mới đó mà xa ôi rất xa”.
Đinh Cường
Thập niên 80, mình rất sung. Theo ngữ điệu ngày nay, ăn chơi không sợ mưa
rơi. Viết tơi bời hoa lá chẳng ngơi, mê muội dầm thân trong thứ “vũ lượng”
thoạt cuồng nộ thoạt rơi chẳng ướt đất. Mình gửi bài liên tục cho hầu hết các
tạp chí văn học hải ngoại. Do tôn trọng các diễn đàn bốn phương nên mình bỏ
công đi thơ thẩn tới chợ trời, tậu được cái bàn máy chữ nhỏ nhắn hiệu Olivetti
giá hai chục bạc chưa đui què mẻ sứt. Khi thi triển nhất dương chỉ, những mặt
chữ rướn thân vồ dập lấy giấy phát tiếng dòn dã đáp trả, sướng rêm.
Lóc cóc suốt canh thâu chẳng biết cách vặn nhỏ âm thanh để khỏi phiền lòng hàng
xóm. Người ta dễ ngủ khi đêm ngoài trời có mưa rơi về sáng, đôi khi người ta
trằn trọc ngủ không êm vì lỡ lậm nhớ thứ tiếng động dịu dàng kia. Lóc cóc một
hai ba, lóc cóc bốn năm sáu, chuông kinh cong báo hiệu đã cuối đường, gạt cần
sang số xuống hàng rồi lại đắm đuối ghi những tự tình của các mẫu tự lên giấy
mỏng tang số phận. Loay hoay chong đèn bỏ dấu tay, vỗ về những trang cho ngay
rồi mang ra bưu điện gửi cái phong thư vàng (nặng tợ ngàn cân treo sợi tóc).
Thư tình gửi par avion cho người xa mặt cách lòng cước phí chỉ tính bằng xu,
nhưng một “tác phẩm” dẫu chưa tượng hình, nhân viên bưu cục sẽ thu thuế bằng
đơn vị đồng. Năm đô la chín mươi chín xu, xin vui lòng. Lè lưỡi ra dán tem cò,
thảy nó vào cái bao bố nằm chờ phía sau lưng, kêu cái xoạch: Chúc ông một ngày
tốt lành. Miệng nói trong khi thối lại một xu đen. Rồi nó sẽ được bay đến một
vùng trời ít khi có tuyết rơi, nó thoát xác và độ chừng hơn tháng sau nó lại
hiện về với một hồn ma chứa đựng linh hồn.
Phụ Nữ Diễn Đàn ở Mỹ, Làng Văn và Sóng ở Canada chơi bảnh có trả nhuận bút.
Năm bảy chục bạc cho mỗi bài. Tuy muối bỏ biển nhưng đã là hạt muối thì nó muôn
năm vẫn mặn mòi. Lần này không ra bưu điện mà tới nhà băng, sắp hàng đổi tấm
ngân phiếu trả công thức khuya dậy sớm. Huýt gió mồm tìm ngay một quán cà phê
thật gần để ngồi rung đùi thưởng thức giọt nước đắng, mơ màng đốt thuốc lá nghĩ
tới cái máy cày Kubota. Muốn nó chạy quờ quạng ra cánh đồng trước tiên ta phải
châm dầu cặn diesel vào bình chứa, muốn có bài cho hai ba tờ báo ở tháng tới
mình buộc phải dung nạp năng lượng kích thích tố cà phê thuốc lá, chất phát
quang nọ sẽ khiến mình sáng dạ hòng đáp trả cuộc chơi “Vui thôi mà”.
Nhà văn Nguyễn Đông Ngạc, nay đã về chốn xa xăm, người từng bỏ ra mười mấy
lượng vàng để thực hiện bộ sách giá trị: “Những truyện ngắn hay nhất của quê
hương chúng ta”, có làm bốn câu thơ riêng tặng “người bạn trẻ” ngày ngồi nhậu
cùng nhau ở An lạc cốc trên Montréal tơi bời cõi mộng:
“Óc tim thượng giới trả lời
Bút tiên mực máu gửi người trần gian
Riêng mình còn mỗi cái thân
Chỉ ham sống với giai nhân cợt đùa”.
Mình thích đùa cợt với giai nhân chăng? Mình ưa cảnh vườn khuya trăng lạnh
chăng? Mình khoái chòng ghẹo một cành hoa lả lơi ngày trở gió? Không biết. Một
vài trường hợp gây ra ngộ nhận cũng nên xem là cực khoái. Chưa đi với gái ăn
sương mà tả chi ly cảnh giường chiếu khiến ai kia đỏ mặt, há không phải là điều
thậm sướng ru? Mình có nhận được đôi ba lá thư của độc giả gửi (nhờ toà soạn
chuyển), họ tuyệt không phê bình những văn cảnh đồi truỵ nọ. Họ hỏi: Anh có bà
con chi với nhạc sĩ Hồ Đình Phương? Dạ thưa không? Thế có họ hàng gì với giáo
sư Hồ Đình Chữ? Dạ, có nghe tên mà chưa hân hạnh diện kiến. Cũng may mình lót
chữ Đình, lặng thinh giạt đứng một mình vô can. Giả thử mà lót chữ Chí, ra
đường e thưa gửi lí nhí. Chú Hồ này vốn rất bé tí.
Người đọc thưa dần chuyện vấn an và chẳng một ai để tâm đến “lý lịch” mình.
Yên lặng kéo dài, kéo dài cho tới hồi có người phát hiện: Hoá ra ông là em vợ
của hoạ sĩ Đinh Cường và nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Sao bấy chầy cứ mãi im re?
“Năm đi tháng lại bù trừ, ngày đi vĩnh viễn anh ừ cho anh”. Bùi Giáng đã ngôn
thế. Thưa thật rằng: Ba Mạ mình nhờ trời có lắm con. Đẻ ra toàn nam, duy chỉ có
được hai o con gái. Chị đầu lấy hoạ sĩ làm chồng, chị sau chọn nhà văn để sống
đời phu thê. Một Nam một Bắc lỡ yêu giọng Huế của hai thiếu nữ làm nghề gõ đầu
trẻ và một sớm một chiều, họ đến nhà “tha” hai o đi mất. Ba Mạ mình rất thông
thoáng, rất cởi mở, rất dân chủ, rất biết lắng nghe ý kiến “tâm tư nguyện vọng”
của con gái chứ không giống lối hành sử của đa số các bậc phụ huynh khác của
một Huế “phong kiến” bảo thủ kiên cố. Thời mình học trường Mỹ Thuật đến nhà cô
bạn gái học đệ nhị trường Đồng Khánh bị ông bố chận đầu hỏi chuyện với khuôn
mặt lộ rõ sự ác cảm: Tương lai cậu là hoạ sĩ à, liệu nhắm có nuôi nổi thân cậu
không? Mình không nói, mình cười nhạt và mình lễ độ xin kiếu từ. Dĩ nhiên đó là
thứ “chuyện tình không đoạn kết”. Mình thua, toe tua, ngay tự khởi thuỷ. Tình
chết trong trứng nước. Danh ngôn Tây phương có câu: “Làm nghệ thuật tức là phơi
mặt ra với đời, điều đó có nghĩa bạn là người dũng cảm”. Hà hà, có khi bạn phải
dũng cảm ngay từ khi chưa làm được nghệ thuật cơ đấy! Mình đã dũng cảm cắn răng
quay lưng với “con gái nhà người”, cúi đầu thầm đọc thơ Đinh Hùng: “Người đi
bạt dấu chân hài xảo, vạt áo chàm xưa có nhạt mầu!”.
Có văn hữu làm cuộc phỏng vấn bỏ túi: Vậy thì bạn có thu thập học hỏi được
điều gì ở hai người anh rể tài hoa kia? Học hỏi trước mắt là thi vào trường Mỹ
Thuật rồi sau này đổi món, tập tành viết văn. Chỉ có bấy nhiêu thôi đã nghe hao
mòn cuộc lữ và một lần nữa, dũng cảm để khẳng định, mình luôn là đứa học trò
kém cỏi. Bởi Leonardo Da Vinci đã nói: “Học trò kém là người không thể vượt nổi
thầy mình”. Ôi! Làm sao vượt qua được, thứ hậu sanh khả ố kia! Câu hỏi kế tiếp:
Vậy anh còn giữ được những kỷ niệm đáng nhớ với hai anh ấy không? Kỷ niệm à?
Biết sao thưa thốt cho vuông tròn, cho khỏi bị quở “áo thụng vái nhau”. Hoạ sĩ
Đinh Cường có lần phân bua: “Viết về nhau có người trách là áo thụng vái nhau,
giản dị chúng tôi chỉ xem chiếc “áo thụng” ấy có khi lại che cho nhau qua một
cơn mưa”.
Nhớ ngày nọ, khi hoạ sĩ Đinh Cường khởi sự định cư ở Huế để làm người anh
rể, mình học đệ Lục trường Hàm Nghi, mang tật ngứa tay bèn lấy cọ màu của anh
Đinh Cường luôn bày sẵn ra đó để vẽ bức tranh lập thể lên đôi giày Bata vải rồi
làm con gà trống ưỡn ngực ra, mang “bức tranh di động” kia đi ciné cùng thằng
bạn. Xuất trưa, phim hành động dài gần hai tiếng, vãn tuồng tầm 3 giờ thì hai
đứa học trò học bè ngây thơ vô tội liền bị hai ôn cảnh sát mặt mày bặm trợn
hùng hổ chộp cổ lôi về đồn bót dưới Chi Lăng. Một ôn quát: Mụ cô mi, khai mau,
đồng bọn của mi đóng chốt ở mô? Tên chi? Trai hay gái? Vải sưa mà che mắt thánh
hả thằng làm nhiệm vụ giao liên. Mi mang đôi giày nỏ giống ai, dị hình dị tướng
nớ là thế mật khẩu để trao đổi tin tức cùng đồng bọn? Nói rứa có đúng không?
Ông cảnh sát độ chừng ngoài ba chục tuổi xắn tay áo: Để tao tẩn cho mi một
trận, lâu hung rồi tay buồn chưa tẩm quất ai. Ngứa ngáy thiệt cực chẳng đã!
Nước mắt bắt đầu tuôn đổ, hàng lệ hàng. Mình khóc vì quá sợ hãi. Bao thước
phim vừa xem trong rạp chiếu bóng Châu Tinh lại hiện ra, múa may rõ nét cảnh
lấy khẩu cung đầy máu me, đầy bạo lực có trong một trụ sở cảnh sát nằm giữa
kinh thành ánh sáng Paris. Trời ạ, nó đánh con mồi không nương tay, bầm dập hơn
một miếng giẻ rách. Thằng cảnh sát nọ có con bồ rất mướt, rất văm, rất khuôn
trăng đầy đặn nét ngài nở nang. Và con bồ chu mỏ nói cùng hàng chữ phụ đề hiện
dưới màn ảnh: Em trông anh cũng bô giai, có vẻ con nhà tử tế, có học thức, vậy
chớ cớ mần răng anh lại đi làm cớm? Một cái nghề mà ta bà chúng sinh thảy đều
ghét có cay có đắng. Đều cạy mặt.
May mà mấy ôn cảnh sát người Huế có lẽ xuất thân là gia đình Phật tử? Họ xắn
tay áo để moi thuốc Ruby ra hút, ưa giựt le rứa thôi chớ những ngón ám vàng
khói thuốc ấy chưa giở trò xin tí huyết. Dù sao thì mình bắt đầu lạy lục cúc
bái, mình van lơn xin được tha mạng, mình bù lu bù loa oan ôi ông Địa, nước mắt
nước mũi lòng thòng: Dạ mấy bác làm ơn cho người chạy u vô nhà con thông báo
cho gia đình một tiếng thì mọi chuyện sẽ rõ trắng đen ạ. Khoảng 6 giờ chiều,
chạng vạng dâng đầy con phố gầy thì Mạ mình đóng vai bà tiên giáng trần. Mạ mặc
áo dài nâu, quần vải mỹ á hay xa tanh đen? Tuy sầu muộn nhưng đó là thứ sắc màu
biểu tượng của sự phát quang, ngời sáng cả đồn cảnh sát Gia Hội. Con tui hắn
chỉ biết ăn biết học, biết đi thưa về trình, gọi dạ bảo vâng, kính trên nhường
dưới, môn công dân giáo dục lúc mô cũng được điểm cao. Mặt mày con người ta
hiền lành thiệt thà như rứa đó mà cả gan vu oan giá hoạ đổ hô cho hắn là Việt
cọng. Chừ đề nghị mấy anh bắt nhốt tui luôn một lượt cho có mạ có con, cho tiện
việc sổ sách. Chơi kiểu chi mà nghiệt quá, già như tui không nói chi, chớ nhỏ
nhoi như hắn thì chịu đời chi thấu mấy anh!
Mình để lại đôi giày “nghệ thuật tạo hình” ở trụ sở cảnh sát, đi chân đất
nắm chặt tay mạ ra tới ngoài đường gió thổi mát rượi, đã nhất trần đời. Mạ vấn
thuốc cẩm lệ bặp một hồi cho nguôi cơn giận, nhai miếng trầu cau cho khỏi đắng
họng rồi kêu chiếc xe xích lô: Chở hai mạ con tui vô thành nội. Mi đã tởn chưa?
Mạ hỏi. Tởn. Mi còn ngứa tay vẽ vời lung tung nữa thôi? Dạ thôi. Nói dại miệng
chớ mạ cũng lo, lỡ họ mang nhốt con bên lao Thừa Phủ thì rắc rối hung, dính vô
chữ Việt cọng, mạ nghe bắt ớn. Dạo đó hai mạ con ở chung trong căn nhà thuê ở
đường Hoà Bình. Chị mình sinh cháu đầu lòng và mạ mình kề cận mong giúp đỡ chị,
người mẹ trẻ thiếu vắng những am hiểu về lãnh vực “đi biển mồ côi”. Anh Đinh
Cường lúc nọ đã vang danh ở Huế qua những lần trưng bày tranh thành công ở
phòng Thông Tin phía tả ngạn, ở Hội Việt Mỹ phía hữu ngạn mà sông Hương là
thanh bảo kiếm xẻ ngọt ra đôi bờ. Anh vẽ tranh miệt mài, thầm lặng, ít nói. Hút
thuốc Bastos de luxe, nhẹ hơn Bastos xanh. Bạn bè anh nhiều, thường ngồi cà phê
Tôn ban ngày và đêm về thường tấp vào quán cô Dung. Đó là hai nơi mà hầu như
những đứa con trai của Huế đều phải ghé qua, ít nhất một lần. Nó giữ riêng một
thứ không gian đặc thù mà khi lỡ xa, nó tạo nên một ma lực buộc phải nhớ đến,
tìm về. Nó tựa chiếc chìa khoá đầu tiên giúp người ta mở ra cánh cửa thứ nhất
để sau đó những kỷ niệm hoen mờ có cớ dồn dập đổ tràn về.
Khi mình lớn lên, tập tành cà phê thuốc lá, lao đao với những mối tình vụng
dại, quán cô Dung đã đóng cửa, chỉ còn cà phê Tôn. Ông chủ có sắm cuốn vở học
trò và tên thằng người chẳng liên hệ với nhạc sĩ Hồ Đình Phương, giáo sư Hồ
Đình Chữ thì mãi còn ghi bút mực đỏ trong đó với số tiền mắc chịu dài lê thê e
phải kiếp sau mới trả được nợ người. Anh Đinh Cường có khi giúp mình trả bớt
phần nào những ân tình mình lỡ vướng mang. Những bận bày tranh ở xa, khi về lại
Huế thường mang theo những món quà tỷ như đôi giày đóng ở Trinh, tiệm giày nổi
tiếng trên đường Hai Bà Trưng đối diện nhà thờ Tân Định. Một đôi giày hoàn hảo
điệu đàng mà lỡ có vẽ màu dầu vằn vện lên chẳng ai có thể nghĩ ra chủ nhân ông
là một tên giao liên Việt cọng như ngày cũ.
Qua anh Đinh Cường, mình được cơ hội lân la tiếp cận với hầu hết các văn
nghệ sĩ từ phương xa ghé thăm hay “đặc sản” đất Thần kinh, những người ưa trải
lòng qua chữ viết và cọ màu. Sao những đấng phụ huynh học sinh ưa nhồi nhét,
bôi trét vào đầu óc con cái họ toàn cả sắc xám trong khi với mình đó là một đội
ngũ vượt ra ngoài những định nghĩa thông tục. Họ đắm thân trong huyễn mộng và
họ chỉ cho ta thấy đâu là vẻ đẹp của trần gian chật chội này. Thử tưởng tượng
cõi nhân sinh một ngày nọ thiếu vắng họ, bạn ra đường va vấp toàn cả bác sĩ kỹ
sư? Chỉ nghĩ thôi đã thấy oải, đã thấy thiếu dưỡng khí. Khi không có thơ văn
nhạc hoạ… e lúc đó cả “bầu trời sụp đổ” cũng vừa.
Tình bạn là thứ mà hoạ sĩ Đinh Cường luôn đặt nặng, bạn bè anh nhiều và tất
thảy đều có chung một nhận xét về người hoạ sĩ ấy: Hiền lành, ít nói, chẳng để
tâm tới những lỗi lầm mà kẻ khác mắc phải. Trịnh Cung là một bằng chứng, người
bỏ công viết bài dài gửi đăng ở trang Da Màu với những quy chụp rất dễ gây
phương hại tới bạn mình. Rất bạc ác, rất hung hiểm, rất không phải cái tâm của
một nghệ sĩ. Hoạ sĩ Đinh Cường nói, như cách mà Trinh Công Sơn từng nói: Thây
kệ! Anh khiêm nhượng tới độ khi làm thơ đã phải xin lỗi người đọc:
“các bạn nói dạo này tôi … làm thơ nhiều
tôi có lời xin lỗi vì không là… nhà thơ”.
Không là nhà thơ nhưng Thư Ấn Quán đã in cho anh tập “Cào Lá Ngoài Sân Đêm
(2014). Và giờ này, 2015, anh vừa có thêm cuốn “Đi Vào Cõi Tạo Hình” do nhà Văn
Mới xuất bản với lời thưa: “Đây là những đoạn ghi (như các đoạn ghi gọi là thơ)
về cõi tạo hình… Không phải là sách chuyên môn có phân tích và nhận định mà chỉ
thuần tình cảm chủ quan của tác giả với các hoạ sĩ đã từng gặp, đã từng tiếp
xúc…). Sách in và phần trình bày các trang bên trong quá đẹp do bởi sự tiếp tay
của hai hoạ sĩ Nguyễn Đồng- Nguyễn Thị Hợp và theo mình, đây là cuốn sách hay
nhất trong năm, đáng đọc nhất trong cái thị trường sách vở eo xèo đến tủi hổ.
Những ai từng bỏ công tìm hiểu về hội hoạ nước nhà sẽ lấy làm “buồn ngủ mà gặp
chiếu manh” khi thủ đắc được cuốn sách này. Một thứ tư liệu thoát ra khỏi vỏ
bọc khô cứng như nó vốn mang, thay vào là giọng kể lôi cuốn của một người trong
nghề (đồng bệnh tương lân), yêu nghề và yêu cả thơ văn. Mình chưa bao giờ trả
lời người hỏi: Bạn có hãnh diện chăng? Bây giờ nói hãnh diện vì có ông anh như
thế, hẳn chưa muộn, nhỉ? Không quên nhắc ở đây, đã có bài giới thiệu sắc sảo
của nhà văn Phạm Phú Minh trên Diễn Đàn Thế Kỷ, và nhà văn Phan Tấn Hải trên
Sáng Tạo với một nhận định tinh tế, chừng mực, nhẹ nhàng và tài hoa.
Antoine de Saint-Exupéry (1900-1944) có phát biểu: “Ý nghĩa của sự vật không
ở trong sự vật, mà ở trong thái độ của chúng ta đối với sự vật”. Hơn ai hết,
hoạ sĩ Đinh Cường đã từng chiêm nghiệm về điều ấy và anh đã bày tỏ cho chúng ta
rõ thái độ của anh khi viết xong cuốn sách này. Rất trân trọng, rất nên thơ,
rất trìu mến, rất uy tín.
Mình nhớ nhà văn Phạm Thành Châu có đoản văn vui nhộn nói về Đinh Cường. Ai
đó đã hỏi nhà văn, anh hay đi cùng hoạ sĩ Đinh Cường, vậy chớ diện mạo ông ấy
ra sao? Nhà văn đáp, ông có sẵn tờ giấy bạc 100 đô trong túi không? Chẳng để ý
hả, họ dùng chân dung của ông Đinh Cường để in trên đó. Ở Canada, mình nhà quê
chưa thấy qua chân dung “anh 100 đô” Mỹ, nhưng mình tin với nhãn quang tinh tế
của một nhà văn, anh Phạm Thành Châu có thể không nhầm lẫn khi tả diện mạo
người hoạ sĩ. Đúng hay sai thì dù gì nó cũng trao tới mình sự liên tưởng, hoạ
sĩ Đinh Cường là một đại gia, hiểu ở mặt anh sở hữu một gia tài đồ sộ về nghệ
thuật tạo hình, về ký hoạ, về phát thảo chân dung, về chì, than, mực xạ, màu
nước, sơn dầu. Tranh vẽ bạn bè thân sơ, tranh cho người ta làm phụ bản, làm bìa
sách. Rộng lượng, hào sản. Vui thôi mà!
Giờ này, theo thứ định luật bất biến chẳng thể tranh cãi được, anh Đinh
Cường và mình đã thôi sung như dạo nọ, đã ngập chìm trong thứ khí hậu của Thanh
Tâm Tuyền: “mùa hiu hắt thổi hoang vu quyện, lòng ta quạnh vắng như cỏ cây”. Đã
nhuốm thứ tâm trạng như Đồng Đức Bốn: “tôi giờ xa cách bao nhiêu, đem thơ đổi
lấy những chiều tương tư”. Hết sung, nhưng không có nghĩa là sáng sân trước,
chiều vườn sau để nghe “chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”. Rất biết, rất minh
mẫn, bởi vì dù sao thì chúng ta sắp đón nhận cuốn số hai của hoạ sĩ Đinh Cường
viết về thời kỳ “Hội Hoạ Sĩ Trẻ” ngang trang lứa với anh. Mong anh Đinh Cường
luôn an mạnh để tô lại lớp sơn mới trên câu danh ngôn mà chúng ta từng tâm đắc:
“Cái đẹp lụn tàn trong cuộc đời, nhưng không lụn tàn trong nghệ thuật”.
“không biết vì sao cứ nhớ hoài kỷ niệm
tại vì rừng thông bốn mùa luôn xanh lá
không như chúng ta tan tác những phương trời
và từng ngày không trốn nổi bóng cô đơn”
(Đinh Cường).
Hồ Đình Nghiêm