Nói đến
con số nhưng tịnh không phải là chuyện dò kết quả xổ số hay là tính số đề đâu
nhé. Cũng chẳng phải chuyện nghịch ngợm cắc cớ trong thơ “một đèo, một đèo,
lại một đèo”, hoặc “mười bảy hay là mười tám đây” (Hồ Xuân Hương), cũng
không bóng gió ỡm ờ “Khen ai khéo tạc sự lên đồng. Một lúc lên ngay sáu bảy
ông” (Tú Xương). Tuyệt đối không phải. Mà là chuyện chính trị trị
hẳn hoi. Chuyện thể chế chính trị nghiêm túc mà nói lơ mơ là bị phang
ngay mấy gậy “chống diễn biến hoà bình” chứ đùa sao được.
Nhưng đây
lại là thông tin từ chương trình chính thống VTV1 nói về sự kiện đang diễn ra
tại Washington: Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã chủ trì lễ thượng cờ tại
Đại sứ quán Cuba, khép lại quá khứ 54 năm thù địch đồng thời mở ra một chương
mới trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Trong quãng thời gian ấy, nước Mỹ đã trải
qua 11 đời tổng thống. VTV1 chỉ nói vậy, và người viết bài này bổ sung: Cuba
thì chỉ có 2, nhưng là 2 trong 1, vì đều do hai anh em nhà Castro thay
nhau đảm đương vị trí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng, đồng thời là Tư lệnh các lực lượng vũ trang Cuba, và quan trọng hơn nữa
cũng lại là Bí thứ thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba! Ông anh Fidel Castro và rồi ông
em Raul Castro. Tập trung dân chủ tuyệt đối nhé. Vậy mới có cái tít Một và
Mười một.
Thế là
hơn nửa thế kỷ, tính từ Dwight D. Eisenhower, Tổng thống Hoa Kỳ thứ 34 quyết
định cắt đứt quan hệ giữa Washington và La Habana vào năm 1961 cho đến Barack
Obama, Tổng thống thứ 44 tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Cuba, và ngày
20.7. 2015 lá cờ Cuba được kéo lên tại toà Đại sứ Cuba ở Washington! Người ta
nói đây là lá cờ nguyên thủy đã từng hạ xuống tại tòa đại sứ này khi hai nước
cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1961. Còn Tổng thống Mỹ thì nhấn mạnh rằng, mối
quan hệ Mỹ - Cuba đã bị cắt đứt vào năm 1961 ấy cũng chính là năm mà ông
chào đời! Có những ngẫu nhiên lịch sử thật là trớ trêu song nhìn ở một khía
cạnh nào đó thì cũng thật là thú vị. E rằng phải gợi lại sự ngẫu nhiên
đã nói trong bài trước để khẳng định rằng trong những bước đi oái oăm của
lịch sử, nhân tố ngẫu nhiên có vai trò đặc biệt của nó.
Trong
phát biểu tại Vườn Hồng Nhà Trắng sau tuyên bố nói trên, ông Obama nói: “Bước
tiến mà chúng ta đạt được hôm nay tiếp tục phản ánh thực tế rằng chúng ta không
cần phải bị ràng buộc bởi quá khứ. Khi điều gì đó đã lỗi thời, chúng ta sẽ thay
đổi”.
Ngoại trưởng Bruno Rodriguez đang kéo lá cờ Cuba
Giáo sư sử học Felix Masud-Piloto thuộc Đại học De Paul hút một điếu xì
gà trong lễ khai trương Đại sứ quán Cuba tại Washington ngày 20/7
Thay đổi cũng chính là từ then chốt
trong sự nghiệp của Obama, khởi đầu từ khẩu hiệu tranh cử để giành chiến thắng
cho đến những thành tựu vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đạt được cho
đến hôm nay. Như RFI từng bình luận, sự kiện một nhà lãnh đạo da đen đắc cử
tổng thống Mỹ đã gây nhiều cảm hứng trong xã hội Cuba, vì chứng minh rằng những
luận điệu tuyên truyền của chính quyền Cuba từ nửa thế kỷ qua là sai trật. Nước
Mỹ thay đổi thì Cuba cũng sẽ thay đổi. Nhận định này làm người dân Cuba hy
vọng khi thấy Barack Obama tuyên thệ nhậm chức vào tháng giêng 2009, và tuyên
bố muốn lật qua trang sử hiềm khích với Cuba. Đương nhiên, nếu không có sự kiên
trì và quyết liệt của Obama chắc việc nối lại quan hệ giữa Mỹ và Cuba vẫn còn gập
ghềnh.
Nhìn
trong tổng thể dòng chảy của thời cuộc thì có phải đây là một ngẫu nhiên?
Khi nhân
dân Mỹ bầu một người da màu, một người Mỹ gốc Phi, mà ông ta cũng không hề giấu
diếm vợ mình vốn mang dòng máu nô lệ da đen, làm tổng thống thứ 44 của
mình, họ đã chọn sự thay đổi. “Tôi nghĩ chúng ta cần mẫu hình thay đổi.
Chúng ta cần một vị tổng thống của một thế hệ thay đổi và điều đó giải thích vì
sao tôi ủng hộ Barack Obama” đó là phát biểu của Colin Powell, người da màu
thuộc đảng Cộng hòa từng giữ nhiều trọng trách trong chính quyền Bush.
Với những
gì đang xảy ra đã chứng minh luận điểm tuyệt vời được đưa ra vào thập kỷ 80 của
thế kỷ trước: “Con đường cũ dừng ở đây. Thế giới đã thay đổi, và kiểu tư duy
tuyến tính không còn thích hợp với một thế giới phi tuyến tính… những ai chần
chừ, tin rằng tương lai sẽ là sự tiếp tục đơn giản của quá khứ, sẽ sớm thấy
mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Họ sẽ bị buộc phải suy nghĩ lại: sẽ đi đến
đâu và bằng cách nào đi đến đó, khi mà có lẽ đã quá muộn để tránh được điều
không thể tránh khỏi”. Người ta ngày càng hiểu ra rằng, trong thời đại của
nền kinh tế tri thức và nền văn minh trí tuệ “chuẩn mực chính là sự thay đổi”.
Và nếu vậy thì, xét đến cùng quyết định của Obama là điều không sớm thì muộn
tất yếu phải xảy ra.
Ở đây
chính là cái tất nhiên phải thông qua cái ngẫu nhiên để biểu hiện ra.
Ấy thế
nhưng, nếu không có sự kiện Venezuela thì e rằng Cuba cũng chưa buộc phải nhanh
chóng tìm một giải pháp để tránh sự sụp đổ về kinh tế như họ vừa phải gấp gáp
thực hiện. Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, chính những thách thức kinh
tế ngặt nghèo mà Venezuela đang phải đương đầu đã khiến Cuba đi đến quyết định
trao đổi tù nhân với Mỹ nhằm nối lại quan hệ ngoại giao với nước này, để rồi từ
đó, tiến thêm những bước mới mà sự kiện ngày 20.7.2015 với lá cờ Cuba kéo lên
tại Đại sứ quán Cuba ở Washington là một biểu tượng sống động. Cần nhớ rằng,
Venezuela đang cung cấp cho Cuba 100.000 thùng dầu mỗi ngày để đổi lấy hỗ trợ y
tế. Và rồi, như Christopher Sabatini, Giám đốc chính sách Hội đồng Châu Mỹ phân
tích: “Venezuela đang ở trong tình trạng thảm họa kinh tế và rõ ràng, sẽ là
không khôn ngoan nếu Cuba đặt hết trứng vào một giỏ […] Món quà
100.000 thùng dầu mỗi ngày sẽ sớm kết thúc”.
Phải
chăng vì thế mà quá trình Mỹ và Cuba bí mật đàm phán về bình thường hóa quan hệ
vào tháng 6.2013 với vai trò trung gian rất lớn của Vatican đã đẩy nhanh tới
một dấu ấn ngoạn mục bằng cuộc dừng chân của Chủ tịch Raul Castro tại Vatican
gặp Giáo hoàng Francis trên đường từ Nga trở về ngày 10.5.2015. Gặp để làm gì?
Để cám ơn Giáo hoàng về đóng góp của ngài trong việc hàn gắn mối quan hệ giữa
Cuba với Mỹ. Thậm chí ông còn nói với Giáo hoàng Prancis rằng: “Nếu ngài
tiếp tục đường lối như thế, sớm hay muộn tôi sẽ bắt đầu cầu nguyện trở lại và
tôi sẽ trở về với Giáo hội Công Giáo. Tôi không đùa đâu.” Khi nhìn thấy sự
ngỡ ngàng trên khuôn mặt các phóng viên, ông thêm rằng: “Tôi có thể trở lại
với Công Giáo ngay cả khi tôi là một người Cộng sản.” Ông nhắc lại rằng
suốt một thời gian dài một người không thể trở thành đảng viên Đảng Cộng sản
Cuba nếu người đó là người Công Giáo, nhưng điều này bây giờ đã không còn nữa.
“Khi Đức Giáo hoàng tới Cuba tôi sẽ tham dự Thánh lễ của ngài với lòng mãn
nguyện”, ông Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba khẳng định!
Chủ tịch Raul Castro và Giáo hoàng Francis
Chết
thật! Không biết giáo sư Nguyễn Phú Trọng trong bài giảng tại Trường đảng cao
cấp Nico Lopez ở Cuba ngày 9.4.2012 có tiên liệu được chuyện động trời này của
ba năm sau để mà đưa vào trong giáo án “những dẫn chứng từ Việt Nam và
thế giới để chứng tỏ sức sống của chủ nghĩa xã hội trong thời đại
ngày nay” nhằm chấn chỉnh những “lệch lạc”, “suy thoái đạo đức,
lối sống” như ông từng rao giảng cho đảng viên kiên định và thần dân ngoan
ngoãn của ông không? Theo ngu ý của người viết thì dứt khoát phải đưa. Đưa, để
cho người đứng gác ở “tiền đồn phía Tây” vì sự bền vững của phe xã hội
chủ nghĩa được tiếp thêm trí tuệ “sáng ngời” để gắng gượng kiên định lập trường
mà thực hiện khẩu hiệu “anh thức tôi ngủ” chứ. Nay người đồng chí Cuba
cũng lú mà tiếp tục tụng niệm rồi lại còn xưng tội nữa thì không nhẽ người đứng
gác ở “tiền đồn phía Đông” lại phải thức trắng trong suốt thời gian còn
lại trên ghế nhiệm kỳ rồi ngủ bù vào thời về hưu thì sao tiện?
E rằng sự
kiện động trời vừa diễn ra ba năm sau bài giảng trên chắc không thể bổ sung cho
“sức sống thực tiễn của chủ nghĩa xã hội trên bình diện quốc tế” mà
ông đã hùng hồn đưa ra buổi ấy. Mà trớ trêu thay, sự kiện này lại càng làm đậm
nét thêm những cao đàm khoát luận thao thao bất tuyệt về Việt Nam “vững
bước đi lên chủ nghĩa xã hội”, Cuba “vẫn hiên ngang đứng vững”, rồi
những “bước tiến cách mạng” ở Venezuela, Bolivia và Eucador, về “sự
lớn mạnh” của phong trào cánh tả Mỹ Latin, cùng với các nước xã
hội chủ nghĩa khác ở châu Á “vẫn tiếp tục con đường tiến lên
phía trước” như là những “bằng chứng đầy khích lệ về sức sống của
chủ nghĩa xã hội”.
Chính cái
“sức sống” ấy khiến bà Tổng thống Brazil, Dilma Rousseff phát hoảng nên
đã huỷ lời mời ngày 13.4.2012 khiến máy bay chở ông Trọng, thay vì đáp xuống
phi trường Galeão Antônio Carlos Jobim thủ đô Brazil, đã vù thẳng về Hà Nội.
Một “biểu tượng” không tiền khoáng hậu trong ứng xử ngoại giao mà báo chí thế
giới những ngày ấy giật những cái tít thật là ác khẩu. Nhưng, xin hãy quên giùm
những cái tít đó đi cho, mà hãy nghĩ về kết luận của tờ báo Pháp Le Monde: “Mọi
huyền thoại đều có hồi kết”!
Hồi kết
của một “hoang tưởng”! Đây là chữ của cựu ngoại trưởng Pháp Hubert
Vedrine dùng khi bình luận về tình hình Cuba, nhưng lại rất thích hợp để vận
vào bài giảng hùng hồn “sáng láng” kia! RFI phân tích: Cuba từng giữ một vị trí
quá lớn trong ảo tưởng của cánh tả Pháp. Những người vốn khao khát niềm tin và
ước mơ về một lý tưởng tuyệt đối, đến mức làm cho họ rơi vào “hoang tưởng”
khi nghĩ về đất nước dưới sự trị vì của Fidel. Cho dù nguyên nhân của sự “hoang
tưởng” đó là lú lẫn hay non kém về trí tuệ, nhưng khi Cuba “hiện nguyên
hình là một chế độ đàn áp, thì cánh tả (Pháp) bắt đầu phân hóa, giữa một bên là
một số ít người còn lại muốn bám víu lấy lý tưởng, hoài niệm về thời trai trẻ
cách mạng, và bên kia là những người bảo vệ nhân quyền”. Để rồi họ phải
thốt lên ngao ngán: “Cuba, hòn đảo của những ước mơ tan nát của chúng tôi,
nay đã biến thành địa ngục”. Thế rồi bốn mươi năm sau chuyến thăm “hòn
đảo cách mạng Cuba” của Tổng thống François Mitterand, Tổng thống François
Hollande cũng có chuyến công du lịch sử tới Cuba đang hàn gắn mối quan hệ với
Mỹ nhưng lại bằng một mục tiêu rất chi là thực tế của các hồ sơ
thương mại. Phải chăng đó chính là cái đã dẫn đến kết luận hóm hỉnh nói
trên của tờ Le Monde.
Sự thật
thì từ lâu lãnh đạo Cuba đã thấm thía những rủi ro của sự phụ thuộc. Nền kinh
tế Cuba đã từng suy sụp vào đầu thập niên 1990 sau khi Liên Xô tan rã. Những
người nắm trọng trách điều hành trong lĩnh vực kinh tế đều ý thức rất rõ nhu
cầu hội nhập vào kinh tế thế giới nếu Cuba muốn sống còn. Hãy chỉ đưa ra đây
một ví dụ nhỏ về Mariel, hải cảng nước sâu duy nhất của Cuba (liệu có na ná như
Cam Ranh của ta chăng?). Hiện nay, nơi đây được xem là đầu tàu thúc đẩy cho nền
kinh tế đang đứng bên bờ vực của Cuba. Nhưng muốn thực hiện dự án chiến lược
này thì điều tiên quyết là phải bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Hiện tại đã có
khoảng 200 công ty từ hơn 30 quốc gia có ý định đầu tư vào đây. Nhưng, họ đang
còn đợi điều tiên quyết kia!
Phải
chăng vì thế mà Cuba quyết định từ chối thỏa thuận đã ký kết với Trung Quốc hồi
cuối năm 2014 về việc triển khai các tàu của Hải quân Trung Quốc ở nước mình?
Theo tờ Yomiuri Shimbun, năm 2012 phía Cuba đã chủ động đề xuất Trung Quốc đặt
các tàu của họ trong vùng biển Caribe cũng như tiến hành các cuộc tập trận
chung. “Sáng kiến này đã được khẳng định trong chuyến thăm của Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình đến Cuba hồi tháng 7/2014”, tờ Yomiuri Shimbun nhấn
mạnh, “và sau đó bắt đầu công tác chuẩn bị cho việc triển khai tại đây các
tàu khu trục được trang bị những công nghệ tên lửa tân tiến nhất”. Nhưng
điều bất ngờ đã xảy ra! “Vào phút cuối, khi các bên đã phải bắt đầu các cuộc
tham vấn làm việc về vấn đề này, Cuba đã thay đổi lập trường của mình”! Và
thế rồi báo Nhật chạy một dòng tít lớn: “Nhật Bản và Cuba nhất trí thúc đẩy
đầu tư và thương mại song phương”.
Họ cần
phải thay đổi để sống còn! Những ứng xử nói trên là tuân theo một quy luật tất
yếu đã và đang xuyên suốt những sự kiện mà thoạt nhìn là những ngẫu nhiên có vẻ
bất ngờ. Những gì đã “lỗi thời” dứt khoát phải phá bỏ hoặc chính nó phải
tự cáo chung. Không thể khác.
Để kết
thúc bài viết xin trở lại với con số 1. Đúng hơn, với chữ MỘT.
Trong “Lời
nói cuối sách” của cuốn “Quần thư khảo biện” viết năm 1757, nhà bác
học Lê Quý Đôn viết: “Kinh Dịch nói: “Biến động trong thiên hạ chính
đáng chỉ có một [lý] thôi. Chí lý thay chữ “một”. Lấy chữ “một”
ấy mà xuyên suốt mọi việc thì dù bốn bể chín châu cách trở, ngàn xưa trăm đời
xa xôi, mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra
trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vậy”! Mạo muội học cách nói của người
xưa để suy ngẫm về những “biến động trong thiên hạ” của hai thập kỷ đầu
thế kỷ XXI, đặc biệt là trong thời đoạn những sôi động của thời cuộc đất
nước hiện nay, thì phải chăng chữ “một” ấy không gì khác là “thay đổi”.
Vận nước
đang hé lộ những thời cơ nghìn năm có một. Người thức thời phải biết chớp lấy
thời cơ nhằm tạo ra một đột phá, thoát khỏi gọng kìm của chủ nghĩa bành trướng
Đại Hán, làm thay đổi thế nước.
Hãy nhớ
lời dặn của Nguyễn Trãi: “Thời! Thời! Thực không nên lỡ”.