Mãi hai
tháng sau khi nhận việc vẽ mẫu quảng cáo cho công ty sản xuất đồ gỗ này, chàng
mới biết trong số hơn năm mươi nhân viên kế toán điều hành của sở, chàng không
phải là người Việt Nam duy nhất. Từ tiểu bang lạnh lẽo cô quạnh miền Đông qua
đây tìm hơi ấm đồng hương, chàng bỏ ngay được thói quen hễ gặp khuôn mặt Á đông
nào cũng vồn vã đến chào hỏi bằng tiếng Việt. Vì người Việt tị nạn ở đây đông
quá, những ngày cuối tuần đi chợ ở phố Bolsa, chàng thấy những người Mỹ lạc vào
khu vực này chẳng khác gì những người ngoại quốc. Tìm kiếm để nhìn một dáng
người nhỏ nhắn, một đôi mắt xếch, một làn da nâu, một giọng nói thanh và trầm
bổng, đã hết thành một nhu cầu cần thiết. Chàng trở nên lạnh lùng hơn, dè dặt
hơn.
Chính vì thế
mà mặc dù có đến mười sáu người Á đông cùng làm chung sở, suốt hai tháng đầu,
chàng vẫn dùng tiếng Anh để giao thiệp. Nói cho đúng, ban đầu chàng cũng có thử
tìm đồng hương đôi ba bận. Ông bạn làm chung phòng tối với chàng người Đại Hàn.
Thân thể ông ta vạm
vỡ, mắt ti hí, cử chỉ mạnh bạo tục tằn như một võ sĩ trong phim Nhật. Khỏi cần
hỏi, chàng cũng biết gốc gác ông ta. Cậu thanh niên 25 tuổi làm ở phòng stripping
có vẻ Việt Nam lắm, chàng thử dùng tiếng Việt chào hỏi anh ta trong giờ
nghỉ ăn trưa, để phải nghe một tràng tiếng Tàu líu lo. Ông cụ chạy máy Solna
nước da ngăm, tóc đen, dáng nhỏ nhưng lại gốc Mễ. Những người Á đông còn
lại đều thuộc phái yếu, mà chàng lại vụng giao thiệp với phái này. Vì vậy, cho
tiện sổ sách, chàng xếp bảy cô làm ở phòng kế toán vào nhóm những công dân Mỹ
gốc Asian và các đảo thuộc Thái bình dương, như lối phân chia sắc tộc
trong mọi giấy tờ về lý lịch trên đất Mỹ.
Hai tuần
trước Tết, chàng lên phòng điều hành nhân viên để báo cho ban giám đốc biết
chàng chọn hai tuần lễ được nghỉ hàng năm vào dịp Tết âm lịch sắp đến, để có
thể đáp máy bay về miền Đông thăm gia đình. Lúc đi ngang qua phòng kế toán,
chàng sững người lại. Trên bàn gỗ nhỏ gần lối đi, ngoài cái bóp da phụ nữ, một
mẫu giấy lau kleenex vò nát, một thỏi son, còn có thêm một cái bánh chưng gói
giấy bạc và cột bằng băng đỏ. Chàng hồi hộp như người sắp bắt được của, chắc
chắn là một bạn đồng hương đây! Cái lối gói bánh chưng một cách "hiện
đại" như thế này, thứ giấy gói xa xỉ tiện lợi để thay thế cho loại
lá chuối non hơ nóng và lạt buộc bánh chưng của quê hương xa xưa, chàng chỉ có
thể tìm thấy trong cộng đồng Việt Nam mà thôi!
Chàng chần
chờ ít lâu ở phòng kế toán vắng người rồi cuối cùng, không thấy ai trở lại,
chàng phải qua phòng nhân viên. Vòng về, phòng kế toán vẫn trống vắng. Đành
phải trở về phòng ấn loát quảng cáo vậy! Sáng hôm đó, chàng phụ trách vẽ một
mẫu bàn gỗ sồi dùng cho các văn phòng. Dù không ai bảo, chàng vẽ thêm vào số
các vật dụng để trên bàn như máy computer, điện thoại, hộp đựng viết,
cái intercom, một vật vuông vức mới trông giống y một món quà Giáng Sinh
nhận muộn. Cái bánh chưng của quê hương xa xôi đấy!
Chuông reo
báo hiệu giờ nghỉ ăn trưa. Chàng hồi hộp như thuở xưa hồi hộp chờ người yêu
trên ghế đá công viên trước trường Đồng Khánh. Chàng chạy vội lên phòng kế
toán. Chàng không lầm. Cô thư ký đang đánh máy dở dang là một người Á đông.
Chàng thấy cô ta đẹp tuyệt vời, và không giữ được chút ý niệm nào về tuổi tác
cô ta lúc chàng vội chạy về phòng quảng cáo để lấy mẫu vẽ chiếc bàn gỗ sồi.
Chạy trở lại phòng kế toán, cô gái đã tắt máy computer và đang lo xếp dọn tạm
đống giấy tờ bừa bộn trên bàn. Cái bánh chưng bao giấy bạc và cột băng đỏ bây
giờ được đặt trên cái bóp da.
Chàng đứng
trân người không biết phải nói gì, khi cô gái ngước lên hỏi chàng bằng một
giọng Mỹ sành sỏi:
- May I
help you?
Chàng ú ớ
vài tiếng ngoài tầm kiểm soát, cuối cùng chìa ra cho cô ta xem mẫu vẽ chiếc bàn
gỗ sồi. Cô gái đã đứng dậy, nhìn chăm chú vào tờ giấy croquis, và mặc dù chẳng
hiểu gì cả, vẫn giữ phép lịch sự bằng cách vừa nghiêng đầu ngắm nghía vừa khen
lấy khen để:
- It 's
very beautiful. Very very beautiful!
Chàng bật
hỏi bằng tiếng Việt:
- Cô có nhận
ra cái bánh chưng không?
Cô thư ký
quay ngoắt lại nhìn chàng, giọng Hà Nội êm ả :
- Cái bánh
chưng à? Thế mà, tôi cứ tưởng...
Và cả hai
cười xòa. Họ làm quen với nhau chóng vánh, và chàng mời người bạn gái đồng
hương đi ăn trưa.
Tiệm Mc
Donald khá vắng. Ở góc trái,chỉ có hai vợ chồng người Mỹ già đang vừa ăn vừa
chán nản nhìn nhau. Chàng thích cái lối kẻ cả tự tin hết sức "nội trợ"
của nàng, cái lối để mặc cho người đàn ông lấy khay đi mua thức ăn và cà phê,
còn mình thì ngang nhiên kéo ghế ngồi chờ đợi. Chàng đặt cái khay màu gạch
trước mặt nàng. Ly cà phê xúc động hơi chao nghiêng, đổ một ít lên khay, thấm
một góc giấy lau trắng nõn. Nàng nói thật rõ hai tiếng "cảm ơn",
rồi hai bàn tay đan lấy nhau đặt lên bàn, ngước mặt lên chờ. Chàng thành thật
bảo :
- Lạ quá,
tôi trông cô quen quen.
Nàng bật
cười:
- Anh không
tìm được câu nào khác ư?
Chàng đỏ mặt
vì "quê"! Liếc vội lên nhìn nàng, chàng nhận ra lần đầu dấu
vết của tuổi tác. Đôi mắt tuy đang cười cợt nhưng không dấu hết được nét buồn.
Đôi môi thoa son hồng, nhưng môi trên thường mím lấy môi dưới, chịu đựng. Một
vài nốt tàn nhang trên gò má trái và trên trán. Chàng đoán cô thư ký khoảng
trên ba mươi. Và chàng bắt đầu lấy lại được tự tin, bỏ hẳn được nỗi áy náy về
tuổi tác chênh lệch. Chàng bạo dạn hơn, với tay lấy tờ giấy lau thấm sạch cà
phê đổ trên khay thức ăn của nàng, rồi đến chỗ quầy lấy thêm một xấp giấy lau
khác. Sau khi ngồi lại chỗ cũ, chàng mới hỏi:
- Theo cô
thì nên dùng câu nào?
Nàng cười,
có vẻ thích thú vì dường như sắp tham dự vào một trò chơi ngộ nghĩnh. Nàng bảo:
- Những câu
về thời tiết : Hôm nay trời lạnh khiếp. Bữa nay bớt nóng hơn hôm qua.
Hoặc văn chương hơn: Sau mấy ngày u ám, trông nắng mới ngon lạ!
- Câu cuối
tôi nghe quen quen!
Nàng bật
cười:
- Lại quen
quen. Của Nhất Linh đấy. Trong cuốn Bướm trắng.
- Ở đoạn
nào?
- Anh ăn đi
đã. Tôi xin phép uống cà phê trước, kẻo nguội.
Nàng hớp một
ngụm cà phê, rồi ngước lên nhìn chàng. Chàng không dám ăn, cứ nghĩ phải cầm
bằng hai tay miếng big Mac to tướng đưa vào mồm, hả miệng cắn, rồi nhai
ngồm ngoàm, trông thô bỉ quá. Chàng nấn ná bằng cách hỏi lại:
- Đoạn nào
trong Bướm trắng?
- Đoạn
Trương gặp Thu trên xe điện, sau khi dự đám tang về.
- Anh chàng
đó mở lời khá hơn tôi!
Nàng bật
cười, suýt chút nữa bị sặc vì đang ngậm ngụm cà phê loãng. Chàng tiếp luôn:
- Nhưng tôi
không khách sáo. Tôi thành thật. Hình như tôi mang máng đã thấy cô ở đâu đó,
lâu lắm!
Nàng trêu:
- Ở đây, từ
hai tháng nay!
- Không phải
thế đâu! Hình như tận hồi ở Việt Nam. Cô qua đây hồi nào?
- Từ 1975.
Đây cũng là một câu mở lời quen thuộc.
Chàng hơi
khó chịu vì vẻ tỉnh táo kẻ cả của cô thư ký. Khuôn mặt nàng trở nên sắc sảo
hơn, chàng chú ý đến đuôi mắt hơi xếch và chóp mũi quá nhọn. Chàng cầm miếng big
Mac đưa lên miệng, ăn tự nhiên. Cô thư ký cũng bắt đầu ăn. Ở góc phòng,
người chồng Mỹ già nổi cơn ho một hồi. Tiếng người vợ càu nhàu, chàng nghe thấp
thoáng hình như cụ bà trách cụ ông không chịu mặc thêm áo ấm trước khi đi ăn.
Nàng quay nhìn hai vợ chồng già, một lúc, quay lại, đột nhiên đưa cho chàng
mảnh giấy lau và bảo:
- Anh chùi
vết bơ bên mép phải! Không! Bên kia.
Chàng lại
cảm động trước cử chỉ ân cần, ngưng ăn, hỏi nàng:
- Hồi ở Việt
Nam cô có ở Huế không?
- Không.
- Vậy mà tôi
cứ ngờ ngợ đã gặp cô ở Huế.
Nàng cười
nhỏ:
- Vậy là anh
lầm với người khác rồi đấy.
Chàng quả
quyết:
- Nhất định
tôi không lầm. Bây giờ... bây giờ thì tôi nhớ rõ hơn. Huế. Khoảng cuối 1974 đầu
1975. Phải. Huế của thời kỳ thoi thóp cuối cùng. Lúc ấy tiểu đoàn của chúng tôi
đóng ở đó...
Nàng ngồi
thẳng người trên ghế, đặt nửa chiếc big Mac lên khay, nhìn chàng chờ
đợi. Vẻ giễu cợt kẻ cả không còn nữa. Nàng hỏi, giọng hơi thảng thốt:
- Anh ở binh
chủng nào?
- Thủy quân
lục chiến.
Nét mặt nàng
đột ngột thất sắc. Đôi mắt như dại đi. Chàng ngỡ ngàng, nhìn nàng vò nát mảnh
giấy lau, đoán biết có điều gì trong lời chàng làm nàng xúc động tột độ. Nàng
mím môi cúi mặt một lúc, rồi ngước lên. Ánh mắt lấp lánh. Môi trên run run. Mãi
một lúc, nàng mới hỏi:
- Anh có
biết trung úy Tâm không?
Tâm, đại đội
phó của chàng. Và chàng nhớ hết, hiểu hết.
Hai vợ chồng
người Mỹ già đã dìu nhau ra khỏi quán. Cô bé giữ việc thu ngân vặn to hơn một
bài ca quen, bài Hello của Lionel Richie. Hai người ngồi lặng hồi lâu,
không ai dám nhìn ai. Nàng thì thào trước:
- Đúng là
quả đất tròn!
Chàng đáp,
không hiểu rõ mình nói gì:
- Tôi mong
như vậy !
- Sao lúc đó
nhà tôi không nói gì tới anh cả!
- Cô biết
tên tôi?
- Biết chứ!
Tuần nào tôi không đánh máy check lương của anh.
Chàng trách,
rất thật tâm:
- Thế mà
suốt hai tháng nay, chẳng bao giờ cô xuống phòng ấn loát tìm gặp đồng hương cả!
Nàng cũng
thành thực đáp:
- Tôi ngại
gặp đồng hương!
- Vì sao
thế?
- Chẳng hiểu
vì sao. Có lẽ vì hễ thân quen người nào, cũng được nghe một câu chuyện buồn.
Như hôm nay! Anh thấy không?
Chàng buồn
rầu, dù nhận thấy trong lời nàng nói, cũng có một phần có lý. Chàng tiếp nối
câu chuyện bỏ dở:
- Hồi đó,
hồi chúng tôi sắp bị vây khổn trên bãi Thuận An. Tâm mới vừa được chuyển tới
tiểu đoàn bốn. Chúng tôi chỉ làm việc với nhau cỡ bốn tháng, từ tháng 11 năm 74
cho đến lúc... cho đến lúc...
Cô thâu ngân
viên có lẽ khoái bài Hello nên quay trở lại băng cassette nghe thêm một
lần nữa. Và ở âm độ to hơn. Hello. It 's me you're looking for ... Giọng
run run của nàng bị lời ca che khuất, nghe thấp thoáng:
- ... chạy
xuống bến Bạch Đằng với... Guam mới có người cho tin nhà tôi...
Chàng đứng
dậy, đến chỗ quầy xin cô bé Mỹ vặn nhỏ cái cassette một chút. Cô ta xin lỗi,
rồi để chứng tỏ thiện chí tối đa, vui vẻ tắt hẳn cái máy thu băng. Lúc trở lại
bàn, cô thư ký đã lấy lại được bình tĩnh. Nàng hỏi rành rọt:
- Anh có ở
bên cạnh, lúc nhà tôi mất?
- Vâng !
Nàng đưa
mảnh giấy lau lên che miệng, ho khẽ rồi cố lấy giọng tự nhiên hỏi:
- Anh ấy có
đau đớn không?
Chàng không
biết đáp thế nào. Suy nghĩ một lúc, chàng đáp:
- Không !
Nàng cười
buồn, thở ra, có vẻ yên lòng. Lại hỏi vu vơ:
- Có lẽ nhờ
anh ấy không hề biết trước mình chết!
- Không phải
thế!
Nàng ngước
lên, đôi mắt dọ dẫm, e ngại không muốn biết mà cũng nao nức muốn biết. Chàng
nhận thấy nếu không nói hết một lần thì chẳng còn bao giờ có dịp sống lại những
giây phút ấy. Khi nét mặt cô thư ký có vẻ bình tĩnh hơn, chàng nói:
- Lúc đó
tiểu đoàn chúng tôi giữ bên này sông Mỹ Chánh. Có lệnh phá sập cầu. Chúng tôi
vừa làm xong thì có lệnh bằng bất cứ giá nào, với trang bị nhẹ, phải rút về
Thuận An. Mỗi đứa chỉ giữ một khẩu M16, vài quả lựu đạn, 20 viên đạn và đi bộ
qua Huế. Nhà máy điện đã bị pháo kích hôm trước nên Huế là thành phố chết.
Không ánh sáng, vài người già cả còn lại. Một bà cụ không hiểu do đâu lạc lõng
ở đoạn phố trước Phú Văn lâu, mếu máo khóc nhìn chúng tôi đi qua. Đầu cầu Bạch
Hổ, một chú lính địa phương quân còn đứng gác. Tôi dừng lại, quát hỏi ai ra
lệnh cho chú đứng đây. Chú ta bảo lệnh của trung sĩ. Ông trung sĩ già trong
trạm canh chạy ra, bảo vì không có lệnh nên vẫn thi hành nhiệm vụ giữ cầu. Tôi
bảo hãy về gấp đem gia đình chạy về hướng Nam. Cầu Trường Tiền đang bị pháo
kích dồn dập. Tâm bảo tôi hãy đi qua cầu Trường Tiền để có kỷ niệm cuối. Chúng
tôi qua cầu sắt, không việc gì.
Chạy xuống
đến bãi biển Thuận An thì được tin tàu hải quân không có ý trở vào đón chúng
tôi nữa. Chúng tôi đang ở tuyệt lộ. Sau lưng là phá Tam Giang. Bên trái là cửa
Thuận An, bên phải, cửa Tư Hiền. Trước mặt là biển, cả gần nghìn quân chúng tôi
ở vào cảnh tuyệt lộ, nhưng cứ chạy dọc theo bãi cát Thuận An. Phải chạy sát vào
mé nước để tránh cát lún, người sau chạy theo người trước. Phía trước đứng thì
đứng, phía trước bắt đầu chạy thì chạy, đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Tôi chạy
giữa, bên phải là Tâm, bên trái là trung sĩ truyền tin. Tâm mạnh hơn tôi nên
nhiều lúc tôi gục xuống, Tâm đứng lại, phụ với người trung sĩ xốc nách tôi lên.
Lại chạy về phía trước, trong khi súng du kích lâu lâu nổ hàng loạt vào đoàn
chúng tôi.
Bây giờ tôi
không nhớ "chuyện đó" bắt đầu xẩy ra ở đâu, lúc nào, nhưng
hình như chạy khỏi bãi tắm Thuận An độ một giờ, thì bắt đầu có người tách khỏi
đoàn, đến ngồi bệt gần mé nước. Một lúc, thêm một người tách đoàn đến ngồi bên
người trước. Rồi người thứ ba, người thứ tư. Họ ngồi quây tròn, lặng lẽ. Một
tiếng lựu đạn nổ. Đoàn người khựng lại một chút, rồi tiếp tục chạy. Một lúc
sau, một người khác tách đoàn, đến ngồi bên mé nước. Và vòng người kín dần,
thành hình. Lại một tiếng nổ... Tâm đã vỗ vai vĩnh biệt tôi lúc gần đến cửa Tư
Hiền, để làm một trong những người đầu tiên lập vòng mới!
Người đàn bà
chết lặng hồi lâu, ngồi im như pho tượng, hai tay thu xuống dưới chiếc bàn ăn.
Một đám thực khách mới vào quán, họ vui vẻ nói năng liến thoắng vì hầu hết là
nữ sinh trung học ở khu lân cận. Không khí trong quán khác hẳn. Nàng cố gượng
vui, ho khẽ một tiếng, rồi hỏi với giọng hơi khao khao:
- Anh ấy có
dặn gì không ?
- Không !
Hình như
nàng hơi thất vọng, lại đưa giấy lên che miệng để ho. Mảnh giấy bị vo tròn, và
bị vứt vào giữa khay. Giọng nàng dứt khoát hơn:
- Chẳng lẽ
trước đó, trước khi rút khỏi Mỹ Chánh, anh ấy không nói gì về vợ con cả!
- Có chứ.
Tâm có đưa ảnh cô cho tôi xem. Cả cái ảnh cháu gái vừa làm lễ mừng thôi nôi.
Bây giờ, cháu đó ra sao?
- Cháu đã
lên 12. Đang học lớp sáu trường Santiago.
Chàng hỏi:
- Cháu nó
chắc ngoan lắm!
Nàng cười
buồn:
- Vâng, khá
ngoan. Lâu lâu có nổi cơn ưa chọc ghẹo mấy đứa em, nhưng khi bị mắng, có biết
xin lỗi.
Chàng ngước
lên, nhìn người đàn bà đăm đăm. Nàng thở dài, giọng phân bua:
- Tại nó
không thích mấy đứa em lai. Nhưng biết làm sao bây giờ?
***
Đám nữ sinh
bu đến quầy, tíu tít nói gì đó với cô bé thu ngân. Giọng hát của Lionel Richie
lại mở lớn: Hello, It 's me you 're looking for !
Nguyễn Mộng Giác
Garden Grove 1.1985