27 August 2015

THỦ ĐÔ HELSINKI - Nguyễn Lê Hồng Hưng

Hồi nhỏ tôi đọc tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân, ông viết về phở rất tuyệt và tôi biết ăn phở từ sau khi đọc xong tùy bút của ông. Tuy nhiên tôi thích thú cảnh ông tả về Hen-xanh-ky, tức là Helsinki, thủ đô nước Phần Lan. Đoạn đầu ông viết : “Xứ Phần Lan rừng thông trùng trùng xanh ngắt, nước hồ biếc biếc, phụ nữ da trắng một màu tượng tuyết, gái trai quần áo len ngũ sắc người nào cũng như nai nịt sắp biểu diễn điền kinh. Mình thành ra lạc lõng vào một thế giới vật chất nó sạch sẽ quá, sạch đến cái mức tạo cho tôi một thứ nghi ngờ nơi đây là một ấn tượng giả tạo...”


Lần đầu tới Helsinki lòng tôi hân hoan rộn rã, tôi nghĩ mình đã tới một xứ sở huyền ảo ở giữa trần gian. Nhưng khi tới nơi thì hổng thấy ảo huyền gì hết. Helsinki là thủ đô của Phần Lan, đường phố náo nhiệt, người đông nhưng không ồn ào như nhiều thủ đô khác. Hệ thống xe điện ngầm, xe điện trên mặt đất và xe bus rất tân tiến. Thành phố sạch sẽ vừa cổ kính vừa hiện đại, là một nơi ngh dưỡng rất lý tưởng. Người Phần Lan sống rất văn minh, rất nhân bản và rất dễ gần gũi. Có thể lúc nhà văn tới Helsinki chưa có Sân vận động Olympic, các loại xe công cộng tân tiến và những xe bus hai tầng sang trọng có tên là Hop On - Hop Off của công ty du lịch dành chở du khách tham quan thành phố như hiện nay. Tuy Helsinki không nhiều di tích lâu đời như Turku, thủ đô cũ của Phần Lan, nhưng có rất nhiều biểu tượng và bảo tàng viện đã thành lập cách đây hơn thế kỷ như nhà hát Thụy Điển, quảng trường Senate và bức tượng Alexander II phía trước Thánh Đường Trắng (Helsinki Cathedral)...

Theo nhà văn kể thì ông theo phái đoàn đi dự Đại hội Hoà bình thế giới, tiền ăn một ngày sáu đô la “Mỗi ngày ăn ba bữa, khẩu phần thừa thãi bổ béo; nghi thức lúc ăn thật là trang trọng : đồ sứ, pha lê, khăn bàn trắng muốt, quanh bàn ăn chốc chốc lại cử nhạc, những chị đưa món ăn trông đẹp như rượu rót trong các truyện thần thoại phương Bắc này...”.

Có lẽ chánh trị Việt Nam lúc đó đương lộn xộn, nhà nước ta còn nghèo, cán bộ đi công tác được ban tổ chức bao tiền ăn, tiền ngủ chớ hổng cho chương trình tham quan thành phố và không có tiền cán bộ bỏ túi, tiệc tùng, ăn nhậu xả láng như cán bộ của nhà nước hiện thời. Trong những giờ rảnh ri hổng có tiền đi xe, cả phái đoàn ngơ ngáo không biết đi đâu chơi đành kéo nhau vô rừng thông, ngồi trên bãi cỏ mơ màng tưởng tượng từ cái thủ đô cho tới chuyện ăn uống ra truyện thần thoại. Nhớ nhà, thèm ăn phở, nhà văn bèn thảo tùy bút ngay bờ hồ Ô-ta-ni-ê-mi của thành phố Hen-xanh- ky.

Vì kính trọng nhà văn tiền bối, một con người tài hoa, đã bôn ba vượt đại dương hàng tháng trời nơi các nước xa xôi, tham dự Đại Hội Hoà bình thế giới để giới thiệu văn hoá nước nhà tới miền Bắc cực này. Mỗi khi lên phố Helsinki tôi hay để ý tìm lại dấu vết của người xưa. Trước tiên tôi tìm trong bản đồ thành phố những hồ nước có vần O hoặc Ö nhưng hổng thấy và không đọc ra hồ nước nào có âm Ô-ta-ni-ê-mi. Khắp Phần Lan có hàng ngàn hồ nước, xung quanh Helsinki ít ra cũng có vài ba chục hồ. Cái hồ lớn nổi tiếng tên Päijänne ở Sysmä vào những ngày hè, khi mặt trời lặn, ánh nắng nhuộm màu đỏ lói phía góc hồ Tây, dĩ nhiên Päijänne không nằm trong phạm vi của Hensinki. Công viên Esplanade nằm trong trung tâm của thành phố có bãi cỏ xanh và cây xanh mùa thu đầy lá vàng, nơi đây có một hồ nước ngầm luân lưu làm mát những ngôi nhà thành phố. Có lẽ chữ nghĩa thời đó khác thời nay nên phiên âm của nhà văn tôi không đọc ra, ngay cụm từ Hen-xanh-ky nếu hổng có từ Phần Lan đi kèm tôi cũng hổng biết ở đâu nữa, còn chữ Phần Lan tôi ngọng nên hỏi thăm người bản xứ tên hồ nước Ô-ta-ni-ê-mi hổng ai biết đâu hết, cuối cùng tôi đành bỏ cuộc.

Cũng từ đó cái ấn tượng một thế giới giả tạo, một thủ đô Hen-xanh-ky thần thoại của nhà văn tôi xem như trong truyện cổ tích. Tuy nhiên, cho tới hôm nay, mỗi lần ghé Helsinki tôi thường lang thang trong phố hay đi trên con đường vắng vẻ. Có khi suốt đêm trong quán nhậu hoặc ngồi uống cà phê trong góc phố bên công viên đầy lá vàng và cỏ xanh. Tôi lại nghĩ tới nhà văn tài hoa họ Nguyễn, coi vậy mà cũng hay, thử nghĩ, nếu hồi đó ông được đi lang thang như tôi bây giờ, có thể hổng có tùy bút Phở ra đời, biết đâu món phở Hà Thành cho tới nay vẫn còn bình dân như các bún nước, mì nước, hủ tiếu nước hoặc những món xúp thường thường chớ không nổi tiếng thế giới như hiện nay.

***

Tàu cặp cảng Helsinki lúc năm giờ sáng. Lòng tôi bồn chồn nôn nao như trở lại nơi thân thuộc. Bây giờ là mùa hè không gian thoáng, khí trời mát mẻ. Tôi thèm lên phố, dù chỉ lang thang vài giờ để nhìn ngắm cảnh đẹp của Helsinki, thủ đô này đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng.

Tôi xin thuyền trưởng cho tôi nghỉ buổi trưa. Thuyền trưởng nói:
– Tàu đậu lại ngày nay, mười giờ tối tàu khởi hành sang Estonia, ông phải có mặt trên tàu khoảng tám chín giờ.

– Yes Sir, tui sẽ về tàu trước chín giờ.

Thủy thủ In Đô trước kia bán được rượu và thuốc lá kiếm thêm tiền túi. Từ ngày Estonia nhập vào châu Âu, đường tàu Helsinki sang Tallin một ngày hai ba bận, rượu và thuốc hút không kiểm soát gắt gao như trước, dân Helsinki đổ xô qua Estonia mua rượu và thuốc lá về dùng. Làm thủy thủ tàu containers không còn cơ hội kiếm thêm tiền, không có tiền túi thì không lên bờ chơi, cả đám cứ ru rú trên tàu, những giờ rảnh nối mạng internet chat với người thân hoặc rút vô phòng coi phim con heo. Để khỏi phiền phức tôi không bao giờ rủ rê ai hết, thường thì tôi hay đi mình ên lang thang trên phố. Ama người In đô, tánh tình rất cởi mở, vui vẻ, có óc khôi hài, thích khám phá, nó theo đạo Tin Lành và không ưa Hồi giáo, nên không đi chơi với mấy người đạo Hồi. Có lần nó nói với tôi:  

– Ở In Đô phần đông là đân ít học hoặc có học nhưng vì lợi lc họ mới theo Đạo Hồi, những người này ngoài cái việc không ăn thịt heo và mỗi ngày cầu nguyện Allah năm bận ra họ hổng biết đạo lý là gì hết.

–  Tao nghĩ, Đạo nào cũng phải có tình thương, nếu hổng có tình thương thì còn nói chi là Đạo.

– Nhưng đạo Hồi một chút tính người cũng hổng có, nói chi tình thương, trong họ không có hoà bình, chỉ có chiến tranh và khủng bố.

Tôi nhún vai:

– Là do con người thôi. Theo tao đạo Hồi tồn tại trên hai ngàn năm rồi, khắp thế giới hiện nay tín đồ Hồi giáo đông nhứt, dân In Đô mày theo Đạo hồi gần hết, mày đừng nên xem thường họ.

Bình thường với đồng hương của nó, nhứt là mấy người đạo Hồi, nó hay cãi lý, nhưng không hiểu sao với tôi thì chuyện này không xảy ra và cũng từ đó, nó thường hay la cà nói chuyện với tôi. Ama rất thích đổ bộ, trước kia nó thường đi với người Hoà Lan nhưng sau này không thấy đi với họ nữa, hôm nay nghe tôi sắp lên lên phố, nó tới hỏi tôi:
– Chú cho tui theo được không?

Thấy nó thoải mái, đi chung chắc không phiền phức, tôi day qua nói:
– Đương nhiên, xứ tự do mà, mày đi chưn của mày, nhưng tao nói trước, tao đi để mà đi và đi bộ hoặc xe công cộng, hổng đi tắc xi, nếu mày không ngại mỏi giò thì cứ đi theo.

Nó vỗ vỗ tay xuống bắp đùi cười hì hì và nói:
– Dĩ nhiên, dĩ nhiên, chưn tui còn khoẻ mà, ông đi tới đâu thì tui tới đó.

Nó cười hì hì rồi nói bằng tiếng Hoà Lan:
– Kijken kijken, niet kopen. Nghĩa là coi thôi chớ hổng mua gì hết. (Đây là một thành ngữ châm chọc sự keo kiệt của người Hoà Lan mỗi khi dạo ở những khu du lịch nước ngoài.)

Tôi đưa ngón tay cái ra gặt gặt, nói:
– Tốt lắm! Ru rú trên tàu trong những ngày hè nắng đẹp thì thật là uổng phí thời gian.

Ama chỉ tay ra ngoài trời cười dí dỏm, nói:
– Ngoài trời đương mưa kìa chú.

Tôi nhìn ra ngoài khung cửa kiếng thấy trời ui ui, mưa lâm râm. Tôi gật đầu nói:
– Ừ, năm nay thời tiết khác thường, đầu tuần tháng Bảy rồi mà trời chợt mưa chợt nắng, một lát mình đi chắc phải đem theo áo khoác.

– Okay, trưa nay tui theo chú.

Mưa lai rai từ sáng tới giữa trưa mới dứt. Khi cơn mưa vừa tạnh thì nắng lại lên. Tôi bỏ áo khoác mỏng vô ba lô và hai chai nước lọc rồi cùng Ama lên bờ. Chúng tôi lấy xe điện ngầm vô phố và xuống trạm gần đường Aleksanterinkatu, đây là khu phố chính. Sau hơn bốn năm mới trở lại Helsinki, tôi thấy tất cả đều mới, thành phố này lúc nào cũng mới, trong ánh sáng du dàng của ngày hè, người ta đi rất đông. Ama hân hoan nói:
– Sáu tháng qua lần đầu tui mới thấy người ta đông quá.

Tôi nói:
– Người dân Phần Lan thường hưởng thụ ánh nắng mặt trời chừng ba bốn tháng, cuối mùa xuân nắng bắt đầu ấm, sớm lắm giữa tháng năm, cho tới giữa tháng chín thì gió mát của mùa thu lại về.

– Chỉ ở Phần Lan thôi hả chú. 

– Không phải riêng ở Phần Lan này, ngoại trừ vùng Lappi ở phía Bắc, nơi đó những tháng hè mặt trời hổng lặn. Các nước trong vùng Baltic như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Estonia, Latvia, Lithuania trong khoảng thời gian mùa hè, từ cuối tháng năm tới đầu tháng tám, mặt trời mọc khoảng bốn năm giờ sáng, lặn khoảng mười, mười một giờ tối, những giờ mặt trời lặn tuy ngắn ngủi nhưng ánh sáng mặt trời toả sáng suốt ngày đêm. Thỉnh thoảng ban ngày nhiệt độ lên tới ba mươi độ C. 

Giữa dòng người ngược xuôi trên đường phố có vài người hát dạo, chơi phong cầm, chơi ghita và cũng có người ăn xin nghêu ngao ca hát. Mỗi khi nghe tiếng đờn thì cả thân hình Ama lại lắc lư theo điệu nhạc. Chúng tôi đi tới một khoảng rộng, nghe văng vẳng âm thanh trong trẻo như tiếng kim ngân, nhìn tới trước thấy một đám người bu quanh chỗ phát ra tiếng đờn. Ama liền đi nhanh tới chen lấn đám đông, tôi bước theo sau, nó chen tới đâu tôi theo tới đó, cuối cùng chúng tôi cũng lọt vô phía trong. Trước mặt chúng tôi có ba anh nhạc sĩ chơi hai bàn đờn Xelophene, đờn Xelophone tương tợ như đờn T’rưng, đờn T’rưng phiếm bằng những thẻ tre và để đứng nghiêng, còn Xelophone phiếm làm bằng kim loại và để nằm thẳng trên chiếc bàn. Ba anh nhạc sĩ đứng sau hai bàn đờn, chưn cẳng nhịp nhịp, thân người lắc lư, mắt lim dim, tay cầm dùi say mê gõ phím, hoà tấu một bản nhạc nghe rất vui tai. Khi bản nhạc chấm dứt người đứng xung quanh vỗ tay rân trời và sau đó xúm nhau bỏ tiền vô chiếc thùng phía trước mặt. Chúng tôi cũng vỗ tay thiệt lớn và cũng bỏ tiền vào thùng, Ama còn bịn rịn chưa chịu đi. Khi ấy ba anh nhạc sĩ rót cà phê uống nghỉ giải lao và những người chung quanh cũng tản đi gần hết, lúc đó nó mới chịu  quay lưng. Tôi nói:
 – Tao nghĩ mấy nhạc sĩ này đến từ nước Nga.

– Sao chú biết.

– Thấy cách ăn bận của họ cũng đoán được. Thường thì mùa hè, người Phần Lan hay đi ở những ngôi nhà nghỉ bằng gỗ trong rừng hoặc bãi biển, gần ao hồ hay ra những hải đảo. Cũng như dân Na Uy, Thụy Điển, người Phần Lan rất thích tắm hơi và đi du lịch nước ngoài, nên trong thành phố ít người bản xứ. Ngược lại người nước ngoài tới đây nhiều, nhứt là những nước lân cận như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy,  Estonia, Latvia, Lithuania và Nga...

Nó cười hì hì:
– Thì tui và chú cũng là người nước ngoài đi du lịch.

– Ờ, mày để ý thì thấy dân nước khác đi rất nhiều nhưng chưa thấy ai giống tao và mày.

Ama ngó quanh và nói.

– Ừa, hổng thấy người Á Châu.

– Tao nói chưa thấy chớ hổng phải hổng có người Á Châu. Người Tàu, người Nhựt có khi họ đi du lịch thành nhóm cả mấy chục người.

Chúng tôi bước theo dòng người vô trung tâm Stockman. Cùng lúc đó tôi thấy một tốp năm sáu người vừa con gái vừa con trai từ trong khu mua sắm đi ra. Tôi day qua nói nhỏ với Ama:
– Mày coi, người Á Châu  kìa, họ ăn bận sang trọng hơn tao với mày nhiều.

– Họ là dân du lịch mà.

– Vậy tao với mày hổng phải là dân du lịch rồi.

– Ừ hén, mình là thủy thủ, mấy người này chắc là người Tàu.

 – Người Nhựt đó.

Ama nhìn qua họ rồi day lại hỏi:
– Làm sao phân biệt giữa người Tàu và người Nhựt?

– Mày thấy đám người Á Châu nào ăn bận loè loẹt, trên đường xí xô xí xào ồn ào nhứt thì đó là người Tàu lục địa, ngoài ra người Hồng Kông, Đài Loan và người nước khác...

Stockman là một trong những trung tâm buôn bán nổi tiếng của Phần Lan, bên trong người ta bán thượng vàng hạ cám, những món hàng nội địa và hàng nhập từ khắp nơi trên thế giới, đồ thủ công nghệ bằng thủy tinh và đồ gỗ chạm tr tinh vi trông lộng lẫy và hấp dẫn vô cùng. Ama dừng lại gian hàng bán đồ lưu niệm, cầm con dao nội địa tra cán màu ngà lên ngắm nghía một lát, rồi qua chỗ để nón cầm lên một cái xem tới xem lui một cách thích thú, nhưng khi nhìn bảng giá nó để xuống và rụt vai, nói:
–  Mắc quá. 

Tôi khoác tay cười và nói:
 – Ở xứ này món nào cũng mắc hết, có thể đồ không thiệt, nhưng bảo đảm chất lượng tốt.

– Chú nói cái gì hổng thiệt?

– Thí vụ như cán dao mày thấy màu ngà, nhưng cũng có thể bằng nhựa hoặc một loại đá nhân tạo, vì bên này hội bảo vệ thú vật cấm không cho giết những con thú quí hiếm của thiên nhiên lấy sừng hoặc lấy ngà làm đồ chơi. 

Dĩ nhiên chúng tôi chỉ ngó cho vui mắt chớ hổng mua gì hết. Xem tới lúc không còn gì để xem, chúng tôi mới rời khỏi Stockman trở ra đường phố. Lần đầu tiên Ama tới Helsinki, nhìn cảnh xe điện chạy trên đường, người đi bên phố nó trầm trồ khen:
– Ở đây xe cộ nườm nượp nhưng trật tự, người ta đông đúc nhưng hổng thấy xả rác rến trên đường.

– Không riêng gì ở Helsinki, vùng Scandinavi nơi nào cũng sạch và đẹp. Nhộn nhịp nhứt là bắt đầu cho những Đêm Trắng, khắp phố phường đâu cũng nghe tiếng nhạc.

– Nghe nói Đêm Trắng qua rồi.

– Ngày lễ của Đêm Trắng thì qua rồi, đêm nay mày chờ tới giữa khuya, ra ngoài boong xem thử, nếu thấy trời hổng tối đen thì đêm vẫn còn trắng.

– Vậy thì đêm trắng còn lâu mà, nghe nói những ngày này ở đây người ta thường hay tổ chức lễ hội.

– Không riêng gì người ta. Cỏ, cây, hoa, lá và muôn thú, chúng đã trải qua một mùa đông dài lạnh buốt. Khi nắng lên thì khắp nơi bừng sáng, dưới mặt đất hoa nở tốt tươi, trên cành cây lá non xanh, chim chóc nhảy nhót hót ca, hươu nai vui vẻ rượt đuổi nhau trong rừng và có lẽ chúng cũng có lễ hội riêng.

– Chú nói chuyện nghe vui quá.

– Tại hôm nay tao với mày gặp hên, nhằm trời nắng đẹp nên mày thấy cái gì cũng vui mắt và nghe gì cũng vui tai.

– Trước đây tui thường đi với người Hoà Lan, nhưng tụi nó chỉ biết chui đầu vô quán ba uống cho say xỉn, rồi kêu tắc xi chở về, đi với họ hổng biết trời cao đất rộng là gì.

– Mỗi một người có cách sống khác nhau, mình nên tôn trọng.

Những ngày nắng đẹp, người ta thường vô những quán gần công viên hay ngồi uống cà phê vĩa hè quanh đó. Tôi định dẫn Ama qua dạo công viên Esplanade, nhưng khi lên dốc tôi mới hay đã ngang quảng trường Thượng Nghị Viện. Tôi chỉ tay lên Thánh Đường Trắng nằm trên bậc thềm cao bên kia con đường, nói:
– Nơi đây không gian rộng rãi, sạch sẽ, mày nhìn xem, lối kiến trúc nhà thờ trắng rất độc đáo, vừa hiện đại vừa cổ điển.

Nó trầm trồ:
– Ồ, đẹp quá chú.

Chúng tôi bước qua kia lộ đi về phía thánh đường, qua một sân lót gạch đá rộng, tới bức tượng trước sân. Ama khoái quá, đưa điện thoại qua nhờ tôi chụp hình cho nó. Sau đó chúng tôi đổi điện thoại nhau và tiếp tục vừa chụp hình cho nhau vừa leo lên những bậc thang. Một lát sau chúng tôi tới trước nhà thờ, khi nhìn xuống thấy mình ở trên những bậc thang khá cao, tôi và Ama ngồi xuống trên bậc thang cao nhứt, tôi mở ba lô lấy nước ra uống và bấm điện thoại xem lại hình đã chụp, tôi xóa mấy tấm hình không vừa mắt rồi ngước lên nhìn chung quanh. Rất nhiều người ngồi nghỉ, phần đông cúi mặt chăm chú nhìn vào điện thoại, có lẽ họ cũng như chúng tôi đương xem lại hình mới vừa chụp được. Vài người con trai, con gái ngồi đọc sách trên những bậc thang, trông họ nhàn nhã, đẹp đẽ và trí thức quá chừng. Tôi nói với Ama:
 – Theo thống kê của tổ chức Phát Triển và H Tương Kinh Tế,  Phần Lan có tên trong mười nước học giỏi, và có nhiều bằng đại học từ những đại học danh tiếng thế giới. 

Ama liền nói:
– Người Phần Lan nhờ ăn cá nhiều nên thông minh.

– Ừ, tao cũng nghe nhiều người nói ăn cá nhiều thông minh, người Phần Lan thường ăn cá hồi, nhưng tao thấy trong thực đơn văn hoá ẩm thực của người Phần Lan, tính ra thì họ ăn cá ít hơn người In Đô và người Việt. Người In đô của mày và người Việt Nam của tao ăn từ cá lớn như cá mập, cá ngừ đại dương, cá nhỏ như lòng tong, ròng ròng, tôm, tép và cho tới con ruốc li ti đều đớp láng, nhưng con người thì ngu bỏ mẹ. Dân Phần Lan họ ăn cá, ăn thịt, uống rượu, sáng say, chiều xỉn, tối quặt quà quặt quại, nhưng bình thường trông họ sáng láng, văn minh, tự tin hơn người In Đô và người Việt nhiều.

Ama cười hì hì.
– Theo chú như thế nào mới là một dân tộc thông minh?

– Một dân tộc thông minh thì hổng phải chịu nhục, chịu nhã, ở đợ, làm mướn, trồng cần sa, bán ma túy, làm đĩ, làm điếm khắp nơi trên thế giới.

– Ừa, chú nói cũng đúng, nhưng tại chánh quyền hổng lo cho dân.

– Ờ... Chánh quyền Phần Lan hổng để đầu óc tính toán chuyện hối lộ, tham nhũng, vơ vét tiền bạc của dân nên họ hổng sợ dân chúng nổi dậy lật đổ, đảo chánh gì hết, nhờ vậy mà đầu óc họ sáng suốt để tính chuyện làm sao cho dân giàu, nước mạnh. Con người Phần Lan sống dưới một chế độ trong sạch, tự do, nhân bản, một đất nước an bình, trong một môi trường sạch sẽ, họ khỏi phải lo sợ chánh quyền đàn áp, đè đầu cỡi cổ, cướp đất, cướp nhà, nhờ vậy đầu óc họ sáng suốt hơn, thông minh hơn, học cái gì cũng giỏi và khỏi cần phải ăn nhiều cá.

Ama nín lặng ngó quanh, chợt day qua, nói:
– Hôm nay mình đi dạo thủ đô Phần Lan, xứ sở văn minh, so sánh với những nước còn lạc hậu làm gì?

– Cũng nên so sánh nước này với nước khác để học hỏi, rút kinh nghiệm, biết đâu tương lai mày làm tổng thống, có nhiều sáng kiến giúp đất nước của mày tiến bộ lên.

– Ha ha... Tui mà làm được tổng thống thì ở In Đô không còn đạo Hồi, chỉ cần dẹp hết thứ này thì người In Đô mới tiến bộ và hết ngu.

–  A ha... Chánh sách khủng bố hả mậy? Nghe mày nói tao thấy cả trời In Đô máu me và bình địa. Giống xưa kia Thiên Chúa giáo tiêu diệt ngoại giáo vậy.

Chúng tôi cười ha hả làm những người ngồi gần cũng ngước lên nhìn. Tôi nói với nó:
– Những người sống trong những quốc gia thanh bình, họ không có ý bạo động, con người nhân bản lúc nào cũng nhã nhặn và lời lẽ luôn ôn tồn.

Nó uống xong ngụm nước và nhìn qua tôi:
– Tui thấy chú hổng có ý bạo động.

– Sống hơn ba mươi năm trên những đất nước thanh bình tao có hơi đỡ một chút, nhưng còn phải tập tành nhiều lắm. Những chuyện tiêu cực đã xảy ra hàng ngày trên thế giới cũng dư thừa rồi, bạo động thêm nữa làm gì.

– Có lẽ tui cũng phải tập theo chú. Tui đi nhiều nước Âu Châu thấy đất nước người ta không nói nhiều về tôn giáo và lễ hội vui vẻ và rất bình thường hổng có chen vào chuyện dị đoan mê tín như người bên Châu Á. 

– Người Âu Châu cũng có dị đoan chớ mậy. Ở Phần Lan có lễ hội Juhannus, một ngày lễ có tính cách quốc gia, được tổ chức vào thứ Bảy, từ ngày hai mươi tới ngày hai mươi sáu tháng bảy. Trong những ngày này khắp nước trang hoàng nhà cửa, người ta bện lá bạch dương thành vòng tròn treo trên vách phía trước và trước cửa nhà trưng bày nhiều loại hoa. Bên các bờ hồ, bờ biển những đống lửa lớn được đốt bừng lửa ngọn, người Phần Lan tin tưởng làm như vậy để xua đuổi ma quỷ, đây cũng là một tập tục có tánh dị đoan.

– Nhưng tui nhìn thấy hổng có cảm giác gì là magic hết...

– À, tao hiểu mày nói gì rồi. Hổng magic là vì ở bên này người ta đuổi ma qu đi và lễ lạc xong rồi thì người ta dọn dẹp sạch sẽ. Còn bên Á Châu thì người ta rước ma qu về nhà lập bàn để thờ phượng, lạy lục xin xỏ nọ kia và sau khi lễ hội, tiệc tùng xong hổng chịu dọn dẹp, để lại một đống rác bầy nhầy nên mày thấy bát nháo vậy thôi.

Ama nhìn vô điện thoại, ngước lên nói:
– Hôm nay tám tháng Sáu, hai tuần sau tàu mình trở lại thì đã tới lễ Juhannus rồi, tui với chú đi chơi nữa hén.

 – Dĩ nhiên, phải đi cho biết.

– Chú biết nhiều rồi. 

– Biết thì làm sao cho nhiều được, nhứt là chuyện đã qua nó khác hơn chuyện bây giờ.

– Nhưng nghe chú nói, tui thấy chú rành nơi đây lắm.

–  Mười mấy năm trước tao đi tàu hàng trong vùng Scandinavi này, công việc nhàn nhã lắm. Dạo đó mỗi lần nghé Helsinki tàu đậu lại cả tuần lễ, giờ rảnh tao đi tùm lum. Cho tới nay đã qua nhiều năm nhưng tao vẫn còn nhớ ở ngoài biển gần Helsinki có một đảo nhỏ tên là Seurasaari được nối với đất liền bằng một cây cầu bằng ván dài chừng hai trăm thước. Đảo là một khu vực giải trí, thường thì những người có tiền ra đó mua đất cất nhà nghỉ mát. Ngoài đó người ta ăn mừng lễ Juhannus rất long trọng, các sân khấu dành diễn kịch, chơi nhạc, biểu diễn múa lúc nào người cũng đông, cũng như những nơi khác trong Phần Lan, một đống lửa lớn được đốt lên trên bờ biển. Mùa hè nơi đây cũng là mùa khoai tây, hoa, trái và nhiều loại cá được các đầu bếp chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, mọi người cùng nhau ăn uống, nhảy múa, ca hát và vui chơi suốt những ngày nghỉ hè.

– Chắc phải đi ra đó chơi cho biết chú.

– Tao nghĩ mình đi tàu container không có thời gian nhiều để đi xa đâu, ngoại trừ tự bỏ tiền đi du lịch.

Chợt điện thoại reo, Ama cầm lên xem rồi đưa qua cho tôi.

– Thuyền trưởng gọi chú nè.

– Ông ta gọi là không có chuyện tốt đâu.

Tôi bấm máy nghe, thuyền trưởng cho tôi biết thêm một cần cẩu cất hàng, tàu khởi hành khoảng tám giờ, ông biểu chúng tôi phải về tàu sớm.

Tôi trả lời:
– Yes Sir! Chúng tôi sẽ về tàu trước tám giờ.

Tôi nhìn đồng hồ trên mặt điện thoại day qua nói với Ama:
– Mới đi chút xíu mà đã hơn năm giờ rồi. Tao với mày vô bên trong thánh đường chụp vài bô hình, xong rồi đi qua công viên Esplanade dạo chơi một lát, tìm chỗ nào ấm áp ngồi uống vài ly bia và sau đó trở về tàu là vừa.

Lưỡng lự một chút, Ama nói:
– Tui muốn trở lại trung tâm mua sắm hồi nãy.

– Mày muốn trở lại Stockman mua dao găm và cái nón hả?

Ama cười:
– Được không chú?

– Dĩ nhiên là được, đây là xứ tự do mà, nhưng bây giờ mình phải vô trong thánh đường chụp vài bô hình kỷ niệm.

Bên ngoài thánh đường bề thế, bên trong chạm trổ tinh vi, vài bức tượng của những bậc Thánh được âm trong tường, một chiếc bàn và một thánh giá để trước chỗ linh mục đứng giảng, không gian lại rộng rãi, người ra vào hơi nhiều nhưng không chật chội xô bồ xô bộn. Chúng tôi đi theo dòng người vô trong, khi nhìn thấy chánh điện, Ama liền bước nhanh tới đứng cùng với mấy người chắp tay cầu nguyện. Ama làm xong thủ tục cầu nguyện, day lại cùng tôi chụp mấy bô hình, sau đó chúng tôi trở ra và đi ngược lại trung tâm mua sắm.

Vào Stockman, Ama liền vô ngay hàng bán đồ thủ công nghệ lấy chiếc dao rồi đi qua hàng nón lấy lên chiếc nón kết có thêu chữ Finland và hình con nai lên săm soi, hình như nón kết là một loại trang sức có giá trị cao của thanh niên In Đô nên thường thấy lúc nào họ cũng chọn mua loại mắc tiền, có người mua sáu bảy chục euro một cái nón kết. Ama day qua tôi hỏi:
– Chú có hai chục euro cho tôi mượn không?

– Dĩ nhiên.

Tôi móc bóp nhưng không có tờ hai chục, tôi đưa cho nó tờ năm chục.

– Mày trả tiền rồi đưa lại tao ba chục.

Không do dự nó lấy chiếc nón và con con dao đi lại quày, đứng sắp hàng tính tiền. Khi ra khỏi trung tâm thì giờ giấc lỡ cỡ hết rồi, đi dạo không đủ và nếu đi xe điện trở xuống tàu thì sợ tr. Thấy chiếc tắc xi trờ tới, không do dự gì ráo, tôi liền đưa tay ra chận. Khi chúng tôi lên xe, xe chạy được một đi, Ama nhìn tôi cười trêu chọc:
– Chú nói chú hổng đi tắc xi mà?

– Ê, đây là trường hợp khẩn cấp, nếu hổng đi tắc xi thì tao với mày phải bay qua Bosnia hay Litunia xuống tàu.

Tôi chỉ tay qua gói đồ nó để trên bắp đùi, nói:
– Có mày kìa, mày nói, Kijken kijken niet koppen, nhưng cuối cùng cũng mua hết năm sáu chục euro.

– Ha ha... tui là người In Đô chớ đâu phải người Hoà Lan chú.

Mùa hè có rất nhiều xe nước ngoài tới Helsinki, làm đường xá nơi đây chật chội. Tắc xi chạy một lát một dừng, mất trên cả giờ đồng hồ mới tới được bến cảng, tính ra tr hơn đi xe bus và xe đường hầm gấp đôi. Trong lòng tôi ấm ức vì tiếc phải trả tiền gấp chín mười lần đi xe bus và xe đường hầm, lại còn bị mất nhiều thời gian. Nhìn qua Ama, thấy nó không phàn nàn gì hết nên tôi cũng nín luôn. Tuy nhiên tôi rút ra được một bài học, lần sau trở lại Helsinki có cho tiền tôi, tôi cũng hổng leo lên tắc xi nữa.

Baltic 17-7-2015
Nguyễn Lê Hồng Hưng