Mọi người đã đi ngủ. Thằng Đất Em cũng thiếp
đi rồi. Con dế vẫn còn gáy te te, Đất Em quả quyết là nó ở ngay dưới cục gạch
sát miệng cống nhưng rình hoài không bắt được, thằng nhỏ mòn mỏi vùi đầu vô cái
giỏ bàng ngủ khò. Chỉ ông Ba Già thức, ông không ngủ được, ông ngồi dựa mé
tường rào, coi tướng thao láo như con sói đang canh giữ cho bầy đàn yên giấc,
điếu thuốc to bằng ngón tay cái cháy bập bùng. Gió nhiều, rất nhiều ngọn mồ
côi, lẻ loi líu ríu chạy qua. Ông già ngồi canh chừng, cũng không biết canh chừng
cái gì, có ai ra đường lúc giữa khuya này đâu.
Ông Ba Già mất ngủ từ lúc trời sập sận mưa
mùa. Rồi người ốm sọm, con mắt trõm lơ. Cơm chiều nghe mưa, ông bỏ đũa. Nửa đêm
nghe mưa, ông choàng dậy, ra đứng chái sau, ngó về phía đồng đất tối mịt.
Ngoài ấy, đất bắt đầu mềm lại, từng thớ vỡ ra, tràn xuống chỗ nẻ. Cỏ bỏ lớp áo
vàng cháy, mặc vào mình một màu xanh muốt, đã ba mùa không cày bừa, đất Trảng
Cò thành miền cỏ hoang, thằng Đất Anh lùa vịt đi ăn bị cỏ cắt nát da, nó cằn
nhằn, "Nội tính sao chớ mấy ổng để vầy hoài chắc ruộng mình thành rừng
quá, nội."
Đồng Trảng Cò rộng gần hai mươi hecta, phía
bắc giáp rừng tràm, phía nam giáp biển, xóm nằm bên con kinh ra Hòn Đá Mốc. Ba
năm trước, tỉnh quyết định thu hồi và quy hoạch Trảng Cò làm khu du lịch văn
hóa sinh thái lớn nhất nhì đồng bằng. Người Trảng Cò ngơ ngác một chút, rồi
buồn, tiếc như ai đó dứt khúc ruột mình ra, nhưng tuyệt nhiên không cãi. Hết
một mùa, mời họp dân mấy cuộc rồi, tính chuyện đền bù xong, dân Trảng Cò chưa
thấy nhà nước bắt tay vô làm, ngó đất bỏ không, họ hơi nóng ruột. Qua mùa thứ
hai, cỏ ống, năn, lác rủ nhau lại mọc cho xanh chơi. Ông Ba Già viết cái đơn
văn phong chân chất y như ông cho tám mươi sáu hộ dân trong xóm ký, lặn lội lên
tỉnh, nhưng lãnh đạo bận đi họp ở Trung ương, chờ không được, ông quay về. Bây
giờ trời bắt đầu chuyển sang mưa, lại mùa mới nữa đến… Trảng Cò buồn như bị bỏ
rơi, nghe nói, nhà nước đã chuyển quy hoạch sang Trảng Sáo rồi, lại thêm thay
đổi nhiều lãnh đạo chủ chốt, xem ra người cũ chuyển đi chỗ khác, chắc quên mất
tiêu luôn. Đâu đó ở Trảng Cò, người ta tự ý cày đất, đắp bờ. Ông Ba Già cự quá
trời, ông nói làm vậy còn gì là phép tắc của nhà nước, của Đảng ? Phải lên tỉnh
một chuyến nữa mới được, để hỏi coi nhà nước mình có làm du lịch nữa không, nếu
không, xin rút quyết định lại để cho bà con canh tác.
Lần này, Trảng Cò đi thành một đoàn chín
người, ngoài thằng Đất Em cháu nội ông Ba, còn lại là ông già, những người mạnh
giỏi bận ở lại để đi làm muớn bên Trảng Vịt hay ra đồng săn chuột, bắt rắn bán
lấy tiền mua gạo. Ông Ba Già được coi như trưởng đoàn, vì ông mạnh giỏi nhất,
nói năng mạch lạc nhất, rành đường ngoài tỉnh nhất (thì năm trước đã ra đó một
lần rồi). Ông Ba nhận trách nhiệm bằng một sự cảm kích vô hạn, đứng dưới bến,
trước một đám đàn bà con nít đưa tiễn, ông dõng dạc tuyên bố "Chuyến này
đi không gặp chủ tịch nhất quyết không về".
Trẻ nhất : Đất Em, bảy tuổi, láu táu chạy
đằng trước; người già nhất : ông Mười Hưng, bảy mươi hai tuổi, cắn hột cơm
không bể (vì rụng răng hết rồi) khật khừng chống gậy đi sau cùng, đoàn Trảng Cò
phải đổi ba chặng tàu đò, lội bộ vòng qua bốn con đường đầy khói và bụi. Họ xếp
thành một hàng dài, rì rầm đi dưới con nắng đỏ lòm, trên người đeo theo nhiều
giỏ to giỏ nhỏ, thỉnh thoảng đoàn đùn lại vì thằng bé đi đầu mãi đứng coi mấy
món đồ chơi chưng trong tủ kính, những lúc ấy, ông Ba Già chạy ra khỏi hàng,
bợp vô đít thằng cháu nội, ngó trước ngó sau coi có ai lạc không, cái nón vải
hất ra đằng ót, để cho nắng xói vào mặt.
Đến Uỷ ban thì trời đứng bóng, mấy cục mây
xám đùn lên lừ đừ trôi trên đỉnh đầu. Ông già gom đám tùy tùng đang nhễ nhãi mồ
hôi lại một chỗ, rồi đi gặp anh bảo vệ. anh này vốn quá quen với cảnh kiện cáo
vượt cấp thời mở cửa nên cảnh giác cao độ, hết ngó ông già có bộ mặt teo héo
như đít trái cau khô rồi ngó đám đông, anh hỏi ông có hẹn trước không, Ba Già
ngẩn ra, đâu có hẹn gì, tụi tôi ở xa quá mà, chuyện gấp quá chú ơi. Anh bảo vệ
gọi điện thoại vào văn phòng Uỷ ban, một chút thấy anh phó phòng hành chánh đi
ra, anh bảo chủ tịch đi họp Hội đồng nhân dân rồi, chắc là hết buổi chiều nay
mới xong. Mà, có chuyện gì không, chú ? Ông già hào hển thuật chuyện du lịch
Trảng Cò. Anh phó phòng chỉ ông qua cơ quan tiếp dân, ông lắc đầu nguầy nguậy,
nói với giọng dứt khoát, "Đâu được, chú. Họ đâu biết chuyện nầy. Quyết
định đó là chủ tịch ký mà, chủ tịch mới nhớ chớ", Rồi ông cười, tiếng cười
như tiếng người ta bật quẹt, và từ đôi mắt sáng quắt sinh ra hai đốm lửa nhỏ.
- Hỏng sao chú em, tụi tôi chờ. Ba năm đợi
được, ít bữa sá gì. Chú em đừng lo, tụi tôi có quảy gạo theo, ông quay lại hỏi
một ông già trán hói, bộn hả Tư Trực, cả chục ký hen ? Nồi niêu, cà ràng, củi
lửa có sẵn hết, vác mệt vô phương, sắp nhỏ ở nhà chu đáo quá trời đất.
Phó phòng bối rối đi vào, lát sau người khác
bước ra. Một ông già khác nhận xét, chắc chú em nầy chắc làm lớn hơn chú nọ.
Hỏi dượng Sáu bói làm sao, ông nói thấy tướng bự hơn, bụng tròn hơn, thằng Đất
Em suy ra, vậy chắc bụng chủ tịch còn lớn hơn nữa. Ở phía đó ông già Ba đang
nói, nhìn đằng xa cũng biết đang nói chuyện Trảng Cò, chỉ khi nhắc tới đồng cỏ
hoang đó vẻ mặt ông mới u uất, nhăn nhó như vậy, mới chắc nịch như vậy :
"Tụi tôi chờ.". Người kia đi vô.
Họ cắm trại lại chỗ cái vỉa hè rợp bóng cây,
cạnh hàng rào, cách cốt gác chừng hai mươi thước. Lá điệp rụng đầy nền gạch con
sâu, cỏ mọc lún phún theo các khe viền. Ông Ba Già biểu mọi người trãi đệm ra
nằm nghĩ đi để ông vô Uỷ ban xin nước nấu cơm, lát sau, ông chổng mông om lên
một dòng khói tù mù. Khói bay quanh một đám người khô hốc, đen đúa, già nua
ngồi quanh đó, mớ củi nầy chắc là chưa khô hẳn nên một đầu cháy, một đầu xì ra
một mớ bong bóng nước vàng quạch và một đám khói. Lúc dọn cơm ra, ông Ba Già
không ăn, ông chạy tới chạy lui, ngó nầy ngó nọ, lanh chanh dặn thằng Đất Em
coi chừng mắc cổ, biểu nó tỏ con mắt gỡ xương cá dùm, khô chạch nướng lên cứng
đơ, mấy ông già răng cỏ lung lay, mấp môi lâu lắm mới mềm, trệu trạo tới đèn
đường sáng trưng thì xong bữa.
Bây giờ ngồi chờ sáng, ông Ba Già mới sực nhớ
mình chưa ăn cơm, hèn chi cái bụng kêu rột rột, xót xa hoài. Ông không để ý, vì
phải suy nghĩ, ông đang tính từng lời, từng tiếng để ngày mai trình bày với chủ
tịch. Phải nói làm sao cho chủ tịch hiểu dân Trảng Cò một lòng với cách mạng,
làm như vầy không phải là chống lại chủ trương, nhưng nhìn đất bỏ hoang, tiếc quá,
nhà nước còn phải lo nhiều chuyện lớn, có thể bỏ sót chuyện du lịch Trảng Cò,
nên nay lại nhắc vậy thôi. Mất gần bảy điếu thuốc ông mới sắp xếp đâu đó liền
mạch. Lúc ngẩng lên mới hay sắp mưa.
Trời trên đầu nặng chịch, mây dày, đen thui
như chó mực, gió nhiều, mang theo những ngọn ướt nhẹp, lạnh tanh. Rồi nghe
tiếng u u ì ì ngày càng gần, ông vừa gọi mọi người dậy vừa hối hả đi gom đồ đạc
lại một chỗ, lục tìm tấm cao su. Và mưa tới.
Họ, tất cả chín người lót dép ngồi, trùm
chung một tấm cao su đã cũ, thủng lổ chổ. Đây là tấm nhựa dùng để làm lều phơi
lúa, ông Ba Già đã xếp cất từ ba năm trước. Lâu lâu ông lại trèo lên gác mang
xuống, ngồi nhìn, mong sẽ có một ngày dùng lại, sáng hôm qua, bà Ba ra đứng ngó
trời rồi biểu ông phải mang theo. May mà bà nhớ… Một người ló đầu ra ngoài, lúc
quay vào, nước nhiểu xuống từ mái đầu đã bạc, chép miệng, "Chết cha, mưa
bong bóng, coi bộ dai nghen, vất vả à". Thằng Đất Em chộn rộn, nó cứ thập
thò coi có cá lên không. Nó nói tằng lăng tíu líu, mưa đầu mùa năm ngoái, nó
với Đất Anh bắt cả xô cá rô, con nào con nấy ốm nhằng, nhớt không hà. Không
biết giờ nầy ở Trảng Cò anh nó có đi soi cá lên không, không biết ở đó có mưa
không.
Ờ, không biết ở Trảng Cò có mưa không? Những
người già thì im lặng, nghe mưa trên đầu, nghe nước chảy dưới chân. Ông già hói
đầu chắc lưỡi, giọng nói có một chút lo lắng :
- Hỏng biết đợi tới mai có gặp được chủ tịch
không hen ?
- Ờ, không biết nữa, mấy ổng công chuyện quá
trời...
- Gặp mà, chắc chắn gặp - Ông Ba Già bảo. Ông
mằn mằn lai áo, rồi lần ra mấy hạt lúa nằm trong đó, quen tật, ông đưa lên
miệng cắn, lúa bở như bột, hăng hăng mùi bùn, nhưng ông để vậy, nhấm nháp. Hồi
lâu, ông thở dài :
- Cha, đi chuyến nầy về không biết làm đất
kịp hôn đây. Đất ướt quá, cày không được là khổ.
- Bên Bộ Kỉnh người ta sạ khô rồi đó, nghe
thằng Tám Bỉnh đi làm cỏ mướn ở bên về nói.
- Vậy á ? Họ làm giống gì mà sạ sớm vậy ta ?
- RX gì đó, hồi đó mình cũng có làm mà, hột
lúa dài, có đuôi...
Ờ, hồi đó, tháng nầy mình cũng sạ rồi, quăng
giống đại ra đất, chờ sa mưa, lúa nứt mầm, lú chùm rễ trắng tươi như củ hủ dừa.
Mà ngộ, thôi ra ruộng ba năm rồi, vậy mà cái gì cũng nhớ. Ông Mười Hưng cười
khà khà, môi run lều phều trước hàm răng trống, "Quên sao được, mậy, đám
mình biết làm ruộng từ hồi còn làm tá điền cho Hội đồng Chì, hồi chưa có cục
đất chọi chim, thằng Ba Già lúc nào cũng ước có miếng đất bằng chiếc chiếu thôi
cũng được, để cấy lúa chơi, để chết được chôn trên đất của mình, ai nghe cũng
rớt nước mắt tủi cho thân nghèo. Lúc đó mầy cũng khóc phải hôn Ba Hớn ? Ông già
tên Ba Hớn cao lòng khòng, đội tấm cao su lên như cây cột cái, cự, "Đâu
nè, bữa đó tui sổ mũi, vậy mà người ta đồn tới bây giờ". Mấy ông già cười
khớ khớ, nhắc lại, "Làm như tụi tao không nhớ, lúc đó mầy với thằng Ba
chăn bầy trâu cho Xã Chọt, phơi nắng phơi mưa ngoài đồng, riết rồi mặt
thằng Ba nhăn như ông già, nên mới kêu là Ba Già, chết danh luôn. Rồi giặc giã,
chiến tranh hai lượt, bận cầm súng chống giặc, tính ra người Trảng Cò mình bỏ
ruộng hoang chừng ba mùa chớ gì, bị dồn ra ấp chiến lược cũng lụi hụi trốn về
gặt lúa. Nghe bên miệt Năm Chòi nuôi tôm, làm giàu, Trảng Cò cũng không chịu bỏ
cây lúa, thấy nghèo vậy mà bền, đói ăn cơm mới no chớ ăn tôm ngày lại ngày chịu
sao nổi, ngán thấu trời. Hồi đó, lúa còn xanh cả một vạt đồng Trảng Cò, những
cái bờ đất nhỏ nhẩm dấu chân người, những chiếc ghe chở vịt chạy đồng đậu dọc
theo kinh khi mùa gặt đến. Hồi đó, chưa thấy mấy anh thanh niên từ tỉnh xuống
đo đo ngắm ngắm để làm đề án du lịch Trảng Cò, người ở đây chưa bỏ xóm đi ghe
bạn ngoài khơi, chưa vô rừng làm lâm tặc ăn trộm tràm đem bán, chưa đi gặt mướn
đồng khác, đám già ở lại trông con cháu về, hỏi bên đó lúa tốt không, giống gì
năm nay trúng nhất, chắc gió bữa trước lúa đổ cũng bộn hả ? Đám trẻ đi làm đã
mệt, lại còn phải trả lời nên đổ quạu, "Thây kệ người ta, dính dáng gì tới
mình, ba". Bọn già mới chống gậy lủi thủi ra vườn, nhớ ruộng quá, hỏi bậy,
con nó cũng rầy.
Bây giờ nhớ lại, tám ông già thở dài, thằng
Đất Em nhận ra tiếng thở dài của nội mình, như ông khà lúc uống trà, tiếng khà
dài, khàn, làn hơi run run, mà người biết ca kêu bằng "đổ hột". Nghe
cũng buồn bã, nhỏ nhoi như hết thảy mọi người. Rồi tự nhiên ông cười nhỏ, nghĩ
thầm, chà, mình làm trưởng đoàn mà, lãnh đạo mà có lúc yếu lòng, tư tưởng không
vững, trùng trình đâu có được, phải cứng cỏi lên để lo người ta đến nơi đến
chốn chớ. Ông ngước lên dòm mấy ông bạn già đen lù lù, đằng hắng, nuốt trọng
nước miếng, lấy lại cái giọng khàn ấm, "Cha, cao su chỗ dượng Năm
rách dữ hả, đầu cổ ướt nhẹp rồi, đổi qua chỗ tui nè (chắc lưỡi) đi chuyến nầy
mà thành, chắc phải vô chợ Bách Hóa mua bộn thứ cho mùa mới, đồ cũ hư hết
trọi".
Mưa tạnh lúc hừng đông. Thằng Đất Em tung tấm
cao su ra nói với vẻ thất vọng ghê gớm, "Trời đất ơi, nội coi, ở thành phố
tệ thiệt, mưa vầy mà hỏng có con cá lên nào, gặp ở dưới mình..." Trời vẫn
trĩu đầy nước, tối âm u, ông Ba thấy núi mây đen thẩm dựng lên một mảng trời
phía Trảng Cò, ông chắc lưỡi như xót xa lắm, điệu nầy dưới mình mưa lớn dữ, đất
chắc chìm hết rồi, đồng chắc chỉ còn loi ngoi cỏ, muốn cày, bừa cũng khó lắm
đây. Ông Ba Già nghe ruột mình nôn lên, từng khúc, từng khúc, nghẹn ứ đến mức
ông không lên tiếng được. Ông Mười Hưng than thở : "Thèm trà quá mấy ông
ha ?". "Ờ thèm, hai bữa rồi có hớp được ngụm nào đâu, hèn chi thấy
bải hoải trong mình quá chừng, mở con mắt không lên". Chỉ ông Ba ngồi
lặng, đốt thuốc, mắt ngó về phía cổng Uỷ ban, người căng ra như sắp đi đánh
trận. Lát sau, anh cán bộ văn phòng hôm qua ra và ái ngại thưa :
- Kẹt quá chú ơi, sáng nay chủ tịch bữa nay
phải dự triển khai chỉ thị gì đó, chú hẹn cuối giờ chiều. Chú chủ tịch dặn mời
mấy chú vô Uỷ ban ngồi nghỉ đỡ.
Và Ba Già, trưởng đoàn Trảng Cò, ông già có
gương mặt khắc khổ, nhăn nhó nhất, mạnh giỏi nhất, ăn nói văn vẻ trơn tru nhất
bỗng dưng hức lên, khóc ngon lành :
- Vậy là đất Trảng Cò trễ thêm một mùa nữa
rồi, mấy chú ơi.
Nguyễn
Ngọc Tư