27 August 2015

GIỌT TRẦM - Song Thao


Hiên nằm dài trên ghế dựa, ly bia lạnh mát rượi trong lòng bàn tay. Anh nhắm mắt tận hưởng những giây phút thoải mái nhất trong ngày. Buổi chiều, đi làm về, anh vào bồn tắm mở nước ấm ngâm mình cho bay đi những nhọc mệt của một ngày làm việc vất vả. Rồi nằm lim dim uống bia nghe nhạc. Ngày nào cũng vậy. Như một vòng quay đều đặn. Từng nét nhạc thấm vào người anh chơi vơi nhè nhẹ. Chiều trên phá Tam Giang. Anh sực nhớ em, nhớ bất tận… Giờ này có thể trời đang mưa. Em đi sát hàng hiên sướt mướt. Nhìn bong bóng nước chạy trên đường. Như những đóa hoa vụt chóng nở. Rồi có thể em vào một quán nước quen. Nơi chúng ta thường hẹn gặp. Buông tâm trí bập bềnh trên những đợt lao xao. Giữa đám ghế bàn quen thuộc. Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh. Bản nhạc vời vợi dẫn anh về những câu thơ Tô Thùy Yên thuộc lòng từ những ngày đóng quân ở miền Trung.

Những trận nhậu ngất trời ở Hương Điền bên Phá Tam Giang sau cuộc hành quân. Cuộc rượu nào cũng có thể là cuộc rượu cuối đời. Uống cho say bên đồng đội đa từng có nhau trong những phút sinh tử. Ngày mai ra sao mặc kệ. Hiên nhớ tới thằng bạn thân nhất đơn vị. Sáng. Trung Úy Sáng. Vào trận địa lẫm liệt như một viên tướng vừa bước ra từ những trang sử oai phong mà vào trận nhậu cũng hào sảng như một anh hùng Lương Sơn Bạc. Mới tối hôm trước quây quần với nhau quanh mấy miếng thịt gà, mấy trái me trái cóc và đầy một nón sắt nước mắt quê hương. Vậy mà tối hôm sau đã nghiêm trang nằm trong pông sô mặt lạnh như tiền trước những giọt nước mắt trên những khuôn mặt chai sạn đen đúa của bạn bè. Người vợ trẻ mới cưới chưa trọn tuần trăng mật ra nhận xác chồng gục vành khăn sô bên quan tài khóc lóc vật vã như muốn lôi tất cả tim gan ra ngoài. Hình ảnh thảm thương làm Hiên thót ngực tự nhủ chẳng nên cưới người yêu bé nhỏ đang tung tăng sách vở ở hậu phương. Cuộc sống như một trò đùa. Cái chết xen lẫn sự sống. Ích gì mà giăng mắc thêm hệ lụy.

Bản nhạc đi vào những nốt cuối. Hiên nằm thừ người chán nản. Hớp bia lạnh nhạt nhẽo trong miệng. Những khuôn mặt của đồng đội ngày ấy tuần tự bám vìu trong trí anh. Chẳng phải chỉ có mình Sáng nằm xuống. Những trận đánh ác liệt sau đó đã đưa thêm biết bao bạn bè của anh vào chốn hư vô. Vậy mà anh đã không có mặt. Một công điện khẩn đã gọi anh về hậu cứ sửa soạn đi tu nghiệp tại Mỹ. Cái học bổng anh xin cầu âu từ hai năm trước đã kéo anh ra khỏi khói lửa chiến tranh. Súng đạn có hương vị riêng của súng đạn. Chiến trường có cái quyến rũ của chiến trường. Những ngày đầu ở Saigon anh như người hụt chân hụt cẳng. Cuộc sống sôi động nơi địa đầu giới tuyến đã làm anh quen nết đi rồi. Sống trong một thành phố mà người người dửng dưng ăn chơi, kiếm tiền, lừa lọc nhau làm anh thấy như bị úp trong một chiếc lồng kính. Khó thở và bực bội. Cuộc chiến mà anh vừa tham dự như là một thế giới khác. Một thế giới xa vời được bó chặt trong mấy cột báo đọc vội bên ly cà phê buổi sáng.
Những buổi sáng nơi quán Pagode anh ngồi nhìn thiên hạ chung quanh mà đầu như bốc lửa. Ở đây người ta sống thản nhiên quá. Làm như chiến tranh không hề có trên đất nước này. Làm như bạn bè anh đang quần thảo ngoài trận tiền là chuyện riêng của những người mang số phận hẩm hiu đen đủi. Tờ báo trong tay anh run bần bật. Tiểu đoàn của anh đụng lớn vừa chết vừa bị thương gần năm chục mạng. Những hàng chữ hững hờ chọc cơn giận trong anh bùng lên như một vụ hỏa hoạn. Bàn bên cạnh một thanh niên đang ngồi tư lự như một triết gia. Ly bia trước mặt đã cạn hơn phân nửa. Chiếc tẩu bóng lộn cắm giữa chiếc miệng có hàm râu quai nón mềm mại bao quanh. Đôi kính dâm gọng vàng đắt tiền che kín gần nửa khuôn mặt. Bộ quần áo thẳng nếp láng coóng với chiếc cà vạt nới lỏng nút thắt điệu nghệ nằm trễ dưới cổ áo. Hiên nhìn thấy tất cả cái phè phỡn vô trách nhiệm nơi người thanh niên điệu bộ đúng thời trang này. Anh thấy nóng mặt. Đôi chân anh tự động đứng dậy tiến qua bàn bên. Anh chăm chăm nhìn vào khuôn mặt đầy đặn phủ phê. Tay phải anh chụp mạnh chiếc kính đen. Anh khẽ rít giữa hai hàm răng. Bạn bè tao bằng tuổi mày vừa gục ngã tức tưởi ngoài mặt trận mà mày ngồi đây phởn phơ như thế này hả. Anh từ từ bóp mạnh bàn tay. Cặp kính gẫy nát. Những mảnh kính vỡ vụn cắt lòng bàn tay anh máu rỉ ra đỏ tươi. Tên thanh niên công tử run lẩy bẩy len lén đứng dậy lùi về phía sau ghế bỏ chạy ra cửa.
Hiên giơ bàn tay phải lên nhìn. Những vết sẹo nho nhỏ nằm rải rác như những hạt gạo xinh xắn. Chúng nhắc lại những ngày tươi trẻ máu nóng đầy người. Tên thanh niên xui xẻo đó giờ này đang ở đâu. Bây giờ gặp lại hắn chắc anh sẽ đỏ mặt ngượng ngùng. Hoàn cảnh nhiều khi đẩy con người vào những tình huống khó xử. Chỉ hai năm sau ngày anh làm nhục người thanh niên nơi quán Pagode anh đã bị đưa vào thế đào ngũ trốn chạy còn tệ mạthơn hắn nữa.
Tiếng kéo ghế chát chúa của Sylvie lôi anh ra khỏi nỗi ê chề bám vìu anh từng giây từng phút. Anh nhìn vào phòng ăn. Bộ mặt Sylvie nặng chình chịch. Tiếng nhạc vẫn rỉ rả phát ra từ hai chiếc loa đen bóng đứng ở hai góc phòng. Mỗi lần anh nghe nhạc Việt Nam là Sylvie bực mình mặt nặng mặt nhẹ. Anh đã nhiều lần phản ứng đến gây gổ mà nàng vẫn chứng nào tật nấy. Anh đứng dậy tắt máy. Tiếng nhạc hốt hoảng ngừng lại. Những thước không khí trong phòng chùng xuống nặng nề.
Sylvie lầm lì dọn bàn ăn. Bước chân lui tới dậm xuống nặng nề như muốn đè nén cơn bực tức trong người. Những lọn tóc màu lúa chín được cột gọn thành chiếc đuôi ở phía sau nhảy lên nhảy xuống tức tưởi. Hiên nhìn vào chiếc gáy trắng ngần thon thả của vợ. Những giọt mồ hôi rịn ra lẩm chẩm quyến rũ. Vài sợi tóc mềm mại lơ lửng sà xuống làm tăng thêm vẻ diễm lệ cho chiếc gáy anh từng mê mệt. Anh tiến tới hôn vào chiếc gáy ẩm ướt tỏa ra mùi thơm nhè nhẹ. Sylvie cong người cọ vào Hiên mềm mại như một con mèo làm nũng. Những ngày Cranston gợn nhẹ trong ký ức anh.
Quầy thâu ngân chỗ Sylvie ngồi làm việc ăn thông vào trong nhà bếp bằng một khuôn cửa tò vò tròn vo được khoét một cách mỹ thuật giữa tường. Chiếc cửa như một mặt trăng ôm lấy phía sau lưng Sylvie. Từ trong chỗ rửa chén bát của nhà hàng Hiên có thể nhìn được chiếc gáy cao non nà của con gái ông chủ. Chiếc đầu tóc mềm mại bới cao làm tăng thêm vẻ quí phái của người thiếu nữ xứ lạnh. Anh ôm hình ảnh kiều diễm của Sylvie vào từng giấc mơ.
Chẳng có gì dấu được mấy tên sinh viên Việt Nam du học kéo nhau đi rửa chén bát ở nhà hàng ăn Pháp do một ông tây Québec làm chủ này. Mà cái bộ điệu ngẩn ngơ của Hiên thì dấu được ai. Trong lòng có gì thì đôi mắt đã mách bảo ra ngoài hết cả. Một tên lẻo mép ỡm ờ:
“Này, ông Thủy Quân Lục…chén đã kiếm được đất trông cây si rồi đấy à?”
Hiên thấy đống chén bát ngập nước dưới tay anh chao đảo như có một trận động đất nhỏ vừa xảy ra. Mắt anh mờ đi vì tức giận. Gì chứ đụng tới binh chủng của anh là không được. Anh dằn giọng:
“Vừa vừa thôi chứ bạn! Làm ơn bỏ dùm cái chữ sách mé đó đi có được không? Đi rửa chén ở đây nhưng vẫn là lính chì thứ thiệt đấy. Đâu có phải là thứ trốn quân dịch chạy ra ngoại quốc đâu!”
Câu nói của Hiên phóng ra nặng trĩu. Mấy cặp mắt len lén nhìn anh. Một người lên tiếng:
“Thôi, bỏ đi anh Hiên. Anh em giỡn chơi một chút thôi đấy mà. Anh không bằng lòng thì thôi. Từ nay chúng tôi khai tử luôn cái chữ khó thương đó. Có mấy anh em người Việt với nhau chuyện gì cũng phiên phiến chẳng nên để bụng mất vui đi.”
Sinh viên Việt Nam du học ở Cranston đếm được trên đầu ngón tay. Người nào cũng phải kiếm thêm tiền cho cuộc sống đỡ chật vật. Khi Hiên sang theo khóa tu nghiệp anh cũng theo họ đi rửa chén bát kiếm thêm tiền. Hồi học trung học anh theo chương trình Pháp nên tiếng Pháp của anh khá trôi chảy. Ông chủ người Québec nhận anh vào làm với vẻ thích thú ra mặt. Ở đất Mỹ kiếm được một người nói tiếng Pháp đâu có phải dễ. Thỉnh thoảng ông mang rượu xuống bếp mời Hiên ngồi nói chuyện để có dịp nói tiếng mẹ đẻ. Có bữa hứng chí hai người ngồi uống tì tì tới quá giờ nhà hàng đóng cửa. Hai khuôn mặt đỏ gay ngất ngưởng cùng gõ xuống bàn rầm rầm rống lên những bài hát quen thuộc. Bài này tiếp nối bài kia trong hơi rượu nồng nặc. Sur le pont d’Avignon. On y danse, on y danse. Sur le pont d’Avignon. On y danse tout en rond….Alouette gentille alouette. Alouette je te plumerai…. Frère Jacques, frère Jacques. Dormez vous, dormez vous. Sonnez les matines, sonnez les matines. Ding din don…..
Cô con gái rượu của ông cũng hay lân la hỏi han Hiên. Người con gái bặt thiệp và vui vẻ đã hớp hồn anh. Đứng rửa chén mà mắt anh không ngừng liếc ra chiếc cửa tò vò. Đôi tay anh quờ quạng làm chồng chén bát dơ va vào nhau kêu inh ỏi. Đám sinh viên rửa chén chung với anh chẳng khó khăn gì mà không phát giác ra mối tình câm của anh. Và khi đã phát giác ra họ dễ gì bỏ qua mà không châm chọc cho sướng miệng. Nhưng họ đã đụng phải một ông Thủy Quân Lục Chiến loại ngầu. Dân Trâu Điên chứ bộ chơi sao.
Chỉ cần một đêm được Sylvie nhờ làm partner trong dạ hội ra trường là Hiên đã hôn được chiếc gáy mà anh ngày đêm tơ tưởng. Cô học sinh vừa tốt nghiệp trung học chê mấy anh Mỹ không có văn hóa như tây nên dù có nhiều anh học cùng lớp xun xoe xin hộ tống mà nàng lắc đầu quầy quậy. Sylvie chọn anh chàng rửa chén. Dù sao cũng có hơi hướng Pháp. Mối tình câm của Hiên chỉ qua một đêm bỗng biết nói.
Cuộc tình của họ ngọt ngào như một chiếc kẹo nougat. Ông bố của Sylvie cười nhếch hàng ria mép mỗi khi trông thấy Hiên. Nụ cười như ngầm bảo với anh chàng rửa chén to cao vạm vỡ là ta đã biết hết rồi đấy nhưng không sao cứ tự nhiên. Cả Sylvie lẫn Hiên đồng lồng chúm miệng thổi bùng đống than âm ỉ thành một ngọn lửa reo vui rực rỡ. Lửa mỗi ngày mỗi bốc cao. Tình của họ cũng vụt lên cao như một cây pháo bông. Chỉ một đốm sáng nhỏ nhoi tẽ gió lướt cao lên bỗng nở ra một đóa hoa muôn màu sáng chói bao trùm cả bầu trời xanh.
Những ngày nồng ấm vội vã qua mau. Khóa tu nghiệp của Hiên đang ở vào những ngày cuối. Ngày về đã lấp ló trong tầm mắt. Chiến tranh Việt Nam càng ngày càng dữ dội trên màn ảnh truyền hình Mỹ. Bom đạn đã kéo nhau về thành phố. Ban Mê Thuột thất thủ. Chung quanh Hiên người ta đã nói tới việc bỏ rơi Việt Nam. Sylvie cuống cuồng ngăn cản Hiên trở về. Nàng nghĩ Việt Nam là chốn bom đạn giăng mắc chằng chịt như một chiếc lưới. Hiên đem thân về thì chắc chắn bom đạn sẽ thăm hỏi anh ngay ngày đầu đặt chân tới Việt Nam. Nàng khóc lóc, van xin, níu kéo Hiên. Những cánh thư của bố mẹ Hiên cũng cản ngăn anh trở về. Tình hình càng ngày càng tệ mạt. Người ta đã ồn ào chuyện di tản. Mấy ông thày dạy của Hiên đã kín đáo nói xa nói gần cho Hiên hiểu là Việt Nam khó lòng đứng vững nếu không có quân viện của Hoa Kỳ. Mà quân viện thì Quốc Hội Mỹ đang ra sức cắt giảm. Bụng Hiên rối lên như mớ bòng bong. Ai cũng ngăn cản anh về. Mà không về thì lương tâm cắn rứt chịu gì nổi. Đào ngũ là một chuyện. Đang tâm bỏ bạn bè trong lúc nguy khốn là một chuyện khác. Có tình nào đậm nồng bằng tình chiến hữu sống chết với nhau ngoài trận tiền. Thứ tình chẳng tiếc đến cả mạng sống thì còn lấy gì mà so sánh được.
Giữa lúc Hiên đang lao đao chưa biết quyết định ra sao thì miền địa đầu giới tuyến thất thủ. Tiểu đoàn của anh rã đám trên đường tháo thân ra bờ biển để được bốc vào Saigon. Mấy ngày liền Hiên nhìn thấy trên truyền hÍnh những khuôn mặt bạn bè trong giờ phút nguy vong. Chưa bao giờ anh thấy thấm thía tình bè bạn như vậy. Và cũng chưa bao giờ anh thấy mình đớn hèn bất lực như vậy. Anh quanh quẩn trong căn phòng trọ chật hẹp bực bội như một con cọp gầm gừ trong cũi sắt. Anh nổi điên đập phá mớ đồ đạc sơ sài trong phòng. Đập phá xong anh ngồi đờ đẫn như người mất trí. Rồi anh dốc rượu ra uống tì tì hết ly này đến ly khác. Rượu ngấm anh ngồi nghêu ngao hát. Toàn những khúc quân hành của những ngày còn nặng mang chiến y. Giọng anh nhừa nhựa, tay anh múa mấy bắt nhịp, mắt anh nhắm nghiền. Từ đôi mắt không muốn nhìn sự thế đó những giọt nước mắt nóng hổi tươm ra từ từ lan xuống đôi gò má tái ngắt.
Sylvie ôm đầu Hiên ép sát vào ngực. Nước mắt Hiên lỗ chỗ in đậm trên áo nàng. Đôi mắt xanh biếc của Sylvie cũng long lanh ướt đẫm. Nàng cảm thấy đau đớn như bị cắt ngón tay út. Tại sao Hiên của nàng lại có thể dính vào đất nước của anh đến như vậy. Chiến tranh là điều nàng không thể hiểu được. Đất nước nàng có bao giờ biết chiến tranh là gì đâu. Nhưng chiến tranh đang ở bên cạnh nàng. Người nàng yêu thương đang bị chiến tranh vò nát bầy hầy dù đang ở xa chiến tranh đến nửa vòng trái đất. Tại sao Hiên không quên phứt đi những điều gớm ghiếc đó. Ở đây anh có an bình, có hạnh phúc, có vui tươi và có người con gái tha thiết yêu anh. Đất nước này người ta sống với hiện tại, sống cho tương lai, tại sao Hiên cứ mải miết quay đầu về quá khứ. Sylvie thấy ghét cái màn ảnh nhỏ bé trước mặt. Nó chỉ mang lại cho Hiên những nỗi phiền muộn đớn đau. Nhiều lần Sylvie muốn tắt máy truyền hÍnh rủ Hiên đi chơi cho khuây khỏa nhưng Hiên quắc mắt với nàng. Chưa bao giờ nàng thấy mắt Hiên dữ dội như vậy. Hiên ôm chiếc máy không rời một phút. Hình ảnh tang thương rách nát của đất nước Hiên tràn ngập màn ảnh. Những người dân gầy ốm bồng bế nhau ngơ ngác đi tìm một nơi chốn an lành, những người lính buồn bã di chuyển ra điểm hẹn, những con tàu chĩu nặng những khuôn mặt lo âu sợ hãi…
Khi những chiếc máy bay Mỹ dồn dập cất cánh ôm trong bụng đày nhóc những người di tản rời phi trường Tân Sơn Nhất, những con chuồn chuồn nhảy trên các nóc nhà khắp thành phố Saigon, những hàng người run rẩy cố bám lấy một chỗ trên những chiếc trực thăng đậu trên nóc tòa Đại Sứ Mỹ, những đoàn tàu khổng lồ đậu ngoài khơi đang nuốt dần từng khối người hốt hoảng rời nước thì giờ phút cuối cùng của đất nước Hiên đã gần kề. Từ chiếc ti vi lạnh lùng tàn nhẫn những bộ mặt chính trị Mỹ đã không ngại ngùng gì mà không nói thẳng thừng những lời cuối cho Việt Nam. Hiên ngồi lặng người coi người ta đang dứt từng miếng thịt trên người anh. Cằm anh bạnh ra, hai hàm răng nghiến chặt, đôi mắt long lên sòng sọc. Anh vùng người chạy ra trước cửa nhà. Anh nhìn từng người Mỹ đi ngang bằng ánh mắt căm phẫn hằn học. Tim anh dại đi nỗi tái tê. Sylvie rùng mình ớn lạnh khắp người trước một Hiên lừng lững như một người xa lạ. Nàng ôm cánh tay Hiên kéo vào nhà. Hiên bước đi như một người máy. Anh ôm lấy Sylvie rót vào tai nàng những âm thanh ráo hoảnh. Anh không thể ở trên đất nước phản bội này thêm một phút nào nữa!
oOo
Bàn nhậu đã đủ mặt. Toàn dân Thủy Quân Lục Chiến. Khi Hiên bước vào thì một người gầy ốm đen đủi chỉ nhỉnh hơn đứa con nít bên này một chút đúng dạy ôm lấy anh cảm động nói:
“Ông thày!”
Hiên vỗ vào đôi vai xương xẩu trước mặt:
“Hòa!”
Hai người không nói được gì thêm. Đã lâu lắm Hiên mới nghe lại được tiếng “ông thày”. Hiên nhìn thấy những cánh đồng khô cứng trơ từng gốc rạ cháy xém, ngửi được mùi khét lẹt của bom đạn, vẳng nghe những tiếng đạn to nhỏ thi nhau dồn dã. Cả một thời binh lửa trùm kín đầu anh. Anh bỗng cảm thấy nhói lạnh. Vậy mà anh đã là một tên đào ngũ. Bỏ bạn bè. Bỏ chiến hữu. Gặp lại được Hòa “tà lọt”của anh vượt biên vừa sang được tới đây anh vừa mừng vừa ngượng. Anh lặng người đứng nhìn tên đệ tử đã từng vào sinh ra tử với anh. Hòa nhanh nhẹn kéo ghế cho anh:
“Mời ông thày ngồi.”
Bộ điệu khúm núm của Hòa làm anh đỏ mặt. Anh đâu còn xứng đáng. Chẳng gì có thể biện minh được cho hành động của anh. Một tên đào ngũ luôn luôn là một tên đào ngũ. Anh trăn trở hoài với hành vi hèn nhát của mình. Sylvie đã có lần biện hộ cho anh. Cả chục triệu người không giữ nổi nước thì có thêm anh vào cũng chẳng xoay chuyển được gì. Chiến hữu của anh, những người đang ngồi quanh anh, cũng đã từng an ủi anh. Mấy thằng chóp bu trách nhiệm cùng mình còn bỏ quân lại chạy lấy thân, ông đang ở bên này giờ phút đó không về thì cũng là phải thôi, chẳng ai trách được ông. Nghe vậy cũng thấy nhẹ lòng nhưng lương tâm anh vẫn canh cánh nỗi dằn vặt.
Hiên cố xua đi cục sạn nhức nhối trong óc, nâng ly mời mọi người:
“Chúng ta uống mừng chú Hòa đã tới được đất nước tự do.”
Mọi người ồn ào cụng ly với Hòa. Dân mũ xanh ở thành phố này chỉ có bốn người. Thêm Hòa vào mới đếm đủ một bàn tay. Hiên như ngón tay cái. Ngón tay duy nhất chạm vào được tất cả những ngón tay khác. Anh kéo mọi người lại với nhau bằng những cuộc họp mặt khá thường xuyên. Tuổi tác cũng có người hơn anh. Cấp bậc cũng có người trên anh. Nhưng anh là người vững vàng nhất nơi đây. Ngày anh nhờm tởm đất Mỹ, Sylvie đã lập tức cùng anh rời Cranston về quê nàng. Hai người cưới nhau. Anh cắp sách đi học lại với Sylvie. Mỗi người một ngành. Cả hai đều tốt nghiệp và đều có công việc làm chắc chắn.
Đối với đồng đội cùng binh chủng Hiên đối đãi như anh em. Người nào cần giúp đỡ anh chẳng bao giờ nề hà. Anh vẫn nói đùa với mọi người là đối với anh em anh luôn luôn ứng chiến trăm phần trăm. Cần lúc nào anh cũng có mặt. Cần điều gì anh cũng luôn luôn cố gắng hết mình. Như thể làm vậy anh vỗ về được mảnh lương tâm trầy trụa của anh.
Tô canh chua nóng hổi vừa được người bồi bàn mang tới đang bốc khói nghi ngút. Hòa kín đáo liếc nhìn. Mấy cọng rau ngổ xanh ngắt nằm vắt vẻo giữa những cọng giá trắng ngần lẫn lộn với những khúc cá phô ra từng hàng vẩy bạc. Màu đỏ của những trái ớt lớn xắt mỏng làm tô canh trông vừa đẹp vừa ngon. Tô canh chua đầy đủ lệ bộ làm Hòa thấy ngượng ngùng cho những tô canh dã chiến của những ngày hành quân. Cả hai thày trò cùng thích ăn canh chua nên hầu như bữa cơm nào cũng có món này. Mà canh chua Hòa nấu có chi mà ngon. Căn bản là mấy trái me. Khi không kiếm được me thì cho đại vào một chút dấm hoặc cùng lắm ngắt bậy mấy cành lá chua trong rừng cũng xong. Ngày nào mua được mớ cá vụn của dân đi tát đìa thì kể như là ngày thịnh soạn. Không thì nhón mấy chú tôm khô hoặc mở một hộp cá mòi quân tiếp vụ tanh rình ra đổ đại vào cho có. Vậy mà hai thày trò xì xụp vẫn thấy ngon miệng. Hòa với chiếc chén ăn của ông thày vừa múc canh vừa nói:
“Để em tiếp đại bàng chén canh. Đại bàng vẫn còn mặn món canh chua này chứ?”
Giọng nói của Hòa làm Hiên chìm đắm vào những ngày gian khổ xưa. Mắt anh mờ đi. Anh nói như mê sảng:
“Giờ này còn đại bàng cái khỉ khô gì nữa. Bỏ đi mày!”
Tiếng “mày”vừa buột ra khỏi miệng làm Hiên giật mình nhìn quanh. Anh đọc được nét ngạc nhiên trên những khuôn mặt bè bạn. Hiên sực tỉnh:
“Xin lỗi chú Hòa. Nghe giọng chú cứ tưởng như đang còn ở trận địa.”
Hòa ái ngại nhìn nét bối rối hiện rõ trên khuôn mặt của cấp chỉ huy ngày xưa. Anh thành thật nói:
“Em thích được Trung Úy gọi như vậy. Nghe thấy thân mật như ngày xưa.”
Hiên mặt đỏ gay dí nắm tay vào trán tên đệ tử cũ:
“Lại Trung Úy. Bỏ hết đi. Chú mày sao nhiều chuyện quá. Thôi “dô”này!”
Mọi người nâng ly uống ừng ực. Hiên nuốt rượu như nuốt những đắng cay vào tận trong ruột trong gan. Thua đứt đuôi rồi. Cái đầu lằng nhằng chẳng đem vứt vào đâu được. Hở ra chút xíu là nó gõ vào tim anh từng cú nát tan. Ông thày. Đại bàng. Trung Úy. Từng nhát búa bổ xuống đầu anh nặng trĩu. Không có ai bảo anh là tên đào ngũ phản bội nhưng trong anh vẫn đậm nỗi chát chua nhục nhã. Rượu không rửa được lòng anh. Hơi men chẳng bứng được hộ anh cái đầu cấn cái.
Có tiếng hỏi Hiên:
“Hồi này ông đi chơi dữ lắm sao mà phôn hoài không gặp?”
Hiên ngẩn ngơ nhìn bạn. Anh có bao giờ đi chơi đâu ngoài những lúc tụ họp với bạn bè cũ như ngày hôm nay. Đi làm về anh chỉ loanh quanh ở nhà đọc sách, nghe nhạc. Đó là thú vui duy nhất của anh. Thú vui làm Sylvie mặt nặng mặt nhẹ với anh hoài. Anh hỏi lại bạn:
“Ông phôn tôi hồi nào?”
“Mấy tối liền. Lần nào bà ấy cũng bảo ông đi vắng. Hỏi bao giờ về bà ấy bảo không biết. Giọng như không được vui.”
Hiên nhớ tới những hồi chuông điện thoại reo và những câu đối thoại vội vàng của Sylvie. Anh biết Sylvie không muốn anh sống trong cái thế giới Việt Nam của anh nhưng không ngờ nàng lại quá quắt đến nỗi muốn cắt đứt những liên lạc giữa anh và bạn bè người Việt của anh. Nàng đã khó chịu khi anh nghe nhạc Việt Nam, vùng vằng khi anh chúi mũi vào sách báo tiếng Việt, bây giờ nàng lại tỏ thái độ với những người đã từng sống chết cùng anh, những người mà trong thâm tâm anh luôn luôn tự coi như có lỗi khi chọn ở lại với Sylvie giữa khi cuộc chiến tới hồi gian truân nhất.
Sylvie không thể hiểu được tâm trạng của Hiên. Tại sao anh lại bận lòng với quá khứ như vậy? Quá khứ là cái phần phải lui vào bóng tối, là thời gian người ta phải bỏ lại không luyến tiếc. Như những chiếc hỏa tiễn rụng rơi trên bàu trời khi đã hoàn tất nhiệm vụ đẩy phi thuyền lên không gian. Người ta chú mục tới cái phần cốt lõi ở trên cao chứ ai lại nặng lòng với những thứ đồng nát tiêu hao dưới đất. Hai chân Hiên đang đứng vững trên xứ sở này cớ sao đầu anh cứ quay về phía sau, phía chỉ có toàn bóng tối mịt mù.
Hiên còn bị cột chặt vào quá khứ không là Hiên của nàng toàn vẹn. Nàng muốn Hiên chỉ là của nàng. Nàng không chấp nhận chia sẻ. Hiên đắm mình trong thế giới Việt Nam là Hiên quay lưng lại tình yêu nàng dành cho anh. Tình yêu ngưng đọng trong mắt nàng. Tình yêu bày tỏ bằng những ân cần chăm chút từng giờ từng phút cho anh.
Hiên ngột ngạt trong tấm lưới tình cảm êm dịu của Sylvie. Nàng bủa vây anh bằng những âu yếm ngọt bùi. Nàng đã từng đẩy Hiên ra sân golf mong biến anh thành một người sang trọng, dìu Hiên tới những cuộc họp mặt cho anh nhập vào thế giới cao sang, níu vòng tay anh trong những buổi khiêu vũ cho anh thành một tay tài hoa lịch lãm. Nàng nhồi nắn Hiên cho vừa vặn với tiêu chuẩn của giai cấp trưởng giả của xã hội này. Hiên của nàng chẳng thua kém một ai. Nhưng Hiên đã bỏ cuộc. Anh không biết mang mặt nạ. Sống gượng gạo cho vừa ý mọi người không phải nghề của một “trâu điên”mặt mũi đã từng khét lẹt khói súng. Huống chi trong bụng anh lại có nguyên một cành gai châm chích khôn nguôi. Nó nhắc nhở liên tu bất tận khối u ẩn trong thâm tâm anh. Hiên vẫn yêu vợ nhưng không thể chiều vợ được.
Cuộc sống lứa đôi mang cái dáng khập khiễng. Họ vẫn sánh bước bên nhau nhưng đôi chân mỗi người đều có con đường mòn riêng. Sylvie chẳng thể len lỏi vào những ngóc ngách trong tâm hồn Hiên. Nàng được nuôi dưỡng trong một môi trường đậm nét chính xác. Đường nàng cứ thẳng băng nàng đi. Mắt nàng chỉ nhìn thấy phía trước mặt. Không vòng vo. Không khúc mắc. Nàng thiếu hẳn cái xuề xòa tế nhị mà một người như Hiên rất cần nơi người vợ.
oOo
Hiên nhìn thẳng vào mắt Sylvie hỏi lại:
“Em nghĩ sao về đề nghị của anh?”
Sylvie quay nhìn Hiên như muốn dò sức nặng của câu hỏi rồi tiếp tục chăm chú vào màn ảnh truyền hình. Cặp chân nàng nằm dài trên chiếc bàn kính. Trắng muốt thon thả. Chân nọ gác lên chân kia. Ngón chân cái móng đỏ sậm màu máu nhúc nhích liên hồi. Tật của nàng khi trong đầu có điều suy nghĩ lung. Điếu thuốc trên môi nàng đỏ cong lên bối rối. Hai ngón tay hững hờ giơ lên kẹp điếu thuốc. Nàng uể oải nói như không muốn những âm thanh thoát ra khỏi cuống họng:
“Em không bằng lòng. Anh chỉ có một gia đình. Trong căn nhà này.”
Hiên thấy nóng ran đôi tai. Thái dương anh bập bùng tức tối. Giọng anh mỉa mai:
“Trần trụi hai đứa mà cũng là gia đình sao?”
Sylvie dí mạnh điếu thuốc vào cái gạt tàn. Đầu điếu thuốc nát bét bung ra những sợi thuốc vàng mảnh mai. Một làn khói mong manh cố thoát ra khỏi đốm lửa đỏ vừa tức tưởi lịm tắt. Môi nàng cong vòng:
“Anh lại muốn nhắc khéo tới chuyện con cái nữa phải không? Em đã nhiều lần nói là em không thích con nít. Sao anh cứ lui tới chuyện đó hoài vậy?”
Sylvie dằn mạnh từng tiếng. Cặp lông mày rậm rạp nhíu lại. Khuôn mặt hằn in vẻ thách thức. Hiên quay đi không muốn nhìn vợ trong lúc giận dữ. Quả thật anh muốn có con. Không những anh mà cha mẹ anh cũng luôn luôn thúc hối. Anh là con trai trưởng. Các cụ muốn có người nối dõi tông đường tuy chẳng biết một đứa trẻ lai có thể là người nối dõi tông đường được không. Anh đã nhiều lần nhỏ nhẹ nói với vợ về việc này mà Sylvie cứ lần lữa thoái thác. Nhưng hôm nay anh đâu có đề cập tới chuyện con cái. Anh hỏi ý kiến Sylvie về việc bảo lãnh cha mẹ và các em. Anh muốn mang lại nguồn vui đoàn tụ cho cha mẹ và bảo đảm tương lai cho các em. Nhưng Sylvie cứ lắc đầu quầy quậy.
Khi thành hôn với Hiên nàng nghĩ rằng Hiên tứ cố vô thân sẽ là của riêng nàng. Hoàn toàn của riêng nàng. Nhưng rồi làn sóng người Việt tị nạn ồ ạt trốn chạy khỏi nước đã mang qua đây cả một cuộc sống Việt Nam mỗi ngày mỗi xum xuê. Hàng quán, sách báo, băng nhạc, hội họp, bạn bè, mỗi thứ đã cắt xén bớt của nàng một mảnh hạnh phúc. Hiên như con cá gặp lại dòng nước quen thuộc. Anh cứ mải miết bơi. Sylvie buồn bã nhìn Hiên dần dần xa tầm tay với. Nàng đã cố gắng kéo Hiên về phía nàng, phía có bầu không khí mà Hiên đang hít thở ngày đêm nhưng nàng cảm thấy tay nàng quá ngắn. Cuộc sống chồng vợ lững thững theo tháng ngày qua. Tưởng là gần xịt mà dạt trôi mỗi người một phía. Nay Hiên lại muốn bảo lãnh cho cha mẹ và các em thì phần của nàng lại thêm thắt thẻo teo tắt. Dù có chiều Hiên cách mấy nàng cũng không thể ưng thuận được.
Sylvie bật lửa châm điếu thuốc khác. Một đám khói mù mịt tỏa ra cùng với cái giọng gằn gằn dấm dẳn:
“Em có bao giờ mang cha mẹ em ra làm phiền anh không? Mỗi người có một cuộc sống. Mỗi người đều phải tự lo cho mình. Không lo nổi thì đã có xã hội lo. Ruột thịt có giới hạn của ruột thịt. Anh bày đặt đâu ra cái bổn phận của anh đối với gia đình như vậy? Nếu anh muốn, anh cứ việc gửi tiền về cho họ, em không cản anh. Còn đưa họ qua đây, xin lỗi!”
Điếu thuốc lại nát bét dưới ngón tay thuôn hồng của Sylvie. Nàng dằn vặt nó như dằn vặt nỗi uất ức trong lòng. Hiên ngẩn ngơ nhìn khuôn mặt vợ biến hình trong cơn giận dữ. Anh ôn tồn giải thích:
“Anh đồng ý là ở đây chúng ta sống trong một xã hội mà cuộc sống mỗi người đều được chăm sóc. Cả tinh thần lẫn vật chất. Không ai cần nhờ vả ai. Nhưng chắc em không hiểu được cuộc sống ở bên nước anh đâu. Con người không có được sự thoải mái như vậy. Mỗi cá nhân đều chịu sự chi phối mãnh liệt của nhà cầm quyền. Đâu có được tự ý vạch ra cho mình một cuộc sống như ý mình muốn đâu. Cha mẹ anh không hài lòng với cuộc sống đó, các em của anh không nhìn thấy tương lai. Chúng ta như một đầu cầu có thể giúp được họ qua đây sống cho ra sống. Hơn nữa, truyền thống xã hội bên nước anh dựa vào sự tương thân tương ái của đại gia đình. Mọi người trong đại gia đình yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Anh không thể nào trốn tránh trách nhiệm của anh được. Em là vợ anh, em phải gánh chung trách nhiệm đó với anh.”
Sylvie bịt hai tai, đứng phắt dậy, la lên át tiếng nói của Hiên:
“Chân anh đang đứng ở đây. Hãy suy nghĩ như một người ở đây!”
Cơn giận ào tới như cơn giông đầu mùa, Hiên cũng lớn tiếng la lại:
“Cho em biết là anh sẽ không bao giờ có thể trở thành một dân Québecois như em muốn đâu!”
Sylvie cúi xuống ôm con chó đang ngơ ngác nhìn cô chủ rồi dậm bước thình thịch về phòng nàng. Tiếng cửa dập mạnh làm rung chuyển đồ đạc trong nhà.
Hiên thở hổn hển cố kìm cơn giận dữ. Anh về phòng riêng đóng cửa lại. Hai cánh cửa ở hai phía đều đóng chặt. Vụ bảo lãnh bể tan tành nếu Sylvie không bằng lòng đứng chung tên cùng ký giấy với chồng. Đầu Hiên lùng bùng nặng chình chịch. Anh nhắm mắt lại định thần. Nỗi bẽ bàng của một người trốn chạy còn chưa buông tha anh làm sao anh có thể chịu đựng được một cuộc trốn chạy khác. Giá nào anh cũng phải bảo lãnh gia đình. Có lẽ Sylvie chẳng bao giờ có thể hiểu được anh. Hòa hợp hai thân xác thì dễ nhưng hòa hợp hai cái đầu có hai lối suy nghĩ khác nhau thật thiên nan vạn nan. Anh ngả người trên chiếc ghế dựa như muốn trút hết trí não lộn xộn ra khỏi đầu. Anh với tay vặn nhạc. Những giọt nhạc bổng trầm len lén thấm sâu trong anh. Đời anh cũng như những giọt nhạc. Anh đang chới với trong giọt trầm phiền muộn nhất. Anh mơ được sống trở lại những ngày cũ. Lừng lững giữa đất trời lồng lộng, hai vai nhẹ lâng lâng chẳng chút muộn phiền. Câu thơ cũ chợt về trong anh. Phá Tam Giang, phá Tam Giang. Bờ bãi hỗn mang dòng bát ngát. Cát hôn mê, nước miệt mài trôi. Ngó xuống cảm thông người lỡ bước. Trời nước mênh mông thân nhỏ nhoi.

Song Thao
Trích trong tập truyện “Đong Đưa Cuộc Tình” sắp tái bản.