Một trong những chi
tiết ít người chú ý đến là khả năng và kỹ thuật rất hữu hiệu của các chính
quyền Âu Mỹ trong việc truy tìm nguồn gốc của những tai nạn đổ nát kinh hồn
hoặc thủ phạm chủ mưu của những vụ tấn công gây tai ương khủng khiếp thường rất
hữu hiệu và nhanh chóng, thường là chỉ vài giờ sau khi xảy ra cớ sự và mọi
người vẫn còn bàng hoàng hoặc còn đang chật vật trong việc cứu chữa cho những
nạn nhân còn sống sót. Điển hình là sau những vụ hoả hoạn nổ ra, giữa lúc các nhân
viên an ninh và cứu cấp đang lo thu dọn “chiến trường”, các nhân viên điều tra
trong lúc tìm tòi trong đống tro tàn đã có thể xác định đây là một tai nạn do
rủi ro, hoặc là một vụ bốc cháy do kẻ gian có chủ ý để phóng hoả (arson). Và
sau đó không lâu, họ cũng thường nhanh chóng tìm ra thủ phạm, nhiều khi lại
chính là chủ nhân của những căn nhà đang muốn mượn ngọn lửa để thực hiện những
âm mưu bất chính của mình.
Chẳng hạn như trong
vụ tấn công khủng bố kinh hồn xảy ra vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, trong lúc
đầu người dân vẫn còn đang chưa hết bàng hoàng trước những hình ảnh đổ nát tang
thương mà họ phải chứng kiến trên màn ảnh truyền hình khi bọn không tặc cướp
được những chiếc máy bay dân sự để biến nó thành những hoả tiễn nguy hiểm khủng
khiếp vì có chứa đầy xăng để đâm sầm và quất sụm hai toà nhà chọc trời ở Nữu
Ước và Ngũ Giác Đài cùng với một chiếc bị rớt tại Pennsylvania khiến cho hàng
ngàn người phải thiệt mạng và sinh hoạt tại nhiều nơi trên nước Mỹ gần như bị
tê liệt.
Nhưng liền sau đó,
chính quyền Mỹ đã nhanh chóng nhận diện được thủ phạm chính là 19 tên khủng bố
thuộc thành phần Hồi-giáo quá khích của tổ chức Al Qaeda dưới sự chỉ huy của
Khalid Sheikh Mohammed là một phụ tá cao cấp của thủ lĩnh Osama bin Laden, vào
lúc ấy vốn vẫn chưa là một tên tuổi được nhiều người dân Mỹ biết đến. (Tưởng
cũng nên nhớ là vào năm 1998, khi TT Clinton ra lệnh cho các chiến đấu cơ Mỹ
tấn công vào một số các mục tiêu của Al Qaeda tại A Phú Hãn và Sudan, nhiều dân
biểu và nghị sĩ phe Cộng Hoà còn cáo giác rằng đó chỉ là một hành động nhằm
đánh lừa công luận để không chú ý đến vụ tai tiếng tình dục với cô Monica
Lewinsky!)
Lần này tại Pháp, bọn
khủng bố thuộc một tổ chức Hồi-giáo quá khích là IS (hoặc ISIS hay ISIL) đã ra
tay tấn công đồng loạt tại nhiều địa điểm vào một buổi tối thứ Sáu gây chấn
động kinh hoàng ở thủ đô Ba Lê (Paris) của Pháp khiến cho chính quyền và người
dân tại Pháp nói riêng, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới nói chung, cũng
phải giật mình kinh hãi. Nhưng sau đó không lâu, giới chức an ninh tại Pháp
cũng đã biết rõ tung tích của những kẻ chủ mưu với tay cầm đầu nhóm khủng bố là
Abdelhamid Abaaoud, có lẽ là nhận được lệnh của thủ lĩnh của tổ chức IS là Abu
Bakr al-Baghdadi đã chỉ thị cho các đàn em là hãy thực hiện các vụ tấn công và
bắt cóc con tin tại các nước đã tham gia trong liên minh tấn công IS tại Syria
và Iraq như là một hành động trả thù đối với các chiến dịch oanh kích này.
Dĩ nhiên, chính phủ
Pháp sau đó đã nhanh chóng trả đũa bằng những đợt oanh kích dữ dội bởi các
chiến đấu cơ của Pháp nhắm thả bom vào các cơ sở và cứ điểm của tổ chức IS tại
thành phố Raqqa ở Syria, được coi như là thủ đô của tổ chức có tên là Nhà Nước
Hồi Giáo chiếm nhiều phần đất tại Syria và Iraq từ hơn 1 năm qua. Những hành
động này được xem như là một câu trả lời rõ ràng rằng Pháp, cũng như Hoa Kỳ
trước đây đã nhanh chóng tấn công Al Qaeda tại A Phú Hãn sau vụ 9/11, sẽ không
ngần ngại ra tay mạnh mẽ để đối phó với những kẻ nào dám ngang nhiên tấn công
mình. Và dĩ nhiên, lực lượng an ninh của Pháp cũng đã dùng hết khả năng và nhân
lực để tóm cổ hoặc triệt hạ những kẻ chủ mưu của các vụ nổ bom tấn công, như là
một lời cảnh cáo đến bất cứ những thành phần khủng bố nào khác, rằng trước sau
gì bọn chúng cũng sẽ phải đền tội sau khi dám ngang nhiên tấn công vào cơ sở và
người dân của Pháp.
Đó là lý do vì sao mà
lực lượng cảnh sát Pháp đã nhanh chóng bao vây 1 căn nhà ở ngoại ô Saint Denis
phía bắc của Paris để đánh sập một toà nhà có bọn khủng bố đang ẩn náu và tiêu
diệt cả bọn vào sáng sớm thứ Năm 19/11 vừa qua, trong đó có tên thủ lĩnh
Abdelhamid Abaaoud cũng được xác nhận là đã bỏ mạng trong vụ tấn công này, dù
rằng cảnh sát Pháp chưa biết rõ là hắn chết vì bị thương hay là nổ bom tự sát
như một phụ nữ Hồi-giáo khác trong bọn chúng là cô Hasna Ait Boulahcen, cũng là
một người bà con của Abaaoud. Còn một tay đầu sỏ khác là Salah Abdeslam, kẻ đã
chở những đồng bọn trên chiếc xe Volkswagen Polo đến bắn các nạn nhân ở nhà hát
Bataclan, đã may mắn trốn thoát được sang Bỉ, dù trước đó hắn ta có bị chặn lại
hỏi giấy tờ tại biên giới.
Những chi tiết này
cho thấy là các lực lượng an ninh tại các nước Âu Mỹ tiên tiến thật ra đã làm
việc rất hữu hiệu trong việc giữ gìn an ninh cho người dân trong nước để tránh
những tai hoạ có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, nhất là trước nguy cơ của
những kẻ gian thuộc đủ mọi khuynh hướng và sắc tộc lúc nào cũng sẵn sàng xuống
tay thực hiện những hành động phạm pháp.
Tuy nhiên, một trong
những chi tiết về việc điều tra rất hiệu quả của các cơ quan an ninh có phần
đáng chú ý nhất, vì nó có thể dẫn đến nhiều hậu quả hay kết luận có phần tai
hại cho số phận của nhiều thường dân vô tội khác, đó là những người tị nạn từ
những nước ở vùng Trung Đông đang mưu cầu một nơi chốn bình an hơn tại các nước
ở Âu Châu.
Đó là trong số những
tang vật thu thập được từ trên người hoặc nằm gần thi thể của một tên khủng bố
nổ bom tự sát lần này có một cuốn sổ thông hành (passport, người viết
tránh dùng chữ ‘hộ chiếu’ của Việt Cộng) của nước Syria. Chính quyền Hy Lạp sau
đó xác nhận rằng kẻ nào đó mang sổ thông hành này với cái tên là Ahmad Al
Mohammad, 25 tuổi, người Syria, tự nhận mình là kẻ tỵ nạn đến đảo Leros của Hy
Lạp hồi đầu tháng 10 vừa qua.
Một
trong hai con đường đi tìm tự do của những người lánh nạn
tại Syria để đi đến các nước tại Âu Châu.
tại Syria để đi đến các nước tại Âu Châu.
Một bài báo mới nhất
được đăng trên tờ Wall Street Journal của hai nhà báo Marcus Walker và Noemie
Bisserbe tường thuật chi tiết về hành trình của nghi can khủng bố này khá ly
lỳ. Sau khi đến đảo, hắn ta nói mình là cư dân Syria muốn trốn tránh bọn IS nên
chạy loạn. Vì thiếu nhân lực và cơ sở để thanh lọc kỹ càng, cảnh sát Hy Lạp chỉ
có thể làm thủ tục sơ sài bằng cách chụp hình, lấy tên và dấu tay trước khi
thẩm vấn một vài câu hỏi. Sau đó, hắn được nhập cư để từ đó tiến sâu về phía
bắc trong nội địa Âu Châu. Nhân viên an ninh tại đây cũng không phát giác được
đây là 1 cuốn thông hành giả, phần lớn được sản xuất tại thị trường chợ đen ở
Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua để cho nhiều người tị nạn có thể mua lấy như là
một bằng chứng dễ dàng nhất để có thể bước vào biên giới các nước Âu Châu. Bởi
vì thông tin lan truyền nhanh chóng sau này cho rằng các nước Âu Châu sẽ dễ
dàng chấp nhận các di dân từ Syria hơn là các quốc gia Ả Rập hay Bắc Phi khác
trong việc cho vào tị nạn.
Sau đó, kẻ mang thông
hành giả này bước lên một chiếc phà để đi đến cảng Piraeus, trước khi tiến sâu
hơn nữa vào các nước Macedonia và Croatia. Từ đây, dường như người ta mất dấu
của hắn, bởi vì các viên chức an ninh của các nước lân cận như Áo, Đức, Ý và
Hung Gia Lợi đều nói rằng họ không có những thông tin nào về một kẻ mang thông
hành như vậy bước vào lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, đến giờ chót, người ta chỉ
biết rằng hắn đã đến được thủ đô Ba Lê của nước Pháp, và đã bỏ mạng tại đây
(với cuốn sổ thông hành giả) khi cho ôm bom tự sát bên ngoài sân vận động Stade
de France vào tối thứ Sáu của vụ tấn công vừa qua.
Chính cái sổ tay
thông hành oan nghiệt này có lẽ đã khiến cho tên khủng bố mang tên nó, không
những chỉ huỷ hoại thân xác của mình (theo đúng với niềm tin hoang tưởng của
hắn được lên thiên đàng gặp 72 nữ đồng trinh khi xả thân vì thánh chiến), mà
còn giết chết đi niềm hy vọng của hàng chục ngàn hay hàng trăm ngàn người dân
tị nạn khốn khổ khác đang ngày đêm mong chờ được người dân và chính quyền các
nước khác giang tay đón nhận họ sau cuộc hành trình gian khổ và nguy nan để
lánh nạn khỏi cơn chiến tranh tan hoang nổ ra tại Syria từ hơn 4 năm qua.
Bởi vì chi tiết này
đã làm tăng thêm nỗi nghi ngại và lo sợ của nhiều người rằng tổ chức IS đã cho
nhiều phần tử của chúng trà trộn vào làn sóng của người tị nạn đang hốt hoảng
tìm đường sống tại các nước ở Âu Châu. Nhiều đồng minh của Thủ tướng Angela
Merkel của Đức đã hô hoán về hiểm hoạ an ninh liên quan đến chính sách mở rộng
cửa biên giới để đón nhận những người tị nạn Syria của một nữ lãnh tụ can đảm và
nhân hậu rất đáng khen giữa thời buổi nhiễu nhương này. Điển hình cho tinh thần
lo ngại thái quá này là lời phát biểu của ông Markus Suder, bộ trưởng Tài chính
của vùng Bavaria, rằng “Thời kỳ cho tự do nhập cư của những thành phần di
dân bất hợp lệ không thể nào tiếp tục như vậy nữa. Những gì đã xảy ra ở Paris
đã thay đổi hoàn toàn cục diện.”
Tương tự như vậy, tân
chính phủ tại Ba Lan cũng đã lợi dụng những diễn biến kinh hoàng tại Pháp để
lấy cớ rút lui khỏi những cam kết trước đó là nước này (cùng với các nước khác
tại Âu Châu) sẽ nhận thêm vài ngàn di dân gốc Syria. Còn tại Anh, trên tờ nhật
báo Mail on Sunday, ban biên tập đã cho chạy một hàng tít thật to rằng “những
kẻ tấn công đã đột nhập vào Âu Châu là những kẻ giả mạo tị nạn của Syria”.
Và tại Hoa Kỳ, là nơi
mà di dân rất khó để nhập cư sau này dù rằng đất nước này được lập lên từ những
thành phần di dân đến từ vùng đất khác -- và do đó luôn có truyền thống đón
nhận mọi người thuộc đủ các khuynh hướng và sắc tộc đến để cùng sống chung trong
một cái chảo hoà trộn chung gọi là melting pot -- tinh thần nghi ngại và
lo sợ này cũng đã nhanh chóng lan rộng khiến cho triển vọng của những người tị
nạn Syria muốn được chấp nhận vào Hoa Kỳ càng chật vật hơn nữa.
Thật ra trong bối
cảnh khó khăn và chia rẽ sâu đậm của Hoa Kỳ trong những năm gần đây, tinh thần
kỳ thị đối với di dân vẫn thường xuất hiện nơi nhiều thành phần cư dân bảo thủ,
thiếu hiểu biết và thiếu bao dung, được khai thác bởi những chính trị gia bảo
thủ của đảng Cộng Hoà, luôn tìm cách kích động tinh thần bài ngoại, đặc biệt là
đối với khối di dân gốc Latino, vốn đã chiếm một tỉ lệ rất lớn và đã làm thay
đổi bộ mặt của nước Mỹ từ nhiều năm qua. Điển hình là trong cuộc vận động tranh
cử tổng thống lần này, hầu hết các ứng viên của đảng Cộng Hoà đều không dám lên
tiếng bênh vực cho quyền lợi của những khối di dân lậu. Nhiều chính trị gia ứng
viên còn mạnh dạn lên tiếng đòi tống xuất khối dân này, được ước lượng lên đến
con số khoảng 11 triệu người, dù biết rằng đây là một chính sách bất công,
thiếu khôn ngoan và cũng không thể nào thực hiện nổi.
Vì thế nên người ta
không ngạc nhiên khi thấy có đến 27 vị thống đốc của các tiểu bang (tất cả đều
là người của đảng Cộng Hoà, chỉ trừ một người thuộc đảng Dân Chủ) đã nhanh
chóng lên tiếng là họ cương quyết chống đối việc chấp nhận cho các người tị nạn
Syria đến định cư tại các vùng đất của họ. Đây chỉ là một hình thức chống đối
nhằm lấy điểm với cư dân địa phương về mặt chính trị, chứ không phải là một
chính sách có thể được áp dụng, bởi vì việc quyết định cho di dân được nhập cư
vào Hoa Kỳ thuộc thẩm quyền của chính quyền liên bang, vốn đã đặt ra những quy
định rất nghiêm ngặt và khắt khe nhất để chấp nhận các người di dân và tị nạn
trên thế giới có thể được đặt chân đến vùng đất tự do này.
Chưa hết, mới đây, Hạ
Viện Hoa Kỳ đã nhanh chóng thông qua một dự luật nhằm giới hạn hơn nữa số người
tị nạn Syria có thể được nhận vào. Nếu như dự luật này được thông qua ở Thượng
Viện, và sau đó có thể vượt qua được quyết định phủ quyết (veto) của TT
Obama, thì một người tị nạn từ Syria nếu muốn được lọt vào nước Mỹ phải cần có
chữ ký của 3 nhân vật cao cấp nhất trong ngành an ninh phải cùng ký tên chấp
thuận trong hồ sơ: đó là tổng trưởng Bộ Nội An, tổng giám đốc cơ quan cảnh sát
liên bang FBI và tổng giám đốc cơ quan tình báo quốc gia đồng xác nhận rằng
đương sự không phải là một mối nguy cho nền an ninh của nước Mỹ!
Đây là một hành động
đáng tiếc và thừa thãi không cần thiết, đúng như lời nhận định của ông Jeh
Johnson là Tổng trưởng Bộ An Ninh Nội Địa của Hoa Kỳ, và vô tình làm giảm nhẹ
uy tín của Hoa Kỳ trên trường quốc tế, mất đi vị thế của một quốc gia biểu
tượng của tự do và yêu chuộng hoà bình.
CHẶNG
ĐƯỜNG GIAN NAN ĐỂ XIN ĐƯỢC TỊ NẠN TẠI HOA KỲ
Thật vậy, Hoa Kỳ là
một quốc gia có chính sách nghiêm ngặt và khó khăn nhất mà các thành phần di
dân và tị nạn mong muốn đặt chân đến. (Và điều này thì hầu hết các thuyền nhân
tị nạn trên Biển Đông cũng như biết bao gia đình người Việt sống trong nước sau
ngày 30/4/75 đều đã phải chịu đựng qua các thủ tục gian nan và tốn kém trước
khi được chấp nhận đến Hoa Kỳ). Trong một bài báo của ký giả Oren Dorell được
đăng trên tờ USA Today mới đây, người đọc có thể biết rõ hơn chi tiết về con
đường mà người di dân và tị nạn phải trải qua trước khi được hy vọng chấp nhận
để vào nước Mỹ.
Nói chung, đó là một
đoạn đường gian nan qua 13 chặng khác nhau, kéo dài thường là từ 18 đến 24
tháng, dưới sự kiểm soát chặt chẽ và điều tra kỹ lưỡng của nhiều cơ quan và tổ
chức thế giới. Đầu tiên người xin tị nạn phải được kiểm soát có thực sự là nạn
nhân để được hưởng quy chế tị nạn hay không bởi Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc
(UNHCR). Sau đó, họ mới được văn phòng Cao Uỷ hoặc là Toà đại sứ Mỹ giới thiệu
để nộp đơn xin nhập cư vào Hoa Kỳ. Từ đây, một cơ quan do Bộ Ngoại Giao Mỹ lập
ra có chức năng là thu thập hồ sơ và thiết lập lý lịch của người nộp đơn. Sau
đó, hồ sơ này mới trải qua tiến trình cứu xét và thanh lọc về an ninh rất
nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của Bộ Ngoại Giao. Một số thành phần người nộp đơn
tị nạn còn bị điều tra hoặc thẩm vấn thêm bởi những cơ quan an ninh và tình báo
như FBI, CIA, DEA, Bộ Quốc Phòng, Cục An Ninh Quân Đội của Hoa Kỳ.
Sau đó, những người
tị nạn mới bắt đầu được cho đi lăn tay và chụp hình, và hồ sơ được đưa vào kho
dữ liệu (database) rất to lớn của hệ thống chính quyền Mỹ để thanh lọc
một lần nữa xem có sơ sót chỗ nào hay không. Đến lúc này, người tị nạn sẽ được
phỏng vấn bởi một nhân viên của Bộ Nội An Hoa Kỳ rất tinh luyện để phân biệt
xem những lời khai và cung cách của người khai có điều gì bất thường hoặc khả
nghi hay không. Nếu qua được cuộc phỏng vấn này, coi như họ được chấp thuận
trên nguyên tắc nếu như hồ sơ được thanh lọc về an ninh, gọi là security
clearance. Từ đây, hồ sơ người tị nạn được giao cho một tổ chức khác là Cơ
quan Quốc tế về Di Dân (IOM) để kiểm tra về sức khoẻ. Sau đó, người tị nạn mới
được chuyển cho một hội thiện nguyện chuyên đảm trách việc bảo trợ người di dân
tị nạn, để bắt đầu giai đoạn học hỏi và được hướng dẫn để hiểu biết về đời sống
và văn hoá nước Mỹ, tương tự như nhiều người Việt tị nạn trước đây cũng phải ở
các trại tại Phi Luật Tân để học hỏi tiếng Anh và văn hoá nước Mỹ trong một
thời gian trước khi được cho lên đường đi Mỹ.
Đến lúc này, thì tiến
trình nộp đơn và cứu xét thường là đã qua hơn một năm, cho nên tất cả giấy tờ
và hồ sơ của những người đã lọt qua (mà phần lớn là phụ nữ và trẻ em) lại phải
trải qua nhiều cuộc tái giám định (review) hàng năm để xem tình trạng gia cảnh
của họ có những thay đổi nào khác hay không.
Để rồi cuối cùng, khi
họ được chấp nhận lên máy bay cất cánh sang Hoa Kỳ thì được chỉ định đặt chân
xuống 1 trong 5 phi trường đặc biệt được chọn làm nơi nhập cảnh. Tại đây, tất
cả những di dân tị nạn này lại phải trải qua thêm một lần thanh sát sau cùng
bởi các nhân viên của Tổng Nha Quan Thuế và Kiểm Soát Biên Phòng (Border
Control). Tại đây, các viên chức này có toàn quyền hạch hỏi và kiểm soát
mức độ trung thực của những lời khai của di dân trước khi cho nhập cư, và do đó
cũng có toàn quyền bác bỏ nếu có chút nghi ngờ về các hồ sơ cũng như lời khai
của các di dân.
Nói tóm lại, đó là
một tiến trình gian nan và kéo dài thường là 2 năm trời trải qua nhiều cơ quan
an ninh rất chặt chẽ của hệ thống kiểm soát của chính quyền Mỹ.
Khách quan mà nói,
chỉ cần trải qua tiến trình kéo dài và điều tra chặt chẽ như vậy, ắt hẳn là con
số người tị nạn được cho nhập cư vào Mỹ cũng không thể nào cao được, và con số
những người có thành tích bất hảo là những quân quá khích có thể lọt vào nước
Mỹ có thể nói là rất hiếm hoi. Thật vậy, kể từ sau khi cuộc nội chiến tại Syria
nổ ra, con số người tị nạn từ nước này đổ ra ngoài đã lên đến khoảng 4 triệu
người, phần lớn là đến cư trú tại các nước lân cận cũng thuộc khối Ả Rập trong
vùng Trung Đông. Một số khác liều chết đến các nước Âu Châu, và chỉ riêng một
mình nước Đức dưới sự lãnh đạo bao dung và cao đẹp nhất của bà Thủ Tướng Angela
Merkel là sẵn sàng đón nhận số lượng lớn có thể lên đến khoảng 1 triệu người tị
nạn.
Nhiều tiếng nói tiêu
cực còn lên tiếng chê bai bà Merkel là đã “hố nặng” trong chính sách di dân cởi
mở và bao dung này, và giờ đây có lẽ đang ở thế “cưỡi lưng cọp” vì không biết
cách nào để giải quyết cơn khủng hoảng về dân tị nạn một cách ổn thoả. (Và
trong nhóm những người tiêu cực đó cũng có khá nhiều người Việt a dua hùa theo
mà không thấy sự thiếu khôn ngoan pha lẫn bản tính ích kỷ đáng chê trách của
họ).
Tờ The Economist, một
tạp chí uy tín hàng đầu tại Anh và có ấn bản tại Hoa Kỳ, mới đây trong một bài
báo đã ca ngợi việc làm của bà Merkel là một hành động khôn ngoan, sáng suốt và
rất cần thiết vào lúc này cho một khối Âu Châu đang thiếu vắng một lãnh tụ tài
ba, can đảm và độ lượng rất đáng khen như vậy. Tờ báo này cũng còn chứng minh
rằng những tiếng nói tiêu cực chỉ trích bà Merkel mới đích thực là sai lầm.
Thứ nhất, bà Merkel
không phải là người tạo nên làn sóng người tị nạn ồ ạt rời bỏ nước ra đi như
vậy. Những đợt sóng di dân này đã liều chết để ra đi, và bà Merkel chỉ ra tay
để ngăn chặn một cơn thảm hoạ về nhân mạng có thể xảy đến nếu như chúng ta
không có một biện pháp thích ứng và hữu hiệu. Việc lập nên những hàng rào không
thể nào ngăn cản được những làn sóng người tị nạn liều chết để ra đi. (Nói theo
ngôn ngữ bình dân của người Việt tị nạn chúng ta trước đây, nếu cái cột đèn
biết đi thì nó cũng muốn rời khỏi VN để chạy trốn cộng sản.) Bà thủ tướng của
Đức đã không có khả năng để ngăn chặn được cuộc nội chiến tại Syria là nguyên
nhân khiến cho dân chúng phải bỏ nước ra đi, và bà cũng không có thẩm quyền
thiết lập những chính sách nhập cư tại những nước đầu tiên mà người tị nạn đã
phải trải qua.
Những người lớn tiếng
chống đối đã không đưa ra được một giải pháp nào để thay thế hoặc giải quyết
vấn nạn này. Ngoại trừ việc vứt bỏ đi hết mọi cam kết và luật lệ quốc tế cũng
như của Âu châu đã có lâu đời, hoặc là cứ ngoảnh mặt làm ngơ để nhìn cả trăm
ngàn người tị nạn chết thảm thương trên đường tị nạn, các quốc gia Âu Châu bắt
buộc phải giải quyết và cứu xét các đơn xin nhập cư của khối người tị nạn này.
Vấn đề là làm sao giải quyết, theo một phương thức có trật tự hay là hỗn loạn?
Dưới sự chủ động của
bà Merkel, một chính sách gồm 4 phần đang bắt đầu thành hình: thứ nhất là đón
nhận những người tị nạn vào nước mình; kế đến là san sẻ trách nhiệm đến tất cả
các nước Âu Châu và nhiều quốc gia khác nữa; tiếp theo đó mới là thắt chặt các
biện pháp kiểm soát biên cương và cứu xét các đơn xin tị nạn ở biên giới của Âu
Châu; và sau cùng là điều đình với các nước quá cảnh là những nơi đầu tiên mà
người tị nạn đã đi qua trong lúc chờ đợi để tìm được nơi định cư sau cùng.
Nói tóm lại, theo
nhận định của ban biên tập tờ The Economist, chính sách của bà thủ tướng Merkel
là một biện pháp đúng nguyên tắc và rất khả thi trong đường dài, dù rằng nó
đang gặp rất nhiều những khó khăn và rủi ro.
Trở về với vấn đề chỉ
trích và đòi hỏi việc giới hạn số người tị nạn Syria đến định cư tại Hoa Kỳ,
chúng ta cũng cần nên biết là cho đến nay, nước Mỹ chỉ nhận có khoảng hơn 2,000
người, một con số quá ít ỏi khiến cho chính quyền Obama đã bị chê trách rất
nhiều, vì dẫu sao đi nữa Hoa Kỳ cũng có trách nhiệm gián tiếp trong cơn khủng
hoảng về di dân này vì đã không mạnh dạn can thiệp vào nội tình Syria, khiến
cho cuộc nội chiến kéo dài và dẫn đến tình trạng số người dân bỏ nước ra đi để
tìm đường tị nạn. Vì thế nên chính quyền Obama có dự định tăng thêm số người tị
nạn cho vào Mỹ lên khoảng 10,000 người.
Điều đáng chú ý hơn
nữa là trong số hơn 2,174 di dân tị nạn Syria được cho vào Mỹ trong thời gian
qua sau khi trải qua một tiến trình thanh lọc nghiêm ngặt như vậy, theo như
thống kê của Bộ Ngoại Giao đưa ra, không hề có 1 người nào đã bị bắt giữ vì
phạm tội hoặc là bị điều tra vì tình nghi là có dính líu đến những âm mưu hay
tổ chức khủng bố, theo như lời xác nhận của bà Jen Psaki, một cựu viên chức
cao cấp của Bộ Ngoại Giao và hiện là giám đốc thông tin của Toà Bạch Ốc.
Đứng trước những vấn
đề khó khăn hoặc nghiêm trọng khó giải quyết, nhiều người thường để cho cảm
tính lấn áp lý trí. Nhưng khi phân tích để tìm giải pháp, chúng ta cần phải
thận trọng suy xét và dựa trên những dữ kiện khách quan là những thống kê và
con số để chứng minh. Theo thống kê của chính quyền Hoa Kỳ, kể từ sau khi biến
cố 9/11 nổ ra khiến cho màng lưới an ninh quốc phòng của Hoa Kỳ càng ngày càng
chặt chẽ hơn nữa, có tổng cộng 785,000 người trên khắp thế giới đã được chấp
nhận đến tị nạn tại nước Mỹ trong thời gian hơn 10 năm qua. Từ đó đến nay, đã
không hề có một người nào trong số này đã thực hiện những vụ tấn công khủng bố,
và chỉ có 3 người là bị cáo buộc vào một số những tội phạm. Đây là một tỉ lệ
quá nhỏ nhoi, không đáng kể như là một mối nguy đáng lo sợ như những kẻ bảo thủ
cực đoan và thiếu hiểu biết thích hô hoán từ bấy lâu nay.
Tiếc thay, trong số
những tiếng nói cực đoan đó lại có khá nhiều những người Việt, vô tình và mau
chóng quên đi thân phận tị nạn của mình trước đây, vốn đã thê thảm trên còn
đường trốn chạy Cộng sản để đi tìm tự do và thanh bình. Họ chỉ biết đưa ra một
vài thí dụ lẻ loi của những thành phần Hồi giáo quá khích biểu tình tại nhiều
nơi ở Âu Châu để từ đó đồng hoá tất cả những người di dân và tị nạn đều là
những tay Hồi-giáo cực đoan, không thể nào hội nhập vào xã hội Âu Mỹ. Họ quên
đi mất rằng đa số những người tị nạn Syria hiện nay cũng là những nạn nhân khốn
khổ và đáng thương hơn hết, vì họ cũng là nạn nhân của bọn khủng bố Hồi giáo
quá khích như IS hoặc Al Qaida.
Cho hay thế thái nhân
tình có những điểm đen đáng buồn và đáng lên án là vậy.
Mai
Loan
Houston,
Texas 20-11-2015
Tái
Bút: Bài
viết này được viết xong trước khi người viết được đọc một số những tin tức có
phần lạc quan và đáng khen từ những người Việt khác đã có cái nhìn nhân bản hơn
về việc đón nhận những lớp người tị nạn Syria, có lẽ vì họ cũng là gốc tị nạn
và hiểu rõ hoàn cảnh cũng như tâm trạng tuyệt vọng mà họ đã từng trải qua trước
đây. Điều đáng mừng là những tiếng nói cao đẹp này lại xuất phát từ những phụ
nữ, xem chừng như rất cao cả và đáng khen hơn nhiều nam nhân thường hay lên
tiếng trên các diễn đàn về đề tài này.
Người thứ nhất là cô
Elizabeth Phú, một phụ nữ 39 tuổi trước đây cũng đã từng vượt biên để rồi sau
đó thành công tại Hoa Kỳ để trở thành một trong những phụ tá cao cấp tại Bộ
Quốc Phòng và Toà Bạch Ốc. Cô là người tháp tùng TT Obama trong chuyến công du
10 ngày sang 3 nước để dự những cuộc họp thượng đỉnh. Bài viết về cô đã được
đăng trên tờ Los Angeles Times, trong đó có đoạn cô nói rằng cô rất đau lòng khi
nghe những lời chỉ trích và đòi ngăn cấm, giới hạn số người tị nạn Syria. Theo
cô thì đất nước này (Hoa Kỳ) là một quốc gia dang tay đón nhận những người đang
cơn khó khăn và cần giúp đỡ, đó là những người chỉ muốn làm việc thật tốt để
giúp cho đời sống của gia đình được tốt đẹp hơn mà thôi.
Một nữ lưu khác, tuy
không nổi tiếng bằng, nhưng cũng được ghi nhận trên một diễn đàn truyền thông
khác về tấm lòng nhân ái đáng ca ngợi này. Đó là bài viết của nhà báo Molly
O’Toole trên tờ DefenseOne.com tường thuật về chuyện cô Châu Kelley đã cùng với
nhiều người khác thuộc đảng Cộng Hoà mới đây đã tổ chức một buổi vinh danh và
ủng hộ cho 2 nghị sĩ của đảng là John McCain và Lindsey Graham tại thành phố
Manchester, tiểu bang New Hampshire. Trong vấn đề đón nhận người tị nạn, cô
Châu Kelley đã chia sẻ nhận định của mình là mong muốn thấy những người tị nạn
Syria sớm được chấp nhận vào nước Mỹ. Và cô cũng đã thẳng thắn chia sẻ tâm tình
của mình, như là một câu trả lời cho những người bi quan lúc nào cũng lo sợ
rằng trong số những người tị nạn Syria có thể có những phần tử khủng bố sau này
sẽ ra tay tấn công Hoa Kỳ. Lời phát biểu của cô rất thẳng thắn, rất can đảm và
đáng khen: “Nếu như chúng ta đón nhận những người đó và rủi ro sau này, có 1
người nào đó làm chuyện bậy tai hại . . . nếu như tôi phải chết để cho nhiều
người khác có thể được sống tự do, vì chỉ một lỗi lầm nhỏ đó, thì tôi cũng sẵn
sàng chết. Giống như các nghị sĩ McCain và Graham đã nói, chúng ta đặt quyền
lợi của người khác trước quyền lợi của mình. Và chúng ta có nhiều cựu chiến
binh đã chiến đấu cho đất nước này, họ đã hy sinh mạng sống của họ để cho chúng
ta có được tự do ở đây. Vậy thì tại sao chúng ta không tiếp tục duy trì tinh
thần đó? Bởi vì đó là truyền thống của quốc gia này. Đây là một quốc gia vĩ đại.”
Đọc xong mới thấy ấm
lòng biết bao. Và xem chừng như nhiều tiếng nói của những nam nhân bi quan và
ích kỷ cần nên học lấy kinh nghiệm và lòng cao cả của những vị nữ lưu này.
Các
cô Châu Kelley và Candy Phan trong buổi tiếp xúc với các nghị sĩ Lindsey Graham
và John McCain tại một ngôi chùa ở Manchester, New Hampshire
và John McCain tại một ngôi chùa ở Manchester, New Hampshire