24 December 2015

THƠ LIMERICK - Trịnh Bình An

Với sự đa âm của ngôn ngữ, thơ bên trời Tây không thể nào viết nghe có vần có điệu như những thể Lục Bát, Song Thất Lục Bát, Tứ Tuyệt hay Thất Ngôn Bát Cú... của trời Đông nơi ngôn ngữ là độc âm. Tuy nhiên, một loại thơ phương Tây có quy tắc nhất định về số câu cũng như về vần điệu vẫn được truyền bá nhiều nơi, đó là thơ "limerick”.


Một ví dụ của thể thơ limerich là bài thơ sau đây:

The limerick packs laugh anatomical (Limerick chất cái cười nôn ruột)
Into space that is quite economical. (Vào một nơi thiệt nhỏ)
But the good ones I've seen (Nhưng những bài thơ nào tôi thấy hay)
So seldom are clean (Thường là những bài không đươc … sạch)
And the clean ones so seldom are comical. (Còn những bài sạch thì lại ít buồn cười)

Thực vậy, rất nhiều bài limerick tả về những việc không nên nói giữa đám đông như chuyện làm tình, chơi đĩ, thủ dâm, loạn dâm... Những điều này là những điều không nên nói to, thậm chí tục tĩu, nhưng lại khiến người nghe không khỏi phì cười. Ví dụ bài thơ dưới đây:

A young violinist from Rio (Một chàng nhạc sĩ vĩ cầm trẻ từ Rio)
Was seducing a lady named Cleo (Đang hú hí với một cô nương tên Cleo)
As she took down her panties (Rồi nàng kéo quần lót xuống)
She said, "No andantes; (Nàng dặn: "Đừng có chơi điệu chậm nhé)
I want this allegro con brio!" (Em muốn thật nhanh và sôi nổi cơ!”)


Limerick là phải “thế” mới … “đã”


Đi vào phân tích niêm luật của bài thơ, ta thấy một cấu trúc nhất định. Bài thơ gồm có 5 câu. Chữ cuối câu 1, 2, và 5 cùng vần với nhau (Rio, Cleo, brio); chữ cuối câu 3 và câu 4 cùng vần (panties, andates). 

Âm điệu của limerick nếu làm đúng theo quy tắc sẽ khá rắc rối vì phải theo luật lệ "poetic foot" (xin tạm dịch là “bước thơ”) của thi ca cổ điển Âu châu, trong đó người làm thơ phải theo những niêm luật nghiêm ngặt về âm tiết.  Âm tiết của một chữ có thể là ngắn hay dài. Âm tiết cũng không phụ thuộc vào chữ dài hay ngắn. Ví dụ trong hai chữ "to be" thì "to" có âm tiết ngắn (unstressed) còn "be" có âm tiết dài (stressed) dù "to" và "be" có số mẫu tự bằng nhau. 

Để tìm ra được poetic foot, người làm thơ cần chú ý tới âm điệu của của chữ. Một chữ ngắn có thể tạo ra âm dài, nhưng chữ dài có khi lại cho ra âm ngắn. Như chữ "panties" tuy nhiều mẫu tự hơn chữ "Rio" nhưng cho âm thanh ngắn gọn hơn. Như bài thơ ở trên, những chữ Rio, Cleobrio là âm dài, còn chữ pantiesandantes thuộc âm ngắn.

Nói một cách đơn giản, bài thơ limerick cần có 5 câu. Câu 1, 2 và 5 là câu dài; câu 3 và 4 là câu ngắn. 

Nhưng quan trọng hơn hết là tính hài của bài thơ. Một limerick hay sẽ như một truyện cười: 4 câu đầu thu hút sự chú ý của người nghe để rồi câu kết làm họ ngạc nhiên và thích thú.

Một limerick khác minh họa cho cách gút và mở vừa nói ở trên:

There was a young man of St. Paul (Có một thanh niên ở vùng St. Paul)
Whose prick was exceedingly small. (Thằng nhỏ của anh thì thiệt là nhỏ)
He could bugger a bug (Anh ta có thể đú một con bọ)
At the edge of a rug, (Bám ở rìa tấm thảm)
And the bug hardly felt it at all. (Mà con bọ chẳng cảm thấy gì hết)

Một đặc điểm của những bài limerick cổ là thường bắt đầu bằng những chữ "Có một (người)..." tựa như câu đầu của truyện cổ tích: "Ngày xưa có một..." 

There was a young lady from Cue (Có một thiếu nữ từ Cue)
Who filled her vagina with glue. (Đổ keo vào âm đạo)
She said with a grin, (Cô ta vừa nói vừa cười đểu)
"If they pay to get in, ("Nếu họ trả tiền để vào)
They’ll pay to get out of it too." (Thì cũng phải chi để ra chứ")

Đọc tới đây chắc hẳn bạn sẽ trợn mắt và hỏi: Thơ gì mà kinh khủng vậy?

Xin thưa, những bài trên được trích trong cuốn "The Limerick – The Famous Paris Edition"  của George Alexander Legman. Vậy Legman là ai?

Từ khi còn là một sinh viên, Legman đã chú ý tới những bài thơ dân gian đặc biệt này và ra sức tìm kiếm chúng trong nhiều chục năm. Tuy nhiên, vì nội dung quá táo bạo nên tập thơ đó không được giới hữu trách chấp nhận, "The Limerick" với 1700 bài thơ (đa số viết bằng tiếng Anh, nhưng cũng có một vài bài tiếng Đức, Pháp và Latin) đã không được phép xuất bản tại Hoa Kỳ. Đến năm 1953, Legman phải đem sách qua Pháp mới kiếm được nơi nhận in. Thế nhưng, nhà xuất bản đã chơi xấu soạn giả: không cho Legman tác quyền! 



Vậy tại sao loại thơ này có tên "Limerick"?

Limerick là một thành phố ven sông của Ireland (Ái Nhĩ Lan), nằm ngay trung tâm Shannon Region xinh đẹp của nước này. Đây là một thị trấn cổ có từ năm 922 trước Công Nguyên của người Vikings. Dù không ai xác định được nguồn gốc chính xác của loại thơ này nhưng đa số cho rằng chúng bắt đầu từ những bài hát ru con, những bài đồng dao của trẻ em... từ rất lâu ở châu Âu. Có lẽ những bài hay nhất đã xuất phát từ thị trấn Limerick của Ireland vì đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Và từ đó người ta gọi chung những bài thơ không tựa đề nhưng cùng thể loại này là “limerick”.

Loại thơ đơn giản và có vần điệu này được giới lính tráng, dân chài, hành khất, bợm nhậu... ưa thích. Họ làm thơ và truyền cho nhau trong các quán xá. Vì thế những bài thơ bình dân này rất táo bạo, rất ba trợn, rất chợ búa nhưng cũng rất... hài. Tuy nhiên, limerick không nhất thiết là phải "tục", phải "bậy". Người ta vẫn có thể làm những limerick lành mạnh như Edward Lear trong quyển thơ "A Book of Nonsense” (tạm dịch: Thơ Ngớ Ngẩn).


  

Vì thế limerick rất thích hợp để dạy cho trẻ em tập làm thơ. Các em làm quen với cách chọn chữ, chọn vần và nhất là phát triển khả năng sáng tạo và khiếu hài hước.

There once was a houseplant named Phil (Có một cây cảnh tên Phil)
Who one day became very ill (Ngày kia nó bị bịnh nặng)
Phil’s owner was stressed! (Người chủ của Phil rất lo lắng)
He consulted the best... (Ông mời chuyên viên giỏi nhất đến khám)
But sadly, Phil joined the landfill. (Nhưng buồn thay, Phil vẫn bị vứt vào đống rác)

Limerick còn là loại thơ vui cho những ai yêu cả thơ lẫn toán muốn thử thách sự nhanh nhạy của mình.

Fourteen over two equals seven (14 trên 2 là 7 chẵn)
add four more and then you get eleven (cộng thêm 4 thì được 11)
multiply that by two (nhân với 2)
yields you twenty-two (cho ra 22)
plus five more and you get twenty-seven (thêm 5 nữa thì thành 27)

Được nhắc đến nhiều nhất là phương trình dưới đây

(http://en.wikipedia.org/wiki/Mathematical_joke):


A Dozen, a Gross, and a Score, (Cộng 1 tá với 12 tá và 20)
Plus three times the square root of four (Thêm 3 lần căn số bậc hai của 4)
Divided by seven, (Chia cho 7)
Plus five times eleven, (Cộng 5 lần 11)
Equals nine squared and not a bit more. (Bằng chẵn 9 bình phương)

Limerick ngày nay là những bài thơ vui tươi, nhẹ nhàng như thế. Nhưng có lẽ những limerick độc đáo nhất vẫn là những bài dân gian không được "sạch sẽ". Vừa đọc, vừa cười, vừa lắc đầu: thiệt (là) tình!

Il y avait un plombier, Francois, (Có một ông thợ sửa ống nước tên Francois)
Qui plombait sa femme dand le Bois (Đang thông ống vợ trong vườn hoa)
Dit-elle, "Arrêtez! (Nàng kêu: "Ngừng đi anh!")
J’entends quelqu’un venait" (Có ai đang tới nhanh")
Dit le plombier, en plombant, "C’est moi." (Ông thợ vừa mần vừa nói: "... Ơ, ờ, ờ, tới bến... là qua!")

Giả dụ như người Việt mình nếu được nghe một người ngoại quốc đọc vài câu thơ lục bát, hẳn sẽ thích thú và cảm động lắm. Tương tự như thế, chúng ta sẽ khiến cho người Ạnh, Pháp, Mỹ… ngạc nhiên nếu thấy người Việt cũng biết tới thơ limerick của họ. Thơ và nhạc luôn luôn là nhịp cầu nối kết mọi người với nhau một cách nhẹ nhàng, thân thiện. Vậy nên, xin đừng bỏ qua Limerick, thể thơ gần gũi, dễ thương, và hài hước đậm đà hương vị Tây Phương.



Trịnh Bình An

(3-2015)