06 October 2015

TỰ SƯỚNG - Hồ Đình Nghiêm



Girl with a Pearl Earring (Meisje met de parel) là tác phẩm sơn dầu của hoạ sĩ Johannes Vermeer (1632-1675), người Hoà Lan, được vẽ năm 1665. Nhà văn Tracy Chevalier đã dùng bức tranh làm hình bìa cuốn truyện nổi tiếng dày 233 trang mang cùng tên, xuất bản vào tháng giêng năm 2001. Hai năm sau, tiểu thuyết gây tiếng vang ấy được chuyển thể thành phim ảnh với nữ tài tử xinh đẹp Scarlett Johansson đóng vai chính, nhập vào nhân vật Gried, cô giúp việc nhút nhát e thẹn cho hoạ sĩ Vermeer.

Mới đây, từ khi “cơn dịch” facebook lan rộng khắp hang cùng ngõ hẹp, tín đồ facebook nhiễm phải căn bệnh tự sướng. Một cao thủ thượng thừa về computer, về photoshop đã dùng tài nghệ mình có để sửa lại bức tranh “Thiếu nữ với bông tai ngọc trai” tay cầm máy ảnh tự chụp lấy dung mạo mình. Người bỏ công vẽ rắn thêm chân nọ, qua bức hình cạo sửa gửi vào thế giới ảo một lời nhắn, một cảnh tỉnh, rằng chúng ta đang sống trong một tình huống mất cân bằng ở mặt tâm sinh lý, ưa bày hàng và đi gần tới cá nhân chủ nghĩa, Người ấy cho hay ở những phòng trưng bày tranh, ở viện bảo tàng giờ này chẳng có mấy ai bỏ thì giờ ra thưởng ngoạn, lấy làm hạnh phúc khi đứng ngắm nghía tranh ảnh, họ quay lưng với các tác phẩm thuộc dạng kinh điển để rồi dùng iphone hoặc những máy móc tân kỳ “tự sướng” ghi lại chân dung mình “chảnh” với những đứa con tinh thần của biết bao hoạ sĩ “sư tổ” trên thế giới nằm chết trân trên tường, ở sau lưng.

Facebook, nôm na là một sân chơi không có điều luật. Vì đạt tới cao điểm của tự do nên vua chúa cũng như bầy tôi đều sát cánh bình đẳng ngồi chung một chiếu. Vàng thau lẫn lộn, đồng sàng dị mộng, mang tật lộng ngôn, ăn nói linh tinh… tất cả đều đi tới một chung cuộc: Tự sướng. Selfie, nó gần là sự tự mãn của “nghệ thuật” thủ dâm. Người ta đạt được khoái cảm, những dâng trào khi nhập cuộc, giải toả các ẩn ức bức bối để mua vui hơn cả một vài trống canh. Bước ra cõi mộng chẳng rào cản kia, người ta hoàn hồn trở lại những bất ưng hiện thực, hết bán trời không văn tự. Hãy mường tượng ra một con đường thoáng rộng trải nhựa êm ái, không có cảnh sát công lộ, chẳng đèn đỏ đèn vàng, hổng thấy bảng Stop. Phây phây, chớ tội tình chi mà phải ngó trước trông sau, vô tình, tất thảy đều phóng bạt mạng vượt quá thứ tốc độ “siêu khủng”. Nhanh vãi! Và hệ quả, người ta đâm ghiền nhớ thứ không gian vô tổ chức kia.
Có lắm kẻ thử đưa những xúc cảm vụn vặt núp bóng bằng vần điệu thơ văn và họ phát hiện điều giản dị: Hoá ra chả có gì khó nuốt cả, dễ như ăn ớt. Hoan hô “mảnh đất lắm người nhiều ma” nọ. Hoan hô vùng trời tự do bình quyền chém gió. Ngày hôm nay đã đổi với bao dung thứ, không như ngày hôm qua trần ai khoai củ đẻ ra một bọn người ngồi trong toà soạn các tạp chí chuyên săm soi thư đi tin lại: “Đã nhận sáng tác của quý vị, chúng tôi rất tiếc là không thể đăng được, xin gửi tiếp các sáng tác khác. Tình thân”. Ông Nguyễn văn A, bà Trần thị B mua tờ tạp chí hối hả đọc lấy phần mục hộp thư toà soạn trước tiên. Buồn năm phút! Quý vị ấy có thể can đảm “thua keo này bày keo khác” và cũng không chừng quý vị giận hờn nghỉ chơi “em ơi lửa tắt bình khô rượu”. Chán mớ đời! Như thể bị tạt một gáo nước lạnh!
Nhà thơ Tô Thuỳ Yên từng phát biểu: “Kẻ làm thơ tài ba là kẻ đó viết ra rất nhiều nhưng chỉ giữ lại một ít”. Không giữ có nghĩa là vất bỏ chẳng tiếc thương? Điều này có thể hoán đổi ra: Một kẻ làm thơ tầm thường là kẻ năng nổ viết nhiều và giữ riết tất thảy, a tới z. Sự lập ngôn của Tô Thuỳ Yên, người viết ra nhiều bài thơ giá trị “đẳng cấp” dường như đã không linh đối với các nhà thơ “đương đại”. Họ tuồng háo hức, sôi nổi để nghe lời khuyên nhủ của Mao chủ tiệm bên nước lạ dạo nào: “Các đồng chí chiến sĩ trên mặt trận văn hoá quý mến, các đồng chí cứ kiên cường sáng tác cho xung lên, cho thật đại trà, thế nào trong cả ngàn hạt trấu cũng nhặt ra được một hạt gạo trắng. Một hạt ngọc trời cho, há chẳng phải là thứ báu vật đó ru?” Nếu bắt phải bình loạn về sự cố kia, e kíp mượn lời thơ của người khuất núi Nguyễn Tất Nhiên là xét thấy phải đạo:

“Buồn ơi tôi bỏ tôi chìm đắm
Trong tiếng làm thinh của ghế bàn”.

Những người mến chuộng facebook chắc hẳn lòng họ luôn tơi bời tâm sự, không nói ra, chẳng tỏ bày e ngủ hổng xuống. (Hoặc ngủ theo kiểu Trương Phi, tuy chìm giấc điệp mà hai mắt vẫn mở thao láo. Bố khỉ, làm thích khách phải á khẩu thót tim mà buông đao!) Họ uống thuốc an thần chẳng dòm theo toa bác sĩ. Nốc bốn năm viên mỗi ngày thay vì một trước khi lên giường. Có sao đâu? Hà cớ gì đằng ấy lại đi cà khịa bảo tớ bị overdose vậy cà?
Có hiền hữu hỏi mình sao không giỏi chân đi vào chốn gió cát kia? Mình thưa theo kiểu cung oán cọng với đoạn trường tân thanh:

“Sân rêu chẳng vẽ dấu giày
Cỏ cao hơn thước liễu gầy vài phân”.

Mình yêu thứ hình ảnh nọ, ai khôn mặc họ, mình dại khờ tìm nơi vắng tẻ cô quạnh “mình ên”. Sức người có hạn, đã không buông bỏ đặng, sao còn dang tay ôm đồm thêm mộng ảo vào thân? Mình vụng nghĩ, trong vô vàn cách tu thân, tịnh khẩu như bình là thứ cần rèn luyện trước tiên. Bởi khi nói ra điều gì, lấn cấn nhớ sực lời tiền nhân chỉ dạy: “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Có mang chút gì giả dối? Phát ngôn mà phải động não so đo thua thiệt tốt xấu chắc ăn cốt sao cho đối tượng mát ruột sướng rêm thì thà giả ngây giả dại qua truông kiểu Bùi Giáng:

“Tôi điên là bởi tôi điên
Cầm tay cô hỏi cho phiền lòng nhau”.

Than ôi! Chung cuộc mình đích thị là kẻ lạc hậu mất rồi! Hoặc đang điên tới nơi. Sắp té giếng! Đến ngay cả thiếu nữ đeo bông tai bằng ngọc trai dát mỏng người trong tranh cũng cầm lòng không đậu, rất liêu trai “nàng” bước xuống đời hao gầy để cầm camera mà tự sướng một phát cho bỏ những ngày cơ cực. Nghe như có tiếng nàng chờn vờn vang vọng: Tốt khoe xấu che. Ta há chẳng phải là một mỹ nhân làm xiêu đổ thành quách đó sao? Hãy trầm trồ bình luận cho ta một đôi hàng và quan trọng, hãy vui tay mà nhấn vào chữ Like. Không facebook nhà ngươi tự sướng bằng cách gì, hở bây bi?

Hồ Đình Nghiêm