Trong cuộc
đời của mình, Khổng Tử không có nhiều chuyện yêu đương, ngoại trừ là chuyện lấy
vợ vào năm 19 tuổi, với thiếu nữ có tên là Nguyên Quan Thị. Thế nhưng vào thế
kỷ 21, trong bàn tay của Bắc Kinh và giới tư bản thân chính quyền, Khổng Tử
đáng thương trở thành người bị ép phải se duyên với nhiều nhà độc tài trên thế
giới.
Khổng Tử,
thánh nhân tư tưởng của các đời chế độ phong kiến nhà Hán. Ông mất năm 479
(Trước Công Nguyên), để lại một di sản bền vững về bổn phận tận trung cho giai
cấp cầm quyền, bất luận chế độ đó có mục nát hay tàn bạo đi nữa. Có lẽ vì vậy,
chính quyền Bắc Kinh luôn muốn xiển dương quan điểm này, hủ bại hoá toàn bộ các
thế hệ trẻ lớn lên trên đất nước Trung Quốc, rằng cách mạng, dân chủ hay thay
đổi đều là xấu xa hoặc cần phải bị tuyệt diệt.
Năm 2010,
khi Nobel Hoà Bình trao cho ông Lưu Hiểu Ba, một nhà tranh đấu cho nhân quyền
và tự do, Trung Quốc đã tức giận và tuyên bố rằng giải thưởng này không công
chính và “đã tạo ra 1,3 tỷ người bất đồng”. Ngay sau đó, hậu thuẫn cho giới
doanh gia thân chính quyền, Bắc Kinh đã cho hình thành giải thưởng Hoà bình
Khổng Tử – còn được ví von là Nobel Hoà bình Khổng Tử, nhằm đối chọi lại với
giải Nobel Hoà bình hằng năm.
Đây cũng là
giải thưởng có nhiều tai tiếng nhất, kể từ khi ra đời đến nay. Người nhận giải
thưởng Hoà bình Khổng Tử đầu tiên là ông Liên Chiến, cựu phó tổng thống Đài
Loan, đã từ chối sang Bắc Kinh nhận giải theo lòi mời, hơn nữa, ông còn nói
rằng chẳng biết gì đến giải thưởng gọi là “Hoà bình Khổng Tử” này.
Nhưng từ sau
mùa giải đầu tiên mang tính “rửa mặt” này, Nobel lập tức phát huy vai trò công
cụ chính trị của mình. Năm 2011, Khổng Tử kết duyên với Tổng thống Nga, nhà độc
tài đầy mưu lược Vladimir Vladimirovich Putin. Năm 2014, giải thưởng này trao
cho Fidel Castro, với lý do là hơn 70 năm tham quyền cố vị ở Cuba, ông ta đã
yêu hoà bình, không sử dụng vũ lực với Hoa Kỳ.
Lịch sử ngắn
ngủi của giải Hoà bình Khổng Tử có một điều đáng ghi nhớ: đa phần người nhận
giải đều im lặng và không đến nhận giải. Ngoài cựu tổng thống Đài Loan Liên
Chiến chối bỏ, còn có cựu tổng thư ký LHQ Kofi Annan, Chủ tịch Fidel Castro,
tổng thống Putin cũng không đến nhận giải.
Nhưng giải
thưởng Hoà bình Khổng Tử năm 2015 mới thật sự là một cuộc tranh cãi dữ dội, khi
Bắc Kinh dắt tay nhà Triết học vĩ đại của mình gả bán cho gã độc tài lừng danh
ở Châu phi, tổng thống Robert Mugabe. Ngay khi giải thưởng này được công bố bởi
Trung tâm Nghiên cứu hòa bình quốc tế của Trung Quốc (viết tắt là CIPRC), khắp
nơi đã xôn xao về sự kiện này, đa phần là mỉa mai và nhạo báng.
Lionel
Jensen, một giáo sư về ngôn ngữ và văn hóa tại đại học Notre Dame (Úc) nói trên
tờ The Christian Science Monitor rằng việc “trao giải thưởng Mugabe, tức là tự
làm nhục và hết sức coi thường di sản văn hóa của Trung Quốc.”
Là một học
giả nghiên cứu về Khổng Tử như ông Lionel Jensen, ông Daniel Bell, nhà tư tưởng
hàng đầu về giá trị của Trung Quốc và châu Á tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh
nói rằng “Khổng Tử xác định điều tối thượng mà chính phủ cần đảm bảo điều kiện
cho các phúc lợi vật chất của người dân, sau đó giáo dục cho họ.” Giáo sư Bell,
tác giả của nhiều nghiên cứu về Trung Hoa cho biết thêm rằng, “So với triết lý
Khổng Tử, Mugabe đã làm điều ngược lại.”
Tờ
Huffington Post tường thuật lại bình luận của giới trí thức qua Twitter, và
tổng kết rằng, hầu hết cùng quan điểm với nhau rằng nếu cứ theo tiền lệ này,
khả năng chiến thắng của năm tới là Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên. Các ý kiến
khác còn vui đùa thêm rằng buổi lễ có thể sẽ diễn ra tại The Hague, Hà Lan, Tòa
án Quốc tế.
Bắc Kinh
ngợi ca Tổng thống Mugabe là đã “giữ được ổn định khu vực và phát triển kinh
tế”. Có thể đó là lý do Bắc Kinh trao giải cho ông ta nhưng Robert Mugabe thì
được thế giới biết đến nhiều nhất bởi vi phạm của ông về nhân quyền, bao gồm cả
các vụ thảm sát hơn 20.000 người dân ở các tỉnh Matebeleland và Midlands trong
năm 1980 để giữ gìn chế độ. Sức mạnh cai trị của Mugabe ở Zimbabwe là ám sát,
đàn áp, tra tấn và dùng nhân viên an ninh mặc đủ loại thường phục để trấn áp
mọi ý kiến bất đồng.
Zimbabwe là
quốc gia lừng danh về sản xuất kim cương, nhưng mỗi viên kim cương xuất đi từ
quốc gia này, đều thấm máu của người lao động hay nước mắt của người dân nghèo
phải mang vác món nợ công bởi sự hoang phí của giai cấp cầm quyền.
Năm 2005, bộ
phim “The Interpreter” do diễn viên Nicole Kidman và Sean Penn thủ vai, nói về
một nhân vật hư cấu có tên là Edmond Zwanie. Câu chuyện rất giống cuộc đời của
ông Mugabe, từ một giáo viên ăn nói nhỏ nhẹ đi làm cách mạng, đã hóa thành bạo
chúa. Sau khi coi bộ phim này, ông Mugabe đã hành động y hệt như chủ tịch Kim
Jong-un, tức là tuyên bố bộ phim do “CIA tài trợ” nhằm âm mưu lật đổ ông. Phim
The Interpreter ở Zimbabwe hay The Interview ở Bắc Hàn cũng bị cấm lưu hành như
nhau, và bị gọi tên là “âm mưu chống lại chính quyền của nhân dân”.
Nhưng vì sao
Trung Quốc lại háo hức trao tặng giải thưởng mà họ cho là cao quý nhất cho nhà
độc tài Mugabe, bất chấp dư luận? Câu trả lời mang tính nguyên tắc vĩnh cữu là:
Bắc Kinh không bao giờ làm gì mà không có lợi cho mình. Mối giao hảo của
Zimbabwe và Trung Quốc ngày càng đậm sâu hơn, kể từ chuyến thăm cấp nhà nước
kéo dài 5 ngày của Mugabe vào năm 2014. Các báo cáo tài chính được Forbes tiết
lộ, cho biết đầu tư của Trung Quốc tại Zimbabwe đã vượt lên hơn 600 triệu USD,
nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Phi khác. Và mối giao hảo này được gắn kết rõ
hơn thông qua ít nhất hai công ty Trung Quốc, là Anjin Investment và Tế Nam để
khai thác, điều hành mỏ kim cương Marange cực kỳ quý báu của Zimbabwe.
Trong cuộc
chơi chính trị, kinh tế, văn hoá… của các quốc gia lớn, Trung Quốc cũng muốn
góp mặt mình vào đường đua của các nước phát triển, kể từ khi kinh tế của họ
phất lên. Giải Hoà bình Khổng Tử là một ví dụ. Khi gã nhà giàu mới nổi nghĩ
rằng mình có tất cả, đôi khi họ cũng cần có chút thời gian để thảng thốt nhận
ra rằng thịnh vượng không đồng nghĩa là có được cả văn hoá. Minh chứng cụ thể
nhất, là khi họ sẳn sàng gả bán văn hoá của dân tộc mình để đổi lấy chút leng
keng tạm bợ của đồng tiền.