17 August 2015

CHUYỆN LÀNG BUỔI GIAO THỜI - Ngô Nguyên Dũng

Phóng dịch một trích đoạn tiểu thuyết,
nguyên bản Đức ngữ
"Tausend Jahre im Augenblick" 
(Trong khoảnh khắc ngàn năm),
cùng tác giả.

Tin tức loan truyền như cơn dịch hành tại Cái Bàu, một làng quê heo hút đất Hậu giang, rằng kẻ lạ vừa đặt chân tới không phải là người bình thường. Đã hơn tuần nay, dân làng thấy người đàn ông lạ mặt dắt theo con vượn, tới ngồi trầm tư cạnh gốc bồ đề trồng bên lối vào đình làng. Hôm nào tan lớp, Lâm và chúng bạn cũng tạt ngang, xét nét ngắm nhìn người khách và con thú liếng láu.


Người đàn ông cao ốm, gần như loã thể, chỉ quấn quanh hông một tấm khố bẩn thỉu, khó đoán được màu sắc. Màu tóc ông xám tro vằn vện, thắt cẩu thả từng bện dài, nổi bật trên nước da cháy nắng. Diện mạo ông khác lạ với cặp chân mày trắng như chỉ, ngó như hai con sâu tằm no lá, vắt trên hai lõm mắt đen đục. Không như người bản xứ, ông có một sống mũi thẳng, nhú mấy sợi lông bạc. Chòm râu quai hàm cắt ngắn khiến gương mặt ông đượm nét bí ẩn, như thánh hoá, rạng ngời nguồn an tịnh vô biên, bắt Lâm nghĩ tới thần sắc những vị chân sư.

Với Lâm và lũ trẻ con, mấy món tư dụng của ông mới thật lý thú: một gậy gỗ khắc chữ loằng ngoằng khó hiểu, chuôi nắm quấn chỉ đỏ bạc màu, một rổ con đựng hạt ngũ cốc cho chim ăn lúc nào cũng được đặt cạnh chỗ ông ngồi kiết già, và một chiếc xe kéo phủ vải màu cam, lốm đốm vết dơ. Không một ai được thấy những gì ông đem theo suốt chuyến du hành. Cũng không đứa nào dám hỏi, vì theo lời đồn, ông già lạ không rành rẽ tiếng bản xứ. Với riêng Lâm, cậu đặc biệt mê mẩn mấy sợi dây xỏ hạt cườm muôn sắc quấn cổ, cổ tay và cổ chân người đàn ông. Và, lẽ đương nhiên, đứa nào cũng thích ngắm con vượn lém lỉnh có bộ lông trắng bám bụi và cái mặt đỏ ké như đào kép hát bộ hoá trang.    
Làng Cái Bàu gồm khoảng năm chục gia cư rải rác đó đây, trong số đó bật ra một dinh thự tráng lệ xây kiểu Tây của điền chủ Lê Tấn Phát. Mái nhà lợp ngói đỏ âm dương, được thiết kế một hệ thống kiến trúc tân thời: giàn máng xối nhôm hứng nước mưa đựng trong dãy lu đất cao cả thước, dựng lố nhố bờ tường phết vôi trắng, xây trên nền nhà lót gạch tàu cao năm bực cấp. Ngoài ra còn có một trường sơ học, tàn tích một nhà thờ Thiên chúa giáo sau nhiều cuộc chiến lớn nhỏ, một ngôi chùa Phật giáo Nam tông của người Khờ-me, và một thuộc tông phái Hoà hảo, thành quả từ viễn tưởng đức tin của một giáo chủ người Việt, nhằm hoà đồng Phật giáo Nam tông với Khổng và Lão giáo.
Cái Bàu cách biển độ một ngày rưỡi, nếu đi bằng xuồng tam bản gắn máy đuôi tôm. Nơi đó, theo lời ông bà thuật lại, từng là bãi đỗ của người tứ xứ tới bằng thuyền nhỏ hoặc tàu buồm ba cánh: dân Trung hoa và Nhật bản từ phía bắc, dân đảo Java từ biển đông, dân Ấn độ và người da trắng từ phương tây xa xôi. Họ đổ xô tới vùng thổ ngơi phì nhiêu này như bầy ruồi nhặng vồ vập bu lấy xác thú rữa thúi thời quân chủ An-nam, để rồi gieo rắc nhiều tai hoạ.
Nhưng không một ai biết rõ, người đàn ông lạ mặt kể trên tới đây bằng phương tiện gì. Chỉ sau một đêm, đã thấy ông ngồi đó. Theo lời thầy giáo làng, ông là một vị sư du mục khổ hạnh tới từ Ấn-độ, Tích-lan hoặc A-phú-hãn, cũng không chừng.
»Những xứ này ở đâu, thưa thầy?« đám học trò lao nhao.
»Ối, ai biết đâu nà«, ông thầy giáo trả lời thờ ơ. »Dò trên bản địa đồ thế giới, thấy chúng nằm ở hướng tây, cách đây hằng ngàn rặng núi, sông ngòi và bình nguyên. Ở những nơi mà bò, khỉ, chuột là những sinh vật linh hiển; mà nhuỵ hoa nghệ tây đáng giá hơn vàng; mà thần thánh vất vưởng nhiều hơn người; mà những lang y sử dụng củ rễ, lá cây và quặng kim chữa bệnh nan y; mà các nhà luyện kim lấy cát đun chảy thành những hột thuỷ tinh, pha lê và kim cương sắc sảo nhất; mà người ta đãi cát lấy vàng từ những mạch nước rừng già. Và rất nhiều điều huyền bí khác, chúng ta không thể tưởng tượng nổi đâu.«   
Hồi nào tới giờ Lâm chỉ thấy người ta lấy hột cườm kết tràng hoa đám ma cho giới nhiều tiền của, hoặc khâu lên áo quần, mũ mão cân đai cho đào kép hát bộ mà thôi. Giờ đây cậu còn biết thêm, chúng được làm từ khoáng chất nào. Khi nghe Lâm kể lại, cậu Bảy lộ vẻ ngờ vực. Cậu cứ nằng nặc tin rằng, hột cườm kết tủa từ nhựa cây. Cây trổ bông màu gì, hột cườm có màu ấy. Duy nhất một chuyện không thuyết phục được Lâm, khi cậu giải thích, những cái lỗ nhỏ xíu được mấy bà dùng gai cây keo hoang xoi từng lỗ một.
Chợt bữa nọ có tin cô con gái út của điền chủ Lê Tấn Phát qua đời vì bị rắn cắn. Tang lễ kéo dài ba ngày. Hôm đưa đám ra nghĩa địa dòng họ Lê, Lâm và cậu Bảy đếm thấy bảy tràng bông cườm muôn sắc, tương đương số tuổi của người chết.
»Ước gì con có được một mớ hột cườm đem về chơi«, Lâm thủ thỉ.
»Đâu có gì khó! Khuya nay cậu cháu mình ra đó ăn cắp«, cậu Bảy xăng xái.
Tối ấy, Lâm xin phép má xuống nhà dưới ngủ chung mùng với cậu Bảy, chờ khuya xuống. Lâm nôn nao khó chợp mắt, cho tới lúc cậu mệt mỏi thiếp vào giấc ngủ nồng nàn hương ổi chín. Chuyện gì xảy ra sau đó, cậu nhớ lại như ký ức bị tấm vải thưa che chắn cơn mê muội. Chỉ rõ nét trong hồi tưởng cậu là thứ ảnh sắc lợt lạt và cái mùi đậm đà một khuya tháng tám, như thể cậu lạc bước vào giấc chiêm bao huyễn hoặc. Tiếng cú văng vẳng rợn người, lúc cả hai mon men tới cạnh hàng rào so đũa trồng quanh nghĩa trang dòng họ Lê. Trên vòm cây, bầy đom đóm lập loè những đốm lân tinh điệu múa tình ái, tựa như những hoang hồn thắp nhang lượn lờ khúc dạ hành. Váng vất đó đây là tạp hương đất mới, tro trầm nhang, hoa úa và thứ mùi không tên, mà mãi về sau Lâm mới nghĩ ra: mùi cái chết.
»Nghĩa địa là bữa tiệc thịnh soạn cho loài cú vọ. Ở đó, mấy con chuột, con nào con nấy mập ú, vì ăn xác người«, cậu Bảy thều thào. Sống lưng Lâm rợn buốt một đường, bắt cậu ớn lạnh, dẫu đêm lặng gió, oi bức. Tiếng cú kêu lẻ, theo lời những người lớn tuổi, báo hiệu một trường hợp tử vong. Mùi đất mới đắp mộ và hoa héo nhắc nhớ Lâm hương trái chín sớm, không tên gọi, trộn lẫn thứ cảm giác quá vãng mù câm, ma ám. Cậu Bảy châm đèn cầy, đưa cho Lâm, rồi rút kềm, lẹ tay cắt mớ dây kẽm xỏ hột cườm uốn lượn tràng hoa tang.
Cậu vừa làm vừa tụng: »Vong hồn trinh nữ linh thiêng, xá tội cho hai đứa tui, vượt cầu chóng vánh qua miền tử sanh. Đầu thai trở lại cõi thanh… Nam mô quán thế âm bồ tát…«
Tim Lâm đập thình thịch. Cậu run tay đón lấy bó kẽm, trút lẹ chuỗi hột cườm vô túi vải, mồ hôi rịn ướt khắp lỗ chân lông. Chặp sau, cậu nghe tiếng mình lẩm nhẩm tụng theo. Ngọn đèn lắc lay theo nhịp thở hổn hển, bất chợt tắt ngúm sau cơn gió thốc. Lâm hoảng hốt buông tay. Bóng tối ụp xuống như phủ vải đen. Lâm hét lên.
»Thôi, đủ«, cậu Bảy mấp máy, lầm bầm chửi rủa và không kềm chế được, cậu địt ra tiếng một tràng dài. »Cậu cháu mình quấy phá vong hồn người chết bao nhiêu đó đủ rồi, đi về!«
Không ai nói thêm tiếng nào, cùng lượt cuống chân rời nghĩa trang.
»Mới nãy là tín hiệu của hồn ma trinh nữ. Mình không được phép làm phiền thêm nữa«, cậu Bảy giải thích trên đường về.
Những gì Lâm trải qua sau đó, suốt đời cậu không bao giờ quên. Sau khi rửa sạch mớ hột cườm và phân loại theo màu, cậu đem ngâm chúng trong nước mưa, mỗi màu một chén riêng. Hôm sau, cậu ngẩn ngơ thấy chén nước nhuốm màu, và nhúm hột cườm hoá thành những viên pha lê trong vắt. Lâm nhớ lại mẩu chuyện thầy giáo kể lại dạo nào và nghĩ ngợi không ngớt về khởi thỉ của vạn vật, của đất trời, luôn cả lời trăn trối sau cùng của ông nội trước khi nhắm mắt:
»Có phải mọi vật đều thay nhau biến đổi khôn lường?«
Lâm không dám sở hữu lâu nhúm hột cườm ma. Một chiều tháng chín nắng tươi, cậu đem chôn chúng trong vườn rau, bên mấy bụi hành, ngò và tía tô. Ít lâu sau, người chị họ lo chuyện bếp núc trong nhà thuật lại, lúc chị ra vườn cắt rau, thấy mọc một loài cây dại chưa hề thấy, đơm bông trắng mơn mởn, thơm ngát. Lâm hiểu ngay, hương trinh cô gái vừa tái sinh từ tinh lực những hạt mầm thuỷ tinh. Sự kiện linh diệu này bắt Lâm thường nghĩ tới chuyện kể của cậu Bảy về chất nhựa cây sặc sỡ và cô gái yểu mệnh. Cô nhỏ có tên Bạch Mai, đẹp như tranh vẽ, Lâm gặp gỡ hằng ngày ở trường làng. Tóc cô xoã dài, đen nhánh và mịn màng như nhung lụa. Cặp mắt cô ngó như hai hột hạnh nhân và, đã có lần Lâm ngó gần, trong vắt hỗ phách như màu nước một loại trà quí. Một lần duy nhất, cậu được nắm bàn tay cô dịu nhiễu, dắt qua cầu khỉ lấm sình vào mùa mưa. Lần ấy Bạch Mai phải xắn quần, cho Lâm chiêm ngưỡng làn da trứng gà bóc. Lâm ước sao, sẽ có một ngày cưới được một người vợ tươi tắn như vậy. Kể từ hôm cô nhỏ đột ngột qua đời vì rắn cắn, Lâm phiền muộn một thời gian dài. Cậu thấy mình mất mát và trơ trọi như kẻ cô độc tuyệt đối trên mặt đất.
»Có gì đâu. Ai trong chúng ta cũng phải một lần chết«, cậu Bảy lý luận đơn giản. »Chết chưa phải hết, mà là khởi đầu một kiếp sống khác.«
»Giữa đó là cái gì?« Lâm thắc mắc.
»Trụi lủi một mình, vậy thôi!«, cậu Bảy điềm nhiên trả lời.
Từ khi đó Lâm nghĩ mình hiểu ra lý lẽ của trụi lủi, như thể đó là một thực thể sờ mó được, mà cậu có thể cảm nhận bằng ngũ quan.
Cậu Bảy lớn hơn Lâm sáu tuổi, là em út trong mười hai anh chị em còn sống. Ba người qua đời trong trận dịch ghiền ngủ. Khi Lâm lên bảy, cậu được bà ngoại xin ba má Lâm cho tới ở chung, vì bữa nọ bà chiêm bao thấy có người xuống lệnh biểu bà cho cậu đi học trở thành thầy thuốc, nhằm cứu vớt dân làng trước một tai ương không tránh được. Tại vùng đất gồm bảy ngôi làng nơi đây, vỏn vẹn độc nhất một trường sơ học ở Cái Bàu, có ba lớp với một thầy và hai cô giáo tốt nghiệp từ tỉnh thành. Từ đó cậu Bảy dọn tới nhà ba má Lâm và học chung lớp vỡ lòng với cậu. Từ buổi học đầu tiên, cậu không những là bạn đồng môn, mà còn là người che chở Lâm khỏi bị mấy đứa khác hiếp đáp. Trước đó cậu là trẻ chăn trâu, có sở thích nặn sình làm đạn, lắp ná bắn cá thòi lòi lúc nước ròng. Cậu có tài vặt địt ra tiếng khi có lời yêu cầu, và địt không kiểm soát khi hồi hộp quá độ. Cậu còn hãnh diện tuyên bố, thông thạo vài ngón tiểu xảo võ tự vệ.   
»Coi nè, đây là thế hổ rình mồi.« Nói rồi, cậu gấp chân chồm hổm, hai cánh tay dang rộng, ngón cong xoè. »Còn đây là thế rắn hổ mang công hãm«, cậu đổi bộ, đứng một chân, một cánh tay giơ thẳng, bàn tay chụm lại, ngó như cái đầu rắn chực mổ.
Lúc đó Lâm để ý thấy cậu Bảy có hai bàn tay lớn chần vần, ngón dài chắc nịch và sực nhớ mấy lời người khác phê phán, cậu Bảy là một con người kỳ quái.
»Tay lớn, củ lớn«, cậu Bảy vênh mặt.
Nước da cậu Bảy dang nắng nâu sẫm, phèn ăn đóng vẩy, vì vậy cánh tay láng lẩy mồ hôi và bàn tay ô dề của cậu ngó tựa con rắn hổ mang chúa. Hết thảy những gì cậu phô diễn hay kể lại, Lâm đều thán phục. Bản thân Lâm, được bà mụ ráp nắn, là phản diện của cậu Bảy và là đứa con khó nuôi của gia đình. Má cậu, bà Tư Phụng, vào những dịp giỗ quải hiện diện đông đủ bà con chòm xóm, lại điềm nhiên thuật lại những kinh nghiệm lúc thai nghén Lâm, bằng điệu bộ và giọng nói học theo tuồng hát, như thể bà bị đồng nhập và Lâm là chiến lợi phẩm bà giành được. Với bà, Lâm là đứa con trong mơ đúng nghĩa ngữ cảnh.
Lâm có thể nhắm mắt đọc lại mẩu chuyện má kể:
»Bữa đó nhằm khuya rằm tháng mười một, tiết trời oi ả. Ba sắp nhỏ có chuyện bất ngờ, đã về quê từ mấy hôm trước. Tui đương say ngủ, chợt nghe có giọng ai kêu, lay tui tỉnh giấc, bước chưn không ra ngoài. Không khi nào tui quên được quang cảnh khuya ấy, trăng nạm vàng, nhấp nháy đầy sao. Và không gian lênh láng cái mùi gì như thèm muốn. Bà con cô bác tưởng tượng nổi hông, cái mùi thơm rượn tình níu tay tui kéo đi. Trong bóng tối nhấp nháy màu trăng đêm, tui thấy rõ ràng cái mùi tụ lại thành dải lụa phất phơ, dẫn tui tới chỗ hẹn. Với ai, để làm chi, hổng biết nữa. Tui thấy lòng mình phấn chấn, trộn chút bồn chồn và đắn đo, để rồi cuối cùng tui tới đứng trước ngôi mộ đồ sộ của ông cả người da trắng xa lạ. Chắc bà con cô bác hiểu tui muốn nói ai? Tại đó, tui đặt lưng xuống mặt đá hoa cương, ngóng chờ nôn nao trong tư thế sẵn sàng. Bất giác tui rùng mình thấy ra tấm vải lụa đọng thành luồng sữa sền sệt, tọt vô miệng như được ai cầm quặng rót. Thiệt tình, đã nư! Sau đó, mới bảy tháng mười lăm ngày, cũng nhằm một khuya rằm, thằng Lâm chào đời, chui ra cái ọt như được bôi mỡ, hổng đau hổng đớn gì hết á!«
Trong lúc nghe chuyện, khách khứa ai cũng ngậm tăm. Vài người lén lút đảo mắt ngó ông Phạm Quang, chồng bà Tư Phụng. Như lệ thường, ông ngồi một bàn riêng với đám bạn tửu lượng mạnh.
»Tưởng gì, mấy chuyện đờn bà ngủ mớ«, ông giơ tay cất giọng nhừa nhựa, ợ một tiếng lớn rồi hô cụng ly.
Nếu ai có miệng lưỡi độc địa, sau khi theo dõi tài diễn tuồng linh động, tràn trề dâm tình của bà Tư Phụng, hẳn nhoẻn cười hệch hạc kèm lời bình, chắc bà ta bị hồn ma giáo sĩ người da trắng cưỡng bức tới độ cấn thai. Nghe kể, thuở sơ sanh Lâm có nước da trắng hồng như da heo lang và đầu tóc luông luốc màu nắng nhiệt đới, với con mắt trái có màu xanh cẩm thạch, nhiều năm sau mới đổi nâu giống như mắt phải. Còn người đàn ông da trắng mang cái tên, không biết đọc sao cho đúng, khắc trên mộ bia là ai, hiện nay chỉ một ít cư dân, đã từng trải qua những thời chinh chiến của đất nước, còn nhớ.
Cậu Bảy đã có lần góp mặt trong những dịp lễ lạt ấy. Cậu bị chuyện kể của người chị thu hút tới độ, mỗi lần sau đó có dịp nhắc lại, cậu đều sanh nạnh bóng gió, bằng thứ từ ngữ trắng trợn, Lâm là đứa con cầu tự trời cho, là kết quả của tình chồng vợ thiêng liêng, còn cậu không khác gì một mớ rác rến sau khi giao cấu.
»Nhưng mà cậu Bảy«, Lâm ngần ngừ phản đối, »cậu nói ông bà ngoại như vậy đâu có được. Con thấy chuyện vợ chồng thương với… xụ đâu có giống nhau.«
Chuyện sử dụng từ ngữ tục tằn về hành động trai gái ăn nằm với nhau, với Lâm, là một điều cấm kỵ, sau lần cậu lỡ lời, bị má xáng cho một bạt tay đích đáng.
»Đúng đó! Nhưng cậu không biết nói kiểu huê dạng«, cậu Bảy công nhận. »Không phải cậu cháu mình được thầy dạy, người ta cũng là động vật có vú như chó, heo với lại chuột sao? Nè, cậu để ý thấy, con cái có bao nhiêu núm vú, nó đẻ một lứa bấy nhiêu con. Nhiều quá, tụi nó chết đói.«
Lý luận rạch ròi của cậu Bảy được Lâm chấp nhận vô điều kiện, nhưng Lâm thừa lanh lợi để xách mé.
»Sao đàn ông cũng có núm vú, mà không biết đẻ con«, cậu vặn vẹo.
Cậu Bảy cứng họng giây lát, nhưng tìm ra ngay câu trả lời. »Tại đực rựa không có tử cung với lại cái hạ bộ thích hợp. Ngốc còn bày đặt!«
Lời giải thích xác đáng của cậu Bảy làm Lâm chưng hửng. Cậu là con trai nối dõi độc nhất của dòng họ Phạm. Sau khi hạ sanh liên tiếp năm cô con gái, bà Tư Phụng đem lễ vật tới chùa, khấn Phật và hết thảy thánh thần quen tên ban phước cho bà một mụn con trai. Lời cầu xin được chứng giám qua câu chuyện huyền bí bà thường thuật lại cho mọi người cùng nghe. Và, đứa con Phật ra đời. Lễ ăn mừng đầy tháng được tổ chức rình rang, tụ họp bà con gần xa với đầy tớ, có hát bộ giúp vui, ngay tới ban giáo viên của mấy cô con gái cũng được mời dự. Những kẻ có tà ý và ganh tỵ rủ rỉ, con mẹ Tư Phụng được chồng cho phép, hoặc hành nghề bán dâm hay làm thiếp, dám chừng còn là vợ nhỏ của điền chủ Lê Tấn Phát. Nếu không, làm sao vợ chồng bà, người là kẻ giúp việc trong nhà người là tá điền cho gia đình họ Lê, có đủ khả năng chi tiêu cho một bữa tiệc linh đình gồm một con heo, năm con gà trống thiến, năm con vịt xiêm, chưa kể vô số cá, rượu đế, còn thêm tiền mướn con hát và tay đờn độc huyền từ chợ tỉnh? Và cơ ngơi của vợ chồng bà đâu phải là nhà của nông dân nghèo khó. Tuy cũng lợp lá, nhưng ba má Lâm dựng hai căn riêng biệt, cách đó bảy bước là nhà bếp đủ rộng và chỗ tắm bao bọc lá chằm, xây bên hồ sen. Có một số chi tiết mà nhiều người không muốn nhìn nhận, là gia đình họ Phạm có được những tiện nghi này, từ dạo cậu Bảy dọn về ở chung. Nếu không, họ đã hiểu ra, mớ tài sản xuất phát từ ông bà ngoại Lâm. Ba má Lâm, đặc biệt người mẹ, lúc nào cũng cố gắng giũ bỏ lai lịch mình, bằng cách cho bầy con đi học chữ. Ngay tới chuyện đặt tên con, bà Tư Phụng đã phí phạm nhiều đêm mất ngủ, nát óc lựa ra những từ vựng hoa mỹ, có ý nghĩa. Không như người khác chọn cho con những cái tên rau cỏ hay cầm thú thông dụng, hoặc theo thứ tự vì lý do sinh đẻ hàng loạt, cả việc sử dụng những từ dung tục, hy vọng ma quỷ xa lánh, năm cô con gái của bà Phạm đều mang tên hoa hay linh thú trích từ thi ca bắt đầu bằng vần L, như Liên, Lan, Liễu, Lài và Loan. Cho thằng út cưng, ông bà Phạm chọn tên Lâm, từ ngữ bao trùm cảnh giới động và thực vật.
Bà Tư Phụng tin chắc, nhiều sự kiện trong đời sống bà đã được tiền nhân định sẵn. Bà nhớ hoài giọng kể kiêu hãnh của bà ngoại về thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Hồi đó, trên đường lánh nạn, chàng thanh niên kế vị triều đình nhà Nguyễn đã trọ tạm nhà cha mẹ bà một thời gian dài. Trong khoảnh khắc buông thả say đắm, cô con gái mặn mà nhất của gia đình đã dâng hiến tình yêu cho vị hoàng đế lưu vong, và cho ra đời một mụn con mang dòng máu quí tộc. Bốn mươi năm sau, cuộc tranh chấp chấm dứt, chàng thanh niên trở về kinh đô Phú Xuân, đăng quang hoàng đế, khai sáng triều đại nhà Nguyễn.
Một trưa hè oi ả, sau một đêm mất ngủ vì chứng bệnh dạ dày, ngài ra nhà thuỷ tạ ven hồ sen hóng mát. Trong cơn đầy bụng vì các món ăn cung đình khó tiêu, ngài sực thèm một bữa cơm dân dã, đạm bạc đã từng nếm qua trong lần bôn ba lưu lạc vùng nước lợ miệt đồng bằng Cửu long, được chính tay cô con gái lớn, thân thể phảng phất hương dầu bạc hà, dọn ăn. Bữa ăn có canh chua me cá lóc nấu với cà dại, khóm, đậu bắp, giá, bạc hà, gia vị rau om, và cá trê kho tộ, kèm cơm Nàng Hương. Ngài phân vân, không rõ mình ngon miệng vì bụng đói cồn cào sau cuộc hành trình nhọc nhằn hay vì hương vị độc đáo của món ăn, chỉ biết lần ấy ngài đã được dịp tận hưởng một bữa no nê. Cùng lúc, tâm tư ngài nhớ lại những chi tiết trong lần giao tiếp thân xác với người đẹp thơm tho dầu bạc hà. Ngài tự hỏi, cô gái ấy ở đâu hiện giờ và cô sửa soạn cho ai thưởng thức những món đặc sản ấy?
Ngay hôm sau, ngài cho vời người trung thần đã đồng hành cùng ngài suốt đoạn đường lưu vong tới hầu, trút cạn niềm riêng, rồi ra lệnh cho ông lên đường truy tầm tông tích gia đình người nông dân và cô gái năm nọ. Ba tháng sau trở lại, ông báo tin đã tìm ra manh mối, nhưng không thể thuyết phục nàng theo về hoàng cung, vì nàng đã có người phối ngẫu. Nàng nhờ ông đem dâng hoàng thượng một tờ giấy lụa phác hoạ hoa đào, thủ pháp tinh xảo thảo mực tím chép bản chỉ dẫn nấu món canh chua cá, một đặc sản gia truyền.
»Bẩm Hoàng thượng, thiếu phụ nhân danh đứa con do thiên long ban tặng, nhờ hạ thần tấu lời vấn an và chúc Ngài vạn tuế«, ông gập đầu tấu.
Không rõ những sự kiện được các lão bà bên ngoại Lâm kể lại, với mảnh ký ức hao hụt vì tuổi già, có phản ảnh đúng thực tế hay chỉ là những hoang tưởng của bẩm tính giàu sáng kiến độc đáo, là điều không thể kiểm chứng sau cuộc phân tranh và kháng Pháp đẫm máu kéo dài hằng bao thế kỷ, đã để lại nhiều thương tích trong ý thức mọi người, và rồi dần dà trôi vào quên lãng. Kiếp nhân sinh vốn dĩ vô thường, nên điều đó đối với Lâm chẳng có gì quan trọng. Mang trong người huyết thống đế vương từ một giọt máu rơi đã ba đời lợt lạt, thì có gì đáng vinh hạnh? 
Cứ mỗi chủ nhật, ngày nghỉ duy nhất trong tuần, bà Tư Phụng lại sai Liên, cô con gái lớn, dạy đánh vần hay đọc cho nghe mấy tờ nhật trình cũ rích của nhà ông điền chủ liệng thùng rác. Bà tỏ ý tâm đắc với những truyện dài đăng từng kỳ. Vận mạng những nhân vật chính trong nhiều chuyện tình lôi cuốn bà tới độ, bữa nọ trong lúc rửa chén, bà cảm nhận rõ nỗi thôi thúc sáng tạo, xui bà nghĩ ra một tiểu thuyết bình dân diễm lệ. Bằng tính mẫn cảm nữ phái và đường gươm bén ngót của văn tự, bà sẽ xoáy vào tim, sẽ khơi lệ giới nữ độc giả cạn ráo như vắt chanh lấy nước. Bà suy tưởng, quyển tiểu thuyết đầu tay của bà sẽ thuật lại đời sống tình cảm của một phụ nữ sống trong một xã hội nặng nề luân lý đạo đức giả, dưới thời thực dân thống trị. Sau khi cấn thai vì bị một tên lính lê dương da đen rạch mặt hãm hiếp trong một trận Tây ruồng, và bị họ hàng làng xóm khinh bỉ, nàng tới trú thân trong một ngôi chùa của dân Khờ-me, chờ ngày sinh nở. Phải rồi, tình huống bi thảm này cần được miêu tả chi li từng chi tiết, chẳng hạn sư ông trú trì sẽ giữ vai mụ đỡ, và đứa trẻ sơ sinh sẽ có trên má dấu chàm y hệt vết sẹo trên mặt kẻ cưỡng dâm. Theo lời thầy bói làng coi tướng, thân thể đứa nhỏ tiên ứng một vài dấu tích đế vương: trái tai hai tấc, xoáy tóc trôn ốc, hai cánh tay dài khác thường và nốt ruồi son trên dương vật. Nhưng tiến trình vương nghiệp của thằng nhỏ phải được diễn tả sao cho văn vẻ mặn mòi, bà chưa nắm được ý.  
Lẽ đó, một sáng chủ nhật bà cắp một rổ xoài, tới dọ ý thầy Văn Tài, một người quen thân của gia đình, có tiếng học sâu hiểu rộng. Tuổi đã bốn mươi lăm mà thầy vẫn chưa lập gia đình, sống cùng mẹ già mắt loà và một con mèo xiêm mắc chứng bạch tạng có cặp mắt đỏ hồng ngọc, trong một gian nhà kê vỏn vẹn chiếc trường kỷ gỗ dày, là nơi ăn chốn ngủ của mẹ con thầy, cũng là chỗ chiều chiều thầy kèm dạy Lâm cùng nửa tá học trò.
»Theo như tui biết, tên lính lê dương da đen là một người châu Phi«, thầy giải thích cho bà Tư Phụng, sau khi bà kể cho thầy nghe chuyện văn mạch đứt đoạn. »Chị nghĩ sao, nếu chị cho thằng da đen được vinh danh thành người hùng, sau ngày thằng chả từ Đông dương trở về nước tên là Marronga, tỷ dụ vậy. Và rồi, qua một cuộc bầu cử không mấy phân minh, chả lên ngôi quốc trưỏng với tám mươi phần trăm số phiếu?«
Bà Tư Phụng tịnh khẩu trước tầm kiến thức và óc sáng kiến dồi dào của ông thầy, chỉ biết gật gù tán đồng.
»Theo lời pháp sư răn dạy«, thầy Văn Tài tiếp tục đắm đuối trong cảnh sắc hư cấu, »và để gột sạch cũng như đền bù những tội đồ xấu xa trong quá khứ, thằng đen cho quảng bá khắp Đông dương một yết thị có in hình chả và nhận được tới một trăm bảy mươi sáu hồi đáp kèm ảnh chụp trẻ lai da đen. Trong số đó có một tấm thuyết phục hơn hết, vì mặt đứa nhỏ mang dấu tích giống hệt chả…«
»Hổng biết thầy nghĩ sao, chớ tui thấy chuyện hơi hơi khó tin«, bà Tư Phụng ngắt lời.
»Sao vậy? Hổng phải chị mới nói, chị định viết một truyện tưởng tượng, chớ đâu phải hồi ký? Để rồi, cha con trùng phùng trong một trường hợp hi hữu, và lẽ đương nhiên thằng con trở thành kẻ nối ngôi cha. Quyển tiểu thuyết của chị được chấm hết bằng một đoạn kết có hậu như vậy. Tui tin chắc, cuốn sách của chị sẽ được văn giới đón nhận như một chấn động long trời, như một hoả diệm sơn phún lửa lở đất.«
Quyển tiểu thuyết bi hài không bao giờ được khởi công, và tâm nguyện trở thành nữ sĩ thành danh trong văn đàn Việt-Miên-Lào của bà Tư Phụng cũng không bao giờ thành tựu. Sau khi mắc phải chứng bệnh sốt nhiễm trùng và được thầy thuốc làng chữa khỏi, khả năng cảm nhận của bà như thể mặt kiếng lấm bụi được cơn mưa tháng tám dội sạch. Không sót lại chút gì, dẫu chỉ một sợi chỉ nối, những tư tưởng sáng tạo minh mẫn dạo nào trong ý thức bà. Quá khứ biệt tăm không dấu vết, tương lai rỗng rang không dự tính. Nhưng nhờ vậy, bà thấy người nhẹ nhõm như vừa phủi sạch những mê muội hồng trần, chỉ giữ lại những tính lành, bảng lảng chút siêu nhiên. Như một con rùa đánh hơi được mùi đất sinh quán, như thính giác loài dơi nghe được chướng ngại trong tăm tối, như một con ó biển thấy ra đáy thẳm đại dương, như một con kiến tiên ứng mùa lụt lớn, như hột lúa cảm nhận được hơi ẩm cơn mưa ấm để nẩy mầm. Bà Tư Phụng chủ động được chính mình, có một cá tính tự tin, không vướng víu bất kỳ di tích tổ tiên nào. Bà tin chắc, bằng tất cả bẩm năng vay mượn từ các loài thú kể trên, bà có thể phác hoạ trong trí tấm địa đồ thế giới, không cần dụng cụ. Bà còn nghĩ ngợi quàng xiên, dám chừng mình là kẻ tái sanh từ những giống thú ấy sau muôn kiếp luân hồi.


(Đức, tháng 7.2015)

NGÔ NGUYÊN DŨNG