13 October 2015

TẤM HÌNH ĐẦU TIÊN - Trangđài Glasssey-Trầnguyễn

Mẹ từ vùng kinh tế mới về thăm nhà mấy ngày Tết. Mẹ chỉ được nghỉ phép ba ngày. Cả bận đi và về, chuyến xe buýt liên tỉnh đã nuốt chửng cả một ngày trong chuyến thăm nhà ngắn ngủi của Mẹ.
Mẹ vừa về tới thì Dì Thơ quày quả đi chợ để mua thức ăn. Bữa đó là ba mươi Tết. Dì Thơ muốn nấu một bữa cơm ngon cho cả nhà. Dì đi chợ mỗi ngày. Nhà không còn tủ lạnh sau mấy đợt tịch thu. Khi Dì Thơ đi đâu lo công chuyện, Anh Hai coi chừng Chị Ba và tôi. Anh thường ẵm tôi thiệt gọn và nếu tôi khóc, anh sẽ hát những bài ru em mà anh học được lúc Mẹ ru Chị Ba ngủ hồi Chị Ba còn nhỏ. Anh Hai rất thích tôi. Anh nói tôi dễ thương lắm. Anh nói anh thương tôi nhất trên đời. Anh Hai nghĩ, nếu mình thương ai nhiều, thì sẽ cưới người đó. Nên Anh hứa là sẽ cưới tôi làm vợ khi tôi lớn. Tôi thường tự lăn ra ngủ mà không cần dỗ, nhưng khi nào phải dỗ tôi, thì Anh Hai nói Chị Ba ngồi yên chờ, hoặc kêu chị chơi với mấy cái nồi đất mà Anh nắn cho Chị Ba. Nếu Chị Ba vẫn không chịu, Anh Hai sẽ ẵm tôi ngồi xuống bên cạnh Chị để dỗ dành. Nhưng hôm đó Mẹ đã về, và Anh Hai lại được làm con nít bốn tuổi rưỡi. Anh Hai không phải coi em. Mẹ sẽ coi cả ba đứa.

Không ai biết chừng nào Mẹ về thăm nhà, nhưng ai cũng trông. Mẹ không có cách gì để giữ liên lạc với chúng tôi sau khi Mẹ trở lại trường khi mới sanh tôi được hai tuần. Không có điện thoại. Bưu điện thì không có và cũng không đáng tin cậy ở chỗ trường Mẹ. Mà một con tem thì bằng cả gia tài. Mẹ phải dạy sáu ngày một tuần, và không được rời trường ngay cả trong ngày Chúa nhật. Nhưng mà khi Mẹ về, ai cũng mừng rỡ, đợi trông, ngạc nhiên. Như Tết vậy. Ai cũng nôn nao đón Tết, dù biết rằng năm nào Tết cũng đến vào một ngày nhất định nào đó. Chúng tôi biết Mẹ sẽ về thăm, chắc là vào dịp Tết. Chúng tôi đặt hết hy vọng vào việc ai cũng về nhà ăn Tết. Mẹ đã đi hết năm tháng trời rồi. Đã đến lúc chúng tôi được gặp Mẹ.

Anh Hai với Chị Ba mừng rơn. Mẹ mua hai chục vú sữa ở mấy chỗ xe buýt ngừng dọc đường. Mấy người bán dạo thường bưng thúng bưng mũng chạy tới bên hông xe để mời những người trên xe mua đồ trong khi xe chờ những hành khách khác người lên kẻ xuống. Cho dù tài chính gia đình có đen tối đến đâu đi nữa, Mẹ cũng luôn đem quà bánh về cho chúng tôi khi Mẹ đi xa về hoặc lần này, là sau khi Mẹ xa nhà suốt mấy tháng trời. Ai cũng cần phải ăn. Nhất là những đứa con nít đang tuổi lớn. Vú sữa rộ ngay mùa Tết, giá cả thì thấp mà hàng lại nhiều và ngon. Mẹ mua vú sữa trắng. Dì Thơ thích vú sữa tím hơn. Dì nói nó đẹp. Đối với Dì, thức ăn không chỉ là chuyện dinh dưỡng. Ăn uống phải đi đôi với vẻ đẹp và hương vị. Nên mỗi ngày Dì nấu ăn cho chúng tôi với hai tiêu chuẩn đó: vừa bắt mắt, vừa đảnh lưỡi.
Mẹ mới hỏi thăm chuyện nhà, thì Chị Ba đã giành phần, không để Anh Hai nói. Chị nôn nóng nói cho Mẹ biết là Chị rất nhớ Mẹ, còn tôi thì cứ làm ‘em bé em bé’ - ý Chị muốn nói là tôi còn rất nhỏ, và Anh Hai cũng có khi ăn hiếp Chị. Chị nói Dì Thơ không còn cho Chị ăn bánh kẹo buổi chiều nữa, như hồi đó Mẹ hay cho ăn lúc Ba còn ở nhà, nhưng không sao. Chị nói là Chị biết mọi chuyện đã thay đổi. Chị tuyên bố là Chị đã tập chấp nhận những hy sinh như vậy cũng như chịu đựng những sự thiếu sót của người lớn. Mẹ lặng lẽ cười với những lý sự của Chị Ba, ôm Chị vào lòng, và vuốt tóc Chị.
Anh Hai đứng yên chờ rồi khi tới lượt mình được nói, Anh hỏi Mẹ có khoẻ không. Trong nhà không còn điện thoại nữa, không như từ hồi Anh còn nhỏ cho tới năm Anh bốn tuổi. Anh Hai nói sao mà Mẹ ốm nhom mà còn đen thui nữa. Mẹ ngần ngừ một lúc rồi nói ở chỗ trường của Mẹ cũng được lắm, lúc nào Mẹ sẽ thu xếp đưa Anh Hai lên chơi. Anh Hai chỉ đồng tình một cách hạnh phúc và bình thản, nhưng chưa gì thì Chị Ba lại nhảy tót lên đùi Mẹ lần nữa và nói Chị cũng muốn đi.
Mẹ rửa hai trái vú sữa thiệt lớn rồi đưa cho Anh Hai và Chị Ba. Anh Hai giựt cái cuống ra cho Chị Ba, rồi giựt cho mình. Cả hai cùng rạng rỡ sung sướng. Bốn bàn tay trẻ thơ bao lấy hai trái vú sữa như thể chúng là những gì quý giá nhất trên cõi đời. Rồi từ từ, bốn bàn tay bóp nhẹ vào hai trái vú sữa, hai mươi đầu ngón tay ấn vào lớp da xanh lơ bóng láng từng ngón một, và bốn lòng bàn tay ép vô hai trái vú sữa. Khi những giọt nước trong ngọt lựng trào ra ở chỗ cuống, thì cả hai cùng bắt đầu mút. Trước hết, là nước. Sau đó, là cơm. Cả hai ăn ngon lành và cẩn trọng đến nỗi Mẹ chỉ ngồi đó mà nhìn. Mẹ ôm tôi trong lòng, miên man nhìn hai đứa con đến nỗi không thấy Dì Thơ dẫn xe đạp vô nhà với một cái giỏ đầy rau và một con cá bông lau nhỏ. Chừng đó cũng đã rất thịnh soạn so với bữa cơm hằng ngày của chúng tôi. Dù Mẹ gửi hết ba phần tư tiền lương của Mẹ về nhà qua Ngân hàng Nhà Nước, nhưng lương của Mẹ ít quá. Trong số ba phần tư Mẹ gửi, thì một phần tư Mẹ gửi cho Ông Bà Ngoại, hai phần tư là để Dì Thơ lo cho chúng tôi. Chúng tôi sống đắp điếm qua ngày. Người dân nào cũng vậy trong những tháng ngày ngay sau cuộc đổi đời 1975.
Nhìn thấy hai đứa cháu chìm đắm với hai trái vú sữa, Dì Thơ chọc hai đứa là thảo ăn, cái bụng bự hơn trái tim, và đi xuống phía sau để nấu cơm. Mẹ lấy cái thau lớn để giặt giũ tắm rửa ra. Mẹ xuống lỗ hồ hứng nước mưa từ trong vòi ra, rồi đổ vô thau để tắm ba đứa chúng tôi. Chị Ba giành cơ hội được tắm trước. Chị Ba mau mắn cởi quần áo rồi nhảy vô thau. “Mẹ ơi, Mẹ làm cột cờ trên tóc con nghe Mẹ!” Chị Ba nài nỉ. Mẹ nghe vậy thì bật cười lớn. Sau khi gội xà bông trên tóc Chị Ba, Mẹ vuốt tóc Chị, gom hết lên đỉnh đầu, rồi làm thành cái cột cờ. Tóc Chị Ba lúc nào cũng dày và đen nhánh từ nhỏ, mà sau này thường làm đứng tim mấy anh chàng thư sinh trong vùng. Chị Ba đứng dậy, lắc lư tới lui một hồi để khoe cột cờ. Rồi lấy đà, Chị Ba xin Mẹ cho mặc đồ mới Mẹ vừa đem về. Mẹ cho liền. Chị Ba nhún nhảy chạy lui chạy tới trong cái áo lạnh Mẹ mới móc cho Chị. Chị Ba lóng lánh như ông mặt trời mùa hè giữa buổi sáng chớm Xuân êm đềm đó.
Mẹ thay nước rồi tắm Anh Hai. Bữa nay Anh Hai im lặng cách lạ lùng. Tắm nửa chừng, Anh Hai nói Mẹ để Anh Hai tự tắm lấy. Anh nói Mẹ để Anh tắm xong một mình, còn Mẹ thì vô ẵm tôi. Anh Hai kỳ cọ thật kỹ lưỡng. Rồi bước ra khỏi thau với sự cẩn thận ý tứ, Anh lấy khăn, lau khô mình mẩy rồi mặc quần áo vô. Lúc đó thì Mẹ cởi quần áo cho tôi và cho tôi ngồi vô thau. Mẹ bắt đầu chà xà bông lên mình tôi. Mẹ gội đầu cho tôi sau cùng vì không muốn đầu tôi bị ướt và lạnh lâu, dễ bị cảm. Mẹ nói với Anh Hai là tôi đã sáu tháng rồi. Mẹ buồn vì không được lo cho tôi trong thời gian quý giá nhất của đời tôi, những tháng vàng ngọc đầu tiên. Nhưng Mẹ cũng an tâm vì tôi mũm mĩm một cách lạ kỳ. Mẹ nói tôi có bản năng sinh tồn cao. Dì Thơ nói xen vô là tôi không chịu khóc. Tôi quá ngoan trước tuổi, làm cho Dì lo. Dì nói chắc là tôi đã biết rõ hoàn cảnh gia đình từ hồi còn ở trong bụng Mẹ, nên tôi đã quyết định làm đứa nhỏ dễ nuôi. Mẹ nói chắc Dì Thơ cho tôi bú nhiều nên tôi tròn trịa. Mẹ nói một tháng nữa, tôi sẽ bắt đầu ăn thức ăn bình thường. Anh Hai và Chị Ba nói sẽ để cho tôi ăn trước rồi khi tôi đã no thì Anh Chị mới ăn. Anh Chị muốn tôi lớn mau.
Mẹ đã xếp đặt mọi việc cho hai ngày Mẹ được ở nhà. Những việc quan trọng, như quần áo mới cho Anh Chị, đồ ăn khô cho Ba trong trại cải tạo, gạo để dành cho ít tháng nữa, và tấm hình đầu tiên của tôi. Mẹ kêu ông thợ chụp hình trong xóm tới chụp một tấm chân dung cho tôi. Ổng có một cái máy chụp hình duy nhất để ghi lại những bức ảnh hiếm hoi về đời sống của người dân trong cả thị xã lúc đó. Mọi người đều trông cậy vào ổng và cái máy chụp hình của ổng để giữ lại một vài hình ảnh cho đời.
Ông Sáu Đê là một người đàn ông ốm nhách, cao nhồng. Ổng hút thuốc rất nhiều, và khi ổng không chụp hình, ổng thích nằm trên võng trong vườn để nhìn lên trời và nghe mấy con chim trong lồng hót. Vợ ổng nói ổng làm biếng. Ổng không muốn làm gì khác ngoài chuyện chụp hình và chơi với mấy con chim. “Tui là nghệ sĩ,” ông tuyên bố với vợ. “Nhiếp ảnh là một nghệ thuật,” ông nói thêm, vừa nói vừa nhún vai. “Nhưng bao lâu mới có một người tới chụp hình?” vợ ổng hỏi. Năm thì mười hoạ. Gần Tết thì có nhiều người muốn chụp hình hơn, nhưng cả năm chỉ có mấy ngày Tết. Bà vợ là thợ may. Khách tới may đồ mỗi ngày, và bà phải may cả ngày cả đêm, rồi còn nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái. Bà còng lưng may quần áo cho cả thị xã. Hồi đó, chưa có quần áo may sẵn ngoài chợ như bây giờ. Mình mua vải theo hộ khẩu, rồi tới tiệm may để may quần áo. Thợ may như Bà Đê phải làm lụng cực khổ quanh năm, nhất là mùa cưới hay mùa Tết. Bởi vậy, bả kêu ổng phụ bả mần công chuyện trong nhà. Nhưng ông thợ chụp hình không nhúc nhích. Ổng ngồi quanh, chờ khách hàng đến chụp hình theo mùa.
Khoảng một giờ chiều, Ông Sáu Đê đạp xe tới nhà tôi để chụp hình. Mẹ mặc cho tôi cái áo mới Mẹ móc cho tôi mà Mẹ đem về hồi sáng. Mẹ móc với mấy cuộn len còn sót lại sau mấy đợt tịch thu. Mẹ đã chọn loại len quý màu trắng ngọc này trong một lần đi Saigon năm 1974. Mẹ luôn mua sẵn nhiều len để móc và đan áo quần nón vớ cho chúng tôi. Lần này Mẹ về, mỗi đứa đều được quần áo mới để ăn Tết mà Mẹ chịu khó móc cho chúng tôi ngoài giờ đi dạy. Mẹ đặt tôi nằm sấp trên giường, vật dụng duy nhất trong nhà thích hợp cho việc chụp hình sau mấy đợt tịch thu. Cái bàn ăn dở khóc dở cười nhìn bệ rạc quá.
Mẹ kêu tôi cười. Tôi nhìn Mẹ không chớp mắt. Mẹ cố đọc suy nghĩ của tôi rồi giả giọng, như đang nói thay tôi, “Chắc con đang thắc mắc: Cô này là ai vậy ta? Sao mà cổ cứ chạy qua chạy lại chi vậy? Mà sao mình thấy cổ quen quen. Thấy cổ cũng hay hay đó. Mình cũng thích nhìn cổ mà.”
Mẹ giả bộ nói giọng em bé, sửa chữ mỗi lần phát âm để làm cho nó nghe mắc cười. Tôi không cười. Tôi quyết định là tôi sẽ nhìn nghiêm trang trong tấm hình đầu tiên của mình. Tôi chỉ mở tròn mắt, nhìn xung quanh, và nằm im. Tôi đang vừa ý. Tôi luôn cảm thấy vừa ý. Dì Thơ thích tôi đặc biệt vì trong số tất cả đám cháu trai và cháu gái mà Dì chăm sóc, tôi là đứa dễ nhất, không đòi hỏi gì, và rất dễ nựng. Mẹ thử xoay tôi qua hướng khác. Tôi nhìn Mẹ làm đủ trò trước mặt tôi, còn Ông Sáu Đê nhấp nhỏm chờ và nhắm máy hình vào tôi cách vô ích. Chị Ba hăng hái muốn nhào vô chụp hình, và cười toe chành hai cái mang tai. Nhưng Mẹ nói Chị phải đợi. Mẹ chỉ để dành được đủ tiền để chụp một tấm hình thôi. Chị Ba mất hứng, nhưng rồi Chị mau chóng vui trở lại và ngồi theo dõi mọi biến động xung quanh.
Sau nửa tiếng đồng hồ, Ông Sáu Đê bắt đầu nóng ruột. Ổng nói với Mẹ là nếu tôi không biết cười, thì ổng đành chụp hình tôi xụ mặt. Vì tôn trọng thời gian và sự kiên nhẫn của ổng, và nhận ra sự kiên quyết của tôi, Mẹ chịu thua. Vậy là xong. Trong tấm hình đầu tiên của tôi có một đứa bé bụ bẫm, nhìn chăm chăm lên trên, không chịu cười. Có gì để cười chứ? Có ai hỏi tôi coi tôi có muốn chụp hình hay không đâu. Mẹ nói thiệt là may vì tôi không khóc cũng không làm dơ tã trong suốt trận chiến nhọc nhằn. Không cười. Chỉ tròn xoe mắt nhìn lên.
Trên mặt sau của tấm hình trắng đen 2.5x3, Mẹ cẩn thận viết tên tôi và dòng chữ, “Sáu tháng mong Ba.” Hoàn toàn là ý tưởng của Mẹ. Tôi có biết là Ba có trên đời đâu, hoặc là Ba có liên can gì đến tôi không? Tôi không nghĩ là mình có khái niệm gì về “Ba" hay là chính tôi cũng có một “Ba.” Còn biết bao đứa trẻ khác như tôi, sanh sau tháng Tư 1975, không gặp mặt cha cho đến ngày cha họ được thả về từ trại cải tạo.

Trangđài Glasssey-Trầnguyễn