Sau 7 tháng chờ đợi hai đứa tui mới bán được căn nhà không lớn ở một thành
phố nhỏ, phía Nam Tiểu Sàigòn. Trong vòng vài tuần, đồ đạc tích tụ từ bao chục
năm được phân chia ra nhiều nhóm. Nhóm tặng bà con, nhóm cho “qủa chuông” từ thiện,
nhóm bán gara xeo. Những gì còn lại có gía trị tinh thần, gía trị tình cảm thì
mang theo. Vốn liếng gom góp trong hai kiện hàng, theo đường thủy, qua Hạ Uy Di
trước.
Đầu tháng 3, hai đứa thuê xe lên phi trường quốc tế. Gần 11 giờ đêm hai đứa mới
ra khỏi máy bay. Khi đứng đợi chàng ký nhận chiếc xe thuê, tui nghe tiếng chim
hót thiệt lạ. Ngộ hén, bên này có một loài chim hót ban đêm sao? Không khỏi tò
mò tui hỏi một bà du khách đứng kế bên, “Chim gì vậy bà?” Bà ta cười mỉm, “Con
coqui đó, chứ phải chim gì!” Tôi có nghe nói là bên này có cái nạn coqui. Cái
gì in ít, thoang thoảng thì người ta kêu là “ngộ”, là dễ thương, là thơ mộng,
là lãng mạn. Nhưng nếu cái gì đó không còn thoang thoảng, in ít nữa thì người
ta kêu là “nạn”, là “quấy rầy”, là “đồ trời đánh thánh đâm” … Tui muốn nói tới
cái “nạn” coqui. Ai sao chớ tui thấy con ếch nhỏ xíu này dễ thương thì thôi.
Mỗi lần nó cất tiếng kêu “cồ kí”, “cồ kí” tôi cứ tưởng tượng nó ngước nhìn mình
xin xỏ cái gì, với đôi mắt lồi thiệt là to, so với cái diện tích khiêm nhường
của đầu, cổ, chân, tay. Qủa thiệt tui đã có một nhận xét hơi sớm về con vật cỏn
con này!
Từ phi trường hai đứa kiếm đường tới căn phòng mà chàng đã đặt thuê từ hồi
còn ở bên đất liền. Đường lạ buổi tối lại thêm mưa lúc nặng hột, lúc gió lớn khiến
cho những con đường lạ hoắc còn bí hiểm hơn. Chàng quẹo tới quẹo lui. Khi thì
quẹo sớm qúa, khi thì quẹo lố qúa. Tới ba lần bẩy lượt, vòng tới vòng lui, sau
cùng mới tìm được con đường mang tên Kaieie (ba tháng sau tui mới đọc được tên
đường trơn tru, không vấp váp.) Đi hoài mà không thấy tới. Đường làng đã nhỏ,
quanh co mà lại không có đèn soi cho tài xế! Không nhờ có ánh đèn từ chiếc xe
thuê thì có lẽ cả hai đã xuống hố, không có ngày trở về … thăm bà già!
Sau cùng thì hai đứa cũng tới nơi. Căn nhà im lìm nằm trên một khu đất rộng
thênh thang, hoang vắng. Không có tiếng sủa ăng ẳng của hai con chó thì có lẽ
không ai biết có người cư ngụ ở đây. Căn apartment hai đứa thuê nằm phía tầng
dưới của một căn nhà xây theo lối nhà sàn, khoảng hai thế kỷ trước. Loại nhà
này có mái tôn, sàn gỗ, trần cao, thích hợp với khí hậu mưa nhiều, nắng ít bên
phía đông của Đảo Lớn. Căn apartment có một phòng ngủ rộng rãi. Nó có tới 10
cái đèn. Tám cái trên trần, mà một trong tám cái bóng đèn nằm ngay trên đầu
tui, như nhìn chằm chặp vô mặt khi tui mở mắt nhìn trần nhà, suy nghĩ chuyện
đời (bởi vậy tui ít suy nghĩ chuyện đời là vậy), hai cái bên đầu giường và một
cái trên bàn (hiện là nơi tạm trú của hai cái PC của hai đứa).
Phòng khách có một cái ghế sô-pha có thể biến thành giường cho hai người
nằm, một ghế bành, một TV, một lô-vờ-sít và bốn cái đèn trên trần nhà, hai cái
đèn trên bàn nhỏ và, như là chưa đủ sáng, chủ nhà cho thêm một cái đèn nữa,
loại mà người Mỹ kêu là floor lamp. Tui đếm tới đếm lui thì thấy tổng cộng là bẩy
cái đèn trong cái phòng khách nhỏ xíu này! Căn phòng apartment này có nhiều đèn
không kể nổi. Trong bếp có sáu cái đèn. Phòng tắm thì chỉ có bốn bóng đèn mà
thôi! Từ bữa dọn vô tới giờ, tui chưa có dịp hỏi chủ nhà tại sao gắn qúa nhiều
đèn, trong khi tiền điện bên này rất mắc?
Bếp được trang bị đầy đủ với tủ lạnh hai cánh cửa, tha hồ để thức ăn mà
không lo thiếu chỗ. Chén đĩa, nồi niêu xoong chảo đủ cho hai người dùng trong
nguyên một tuần mà không cần phải rửa chén. Điều này tui thiệt là ưng ý. Cứ đi
tới đi lui cười mỉm chi. Phòng tắm có hai vòi tắm (lạ với tui). Sau này mới
biết là bên này có nhiều người thích tắm ngồi chồm hổm.
Chủ nhà là người Mỹ gốc Nhật tên là Ken. Ken có hai con chó. T-Tay thuộc
giống Chihuahua. Cyrus thuộc giống gì không rõ. Nó nhỏ như con nai con, nhìn
từa tựa như con Snowy trong truyện bằng tranh Tintin. Cyrus nhẩy như
nai, nhưng không phóng như những con chó bình thường khác.
Cuộc sống trên con đường làng Kaieie vẫn bình thường, không có gì là hấp
dẫn: Hai đứa thức giấc theo thời khóa biểu của chủ nhà, vì Ken thức sớm để
chuẩn bị đi làm. Anh chàng đi tới đi lui, kéo ngăn tủ, đóng cửa tủ, vặn vòi
nước trong phòng tắm hay trong bếp. Đôi khi sơ ý làm rớt chiếc giầy hay cái gì
đó khiến trái tim hai đứa muốn văng ra ngoài, vì sàn gỗ mỏng trên lầu. Thức dậy
rồi, hai đứa coi tin tức rồi đọc email, ăn sáng, rồi đi xuống nhà bếp, mở cửa
phòng để đồ đạc kế bên cho hai con chó của chủ nhà sổ lồng. Từ ngày Ken bị hàng
xóm mắng vốn vì hai con chó, tuy nhỏ nhưng không biết mình nhỏ thó, đã nhe răng
rượt hàng xóm chạy thụt mạng, khi anh chàng này đẩy con đi vòng vòng, Ken nhốt
hai con chó cưng mà bất trị vào phòng này, khi vắng nhà.
Vậy là mỗi sáng hai con T-Tay và Cyrus được vài chục phút chạy theo hai đứa
tui đi lên con dốc. Lý do tui nói tụi nó chạy theo, không phải tụi tui có sức
chạy nhanh hơn hai con cún (làm sao sức người gìa chạy nhanh hơn sức chó), là
vì T-Tay và Cyrus, sau khi được thả ra từ căn phòng chật ních đồ đạc đã chạy
như bay lên dốc, ngừng lại dọc đường thám thính những gì có thể nhúc nhích
được, trong những bụi rậm, rồi lại chạy qua mặt hai đứa tui. Như một trò chơi.
Từ nhà Ken lên tới đỉnh đồi chỉ có ba căn nhà: nhà “dê” vì có nuôi dê. Người
thuê nhà là một người đàn bà da trắng tên Heidi. Ngoài 5, 6 con dê, Heidi còn
có hai con mèo. Mỗi khi đi ngang nhà này hai con chó phóng như bay vào sân nhà
người ta, đứa chặn trước, đứa chặn sau để hăm dọa con mèo khốn khổ. Cũng may,
con mèo nhanh chân. Hai con chó nhỏ người nhưng to miệng không bao giờ nắm được
một cọng lông tơ nào của con miêu. Sau bao nhiêu lần kêu la, ra lệnh mà không
có kết qủa, chàng của tui quyết định cặp nách mỗi đứa một bên, khi đi ngang nhà
“dê”. Chưa hết, kế nhà Heidi là nhà của Albert, một người đàn ông tuổi trạc 60,
cũng ở một mình. Albert cũng có vài con mèo. Cho tiện việc sổ sách, chàng của
tui ôm hai con chó đi qua nhà Albert luôn. Sau khi đi qua một quãng, khi thấy
an toàn cho những chú miêu thì mới thả hai đứa cẩu xuống. Chúng lại lăng xăng
chạy nhảy, hít hà, đánh hơi heo rừng hay những con chuột đồng trên hai bên
đường làng. Khi biết được có heo rừng hay trông thấy đàn bò nằm nhai cỏ thì hai
con chó thi nhau sủa. Khi cảm thấy thị uy đàn bò đã tạm đủ thì chúng ngừng, để
lại không gian tĩnh lặng cho hai đứa. Căn nhà cuối cùng của George và Christine
có hai con chó to và rất hung hăng. Vì thế cho nên, để tránh cảnh khóc chó
chết, người và cẩu quay trở lại trước khi lên tới giang sang của hai con chó to
xác.
Thông thường một ngày của tụi tui bắt đầu là như vậy đó. Vào những ngày chẵn
trong tuần, chàng và tui ráng tập hít đất, situp để cho có mang tiếng là có tập
thể dục. Cái máy tập thể dục Soloflex vẫn còn nằm trong nhà kho, cùng với sách,
album hình, nhật ký đời tui, áo quần, không giầy dép (vì những đôi giầy cao
gót, những đôi bốt cho mùa đông, những áo len dầy nặng đã được đem tặng trước
khi khăn gói qủa mướp sang thiên đàng hạ giới.) Một vài tiếng sau, tui sửa soạn
đi nhà thờ. Hồi mới sang, vì có nhiều việc giấy tờ dưới phố cho nên chàng hay
đi Lễ với tui, sau khi xong việc. Nhưng khi lo xong các giấy tờ cần thiết cho
cuộc dời nhà, anh chàng nói, “Thôi, tui không cần đi với cưng nữa, cưng đi mình
ên đi.” Thế là con nhỏ lái xe đi Lễ một mình. Đi mà run. Trước khi lên đường,
con nhỏ viết xuống tên đường, ráng nhớ khúc nào quẹo phải, khúc nào quẹo trái.
Dặn lòng là khi đi qua cái cây cầu có cái thác nước đổ ầm ầm thì nhớ đổi len để
mà quẹo phải. Sau khi quẹo phải, và qua tiệm sách mà hai đứa ghé qua trong tuần
đầu khi mới sang đây, thì sẽ đi qua bưu điện và thư viện. Kế đó là một quán ăn
có tên Drive Inn (chứ không phải Drive In) thì quẹo trái. Đi một quãng ngắn,
thấy tháp chuông nhà thờ là tới nơi. Đó là lộ trình của tui, từ nhà tới nhà
thờ.
Còn tên đường thì còn khuya tui mới nhớ. Hình như tên gì cũng có ít nhất hai
chữ A, hai chữ I, hay hai chữ K, hoặc đôi khi như muốn làm khó người mới tới
(như tụi tui), cho luôn 5 nguyên âm một lèo (như tên đường KAIEIE). Ở bên này
hơn 4 tháng tui chưa nhớ được cái tên đường quẹo vô từ quốc lộ 19 (tương tự như
PCH bên mình) để tới nhà thờ. Ai da. Nếu không có những toà nhà cao hai tầng để
tui làm mốc, có lẽ khó lòng lắm mới tới được nơi. Sau một vài ngày tự lái xe đi
nhà thờ, chàng nhờ tui ghé Island Mailbox Internet Cafe (IMIC) lấy thơ. Cái này
dễ ẹc. Chỉ quẹo trái từ sân nhà thờ, rồi quẹo phải đường Kinoole. Khi đi qua Mc
Donald, qua cái đài phát thanh có chữ K bắt đầu với hai chữ XX rồi thêm chữ gì
nữa, rồi qua một cái công viên nho nhỏ, bao giờ cũng có một cái xe van treo đủ
thứ lời chửi ông tổng thống cờ hoa thì sửa soạn quẹo trái. Liền sau đó phải
quẹo vô sân đậu xe của IMIC. Sân đậu xe của nơi này nhỏ xíu. Khi nào hên có chỗ
đậu. Bữa nào xui, người ta đậu hết chỗ. Nhỏ tui phải bấm đèn ê-mờ-gen-xi lên,
rồi ba chân bốn cẳng, chạy tới thùng thơ, trong tay nắm sẵn chùm chìa khóa, với
tư thế sẵn sàng. Năm thì mười họa mới có một hai cái bills và quảng cáo và rất
nhiều quảng cáo. Nói đến quảng cáo, tui phục sát đất cái sở bưu điện. Sau khi
biết địa chỉ mới của hai đứa, mấy cái quảng cáo từ bên đất liền, vượt trùng
dương, tiếp tục làm ngộp thở cái hộp thơ tí hon của hai đứa. Không có thư
riêng, tui cũng không lấy làm buồn, vì thời đại nguyên tử ai mà còn viết thư?
Thời này, bao nhiêu nỗi niềm nhung nhớ gia đình, bạn hữu đã được gửi vào cái
máy nhỏ bằng bàn tay đó. Nhờ cái xì-mạc phôn mà trước khi đi qua bên này, tui
chỉ cho bà già cách “tếch”, để khi “má không muốn nói chuyện thì tếch cho con.”
Ngày tháng lẳng lặng trôi qua, không có gì đáng kêu là biến cố. Cho tới một
ngày kia, hai đứa phải kiếm chỗ dọn vì gần tới ngày phải dọn ra khỏi nơi mà hai
đứa đã ở hơn 3 tháng.
Chuyện đi tìm chỗ mới cũng thiệt là nhiêu khê. Có phòng không có sàn nhà,
chỉ tráng ximăng lồi lõm. Màn cửa rách lủng lỗ tùm lum như một cánh đồng trúng
bom, vì chuột cắn (lời của chủ nhà chứ không phải của tui). Có nơi người mướn
chưa dọn ra, đồ đạc còn lổn ngổn trong phòng ngủ, phòng tắm, phòng khách. Siêu
hơn nữa là ngay phòng khách một tẩu hút cần sa nằm tơ hơ trên bàn, như mời mọc
khách. Nơi khác thì lại không có một món đồ gì để xài. Không bàn, không ghế,
không giường, không cả một tấm nệm! Đã vậy, chủ nhà còn đưa điều kiện phải phụ
họ cắt cỏ. Khi hỏi có máy cắt cỏ hay không thì bà chủ nhà nói sẽ mua cho cái
máy cầm tay để … tỉa cỏ. Có nơi, trước khi bước vào, chủ nhà hỏi chàng cao bao
nhiêu. Sau khi biết được chiều cao của chàng của tui, bà ta nói, “cẩn thận coi
chùng u đầu”. Hóa ra cái trần nhà thấp hơn chiều cao của chàng khoảng hai “in”.
Sau cùng gọi được chỗ kia, nhìn thấy hình trên on-lai tương đối khang trang cho
nên hai đứa xin tới coi. Sau khi lái tới trúng đường rồi mà không làm sao kiếm
được số nhà. Khi đi chàng lại không đem theo xeo phôn, “vì tui nhớ số nhà
rồi”. Đi tới, đi lui cả 5, 6 lần vẫn không tìm được nhà. Tui nói
không sao, để em gọi chủ nhà. Gọi hoài chủ nhà cũng không buồn nhấc phôn. Tui
bèn … tếch. Tếch tới tếch lui cũng không nhận được một chữ nào của nàng trả
lời. Thất vọng và ngạc nhiên, hai đứa lái về. Lái về mà lòng cũng ấm ức. Tại
làm sao mà bà này không chịu cầm phôn khi có người tới coi nhà vậy cà? Về tới
nơi hai đứa mới khám phá ra là: Số nhà chàng nhớ lộn! Số phôn tui ghi sai!
Tưởng là việc thuê căn phòng này đã không thành, vì hai đứa phải trả nhà
sáng Thứ Bẩy, mà người chủ mới chỉ cho coi nhà vào Thứ Bẩy. Ai dè, sáng sớm Thứ
Sáu, cô nàng gọi. Cô ta nói vì đau cổ nên ở nhà, không đi làm. Nếu muốn đến coi
thì đến liền. Hai đứa lè lẹ lái xe tới coi. Sau khi đi qua cái khu nhà mà hai
đứa lái qua lái lại ngày hôm trưóc, hai đứa còn leo lên ba, bốn con dốc và đi
cho tới đường cụt và thêm một khúc đường một chiều nữa, tụi tui mới đi vào một
khu đất với nhiều hoa thơm cỏ lạ. Chủ nhà trồng cả chục loại dừa. Dừa nước, dừa
xiêm xanh, xiêm lửa, xiêm lùn, dừa thân cam đỏ … Hoa thì có hoa tôm màu vàng,
hoa bông bụt … Có những loại hoa tui chưa thấy bao giờ trong đời. Coi thơ mộng
và đẹp mắt như lạc vào một vườn bách thảo. Coi căn phòng thì đồ đạc trưng bầy
ấm cúng. Phòng nào thứ nấy. Phòng khách thì có kệ để sách, trăm cuốn tha hồ
đọc, kể cả các nguyệt san về vườn tược, du lịch. Phòng tắm, phòng ngủ đều sạch
sẽ ngăn nắp. Tới lúc dòm tới cái tủ lạnh thì hỡi ơi, tui chưng hửng vì nó nhỏ
làm sao! Mở cánh cửa ra thì còn tệ hại hơn. Tủ lạnh không cao đủ để vừa một
ga-lông sữa! Trời đất! Tui mới đi chợ Farmer’s Market ngày hôm thứ Tư. Mua nào
rau xàlách, rau cần, rau thơm, giá sống, cải bắp thảo … chỗ đâu cho tui để
những bó rau này. Còn một ga-lông sữa nữa. Làm sao cho vừa?
Đứng nhìn cái tủ lạnh dành cho các sinh viên trong khu đại học xá tụi tui
phân vân không biết tính sao? Mướn hay không mướn? Nghĩ lại cái khó nhọc của
việc tìm phòng, tụi tui đành chấp thuận thuê căn apartment này. Mọi sự rồi hậu
tính.
Đêm đầu dọn tới, hai đứa không ngủ được. Tiếng ếch, tiếng dế hòa tấu ngay
bên đầu giường. Ở chỗ cũ, cây cối trồng xa vách tường, hay ít nhất không kế sát
phòng ngủ. Ở đây, khác biệt một trời một vực. Con coqui là một loại ếch được
nhập cảng vô thiên đàng hạ giới này từ những tay thủy thủ đem cây cối đến từ
Puerto Rico. Mới đầu tui thấy tiếng chúng dễ thương. Cố qui. Cố qui. Nhưng từ
ngày dọn tới đây, tiếng con cô qui không còn dễ thương nữa. Đêm thứ hai, hai
đứa có kinh nghiệm hơn, đóng cửa sổ lại. Đêm nay ngủ được hơn đêm qua, tuy
thiếu gió trời. Tiếng dế hòa với tiếng ếch cô qui không còn điếc ráy như đêm
đầu.
Đó là nạn cô qui. Giờ cho tui nhắc tới nạn muỗi mòng bên này. Vì mưa đã
nhiều mà cây cỏ đầy rẫy cho nên nếu ai không xịt thuốc trừ muỗi chung quanh nhà
thì nên chuẩn bị để cho những chiếc phản lực cơ tí hon “làm thịt”. Từ hồi qua
đây tới giờ, hai đứa đã thử bao nhiêu là phương cách tự nhiên để trừ muỗi. Chà
tỏi tươi lên tay, chân. Ngâm tỏi với nước để xịt lên người. Đặt những cây
citronella chung quanh cửa ra vô. Trồng sả, trồng tỏi nơi mảnh vườn đằng sau
nhà … Thế mà không có gì ngăn cản được sự tấn công của đàn muỗi. Trong mảnh
vườn tí hon tại nhà cũ tụi tui có trồng vài cây rau, củ cải, húng quế, ngò
thơm. Khi chiểu xuống, có lúc muốn hái một vài cành làm cơm, nhưng trực nhớ giờ
tranh tối tranh sáng là giờ của … muỗi, con nhỏ đành đứng trong bếp nhìn ra
thèm thuồng, ăn tưởng tượng.
Giờ đây, sau gần 9 tháng ở bên này, đời sống tạm ổn định, dù nhà vẫn chưa
mua được. Hai đứa nhận đến tình nguyện cho một viện dưỡng lão, hai lần một
tuần. Dùng khả năng nghệ thuật hạn hẹp của mình để giúp trang trí căn phòng ăn
của họ, tùy mùa, tùy lễ, ngoài việc thăm hỏi những cụ già sống chuỗi ngày còn
lại trong đơn chiếc.
ktth