
Vệ binh đi ngược chiều với Dưỡng, nhìn Dưỡng, cười:
– Thầy ra đó “nàm” gì?
– Có người em họ đến thăm.
– Thế à! Có người vào thăm Thầy con cũng mừng. Thế nào Thầy cũng được quà
bồi dưỡng. Từ ngày Thầy vào đây, chả ai thăm nuôi, tiếp tế Thầy, con cứ sợ dại,
nhỡ Thầy ốm không ai dạy con học.
Dưỡng chỉ cười. Có lẽ anh vệ binh sợ Dưỡng bệnh hoặc chết thì sẽ không ai
dạy anh học ký âm pháp. Tuy nghĩ như vậy, Dưỡng cũng vẫn thấy ấm lòng vì tiếng
“thầy”, “con” anh vẫn lén nói với Dưỡng vào những lúc không có cán bộ hiện
diện.
Chẳng phải Dưỡng háo danh đến độ còn mong được gọi bằng “thầy”; nhưng vì khuôn
mặt non choẹt của anh vệ binh nhắc Dưỡng về những đàn chim đã tung cánh lìa mái
trường xưa. Trước tháng Tư 1975, Dưỡng đau lòng nhất là những khi nhận được tin
một học sinh cũ tử trận ở một chiến trường xa xôi nào đó mà Dưỡng chưa hề đặt
chân đến.
Đối với hầu hết giáo sư, chỉ những học sinh có những điểm khác thường mới
được Thầy Cô để ý. Nhưng Dưỡng lại khác. Dưỡng thuộc tên và nhớ mặt từng đứa
học trò của Dưỡng, nhất là những học sinh đệ nhị cấp.
Dưới mắt Dưỡng, những học sinh đệ nhị cấp vừa đủ lớn, vừa trưởng thành và
mang nặng hình ảnh của Dưỡng, Đào, Ngữ, Thông, Lộc và các bạn cùng lứa vào thời
kỳ sau khi Nhật cướp chính quyền Pháp tại Việt Nam.
Thời kỳ đó, trước những biến động của Quê Hương, trước nạn đói thảm khốc do
Nhật gây ra cho đồng bào miền Bắc, Dưỡng, Đào, Ngữ, Lộc và Thông cùng nhiều
công, tư chức, thương gia, thợ thuyền, học sinh tham gia công tác cứu trợ và
cứu nước với tất cả nhiệt huyết và hoài bão của những thanh niên mới lớn.
Nhận thấy Dưỡng, Ngữ, Đào, Thông, Lộc và nhiều thanh niên khác là một tập
hợp của những người trẻ có khả năng về nhiều bộ môn văn học nghệ thuật, bác sĩ
Lê Khắc Quyến kêu gọi thành lập Hội Mỹ Thuật Nha Trang.
Dưới sự dìu dắt của bác sĩ Lê Khắc Quyến, Hội Mỹ Thuật Nha Trang, ngoài mục
đích cứu đói miền Bắc còn chủ tâm khích động lòng yêu nước bằng cách viết và
trình diễn những vở kịch như Lửa Cách Mạng – phỏng theo Les Misérables
của Victor Hugo – Hồn thiêng Sông Núi, kịch thơ Phi Khanh Nguyễn Trãi, v.v…
Ngoài một ban kịch có tầm vóc và các nhóm phụ trách mỗi bộ môn khác nhau như
vẽ phông, trang trí sân khấu, quảng cáo, v.v…Hội Mỹ Thuật Nha Trang còn được
nguyên “băng” của Dưỡng thành lập ban đàn giây, chứ không đủ tiêu chuẩn để
thành lập một dàn nhạc – orchestra – tối thiểu.
Ban đàn giây gồm có:
– Trần Tân Thông, công chức, Accordéon Diatonique
– Lê Văn Đào, giáo sư Anh văn, Violon
– Nguyễn Hữu Dưỡng, giáo sư Toán Lý Hóa, Violon
– Hùng Lân, công chức – không phải nhạc sĩ Hùng Lân, tác giả hùng ca Việt Nam
Minh Châu, sau này – Guitar Hawaiian
– Huấn, học sinh, Acoustic Guitar
– Trần Bá Lộc, Flute
– Đức, tư chức, Acoustic Guitar
– Khương và Chại, thương gia, Banjo Soprano và Banjo Alto
– Nguyễn Văn Ngữ, biệt hiệu Điệp Linh, giáo sư Pháp văn, có khả năng xử dụng
nhiều nhạc cụ khác nhau, được chỉ định, ngoài việc hòa âm và phân đoạn bản nhạc
để nhạc công độc tấu hay hòa tấu, còn phải đóng vai trừ bị để thay thế bất cứ
nhạc công nào trong trường hợp cần thiết.
Thời điểm đó chưa có micro. Nhạc cụ hầu hết là nội hóa, không thể
lên đúng âm thanh biểu – diapason – cho nên Ngữ phải chép lên một bậc âm thanh
so với Accordéon; đó cũng là lý do ban nhạc ít khi hòa tấu nhiều bè –
partie son croisement – vì muốn âm thanh của tất cả nhạc cụ đều tập trung vào
bè chính để khán giả có thể nghe được. Ngoài những nhạc khúc thời danh như Ải
Chi Lăng, Dòng Sông Hát, Chùa Hương, ban nhạc cũng hợp tấu Bến Đò Xưa, Lửa
Thiêng, Đường Đi Quan Ải, Chiến Sĩ Phương Nam của Trần Tân Thông và Con Thuyền
Trên Sóng của Trần Bá Lộc cùng một số nhạc thời trang ngoại quốc như Goodbye
Hawaii của Tony Rossy, Shina No Yoru của Kyu Sakamoto, v.v…
Vào một đêm, tại ngôi nhà cạnh rạp hát Cô Hai – sau này được đổi thành rạp
xi nê Tân Tiến – do bác sĩ Quyến thuê cho ban nhạc tập dượt, ban nhạc đang hòa
tấu nhạc khúc Shina No Yoru thì nghe tiếng gõ cửa. Tất cả ngưng đàn, đưa mắt
nhìn nhau, thầm lo, sợ Hiến Binh Nhật nghi cả nhóm đang hội họp chính trị, sẽ
bị bắt, nhốt tù.
Lúc trẻ thì lo sợ, bây giờ, sau thời gian dài bị Cộng Sản Việt Nam tra tấn,
tẩy não, hạ nhục và lao động khổ sai tại trại tù Nghĩa Phú này, Dưỡng có vẻ như
bất cần đời, hỏi thẳng người bạn xưa:
– Vô thăm tao, mày không sợ sao, Ngữ?
– Mày với tao chỉ còn là hai mạng già chứ còn chi nữa mà sợ!
– Vợ con mày ra sao?
– Dạo này bà ấy yếu lắm, vì mấy năm qua phải tảo tần nuôi tao và ba thằng
con ở tù ngoài A30. Hôm nay ‘elle’ cũng ra ngoài đó thăm tụi nó.
– Thằng Vinh Không Quân, con mày, hồi đó trong tổ chức của tao, bây giờ ra
sao?
Nghe nhắc đến Vinh – Đại Úy khu trục – tự dưng Ngữ cảm thấy đau thắt trong
lòng! Ngữ cúi xuống, đáp khẽ:
– Nó bị bắt trước tao! Vợ chồng tao không được tin tức gì của nó cả; không
biết nó sống chết ra sao!
– Tội nghiệp! Nó giỏi, rất gan dạ.
– Còn vợ con mày, sao, có in tức gì không?
– Không! Tao nghĩ có thể nhà tao đã bi tụi nó tịch thu, vì tao nghe nhiều
người tù trong này cho biết tài sản của họ bị tụi nó chiếm hết. Gia đình tao
không còn ở đó cho nên thư tao gửi về không thấy trả lời…
Dưỡng không nói hết, hơi cúi mặt để giấu nỗi buồn. Chỉ một thoáng thôi,
Dưỡng ngẫng lên, chuyển đề tài:
– Thằng Đào còn được đi dạy không?
– Không. Ăn bám vợ.
– Thằng gì cháu gọi thằng Thông bằng cậu, sau chơi Accordéon trong
ban Bình Minh của mày, ra sao?
– Nó không học với mày cho nên mày không nhớ tên. Nó tên Phiên. Nghe nói nó
“đi” rồi, đang ở Mỹ Tho.
Dưỡng hiểu ngay rằng Phiên đang ở Mỹ.
– Còn mày, về được bao lâu rồi?
Ngữ được tha nhờ tình trạng sức khỏe quá tệ, nhưng Ngữ châm biếm:
– Cũng chẳng lâu lắc gì. Tao, nhờ học tập tốt, giác ngộ nhanh cho nên “cách
mạng” khoan hồng sớm hơn mấy thằng con của tao.
Nói xong, Ngữ cười khẩy, tiếp:
– Dưỡng! Mày nhớ thằng Phê, học trò cưng của mày, sau nó chơi Violon
trong ban Bình Minh, đài phát thanh Nha Trang không? Nó cũng bị tù tại A30 với
tao.
– Nó còn sống à? Tao nghe tin nó bị đi học tập. Vì biết tính nó gàn, không
bao giờ chịu khuất phục cho nên tao cứ nghĩ nó không thể sống được!
Giọng Ngữ nhỏ lại:
– Nó vẫn gàn, mày ạ! Nhiều lần nó bị đánh đập trước mặt tụi tao, quản giáo
bắt nó quỳ, nó nhất định không quỳ. Đánh mấy thì đánh, nó vẫn điềm tĩnh nói: “Các
anh có giết tôi thì giết, nhưng tôi chỉ quỳ một lần trong đời vào hôm mãn khóa
sĩ quan Trường Bộ Binh Thủ Đức để tuyên thệ trung thành với Tổ Quốc; ngoài ra,
không bao giờ tôi quỳ trước mặt ai cả.” Sau, ban quản giáo biết nó có tài
nên tận dụng nó.
– Thằng đó “ngon”! Ở đây tao thuộc đội hậu cần. Nhưng vào dịp Tết hay lễ,
tao vẫn bị xung công vào đội văn nghệ. Nhiều khi tao vừa đàn vừa khóc trong
lòng.
– Tao hiểu mày, Dưỡng à! Hồi ở A30, chính thằng Phê cũng khóc với tao. Phê
bảo rằng ngày trước nó đã không dùng tiếng đàn của nó để xin về Chiến Tranh
Chính Trị, tìm sự an toàn cho bản thân; thế thì tại sao bây giờ nó phải xử dụng
tiếng đàn của nó để khỏi bị cưỡng bách lao động, để khỏi bị trù dập? Nó bảo như
vậy là nó hèn! Và nó không sống được với ý nghĩ tự cho rằng mình hèn. Tao
khuyên giải hết lời nó mới nghe. Nhưng đến khi phải chơi nhạc của “mấy ảnh”
(Việt Cộng), Phê tìm cách không đàn.
– Nhiều khi tao nghĩ chỉ có lời ca mới thể hiện ý thức chính trị chứ âm nhạc
không có biên giới. Nhưng khổ một điều là khi chơi một bản nhạc nào thì những
biến động, bối cảnh và kỷ niệm của khoảng không gian và thời gian khi bản nhạc
ấy xuất hiện lại ùn ùn trỗi dậy cùng với âm thanh của nhạc khúc ấy.
Mấy câu vừa qua Ngữ và Dưỡng nói nhỏ hẳn đi, tên quản giáo nghe không được,
vội nhắc:
– Hai anh ngồi đầu bàn! Yêu cầu nói lớn lên.
Ngữ nói hơi lớn:
– Đó chính là tâm trạng của Sato vào một tối mùa Hạ, năm 1945, khi Sato say
khước, bước khệnh khạng ngang rạp hát Cô Hai và nghe bọn mình đang hòa tấu nhạc
khúc Shina No Yoru. Mày nhớ không, Dưỡng?
– Làm sao quên được!
Thật vậy, đã qua bao nhiêu đoạn đường đời, nhưng mỗi khi nghe hoặc đàn nhạc
khúc Shina No Yoru, Dưỡng cũng vẫn không thể quên được cảm giác lo âu lúc tiếng
gõ cửa đột ngột vang lên vào khuya hôm đó. Dưỡng nhớ rất rõ, lúc ấy, dường như
chỉ có Thông hơi bình tĩnh. Thông, vẫn mang Accodéon trước ngực, vừa
bước ra mở cửa vừa trấn an các bạn: “Mình chơi nhạc chứ mình có hội họp gì
đâu mà sợ.”
Cửa mở. Một sĩ quan Nhật lảo đảo bước vào. Mặt đỏ gấc, mắt lờ đờ, anh lễ
phép chào mọi người. Mọi người chào lại. Anh líu lo một tràng tiếng Nhật rồi vỗ
vỗ vào ngực: “Sato. Sato.” Đào bước đến, thân mật vỗ vai anh, hỏi bằng
tiếng Anh: “Sato. Đó có phải là tên của anh không? Anh nói tiếng Anh được
không?” Sato mừng rỡ: “Vâng. Vâng. Tôi có thể nói tiếng Anh.”
Sato và Đào bắt tay nhau, rồi Sato bắt tay từng người và nói: “Tình cờ đi
ngang đây, nghe ban nhạc hòa tấu bản Shina No Yoru, tôi nhớ nhà và nhớ người
yêu quay quắt, chỉ xin phép vào để nghe. Xin các anh cứ tiếp tục. Đừng ngưng.”
Sau khi Đào dịch lại, cả nhóm có thiện cảm với Sato ngay. Đào quay lại, nói với
Sato: : “Anh ngồi đi. Chúng tôi sẽ chơi lại từ đầu.” Vừa ngồi vào ghế,
Sato vội nhổm lên, xòe bàn tay mặt về hướng ban nhạc: “Please”.
Sato chăm chú nhìn vào bàn tay trái của Dưỡng và Đào vào những lúc cả hai
lướt đầu ngón tay áp út trên giây đàn để đến những notes cao, hoặc khi
cả hai lắc nhẹ ngón tay trên giây đàn để tạo ra tiếng ngân. Rồi mắt Sato dừng
lại nơi archet (cây kéo vĩ cầm). Nhìn hai archets theo bàn
tay phải của Dưỡng và Đào lên xuống nhịp nhàng, đều đặn, Sato tưởng như có thể
thấy lại được bóng dáng người yêu – Hanano – lúc chàng và Hanano cùng theo học Violon
tại nhạc viện Tokyo.
Những buổi chiều yên ắng sau giờ học, Hanano và Sato thường cùng nhau tập
đàn nơi căn phòng dành riêng cho sinh viên thực tập. Những lúc ấy, archets
của Sato và Hanano cũng lên xuống nhịp nhàng và đều đặn; nhưng tim của Sato và
Hanano lại đập những nhịp không đều. Cứ mỗi khi thấy dáng người Hanano nghiêng
theo đà kéo của archet và đôi mắt đen của Hanano khép hờ, Sato chỉ
muốn ngưng đàn, được tan biến vào đáy mắt sầu mộng ấy. Và Hanano, cứ mỗi lần he
hé mắt, bắt gặp ánh nhìn say đắm của Sato, nàng cũng chỉ muốn ngưng đàn, được
nép đầu vào bờ ngực mênh mông của chàng.
Nhớ đến đây, Sato mủi lòng quá, chỉ muốn được khóc cho thỏa thuê; nhưng bản
nhạc vừa dứt, Sato trở về thực tại. Nhìn khuôn mặt buồn thảm của Sato, Đào an
ủi: “Chúng tôi rất tiếc đã gợi trong anh nỗi nhớ nhà. Nhưng ít ra, anh xa
nhà vì anh đang thi hành nhiệm vụ của một thanh niên; còn chúng tôi chưa làm
được gì cho Quê Hương của chúng tôi cả”. Sato khẳng định: “Các anh
chưa làm được chỉ vì các anh chưa có cơ hội, chưa có điều kiện. Tin tôi đi. Các
anh chỉ như loài hổ ẩn mình vào mùa Đông”.
Câu nói của Sato như một lời tiên tri. Vì, chỉ một thời gian ngắn sau, mật
thám truy lùng và bắt nhiều hội viên của Hội Mỹ Thuật. Họ cho rằng Hội Mỹ Thuật
chỉ là bề nổi, bên trong, hội viên ngầm hoạt động chính trị.
Dưỡng, Ngữ và Lộc sợ bị mật thám bắt, phải thoát ly ra “vùng giải phóng”.
Thông ở lại “vùng tạm chiếm” để nhận công tác nội thành. Đào yên phận, tiếp nối
nghề giáo.
Một hôm, Phong đang ôm Accordéon, rún rảy theo điệu Valse
Musette của bài Xuân Và Tuổi Trẻ của La Hối, vừa đến đoạn hành khúc hòa điệu
– marche harmonique – Thông vừa hơi nghiêng xuống bàn tay mặt để năm ngón tay
của bàn tay mặt “chạy” thoăn thoắt trong chuỗi âm thanh vui tươi, rộn ràng thì
mật thám ập vào, bắt, dẫn đi.
Dù bị tra tấn rất dã man, Thông vẫn cứ câm lặng chứ không tiết lộ bất cứ
điều gì.
Sau thời gian dài chẳng khai thác được gì, mật thám đuổi Thông ra “vùng giải
phóng”
Tại Liên Khu V, nhóm thanh niên trí thức thoát ly từ miền Nam không được bao
nhiêu người; do đó, Thông gặp lại các bạn trong Hội Mỹ Thuật rất dễ dàng.
Vì bị tra tấn nặng nề, sức khỏe của Thông suy sụp một cách đáng sợ! Cứ mỗi
lần thấy Thông ôm ngực trong từng cơn ho rũ rượi, các bạn đưa mắt nhìn nhau,
thầm lo. Thông thều thào: “Tao nghĩ tao ho lao. Thằng nào sợ bị lây thì
tránh đi.” Lộc xẳng giọng: “Mày im, để tụi tao lo cho mày, được
không!” Thông liếc nhanh các bạn rồi cười ngạo mạn: “Tao bị Tây tra
tấn nên thân tàn ma dại; còn tụi bay sống ở ‘vùng giải phóng’ cái khỉ gì mà đứa
nào cũng khoe bộ xương cách trí ra vậy?” Như sợ ai nghe được, Dưỡng đưa
tay ra dấu: “Rồi mày sẽ biết. Bây giờ mày im mồm để thằng Ngữ chạy về nhà
lấy thuốc cho mày. Từ sáng sớm, vợ nó đi Tuy Hòa mua, bây giờ có lẽ ‘elle’ về
rồi”. Thông vùng ngồi thẳng lên: “Tụi mày thiệt…hết xài! Vợ con thằng
Ngữ ở gần đây mà bữa giờ không cho tao hay, tao ghé thăm”. Vì ngại Thông
sẽ lây bệnh lao cho vợ con của Ngữ, Lộc muốn cản; nhưng Ngữ tươi cười, đỡ Thông
dậy: “Đi! Vợ tao cũng muốn gặp mày để hỏi thăm tin tức gia đình.”
Dọc bờ mương dẫn thủy, bốn thanh niên bước nhanh dưới cơn nắng Hạ. Thông
phóng tầm mắt ra xa. Cánh đồng nứt nẻ, không một bóng người. Đi được một đoạn
khá xa, thấy ngôi làng nhỏ ven đường chỉ còn lại vết tích của sự phá hoại toàn
diện, Thông nhíu mày: “Tại sao lại quạnh vắng đến rợn người như thế này,
tụi bay?” Dưỡng đáp: “Ban ngày đồng bào khống dám ra dồng, vì sợ máy
bay oanh tạc. Con nít phải trốn dưới lùm cây mà học chứ không có trường. Chợ
phải chờ phiên và chỉ được nhóm ban đêm. Mọi sinh hoạt thường nhật đều phải
ngụy trang hay giấu dưới những tàng cây”. Thông quay về hướng ngôi làng
nhỏ: “Tại sao ngôi làng tan hoang vậy?” Ngữ vỗ vai Thông, cười: “Đúng
là dân ở Thành ra, chẳng biết gì hết trọi! Đó là chính sách ‘tiêu thổ kháng
chiến’ và ‘bần cùng hóa nhân dân’ biết chưa?” Thông bộc lộ sự tức giận tột
cùng: “Đây là ‘vùng giải phóng’. Tụi bay đi làm cách mạng. Cách mạng và
giải phóng cái gì mà ruộng khô, nhà trống và mỗi bữa ăn tao thấy mỗi đứa chỉ có
một chén cơm, hết ba phần tư là khoai mì trong đó, hả?” Dưỡng dàu dàu nét
mặt: “Tụi tao nhận ra được điều đó từ lâu rồi, nhưng không biết phải làm
sao, hó hé ra là chết!” Thông dừng bước, nhìn vào mắt từng người bạn rồi
chậm rãi hỏi: “Thật lòng tụi bay muốn gì?” Ngữ đáp: “Tao muốn trở
về để mấy đứa con của tao được đi học”. Thông quay sang Dưỡng và Lộc: “Còn
hai đứa mày?” Lộc lắc đầu, ngán ngẩm: “Tao chỉ là tác giả bản Con
Thuyền Trên Sóng thôi mà cũng bị kiểm soát lên, kiểm soát xuống, tinh thần lúc
nào cũng căng thẳng, chịu không nổi!” Dưỡng tiếp lời Lộc: “Từ ngày
thoát ly đến nay, tao chưa thấy được điều gì đúng như lời họ hứa hẹn khi họ
chiêu dụ mình. Tao bất mãn vô cùng!” Mắt Thông sáng lên: “Tụi bay biết
có từng đợt hồi cư không?” Cả ba người nhìn nhau, không hiểu Thông nói gì!
Thông tiếp: “Khi tụi Tây thả tao tại đỉnh đèo Cả và bảo ‘hãy đi theo lý
tưởng của mày đi!’ tao vừa mừng vừa run. Mừng vì tao sắp được tự do; run vì
ngại tụi Tây giả vờ thả rồi bắn đằng sau lưng! Khi nhắm đã xa tầm đạn của Tây,
tao cắm đầu chạy. Gần đến chân đèo tao chạy chậm lại. Luồng không khí mát rượi
của cỏ cây làm cho niềm kiêu hảnh trong tao lớn dần, lớn dần, đầy ắp trong tim.
Tao nghĩ, tụi mày và tao cũng làm được chút gì cho Quê Hương. Nhưng càng xuống
gần chân đèo tao càng ngỡ ngàng và niềm kiêu hãnh trong tao chợt tan nhanh
trước vùng đất hoang sơ, điêu tàn như vùng đất chết!”
Thông ngưng nói, ôm ngực ho, khạc bãi đờm đặc quánh rồi tiếp: “Tao mệt
quá! Tụi bay kiếm chỗ nào có bóng mát nghỉ một chút.” Cả bốn thanh niên
ngồi dưới bóng cây đa bên đường. Dưỡng trở lại đề tài lúc nãy: “Thông! Căn
cứ vào đâu mày biết có những đợt hồi cư? Rồi khi trở về Thành, tụi mật thám có
để mình yên hay không?” Vuốt ngực như muốn nén cơn ho, Thông vừa thở mạnh
vừa đáp, giọng khàn hẳn đi: “Thứ nhất, khi chưa bị bắt, tao biết có nhiều
người trở về. Mật thám Tây sẽ không làm chi hết nếu người đó chí thú làm ăn,
không hoạt động chính trị. Thứ hai, khi tao xuống đến chân đèo Cả, tao gặp từng
đoàn người, nhiều nhất là đàn bà, trẻ con và người già, đi ngược lên đỉnh đèo,
về hướng Nam. Nhiều người lấy bạc tín phiếu cho tao. Lúc đó tao mới tự hỏi: Nếu
kháng chiến và cách mạng là để thay những điều xấu bằng những điều tốt thì tại
sao từng đoàn đồng bào lại bỏ vùng kháng chiến để trở về Thành?”
Chưa ai kịp trả lời, bỗng cả bốn người đều nghe một tổng hợp âm thanh non
nớt nhưng cao và trong vắt: “Đồng bào ơi! Cùng Bình Trị Thiên, đứng lên!
Đứng lên ta nguyền giết loại lang sói. Quân thù chung, giết, giết hết! Loài
tham tàn lũ khát máu…” (1). Thông dáo dác nhìn quanh. Lộc bảo: “Trẻ
con tập hát chứ có gì lạ đâu, mày!” Thông nhíu mày: “Họ tập cho trẻ
con căm thù sớm như vậy sao?” Dưỡng chán nản: “Con nít ở đây không có
tuổi thơ. Ban ngày chúng hát những bài sắt máu; ban đêm rình xem gia đình nói
gì, làm gì, ăn gì để hôm sau báo cáo cán bộ.” Ngữ thở dài: “Nhạc ngoài
này chỉ có giết, máu và khoai sắn thôi. Hồi mới ra tao chưa biết, ôm mandolin
đàn bản Dứt Đường Tơ, tối đó bị kiểm thảo tư tưởng liền!” Thông lắc đầu,
cảm thấy bất an, đưa tay quẹt mồ hôi trán. Khi bị Tây nhốt tù Thông cứ mơ về
“vùng giải phóng” để được sống và sáng tác một cách tự do. Nhưng hơn tuần nay
sống trong “vùng giải phóng”, Thông chỉ thấy và nghe những điều nghịch lý!
Giữa khi tinh thần Thông chùng thấp, tiếng hát của nhóm trẻ con lại vang lên
một bài khác: “Bao chiến sĩ từ phương Nam lên đường đi. Vang hát câu thề
xông phá chốn chiến trường…” Giật mình, nhưng Thông cứ ngỡ như những lần
trong tù, nghe tiếng non sông vọng về! Dưỡng reo lên: “Thông! Nghe kìa. Bài
Chiến Sĩ Phương Nam của mày.” Lúc này Thông mới nhận thức được thực tại: “Tụi
bay cũng nghe nữa, phải không? Hướng nào vậy?” Cả bốn người cùng lắng
nghe. Chỉ một thoáng thôi, Lộc chỉ tay về phía xa: “Đám trẻ con trong vườn
dừa kìa.” Thông vùng chạy về vườn dừa. Các bạn cùng chạy theo. Tất cả vừa
chạy vừa bắt vào hát đoạn điệp khúc: “Phương Nam ơi! Nước con đang chờ.
Phương Nam ơi! Khói lên mịt mùng. Ly hương người chiến sĩ nhiều lần giết xâm
lăng…”
Khi còn cách vườn dừa một đoạn ngắn, bất ngờ Thông quỵ xuống ôm ngực. Dưỡng
nhào đến: “Thông!” Thông vẫn co quắp người. Ngữ và Lộc phụ với Dưỡng
đỡ Thông tựa vào bệ đá bên đường. Mặt và môi Thông tái nhợt, hơi thở đứt đoạn.
Dưỡng nói: “Tìm y tá, mau đi!” Ngữ nhổm người, sắp chạy vào làng tìm y
tá, nhưng Thông khua tay, thều thào: “Thôi, khỏi, Ngữ!” Nói xong Thông
ôm ngực ho mạnh, một búng máu văng ra, vấy lên đôi dép cũ làm bằng vỏ bánh xe,
Dưỡng đang mang. Ba người bạn cùng cầm tay Thông, lặng lẽ nhìn nhau, ái ngại,
trong khi tiếng hát trẻ con vẫn vang xa sáng tác của Thông: “…Người chiến
sĩ hẹn ngày về, về phương Nam. Với chiến bào đầy vinh quang khoát chiến y…”
Tiếng hát vẫn vút cao trong nắng ấm, nhưng tâm hồn của Ngữ, Dưỡng và Lộc lại
chùng xuống đến độ thấp nhất! Và rồi, cả ba người đều gục xuống, vì tay của
Thông không còn ấm nữa! Không hẹn, nhưng cả ba thanh niên đều nghĩ đến câu nói
của Sato năm nào: “Tôi không biết tôi đã làm được gì cho Quê Hương…nhưng
điều tôi thấy rõ là Quê Hương tôi đổ nát, tàn rụi, tuổi trẻ của tôi bị phí
phạm, tài năng của tôi bị tiêu diệt, gia đình tôi ly tán!”
Hơn ba mươi năm rồi, nhưng cái chết của Thông và cuộc sống đày đọa của người
dân thuộc “vùng giải phóng” lúc nào cũng ám ảnh Dưỡng. Vì vậy, sau khi miền Nam
bị “giải phóng”, Dưỡng thành lập tổ chức phục quốc, hợp với tổ chức do người
học trò cũ – cựu Hải- Quân Thiếu Tá Đặng Hữu Thân – của Dưỡng khởi xướng. Tổ
chức bị lộ. Dưỡng và Đặng Hữu Thân bị bắt. Dưỡng bị giam tại Nghĩa Phú. Thân bị
nhốt tại A30. Cựu Hải Quân Thiếu Tá Đặng Hữu Thân vượt ngục và bị bắt lại. Việt
Cộng xử bắn Ông tại A30! (2).
Thấy Dưỡng trầm mặc khá lâu, Ngữ gọi “Dưỡng!” Dưỡng nhìn Ngữ, chờ
đợi. Ngữ hỏi rất khẽ:
– Cho đến giờ phút này, mày nghĩ như thế nào về việc làm của mày?
Dưỡng cũng đáp lại chỉ vừa đủ Ngữ nghe:
– Đó là việc tao phải làm. Tuy nhiên, nếu việc làm của tao chỉ để tái tạo
cái đã mất năm 1975 thì tao không làm!
Dưỡng vừa dứt câu, quản giáo nạt:
– Hai anh ngồi đầu bàn! Tôi cảnh cáo lần thứ hai.
Ngữ đẩy giỏ thức ăn về phía Dưỡng, nói thật rõ:
– Dưỡng! Tao đem cho mày vài thứ cần dùng, mày đem vào đi.
Dưỡng không nhìn giỏ thức ăn mà lại nhìn Ngữ:
– Ngữ! Mày có thể giúp tao một điều, được không?
– Tao sẽ hết lòng. Mày cần gì?
– Mày có tiền, cho tao bốn trăm.
Ngữ hiểu Dưỡng hỏi bốn trăm là bốn trăm tiền Việt Cộng chứ không phải bốn
trăm đô- la. Nhưng đối với gia đình Ngữ, số tiến ấy quả thật rất lớn! Thấy Ngữ
phân vân, khó nghĩ, Dưỡng buồn xo:
– Tao hiểu. Thôi, mày đừng bận tâm!
– Nhưng mày cần mua cái gì, nói tao nghe, được không?
– Tao muốn mua một Violon nội hóa. Tao nhờ anh quản giáo trong đội
văn nghệ hỏi giùm, giá khoảng bốn trăm.
– Mày biết tình trạng sức khỏe của mày hiện tại ra sao hay không? Tại sao
thức ăn mày không xin, thuốc trị bệnh mày không hỏi, mà lại xin cây đàn?
– Tao biết, tình trạng sức khỏe của tao chẳng khác chi tình trạng của thằng
Thông hồi đó; nhưng tao đã quen kham khổ, tao không cần những thứ mày vừa kể.
– Thôi được! Tao sẽ cố vận động với tất cả người quen và học trò cũ của
mày.
Chợt nhớ ra, Ngữ tiếp:
– Tao sẽ ghé nhà chị thằng Thông, hỏi địa chỉ thằng Phiên, rồi gửi thư, xin
nó, cho mày.
Câu hứa hẹn của Ngữ, suốt mấy tháng qua, lúc nào cũng văng vẳng trong lòng
Dưỡng. Vừa cầm mái chèo khuấy nhẹ thùng canh rau Dưỡng vừa tưởng tượng đến ngày
được nâng niu cây đàn của chính mình – chứ không phải cây đàn mượn – vào những
dịp Dưỡng bị nhà tù “xung công” vào đội văn nghệ.
Trong niềm vui nhờ sự tưởng tượng, hồn Dưỡng lui về khoảng thời gian sinh
hoạt với Ngữ, Đào, Lộc và các bạn trong Hội Mỹ Thuật và những buổi tối tập đàn
với các bạn. Có những đêm mưa tầm tã, Dưỡng phải chịu ướt, lấy áo mưa bọc hộp
đựng Violon, đi bộ đến rạp hát Cô Hai để hòa đàn cùng các bạn. Nhiều
đêm, khuya lắm, Sato vẫn trong cơn say ngầy ngật, đến nghe và xin được điều khiển
ban nhạc.
Vì chưa biết được tài năng của Sato, Đào tròn mắt, không biết Sato nói hay
“rượu nói”. Đào cứ tìm cách khất. Lần nào Sato cũng gật đầu, nhẫn nhịn, ngồi
nghe. Nhưng một hôm Sato khẩn khoảng: “Không. Tôi điều khiển được mà. Xin
cho tôi một lần thôi. Làm ơn!”
Nghe Đào dịch lại, tất cả đưa mắt nhìn nhau, nghi ngờ. Thông nhún vai, buông
nhẹ một câu tiếng Pháp: “Biết đâu mình ‘đụng’ phải tay gộc đó.” Đào
nói với Sato: “Vâng. Anh sẽ là nhạc trưởng và chúng tôi sẽ hợp tấu lại bài
Shina No Yoru”.
Sato im lặng, ra dấu cho toàn ban ngồi theo hình cánh cung. Accordéon,
Flut và Guitar Hawian ngồi giữa. Hai Violons đứng phía sau. Bên
phải của Violons là Acoustic Guitar; bên trái là Banjo
Soprano và Banjo Alto.
Thấy cách Sato sắp xếp, cả nhóm biết đã gặp phải một vị nhạc trưởng –
orchestra conductor – hạng “cừ”, đều đưa mắt nhìn nhau, thầm phục.
Sato đứng thẳng, hướng mắt về phía Lộc, bàn tay phải đưa ra phía trước một
cách dịu dàng, tức thì, tiếng sáo của Lộc trổi lên. Trong khi tiếng sáo của Lộc
vút lên một đoạn tự do – ad libitum – Sato đảo mắt về phía các nhạc công khác
rồi thu hai tay về phía trước ngực cùng thời gian khi tiếng sáo vừa dứt. Hai
bàn tay Sato từ từ cất lên rồi gặc mạnh xuống, cùng lúc, toàn ban nhạc bắt vào
đúng ngay thì mạnh – temps fort.
Sato vẫn đứng thẳng, dáng uy nghi. Nhưng nếu đôi tay của Sato không cử động
để điều khiển ban nhạc, có lẽ tất cả nhạc công đều nghĩ rằng Sato đã xuất hồn,
đã hòa nhập vào dòng nhạc chập chùng để trở về thành phố rực rỡ ánh đèn; nơi
người Cha già của Sato thường miệt mài với cây đàn Violoncelle trong
ban đại hòa tấu thuộc nhạc viện Tokyo.
Bỗng Sato choàng tỉnh vì bản nhạc đang đến đoạn điệp khúc. Sato, tay trái
vẫn giữ nhịp, tay phải hất nhẹ về phía Hùng Lân, Đào và Dưỡng. Tiếng Guitar
Hawian của Hùng Lân nghẹn ngào trong khi tiếng Violon của Đào và
Dưỡng vút lên một bát trình – octave – và Thông chỉ đệm những nút trầm – bass –
bên trái của Accordéon. Các nhạc cụ khác im lặng. Sau đó, Sato ra hiệu
cho hai Banjos và Accordéon cùng hòa vào một đoạn nhạc dòn
dã.
Trước khi ban nhạc vào đoạn kết của bản nhạc, bất ngờ còi báo động vang lên
(3), tất cả nhạc công hơi hoảng hốt, muốn ngưng đàn để nhảy xuống hầm; nhưng
thấy Sato vẫn đứng thẳng, điềm nhiên, mọi người không muốn bị mang tiếng “hèn”,
đành phải ngồi yên, đàn tiếp. Sato dang rộng đôi tay, vung nhẹ lên, ra hiệu cho
ban nhạc hợp tấu – Tutti – để chấm dứt.
Tất cả nhạc công ùa đến bắt tay Sato. Qua giây phút xúc động, Sato thoáng
nhìn Violon của Dưỡng rồi xoay sang Đào: “Các anh có thể cho tôi
mượn Violon trong chốc lát không?”
Chẳng cần dịch lại, cũng chẳng cần hỏi ai, Đào lấy Violon trao cho
Sato: “Đây, đây, đàn đi”. Sato ấp úng: “Tôi muốn được một mình với
cây đàn.”
Đào ra dấu cho các bạn ra phòng sau, đóng cửa lại. Chưa kịp bàn tán về tài
nghệ của Sato, cả nhóm đều nhíu mày vì tiếng Violon của Sato nỉ non
một tình khúc lạ. Có đoạn Sato không dùng archet mà lại dùng ngón tay
“búng” giây đàn, khiến âm thanh nghe tức tưởi, nghẹn ngào! Cả nhóm tranh nhau
dán mắt vào khe cửa, nhìn ra. Khuôn mặt và ánh mắt của Sato trông buồn thảm vô
cùng! Sato kéo archet một cách nhẹ nhàng, tạo nên chuỗi âm thanh triền
miên, sướt mướt.
Trong khi nhóm thanh niên cùng lứa, nhưng không cùng ngôn ngữ với Sato, đang
bị tiếng đàn của Sato mê hoặc thì chính Sato cũng cảm thấy lòng chàng nát tan;
vì tiếng đàn này, tình khúc này đang làm sống lại tâm trạng hãi hùng, đớn đau,
quá sức chịu đựng của một tâm hồn ướt lệ!
Tâm trạng hãi hùng, đớn đau đến với Sato vào ngày 06 tháng 08 năm 1945! Sato
nhớ rất rõ, hôm đó, sau khi mãn phiên trực, không hiểu tại sao Sato cảm thấy
bồn chồn, thương nhớ Hanano một cách lạ lùng! Để xoa dịu lòng mình, Sato lấy Violon
mà Hanano đã tặng chàng ra săm soi. Ngẫu hứng, Sato đàn tình khúc Shina No
Yoru.
Giữa khi Sato đang lắng hồn vào tiếng đàn thì tiếng đập cửa thúc bách vang
lên cùng với tiếng gọi tên chàng. Sato ngưng đàn, bực mình quát: “Cái gì?” Ngoài
cửa, tiếng nói lớn: “Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima!” Sato điếng
người, vất đàn, chạy ra cửa. Lúc này Sato mới thấy cả đơn vị của chàng đang
nhốn nháo, đổ dồn về phòng trực để nghe radio. Sau khi nghe radio
xác định, Sato – cũng như tất cả người Nhật trên toàn thế giới – sững người,
chết lặng!
Trong nỗi đau chung của Quê Hương và dân tộc, Sato còn có niềm lo sợ riêng:
Hanano và gia đình nàng! Nhưng lá thư sau cùng Hanano cho Sato biết nàng vẫn
còn làm việc với thân phụ của chàng tại nhạc viện Tokyo. Chính lá thư này làm
cho những lo âu, xáo trộn trong lòng Sato tạm lắng xuống.
Sato trở về phòng, với dụng ý sẽ tìm cách nào nhanh nhất để liên lạc về gia
đình và tìm hiểu tình trạng của Hanano. Lúc mở cửa bước vào, Sato mới bàng
hoàng nhận ra chiếc Violon đã bị chàng, trong lúc hốt hoảng vội vàng,
đánh rơi xuống nền gạch! Sato nghẹn ngào nâng cây đàn vỡ lên. Sau đó, dù vá
víu, ràng buộc bằng mọi thủ thuật, chiếc Violon ấy cũng không thể nào
phát ra chuỗi âm thanh bình thường. Sato đâm ra lo âu, tự hỏi, điều này có liên
hệ gì đến vận mệnh của Hanano không?
Như để giải đáp thắc mắc của Sato, một điện tín khẩn từ Cha của chàng gửi
đến: “Trước thảm họa ở Hiroshima ba ngày, Hanano xin về Hiroshima thăm
người em vừa xuất viện. Dù chính phủ ra lệnh cấm không cho ai ra vào Hirosima,
Ba cũng đã tìm cách đến được Hiroshima để tìm Hanano của con. Sato! Hirosoma
không còn nữa! Có còn chăng là những đống gạch vụn vỡ bên những cuộn khói âm ỉ
giữa sự đổ nát, điêu tàn…” Không đủ can đảm đọc hết tờ điện tín, Sato gục
đầu lên cây đàn vỡ, gào to: “Hanano!”
Bây giờ, đàn xong nhạc khúc Shina No Yoru, Sato khép mắt lại, cảm nhận được
hai hàng nước mắt đang lặng lẽ lăn dài!
Nhìn hai dòng lệ của Saro long lánh dưới ánh đèn, cả nhóm thanh niên cũng
mủi lòng, cảm thấy cay cay ở mắt…
Dòng hoài niệm của Dưỡng vừa đến đây, Dưỡng bỗng giật mình vì tiếng quát của
anh quản giáo:
– Này, anh kia! Đầu óc anh để ở đâu, thùng canh “xôi xùng xục”, “chào” ra thế
kia mà cứ quậy hoài “nà” sao, hả?
***
Đọc qua bản tự kiểm của Ngữ, Chất cười khẩy:
– Anh đã đi cải tạo một thời gian dài, thế mà anh vẫn chưa “thấu chiệt”
đường “nối” của đảng và nhà nước. Anh phải thành thật khai báo thì đảng và nhà
nước mới cứu xét và khoan hồng cho anh được.
– Báo cáo cán bộ, những điều tôi viết ra đều là sự thật.
– Ha…ha…gia đình anh bo bo cũng không đủ ăn ngày hai bữa; thế mà anh bảo anh
chỉ đi xin tiền để mua cây đàn, ai nghe được không?
Ngữ ngại, nếu Ngữ khai thật Ngữ vận động xin tiền mua cây đàn cho Dưỡng thì
sẽ bị Chất quy tội là đã liên hệ với tên “phản động hạng nặng Nguyễn Hữu
Dưỡng”; vì vậy Ngữ chỉ khai mua cây đàn. Cũng may, hầu như ai trong khu phố này
cũng biết Ngữ xử dụng được nhiều loại nhạc cụ khác nhau, cho nên Chất không tra
gạn Ngữ mua đàn cho ai.
– Thưa cán bộ…
– Tôi không có thì giờ “chanh nuận mí” anh. Tôi chỉ cần anh khai rõ tên, họ,
địa chỉ những người anh đã “niên” hệ trong mấy tháng qua.
– Họ chỉ là học trò cũ của tôi; lâu lắm tôi mới gặp lại cho nên tôi không
nhớ họ và địa chỉ.
– Anh đừng ngụy biện. Học “chò” của anh “nà” “nũ” tay “xai” cho đế quốc Mỹ.
Bây giờ anh muốn che chở cho chúng nó, phải không?
– Tôi không có ý định đó.
– Anh không có ý định đó thì anh đơn cử cho tôi vài nhân vật mà anh thường
“niên” hệ.
– Tôi chỉ tình cờ gặp lại họ một hai lần, làm sao tôi biết rõ về họ được!
– Anh ngoan cố, khó “nàm” việc. Tôi hỏi anh, anh đến nhà tên Phiên mấy
“nần”? Mỗi “nần” như thế anh nhận được công tác gì do tên Phiên từ nước ngoài
chỉ thị?
Ngữ giật mình! Vì cố tình giữ kín chuyện giúp Dưỡng cây mua đàn, mỗi lần đến
nhà ai Ngữ thường đạp xe đi một mình. Ngay như với vợ, Ngữ cũng chưa bao giờ
thố lộ; vì Ngữ sợ vợ chàng ngại chàng liên lạc với Dưỡng rồi ngăn cản, không
cho chàng giúp Dưỡng. Vậy thì tại sao Chất biết được? Ai theo dõi Ngữ? Bất chợt
Ngữ lạnh toát người. Có lý nào! Trời ơi! Cường, đứa cháu nội mà thỉnh thoảng
Ngữ “đèo” nó theo cho có bạn! Lẽ nào và làm thế nào Cường hiểu Ngữ nói gì để
báo cáo?
Ngữ nhớ đến đó, nhưng Ngữ lại quên rằng cách nay không lâu, Cường đem giấy
khen “cháu ngoan bác Hồ” về khoe với Ngữ. Ngữ nổi giận, nạt nộ, la mắng, bảo
Cường đem tấm giấy đó đi đâu thì đem cho “khuất mặt ông Nội”! Cường không hiểu
nhuyên do, chỉ tủi thân, khóc và hôm sau Cường mách lại cô giáo. Cô giáo dặn
Cường để ý mọi hành động, ngôn từ của Ngữ để mách lại cô nghe. Và cô giáo là vợ
của Chất! Chất gằn từng tiếng:
– Đấy, chúng tôi có tài “niệu”, bằng chứng cả rồi, anh chạy chối đằng nào?
Sau khi hứa với Dưỡng, Ngữ đến nhà Mẹ của Phiên để xin địa chỉ của Phiên.
Mấy lần đầu Ngữ không gặp được Bà, chị em của Phiên không dám cho. Sau nhiều
lần trở lại, Ngữ mới gặp được Bà. Bà dặn Ngữ viết thư qua một địa chỉ ở Canada,
nhờ người này chuyển sang Mỹ cho Phiên; như vậy công an mới không để ý. Sự thật
là như vậy, nhưng Ngữ sợ, nói trại đi:
– Thưa anh, Phiên là cháu gọi Thông – bạn “nối khố” với tôi – bằng cậu.
Thông đã theo kháng chiến và chết tại liên khu V. Tôi chỉ đến thăm chị của
Thông thôi.
– Anh đừng đem chuyện kháng chiến kháng chiếc ra “nòe” tôi. Anh đã “niên” hệ
với một tên C.I.A hạng gộc. Anh phải ghi điều đó vào bản tự kiểm.
– Thưa anh, Phiên chỉ là một sĩ quan Hải Quân. Phiên không làm cho C.I.A.
– Anh dốt chứ tôi không dốt. Đi Hải Quân, nắm phòng nhì mà anh bảo không
“nàm” cho C.I.A. thì “nàm” cái gì?
Trước lối lý luận như vậy, Ngữ nghẹn ngang! Chất đứng lên, nét mặt hầm hầm:
– Anh viết “nại” bản tự kiểm. Tôi “xẽ chở nại”.
Cắn bút, cố tìm một lý do nào hợp lý nhất để viết, Ngữ bỗng mỉm cười; vì
chính Ngữ, đôi khi, Ngữ cũng không tin được giữa “thời bao cấp” này lại có một
tên tù vừa được tha lại đi xin tiền mua cây đàn cho một tên còn trong nhà tù!
Tìm không được lý do và cũng uất lòng vì tình cảnh của Dưỡng và thương nhớ
Vinh, Ngữ ngồi thừ, chẳng suy nghĩ được!
Bỗng Ngữ giật mình, chợt nhớ lại những kỷ niệm đắng cay khi còn ở “vùng giải
phóng”. Vừa khi đó Chất trở lại:
– Thế nào, anh nhận tội chứ?
– Kinh nghiệm thời gian theo Kháng Chiến chống Tây cho tôi biết rằng: Khi
người Cộng Sản các anh đã quyết đoán, đã áp đặt, đã kết tội thì chỉ có…
Ngữ không dám nói hết ý của Ngữ. Tên quản giáo lại không hiểu được ý nghĩa
thâm thúy của Ngữ, đáp:
– Biết thế “nà” giác ngộ phần nào rồi đấy.
Bị còng để chờ xe đưa vào trại tù, nhìn vùng kinh tế mới Xuân Hưng, nơi vợ
con của Ngữ đã bị đuổi về đây – sau khi Ngữ và ba đứa con trai bị tù – để
“đảng” và “nhà nước” tịch thu nhà cửa tài sản, Ngữ khóc thầm vì thương nhớ
Vinh! Ngữ thở dài, nhìn lên bầu trời nhiều mây và tưởng như thấy được bóng dáng
Vinh trong bộ đồ bay màu cà- rốt, mũ “cao- lô” và cặp kính đen, chờn vờn cuối
trời xa. Và, Ngữ nghe tổng hợp âm thanh xưa, khi ban Bình Minh hợp ca, vọng về
trong tâm thức của Ngữ: “…Bao tiếng thét oai hùng đoàn xung phong
tiến về dành Quê Hương. Đất Khánh Hòa nghìn năm niềm thương yêu giờ đây vang
tiếng than! Người lìa Quê Hương sông núi, đọa đày thân sống xa xôi. Quê Hương
ơi! Giờ đây biết chăng Mẹ hiền thổn thức? Quê Hương ơi! Giờ đây thấu chăng
tiếng khóc đàn con!…” (4).
Điệp Mỹ Linh
http://www.diepmylinh.com/
1.- Bình Trị Thiên Khỏi Lửa của Nguyễn Văn Thương 2.- Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 của Điệp Mỹ Linh 3.- Mỗi khi phát hiện phi cơ Mỹ sắp đến dội bom, công ty điện lực thường hụ còi báo động để mọi người chạy xuống hầm. 4.- Khánh Hòa Niềm Thương của Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ.