Tôi đã
rơi vào đó một buổi trời tro xám. Chắc thế. Tôi vốn rất lãng đãng, một sinh vật
hay mơ mộng viễn vông và chút gì cô đơn.
Luôn mơ
ước được ở trên đỉnh núi dù đấy rõ ràng chỉ là ảo vọng. Ngay cả bò lên ngọn cây
xà cừ để ngắm thật kỹ những giọt nắng trong vắt cũng viển vông.
Không
những một sinh vật quá nhỏ nhoi đối với con người, tôi còn là thứ dị chủng
trong dòng giống ốc. Màu vỏ chẳng vàng, chẳng đen, không trắng ngà hay có vân
có vằn. Nó tuyền một màu nâu gụ, trên lưng lại có hai chấm nhỏ xanh biếc, cộng
một vành son đỏ tươi méo mó nằm dưới.
Cô gái
phụ bếp đã hốt hoảng hét :
‘‘Úi, mẹ
ơi… gì thế này !’’.
Rồi cô
thẳng tay hất tôi ra ngoài cái rổ đầy ốc bà chủ mới đem về. May thay, không hề
hấn chi. Một bàn tay khác đã bốc tôi lên, giọng diềm đạm :
‘‘Lạ nhỉ,
trông giống mặt người, hai con mắt với cái miệng. Xinh đấy chứ’’.
Lại tiếng
úi giời chanh chua kia :
‘‘Xinh
gì. Rõ ràng ốc quỷ. Bác để cháu đập một phát’’.
‘‘Cái con
này, sao mày ác thế. Cứ để đấy’’.
Thế là số
mệnh lật ngược. Thay vì bị bỏ vào nồi nước sôi, chảo dầu nóng hay nướng sống
trên bếp than như bà con mình ngay trong ngày hôm ấy, tôi được bà đầu bếp già
đặt vào chiếc hộp thiếc. Sợ tôi bò ra, bà cẩn thận đậy miếng lưới lên trên. Và
nhân hậu bỏ thêm lá rau ướt.
Không biết tôi nằm trong cái hộp, và cái hộp nằm ở xó bếp này bao nhiêu thời
gian. Hình như khá lâu, đủ cho tôi chứng kiến tất cả số phận thảm thương của
giống ốc. Nơi đồng ruộng xa xăm trước đây, tôi chẳng thể ngờ được điều đó. Tất
cả chúng tôi, già trẻ lớn bé, mỗi ngày chỉ có vài ba việc để làm là ăn, ngủ, bò
quanh bò quất, tỉ tê to nhỏ đôi điều. Rồi thì... ve vãn nhau và sinh sản. Tại
sao tôi lại ngập ngừng khi nhắc đến cái hoạt động cuối. Bởi đấy là một nỗi đau
khôn nguôi. Cái vỏ, căn nhà, nấm mồ trên lưng chẳng giống ai lại xấu xí kỳ lạ
thế này khiến cho ngay lúc chào đời tôi đã là một con ốc cô độc. Không mong gì
có ai đó lại gần, chạm nhẹ vào nhau tìm một mùi hương. Nhưng nằm trong chiếc
hộp thiếc lạnh lẽo, cứng đơ thì cái đau ấy có phần dịu xuống. Chẳng vì tự thấy
mình còn được sống, may mắn hơn nhiều đồng loại, mà do tầm nhìn quá giới hạn
nên tôi bận tập trung tất cả thính và khứu giác để chộp bắt những gì đang xảy
ra quanh đây.
Ngoài bà
bếp và cô gái, còn bà chủ, anh giữ xe, anh hầu bàn, chị tạp vụ, mỗi người một
giọng. Đấy là chưa kể biết bao loại tiếng động. Xoang xoang, xèo xèo, rào rào,
xoẹt xoẹt, bầm bập, bùm bùm. Lúc đầu, tôi bị choáng với ngần ấy thứ náo loạn,
nhưng cuối cùng cũng nhận ra một âm thanh rất nhỏ nhoi, nhỏ hơn nhiều tiếng vỏ
ốc canh cách đập vào nhau khi cô gái vốc tay vào chậu nước gạo để rửa chúng. Âm
thanh hầu như không thể nhận ra ấy là tiếng rên đau cuối cùng của loài động vật
im lặng, khiêm nhường nhất ở thế gian này.
Trong căn
bếp vừa bừa bãi nồi niêu soong chảo, bát chén, thức ăn, rác rưởi… vừa ồn ào,
còn có thêm các thứ mùi nồng nặc mà chắc rằng trước khi bị bắt đến nơi đây
không con ốc nào biết được, dù dầy dạn lão thành bao nhiêu.
***
Tôi đã
gặp cô bé cùng một lúc với hai thằng anh. Cả ba tuôn vào nhà như chạy giặc. Nằm
trong hộp thiếc, tôi nghe hai giọng con trai inh ỏi hò hét tôi tớ. Chỉ mình cô
bé nhỏ nhẹ với những người có mặt.
Bà bếp đã
lôi chiếc hộp đựng tôi ra, mở cho cô xem. Cô cúi nhìn hân hoan. Tôi không thấy
gì ngoài ánh mắt long lanh. Tôi định thò râu đáp lại, nhưng một thằng anh đã
giựt chiếc hộp trên tay em gái. Tên kia tranh lấy. Thế là tôi rớt tuỵch xuống
sàn. Thằng đầu sẵn sàng giơ chân lên. Bà bếp vội hét :
‘‘Ơ kìa,
không giành được thì phá bỉnh. Rõ là...’’.
Hắn hùng
hổ :
‘‘Thì
sao, ông cứ đạp cho mà nát bét’’.
Đang
cuống cuồng sợ quả núi sắp đè mình bẹp dí thì cô bé đã nhặt tôi lên, chạy tuốt
vào phòng, cài then cửa. Thế là bỗng nhiên, từ vũng ao bùn lầy tôi được sống
trong một căn phòng rộng rãi, có chiếc giường màu hồng, cái cửa màu xanh và,
cặp mắt nâu trong suốt của cô gái nhỏ.
Hai thằng anh thô lỗ rồi cũng bỏ qua con ốc dị kỳ. Chắc chẳng phải chúng quên
mà do cô bé là vật báu của gia đình. Khi cô ra đời, cha mẹ dọn về căn nhà này,
mở quán ốc. Sự thịnh vượng và chiều cao ngôi nhà đã tăng theo tuổi đời của đứa
con út. Ngay buổi tối đầu tiên, tôi nghe bà chủ phục phịch đi vào phòng cô bé
lúc tiệm đóng cửa. Bà thốt ra những câu nựng con thật dẻo thật ngọt. Sau đó, bà
đứng từ lầu cao ngó xuống các tầng dưới, cất giọng réo tên người này người kia,
thúc giục.
Cô
nhỏ ngại tôi buồn - sau này tôi khám phá ra cô sợ điều đó là do đồng bệnh tương
lân - nên dỗ :
‘‘Ở đây
chơi. Đừng buồn nghe’’.
Tôi muốn
trả lời, đã thoát chết nhờ cô, làm sao tôi có thể. Hơn nữa, dù không bị người
ta bắt về đây thì ở bờ ao kia tôi vẫn chẳng có bạn. Hoàn toàn cô đơn. Hai chấm
xanh biếc và mảnh son đỏ lệch lạc đã khiến tôi bị đồng chủng xem là loài ngoại
tộc.
Tôi sẽ
không bỏ căn phòng này nhưng cũng muốn được ra ngoài, khám phá xem con người ra
sao. Cũng may, khi hai thằng anh chẳng còn nhắc đến con ốc quỷ, cô bé bắt đầu
tha cái hộp thiếc theo mình, xuống lầu, vào bếp, ra sân. Chẳng bao lâu, tôi đã
thấy thiên hạ chung quanh rất phức tạp, thật khác loài ốc. Tôi muốn biết có bao
nhiêu người tử tế như bà bếp và cô bé, bao nhiêu người đem đến cho kẻ khác cảm
giác bị đe dọa, bị tổn thương như cô gái phụ bếp, bà chủ và hai cậu con quý nhà
này. À, còn loại thứ ba, có lẽ tâm địa không hẳn xấu nhưng cũng chưa chắc tốt
bụng. Tóm lại, đó là một con người mà tôi khó lòng hiểu nổi, vì ông ấy ít nói
thẳng ra điều mình nghĩ hay chăng. Với vợ, ông luôn gật đầu. Với nhân viên giúp
việc trong tiệm ăn thì hay bậm miệng lầm bầm hoặc giơ tay khoát khoát xua xua,
khiến bọn họ chẳng hiểu rõ ông ta muốn gì. Nên cuối cùng đồng lòng diễn giải các
cử chỉ ấy của ông chủ bằng một câu ngắn gọn : ‘‘Hãy để tao yên !’’.
Ngoài gia
đình chủ nhân và mấy người làm công cho hiệu ăn, còn có các thực khách mà ai
trong nhà cũng than phiền. Hai anh bồi bàn kêu ca họ gọi rồi lại đòi đổi món,
chê nóng chê nguội, thêm thứ này bỏ thứ kia. Vào thời điểm đông khách trong
ngày, bà chủ đứng ngồi không yên. Bọc vải cột quanh lưng đựng các tờ bạc lớn,
mớ tiền lẻ cầm trong tay, bà chạy tới chạy lui thu tiền thối tiền, nhưng mắt
đảo liên tục. Chúng xoay từ nhân viên đến thực khách rồi cau lại. Đám này nhiều
con nít nên gọi ít thức ăn, đám nọ toàn dân nhậu nên tuy bán được nhiều bia
nhiều bọt nhưng họ ngồi lâu quá, ăn nói hò hét om sòm, khiến có khách dợm bước
vào lại bỏ đi. Chị quét dọn làu nhàu không ai chịu bỏ rác vào giỏ, sàn nhà nhơ
nhớp và khăn giấy vứt bừa quấn cả vào chân vào dép, chị dẹp chẳng kịp. Chỉ có
ông chủ vẫn giữ nét mặt phẳng lặng. Ông bình thản chắp tay sau lưng, đứng ở
thềm cửa, ngước mắt lên búi dây điện khổng lồ chằng chịt giăng ngang con đường,
rồi cúi xuống bầy xe máy chiếm hết vỉa hè. Anh thanh niên giữ xe gầy tong, loay
hoay dựng xe, kéo xe, bấm số. Người ta đưa anh từ dưới quê lên, làm nhiều ăn
ít, đúng tiêu chuẩn của bà chủ. Ông chồng cũng ít ăn nhưng không phải vì bị vợ
canh chừng mà do thường chán ngấy mỗi khi ngồi trước bàn cơm. Mùi thức ăn nồng
nả suốt 24 giờ trong nhà khiến ông lúc nào cũng thấy đầy hơi. Ông chỉ thích dậy
sớm, mở cửa, ra đứng dưới bầu trời còn âm ẩm sương đêm.
Một sáng
kia tôi đã bò đến gần ông ta. Tất cả nhờ cô bé đã để quên chiếc hộp thiếc ở
cạnh cửa ra vào tối hôm trước, và cô cũng bỏ miếng lưới cho tôi dễ thở. Nằm đó,
sát bàn chân ông chủ đặt thật yên trên chiếc dép nhựa, tôi lặng lẽ hít thở. Đã
lâu rồi, từ ngày bị xúc khỏi ao, tôi mới được ngửi thấy hương buổi sáng, của thứ
không khí thơm cây thơm lá. Chỉ còn thiếu chút mùi bùn là tôi được trở về quê
hương. Lúc đó, nghĩ tới đồng loại tôi càng thấy trời thực chiếu cố mình, bọn
chúng đã không được ngắm nhìn quang cảnh cuộc đời bao la, khác lạ thế này. Biết
ơn bà bếp, nhất là không muốn phụ lòng cô chủ nhỏ nên dù muốn bò đi xa hơn, tôi
đã ngoan ngoãn trở về nằm im trong chiếc hộp. Vui mừng thấy tôi vẫn yên lành,
không sự cố gì nên từ đấy nhiều lần cô bé mạnh dạn đem tôi đi chơi đó đây,
quanh ngôi nhà mà về sau tôi biết nó bề thế hơn nhiều căn khác trên cùng con
phố. Đấy là nhờ tiệm ốc ăn nên làm ra, chính những người thường xuyên vào hiệu
đã khen thế. Chắc để đáp lại cái cười rộng rãi của bà chủ đang đứng cạnh, đẩy
đưa khuyến mãi một món ốc mới, đặc sản có một không hai.
Cũng từ đám
thực khách thích ăn nhậu, ồn ả nói năng, tôi đã học được ngôn ngữ con người.
Tuy nhiên vẫn còn lắm chữ mà tận dụng cả trí thông minh, khả năng nắm bắt, suy
luận ngoại hạng của mình tôi vẫn chẳng hiểu rõ. Buổi trưa vắng khách nọ, bốn
người lạ từ xa đến ăn lần đầu. Mới bước vào, một người bảo :
‘‘Ăn thử,
xem tiếng đồn có ngoa’’.
Ông đi
sau, đầu hói vai rộng, đảo mắt một vòng, ngừng lại trên ông chủ đang gà gật sau
quầy và một bàn khác khá xa có cặp vợ chồng cùng đứa con nhỏ đang chu miệng hút
ốc len. Rồi ông ta xoay lại, gật nhẹ đầu với ba người theo sau, ra chiều đồng
ý. Tôi đang bận lấp ló xúc tu, dọ dẫm đĩa trái cây bày ở ban thờ thần tài dưới
chân quầy, vẫn nghe ra giọng nói nhỏ và trầm của ông ta với người phụ nữ son
phấn, tay xách chiếc cặp :
‘‘Làm việc
luôn chỗ này được đấy, cho nó nhanh’’.
Thật ngạc
nhiên, tôi chưa từng thấy khách nào đến tiệm ăn này lại nói năng nhỏ to thận
trọng kiểu đó.
Họ gọi
nhiều món và một chai rượu óng ánh vàng mà bà chủ trưng trong tủ kính có khóa.
Bà tự tay rót rượu, lởn vởn quanh bàn định gợi chuyện lấy lòng đám khách xộp,
nhưng họ ra dấu bảo không cần mời mọc. Bà chủ thất vọng, bỏ đi vào bếp. Bốn
người ăn và uống hết chai rượu rất nhanh, xong gọi ngay anh bồi dọn bàn. Tôi
chắc họ sẽ trả tiền rồi ra khỏi tiệm, nhưng người đàn bà đã mở cặp lôi hai
phong bì lớn đưa cho ông hói đầu. Ông ta rút từ đó mấy xấp giấy in đầy chữ, đẩy
tới trước mặt hai người đàn ông còn lại.
‘‘Đây,
các cậu cầm về, chế biến cho cẩn thận. Nhớ đấy. Được, tha hồ ung dung. Hỏng, đi
đong’’.
Một trong
hai cậu kia cầm lên, liếc sơ rồi bỏ vào bao thư. Gã còn lại hỏi :
‘‘Đủ hết
thông tin trong đó chớ anh hai ?’’.
Không đợi
xác nhận, gã cười, nheo mắt :
‘‘Anh hai
đừng lo, sẽ chế biến hoàn hảo, đó là nghề của em’’.
Bọn họ đã
ra khỏi hiệu ăn, anh hầu bàn thu dọn mớ chén đĩa trên bàn, lẩm bẩm :
‘‘Chế với
biến cái gì mà ghê thế !’’.
Ông
chủ nãy giờ thiu thiu, bất chợt ngửng đầu nhưng mắt chỉ hé một bên, dửng dưng
cất cái giọng khào khào vốn dĩ, đánh một câu trống không :
‘‘Làm
giấy giả. Khai lậu thuế’’.
Xong, lại
thản nhiên gục đầu xuống mặt quầy, thể như mình đã nói mơ. Lậu thuế và chế
biến, tôi mới nghe lần đầu, thật tối nghĩa.
Chẳng bao
lâu sau, thêm một chữ khác cũng khó hiểu không kém. Đó là hôm ông già giao hàng
khuân vào bếp một thùng đựng nhiều chai nhựa không dán nhãn, chứa một chất lỏng
màu vàng nhờ nhợ. Lúc sau, bà bếp trút chất ấy vào chảo để xào nấu, vừa làm vừa
lắc đầu. Tới bữa cơm cho các người giúp việc trong tiệm, cô gái chanh chua bỗng
liếc sang bà bếp ngồi cạnh.
‘‘Này,
sao bác không ăn đồ xào’’.
Bà bếp
lặng thinh. Cô ta chõ mặt sát lại :
‘‘Hôm nay
cháu bắt gặp rồi nhé. Nấu cho khách thì kệ, chứ cho bọn này thì chủ nhật bác
phải đi xưng tội. Không nghe trên đài người ta nói gì à, nó chứa cả dầu cặn dầu
xe đấy’’.
Có lẽ
không thể im lặng hơn nữa trước sự tấn công của cô gái, bà bếp đáp nhỏ :
‘‘Im đi,
bà chủ nghe thấy thì... có mà ra khỏi cửa tức thì, đừng hòng đợi đến lúc lĩnh
tiền thưởng Tết. Bà chủ bắt từ nay chỉ lấy dầu mới xào nấu cho gia đình, còn
tất tần tật phải dùng …’’.
Chưa nghe
xong, cô gái lắm lời đã đứng vụt đậy,
‘‘Từ giờ
bác cứ luộc rau cho cháu. Ăn cái thứ tái chế này có mà chết sớm !’’.
Anh hầu
bàn bấy giờ góp tiếng :
‘‘Hôm nọ
cũng vậy, trộn mấy món còn dư rồi quảng cáo là món mới tinh nguyên. Đặc sản gì
! toàn tái chế đấy’’.
Bà bếp
lại vội gạt :
‘‘Cái
thằng này, nhỏ miệng đi cho tao nhờ’’.
Rồi để
đẩy sang chuyện khác, bà hướng về anh chàng giữ xe :
‘‘Đến bao giờ mày mới hết khẩy mấy con ốc bỏ ra ngoài ? Ăn ốc thì có làm sao
!’’
Cô phụ
bếp lau chau :
‘‘Thứ gì ăn mãi chả chán. Mà quả thật, thằng nhỏ này sao kỵ ốc thế ? Có việc gì
kể nghe xem’’.
Anh thanh
niên nãy giờ ngồi im, đành cất tiếng trả lời hai người đàn bà :
‘‘Thì tại… cha tui kể hồi ông nội tui cải tạo về, ổng nói mình sống sót nhờ lúc
nạo bùn ở công trường lượm ốc ma mà ăn. Nhưng ông chú tôi ở trại khác thì chết
không kịp ngáp, ăn trúng ốc độc khi lao động chặt cây trên núi. Cứ thấy mấy con
này là tui nghĩ tới hai ổng. Phát ớn’’.
Bà bếp
thở dài :
‘‘Vậy hồi ông cháu bị cải tạo thì bố cháu mấy tuổi, ở nhà thế nào?’’.
Anh ta
đáp gọn :
‘‘Vẫn sống’’.
Mọi người
im lặng. Cô phụ bếp ngẫm nghĩ một chút, rồi hỏi :
‘‘Mà này, chế biến với cải tạo, khác thế nào nhỉ ? ’’.
Ông chủ
từ nhà trên đi vào bếp lúc nào chẳng ai hay - ông ta có những bước chân y hệt
con mèo nhà hàng xóm hay sang đây bắt chuột - đột nhiên cất tiếng :
‘‘Chế biến là làm ra cái gì khác. Cải tạo là biến đổi thành cái tốt hơn’’.
Nói xong,
ông lặng lẽ quay người bước lên cầu thang như chẳng có ai. Anh giữ xe chau mắt
nhìn theo, vừa lắc đầu vừa nói, dằn từng tiếng :
‘‘13 tuổi, cha tui phải theo ghe xúc trộm cát trên sông, thay cha kiếm tiền
nuôi mẹ và em’’.
Nghe xong
các đối đáp của họ tôi nghĩ, chắc chắn tái chế là một hành động tệ hại, ảnh
hưởng tới sống chết của con người. Riêng chế biến, có lẽ không hẳn một điều
xấu, ông hói đầu chẳng từng bảo biến chế giỏi sẽ tha hồ sung sướng đấy ư.
Chỉ cải tạo là khiến tôi phân vân nhiều nhất. Nếu để trở thành cái tốt hơn như
lời ông chủ, vây sao anh chàng giữ xe vốn nhút nhát lại to tiếng bất thường.
***
Thời gian
gần đây tôi bắt đầu bồn chồn, buồn bã, tuy vẫn được tự do ra khỏi hộp, đến gần
ông chủ, nằm đó rung rinh hai ngoe râu. Không gian đường xá giữa ngày rối mù
người và xe, inh ỏi. Ồn hơn cả gian phòng ăn đầy thực khách. Ngắm mãi cũng chán,
nhưng phải đợi cô chủ đi học về mới được lên phòng. Thực ra, trong khi chờ đợi
tôi có thể bò vào thăm bà bếp. Tuy phải loay hoay tất bật nhưng thỉnh thoảng bà
cũng cúi xuống vất cho tôi một chiếc lá dâu non. Bà lo cho tôi cái ăn cái uống,
thật tử tế. Nhưng tôi thường tránh xa nơi đó. Bởi như đã nói, những vỏ ốc va
chạm cạch cạch vào nhau làm cả thân tôi tê liệt. Càng không kham nổi âm thanh
xèo xèo reo vui của chảo dầu đựng đầy ốc băm cùng hành tỏi. Chưa nói tới mùi
nồng mà người trong nhà cũng như đám khách nức nở khen thơm, từ đấy bốc lên.
Một thứ mùi đau đớn.
Đừng nghĩ
rằng được sống yên lành trong căn phòng tươi tắn là tôi an tâm tận hưởng số
phận may mắn của mình. Trong đêm khuya, có lúc tôi chuồn ra, đến cạnh giường
nhìn cô bé dụi cái mũi xinh xắn vào gối. Ngắm cô nói mớ, lòng tôi chùng xuống
chút gì. Tuy thế, hình ảnh thân thể ốc tênh hênh, cong cứng sau khi đã bị trần
trong nước sôi và lể ra khỏi vỏ, vứt vào trong tô hay đổ lên thớt lại chập chờn
hiện ra, luôn khiến tôi ghê sợ, thắt lòng. Chúng nằm đấy, thông thống, đợi
những nhát dao. Để tránh ám ảnh, tôi cố dồn tâm trí quay về với bờ nước dập
dềnh bèo. Với tiếng thầm thì kể chuyện của bọn ốc giữa đêm trăng. Tiếng mấy chú
ếch con tưng tửng đuổi nhau qua đám lá. Và cả tiếng đập cánh nhẹ hơn hơi thở
của các chị chuồn chuồn lẳng lơ vừa rời khỏi búp sen. Không chỉ bóng đêm, quê
hương tôi còn có nắng. Nắng sáng rỡ trên những lá tre, làm rực thêm cặp cánh đỏ
cam của chú chim chào mào. Thứ nắng trong lành, không gay gắt và đầy vẩn bụi
trước tiệm ăn.
Hơn nữa,
không gian trong căn nhà bốn tầng này thật ngột ngạt. Hẹp bề ngang, sâu chiều
dài. Ở giữa tuy có cái giếng trời cho chút không khí, nhưng mấy khung cửa quanh
nó cũng như những cái mở ra mặt tiền đều bị ngăn chắn bằng các song sắt ngang
dọc, để phòng trộm cắp, như một nhà tù. Ánh nắng chỉ lướt qua, một vạt hiếm
hoi, trên đầu khoảnh không sâu hút ấy.
May thay
một ngày, tôi đã có cơ hội ra khỏi không gian bưng bít đó. Thú thực, chẳng phải
do chủ ý bỏ đi, mà là vô tình cộng thêm chút tò mò nên tôi đã bò lên sườn chiếc
xe đạp dựng trước cửa một sáng mai. Anh chàng giữ xe bị phái đi mua điểm tâm
cho hai cậu chủ. Đường sớm tinh mơ còn vắng, anh đạp băng băng, gió lồng lộng
thổi, tôi thụt hai râu vào vỏ, co ro. Hết khu nhà cửa bán buôn san sát ấy là
đến một công viên với mấy con đường rộng. Hai bên có nhiều cây to vươn lên cao
vọi. Tôi ngửng cả đầu để cố nhìn tới ngọn của chúng, nhưng quá chóng mặt. Cũng
may, anh ấy đã ngừng lại ở một góc đường, có mấy người đứng đợi cạnh xe bánh mì
hay xúm quanh một gánh xôi. Tôi bò lên cao hơn, ngó qua công viên. Trong khoảnh
khắc, trước mắt đã là một thế giới khác. Trời chưa sáng tỏ nhưng đủ cho tôi
chiêm ngưỡng những màu sắc dịu dàng tươi thắm của cây lá, cỏ hoa. Hình ảnh nào
cũng làm hồn tôi rưng rưng, ngay cả gốc cây già trước mặt với những mảnh vỏ xám
bạc sần lên từng mảng, như thể chúng sắp bong ra và tung bay với gió. Khi anh
gác xe quành trở về, tôi thoáng thấy một người đàn ông đầu đội mũ vải, đang cài
mấy nhánh hoa cúc vàng rực lên một thân cây ở góc công viên. Dưới chân chú ấy,
vài manh giấy màu óng ánh.
***
Từ lần
đó, trong đầu tôi manh nha một cuộc hành trình, nhưng còn lưỡng lự. Mỗi lần
nghĩ tới cô chủ nhỏ tôi thực sự e ngại không biết cô sẽ ra sao nếu không còn
thấy con ốc mặt người trong hộp thiếc. Làm sao quên những lời nhỏ nhẹ cô thường
nói :
‘‘Ở đây
nhé, đừng đi đâu. Có buồn thì cùng buồn với nhau’’.
Hóa ra cô
rất nhạy cảm, đã cảm nhận ra ước mơ của một sinh vật bé mọn không lời. Nhưng cố
cưỡng thì ý muốn khám phá phiêu lưu càng đè nặng. Và rồi, cũng vào một ngày
trời vừa hé sáng tôi lại leo lên càng chiếc xe đạp, tìm đến công viên với góc
đường có người đàn ông cắm hoa lên thân cây già. Trong lúc anh giữ xe đợi mua
bánh mì tôi vội vàng bò xuống đất, quyết ở lại đây.
Chẳng ngờ tôi đã được sống những ngày chớm xuân dịu dàng nhất của thành phố
này. Gió bắc có lốc lên từng cơn, bứt đi bao nhiêu cánh hoa mua nở sớm thì cây
lá vẫn phơi phới, lung linh. Tôi nằm yên trên cái rễ cây sần sùi cằn cỗi, đã
bung khỏi lớp xi-măng tráng vỉa hè. Nó có mùi thơm âm ẩm của đất, rất gần với
mùi quê nhà râm rỉ trong tôi.
Bà cụ đã
bầy xong mấy mủng xôi, lá chuối, muối mè, đường cát…. Cụ ngó bâng quơ lên hàng
cây vỏ bạc rồi quay sang vợ chồng anh bánh mì :
‘‘Này,
nghe nói, họ sẽ mở rộng vườn hoa, đốn cả mấy cây xà cừ. Sẽ có vòi phun. Hồ nước
thì gắn đèn màu hiện đại’’.
Chị vợ
bánh mì xì một cái :
‘‘Hiện
đại gì ! Cây trồng mấy chục năm trời tàn lá hoành tráng như vầy, bứng đi mùa hè
nắng chang chang, chịu sao thấu’’.
Người
chồng đang thái giò chả và hành ngò góp thêm :
‘‘Thì
phải bầy ra làm, mới có cái bỏ vào túi.’’
Cụ bán
xôi chép miệng :
‘‘Chú
lính lại hết chỗ cắm hoa.’’
Cụ vừa
nhắc thì chú ấy tới bên kia đường, trên chiếc xe gắn máy cũ kỹ, tay lái lủng
lẳng mấy cành cẩm chướng trắng. Chú giơ tay vẫy chào như chào ba người hàng xóm
lâu ngày, rồi dựng xe dưới gốc xà cừ. Cụ xôi nhìn người đàn ông gỡ mấy chiếc
máy bay, tàu thủy, ngôi sao bằng giấy màu đang lủng lẳng trên sợi kẽm buộc
quanh thân cây, nói với :
‘‘Xếp mấy
cái đó treo lên cũng đủ vui mắt con bé. Mua hoa làm gì cho tốn kém. Hôm qua rửa
được mấy cái xe hơi ?’’.
Người đàn
ông quay lại, gương mặt sạm trũng má sâu, nhưng hai con mắt chơm chớp hiền
hiền. Chú ngưng tay, ngóng sang, đáp một tràng :
‘‘Bác
không biết đâu, con đường nát bấy bom đạn vậy mà vẫn còn hoa. Dâm bụt, sò đo và
cả hoa sim. Lúc thấy vai mình thấm máu, đặt con bé xuống, cặp môi nứt nẻ còn hé
mở. Nó trúng đạn, cháu không nghe nó kêu. Hay là chưa kịp. Vậy mà tay vẫn cầm
cành sim. Bông trắng bông hồng và tím, cháu đã hái cho nó cạnh bờ đồi, trước
khi hai bên đụng độ’’.
Bà cụ
chắc miệng, nói một mình :
‘‘Lần nào
đụng đến cũng kể bấy nhiêu thứ’’
rồi than
với chị bánh mì :
‘‘Nhặt
được con bé lạc cha mẹ, cõng nó theo trên đường rút quân thì nhớ dai thế ! Vậy
mà con gái của mình lại quên bẵng. Rõ thật !’’.
Chị kia
phản đối :
‘‘Hổng
nhớ có lần ổng ghim tấm hình đứa con vô cây bằng lăng à. Mà con nhỏ dễ thương thiệt
nghen’’.
‘‘Ừ, thế
thật’’.
‘‘Hồi
nẵm, ổng còn kể cha mẹ vợ con vượt biên, mất tích cả nhà đó chớ ! Thôi, quên
được bao nhiêu, bớt khổ bấy nhiêu’’.
‘‘Này,
hôm nào chị lại đưa cháu gái đến đây cho chú ấy vui’’.
‘‘Cha mẹ
ơi, tới đây ! Lỡ nó chạy ra đường ai bắt kịp, nó quậy hết làm ăn luôn’’.
‘‘Lo gì,
chú ấy trông chừng cho’’.
‘‘Thôi
đi. Nhè con nít mà nói toàn chuyện hành quân, súng đạn đùng đùng’’.
‘‘Thì …
cũng có lúc chú kể chuyện đời xưa cho con chị đấy chứ, chẳng nhớ nó khen hay
lắm ư’’.
Hai người
đàn bà nói qua nói lại nhiều câu rất nhanh, tôi chẳng thể hiểu hết, ngoài một
điều là các cô gái nhỏ thích nghe chuyện đời xưa. Chú kia tiếp tục tháo bỏ các
đồ chơi bằng giấy, rồi cắm mấy cành hoa trắng vào một rãnh nứt trên cây. Xong,
chú băng qua đường, cầm lấy túi ni-lông của anh bánh mì đã gói sẵn, quay lại
dưới gốc xà cừ của mình, ngồi xuống. Túi bánh đặt yên trên mặt đất. Không ăn,
không nói gì nữa. Hình như chú ta cũng đã quên mất ba người hàng xóm khu công
viên. Tôi tự bảo, đây lại là một con người ít ăn ít nói giống y ông chủ, lầm lì
hiếm có.
Trong
những ngày dài sống lẫn lộn với loài người, tôi đã nhận ra họ rất năng động, ồn
ào, hiếu thắng. Ra ngoài đường họ chạy xe bóp còi liên tục, tranh nhau, chèn
nhau. Chỉ để tiến hơn xe bên cạnh nửa cái bánh, hay xẹt ngay vào lề trước mũi
người kia. Ở trong nhà, ai cũng lăng xăng, dường như lúc nào cũng có cái gì để
lo toan, tính toán. Ngay cả cô bé của tôi, lúc cô đi học chẳng biết ra sao,
nhưng ở nhà dù kêu buồn cô cũng ít ngồi yên. Vẽ, đọc, viết, tháo cái này, dán
cái kia lên giấy lên tường, chạy xuống bếp, lên sân thượng. Tuy nhiên, cũng có
nhiều lúc cô ngồi thừ trên giường, hai chân xếp bằng, nét mặt tư lự. Ngó theo
ánh mắt, tôi thấy cô đang nhìn sững vào đốm đèn hắt ra từ căn phòng bà mẹ, rọi
lên bức tường chỉ có những vệt mưa ố của cái giếng trời. Bà chủ thường than
phải ghi chép, làm giấy tờ và nhất là kiểm tiền lâu la. Một lần quảng cáo trên
tivi chiếu cảnh người mẹ to nhỏ kể chuyện cho con, cô bé đang ngồi xem thấy bố
mình đi ngang, bật gọi :
‘‘Bố biết
chuyện cổ tích không bố, kể cho con nghe.’’
Ông bố
dừng một giây, liếc mắt vào màn ảnh, xong vừa tiếp tục bước vừa buông một câu,
vẫn cái giọng lặng lờ :
‘‘Kêu mẹ
mày ấy, đàn ông không làm việc đó’’.
Cô bé xịu
mặt, lẩm bẩm :
‘‘Thế thì
bố biết làm chuyện gì. Mẹ còn bận đếm tiền’’.
Có những
đêm khuya, cô đứng dậy mở cửa lần xuống cầu thang, rồi lững thững ra tới gian
ngoài, đụng trán vào cửa sắt khóa kín. Bà bếp từng bảo :
‘‘Khiếp
thật, nhắm mắt mà bước cầu thang. Nguy hiểm quá. Là tôi ấy à, tôi sẽ cho nó ở
một căn nhà không có cầu thang, một nơi yên ả khác. Có bạn cùng tuổi tới chơi,
có vườn cây, gần bãi biển để nô đùa’’.
Nhớ đến
lời nói ấy của bà bếp vào lúc đang thảnh thơi giữa không gian rộng mở, đón lấy
hương của đất của cây, của khí trời nhẹ bẫng, trong tôi bỗng nảy sinh ý muốn
tìm cách đem được cô bé của mình đến vườn hoa này. Chẳng phải ngồi trên yên xe
để chạy lướt qua công viên, mà cô sẽ nhảy lưng tưng trên lối đi trải sỏi, giữa
các bụi chiều tím, tuyết sơn. Rồi đến ngồi trên băng ghế kia, ngắm những cánh
én chao vòng bầu trời còn vương chút đêm xanh. Cô sẽ quên ngay không gian bưng
bít của căn nhà bốn tầng luôn luôn thiếu ánh sáng. Chỉ cần ngửng mắt, ngó theo
những thân sao thẳng tắp hay các nhánh me cành bàng trước mặt, là bắt gặp ngay
màu nắng ban mai. Và biết đâu chừng, khi nhìn thấy cô chủ nhỏ của tôi, khuôn
mặt sáng trong ấy sẽ khiến chú lính quên đi vết thương, mất mát. Rõ ràng tôi
vốn là sinh vật mơ mộng quá thể, nên tin rằng người đàn ông biết kể chuyện đời
xưa kia sẽ kể cho chúng tôi nghe các câu chuyện nên thơ và nhân nghĩa, thay vì
khói lửa chiến tranh.
Vui mừng,
hãnh diện với ý tưởng tuyệt vời của mình, tôi vội vàng rời cái rễ cây, bò ngược
con đường. Chẳng ngờ đường về dài hơn thế kỷ. Xe đạp chạy cái vèo từ tiệm ăn
đến đây, nhưng còn tôi, tuy không rõ mất bao nhiêu thời gian nhưng đã đếm được
mười mấy lần đêm xuống. Một hành trình cực nhọc, dù biết trước phải kiên nhẫn,
chịu khó. May là không nản chí, vượt qua được các chướng ngại đói khát nguy
hiểm đến từ bánh xe, guốc giầy, nhát chổi ... Chúng có thể vụt một cái đè nát,
hay hất tôi thẳng vào miệng cống.
***
Chẳng ngờ
nỗi vui đi theo suốt chặng đường dài đã bị đập vỡ lúc tôi về tới trước tiệm ăn.
Hai cô gái đèo nhau trên xe máy, chợt ngừng ngay đó. Cô váy ngắn bước xuống,
ngước lên tấm bảng hiệu, nói to:
‘‘Ê, tiệm
này không có tên, chỉ mỗi câu ‘‘Chuyên Chế Biến Họ Hàng Nhà Ốc’’ mày ạ’’.
Cô kia
vừa dựng xe vừa đáp :
‘‘Ghê há,
cả một giòng họ người ta’’.
Cô nọ
dửng dưng :
‘‘Gì mà
ghê ! Chuyên nghiệp thế này, chắc nhiều món ngon. Tao khoái ăn ốc, nhưng phải
ngon mới được’’.
Tôi đang
hớn hở leo qua thềm cửa bỗng thấy khó thở, không bám nổi bực gạch nên rơi bịch
xuống vỉa hè. Ừ thì, tôi từng thấy từ bao lâu nay số phận của đồng loại. Dù ốc
núi, ốc biển, bươu vàng, vòi voi, ốc hương, ốc đắng, ốc lát, ốc gai… cuối
cùng cũng bị trộn lẫn với gia vị, với lá này rau nọ. Vậy mà bây giờ mới rõ tại
sao con người luôn tìm cách chế biến, và thế nào là kết quả. Những trao đổi
giữa bốn người khách đem theo giấy tờ đến tiệm ăn bàn bạc hôm gì lại hiện ra.
Mỗi phạm trù một kiểu biến chế.
Với khả
năng suy ngẫm của loài bé mọn tôi nghĩ, dù sau khi bị xào nấu chung với các thứ
khác đồng chủng của mình mất cả cái giá trị tự thân, nhưng chúng đã hi sinh để
cống hiến cho con người một trong những cái thú mà họ mê mẩn cả đời. Cứ nhìn
đi, chưa nuốt xong họ đã hể hả khen thơm, bùi, giòn, ngọt đấy thôi. Chứ còn
giữa họ, sao tôi thấy con người rất thích chê bai, công kích, kết tội, thậm chí
hành hạ nhau tới chết rồi vẫn còn tiếp tục nguyền rủa. Trước khi tôi rời công
viên, một chị bán kẹo tơ hồng ghé tới, chưa kịp đặt thùng kẹo xuống đất đã hào
hển kể. Một vụ đụng xe mới xảy ra bên kia ngã tư, chỉ nhỏ thôi, vài vết trầy
xước, nhưng hai bên đã xúm lại chửi bới, rồi một bên hùng hổ gọi người nhà cầm
gậy đến phạng người kia bất tỉnh. Cụ xôi than thở :
‘‘Ngày
xưa đâu có thế. Chẳng chóng thì chầy, người sẽ biến thành thú. Hở ra là đâm
chém. Sao cùng là người lại hại nhau’’.
Lời cụ
xôi khiến tôi nhớ mới sáng hôm nọ, bà chủ đã chỉ vào con ốc vòi voi trăm tuổi
khổng lồ đang nằm bẹp trên sàn nước, lớn tiếng đe cô phụ bếp :
‘‘Liệu
hồn, phải giữ nó sống đến chiều. Công trình lắm mới kiếm ra cho chủ tịch tỉnh
đãi tiệc đấy. Ăn sống mà không tươi, xảy ra chuyện gì thì có mà đóng cửa tiệm
!’’
Biết cụ
ốc chưa bị đem ra xử lý ngay, tôi nén lo buồn leo lên cái vòi dài thượt, hiếu
kỳ hỏi :
‘‘Sao cụ
oai phong bệ vệ thế lại để bị bắt về đây, cụ ở nơi nào ?’’
Cụ uể oải
:
‘‘Trong
hang cát, sâu dưới biển. Mấy đứa nhỏ như mi làm sao hiểu được to lớn đến đâu
cũng có lúc phải đầu hàng trước dã tâm’’
‘‘Biển
đẹp lắm hả cụ ?’’
‘‘Nơi nào
mình sinh ra, lớn lên cùng anh em đồng loại mà chả đẹp. Mi không thấy ư, đi đâu
rồi cũng có lúc muốn trở về, chỉ sống ở quê hương là sướng nhất.’’
Tôi nghĩ
bụng, cụ vòi voi cổ đại này xem chừng còn lãng mạn hơn mình. Lũ ốc ruộng chúng
tôi có thương ao nhớ bùn thật, nhưng bảo sống ở đấy sung sướng thì chỉ đúng khi
nơi đó còn thanh bình, an lặng. Chứ sau này, lúc phải thấp thỏm lo sợ chẳng
biết bao giờ người ta sẽ đến, đổ ập gạch đất, lấp ao lấp hồ để xây khu nghỉ
dưỡng cao cấp, dinh thự cho quan này ngài nọ, thì lấy gì sướng. Bao thân phận
nhỏ nhoi đã chết vùi dưới xi- măng và cát sỏi. Không chỉ họ hàng nhà ốc bất
lực, mà những con người bao năm sinh sống, trồng trọt, lao động kiếm ăn nơi ấy
giờ đã phải dỡ nhà dỡ cửa ra đi. Đúng thế, con người thật lạ lùng, chính họ làm
khổ nhau.
***
Cuối cùng cô bé đã tan học về và nhặt tôi lên. Nằm trong lòng bàn tay mềm nhỏ
ấy, tôi co thân nghe cô giận hờn trách cứ. Chẳng biết làm sao nói cho cô hiểu
ước muốn của mình, tôi chỉ biết ngọ ngoạy cặp xúc tu và chờ đợi. Đợi cơ hội lôi
kéo được cô làm một chuyến đi. Vẫn biết đối với con người, quãng đường từ tiệm
ăn đến vườn hoa chỉ phóng xe cái vù là đến. Nhưng còn tôi, đó là cả một hành
trình. Không, chẳng đại ngôn, quan trọng hóa lắm đâu. Hơn nữa, vấn đề không
phải đi đến một nơi, mà nơi ấy là gì đối với ta, ta đi đến đó để tìm gì.
Những ngày ấy, tính toán mọi phương kế từ sáng sớm đến đêm khuya cũng chẳng
xong. Chỉ với hai cái đinh râu ngắn ngủn, vụng về này làm thế nào bày tỏ. Nói
còn chẳng ra tiếng thì phủ dụ được ai. Bồn chồn bao nhiêu, thấy mình bất lực
bấy nhiêu. Trong tuyệt vọng, càng nhớ cụ bán xôi với cái mủng lớn chia khoang.
Mỗi ngăn xôi là một mảng màu tươi vui, bắt mắt. Tím của lá cẩm, xanh non lá
dứa, đỏ cam của gấc, đen mọng nếp than, vàng mịn màu đậu… Tôi đã thấy hai vợ
chồng người ngoại quốc đi ngang công viên ngừng lại chiêm ngưỡng, và cụ mời họ
nếm thử mỗi thứ một chút. Đấy là chưa kể các mùi thơm của chúng tỏa ra mỗi lần
cụ giở tấm ni-lông và lá chuối che bụi. Khứu giác tôi ngây ngất, thật dịu thật
ngọt, chúng hòa nhập với hương cây cỏ của vườn hoa. Tôi cũng ước được nghe chú
lính kể chuyện đời xưa để biết chúng hấp dẫn ra sao. Nỗi nhớ dềnh lên, ám ảnh.
Chẳng ngờ tối hôm qua, bỗng nhiên cô bé nói :
‘‘Cô giáo
bảo mỗi học trò phải đem đến nhiều loại lá khác nhau, để khảo sát’’.
Bà mẹ
sựng mặt :
‘‘Khảo
sát, khảo sát cái gì ? Chỉ bày vẽ’’.
Nhưng bà
cũng chỉ thị cho anh giữ xe sáng sớm ngày sau đèo cô chủ ra công viên hái lá.
Nhưng anh ta nhắc, đã xin nghỉ phép về quê thăm mẹ. Chị phụ bếp đành nhận công
việc đi bộ theo cô. Tôi biết ngay đó là cơ hội hãn hữu, phải tìm cách để cô bé
đừng quên mình. Cuối cùng tôi đã bò được lên tấm tranh ghép giấy. Cô đặt mấy
miếng hình nhỏ vào đó rồi đưa ngón tay quẹt vào râu tôi. Mừng quá, tôi vội thò
cả đầu ra, đáp lại cử chỉ ân cần thân thiết ấy. Thế là, tự nhiên cô bảo :
‘‘À sáng
mai, bé đưa ốc ra vườn hoa, ở đó có hồ nước, có rất nhiều cây cỏ, tha hồ ăn đổi
bữa.’’
Một điều
có thể chẳng ai tin nhưng đã xảy ra, đó là thần giao cách cảm giữa người và
vật. Nói đúng hơn, giữa tấm lòng này và tấm lòng kia. Chưa bao giờ niềm vui,
háo hức lại đầy ắp đến thế, nó khiến cả tấm thân mềm èo này căng lên, cứng
ngắc. Không ngủ được, tôi nằm im nghe từng hơi thở của cô chủ nhỏ. Trong bóng
tối của đêm, những màu sắc tươi tắn bay đầy căn phòng, chập chờn như những cánh
bướm chao lượn ở công viên.
Cô
bé đã thức dậy rất sớm, khi xuống nhà đánh răng rửa mặt cô không quên đem theo
cái hộp thiếc, đặt gần cửa tiệm đã mở. Tôi vội bò khỏi hộp, xuống bực thềm, đợi
sẵn trên vỉa hè. Con phố còn ướt chút sương đêm. Thứ sương mà hồi ở trong ao,
lũ ốc chúng tôi hao hức đợi chờ. Nó đem đến cái mát mẻ mịn màng của một mùa
xuân nữa sắp sang. Hồn tôi đang tràn đầy cảm giác êm dịu ấy.
Thế mà, vừa lúc tôi ngước nhìn tấm bảng hiệu ghi cái dòng bất nhẫn ‘‘Chuyên chế
biến họ hàng nhà ốc’’ thì tạch, tiếng động to vang lên. Nhìn ra, một giỏ ốc đã
rơi từ chiếc xe gắn máy chở hàng xuống mặt đường. Lũ ốc bưu rớt khỏi giỏ ngổn
ngang, con ngửa con úp, chồng chất lên nhau. Người lái xe lùi vào vỉa hè, vừa
càu nhàu chửi thề vừa cột lại hai giỏ khác còn nằm trên yên. Không đừng được,
vội vàng bò xuống lòng đường, tôi muốn đến gần bọn ốc đang đớn đau kêu. Cùng
lúc, có giọng cô bé hỏi tìm con ốc ở ngưỡng cửa tiệm ăn. Tôi đang dụ dự nên
quay vào hay tiến tới, thì
- Bẹp !
một tiếng
nữa kêu to sát bên. Lớn gấp bội tiếng rơi của giỏ ốc vừa rồi.
Tôi chỉ
kịp nhướng cái nhìn cuối cùng của mình về hướng cô chủ nhỏ, cầu xin hai đốm
xanh và vành son đỏ đã biến mất cùng cái vỏ bị nghiền nát dưới một bánh xe. Để
ánh mắt đang lo ngại tìm kiếm tôi đừng nhận ra. Để chút nữa đây, hoa nắng từ
các chùm lá xanh trên đầu ngọn cây sẽ rơi xuống, đậu lấp lánh lên các đồ chơi
bằng giấy màu của chú lính biết kể chuyện đời xưa. Và cô bé của tôi sẽ vui đùa
trong vườn hoa, như cây cỏ hồn nhiên giữa gió.
Mai Ninh
(cuối
tháng1- 2015)