15 August 2015

LỜI NÓI DỐI ĐẦU TIÊN CỦA HEMINGWAY - Tonny Vorm, Nguyễn Văn Thực dịch

Lời dẫn: Trong những tác phẩm của mình, Ernest Hemingway cho thấy mình là kẻ luôn tìm kiếm sự thật. Nhưng khi đụng đến những chuyện anh hùng của đời mình, thì ông lại hay cố ý tô vẽ.


Hemingway được tuyên dương anh hùng, khi ông ta bị thương ở Âu Châu trong Đệ Nhất Thế Chiến. Nhưng đây có phải là hình ảnh trung thực? Ảnh này, chụp ông trước Bệnh Viện Hồng Thập Tự Mỹ ở Milano năm 1918.  (The Granger Collection, New York).


Máy định vị chẳng giúp được gì, và tôi coi như bị lạc. Những hương lộ, đường dành cho xe đạp, những đường dọc theo đồi nương, kinh rạch, sông ngòi chằng chéo nhau như những mạch máu quanh sông Piave, và dù tôi có đánh vào máy cái gì đi nữa, thì cuối cùng tôi cũng lại lộn trở lại một con đường lởm chởm sỏi đáhoặc lạc vào ngõ vào xa lộ nhiều xe cộ giữa Venezia và Trieste.

Cuối cùng tôi phải hỏi thăm một người nông dân địa phương. Tôi đã chạy xe qua ngõ nhà ông ta mấy lần rồi. Ông ta chống tay lên cằm nhìn tôi dò hỏi. Và nhếch mép cười. ”Hemingway?” - Ông ta hỏi với giọng đầy mùi thuốc lá. Tôi gật đầu. Ông ta nói cái gì đó bằng tiếng Ý và hất cằm về phía vườn nho bên kia đường. Phía chân trời tôi nhìn thấy một tháp chuông nhà thờ, và tôi nhận ra những hình ảnh mà tôi đã google được.


Fossalta di Piave nhỏ hơn là tôi tưởng. Nắng loá nhảy múa phía dưới con đường chính với hai bên là những mặt tiền vàng và đỏ nhạt với những cánh cửa đóng kín. Tôi đậu xe trước nhà thờ và ngồi xả hơi chút đỉnh trong khi máy xe đang nguội lại,kêu lách tách. Tôi luôn luôn hồi hộp một chút khi tôi sắp tới một nơi mà tôi phải đi rất xa mới kiếm được.  Vất vả như thế có đáng không? Một làn gió mát phủ quanh mặt tôi khi tôi ra khỏi xe và đi lên mục đích: Cái tượng đài được dựng lên nơi Hemingway bị thương trong Đệ Nhất Thế Chiến – và cũng là nơi những lời nói dối trong nhiều lời nói dối đã tạo nên huyền thoại về Papa, được đúc ra.

Ảnh hưởng của Roosevelt
Khi Hemingway vào lứa tuổi mười tám đôi mươi, chàng thích đi lính. Điều này rất bình thường vào thời đó. Vào đầu thế kỷ 20 Theodore Roosevelt đã thuyết phục được cả một thế hệ cùng thời rằng làm trai cho đáng nên trai. Trang nam nhi ”phải trơ như đá vững như đồng trước mọi nghịch cảnh”, đúng như những gì tổng thống diễn tả trong bài diễn văn nổi tiếng của ông ”The Strenous Life: Cuộc Đời Hăng Hái” vào năm 1899, năm Hemingway ra đời. Thông điệp này lại được nhấn mạnh trong phim ”Roosevelt in Africa: Roosevelt ở Africa” (1909), trong phim này đoàn quay phim theo ngài tổng thống trong chuyến đi săn. Khi cuốn phim tài liệu này được trình chiếu ở thị trấn quê nhà Oak Park, Hemingway và bạn bè chàng cảm thấy như chínhmình đang sốngcái đời sống của ”một nhân vật kỳ vĩ, từ khi Napoleon thi thố những kỳ tích, nay mới tái xuất hiện.” –một dòng chữ như thế chạy trên màn ảnh.

Khí phách nam nhi như thế cứ đau đáu trong lòng một cậu con trai đã từng bị mẹ bắt mặc áo quần con gái khi cậu còn nhỏ, và cậu, cậu chẳng mấy khi được nhìn thấy cha mình. Vào năm 1917, Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến, Hemingway quyết tâm ra mặt trận. Nhưng vì mắt kém, nên chàng không trúng tuyển. Thay vào đó, chàng tình nguyện làm tài xế cho Hồng Thập Tự (HTT). Và chàng được phân công chở thương binh ra khỏi mặt trận Dolomittene, nước Ý – nhưng đấy không phải là điều chàng mong muốn, Hemingway đã kể: ”Ở đây không có gì ngoài những cảnh đẹp, quá nhiều cảnh đẹp”, chàng viết như thế cho một người bạn. ”Tớ phải rời khỏi khỏi đội xe cứu thương này, và xem liệu tớ có thể tìm hiểu được gì nơi cuộc chiến đang thực sự xảy ra.”

Cuộc chiến đang thực sự xảy ra gần 100 cây số, phía Nam, tại Fossalta di Piave. Những trận đánh dọc sông đang diễn ra dữ dội. Theo nguyên tắc, chàng Hemingway chỉ được phân công đi phát cà phê, sô cô la, và thuốc lá cho binh sĩ Ý, nhưng vào một đêm chàng ta lại phóng xe đạp tới mặt trận và rồi, ngay sau nửa đêm, bị trúng miểng đại bác của liên quân Áo-Hung.

Được tuyên dương như một anh hùng
- Bên bờ sông này người tình nguyện thuộc HTTMỹErnest Hemingway bị thương đêm 8.7.1918, người ta khắc như thế trên bia tưởng niệm nhà văn Hemingwaybên sông Piave nằm cuối thị trấn Fossalta di Piave. Côn trùng ri rĩ, và xe cộ chạy đều đều trên cầu phao, và ngoài ra, ở đây hoàn toàn yên ắng, không một bóng người. Và sau lưng tôi cánh đồng lầy tươi tốt và phẳng trải dài tận bờ biển, và bên kia sông nằm úp một chiếc xuồng đỏ, mỏimòn sóng gió. Nơi đài tưởng niệm Hemingway người ta vừa mới dựng thêm một hàng cột, nơi hàng cột khách du có thể học hỏi thêm về những đóng góp của ông ta cho khu vực. Những cột này được dựng cách nhau vài trăm mét dọc con sông và mang hình chàng trai người Mỹ trong quân phục. Cũng một hình như thế được dùng để trang trí cho trang bìa đầu của cuốn ”The Young Hemingway: Hemingway Thời Còn Trẻ” (1986) của Michael Reynolds, ở trong cuốn này người ta có thể đọc được là huy hiệu chính thức của HTT đã bị gỡ ra khỏi bộ đồng phục Hemingway đang mang trên người.  Riêng hai chiếc huy chương, một thưởng vì bị thương, một vì đã chứng tỏ lòng can đảm, thì không thể bỏ qua không nói tới. Trong một lá thư gởi về nhà, trong khi đang nằm trong bệnh viện HTT, Hemingway đã cho biết là anh ta không nhớ gì nhiều về những gì đã xảy ra. Nhưng một sĩ quan đã cho Hemingwaybiết là anh đã được nằm trong danh sách được tưởng thưởng một medaglia d’argento: huy chương bạc vì anh đã cõng một người lính Ý sau khi chính mình đã bị thương. Người Ý cần anh hùng lẫn  viện trợ của Mỹ, và trên các phương tiện truyền thông của Ý, Hemingway được giới thiệu như một người lính Mỹ đầu tiên bị thương – mặc dù Hemingway không phải là lính tráng gì ráo.  Báo chí cũng nói đến một nhân viên tình nguyện HTT Mỹ khác cũng bị thương (và bị giết) trước Hemingway.

Thoạt đầu Hemingway không làm gì nhiều để cải chính cái điều dối trá này. Trong một bức thư gởi về cho mẹ anh, mà bà sau đó gởi đến cho tờ báo địa phương, câu truyện lếu láo trên lại mọc thêm nanh: Ngoài 227 vết thương do trúng miểng đạn đại bác, chàng ta còn trúng một viên đạn súng máy. Thế mà, Hemingway viết, anh ta vẫn đủ sức cõng được người thương binh Ý đang chảy máu dầm dề hai trăm mét tới nơi an toàn trước khi Hemingway ngất xỉu trước viên đại uý của mình. Trong một thư trả lời, mẹ chàng ta đã ca ngợi: ”It’s great to be a mother of a hero: Thật tuyệt vời được làm mẹ một anh hùng.”

Truyện anh hùng này lan nhanh khi Hemingway hồi hương với tàu ”Giuseppe Verdi”.
Ở bến tàu New York Hemingway được một ký giả tờ Sun tiếp đón, ông này lại lặp chuyện Hemingway là người lính Mỹ đầu tiên bị thương ở mặt trận Ý. Chuyện dối trá này lại càng thêm lươn lẹo khi Hội Cựu Chiến Binh Oak Park gởi  cho những chiến sĩ qui cố hương vùng mình một số câu hỏi. Được dịp, thế là Hemingway lại nổ: chàng ta là một thiếu uý. Rồi chàng ta cònvẽ ra những công trạng của mình trong ba trận đánh lớn, mà ở đó chàng ta đã cùng chiến đấu với đại đoàn quân Ý Arditi gan lì. Có lẽ cũng có kẻ thấy cái trò ba xạonày của Hemingway, nhưng chẳng ai muốn cãi cọ rầy rà làm chi với người anh hùng mới về từ mặt trận.

Nhưng lại viết sự thật trong tiểu thuyết
Những trải nghiệm chiến trường kể trên của Hemingway tiếp tục được quảng bá, và vào năm 1928, nhà xuất bản Schribners viết ở trang bìa của cuốn ”The Sun Also Rises: Mặt Trời Vẫn Mọc” rằng nhà văn đã từng là tài xế xe cứu thương và là lính trong quân đội Ý. Theo Michael Reynolds thì Hemingway cảm thấy ngượng ngùng về lời giới thiệu.  Dẫu sao lời giới thiệu trên vẫn tiếp tục được dùng, ví dụ, trong lời dẫn nhập của Mancolm Cowleys cho cuốn ”The Portable Hemingway: Tuyển Tập Hemingway” (1944), trong đó nhà văn Hemingway lại vẫn là lính của đại đoàn Arditi, trong ”Ernest Hemingway: A Life Story: Tiểu sử Ernest Hemingway” lại cũng viết như thế. Mãi cho tới cuốn ”The Young Hemingway” của Reynolds  thì sự thật mới ló dạng, nhưng cũng trong cuốn này người ta vẫn thấy rằng Hemingway bị trúng đạn súng máy. Nhưng kẻ viết kỹ lưỡng nhất phải kể là Kenneth S. Lynns với cuốn ”Hemingway” (1987). Ví dụ, tác giả đã đưa ra trình làng bốn tài liệu tác giả đã moi ra được: một điện tín từ HTT, điện tín mà Hemingway lần đầu tiên gởi về nhà, một bản tường trình từ bộ quốc phòng Mỹ và tờ tuyên dương công trạng chính thức đính kèm với sự tưởng thưởng huy chương. Vậy có thể kết luận rằng Hemingwaychỉ tiến tới gần sự thật hơn với tác phẩm ”A Farewell to Arms: Một Lời Giã Từ cho Quân Đội” (1929). Trong tác phẩm này, nhân vật Frederic Henry đang nằm trong bệnh viện, khi đó chàng ta được người ta cho biết rằng chàng sẽ được nhận một medaglia d’argento. Chàng Frederic thấy chuyện đó thật lạ:
”Tao bị bắn tung lên không trong khi tụi tao đang ngồi ăn phô mát mà.”

”Nói tào lao. Mày dĩ nhiên, không khi nầy thì khi khác, đã làm một chuyện anh hùng nào đó! Cố nhớ lại đi cha nội.”

”Không, tớ chẳng làm chuyện chi anh hùng.”

”Bộ mày không cõng trên lưng ai đó thoát khỏi trận đánh hay sao?”

”Tao chẳng cõng ai hết. Tao chẳng cựa quậy được gì, làm sao mà cõng aiđược?”

Và ở những chổ khác trong các tác phẩm của mìnhHemingway cố gắng thanh toán cái huyền thoại mà chính mình đã tạo ra, ví dụ trong truyện ngắn ”In Another Country: Trong Một Xứ Sở Khác” (1927). Người viết truyện ngắn người Mỹ (xưng ”tôi” trong truyện) đã gặp hai sĩ quan người Ý trong một bệnh viện quân đội ở Milano. Người kể chuyện thú nhận: ”Thì đúng là tôi có bị thương; nhưng tất cả chúng ta đều biết là chuyện tôi bị thương đó chẳng qua là do tai nạn.”

Cứ để cho huyền thoại đó về mình sống mãi

Căn nhà đồng quê mà Hemingway trú ngụ, ở Fossalta di Piave, đã bị phá huỷ từ lâu, nhưng, nếu người ta theo chuyến du lịch lớn thăm các di tích Hemingway, thì vẫn còn có nhiều cái về Heningway để xem ở vùng Veneto. Đa số trong những nơi ấy, bổn cũ lại được soạn lại. Do đó thay vì cất công đi kiếm trang trại mà thửa ấy biến thành tổng trại HTT, hoặc là một nơi cạnh sông, nơi nhà văn đã chôn 1000 lire, khi tác giả trở lại thăm năm 1949 – và cũng là nơi thiếu uý Cartwell ngồi ỉa trong tác phẩm ”Across the River and Into the Trees : Qua Sông Vào Rừng.” (1950) – thì tôi lại kiếm một quán cà phê trong phố. Tôi kêu cô hầu bàn cho tôi một tách capuccino;  cô có đôi mắt nâu và má lúm đồng tiền. Nghe đâu đó sau lưng cô, có tiếng ra-đi-ô lào xào, nên tôi tránh không hỏi tại sao thị trấn lại vắng người như thế này. Tôi bưng tách cà phê và ngồi vào một bàn trống. Những cuốn sách đầu tiên của Hemingway mà tôi đọc là của bà nội tôi. Sau đó tôi thừa hưởng chúng, và lần duy nhất tôi còn nhớ là cha tôi và tôi nói về văn chương, đó là lần ông giới thiệu cho tôi một khách sạn ở Paris. Hemingway đã ở đó, cha tôi nói. Tôi không bao giờ tìm được khách sạn đó, và tôi cũng không bao giờ cố tìm hiểu tại sao bà và cha tôi lại thích Hemingway. Nhà văn này và các sách của ông có ý nghĩa gì đối với hai người? Họ tin vào huyền thoại về Papa? Họ thấy nơi Hemingway là một trang nam nhi khí khái?

Cuối đời Hemingway người ta mới thấy rằng cái giá phải trả để sống cho thoả cái huyền thoại oai hùng, thật đắt. Ba lần ly dị, ba đứa con bị bỏ rơi, cả lô tình bạn bị sụp đổ lại còn lâm chứng nghiện rượu nặng mãi chotới năm 1961 thì tự sát. Ở những mặt này, Hemingway chẳng phải là gương sáng. Dẫu sao đi nữa thì tôi cũng không buông tác giả được. Như rất nhiều người khác, đôi khi tôi ngẫm nghĩ làm sao tôi có thể sống cho ra sống trong một thế giới mà trong đó dáng đứng người nam sừng sững hơn đời nay. Dĩ nhiên đó cũng là lý do tại sao chúng ta hôm nay vẫn tiếp tục đọc sách của Hemingway, và vẫn còn bị huyền thoại về Papa quyến rũ. Liệu chúng ta đủ sức mạnh, có đủ khắc kỷ khi gặp gian nan, thử thách? Chúng ta vẫn làm trai cho đáng nên trai?

Mặt trời rựng đỏ phía chân trời khi tôi uống xong ly cà phê, và một làn gió nhẹ mang theo một thoáng chiều hôm.  Chốc nữa tôi sẽ uống một lygì đó tại Harry’s Bar tận trong Venezia, ở đó Hemingway vào mùa đông 1949, được dành cho một bàn riêng. Ngày mai tôi lại đáp máy bay về với cuộc sống hàng ngày, vợ và con, mà tôi đã nhớ trong ba ngày xa cách. Nhưng tôi vẫn thấy không cần phải vội vàng. Tôi thích Fossalta di Piave. Khi cô hầu bàn xuất hiện, tôi lại kêu thêm một ly cà phê nữa và lôi cuốn sổ ghi chú và cái bút bi ra khỏi xắc.*


 * Nguồn: http://www.information.dk/536191

Tonny Vorm, Nguyễn Văn Thực dịch