11 July 2015

PHỎNG VẤN NHÀ VĂN NGUYỄN HUY THIỆP - Katharina Borchardt

Katharina Borchardt (Neue Zürcher Zeitung) 1]
Trần Huê (Diễn Đàn Việt Nam 21) chuyển ngữ

Katharina Borchard : Ông Nguyễn, tôi muốn nói chuyện với ông về cuộc chiến Việt Nam…
Nguyễn Huy Thiệp : Vâng, chuyện của nước tôi là vậy. Nói về Việt Nam thì hầu như lúc nào cũng xoay quanh chuyện chiến tranh. Thật ra cũng chẳng có gì làm lạ cả: Chiến tranh ở đất nước chúng tôi đã triền miên từ năm 1946 cho mãi đến năm 1989. Chẳng những chúng tôi trải qua chiến tranh gọi là “cuộc chiến Việt Nam”, như vẫn được gọi ở Tây phương, nhưng còn các cuộc chiến chống thực dân Pháp, cũng như chiến tranh chống Trung Quốc và Cam Bốt. Đó là những thập niên đầy gian khổ.



Katharina Borchard : Ông đi học và học đại học trong thời gian chiến tranh giữa 2 miền Nam và Bắc Việt Nam. Năm 1970 ông thành thầy giáo làng ở vùng núi đông bắc của Việt Nam. Vào thời đó, phần lớn chiến cuộc đã diễn ra ở miền Nam của nước ông.
Nguyễn Huy Thiệp : Tôi bị đưa về làng – nhưng đi về đó không phải là quyết định của tôi. Tại các nước CS người ta luôn nói là, mọi người đều bình đẳng như nhau, nhưng thực tế, gia đình cán bộ và viên chức nhà nước hưởng được nhiều ưu quyền đáng kể. Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo hơn. Ngoài ra, bố tôi có làm việc với Pháp. Gia đình tôi vì vậy bị xếp vào loại “không sạch”.


Katharina Borchard : Nhưng tại sao Ông được làm thầy giáo mà không phải ra chiến trường?


Nguyễn Huy Thiệp : Bởi vì anh tôi đã đi bộ đội. Một gia đình có 2 người con trai, thì một đứa được ở nhà. Nhưng Bà đừng nghĩ như vậy là sướng đâu: Tôi phải vừa lo cho cha mẹ tôi và còn bảo bọc cho gia đình của ông anh tôi cùng ở chung nhà.


Katharina Borchard : Anh của Ông được sống sót trở về sau chiến tranh?


Nguyễn Huy Thiệp : Vâng. Sau chiến tranh anh tôi vẫn còn ở lại trong quân đội. Cha chúng tôi đã hết sức khuyên anh tôi. Về sau anh ấy được lên đến cấp tá.


KB : Mọi người đã trải qua cuộc chiến ở các nơi như thế nào?


Nguyễn Huy Thiệp : Những năm sau Hiệp Định ngưng bắn Paris 1973, các trận đánh nhau chỉ còn diễn ra ở miền Nam. Miền Bắc không còn là vùng chiến đấu nữa. Mặc dù vậy, thời đó cũng là gian đoạn rất gian nan. Chúng tôi bị đói lắm. Điều này tôi cũng đã diễn tả trong các truyện của tôi. Sự thiếu thốn còn theo đuổi chúng tôi một thời gian dài. Mãi lúc tôi 36 tuổi và trở thành nhà văn, thật sự khi đó tôi mới đủ ăn.


Katharina Borchard : Làm thầy giáo làng Ông dạy học cho ai?


Nguyễn Huy Thiệp : Đa số là người lớn. Họ là bộ đội, công chức hành sự ở vùng Đông Bắc trong thời chiến. Đến lúc đó, thật sự họ cũng chưa được học nhiều, không ít người còn chưa biết viết. Tiếc rằng phần lớn họ ở đó chỉ có 3 tháng thôi, do đó tôi không thể chỉ dạy nhiều hơn theo ý của tôi. Một điều may mắn, một vài người học trò của tôi quả thật có ảnh hưởng ở đó. Vì vậy, chúng tôi có một thư viện lớn để dùng. Thư viện này nằm trong một cái hang. Trong 9 năm tôi dạy ở trường, tôi đã đọc gần hết sách của thư viện.


Katharina Borchard : Ở đó có những sách gì ?


Nguyễn Huy Thiệp : Đặc biệt là văn học của những nước có ảnh hưởng đến chúng tôi. Sách của các tác giả Trung Hoa và Nga. Nhưng cũng vẫn còn sách Pháp. Nhất là các sách cổ điển và tôi đã đọc hết tất cả.


Katharina Borchard : Ông đã viết về các thầy giáo làng trong truyện của Ông, thí dụ như “Những người muôn năm cũ”. Các thầy giáo trong truyện của Ông thường có lòng tốt và tận tụy với học trò, nhưng có một chút gì không còn ảo tưởng nữa. Quyển truyện đầu tay của ông ra mắt năm 1987: “Tướng về hưu”. Trong đó Ông nói về một người tướng mà thời huy hoàng của ông ấy đã qua và bây giờ nghỉ hưu quay trở về đời dân thường. Nhưng ở trong gia đình thì ông ấy tỏ ra lóng ngóng, lúng túng. Cuốn truyện hậu anh hùng này đã gây nên dư luận không tốt cũng như hằng trăm bài phê bình văn học và thóa mạ. Thời đó, có gì là xì căng đan trong truyện này ?


Nguyễn Huy Thiệp : Đơn giản, đó là sự thành thật. Tôi chỉ viết những gì mà tôi đã sống và thật sự có xảy ra. Tôi cảnh báo trước sự huyễn tưởng và ảo tưởng! Điều này cũng thể hiện trong lối viết của tôi: tôi viết rất giản dị. Câu tiếng Việt của tôi thường chỉ có chủ thể và đối tượng. Cho đến lúc „Tướng về hưu“ ra đời, văn chương Việt Nam thiếu sự thành thật. Trong thời chiến văn chương chỉ giữ vai trò làm phương tiện cho mục đích. Các truyện viết hoặc nói về những anh hùng, về các trận đánh và về sự chịu đựng gian khổ. Cũng có bài thơ và bài hát diễn tả cuộc chiến như là một lễ hội lớn. Các bài viết này, vào một thời điểm nhất định, lẽ dĩ nhiên có một lợi ích chính trị nào đó, nhưng tôi không thấy có văn chương trong đó.


Katharina Borchard : Chính sách “Đổi mới” năm 1986 không những đưa đến một số đổi mới về chính trị và kinh tế, mà cũng cho phép một vài tự do mới trong lãnh vực văn hóa. Về phần Ông, Ông được thụ hưởng như thế nào?


Nguyễn Huy Thiệp : Vâng, tôi bắt đầu viết và phổ biến đúng lúc. Nếu mà trước đó thì có lẽ tôi đã phải vào tù vì các truyện của mình. Tôi muốn nói rõ thêm là không phải chỉ riêng một mình tôi thử một lối viết mới mà cả các tác giả khác nữa. Đặc biệt nhất, tôi rất nể phục đồng nghiệp Bảo Ninh, ông ấy với tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” đã đưa ra một cái gì mới, ngược hẳn với văn chương chiến tranh chính thống.


Katharina Borchard : Tiểu thuyết này xuất bản năm 1991 và nói về người lính trẻ tên Kiên bị vết thương chiến cuộc dày vò lúc trở về từ chiến trường. Bản tiếng Đức được xuất bản năm ngoái – một tác phẩm tuyệt vời.


Nguyễn Huy Thiệp : Bảo Ninh là người đầu tiên dám nói sự thật về cuộc chiến. Ông cũng là lính và biết rõ những gì ông viết. Điều này làm tôi phải thán phục. Nhưng cũng có tác giả ra đời sau chiến tranh Việt Nam mà họ vẫn viết về cuộc chiến này. Tôi không hiểu được điều này. Tôi nghĩ chỉ nên viết về những gì chính mình đã mắt thấy tai nghe.


Katharina Borchard : Ông đã không viết gì về chuyện chiến tranh. Nhưng Ông kể chuyện các ảnh hưởng về sau của chiến tranh lên cuộc sống của người dân.


Nguyễn Huy Thiệp : Chiến tranh đã để lại nhiều tai hại. Tôi không thể nào nói hết ra đây được. Tôi không viết gì về các trận đánh vì tôi không là lính chiến. Ngoài ra tôi ghét chiến tranh. Nhưng mà tôi phải cẩn thận trong cách diễn tả của tôi. Có lần tôi nói với một nữ ký giả ở Thụy Điển là tôi ghê tởm chiến tranh. Ở nhà người ta đã kết án tôi, là tôi than phiền cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên tôi không ám chỉ như vậy! Nhưng đôi khi người ta muốn gán ghép cho tôi.


Katharina Borchard : Ông có được tiền qua những truyện đầu tay của Ông không?


Nguyễn Huy Thiệp : Chẳng được bao nhiêu. Ngay vào thời kỳ Đổi mới, nghèo khó vẫn còn ngự trị ở nước tôi. Nước tôi lúc ấy hoàn toàn bị cô lập và không còn nhận viện trợ từ Liên xô và Trung Quốc. Tại nhà trường, nơi nhà tôi khi đó đang đi dạy, có trường hợp mà hai cô giáo phải chia với nhau một cái quần. Hai cô giáo này không bao giờ có thể đứng trước lớp học cùng một lúc được. Chúng tôi nghèo đến thế đó.


Katharina Borchard : Tác phẩm đầu tay của Ông được in ra sao?


Nguyễn Huy Thiệp : Giấy in tác phẩm đầu tay của tôi xấu đến nỗi trong 10.000 quyển sách in xong , chỉ có 70 quyển còn có thể tạm đọc được. Số còn lại phải thu hồi lại. Trong thời gian này tôi làm đủ các nghề để nuôi sống gia đình tôi. Mãi đến năm 2000, tôi mới được nhiều người biết tới để có thể sống nhờ vào số sách của tôi, mặc dù liên tục có nhiều tranh cãi về sách tôi viết. Tôi cũng thu được tiền từ các ấn bản phiên dịch, nhất là ở Pháp, Ý, Hoa Kỳ và Thụy Điển.


Katharina Borchard : Truyện của Ông có được đưa vào chương trình sách giáo khoa Việt Nam không?


Nguyễn Huy Thiệp : Sách tôi chỉ được đọc ở đại học. Ở trường học, các sách của tôi không được học sinh đọc, mặc dù bố của cô thông dịch viên đây này, Thuy Schmalz, ở Việt Nam vận động tích cực cho việc này!


Katharina Borchard : Tại sao vậy, bà Schmalz 2] ?


Thuy Schmalz : Cha tôi phụ trách việc biên soạn chương trình sách giáo khoa ở Việt Nam.


Katharina Borchard : Lúc còn sống ở Việt Nam Bà đã đọc truyện của Nguyễn Huy Thiệp chưa ?


Thuy Schmalz : Tôi biết đến các tác phẩm của ông qua cha tôi là người chuyên tìm hiểu về văn chương Việt Nam. Tôi đi học từ năm 1988 đến năm 1999 nhưng không hề biết gì về ông ấy trong thời gian này. Ngược lại, ở cấp 3 chúng tôi đã đọc nhiều văn chương chiến tranh và còn phải học thuộc lòng nữa. Đó thường là những truyện kêu gọi mọi người phải sẵn sàng chết cho đất nước của mình. Đến ngày nay cũng vẫn còn như thế.


Katharina Borchard : Người Việt Nam hôm nay nghĩ gì về cuộc chiến Việt Nam, qua đó đất nước bị chia đôi cuối cùng được thống nhất? Đó là thắng người Mỹ, mặc dù sau 1973 người Mỹ không còn trực tiếp tham chiến nữa.


Thuy Schmalz : Chúng tôi rất hãnh diện về điều này. Tuy nhiên, tầm nhìn về cuộc chiến Việt Nam được mở rộng hơn khi sống ở nước ngoài như tôi. Khi đó có một khoảng cách với những gì đã xảy ra trên đất nước tôi và được biết thêm những sự kiện mà ở Việt Nam bị kiểm duyệt.


Katharina Borchard : Ông Nguyễn, sách của Ông đã bị chỉ trích nặng nề. Thái độ của Ông đối với vấn đề kiểm duyệt trước đây và bây giờ như thế nào?


Nguyễn Huy Thiệp : Ở Việt Nam người ta phải có khả năng chờ đợi. Đôi khi, guồng máy chính trị mở ra, rồi lại đóng kín lại. Khi mình bắt được cơ hội đúng lúc – và việc này tôi rất khá – thì nhiều việc không thể ngờ nhưng cũng có thể xảy ra ở nước tôi.


1] Nguyên bản tiếng Đức:

Katharina Borchardt: Interview mit dem Schriftsteller Nguyen Huy Thiep – Triumph und Trauma des Vietnamkrieges, Neue Zürcher Zeitung 07/05/2015

2] Thuy Schmalz đã thông dịch buổi nói chuyện.