Tôi nằm khoan khoái trên chiếc
giường nệm quen thuộc, trong căn phòng treo màn cửa màu xanh thiên thanh. Sau
hàng đống thủ tục rườm rà, cuối cùng, tôi cũng được về nhà. Chất dịch vẫn ứa ra
từ những lỗ chân lông, đọng lại thành từng giọt, từng mảng. Mấy đứa con tôi kêu
điện thoại liên tục vô nhà thương hỏi đủ câu quái gở.
“Chắc là ba chưa chết”.
“Dịch cứ tiếp tục chảy ra, làm sao cầm lại, bác sĩ ơi?”.
Tôi bực mình muốn la lên. Bác sĩ đã trả tao về nhà rồi, tụi bây còn lằng nhằng
gì nữa. Sao không lo đi rước sư hỏi ngày giờ tốt.
Con đường đen thăm thẳm lủng lẳng
xác dơi khô quắt. Tôi nhận ra tụi nó. Mấy đứa này một thời no căng máu người,
bây giờ teo tóp treo cẳng trong rừng. Một vài đứa cũng nhận ra tôi, giả lả lên
tiếng thưa hỏi. Tôi ậm ừ không nói năng gì chỉ lo tìm chỗ móc chân lên. Một,
hai, ba, thả lỏng người thư giãn. Dễ chịu vô cùng. Chất lỏng từ thân thể tôi
tiếp tục chảy ra, nhỏ tong tỏng xuống cội cây.
“Thằng này mập bự quá”.
Mấy hàm răng nhọn lểu chĩa về phía tôi, nụ cười thèm thuồng độc ác. Tôi cười
khẩy. Tụi bây là ai chứ, một bọn cơ hội hèn nhát, sống bằng máu của người khác.
“Vài ngày nữa mày cũng khô đét như tụi tao thôi”.
Nguyễn Năm này một thời vào sinh
ra tử, chẳng lẽ tới giờ này lại đi sợ mấy lời doạ dẫm đó. Còn lâu, Nguyễn Năm
chỉ chờ ngày giờ tốt là rũ áo ra đi.
Tiếng mõ nhặt khoan đâm từng nhát qua màn đêm. Tiếng mõ tụng không êm đềm.
Tiếng mõ tụng như dao nhọn. Thân hình tôi lắc lư theo tiếng mõ, chất lỏng lại
trào ra. Tụi mặt sắt cười rú lên, rung cả tàn cây, rung cả rừng cây. Có bao
nhiêu con dơi đói treo xác ở đây, từ bao giờ.
“Từ sau thảm hoạ chết chóc trong cái xóm tiêu điều dưới chân núi kia”.
Xóm nhà ốm yếu cong oằn dưới triền
núi, sau bao cuộc tàn sát, bao đợt cướp bóc vẫn thoi thóp thở. Nhang đèn nhấp
nháy trong gió mà không tắt lụi. Hằng Nga từ đó mà sanh ra. Sáu cũng từ đó mà
sanh ra, nhờ cơm nhờ gạo dòng sông trổ trắng như bông lài. Cánh rừng âm u dưới
ánh trăng. Trăng không trắng như da thịt Sáu, trăng đỏ ối. Trong màu đỏ giết
người này, có con dơi nào mỹ miều trẻ trung như Sáu không? Sáu mặc áo dài thiên
thanh ôm bó hoa hướng dương vàng rực rỡ. Hoa của Sáu có thuốc nổ. Mù xoa của
Sáu có lựu đạn. Có con dơi nào da sắt gan đồng như Sáu không? Tất cả đều xương
xẩu, rụng lông và bạc màu.
Tôi nương theo tiếng kinh chùa cầu
siêu, đi về thung lũng. Thời mạt pháp chùa chiền không xây trên núi mà xây dưới
thung lũng. Đồi núi kia chỉ là xương khô. Mấy đứa con tôi không có ở đây. Tụi
nó không tới chỗ hẻo lánh nghèo nàn này vái lạy. Đám đồ tể đã rước tượng Phật
vô những ngôi chùa sơn son thếp vàng. Chẳng hiểu sao có tin đồn Sáu về đây ẩn
dật, ngày ngày gánh nước tưới rau. Chất lỏng chảy từ thân thể Sáu đen như nước
bùn rớt xuống đất thành rau thơm. Tôi gõ cửa chùa xin gặp Sáu. Ông sãi già khô
quắt chảy giọt nước mắt trong veo như ngọc, ta chỉ là người đưa đò sang sông.
Tôi lắc đầu từ chối, thời buổi này ra ngõ gặp lưu manh, trấn lột.
Con dơi hàng xóm lén nhe hàm răng
nhọn lểu cắn lên vết thương của tôi. Chất lỏng đen đúa lại chảy ra, trong nắng
hanh bốc lên hơi tanh tưởi. Trời không mưa, bụi bặm không rửa được. Nắng hừng
hực làm phai màu đất. Khi tôi đưa Sáu chạy ra khỏi rạp hát, nắng cũng trải vàng
làng xóm. Tiếng nổ phía sau rung chuyển mặt đất. Năm mươi người chết, một trăm
hai mươi tám người bị thương. Mấy cái xác đứt lìa chân tay nhưng vẫn còn nguyên
đồng phục trắng và phù hiệu trường.
Lãnh tụ nức lời khen ngợi, đài
phát tin đi khắp miền rừng rú, một quả mìn tự tạo giết cả trăm mạng đồng bào
miền Nam yêu thương. Con dơi già vướng trong đám gai xương rồng, thân thể xơ
xác. Chất lỏng đen đúa từ lâu đã khô kiệt. Lông lá cũng khô kiệt, rụng xuống
đất thành sâu bọ. Lỗ tai lỗ mũi rụng xuống đất, chỉ còn mấy miếng sáp. Nó được
gì? Sáu được gì? Ngôi làng hoang tàn dưới núi kia còn lại gì?
Tiếng kinh mõ như dao nhọn. Con
dâu tôi đặt bao thơ trắng trước mặt sư. Tôi cựa quậy giữa tám mảnh ván chật
chội. Tiếng mõ đâm từng hồi qua tấm vách mỏng. Tôi bực mình hỏi, người chết rồi
mới lo sám hối thì có siêu thoát được không. Sư lưỡng lự nhìn bao thơ trắng,
lười biếng đưa dùi chỉ về phía trước. Phía trước toàn sương mờ đục. Tôi hỏi, có
gì ở phía trước đó. Sư quay sang đứa con dâu, ho khúc khắc mấy tiếng khó chịu.
Giọng sư đọc kinh leo lẻo, có gì vướng cổ họng mà ho. Chi phí cúng dường cho lễ
tang và lễ thất tuần là năm trăm đô, thí chủ đưa có chừng này không đủ. Con
trai tôi cằn nhằn vợ, sao không rước sãi dưới chùa lên cho rẻ. Con dâu tôi ngạc
nhiên, sãi nào dưới chùa. Dưới đó chỉ có ông già chèo đò. Thuyền đò gì rách
nát, thấy mà ghê.
Cuối cùng trời cũng mưa. Nước từ
mặt đất chảy lên trời. Con sông sôi sục, làng mạc run rẩy. Đám dơi cười hỉ hả,
đó là chiến công. Tôi hỏi, chiến công nhiều vậy sao tụi bây phải treo chân lên
trời. Con dơi già rụng lông cười độc địa, để quá khứ nằm ở trên đầu. Tụi hèn
nhát. Tụi bây sống bằng nhan sắc của Sáu, sống bằng máu của anh Tư.
Tư chết sớm không ngờ. Mười bảy tuổi Sáu bán bar cho Mỹ để thành anh hùng. Mười
chín tuổi Tư bị xử bắn vì tội khủng bố. Đêm đó, Chín bỏ nhà đi lang thang. Cảnh
sát bắt được nó trần như nhộng, đứng theo leo trên thành cầu.
Nước mưa từ đất bắn lên trời mang
theo đám sâu bọ. Những con sâu thường chỉ bò lê lết dưới đất, nhờ mưa mà bổng
lên cao. Thân hình tụi nó béo múp, không có mắt mũi, chân tay, chỉ có vô số cái
miệng. Một con sâu có cả trăm cái miệng đeo lủng lẳng trên mình. Một con, hai
con, ba con… tụi nó bám lên cánh, lên bụng, lên mặt. Tôi ghê tởm há miệng la
lên, đám sâu bò vô miệng tôi. Mấy con dơi khác đậu im thin thít, hoá ra tụi nó
sợ.
Tôi cũng sợ. Chỉ có con dơi già là không sợ. Nó nằm lì trong bụi gai xương rồng
mặc kệ sâu bọ ngổn ngang. Gan ruột tim phổi của nó đã bị đục khoét từ mấy mươi
năm trước, chẳng còn gì cho đám sâu bọ ngày nay.
Bông hoa đỏ bên dưới nở bung nhuỵ
vàng, đong đưa theo điệu nhạc. Bông hoa trong lòng địch. Tôi hứng chí vỗ cánh
bay lên, mấy con sâu rớt lộp bộp xuống cánh hoa. Bông hoa rùng rùng khép cánh
nuốt trọn đám thịt sống. Cả cánh rừng bên dưới đầy hoa đỏ nhuỵ vàng. Tôi choáng
váng níu vội cành cây, choáng váng nghĩ tới cảnh ngộ lạc đường. Mấy con dơi
khác đậu im thin thít, hoá ra tụi nó sợ. Cái thứ đỏ vàng bên dưới là tổ quỷ.
Tôi tự hỏi, tại sao mình ở lại cánh rừng này. Tại sao cả bầy dơi ở lại cánh
rừng này. Con dơi trụi lông nói lửng lơ, đứa ở rừng nào chẳng muốn về đô thị.
Tôi vặc lại, còn đứa ở đô thị lại xông vô rừng.
Mấy đứa nhỏ đâu? Thằng Tí, con Tị
đâu? Nhà có tang ma mà rộn ràng quá nghe. Ban ngày khách khứa, chiến sĩ, nhà
báo tới viếng chộn rộn đã đành. Ban đêm tụi bây còn mở nhạc nhảy nhót đùng
đùng. Thằng con rể cũng bật ti vi hết vô lum. Tin tức khủng bố tràn lan. Tụi
mọi rợ. Một đứa tự sát giết ba mạng đồng bào. Tụi bây dở quá. Sáu ra tay giết
cả trăm mạng.
Muỗi rừng như vãi trấu. Hàng trăm
chân muỗi đeo móc nhọn quắp chặt vô da tôi. Từng đám vòi dài đâm thủng thịt,
hút ào ào. Tụi này đói khát kinh khủng. Cả khu rừng này đầy một bọn khát máu.
Tên hàng xóm của tôi chịu không nổi màn tra tấn, nó thả chân ra lồng lên. Tụi
muỗi bay dạt ra cười rào rào. Con dơi bay loạng choạng vài sải cánh rồi rớt
xuống bông hoa bên dưới. Trong chớp nhoáng nó biến mất giữa cái rùng mình màu
đỏ.
Từ chỗ nào trong cánh rừng vọng ra cất tiếng than. Người chết hai lần thịt da
nát tan.
Một ngày mùa đông, trên con đường
làng, trái mìn nổ chậm của tôi với Chín giết chết năm mươi mạng người đi theo
xe tang. Tin thắng trận từ mật khu loan đi, chúng ta đánh địch ngay trên đất
của địch, chúng ta đánh Mỹ trong lòng nước Mỹ. Đêm mật khu, muỗi rừng như vãi
trấu. Chín lột hết áo quần chạy như điên dưới ánh trăng.
Con dâu tôi nói, may mà ba không
trả lại thẻ đảng như chú Chín. Con cái chú Chín bây giờ chẳng ra gì. Chú Chín
cũng chẳng ra gì, lên mạng nói bậy bạ như thằng điên. Chín nói, chất lỏng này
từng chảy sôi sục trong tim, bây giờ đã cạn như ngọn đèn tàn. Trong hòm chất
lỏng đổ ra thấm ướt hết đám trà Bảo Lộc. Tôi bị kẹt giữa đống xác trà, chật
chội không xoay trở được. Chất lỏng bắt đầu nhỏ xuống sàn nhà. Con trai tôi
nói, đưa thêm tiền cho sư, xin ngày giờ tốt chôn sớm cho rồi. Cái xác bốc mùi
dữ quá. Con gái tôi nói, không được, phải đợi tin chú Bảy. Chú Bảy bận đi công
tác tới tuần sau mới về. Con trai tôi chửi, đồ bất hiếu, mày lấy hai căn nhà
của ổng ở mặt tiền chợ rồi mà còn không để ổng yên. Con gái tôi chửi lại, anh
lấy hết mấy héc ta đất ở Long Thành ngay khu dự án sân bay mà còn không chịu
giữ danh dự cho ba. Vợ tôi đấm tay lên thành hòm kêu réo, ông về mà nghe tụi nó
tranh giành nhau, ngày mai tụi bây đuổi tao ra khỏi nhà cho coi. Con dâu tôi
cũng la lên, mấy người ngu vừa thôi, về làm dâu nhà này tui ngóc đầu không lên
nổi, chỉ cần vòng hoa phân ưu của chú Bảy gửi tới cho tụi nhà báo chụp hình là
người ta bỏ qua chuyện lùm xùm của ông già.
Chuyện lùm xùm là từ mối liên hệ
với Chín. Nó là thằng ngay thẳng mà yếu đuối nhứt trong đội. Tôi bỏ nó không
đành. Nó chưa bao giờ khôn ngoan thủ đoạn như Bảy hay mù quáng điên cuồng như
Sáu. Nó nói với tôi, bây giờ em sợ giấc ngủ, nhắm mắt lại là thấy người lố nhố
đợi bên sông.
Tôi hỏi đám dơi đói, bên sông có
gì mà đông người vậy. Tụi nó sợ hãi vỗ cánh, lông lá rụng lả tả. Bên kia sông
có những con đường khác nhau. Vậy thôi sao, có gì mà sợ. Sao lại treo chân cả
chục năm ở chỗ rừng cây hiu quạnh này. Con dơi già u uẩn nói:
“Cỡ tụi mình không qua được sông đâu”.
Đám dơi rùng mình. Mấy cái lá khô còn sót trên cây bay lả tả lên trời.
“Có gì ở trên sông?”.
“Bên trên có xác chết trôi, bên dưới có vạc dầu”.
Vạc dầu cũng dành cho anh hùng
sao. Chống Mỹ cứu nước mà cũng vô vạc dầu sao. Tôi bất mãn la lên. Chất lỏng
trào ra cửa miệng, chảy xuống dĩa dầu phọng bên dưới. Ngọn đèn tắt ngấm. Quỷ sứ
vừa thấy đèn tắt là kéo tới ngay bậc cửa.
“Đi. Lôi nó đi”.
Tôi hoảng quá kêu gào trong tiếng
mưa chảy ngược. Tám ơi. Sao không gõ mõ? Năm trăm đô la thuê bao trả hết một
lần rồi. Sao không đọc kinh?
Con dâu tôi nói, sư từ bên Mặt
Trận gửi qua, chỗ đồng chí của ba, không từ chối được. Đồng chí con mẹ gì. Tôi
đâu có lạ gì thằng này, ngày xưa hèn mạt hạng. Nó nhận công tác mà mặt xanh lè,
ngày hôm sau lăn đùng ra cáo bệnh. Nó đau bệnh liên miên, cứ có công tác đặc
biệt là có bệnh. Tới ngày hoà bình nó vác mặt đi ăn nhậu tứ xứ, chẳng thấy bệnh
hoạn lúc nào. Bây giờ nó là sư Mặt Trận. Sáu nói, đừng bao giờ tin thằng Tám.
Bảy nói, khử nó đi. Chín nói, thôi, nó chỉ ham tiền mê gái chẳng làm hại gì ai.
Hôm khánh thành chùa Hội Khánh đèn hoa rực rỡ lắm. Thằng Tám theo phái đoàn Mặt
Trận Tổ Quốc lên ngồi ăn nhậu cùng mâm lãnh đạo. Suýt nữa tôi không nhận ra nó.
Bốn mươi năm rồi còn gì. Tóc nó mọc lởm chởm nhuộm đen thui, râu lại bạc trắng.
Da mặt trổ đồi mồi nhưng vẫn còn giọng nói ngọt như mít tố nữ. Thôi, Năm đừng
buồn. Sanh bệnh lão tử mà, Năm, đâu có ai thoát được. Ừa, để chừng đó em tới
coi ngày tốt cho Năm. Bác sĩ nói không còn được bao lâu hả. Lúc này Năm có tin
tức của Sáu không. Nó nhắc tới Sáu, cặp mắt mờ đục bỗng sáng lên chút lửa. Ừa,
vì mê Sáu mà em giác ngộ cách mạng. Tôi liếc nhìn đám áo đỏ khăn vàng lập lờ
trong chùa, mê gái như mày sao đi tu. Nó cúi đầu đọc kinh, nam mô nam mô, không
tu lấy tiền đâu nuôi gái.
Bây giờ quỷ sứ tới ngay cửa, thằng
Tám ngồi bên quan tài lo đếm tiền.
Sáu tới đúng hôm động quan. Đám nhà đòn ngồi uống trà trước sân chờ tới giờ vô
làm lễ bái, thấy Sáu tới tụi nó lật đật lảng ra sau hè. Thằng Tám đang đọc kinh
Cáo Đạo Lộ giật mình làm rớt cái mõ. Cái mõ vô hồn lăn long lóc trên sàn nhà.
Tôi nhổm dậy, miệng trào ra ngụm chất lỏng đắng nghét.
Sáu mặc quân phục, ngực đeo kín huân chương.
Vợ tôi quỳ phía phía sau quan tài
khấn nhỏ vừa đủ cho tôi nghe, ngựa chưa, đi đám ma mà tô son trát phấn như gái
bán bar. Rừng cây xôn xao tiếng dơi đập cánh. Mưa từ dưới đất nhỏ giọt lên
trời. Sáu quỳ thụp dưới chân tôi khóc lớn tiếng, Năm ơi Năm à, hôm qua em bận
làm tiệc tiễn con đi du học, hôm nay phải đi dự đại hội anh hùng. Thằng con tôi
dặn nhà đòn, dòi ra nhiều quá, mấy chú khiêng nhẹ tay dùm.
Chín đứng chờ tôi ngay cửa, vừa thấy quan tài trờ tới là cởi phắt áo ra. Tôi
nhìn bộ xương khô đét của nó, giọt nước cuối cùng trào ra mắt. Trễ rồi Chín ơi,
bây giờ anh đâu cởi áo được nữa.
Sau lưng tôi, thằng Tám xuống
giọng thủ thỉ ngọt lùi. Thôi, Sáu đừng buồn. Sanh bệnh lão tử mà, Sáu, đâu có
ai thoát được. Lo cho mấy đứa nhỏ qua hết bên Mỹ là ấm thân rồi. Ừa, để chừng
đó mình tới coi ngày tốt cho Sáu. Bác sĩ nói không còn được bao lâu hả. Anh Bảy
cũng mới nhắn tin, nhờ lựa ngày giờ tốt cho ảnh. Tràn dịch phổi giai đoạn cuối.
Lưu Thủy
Hương
Berlin, 08.2014