Trong tập Paroles xuất bản
năm 1945, Jacques Prévert có một bài thơ nhan đề Pour Toi Mon Amour mà
tôi rất thích, thích ngay từ lần đầu tiên đọc nó. Bài thơ vỏn vẹn chỉ có 17
dòng nguyên văn như thế này:
Je suis allé au marché des oiseaux
Et j’ai acheté des oiseaux
Pour toi
Mon amour
Je suis allé au marché aux fleurs
Et j’ai acheté des fleurs
Pour toi
Mon amour
Et je suis allée au marché à la
ferraille
Et j’ai acheté des chaines
De lourdes chaines
Pour toi
Mon amour
Et je suis allé au marché aux esclaves
Et je t’ai cherchée
Mais je ne t’ai pas trouvée
Đại khái chàng thi sĩ nhà quê đi chợ chim, mua mấy con chim
cho người yêu bé bỏng, rồi lại ghé chợ hoa mua mấy bông hoa cho nàng, vòng qua
chợ chợ sắt mua mấy sợi xích (chắc để xích nàng lại không cho đi lăng quăng
nữa) rồi chàng đến chợ nô lệ tìm nàng mà chẳng thấy nàng đâu.
Chàng mua đủ thứ quà cho nàng, nào chim, hoa bướm lãng mạn
(cùng mình) luôn cả mấy sợi xích để giữ nàng…Nhưng khi chàng muốn nàng là nô lệ
của riêng chàng thì nàng biến mất, kiếm không cách nào ra. Tỏ tình như vậy là
khéo lắm: có chim chóc, hoa bướm… lại đòi giữ nàng lại bằng xích nặng chình
chịch nhưng vẫn để cho nàng thở, tự do phơi phới. Mượn thơ của ông Tây Prévert
để tán như thế thì cách gì nàng thoát được.
Bèn chép vào giấy bắt chước ông Tú Xương, “dán ngay lên
cột, hỏi (nàng) rằng dốt hay hay” (thực ra là lén kẹp vào cuốn sách đưa
nàng). Nhưng nàng đọc không hiểu câu cuối, suốt mấy hôm cứ lẵng nhẵng đi theo
thắc mắc mãi nên chàng chán quá. Có câu hay nhất trong bài thơ mà không chịu
hiểu (hay cũng có thể là cố tình không hiểu) để bắt chàng tán thêm cho bõ ghét
nên … cho nàng đi luôn. Thời ấy của chàng thì làm quái gì còn chợ nô lệ nữa mà
bắt chàng dẫn ra chợ để cắt nghĩa lôi thôi.
Có mấy cái chợ như ở Annapolis,
Baltimore hồi nước Mỹ còn cho mua bán nô lệ thì đã bị dẹp từ hồi trước nội
chiến Nam Bắc hơn một trăm năm trước. Hồi ấy, những người da đen chở từ Phi
châu sang được bầy bán như nông súc cho người mua tha hồ lựa chọn. Nhưng lúc
đọc được bài thơ của Prévert thì không còn những cái chợ như thế nữa. Thế là
dẹp luôn mối tình ấm ớ thời thơ dại (dột).
Kể ra thời còn trò mua bán nô lệ cũng vui chứ. Người mua tha
hồ sờ nắn bắp thịt, lựa chọn những người đàn ông coi có khỏe mạnh không, có
thích hợp với công việc đồng áng trong các đồn điền không, còn lao động được
bao nhiêu năm nữa vân vân. Người mua cũng được dịp xem xét kỹ các phụ nữ coi có
đủ sức làm việc nhà và có còn đẻ thêm vài ba nô lệ con nữa không. Những cảnh
khủng khiếp như vậy không còn nữa. Kiếm cái chợ còn không ra thì làm sao tìm
được nàng nữa. Ít nhất cũng là thời ông Tây Prévert khi viết bài thơ ấy. Và vì
thế, người yêu bài Pour Toi Mon Amour cũng được mối tình(?) đầu (lâu)
buông tha.
Nhưng nay những cái chợ nô lệ ấy muốn kiếm thì cũng chẳng
khó khăn gì. Hàng hóa được bầy bán công khai ở Malaysia, rao bán trên báo ở Hoa
lục (bảo đảm nếu bỏ trốn sẽ được đền ngay, không thích có thể trả lại hay hoàn
lại tiền) hoặc cũng có thể mua tận gốc ở thành phố Hồ Chí Minh (xưa kia gọi là
Sài Gòn, nay bị tha hóa nên bị thay bằng tên mới). Cũng có cảnh các hàng nữ
được bóc trần cho khách tha hồ chọn. Và để theo kịp với tiến bộ của thời đại “a
còng: @”, hàng còn được rao bán trên mạng với giá không cao lắm là 1,500 đô la
Mỹ. Cơ sở bán nô lệ còn cho biết ở Vân Nam hiện có 98 nô lệ sẵn sàng để vô
thùng gửi đi khắp toàn quốc. Hàng là phụ nữ Việt, được gọi ngụy trang là cô dâu
trẻ và đẹp. Cái quảng cáo lăng mạ phụ nữ Việt Nam đó được đọc thấy trên một tờ
báo ở Trung quốc cách đây mấy hôm.
Như vậy, muốn tìm mua nô lệ là mua
được ngay khỏi phải mât công đi kiếm ngoài chợ, kiếm không ra về nhà làm bài
thơ bằng tiếng Tây cho bõ ghét.
Có điều khốn nạn là lời ra bán nô lệ
đầy nét xúc phạm danh dự và nhân phẩm của phụ nữ Việt đã không có được một phản
ứng nào của sứ quán Việt Nam. Ít ra thì cũng phải đòi dẹp cái quảng cáo chó đẻ
đó, đòi cái cơ sở buôn người đó phải xin lỗi chứ im thin thít như những con sò
mà nhà ngoại giao Lê Văn Bàng năm xưa khom lưng mò ở New Jersey thì không được
chút nào.
Bùi Bảo Trúc