Lại thêm một năm nữa, tiếng chuông
đón mừng mùa Giáng sinh ngân vang trên một ngôi nhà thờ nhỏ ở Phố Hiến, Hưng
Yên. Không gian cô quạnh khiêm nhường nơi này, lặng lẽ ôm trong lòng nó một ký
ức lịch sử độc đáo của người Việt, mà khó nơi nào sánh được.
Nếu dựa trên sự có mặt của ngôi nhà
thờ Phố Hiến (1650), có lẽ đây là nhà thờ Công giáo lâu đời nhất trong lịch sử
Việt Nam, đến nay đã có trên 300 năm tuổi. Năm 1650, những người Hà Lan đã khởi
công xây dựng ngôi nhà thờ này với các chất liệu chủ yếu bằng gỗ, thông qua sự
cho phép của chúa Trịnh (Thanh Đô Vương Trịnh Tráng / 1623-1652) để phục vụ cho
những người thương buôn ngoại quốc đầu tiên Đàng Ngoài.
Lý do của việc cho phép này, bởi
chúa Trịnh lúc đó đang mở rộng thương cảng ở Phố Hiến, cửa ngõ đường sông cách
Hà Nội 55 cây số, nhằm đẩy mạnh việc mua bán với thương nhân nước ngoài, cũng
như học hỏi các vấn đề về quân sự và vũ khí trong cuộc đối đầu với nhà Nguyễn
(lúc đó là Nguyễn Phúc Tần / 1620-1687). Sự có mặt của nhiều người ngoại quốc
như Pháp, Anh, Nhật, Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… đặc biệt là
người Hà Lan và đạo Công giáo, đã khiến cho chúa Trịnh mở rộng ứng xử, cho phép
xây một nhà thờ của tín ngưỡng bên ngoài, ngay tại đường đê, cho các tàu nước
ngoài ghé vào làm lễ, trước và sau chuyến đi biển của họ.
Tuy sách vở ghi rằng chúa Trịnh
không mặn mà với thương buôn, người nước ngoài như ở Đàng Trong, nhưng thực tế
ở Phố Hiến cho thấy thế kỷ 17-18, nơi này đã có một thời kỳ rực rỡ của ngoại
giao, xuất khẩu, nhập khẩu. Nhiều đời Chúa Trịnh là người căn cơ Khổng giáo,
nhưng chính thức cho phép việc xây dựng một nhà thờ ngoại giáo ở Việt Nam lúc
đó, cũng có thể cho thấy một áp lực từ sự lớn mạnh của thương nhân ngoại quốc ở
Phố Hiến và đạo Công giáo như thế nào. Chính vì vậy mà người miền Bắc vẫn có
câu “Nhất kinh kỳ, nhì Phố Hiến”
Như vậy, từ năm 1651, người Việt đã
chứng kiến một lễ Giáng sinh đầu tiên trong lịch sử, dù lúc đó giáo dân chưa
phát triển. Nhà thờ Phố Hiến (hay còn gọi là Nam Hoà) này khởi đầu chỉ được
dựng bằng các vật liệu đơn giản như gỗ, tre, lá… (có thể khởi đầu còn dè dặt,
vì sợ chúa Trịnh cho là phô trương thanh thế ngoại giáo) nhưng sau một vài lần
do hoả hoạn, mưa gió… Nên nhà thờ dần dần được mở rộng và kiên cố hơn. Đến năm
1898, một linh mục Bồ Đào Nha đã mang bản vẽ đến, cùng nhân công người Việt xây
dựng hoàn chỉnh đến ngày nay. Đây cũng là ngôi nhà thờ hiếm hoi trên đất nước
Việt Nam có phong cách Bồ Đào Nha với vẻ đẹp vừa kiêu kỳ, vừa dịu dàng hết sức
quyến rũ.
Bên trong nhà thờ lại là một cảnh
quan độc đáo khó tả, khi các kiến trúc sư ngoại quốc tác tạo nên một vẻ đẹp
hoàn toàn Á Đông. Sự tinh tế từ chất liệu cho đến các chi tiết ráp nối bằng gỗ
khiến người xem phải ngẩn ngơ về khả năng của người xưa – mà ngay cả việc xây
dựng thời nay cũng khó mà bắt chước được. Tư duy của người đi trước mới đáng
kinh ngạc làm sao. Đến năm 1898 thì giáo dân người Việt và người nước ngoài đã
có số lượng khá tương đồng, nên các ghi chú trong và ngoài nhà thờ đã có tiếng
Latin lẫn tiếng Hoa.
Cho đến trước năm 1954, nhà thờ Phố
Hiến đã là một nơi quen thuộc của người Công giáo Hưng Yên. Tuy nhiên, khi hiệp
định đình chiến Genève 1954 được ký kết, nhiều gia đình Công giáo đã vào Nam
chọn một cuộc sống khác, khiến không chỉ Hưng Yên mà toàn miền Bắc trở nên thưa
vắng người của nhà thờ. Từ chỗ có hơn 1300 giáo dân, hôm nay, nhà Thờ Phố Hiến
chỉ có lại được 187 giáo dân, sau rất nhiều năm vận động (60 năm), nhiều năm
đón Giáng sinh lạnh lẽo và hiu quạnh.
Đó là một giai đoạn đầy biến động.
Miền Nam đột nhiên đón Giáng Sinh ngày càng lớn do hàng trăm ngàn người Công
giáo xuất hiện, mang theo nhiều lễ hội ăn mừng, treo đèn kết hoa… khiến các mùa
Giáng sinh ở miền Nam ngày càng nhộn nhịp hơn, thậm chí biến thành ngày vui của
cả Lương giáo. Ngược lại, do số giáo dân, linh mục… giảm thiểu mạnh, nên sinh
hoạt của các nhà thờ miền Bắc cũng co lại. Theo các tài liệu của các nhà nghiên
cứu Ba Lan thì lúc đó, Công giáo miền Bắc mất đi khoảng hơn 450.000 giáo dân và
375 giáo sĩ. Người theo đạo chỉ còn chiếm 2% ở miền Bắc, còn ở miền Nam thì
tăng vọt, chiếm đến hơn 9%.
Những năm dài chiến tranh và khó
khăn trong việc lo cái ăn, việc sinh hoạt tinh thần với nhà thờ cũng bị ảnh
hưởng. Đặc biệt với những giai đoạn mà Công giáo bị chính quyền Cộng sản nghi kỵ,
bị kỳ thị là thành phần không đáng tin cậy.
Sinh hoạt Nhà thờ Phố Hiến cũng như
nhiều nhà thờ ở miền Bắc yếu đi. Qua các tác phẩm của giới văn bút thân chính
quyền trong thời gian này, thành phần Công giáo vẫn bị nhìn với sự gán đặt là
thành phần phản động, đáng ghét – tương tự như cách nền thông tin tuyên truyền
sau năm 1975 vẫn nguỵ tạo ra hình ảnh tệ hại của các quân nhân VNCH hoặc giới
tư sản ở miền Nam Việt Nam.
Vào thập niên 60, có những năm chỉ
có một linh mục trong tỉnh, tổ chức sinh hoạt cho cả 16 giáo xứ, thì chính Nhà
thờ Phố Hiến cũng không còn đủ sức làm nên những mùa Giáng sinh đẹp như ý muốn.
Bên cạnh đó, do dư phòng ốc, lại thiếu cộng đoàn nên khuôn viên nhà thờ, kể cả
nơi làm lễ cũng có rất nhiều gia đình kéo nhau vào ở, mang theo cả thỏ, gà…
cùng với nơi ở của mình. Tình trạng liên tục thất thoát các cổ vật của ngôi nhà
thờ độc đáo này, mục nát các sàn gỗ xưa… khiến không ít người yêu mến lịch sử
của Phố Hiến, của Hưng Yên đau lòng, mà không biết làm sao để thay đổi. Những
mùa Giáng sinh ở đây, đã từng khe khẽ, từng nhẫn nại để cùng chung sống hoà
bình với gần 15 gia đình chia nhau sống khắp ở nhà thờ.
Cho tới hôm nay thì mọi thứ dần dần
đã khá hơn. Nhà thờ đang cố gắng gìn giữ những gì còn lại, vì đó không phải là
của riêng một giáo xứ, mà vì đó là dấu ấn của một thời đại có một không hai,
đầy ngẫu hứng cho các thế hệ sau tìm về. Nhiều gia đình ở trong nhà thờ đã nhận
được tiền để tìm chỗ ở mới. Cho đến nay thì chỉ còn một gia đình bộ đội và
thường dân còn ở trong khuôn viên nhà thờ. Những giáo dân ít ỏi bắt đầu cùng
nhau lau quét và sơn lại ngôi nhà chung đã hơn 3 thế kỷ.
Mùa Giáng sinh năm nay, nhà thờ lại
chuẩn bị đón một đêm thánh với những gì đơn sơ nhất của mình có, giữa cái lạnh
làm ai ai cũng nao nao, háo hức. Với 187 giáo dân của mình, nhà thờ Phố Hiến là
nơi vô cùng giàu có về ký ức, nhưng đầy khó khăn vật chất. Thậm chí tiền lắc
giỏ hàng tuần (quyên tiền cho nhà thờ) cũng không đủ trả tiền điện trong tháng
Trong hàng ghế của nhà thờ, có một
cụ già im lặng nhìn những thanh niên đang trang trí. Mắt cụ ngời sáng, thăm
thẳm những điều không nói hết về một lẽ sống mà ông đã chọn khi đã 83 năm không
rời nơi chốn này để đón các mùa Giáng sinh, bất chấp khi đó tối om, bất chấp
chỉ có một ngọn nến con hay được trang hoàng tươm tất như hôm nay. Khi hỏi vì
sao cụ Dương Hồng Đức, tên đủ của cụ, không theo người chị gái ta đi vào năm
1954, cụ nhìn và nói trong một ánh mắt kiêu hãnh “tôi thấy nhà thờ quạnh quẽ
quá, tôi muốn lại. Vì tôi tin Chúa ở khắp mọi nơi”.
Khi hỏi cụ rằng ở lại có gặp nhiều
khó khăn không. Cụ Đức run run nói, nhưng cao giọng hơn trong niềm kiêu hãnh ẩn
giấu “vâng, tôi biết, và tôi cũng đã sống với rất nhiều điều khó khăn nhưng tôi
tin rằng tôi sẽ vượt qua, vì tôi yêu thương”.
“Khó khăn” – nghe chừng như đơn giản
qua lời cụ Đức. Nhưng với lịch sử ghi lại bằng tài liệu của cả hai bên, cho
thấy mọi thứ đã là máu và nước mắt. Từ năm 1955, lễ Giáng Sinh ở miền Bắc đã
bắt đầu co cụm, và khó khăn bởi chính quyền Việt Minh bắt đầu lo ngại về sao
người ra đi nên tìm cách ngăn cản. Từ tháng 11/1954 đến tháng 1/1955, ở riêng
tỉnh Thanh Hoá và Hà Nam đã có gần 50.000 người muốn ra đi nhưng bị lính của
Việt Nam nổ súng ngăn lại và giải tán. Những năm 60, người Công giáo ở miền Bắc
bị coi là công dân hạng hai. Đặc biệt với khu Bùi Chu – Phát Diệm, nơi có hơn
50% giáo dân ra đi, nhà thờ và linh mục có thể bị chụp thể bị chụp mũ là gián
điệp.
Quá khứ của Phố Hiến ngồn ngộn những
câu chuyện truyền kỳ. Từ những chiếc thuyền thương buôn cho đến số phận những
con người vô danh đi qua nghịch cảnh, khiến cho tiếng chuông cổ của nhà thờ
ngân nga bài hát về nhân thế hôm nay, lại khôn cùng hơn.
Có thể đêm Giáng sinh ở Hà Nội hay Sài Gòn tràn
ngập người đi, tràn ngập ánh đèn… nhưng ở ngôi nhà thờ xưa như cổ tích Việt Nam
này, tiếng chuông nho nhỏ, dăm ba ánh đèn nhấp nháy và lòng người đầy thương vọng
của người giáo dân già, Giáng sinh lại một lần nữa bừng lên ý nghĩa về một mùa
lễ không còn là của riêng nhà thờ, của người có đạo hay của riêng bất cứ ai, mà
đó là mùa để nhắc về tình yêu và lòng thương khó trên khắp nhân gian, trên đất
nước Việt Nam, đã qua muôn trùng khốn khó này.
Tuấn Khanh
—————————-
Tài liệu tham khảo
– “Vấn đề công giáo miền Bắc Việt
Nam qua tư liệu lưu trữ Ba Lan {1954-1956} được phổ biến trên Thời Đại Mới, số
4, tháng 3/2005, do Cô Trần Thị Liên, tiến sĩ sử học tại Pháp viết tài liệu của
phái đoàn tôn giáo BaLan, vào năm 1954.
– Khâm định Việt sử thông giám cương
mục.
– Các văn bản nghiên cứu của nhà sử
học Công giáo Vũ Sinh Hiên.
– Nhìn lại cuộc di cư 1954-1955 của
Nguyễn Văn Lục.
– Giáo dân Dương Hồng Đức, Hưng Yên
(sinh năm 1932).