Dù ở phương trời nào, tuổi trẻ Việt Nam
vẫn tìm đến với nhau để hướng về tổ quốc.
Tuổi Trẻ về Đêm
Trong các sinh hoạt lãnh đạo sinh viên lúc còn học cử nhân tại Cal State
Fullerton, tôi thường có dịp gặp gỡ, trao đổi, hoặc cố vấn cho các bạn sinh
viên trẻ hơn. Tại một đại hội huấn luyện lãnh đạo dành cho sinh viên Mỹ gốc Á ở
Nam California được tổ chức tại Loyola Marymount hồi đầu thập niên 2000s, tôi
đã có một cảm nghiệm rất đẹp về giới trẻ gốc Việt lớn lên ở Mỹ.
Chương trình huấn luyện cho sinh viên trong vai trò lãnh đạo tại các đại học
ở Nam California mang tên “Training the Next GenerAsian.” Hôm đó, tôi đến muộn,
sau khi hướng dẫn lớp Tập Làm Văn cho các Thầy Cô Việt Ngữ trong khoá Tĩnh Huấn
và Tu Nghiệp Sư Phạm tại Trung Tâm Công Giáo, Giáo phận Orange, California. Tôi
được xếp vào chung bàn tròn với các ‘thủ lãnh’ sinh viên gốc Việt khác. Cả bàn đều
thích thú hồ hởi khi nghe tôi nói có cả trăm Thầy Cô đang tu nghiệp để đi dạy
Việt Ngữ. Do đó, các bạn chọn tôi đại diện cho cả nhóm phát biểu. Hơn nữa, tôi
cũng là sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ngành Sắc Tộc Học Á Mỹ (do tôi dịch từ
Asian American Studies) tại Cal State Fullerton năm đó (2001), vì chương trình
vừa được đưa lên làm major (ngành chính) sau nhiều năm làm kiếp minor (ngành
phụ).
Tối đó, chúng tôi quên ngủ. Các sinh viên Việt tụ nhau lại, kéo nhau đi quanh
phố, tập hát quốc ca Việt Nam Cộng Hoà với nhau, kể chuyện đời của nhau, thông
cảm với nhau, gắn bó với nhau. Chúng tôi đến với nhau một cách dễ dàng và hồn
nhiên. Khi về đến khách sạn, chúng tôi vẫn hát vang trời, cho đến khi sợ
receptionist không cho vào cửa, chúng tôi mới tạm ‘im hơi’ và sau khi vào đến
phòng thì mới không ‘lặng tiếng’ nữa, mà trở lại lao xao những chuyện lòng.
Chúng tôi như những người bạn lâu không gặp, tâm sự thâu đêm, dù chúng tôi chỉ
mới gặp nhau có một ngày.
Kỷ niệm này làm tôi nhớ đến lần tôi được dự Lễ Kỷ Niệm 25 năm thành lập Công
Đoàn Đoàn Kết Ba Lan, mùa hè năm 2005, tại Gdanks, một phố cảng tuyệt mỹ của
nước này. Cô Tôn Vân Anh, một nhà hoạt động trẻ tại Warsaw, đã khéo léo và
quyết liệt kéo tôi ở lại để dự lễ khi tôi đến Thủ đô Ba Lan trong Dự án nghiên
cứu về người Việt tại Đông Âu. Tôi tá túc với gia đình của Anh Trần Ngọc Thành,
một nhà hoạt động dân chủ, một thành viên chính của Đàn Chim Việt và Tập Hợp
Dân Chủ Đa Nguyên tại Warsaw. Vân Anh đã sốt sắng đưa tôi đi làm mọi giấy tờ
cần thiết để ở lại, nhất là việc đổi vé máy bay vốn khá rắc rối.
Cả đoàn Việt Nam đi từ Warsaw xuống Gdanks có đến mấy xe. Tới nơi, mọi người
lục tục cất hành lý vào hostel, rồi kéo nhau đi phố. Vì đã trễ, nên hầu như các
cửa tiệm đều đã đóng cửa. Chúng tôi chỉ đi một vòng, ăn nhẹ, rồi về. Trên đường
về, mấy đứa con gái chúng tôi: Vân Anh, Thu Hương, Thuỷ, và tôi, cặp tay nhau,
dung dăng dung dẻ. Các em (tôi ‘cao tuổi’ nhất trong nhóm) kêu tôi dạy hát. Tôi
lại hát quốc ca “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…,” hát “Từ Nam Quan
Cà Mau…” và những bài sinh hoạt khác mà tôi biết. Những âm thanh mà chúng tôi
tạo ra trong đêm Gdanks khuya vắng, nghe rõ thật rõ. Tôi nghĩ, một sự nối kết
vô hình: chúng tôi đến đây để kỷ niệm một phong trào giúp Ba Lan phá tan xiềng
xích Cộng Sản. Đoàn Việt Nam chúng tôi đến với sự ưu ái của Ban Tổ Chức, với
phần phát biểu của Tiến sĩ Diệu Chân đến từ Bắc California. Chúng tôi đều ước
ao cũng có Công Đoàn Đoàn Kết tại Việt Nam, để giúp quê hương chúng tôi thoát
gông cùm Búa Liềm.
Tuần trước đó, bốn cô con gái chúng tôi cũng dắt tay nhau ở Warsaw, cũng mua
trái cây, rồi kéo nhau về căn hộ của Vân Anh, tỉ tê, nhấm nháp. Các bạn đều đến
từ miền Bắc, nên việc tham gia vận động cho dân chủ ở Việt Nam vẫn không dễ
dàng được gia đình ủng hộ. Tôi lắng nghe tâm sự của các bạn, đón lấy những trái
tim mạnh mẽ và đầy lửa, vừa ngưỡng mộ, vừa hạnh phúc. Tôi thương nhất là cảnh
của Thu Hương, mỗi lần đi họp hay biểu tình, đều phải đối diện với sự bất đồng
của cha mẹ. Bây giờ, cô đã thành một bác sĩ, đã có sự nghiệp riêng, đã lập gia
đình và có quý tử, chắc không còn khổ sở giằng co như khi còn ở với cha mẹ nữa.
Mười năm rồi. Đã lắm đổi thay.
Một người Việt tại Warsaw đã nói với tôi, rằng người Ba Lan rất thương người
Việt. Nếu không, họ đã không để cho người Việt đến định cư (không giấy tờ)
nhiều như vậy. Tôi nghĩ, có lẽ vì hai nước Việt Nam và Ba Lan đều có chung một
nỗi khốn cùng: chịu đô hộ của chế độ Cộng Sản. Ba Lan đã thoát gông cùm, nhưng
Việt Nam vẫn còn oằn oại không dứt. Robert Krzyszton, một nhà hoạt động dân chủ
nhiều năm, khi cùng Tôn Vân Anh đưa tôi đi tham quan Warsaw, đã chỉ vào ngôi
nhà Stalin cao ngất và bảo, “Đây là di tích của 50 năm Cộng Sản Xô Viết đô hộ
Ba Lan. Nó là một di tích lịch sử đầy tủi hận của dân tộc chúng tôi. Bây giờ đã
hết Cộng Sản, nhưng chúng tôi không biết phải làm gì với cái của nợ này. Nó vừa
là di tích lịch sử, vừa là một vết nhơ.” Những bằng chứng tội ác của Cộng Sản
còn đầy dẫy ở Ba Lan. Trong lúc đi từ Warsaw đến Gdanks, khi qua một đoạn đường
dài được lót nhựa thẳng tắp, Anh Trần Ngọc Thành nói, “Đây là con đường mà
Stalin đã xây để đưa xe tăng xuyên Ba Lan.” Những vùng còn lại của Ba Lan đều
nghèo và chưa được phát triển vì Cộng Sản Nga Xô đã hút tận xương tuỷ tài
nguyên và nhân lực của đất nước này.
Lửa-Từ-Tâm
Một thanh niên Công Giáo người Ba Lan tôi gặp trên chuyến bay từ Cologn,
Đức, đến Warsaw, Ba Lan, đã mời và đưa tôi đi dự buổi hoà nhạc ngoài trời tại
Công Viên Chopin. Trên đường dẫn đến bờ hồ nơi có tượng Chopin, cũng là nơi
diễn ra buổi hoà nhạc, tôi gặp nhiều trẻ em bán hàng rong hay quà vặt trên
những cái bàn nhỏ. Tôi chợt thấy, quê hương tôi đang ở đó, nơi những trẻ em
nghèo khổ buôn gánh bán bưng. Có đứa bé chỉ cầm hai ba bịch cốm trong tay, đi
quanh chào mời, dù không ai mua. Ba Lan đã thoát gông cùm Cộng Sản từ 1989,
nhưng ở năm 2005 và cả hiện nay, đất nước này vẫn còn ngụp lặn trong cái hậu
quả đen tối của 50 năm bị xâm lược. Năm 2005, tôi gặp một Ba Lan túng bấn, cơ
sở hạ tầng ì ạch, đường xe điện ngầm của thủ đô thật khiêm tốn. Người dân Ba
Lan có nhiều điều để hãnh diện, nhưng đất nước Ba Lan vẫn còn một quãng đường
dài để xoá đi những tổn hại vô tận mà chế độ đô hộ Cộng Sản đã áp đặt trên quốc
gia này. Nhưng Ba Lan vẫn còn may mắn hơn Việt Nam, đã thoát khỏi bàn tay Quỷ
Đỏ.
Nhưng với những trái tim của Công Đoàn Đoàn Kết, Ba Lan đã được giải phóng.
Tôi cũng rất tin, là với những trái tim của thanh niên Việt Nam mà tôi đã gặp
và đã yêu ở khắp nơi trên thế giới và trên quê hương, Việt Nam cũng sẽ được
giải phóng. Thông điệp duy nhất của Công Đoàn, là kêu gọi sự yêu thương và đoàn
kết của người dân Ba Lan. Và người Ba Lan có lẽ đã dùng lòng yêu thương đó để
bao bọc những người Việt không giấy tờ đến nước họ để tìm một hướng đi.
Lửa-từ-Tâm. Lửa Từ-Tâm
Trangđài Glasssey-Trầnguyễn