong, khi nước mắt đổ cạn vợ mình
sẽ tìm được chút nguôi ngoai. Không riêng tôi, chúng sinh giờ nầy ai nấy thảy
đều tật nguyền. Thiếu cái này, mất cái kia, cam lòng sống với sự bóc lột tới
mãn kiếp.
Hồ Đình Nghiêm