Một ông khách
thấy cửa hàng quảng cáo bán con chim nói được nhiều thứ tiếng, bèn thử hỏi chim
bằng tiếng Pháp: "Comment allez-vous? Con chim vui vẻ đáp: "Ça va
bien, merci." Hỏi tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha: "Como estas?" Trả
lời ngay: "Muy bien!" Chuyển sang tiếng Anh: "How are you?"
Chim nghiêng đầu lễ độ: "I'm fine, thank you!" Thích quá, ông khách
nói tiếng Việt: "Khoẻ không?" Con chim gắt: "Đ.M. Hỏi gì hỏi
mãi, sốt cả ruột!" Ông khách gật đầu khen: Nói thế mới là tiếng Việt.
Văn hào
Dostoyevsky từng viết rằng một chữ trong tiếng Nga có thể diễn tả tất cả các
tình tự của con người, ông xin lỗi không viết chữ đó ra, nhưng người Nga ai
cũng đoán được.* Trong tiếng Việt cũng như lúc mừng rỡ bất ngờ. Quý vị
cũng đoán được tiếng nào rồi. Đó là một “bộ phận hữu cơ” của tiếng Việt chúng
ta, tuy không cần dùng mỗi ngày nhưng không thể thiếu được. Bởi vì nhiều lúc
không dùng thì không có tiếng nào khác tương xứng!
Gần đây, ông
Lê Hồng Sơn mới ra chỉ thị cấm dân Hà Nội không được văng tục, chửi rủa, mắng
mỏ nhau nơi công cộng. Nghĩa là không ai được nói năng một cách tự nhiên, vô tư
thoải mãi nữa! Ông phó chủ tịch thành phố ra lệnh Sở Văn Hóa, Thông Tin, Du
Lịch, Sở Giáo Dục và Đào Tạo, cùng với tất cả các quận, huyện, thị xã dưới
quyền ông, phải “kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao” những
hành vi mà ông gọi là “thiếu văn hóa.” Khi nghe tin lệnh trên được ban hành, bà
Thảo, chủ nhân quán “bún mắng” ở Hà Nội nói: “Việc kiểm tra, xử lý thế nào tôi
không biết! Chắc tôi sẽ không thay đổi!”
Muốn bà Thảo
thay đổi, chắc ông Lê Hồng Sơn phải làm theo lối đồng chí Vladimir Putin, cựu
sĩ quan công an KGB đang làm tổng thống nước Nga: Phạt tiền! Tháng Năm năm 2015
ông Putin đã ban luật cấm không được văng tục, chửi thề trên báo, đài,
phim ảnh, trong các sách in. Ai chửi mắng ngoài phố nếu bắt được sẽ phải nộp
2,500 đồng rúp tiền phạt (tương đương hơn 70 Mỹ kim). Các công ty phạm luật sẽ
bị phạt 50 ngàn rúp. Các cuốn sách có lời lẽ thô tục sẽ phải để trong bao niêm
kín, ai muốn nghe chửi bới phải bỏ tiền mua mới được mở bao lấy sách ra coi.
Dân Nga cảm ơn ông Putin nhân đạo hơn các đồng chí cộng sản thời xưa. Thời
Stalin, chỉ cần bị tình nghi viết những lời cấm kỵ thôi một tác giả cũng được
bỏ vào bao niêm kín, không mở ra được. Đầu tháng Tám, luật Putin bắt đầu áp
dụng cho các bloggers, chắc ông Lê Hồng Sơn sẽ theo gót.
Ông Lê Hồng
Sơn phải ra lệnh “kiểm tra, xem xét, xử lý” chắc vì dân ngoài phố chửi
mắng hồ hởi quá. Có một quán “bún mắng” tại phố Ngô Sĩ Liên, một quán
“cháo chửi” tại phố Lý Quốc Sư. Những quán đó rất đông khách,
dù các bà chủ luôn mắng mỏ. Một bà đón khách như thế này: “Ăn bún gì? Tìm
chỗ mà ngồi đi!” Hoặc, “Ăn xong rồi thì biến!” Một bà khác quở khách như con
cháu trong nhà: “Nói gì mà nói lắm thế! Không ăn thì biến!” Hoặc là: “Hết cháo
rồi! Đi đi!” Đó là những tiếng mắng mỏ được các bloggers thuật trên mạng, chắc
chắn đã được sàng lọc cho nhẹ bớt 50%, thuật ngữ hàng chợ đã “chích ngừa” cả
rồi. Muốn đạt được các danh hiệu “cháo chửi” và “bún mắng” thì chắc ngôn ngữ
các cụ dùng phải đổ thêm rất nhiều mắm muối, ớt, tiêu, hành, tỏi hơn.
Văng tục, chửi
thề đã thành nếp sống từ 70 năm qua, từ ngày dân Hà Nội được đảng “lãnh đạo.”
Dạo một vòng 36 phố phường là được nghe liên tấu khúc các tiếng mắng, tiếng
chửi, mới và cũ, phong kiến thực dân đến xã hội chủ nghĩa. Không riêng trên
đường phố, trong trường học cũng vậy. Người Hà Nội vẫn kể một câu chuyện có ông
thanh tra yêu cầu thầy giáo cấm học trò không được văng tục trong lớp. Thầy trả
lời: “Vẫn cấm đấy chứ, nhưng cấm đ... được!” Sở Giáo Dục & Đào Tạo thành
phố Hà Nội có thể sẽ báo cáo lên ông Lê Hồng Sơn rằng họ muốn “kiểm tra, xem
xét, xử lý” nhưng cấm... không được!
Những luật lệ
của ông Putin hay của ông Lê Hồng Sơn chắc sẽ không có hiệu quả. Cứ coi thí dụ,
các thành phố Sài Gòn và Hà Nội đều nghiêm cấm phóng uế nơi công cộng, cấm xả
rác ngoài đường, bao năm nay có cấm được ai không? Đảng vẫn hô hào chống tham
nhũng, chống hối lộ, đi tới đâu chưa?
Văng tục là
một hiện tượng bình thường trong tất cả các xã hội. Hai nhà tâm lý học Timothy
Jay và Kristin Janschewitz cho biết trong tiếng Anh có mươi tiếng chửi thề rất
thông dụng. Mỗi ngày một người Anh cứ nói 20 tiếng thì một tiếng nằm trong danh
sách đó. Một cuộc nghiên cứu ở Anh quốc cho biết chỉ có 10% người lớn không bao
giờ chửi thề. Số người thú nhận họ chửi thề thường xuyên là 90% đàn ông và 83%
phụ nữ. Chửi thề, văng tục là một “phương pháp thư dãn tinh thần.” Chửi xong
rồi, người ta bớt giận, bớt uất ức, quay sang chuyện khác. Mấy nhà nghiên cứu
đã ghi chép 10,000 lần nghe các tiếng chửi thề, người lớn cũng như trẻ con, và
họ công nhận một điều: Chửi xong, người ta trở thành hiền lành hơn, không tính
chuyện đánh lộn nữa!
Nhưng tại sao
người ta cần chửi thề, cần mắng mỏ? Một nhà nhân học, Ashley Montague viết cuốn
Nghiên cứu Hiện tượng Chửi Thề, The Anatomy of Swearing, in năm 1967, nhận xét
rằng những tiếng chửi mắng, dù không nhắm vào ai hết, đều phát lên vì những bực
bội, uất ức đối với xã hội chung quanh. Văng tục là để giải tỏa một tâm trạng
bất bình vẫn bị che giấu, bị kiềm chế, đè nén trong lòng.
Những lãnh tụ
cộng sản đều thuộc dòng họ Nghiêm Văn Túc, cho nên không nhìn ra, hoặc không
chấp nhận lối giải thích đó. Leon Trotsky, người sáng lập Hồng quân Liên xô,
năm 1923 viết rằng chửi thề là phi nhân bản, là di sản của chế độ nô lệ, không
thể chấp nhận dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đỉnh cao tiến bộ loài người! Nhưng
sau năm 1975 những đồng bào miền Bắc vào Nam ai cũng thấy một điều: Trẻ em miền
Nam không văng tục, chửi bới thản nhiên, vô tư và năng nổ như trẻ em miền Bắc!
Nếu Trotsky sống lại, ông sẽ phải công nhận rằng một chế độ nô lệ hóa con người
thì tất nhiên cũng khiến người ta phải chửi thề, văng tục nhiều hơn, thường
xuyên hơn. Văng tục là một cách “phản đối bất bạo động” khi đứng trước cường
quyền. Nhất là khi chế độ cường quyền đó lại cố giữ cái mặt nạ đạo đức giả!
Trong các ngôn ngữ Tây Âu, những tiếng văng tục nặng nề nhất đều nhắm xúc phạm
các vị thần thánh.
Các quán “bún
mắng” “cháo chửi” ở Hà Nội là một hiện tượng bình thường. Nó có vai trò “trị liệu,”
giảm bớt những nỗi tức bưc trong lòng nói ra không được. Ở nước Mỹ thiếu hẳn
loại quán ăn mắng chửi, cho nên ti vi họ phải bầy ra. Trong chương trình
Seinfeld nổi tiếng kéo dài hàng chục năm vẫn ăn khách, người ta đã phải bày ra
một quán “súp mắng.” Chủ quán cứ mắng khách hàng như tát nước vào mặt, có khi
chỉ tay vào một người đang xếp hàng, quát: “Biến đi!” Người bị đuổi phải nhờ
bạn bè xếp hàng mua “cháo” cho mình ăn! Họ gọi nó là “Quán Nazi!”
Ông Lê Hồng
Sơn không thể cấm, mà chắc lệnh cấm của ông cũng không làm cho các quán Bún
Mắng, Cháo Chửi ngưng hoạt động! Bởi vì “phàm vật bất bình tắc minh,” người dân
biết giải tỏa những nỗi uất ức bằng cách nào khác ngoài cách chửi thề?
Ngô Nhân Dụng
Chú thích: *Nhiều người giải thích chữ Nga mà Dostoyevsky nhắc tới đọc là “khuy!”