07 January 2016

BÀ MẸ QUÊ-NGƯỜI - Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Má đưa hương Giáng Sinh về sớm trong mái ấm của chúng tôi. Còn cả tháng nữa mới tới lễ, mà Má đã chan đầy mái ấm của chúng tôi với tình thương cho từng đứa con đứa cháu, cho cả nhà.

Khi nhắc đến Mẹ chồng lúc nói tiếng Việt với gia đình, tôi gọi bà bằng “Má” vì tôi gọi Mẹ ruột bằng “Mẹ.” Gọi như vậy để dễ phân biệt, khi nói “Mẹ em” sẽ không lộn qua “Mẹ anh.” Hồi nhỏ, nghe Mẹ tôi gọi Bà Ngoại bằng Má, tôi thấy hay hay. Con cháu trong nhà cũng gọi các dì cách thân mật là “Má” và có thêm thứ bậc, chẳng hạn “Má Tư,” “Má Út.” Mẹ chồng tôi cũng hiền từ như Bà Ngoại. Tôi gọi bà là “Má,” vừa thân mật, vừa nhắc tôi nhớ đến Bà Ngoại tôi.

Sau đám cưới ở quê tôi, Quận Cam, vợ chồng tôi dắt díu nhau về ra mắt họ hàng ở quê chồng. Ba Má tổ chức tiệc cưới thứ hai cho chúng tôi, và nói, tôi không phải là con dâu, vì từ đầu, ông bà đã coi tôi như con gái. Chồng tôi thì nhận vơ là kiếp trước, anh cũng cùng quê với tôi. Cho nên, gọi ‘Má’ thì thân thương thắm thiết nhất. Khi nói tiếng Pháp, tôi gọi Má là Mamy như chồng tôi vẫn gọi.

Mùa Giáng Sinh năm đó, con trai lớn nói muốn ăn fondue. Tôi nói:
– Vậy con viết thơ, xin Bà Nội mua cho. Như vậy, Bà Nội sẽ vui vì mua đúng cái con thích, mà đỡ phải đoán mò!
Thằng bé hí hửng lấy viết chì màu và giấy ra. Năm tuổi. Chữ nghĩa giới hạn. Nhưng không sao! Vừa viết, vừa vẽ. Có hình minh hoạ, chắc chắn Bà Nội không lầm! Má nhận được ‘thỉnh nguyện thư’ của thằng cháu nội đích tôn, cảm động rớt nước mắt. Má mừng là nó đã viết được, và còn vẽ rất… rõ ràng những tâm nguyện của nó: fondue, bánh leckerli (một loại bánh ngọt của Thuỵ Sĩ), kẹo trái cây Sugus, foie gras, xe xúc đất, máy bay trực thăng, xe lửa. Nó xin đồ chơi cho một mình nó, nhưng tôi xin với Má mua cho em nó cũng giống như vậy, nhưng có một chút gì khác nhau (như khác màu chẳng hạn) để phân biệt. Nếu không, hai đứa giành đồ chơi với nhau cả ngày, tôi sẽ… xỉu. Năm nay, Má mới mổ ung thư hồi lễ Tạ Ơn. Tôi nói với chồng:
– Vợ chồng mình nên nói với các con, là năm nay Bà Nội bịnh, sẽ không có sức để mua quà Giáng Sinh, để các con khỏi trông.
Tôi áy náy vì cha mẹ hữu sự mà vợ chồng tôi ở xa nên không đỡ đần, chăm lo được. Trong thời gian Má chuẩn bị mổ, chúng tôi liên lạc về nhà thường xuyên, cùng nhau cầu nguyện cho ca giải phẫu được an toàn và cho Má sớm bình phục. Tôi nói vậy, nhưng chưa đến “12 ngày trước Giáng Sinh,” thì thùng quà của Má đã tới. Ra lấy thơ, thấy thùng quà nằm yên ắng ngay cửa, tôi chùng lòng. Má thiệt là! Lẽ ra Má phải lo tịnh dưỡng để mau khoẻ. Má bịnh, vợ chồng tôi ở tít mù xa không chăm sóc được cho Má, mà Má còn gởi quà cho chúng tôi. Tôi lu bu, quà Giáng Sinh cho cha mẹ chồng khi có khi không. Năm nào mới sanh con thì chắc chắn không có, mắt nhắm mắt mở chúc lễ cho ông bà qua skype, và gởi hình em bé làm quà. Ba Má hay gởi hoa mừng mẹ tròn con vuông, nhưng tôi không được hưởng, vì chồng dị ứng phấn hoa nặng. Hoa đẹp tôi được tặng luôn phải ra ngoài sân, nằm chờ… héo, và sau đó đi vào thùng compost.
Hồi học ở Bắc California, tôi gặp chồng trong ca đoàn Công Giáo trong Giáo xứ tại trường. Tôi thấy anh chàng này có cái lạ. Lâu lâu lại cười tủm tỉm khoe với tôi một hộp giấy có dấu bưu điện quốc tế. Mở ra thì trong đó toàn… kẹo và foie gras. Đàn ông gì mà… hảo ngọt! Hỏi ra mới biết, gã-đàn-ông-chưa-chịu lớn này được Mẹ hắn tiếp tế bánh kẹo thường xuyên, dù quê của hắn ở cách trường ngót… sáu ngàn dặm (ối, kẹo bánh đi ngần ấy dặm trường, làm ô nhiễm không khí là chừng nào!). Tôi ngẫm nghĩ: cứ tưởng chỉ có Mẹ Việt Nam mới dúi cho con bánh trái đi đường, không ngờ cũng có một bà Mẹ Châu Âu cũng chăm chút cái quà cái bánh cho cậu trưởng nam sắp tam thập đang học hậu đại học!
Con trai đi học, Má ‘tiếp tế’ đều đặn. Con trai lập gia đình có con, Má cũng gởi quà đều đều cho ba đứa cháu nội. Nước mắt chảy xuôi. Mà xuôi tới mấy đời. Xuyên lục địa và đại dương. Chảy ngay trên giường hồi sức sau khi giải phẫu vì ung thư, thành dòng suối tình thương, rào rạt mầu nhiệm, háo hức tuổi thơ. Những hương vị xa xôi theo máy bay và người đưa thư về nhà chúng tôi, nhóm lên ngọn lửa viễn liên của tình gia đình. Cám ơn Má sanh cho tôi một người chồng vụng về mọi chuyện, chỉ giỏi thương vợ thương con. Để vì Ba Má và Ba Mẹ tôi đã chọn làm cha mẹ, mà hai vợ chồng tôi cũng có hạnh duyên đưa những mầm sống mới vào thế giới.
Nhưng tôi luôn áy náy khi nhận được quà Má gởi, vì tiền cước đắt đỏ. Nhiều khi tiền cước còn đắt hơn cả những món được gởi. Nhưng không làm gì được, vì Má muốn gởi cho con cho cháu. Năm tôi sanh con trai thứ hai, Ba Má và hai em từ hai châu lục khác bay về Hoa Kỳ để cùng dự lễ rửa tội của cháu và để gia đình tam đại mừng Giáng Sinh với nhau lần đầu tiên. Ngày Giáng Sinh, tôi mời cả nhà tập ăn gỏi cuốn, mỗi người tự cuốn lấy, làm quen với rau thơm Việt Nam. Tới phần tráng miệng, Má mỉm cười như Mona Lisa, lôi ra mấy thanh kẹo sôcôla đen 90% cacao. Má nói:
– Đố cả nhà biết cái này ở đâu ra?
Ai nấy đoán là Má đem từ ở quê qua. Nhưng Má cười đắc chí:
– Má mới mua cái này ở Tẹt-gít sáng nay nè! Má ăn thử rồi! Y chang như sôcôla Má mua ở bên nhà.
Tôi nhìn kẹo thì biết là dành cho ai rồi! Nhưng tôi không biết “Tẹt-gít” là ở đâu. Chồng tôi giải thích: Target. Má đọc tiếng Anh theo giọng Pháp. Như “Ẹc-rờ-in” là Irvine. Má nói tiếp:
– Mà rẻ hơn hẳn. Má không biết tại sao?
Tôi giải thích:
– Tại mức sống đó Má. Vật giá ở Châu Âu lúc nào cũng cao hơn ở Mỹ. Họ nhập qua đây thì phải bán theo giá thành ở đây.
Má nói:
– Vậy từ nay, Má không cần gởi sôcôla qua đây nữa.
Nhưng Má vẫn gởi. Và tôi vẫn mua. Vì vậy mà mấy đứa nhỏ khi tới kiện cáo tôi trong lúc bất đồng với Ba nó sẽ nói:
– Ba ăn hiếp con! Mẹ ơi, Mẹ đừng mua sôcôla cho Ba nữa!
Chồng tôi không phải lo. Tôi không mua thì Má sẽ gởi. Vì chồng tôi luôn là đứa trẻ trung thành chờ ‘đồng quà ngon.’ Má làm tôi nhớ tới hình ảnh Bà Mẹ Quê mà Nhạc sĩ Phạm Duy đã chuyển tải thật tài tình qua nốt nhạc:

Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu.
Bà bà mẹ quê!
Gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà bà mẹ quê!
Chợ sớm đi chưa thấy về
Chờ nụ cười son, và đồng quà ngon.

Tôi không thể hình dung Má trong tấm áo bà ba nâu, chiếc quần nái đen, đầu đội nón tơi, thức dậy cùng mặt trời để ra đồng cầy cấy. Nhưng nghĩ đến Má, tôi nghĩ đến tình thương của người Mẹ ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, tới những món quà ngon Má mua cho con cho cháu, tới sự đau đáu của tình mẫu tử. Má cũng chắt chiu. Má dành dụm tiền bạc để giúp con cháu. Má ăn mặc tiết độ, không hoa hoè. Có những bộ áo đẹp tôi thấy Má mặc đi mặc lại trong những dịp quan trọng. Cả chục năm nay.
Má trải sự chăm chút qua bao châu lục, và trên hai thế hệ cháu con. Má gói ghém tình thương trong biết bao nhiêu hộp đủ hình đủ cỡ, và gởi đi cho từng cái sinh nhật, từng mùa lễ, mà lần nào, cũng đau đáu yêu thương. Má thêu niềm vui Giáng Sinh vào mỗi ngày của Mùa Vọng, và đặt vào đó những ngạc nhiên làm bừng sáng tuổi thơ. Má vẫn thân thương dù cách xa vạn dặm, để con cái của chúng con như luôn có Má ở bên. Má tắm gội chúng con với những hương vị Thuỵ Sĩ, và làm cho chúng con thấy gần gũi với di sản núi Alp. Má đã sanh con, để chúng con được làm cha mẹ. Chúng con cám ơn Má, và xin Trời phù hộ Má luôn mãi.
Má ơi, Má là Bà Mẹ Quê-người của con.
Ở một Quê Hương khác họ.

Trangđài Glassey-Trầnguyễn