
Không biết từ khi nào lời khen đã trở thành con dao hai lưỡi, mà người ta có
thể dùng để cắt xén lòng tự ái của thiên hạ, và cũng là để đâm thấu tim gan kẻ
thích được vuốt ve. Ở một chừng mực nào đó, lời khen quả thật rất có tác dụng
tốt. Ví dụ, chúng ta dùng lời khen cho một đứa bé khi nó làm được một việc gì
đó thành công. Thì lời khen chính là động lực thúc đẩy nó tìm tới sự phấn khích
để làm tiếp những công việc khác. Nhưng nếu chúng ta dành lời khen cho một kẻ
bất tài, hay cái tài còn ở mức tầm tầm, nhưng vì ngại sự chê làm người ta
“chạnh ý” nên cứ ban phát lời khen “bừa bãi”, thì, lúc đó lời khen đã trở thành
liều thuốc độc, hủy hoại một mầm sống sáng tạo của cá nhân kẻ được khen.
Trong giới văn học người ta khen nhau nhiều lắm. Khen có tổ chức, khen có đoàn
thể, khen có hẳn một bí kíp thượng thường. Thế rồi kẻ được khen cứ nghĩ mình đã
thành một nhân vật “nội công” vô đối, dẫn đến họ tự kiêu, họ nhìn đời bằng con
mắt độc quyền. Họ quay ra phanh ngực chỉ tên mình trên tấm bảng cuộc đời mà nói
rằng: “Đấy thấy chưa, tên tôi chí ít cũng đứng gần đầu danh sách”. Dĩ nhiên là
họ chưa dám bảo họ đứng đầu, vì trên họ còn có những kẻ khác, những kẻ ban bố
lời khen, giúp họ nở mày nở mặt. Và ngay những kẻ đó, có thể tu vi “văn chương”
chưa chắc đã đạt tầm, nhưng vì họ ở trong quần tụ anh hùng nên tiếng vỗ tay
theo làn tạo ra cuồng sóng nhấn chìm “cánh buồm rách tài năng thực chất”.
Có bao giờ bạn tự hỏi lương tâm mình, vì sao khi bị ai đó chê, không ít thì
nhiều bạn sẽ cảm thấy con vi trùng khó chịu, nó len lỏi đục khoét nội hàm tâm
tư bạn. Và khi nghe một lời khen, có thể đúng có thể sai, ngay tức khắc bạn
thấy một luồng nhiệt điện xông thẳng vào trí não bạn, đốt cháy lên ngọn lửa tự
hào với bản thân mình? Và cũng có khi nào bạn, nghĩ, chính vì sự bức xúc trước
lời chê, cũng như hưng phấn trước cái sự khen, thì vô tình bạn đã đánh mất bản
thể sự tỉnh táo của mình?
Ông cha ta có câu” Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng
nhau”. Ý là muốn khuyên chúng ta, ứng xử có chừng mực với mọi người thông qua
ngôn ngữ giao tiếp, chả mất mát gì một chút clo lời nói, bởi thế hãy chọn âm
vực nhẹ để thốt ra chứ đừng lên gân căng cổ đối đãi với nhau bằng ngôn ngữ
“không phải của con người”. Có phải chúng ta đã hiểu sai lời dạy của ông cha,
thay vì lựa lời mà khen, thì chúng ta cứ khen vô tội vạ, thay vì chê theo kiểu
“vuốt mặt nể mũi” thì chúng ta đã chê nhau vượt ngưỡng kiểm soát?
Tôi nghĩ không hẳn như thế, cái khen thì đúng là càng ngày càng như cá bán ngoài
chợ, tươi ươn gì cũng chiêng la phèng trống rập rình ỏm tỏi cả lên. Nhưng chê
thì, lâu nay nó đã chìm vào con ngõ “thầm lặng”. Trong giới văn học, ít ai dám
chỉ mặt gõ tên kẻ nào mà chê thẳng, vì lẽ những người dám đứng lên vạch lá tìm
sâu, nhặt bọ trong nồi, sẽ bị người ta đánh hội đồng, không bầm dập danh dự thì
cũng hết đường ngoi lên sinh hoạt. Ấy thế rồi như căn bệnh truyền nhiễm, lây
lan từ trong nội bộ các bang hội, nó xâm nhập vào đời sống của những tay viết
dân gian, khi đọc phải một tác phẩm thiếu iot, một tác giả thịt ba chỉ, người
ta muốn mở miệng góp ý cũng không dám. Từ đó, thằng mù cứ thoải mái vượt đèn
đỏ, nghênh ngang qua đường nườm nượp xe cộ, bởi lẽ đâu có phân biệt được đang
đêm hay ngày. Rốt lại làm trò cười cho thiên hạ, thậm chí chết bất đắc kỳ tử
trên chiến trường chữ nghĩa. Tạo thành trung tâm bàn tán cho thiên hạ khi trà
dư tửu hậu.
Một hậu quả khôn lường của lời khen, và xa hơn là lời khen kết tủa thành
phần thưởng là hiện vật hay tiền bạc, qua các cuộc thi văn chương, chính là tạo
ra một làn trào lưu gian dối. Tiêu biểu là sự ăn cắp trắng trợn chất xám của
nhau.
Chưa bao giờ trong giới văn học Việt Nam xảy ra những vụ việc lùm xùm “nhầy
nhụa” như thời gian qua. Người ta ôm thơ thiên hạ về, lắp ghép vào mớ ngôn ngữ
“dị dạng” của mình tạo thành sản phẩm cá nhân. Rồi hả hê gửi cái thành quả lao
động vay mượn kia đi tham dự hội nghị bình bầu xét chọn. Và trớ trêu thay, cái
miếng thịt văn chương thâm xì giả dối ấy lại được một bộ phận có địa vị trên
văn đàn túm lại tung hô ban phát lời khen. Rồi thì kẻ ăn tạp trên xương máu tâm
hồn người khác vênh mặt ưỡn mày vác cái giải thưởng được người ta trao bước ra
giữa sân khấu đời không chút e ngượng. Cho tới khi cục ung nhọt “danh hão” kia
bị vỡ ra do những tay cao thủ lão luyện, đã từng đọc tác phẩm của người bị
“chôm chỉa” phơi bày, thì giang hồ bắt đầu cuộn sóng. Nhưng tiếc thay, làn sóng
ở đây lại là làn sóng lệch pha. Người ta không dám hoặc cố tình bao che cho cái
sai lầm. Nếu có người nào mở miệng lên án gay gắt thì ngay lập tức thiên hạ hè
nhau mạt thị kẻ vừa chê, mà vạch mồm vung tay minh oan cho tên tội phạm. Nào
thì, tại sao nặng lời như thế, nào thì, đã biết ai ăn cắp của ai. Có kẻ còn sắn
tay áo vén váy quần mà hô to, tôi thấy cái bài thơ của chị này hay hơn gấp trăm
lần cái bài được cho là nguyên chủ của bà nọ ông kia. Thật hết biết.
Thiết nghĩ, khen hay chê chúng ta cũng nên có chừng mực. Đừng chê như ném
bùn hắt nước rác vào mặt người ta, kẻo làm tổn thương dây thần kinh quan trọng
của lương tâm người ta. Cũng chớ khen tới mức bốc người ta từ mặt đất ra ngoài
biên ải vũ trụ, ở ngoài ấy dễ bị bệnh “tự mãn” xâm nhiễm vào lục phụ ngũ tạng
mà hát bài ca “giã từ” lắm.
Không biết xuất phát từ “vi sinh vật nào” mà lâu nay văn chương Việt đã phát
triển chóng mặt căn bệnh say mê danh vị. Người ta quên mất rằng thiên chức của
thằng viết đơn giản chỉ là viết, viết bằng trái tim mình, bằng dòng máu nhiệt
huyết, bằng tiếng nói tâm hồn về muôn vạn hình hài cuộc đời. Vui chung cái vui
thiên hạ, đau chung cái đau những số phận bọt bèo. Sẵn sàng lao vào lửa để thử
độ nóng, lao xuống biển để dò độ nông sâu, nghĩa là, không sợ cường quyền, bất
chấp cái chết mổ xẻ những khối u ác tính của xã hội tăm tối . Thay vào đó,
người ta vung cao ngọn cờ ngợi ca, tất nhiên ngợi ca thì được nhận lại phần
thưởng xứng đáng nếu ca đúng bài bản. Hoặc giả nếu có “rên la, than vãn” thì
người ta cũng chỉ quanh quẩn nơi xó bếp của chính mình. Vài ba cái thở dài
phiền muộn cá nhân, dăm cái đớn đau tự trái tim chai cằn của mình về tình yêu
riêng tư.
Khen và chê, lên án và ve vuốt. Đã và đang diễu hành trên quảng trường thành
phố xã hội với lớp trang phục xám xịt. Chúng ta hùa nhau chạy ra đường, rời bỏ
căn nhà tâm hồn mình với những mảnh xác “chân thật thẳng thắn” nằm thối rữa.
Chúng ta vỗ tay theo luồng, và câm nín cũng theo luồng. Liệu rồi với thực tế
đáng buồn ấy, thì nền văn chương nước nhà có thể tiến xa được mấy centimet đây?
Hay là, chính bởi sự khen dễ dãi và cái chê “nửa vời” sẽ dẫn tất cả chúng ta
lao xuống vực thẳm?
Trương Đình Phượng