Võ Phiến là một trong
những nhà văn lớn nhất của Miền Nam trước năm 1975, của hải ngoại sau năm 1975
và của cả Việt Nam trong nửa sau thế kỷ 20 nói chung. Ông không viết hồi ký.
Nhưng mấy chục bức thư ông gửi tôi từ đầu thập niên 1990 có thể xem như một thứ
hồi ký viết dưới hình thức thư từ.
Từ năm 1990, tôi có ý
định viết một cuốn sách về Võ Phiến (1). Tác phẩm của ông, nhờ sáng kiến in Võ
Phiến Toàn Tập của nhà xuất bản Văn Nghệ ở California, tôi có khá đủ. Tôi chỉ
đề nghị ông cung cấp cho tôi một số tài liệu về tiểu sử. Võ Phiến vui vẻ nhận
lời. Trong bức thư đầu tiên gửi tôi vào ngày 9 tháng 4, 1991, ông viết:
“Thân gửi anh Nguyễn
Hưng Quốc,
“Tôi bắt đầu cung cấp
tài liệu cho anh đây. Tôi làm dần dần. Đến đâu thì gửi anh ngay đó: tôi bị ám
ảnh vì những cái chết đột ngột của những người bệnh tim, nên không muốn chờ làm
xong mới gửi một lượt.
“Lần này tôi nói về
nguồn gốc của mình. Tại sao không viết vài trang tiểu sử, mà lại kể dây mơ rễ
má dông dài? Lý do:
“- Có lắm chỗ thuộc
về nguồn gốc dòng họ, về bà con thân thuộc, xóm giềng, thỉnh thoảng xuất hiện
trong các truyện, tuỳ bút v.v... tôi đã viết. Người đọc, nhất là người phê
bình, biết được cũng hay. […]
“- Những điều tôi
cung cấp, có cái anh dùng, có cái anh không cần dùng đến. Không sao. Anh như
cái ngân hàng mà tôi ký thác một ít của cải và kỷ vật. Nay mai tôi chết đi, nếu
có kẻ tò mò lẩm cẩm muốn biết về chỗ này chỗ nọ: hỏi ai? Trong văn giới bấy
giờ, sẽ trông vào anh làm chỗ tham khảo; anh là tác giả một cuốn sách về tôi
mà, không tham khảo ở anh thì còn ở ai nữa? Tôi đã không có ý viết hồi ký, vậy
có chút ít tài liệu, gửi đến anh là đúng chỗ nhất.”
Từ năm 1991 về sau,
trong vòng trên 20 năm, Võ Phiến viết cho tôi tổng cộng trên 100 bức thư. Có
bức ông kể về dòng họ; có bức ông kể về quãng đời niên thiếu; có bức ông tiết
lộ những bước đầu tập tễnh đi vào con đường viết lách; có bức ông bộc bạch
những quan niệm của ông về văn học cũng như những ý nghĩ của ông về một số
người trong giới cầm bút. Bức thư nào cũng thú vị, và đặc biệt, đầy giá trị sử
liệu về con người và tác phẩm của Võ Phiến.
Ví dụ bức thư sau đây
ông viết về “duyên tiền định” giữa ông và vợ, bà Võ Thị Viễn Phố:
Los Angeles ngày
4.12.1991
Thân gửi anh Nguyễn
Hưng Quốc,
Vậy mà từ thư trước
đến thư này cũng cách nhau cả tháng! Anh phải dạy học, tôi đã nghỉ việc nằm nhà
nhưng cũng không nhàn rảnh được. Lần này là chuyện tôi với... bà xã.
Trong lá thư viết
ngày 2.7.91, có câu “Làm việc đoàn thể tôi quen với nhà tôi”, khiến có thể hiểu
lầm là tôi chỉ được biết nhà tôi sau 1945. Thực ra trong lá thư ngày 26.4.91 đã
có đoạn nói rằng nhà chúng tôi ở gần nhau, thuở nhỏ chúng tôi cùng học một thầy
v.v...
Chúng tôi có duyên
“tiền định”, anh ơi. Nhớ lại thì thực sự là ngay từ hồi nhà tôi 5, 6 tuổi,
chúng tôi đã lưu luyến nhau. Tôi có cô em gái (con của bà cô ruột tôi). Cô em
gái ấy cùng tuổi với nhà tôi. Cô em gái (tên Trúc) có độ ở hẳn với bà ngoại
(tức là bà nội của tôi) trong nhiều năm. Phố (nhà tôi) (2) và Trúc cùng tuổi,
chơi với nhau. Phố đến nhà; chúng tôi mến nhau. Nhưng về sau cái tình cảm thơ
ấu ấy bị gián đoạn: vì chuyện học hành mỗi đứa sống mỗi nơi, không có cơ hội
gặp lại.
Cô em tôi - Trúc -
sau 1945 yêu một bạn học của tôi ở Huế là Lê Ngọc Quang. Năm 1946 Quang đã làm
lễ hứa hôn với Trúc, rồi ra Huế học lại. Toàn quốc kháng chiến xảy ra, Quang
chạy ra Liên khu IV. Trong lúc ấy Tạ Chí Diệp bấy giờ cùng học với tôi (ở
Hà Nội) thì chạy về Bình Định kịp thời trước khi kháng chiến bùng nổ. Tưởng
Quang bị kẹt lâu dài ở Liên khu IV, Diệp tính chuyện kế vị. Trúc và Diệp đang
“tính toán” thì Quang về kịp thời. (Khi ở Liên khu IV Quang làm việc tại toà
soạn một tờ báo nào đó, có gặp Nguyễn Hữu Loan, khi về Bình Định chính Quang
đọc cho tôi nghe bài thơ về hoa sim tím nọ lần đầu tiên). Thế rồi Quang cưới
Trúc. Ngày nay cả Quang và Diệp đều qua đời. Trúc còn sống ở một vùng kinh tế
mới trong Nam.
Chuyện tình của Phố
diễn ra song song với chuyện tình của cô Trúc. Chúng tôi tái ngộ hồi Phố mới 15
tuổi, từ đó dính... liền cánh, gỡ không ra!
Phố mất mẹ hồi còn
bú, lớn lên bên cạnh bà dì. Bà dì của Phố nói về chúng tôi: “Tụi nó như hai con
sam”. Ở nhà quê, chuyện như thế chắc là mới lạ, khó coi lắm!
Mấy năm sau, khi tôi
bị bắt vì hoạt động chính trị, thì ngay công tố viên Quách Tạo cũng tuyên
bố oang oang giữa phiên toà trên một sân vận động trước mấy vạn người về sự hèn
nhát ra rít của tôi. (Một sự ra rít được cầu chứng tại toà).
Sau 1954, vừa ti toe
cầm bút là tôi xin trước tịch những bút hiệu Võ Phiến và Hoài Vũ! (2) Trong hơn
hai mươi năm cái sự nhảm ngầm ấy được giữ bí mật, anh em ở Sài Gòn không ai
khám phá ra cả.
Tại Sài Gòn tôi cũng
không hay đàn đúm bạn bè. Sau buổi làm là về nhà với vợ con. Chúng tôi cặp nhau
lang thang. Phạm Lọ - Đông Thi của Sài Gòn sánh vai dong ruổi khắp ngũ... thị:
chợ Bến Thành, chợ Vườn Chuối, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối, chợ Tân Định
v.v... Tôi bám theo bả len lách vào các hàng vải, hàng cá, hàng xén, hàng quà, ngồi
ăn “thử” món nọ món kia v.v... Đêm đêm, chúng tôi thường đi các ngỏ hẻm. Ở ta
vậy mà an ninh lắm; thời chiến, súng ngắn súng dài có thể lạc vào tay bất cứ
hạng người nào, vậy mà không mấy khi xảy ra bạo động ở đô thị. Về những năm
cuối chế độ, tôi đi thanh tra các tỉnh, lúc nào có điều kiện là lôi bả theo:
Tiền Giang, Hậu Giang, bả biết khá nhiều tỉnh.
Cuộc sống như thế làm
tôi cô độc, thiếu bạn. Làm văn nghệ tôi là đứa không có “cánh”. Cũng không có
“vây”.
Và cuộc sống ấy bắt
Phố trả một giá đắt: bả ghiền thịt cầy la de một độ theo tôi. Thoạt đầu, cũng
như mọi bà mọi cô, bả không chịu được thịt cầy, thấy ai bàn chuyện cầy là lánh
xa. Về sau, vì cứ lẽo đẽo theo tôi, bả bị lôi cuốn. Rốt cuộc bả chấp nhận nồng
nhiệt. La-de hai đứa uống chung một ly cối! Ngất ngư.
Anh có nhớ trong Nho
lâm ngoại sử có vài nhân vật (Đỗ Thiếu Khanh, Trang Triệu Quang?) có tính hay
cặp kè với vợ, la cà ăn uống ở quán xá, bị người đời chê cười, coi không phải
là kẻ sĩ “chân chính” không? Tôi rất không chân chính. Bây giờ đã già, qua Mỹ
cũng không chân chính được. Vẫn thích ăn “thử” đủ các món linh tinh, và xem
“thử’ các cảnh lạ trên thế gian. Các cảnh đẹp ở Hoa Kỳ chúng tôi đi gần hết, có
lần con trai lái xe trên 3,000 miles cho chúng tôi đi. Âu châu, Úc châu tụi tôi
cũng cố lết tới. Đủ cặp.
Còn chuyện sống với
nhau trong gia đình cũng thiếu hẳn chân chính. Trong Nguyên vẹn có cái đoạn một
buổi trưa trong nhà, ăn cơm xong, anh nằm võng chị nằm divan thỉnh thoảng ngoéo
tay nhau. Anh nhớ đoạn đó không? (Lúc đó, con đầu chúng tôi đã đậu bác sĩ, đã
ra quân y!)
Sống như sam không
hẳn là hay. Tách rời nhau ra, chàng như mây trời thiếp như khói bếp, chàng đánh
bạc đó đây và hát cô đầu suốt tháng, thỉnh thoảng gặp nhau tha hồ mặn nồng.
Sống mà luôn luôn bên nhau thì thỉnh thoảng thế nào cũng sinh lục đục. Những
lúc đó, nhà tôi than thở là vì tuổi ngọ, bả không may mắn!
Cuộc sống “không may
mắn” cũng gần nửa thế kỷ rồi.
Ngay khi nhận được
những bức thư như thế, tôi đã loé lên ý nghĩ: Sẽ tập hợp và xuất bản chúng vào
một dịp nào đó thích hợp (ví dụ, sau khi ông qua đời). Tôi không giấu ý định ấy
với Võ Phiến. Giữa năm 2001, tôi đánh máy toàn bộ các bức thư của ông và tôi đề
nghị ông xem lại và sửa chữa, nếu cần. Tôi xem đó là một thứ hồi ký của Võ
Phiến viết dưới hình thức thư từ cho nên muốn nó chính xác đến tối đa. Trong
bức thư gửi tôi vào tháng 9, 2001, ông viết:
“Anh Nguyễn Hưng Quốc
thân,
“Lá thư của anh vừa
rồi, tôi khoái thích quá chừng. Bao nhiêu là cái tưng bừng sau khi mình nhắm
mắt, mỗi lúc nghĩ tới mỗi khoái; vợ chồng tôi nghí ngố bàn tán đầy hứng khởi.
Và tôi nghĩ như vậy là đủ. Các dự tính của anh rồi có thực hiện được hay không,
đối với tôi không thành vấn đề: tôi đã hưởng đầy đủ niềm hoan hỉ rồi. Theo tôi,
chết là hết, không còn gì nữa. Không còn trời còn đất còn hồn còn vía nào tồn
tại nữa... Mình sinh ra trời đất, không phải trời đất sinh ra mình. Cho nên các
dự tính của anh đã đem đến cho tôi một sung sướng thực sự rồi, tôi đã thực sự
hưởng rồi. Và rất biết ơn anh.”
Võ Phiến mất ngày 28
tháng 9, 2015 tại California. Tập thư của ông gửi tôi, như thế, đã có thể xuất
bản được rồi (3). Đây không chừng là tập thư đầu tiên về văn nghệ của một nhà
văn Việt Nam được xuất bản. Tiếc, trong các độc giả cầm cuốn sách trong tay lại
thiếu một người có lẽ muốn đọc lại nhất: Võ Phiến.
Nguyễn
Hưng Quốc
***
Chú thích: 1. Cuốn
này, dưới nhan đề Võ Phiến, đã được nhà Văn Nghệ xuất bản năm 1996; sau,
Người Việt tái bản năm 2015 dưới tên Võ Phiến, một đời trăn trở. 2. Hoài Vũ = nhớ người họ Võ (Võ
Thị Viến Phố). Võ Phiến là hình thức nói lái của chữ Viễn Phố.Cuốn Thư Võ Phiến do Người Việt xuất bản năm 2015, có thể
mua trên Amazon.