Tờ Independent Journal Review mới đây giới thiệu một câu chuyện thú vị về sự
thay đổi chóng mặt của thế giới chúng ta đang sống. Bé gái tuổi thiếu niên cùng
gia đình đi du lịch, đã bối rối khi được người cha nhờ gọi xuống tiếp tân bằng
điện thoại cố định của khách sạn. Người lớn thì bật cười, nhưng sau đó nhận ra
mọi thứ trong cuộc sống hôm nay không hề giống đời thường của 20 năm trước. Bé
gái loay hoay và hỏi rằng nếu không có nút màu đỏ, màn hình cảm ứng như các
smartphone thì làm sao để tắt máy.
Câu chuyện này được nhắc lại trên các diễn đàn mạng xã hội với một tâm trạng
hoài cổ rất lạ lùng. Trên Twitter, một phụ huynh cũng nói rằng con gái của bà
đã ngạc nhiên khi nhìn thấy cái máy đánh chữ kỷ niệm của ông ngoại, và hỏi rằng
ngày xưa khi người ta muốn gõ các ký kiệu emoji (biểu tượng cảm xúc) thì phải
làm sao.
Thật nhanh chóng làm sao, khi chỉ cách đây không lâu chúng ta mê mệt với các
đầu máy video VCR, rồi bàng hoàng với các trò chơi Tetris 2D (xếp gạch) của
Nintendo, nhưng giờ thì mọi thứ đã vượt bậc khi con người có thể trò chuyện với
nhau qua internet bằng video, các hệ thống cloud đã trở thành nhánh lưu trữ
phát triển quan trọng nhất của tin học.
Thế giới đang đổi thay. Mọi thứ đang tiến lên phía trước để phục vụ con
người và sự sống. như một giấc ngủ ngắn và khi thức dậy, chúng ta đang thấy kỷ
nguyên của loài người văn minh và giảm thiểu đói nghèo sừng sững trước mặt.
Nói về đổi thay, đặc biệt là đói nghèo, nhà nghiên cứu về phát
triển Alex de Waal đã cảnh báo rằng đói nghèo là một loại dịch, thách thức sự
phát triển của toàn bộ các chính quyền trên thế giới. Trước thập niên
2000, thế giới cũng có 40.000 chết vì đói mỗi năm, nhưng nỗ lực của từng quốc
gia, kể cả nghèo nhất của Châu Phi, đã giảm thiểu được 1 phần 3 số người chết
vì cái ăn.
Alex de Waal, Giám đốc điều hành của Tổ chức Hòa bình Thế giới (World Peace
Foundation) và là Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Tufts, đã từng có diễn
văn gây chấn động trước Liên Hợp Quốc khi đưa ra các công thức tính, cho rằng
cần phải xét lại giá trị cầm quyền của các chính phủ, nếu chỉ số phát triển
luôn tốt đẹp, hình ảnh quốc gia nổi bật trên trường quốc tế nhưng vẫn còn người
dân đói hay chết đói trong quốc gia đó.
Phát triển rầm rập qua các chỉ số và đói nghèo, lại nhắc cho người Việt nhớ
đến hiện trạng của đất nước mình. Mỗi năm, hàng hàng các huyện, xã, tỉnh… gửi
thư xin cấp gạo cứu đói khẩn cấp đã trở thành chuyện bình thường, bên cạnh các
báo cáo thành đạt và vượt chỉ tiêu. Các bản tin ngập những tràng vỗ tay chúc
tụng đã át cả tiếng thở dài của đói nghèo bao vây nông thôn, cao nguyên.
Việt Nam cũng là một quốc gia tuyên bố mình phát triển vượt trội, phá bỏ
những ký ức cũ, đổi thay rầm rập bằng việc tự làm ra smartphone, tự đóng tàu
ngầm, xe hơi… nhưng lại bám chặt vào sự cùng mòn của đói ăn, đói mặc của hàng
triệu người dân.
Không khác gì chuyện ở Ethiopia hay Somali, Việt Nam đã có những gia đình
khốn khó đến mức mẹ cha tự vẫn để không là gánh nặng của gia đình. Đất nước
được bảng bình chọn nào đó, gọi là hạnh phúc nhất cũng có em bé đi học về, đói
đến mức xỉu, té xuống sông mà chết. Những người hàng xóm của bé Phạm Thị Nhung
(Hà Tĩnh) nói rằng đám tang của em, gia đình nghèo đến mức không có được một
bữa cúng cho đàng hoàng. Lục lọi cả nhà, thật nghẹn ngào khi không tìm thấy có món
nào đáng giá 10 ngàn đồng để bán, mua đồ cúng cho em.
Những tòa nhà cao tầng đang ồ ạt mọc ở các thành phố, đẹp đẽ nhưng vẫn quá
tầm tay của dân nghèo. Thậm chí xã hội đang hình thành những lý thuyết cách ly
người nghèo ra khỏi người giàu, bằng các khu định cư như kiểu ghetto của
Phát-xít Đức áp dụng với người Do Thái. Những chỉ số phát triển, những đổi thay
khác biệt của Việt Nam dường như không dành cho toàn quốc gia, mà đang chỉ dành
cho một lớp người, một nhóm người.
Trên các website của chính quyền địa phương, thành tựu giải quyết đói nghèo,
không còn hộ nghèo… vẫn được đưa lên. Nhưng đau thay hiện thực không hoàn toàn
là như vậy. Để được công nhận là hoàn thành chỉ tiêu xóa nghèo, chính quyền địa
phương nhiều nơi đã ép dân không được nghèo, bất chấp hoàn cảnh. Không phải
không lý do mà từng có chuyện người trong làng ở Tam Nông, Phú Thọ hạ sát
trưởng bản vì thấy mình không được xét hộ nghèo. Cái nghèo làm con người Việt
Nam tuyệt vọng không khác gì trong kiểu đời sống – bị gọi là – dưới ách thực
dân Pháp, Nhật, khiến người cha thấy gia đình mình ở Tây Ninh không sống nổi,
nên đã nổi lửa thiêu chết mình và 3 đứa con.
Tình trạng các quốc gia luôn vọng tiếng kèn hãnh tiến và ngợi ca chính mình,
bất chấp hiện thực là đề tài tranh cãi của nhiều quốc gia tại diễn đàn của Liên
Hợp Quốc. Khái niệm về tình trạng “phát triển bộ com-lê” được hình thành từ đó,
để mô tả các quốc gia luôn thịnh vượng trên bề mặt của các quan chức lãnh đạo,
nhưng khốn khó thì vẫn đeo đẳng dân chúng.
Bộ com-lê của các nhà lãnh đạo, các quan chức ngày càng hợp thời trang, càng
đắt tiền nhưng che lấp khốn cùng của nhân dân, chỉ nuôi dưỡng ngọn lửa âm ỉ của
giận dữ và tuyệt vọng, sẽ thiêu cháy lớp vỏ đẹp đẽ đó bất kỳ lúc nào, như một
cách để làm ấm lại quốc gia trong đường chạy đến đổi thay của tương lai.
Tuấn Khanh