Lúc Ba còn đi lính, Mẹ theo Ba đóng quân ở xa, nhưng Mẹ hay về thăm Ngoại
trong thời gian Mẹ đang có thai Anh Hai với Chị Ba. Thấy Ngoại bán hủ tiếu mà
phải đi đổi nước mỗi ngày, Mẹ bàn với Ba xây cái hồ để đựng nước mưa cho Ngoại
xài. Quán hủ tiếu của Ngoại nổi danh, chung vách với thư quán của gia đình.
Nhiều nhân vật có tiếng trong vùng thời đó đều ghé ăn. Ngoại phải mướn bốn
người để phụ bếp, bưng bàn, rửa chén. Ngoại đứng lo nêm nếm và trông coi trước
sau, vừa tiếp khách vào tiệm ăn, vừa coi chừng thư quán. Ông Ngoại cũng hay đưa
mấy người bạn từ thời kháng chiến về chơi, ăn uống chuyện vãn tưng bừng. Những
ông dân cử cũng hay ghé, vì họ thân với ông Ngoại. Họ thích nghe Ông Ngoại bàn
chuyện chính trị, và hỏi ý kiến Ông Ngoại về những dự tính của họ, nhất là khi
họ chuẩn bị tranh cử. Nhiều người ăn xong, ghé qua tiệm sách, mua sách mới phát
hành về đọc. Bao tử no hủ tiếu rồi, cũng phải cho cái đầu no chữ luôn. Bà Ngoại
thì hay xí xoá, không lấy tiền khách quen đến ăn. Ông Ngoại thì hay lấy sách
mới để tặng bạn. Ông Bà buôn bán kiểu đó mà vẫn không sập tiệm, cũng là nhờ
trời giúp.
Mẹ xây cái hồ nước thiệt lớn, đủ xài quanh năm. Mái nhà lợp tôn, nên sau hai ba
trận mưa đầu mùa thì sạch bong. Nước chảy qua máng xối vô hồ, trong vắt. Người
ta nói hủ tiếu của Ngoại ngon cũng nhờ cái hồ nước. Ở mấy tiệm khác, người ta
hầm xương bằng nước phông tênh. Nước lèo của Ngoại thơm và trong veo, ngọt
thanh như nước mưa. Ăn vô, vừa khoái khẩu, vừa nghe nhẹ cả người. Ngoại lúc nào
cũng sạch sẽ, nên thực khách cũng quý bà chủ tiệm. Nhà sạch thì mát, bát sạch
ngon cơm. Tiệm Ngoại sạch bót, bát Ngoại cũng sạch luôn. Khách đến ăn, gọi tô
lớn tô nhỏ cũng đều thưởng thức đến hết.
Từ ngày Ba bị bắt đi sau cuộc đổi đời 1975, Ngoại phải về quê làm ruộng,
canh tác mấy mẫu ruộng Ông Bà Cố ngày xưa khai khẩn. Hồ nước lớn quá, chỉ mấy
mẹ con tôi xài không hết, cái hồ cũng giúp thêm vào thu nhập của gia đình. Mỗi
năm, tới mùa nắng, Mẹ lại cho người ta đổi nước để kiếm tiền đi chợ. Cuối mùa,
không còn nước để đổi, nhưng thấy người ta cần nước uống, nhất là những người ở
miệt xa, không có nước dự trữ, Mẹ cũng cho họ đổi ít đôi. Có nhiều gia đình ở
xa lắc xa lơ, đi bộ cả hai tiếng mới tới nhà tôi. Mẹ thấy thương, nhất là biết
họ nghèo, nên có khi, Mẹ cho không. Lòng từ tâm là điểm yếu của Mẹ tôi. Mẹ hay
thương người. Ai hỏi là Mẹ cho, nên có người cũng lợi dụng, có tiền mà không
trả, muốn lấy nước không. Nhiều lần Anh Hai bực, nói mình hết gạo, đi ra chợ,
có ai cho mình một lít gạo để đem về ăn đâu mà Mẹ lại hay cho người khác nước
mưa. Mẹ nói, thà cho lầm, còn hơn là đánh mất cơ hội giúp một người túng bấn.
Anh Hai lẩm bẩm một mình, “Chưa biết họ túng hay mình bấn nữa!” Mẹ giả đò không
nghe, đi xuống bếp nấu cơm.
Năm nay hạn sớm. Mới tháng Chạp mà người ta đã tới hỏi để đổi nước. Nghe nói
mấy chỗ khác đổi một đôi 8 đồng, Mẹ lấy 5 đồng. Thật ra, Mẹ sụt giá vì thương
người. Hồ nước nhà tôi sạch, Mẹ lại hiền hoà vui vẻ, nên nhiều người thích tới
đổi. Nhà tôi lại ở gần ngã tư lớn, trên đường xe đò liên tỉnh, nên rất tiện và
dễ tìm. Ngày nào cũng có hàng lượt người gánh rau cải từ dồng Sơn Qui đem ra
chợ bán, và đều đi ngang nhà tôi. Xe đò ngày mấy lượt chạy ngang, tung bụi và
tiếng còi xe tứ phía. Mỗi lần có xe chạy ngang, người đi bộ dạt vô hai bên lề,
lấy tay áo che mặt để tránh bụi. Học trò đang mặc áo trắng bỗng chốc thành áo
ngà.
Mẹ chẳng những đổi nước rẻ, mà còn cho thiếu chịu. Nhiều người đổi rồi, mấy
tháng sau giả lơ không trả tiền. Mẹ cũng không đi đòi, cứ nghĩ người ta còn
túng. Anh Hai lại càm ràm. Mẹ lại phân bua. Có người muốn kiếm lời, đổi nước
của nhà tôi rồi đem ra bán lại gấp rưỡi. Có người còn trữ lại, đến cuối mùa,
bán gấp đôi. Mẹ không tính toán như người ta, nên cũng vô tình tạo công ăn việc
làm cho họ. Hồ nhà tôi rộng. Mẹ có giữ lại đến cuối mùa nắng cũng không thiệt
đi đâu. Nhưng hễ người ta hỏi thì Mẹ cho đổi. Hình như Mẹ chỉ muốn làm phước,
dù chuyện kiếm thêm tiền cho gia đình trong lúc đó cũng rất cần. Bà Năm Giáo ở
đầu xóm hay mướn người đi gánh nước cho bả. Thấy Bà Năm lường công cô gánh nước
mướn, Mẹ cho cổ hai đôi nước để bù vào tiền công ít ỏi.
Nhưng tụi tôi bực Mẹ thì bực, nhưng không ghét mấy người đổi nước, trừ ông
Đệ. Ông Đệ có xe bán nước ở cổng Sân Vận Động. Ngày nào ổng cũng bán, vừa bán
cho học trò ở Trường Trung Học Trương Định, vừa bán cho người đi tập thể dục
trong sân vận động. Những ngày có trận đấu banh mà người ta gọi là đấu giao
hữu, hội chợ Tết, một đoàn cải lương về dựng rạp để hát, hay một buổi chiếu
phim trong sân vận động, ông Đệ lại lời to. Ổng bán không kịp, phải mướn thêm
người giúp. Nhưng ổng không bao giờ cười. Ngay cả những ngày ổng bán đắt như
tôm tươi, đếm tiền không kịp, ổng cũng không cười. Không biết trong cuộc đời
của ổng, cái gì sẽ làm ổng cười.
Tụi tôi ghét ông Đệ không phải vì ổng không bao giờ cười. Cười hay khóc là
chuyện của ổng. Tụi tôi ức vì mỗi lần tới đổi nước, ổng đều ém giá, mà lần nào
Mẹ tôi cũng đều nhượng bộ. Đã vậy, khi lấy nước, ổng còn tham lam, lấy hơn số
nước ổng đã trả tiền. Có lần, Mẹ nói, đổi nước giá này là rẻ gần phân nửa giá
của người ta, nhưng khi ổng nài nỉ quá, lại than phải lo cho Má ổng đang bịnh,
thì Mẹ tôi lại xuống giá thêm. Năm nay, Mẹ lại lấy giá rẻ tới 20 đôi nước cho
ổng.
Chị Ba bực lắm. Chị Ba mới bảy tuổi, học lớp Một, nhưng Chị Ba hay lo trong
nhà như Anh Hai vậy. Không có Ba ở nhà, nên Anh Chị tôi lo cho Mẹ, không quấy
quá và đòi hỏi như con nít ở tuổi đó. Mẹ hay chọc Anh Hai là chồng lớn, Chị Ba
là chồng nhỏ của Mẹ. Tôi mới bốn tuổi, chưa được vào danh sách làm chồng của
Mẹ. Chắc tại tôi chưa phụ giúp được việc gì trong nhà. Nhưng tôi hay đi theo
Chị Ba, nên không chừng Mẹ sẽ cho tôi làm ‘chồng Út’ sớm thôi. Chị Ba nghe
người lớn nói chắc ông Đệ mua nước nhiều về trữ, để cuối mùa bán giá cao, hoặc
để xài mà khỏi phải trả giá cao cuối mùa. Chắc ổng đem về nhà cất trong lu. Ông
Đệ có cái xe ba bánh để kéo xe nước. Ở trên thùng xe, ổng để cái thùng phuy
lớn. Cái thùng này ngày xưa đựng dầu, ổng rửa sạch để đựng nước uống. Thời đó,
lu hủ, bình thúng đều hiếm quý. Một cái thùng phuy như của ông Đệ làm được nhiều
việc lắm. Thùng lũng nhiều chỗ. Chỗ nào lũng, ổng lấy nhựa đường đen trét lên.
Chắc như bắp. Cả cái thùng lõm chõm những chỗ vá, như những cái mã lồi.
Cái thùng phuy này luôn túc trực bên cái xe nước của ông Đệ. Nó là một dấu
mốc gần như cố định ở cổng sân vận động, bên cạnh toà án. Mỗi lần đi ngang đây,
tôi không nhìn cũng thấy nó trong tầm mắt, một cái vệt đen đen ở vệ đường. Xe
nước của ông Đệ đắt khách, mà đa số là khách nam, nên tôi không thích nhìn. Ông
Đệ nhỏ thó, gầy nhom, đen ngòm. Ổng phải đứng cả ngày ngoài nắng để bán nước.
Chẳng bao giờ thấy vợ con, anh em, cha mẹ của ổng tới phụ, mà cũng không ai
biết nhà của ổng ở đâu. Ổng cứ mình ênh năm này qua năm khác.
Sáng đó, Mẹ phải về phụ Ngoại làm ruộng, nên dặn hai chị em khi nào ông Đệ
tới thì cho ổng lấy 20 đôi nước. Trời chưa nắng lắm thì ông Đệ đạp xe ba bánh,
đưa thùng tới lấy nước. Chị Ba dặn tôi, “Lần này, mình phải đếm kỹ, nếu không
ổng sẽ ăn gian như mấy lần trước.” Chị Ba leo lên giường, ngồi ở ngay mép, xếp
bằng gọn gàng. Tôi mau mắn làm theo. Chị dặn tôi, “Mình phải đếm thiệt lớn. Lần
trước, ổng trả tiền 10 đôi, mà xách tới 15 đôi. Lần này, thế nào ổng cũng ăn
gian nữa.” Chị lập đi lập lại chuyện ổng ăn gian, vì chị ghét mấy người không
trung thực.
Hai đứa ngồi ở mép giường canh chừng. Ông Đệ hứng nước xách từ phía nhà sau
lên. Nhà chỉ còn mỗi cái giường và hai cái tủ đựng quần áo. Mỗi lần có người
đổi nước, họ đi thọc từ nhà trước ra nhà sau, nối liền một cõi, trống huơ trống
hoác. Ông Đệ đi thiệt lẹ. Lần nào ổng cũng hứng nước quá đầy, ổng đi tới đâu
thì nước sóng sánh nhảy tung ra ngoài. Thường ai đổi nước cũng hứng tới chỗ tay
nắm bằng gỗ, chỗ người ta xỏ cọng dây thừng hay dây dù vô để thọc vô đòn gánh.
Ông Đệ thì luôn hứng tới nước tràn ra mới tắt vòi. Ổng xách mới có bốn đôi nước
thì đã tạo ra một con đường bằng nước từ cái hồ dẫn ra tới cái xe của ổng,
xuyên thẳng qua cái nhà chúng tôi. Chị Ba nói, ổng phí phạm như vậy, mang tội.
Chị Ba dõng dạc ngồi đếm. Tôi ngồi nghe. Đếm tới đôi thứ 20, tưởng ông Đệ
khoá thùng đạp đi, nhưng ổng lại quay trở vô lấy tiếp. Chị Ba hỏi, “Cậu đã lấy
đủ nước rồi. Trở vô làm chi vậy Cậu?” Ông Đệ tỉnh bơ, “Tao lấy thêm ít đôi, bù
vô nước bị chạt ra ngoài lúc tao xách ra xe.” Chị Ba nhảy xuống chận ổng lại,
thì ổng lách qua một bên, tỉnh bơ trở vô hứng nước. Hai chị em tức quá, nhưng
ổng ngang ngược, đành ngồi ngó chịu trận. Con nít thời học-tập-cải-tạo và
đi-kinh-tế-mới phải chịu nhiều ức hiếp như vậy, vì có cha có mẹ nhưng cứ như kẻ
mồ côi.
Trangđài Glasssey-Trầnguyễn