16 January 2016

NHỮNG CĂN NHÀ TRÊN CON ĐƯỜNG LÀNG TÊN KAIEIE - ktth


Từ ngoài lộ đi vô, hai đứa tui lái chừng bẩy, tám phút mới lên tới căn phòng đang mướn. Căn phòng này nằm phía dưới căn nhà sàn của người chủ nhà tên Ken. Ông ta cho tụi tui thuê cho tới khi nào mua được nhà thì mới phải dọn ra. Tui nói bẩy hay tám phút là khi một mình một ngựa trên con đường làng thanh vắng. Chứ khi có ai lái ngược chiều, thì xe đi lên dốc phải ngừng lại cho xe kia đi qua thì lâu hơn. Điều này tui thấy hơi vô lý. Tại sao người lái lên dốc lại mất quyền ưu tiên? Một bữa đẹp trời nào đó, lỡ thắng hư bất tử, xe tuột ngược dốc thì làm sao trở tay cho đặng?

Hai bên con đường làng này có khoảng ba, bốn chục căn nhà, trong ba khu “phố”. Nói phố cho dễ hình dung. Từ ngoài lộ đi vô là phố đầu tiên. Khu này đông dân cư, có khoảng 20 căn. Nhà nào nhà nấy cách nhau một khoảng vườn rất rộng, liệng hòn đá cũng chưa tới sân nhà kế bên. Có nhà chỉ trồng cỏ xanh tươi, để chó hay gà rừng chạy rong. Có nhà trồng cây ăn trái như vải, nhãn, xoài, chôm chôm, khế, đu đủ, cam, quýt.

Gần phía cuối khu phố này có khoảng năm sáu căn nhà, nghe nói là để lại từ đời ông cố, ông sơ. Những căn nhà này lụp xụp, xây vá víu, nằm sát mặt lộ. Trước và sau khi đi vào khu này có hai bảng viết tay nghuệch ngoạc, dành cho tài xế hai chiều lên xuống: “Xin chạy chậm lại. Trẻ con đang chơi.” Mà trẻ con chơi tự nhiên thiệt. Chúng băng qua băng lại mà không dòm trước, ngó sau gì ráo. Ngoài ra, chó mẹ lẫn chó con nằm thẳng cẳng phơi nắng ngay giữa đường. Ai lỡ cán trúng, dù không phải lỗi của mình thì coi như đời tàn trong ngõ hẹp! Người ta gọi khu này là “Khu Thương Mại”, vì dù chỉ có năm, sáu căn nhà, ngoài những chiếc xe quen thuộc hay đậu tại những nơi cố định, còn có những chiếc xe đã phế thải, cỏ dại mọc từ trong ra ngoài, hoặc những chiếc xe móp méo, thường xuyên được kéo tới, đặt ở phía cuối dẫy nhà. Trong vòng một hai hôm, những bánh xe, những nắp xe, những cửa xe hay những thùng xe đã được gỡ đi. Đôi khi nguyên bộ lòng cũng biến mất, để lại một khoảng trống đen thui vô tận. Có lẽ những người trong Khu Thương Mại này chuyên bán phụ tùng xe hơi hay bán sắt vụn?
Chuyện làm ăn của người, tui không thắc mắc nhiều. Cái mà tui thắc mắc khi đi qua chỗ này là sự thiếu thẩm mỹ của mặt tiền của ba căn nhà. Ba căn nhà này đã làm mất mặt bầu cua của căn nhà sơn trắng có vườn cỏ xanh tươi ở gần, mà tui đặt tên là “Tiểu Bạch Ốc”, và cả những căn nhà kế bên. Hai căn nhà nằm ở phía phải của Tiểu Bạch Ốc thuộc về gia đình của một người cha và hàng xóm của ổng. Căn nhà phía trái với hai chiếc thuyền đã cũ, phơi mình với năm tháng ở sân trước thì thuộc về người con. Chủ của ba căn nhà này đều sưu tầm … rác. Những hộp giấy lẫn thùng giấy, đồ nhựa, bao ny-lông, quần áo cũ, những ống cao su đen đủ cỡ, kể cả một xe đẩy, dùng trong các tiệm, các chợ cũng được lưu trữ trong đó, từ thuở nào. Chỉ nhìn sơ qua những món đồ “cổ” đã đổi mầu, nằm chật ních, tới sát mái tôn của khu nhà ba gian và lan tràn cả vô con đường nhỏ, dẫn vô nhà, thì cái đống rác khổng lồ này có thể đã được tích tụ từ thiên niên kỷ trước. Ngoài nơi chứa rác dưới mái tôn nay đã rỉ, còn có rất nhiều chai, lọ thủy tinh, lon nhôm, vỏ xe cũ nằm rải rác ở bên hông nhà và trước nhà. Cả ba gia đình này, có thể đã lãnh nhận một sứ mạng cao cả gì đó cho nền phản vệ sinh của nhân loại? Vì khi họ lưu trữ những gì đã được xã hội thường tình định nghĩa là rác (ngoài chuyện làm chỗ ẩn náu cho chuột, cho gián, cho kiến) mà lại trưng bầy công khai, ngay trước giang sang của mình, thì phải là một cái gì rất đáng hãng diện lắm để phô trương?
Thú thật là đã nhiều lần tui muốn ngừng xe lại, đề nghị phụ họ dọn dẹp ba đống rác không nhỏ này, vì lòng yêu mến cái đẹp, cái vệ sinh của khu phố và cũng vì sẵn vô công rồi nghề. Tình nguyện hai ngày tại viện dưỡng lão để phụ trang trí phòng ăn chánh của họ theo mùa, theo tháng thì tổng cộng được có 8 tiếng một tuần, còn bao nhiêu là giờ trống trải. Cho tui vài tuần, tui thanh toán xong đống rác của ba gia đình này cái một.
Đó chỉ là niềm mơ ước thầm kín (nói theo nhà báo Bảo Lâm), chứ tui chưa hề dám ngừng xe lại để bày tỏ nỗi niềm. Một phần vì tui sợ chủ nhà đã không biết ơn lại còn liệng cái gì trúng đầu, chạy không kịp. Ngoài ra, chủ nhà có một con chó gìa luôn luôn nằm chễm chệ trên cái bàn gỗ để ngoài sân. Không biết con chó này có được cột lại hay là được thả lỏng. Tui không muốn tới gần để tìm hiểu vì không muốn trở thành xương trắng miền quê ngoại! Ngoài chú cẩu nằm trên chiếc bàn còn có bốn, năm con dê nâu và đen, được thả trong một cái chuồng sát mặt lộ, quây dọc theo chiều dài của mảnh vườn. Những con dê nhìn thảm thương như những chiếc mền ướt. Không biết đây là giống dê gì, mà Xuân, Hạ, Thu, Đông lúc nào chúng dòm cũng ướt nhẹp, ngay cả khi trời nắng ráo. Lông chúng bệt vô từng tảng, từng tảng, dính sát vô tấm thân gầy gò, bệnh hoạn. Nhìn thì thấy tội nghiệp, nhưng tui hay nghe nói “dê húc càn” nên cũng không dám đến gần thử lửa.
Bạn hỏi làm thế nào mà tui thấy rõ chi tiết để tả chân như vậy? Lý do là vì tui đã có vài lần ngừng ngay trước chuồng dê để nhường cho xe chạy ngược chiều đi qua. Nhờ đó tui mới thấy rõ dung nhan mùa hạ của những con dê này, khác hẳn những chú dê mũm mĩm, thơm tho được vẽ trong truyện nhi đồng hay truyện thần tiên. Bên đây, vì mưa gần như quanh năm cho nên cây cỏ mọc rất lẹ. Ai có vườn rộng phì nhiêu, cây cỏ mọc cò bay thẳng cánh mà không có tiền tậu máy cắt cỏ (loại ngồi lái, chứ không phải loại đẩy bằng sức người), thì thuê những con dê này, nhờ chúng thanh toán dùm.
Đó là khu phố đầu tiên. Sau khi đi qua một khu rừng nhỏ bao quanh bởi hai con suối và một vài căn nhà sàn nữa thì sẽ tới một căn nhà, cũng thuộc loại nhà sàn, nhưng màu sơn đã không còn giống màu nào của tiệm bán sơn. Tui đoán ngày xửa, ngày xưa căn nhà có thể đã được mang trên mình mầu trắng ngà với mái đỏ? Dù nhìn cũ kỹ, lợt lạt với thời gian, không hiểu tại sao căn nhà này có một cái gì đó rất thu hút đối với tui. Lần đầu tiên thấy nó nằm trên một mảnh đất lớn, với nhiều cây vải bao quanh, tui nói với chàng, “Nếu căn nhà này để bán mà vừa túi tiền của mình thì em sẽ nói chàng tậu căn nhà này.” Nó không theo kiểu vẽ của một kiến trúc sư nào và cũng không đúng theo kích thước của bất cứ hình nào trong môn Hình Học. Không tròn, không chữ nhật, không bình hành, không vuông, không tam giác. Nhìn hình thù của căn nhà, người ta đoán là nó được xây theo đà gia tăng dân số của gia đình, lúc thêm phía trước, lúc tăng phía hông.
Điều này ai đó đã đoán trúng phóc, vì tui đã nghe từ chính miệng của bà chị của gia chủ, khoe là cả 13 chị em của bà đã được sanh ra và lớn lên trong căn nhà đó, khi bà đi tới hỏi thăm hai đứa tui, lúc hai đứa đang bận rộn bỏ những gì còn xài được vô trong một bao ny-lông, từ chiếc xe Miata móp méo của Ken. Tui phải mở một ngoặc lớn nơi đây là: Sáng bữa đó, Ken đã kêu điện thoại nhờ chàng của tui xuống đồi để đón ổng, đưa trở về nhà để lấy cái xe khác đi làm, vì ổng mới cán trúng một con heo.
Chuyện săn heo rừng thì ở đây không có gì lạ. Tuy nhiên, chuyện cán trúng heo, với tui, là chuyện hiếm có. Số là, đêm trước có ai đó đã lủi vào một con heo rừng to tổ chảng, nhẹ lắm cũng hơn 200 cân Anh. Vì không nghĩ xa hay vì vội vã, người này đã không kéo trư bát giới qua một bên để ngừa hậu họa mà cứ để nó nằm chình ình giữa đường! Vì trời mới tờ mờ sáng, thêm mưa hơi nặng hột, ông chủ nhà đã không thấy được một tảng thịt rừng còn nguyên mình, đầu và tai chân! Hậu qủa tất nhiên là sau khi cố tình cán lên con vật chiếc Miata của ổng đã bay bổng lên trên không gần cả thước. Rồi chiếc xe xì-po mất trớn, quay một vòng, nằm gọn lỏn giữa một cột điện và hai sợi giây cáp! Nghe chàng của tui tả lại mà tui xanh mặt, không khỏi rùng mình. Mạng của ông chủ nhà còn lớn. Chỉ cách một gang tay nữa thôi, chiếc xe đâm thẳng vô cột điện thì … đôi ngã chia ly, cả xóm sẽ không bao giờ có dịp thưởng thức heo rừng miễn phí nữa!
Khu phố thứ ba bắt đầu từ một nghĩa trang lớn có dựng tượng Chúa Giêsu và Đức Mẹ Fatima ở hai góc. Chủ nghĩa trang là một người đàn bà đã về hưu. Tui nghe bà ta kể là sau khi đã về hưu non một vài năm, bà ta nghe nói nghĩa trang đang cần bán vì không có người trông nom. Bà ta tậu liền, “với gía rất phải chăng.” Tui phục người đàn bà đã gần lục tuần này! Khi nào đi qua cũng thấy bà ta làm việc ngoài trời. Lúc thì ngồi trên xe cắt cỏ, chạy phăng phăng lên đồi, xuống đồi, để mong thanh toán đám cỏ mọc lẹ như là sẽ không thấy được ngày mai! Khi không cắt cỏ, bà già chịu chơi này đeo máy tỉa cỏ, tỉa những nơi máy không vô được. Đây chỉ là một vài công chuyện bà chủ nghĩa trang phải tự làm lấy, vì chưa có nhiều vốn để thuê nhân viên hoặc mua thêm máy móc.
Nếu không có một lần hai đứa đến giúp bả chuẩn bị cho một đám tang thì tui không biết đến sự kiên trì và sức làm việc hơn sức đàn ông của người đàn bà dù đã đứng tuổi nhưng to lớn này. Tui nói to lớn qủa không thêm bớt: Tấm lưng bả to như tấm thớt, hai cặp đùi dòm như chân sạp gụ tui hay thấy hồi còn nhỏ, hai bàn tay bự như nải chuối sứ. Bữa đó, vì bà má bả và người bạn đi đám cưới ở bên đảo kế bên, cho nên bả nhờ hai đứa ghé qua phụ xếp ghế cho tang gia ngồi tạm, trong lúc hạ huyệt. Khi mang 12 chiếc ghế mới toanh xuống, từ căn gác xép của nhà kho, tụi tui gỡ bao ny-lông bọc ghế ra, bỏ lên xe đem ra chỗ mộ mới. Khi thấy căn huyệt mộ đã đào sẵn, tui hỏi bà chủ là bà đã thuê ai đào? Bà ta chỉ vào những cái cuốc, cái xuổng, cái xà beng còn nằm ngổn ngang dưới cỏ, rồi trả lời tỉnh queo, “Tui đào chứ ai.” Một lần nữa tui phục thầm. Chiều ngang, chiều dọc, chiều sâu của huyệt đã được đào thẳng tắp, vuông vức như đã được đào bởi máy móc.
Từ nghĩa trang đi lên, khoảng nửa cây số nữa là một khu vườn trồng dừa cảnh và Thanh Long. Kế bên khu canh nông này là một ngôi biệt thự đã để bảng bán hơn một năm rồi mà chưa ai mua. Cách một cánh đồng nhỏ, là một căn nhà mái nâu, tường cũng nâu. Cũng cửa đóng then cài, sau khi cho thuê được một tháng. Xéo bên kia đường là nhà của một gia đình trẻ với hai đứa con tuổi vị thành niên. Lúc này, không biết có gì thay đổi mà tụi tui không thấy vợ chồng con cái đi ra đi vô nữa, mặc dù chiếc xe của họ vẫn còn đậu trong sân.
Khi đi tới một ngã ba có bảng ghi “15 MPH” thì quẹo phải. Đi một vài trăm thước thì tới căn nhà của một gia đình mới từ Georgia dọn qua. Cặp vợ chồng ở từng trên. Người cha vợ ở từng dưới. Bên kia đường là căn nhà mầu tím. Nơi tạm trú của hai người mới qua từ Cali.
Căn nhà này, như tui có nói sơ là do Ken làm chủ. Căn nhà sơn màu tím, viền mầu rượu chát. Có lần tui hỏi ông ta nghĩ sao mà lựa màu tím cho căn nhà của mình. Ổng cười ổng nói là vì sơn nhiều mầu qúa mà vẫn không vừa ý, cho nên lần cuối cùng ổng lựa đại, không cần biết nó ra sao, “vì mệt qúa rồi.”
Cái đêm hai đứa tìm được nhà sau khi lạc lên lạc xuống, tui đâu có sức hay thì giờ để dòm mầu sơn nhà là mầu gì. Tới sáng hôm sau, thức dậy đi thám thính vòng trong, vòng ngoài của căn nhà mới biết nó sơn mầu tím. Tui thích qúa trời. Nhớ tới bản nhạc “Căn Nhà Mầu Tím” mà cười mỉm chi hoài. Có ai ngờ đi mấy ngàn miles để được ở trong một căn nhà mầu tím!
Căn apartment này được sửa sang lại để cho du khách thuê. Phòng khách, phòng ngủ, phòng tắm, bếp, gara … đều sạch sẽ, ngăn nắp. Căn nhà năm trên ba mẫu đất nên chủ trước và Ken trồng khoảng hơn chục cây ăn trái gồm có quýt, khế, nhãn, vải, breadfruit (tui dịch đại là trái bánh mì, vì người ta dùng như bột mì để làm bánh), cây dâu tằm (mulberry), chuối và avocado. Từ ngày ở đây, tui chưa phải mua nhãn hay vải, hay khế, hay quýt, hay dâu tằm. Chuối thì đôi khi phải mua, vì có lần sáu buồng chuối chưa kịp chặt xuống thì đêm đó đã bị một hay hai tay trộm cuỗm mất! Tui đang canh chừng hai buồng chuối trong vườn nhà, và 6 buồng ở dọc hàng rào. Hy vọng không ai hái mất lần này. Chuối bên này ăn dai dai chứ không bở như chuối bên Cali. Avocado thì sau khi hết mùa, hai đứa phải mua tại Walmart, TARGET, hay Farmer’s Market.
Từ trong căn phòng này, tui có thể nhìn ra ngoài ngắm cảnh ngoài sân hay ngắm biển Thái bình từ phía xa xa. Vì nhà nằm trên đồi cho nên gió mát từ phía núi Mauna Kea thổi xuống vào buổi chiều. Gió mùa đôi khi từ phía biển thổi vô vào buổi sáng. Tụi tui không bao giờ phải mở quạt.
Mỗi sáng, những con chim cardinal, saffron finch (mầu vàng như nghệ), chim sẻ, chim nhồng, chim cu đất và nhiều loại chim khác mà tui chưa biết tên, đua nhau hót ngoài sân, trên cành dừa hay trên cành tre, cành trúc. Đứa kêu “chíu, chíu, chíu, chíu”. Đứa hót “huýt, huýt, huýt” như tiếng còi tu huýt của các ông cò xứ Việt thời xa xưa.
Mấy lúc gần đây tụi tui có một con chim đầu đỏ, cánh đen, thân và cổ trắng hay ghé thăm. Đó là một một con chim trống thuộc giống Hồng Y Ba Tây mà tui đặt tên là Narcissusto. Narcissusto “tỏm bê a-mu-rơ” khi tình cờ thấy bóng của chính mình qua kiếng xe tui. Nó tương tư cái bóng hình của chính mình mà không hay! Sáng nào cũng bay tới, đáp nhẹ lên trên kiếng xe rồi nhẩy tới nhẩy lui, gõ cái mỏ vô kiếng để hun con nhỏ. Hun hoài hun hủy mà sao em không chịu ra chơi. Nó bèn nổi quạu, kêu “éc” một cái, rồi bay sang phía bên trái kiếng xe, hun tiếp. Hun chán chê rồi vì đói bụng hay nản chí bầu cua, nó bay đi đâu vài phút rồi trở lại hun tiếp. Cứ vậy. Hết tiếng này sang tiếng kia. Cả ngày. Tui mừng khi thấy con Narcissusto này trở lại, vì nó … chưa chết. Vì theo truyền thuyết Hy Lạp, Narcissus ngày xưa đã chết thảm sau khi thấy bóng mình dưới nước. Tui nói với chàng của tui là con Narcissusto này sẽ suốt đời ế vợ, vì mải mê cua gái bên kia khung cửa … kiếng (không phải khung cửa hẹp).
Ngoài việc ngắm con Narcissusto và làm những việc không tên khác, tui còn có bổn phận báo động cho chàng mỗi khi có dế, có nhện hay bất cứ giống côn trùng gì đi lạc trong cõi tạm này. Chàng của tui không sát sinh. Chàng ra lịnh là khi thấy con gì có nhiều hơn hai chân mà đi lảng vảng trong nhà thì báo động liền. Đồ nghề bắt nhện, bắt dế của chàng vỏn vẹn có một cái ly giấy và một tấm giấy bìa cứng. Chàng dùng hai món bửu bối này tiến gần con vật và nói nhỏ gì với nó. Trong giây lát, con côn trùng đã ngoan ngoãn bò vô cái ly, để được mang ra ngòai hít thở không khí tự do. Vậy là con dế, con nhện hay con côn trùng không tên lại mất dịp đầu thai kiếp khác! Nếu là tui, tui đã giải thoát cho chúng từ khuya.
Đó là đời sống thường nhật của hai đứa. Ngày chẵn ở nhà tập thể dục với mấy cục tạ lớn nhỏ, sau khi đi bộ lên hay xuống dốc và chăm sóc mảnh vườn nho nhỏ. Việc chăm sóc mảnh vườn không tốn công chi. Chàng của tui chỉ cần lật từng chiếc lá để kiếm những con sên, con ốc nào đã dám leo lên lá, lên rau mà không xin phép trước. Kiếm được con nào, chàng bỏ trong một cái chậu nhỏ. Sau đó, đem đổ chúng xuống phía hông nhà, kế bên con suối. Mảnh vườn này hiện có hai cây ớt chỉ thiên, năm sáu cây cải ngọt, rau húng quế, ngò, hành lá, mồng tơi, ớt tím, ớt đỏ …
Từ khi Ken gắn cái hàng rào có gắn giây điện, những giây phút hào hứng khi có bò của khu ruộng kế bên chạy lạc vô trong vườn đã chấm dứt. Người và hai con cẩu không còn dịp chạy lên đỉnh đồi để thị uy, đuổi bò nữa (ngoài vài lần chính hai con chó lỡ dại, lủi vô hàng rào, bị điện giật nhẹ kêu ăng ẳng.)
Sinh hoạt có thể kêu là tạm hào hứng trong ngày là đuổi muỗi và tránh kiến. Muỗi là một cái nạn không thể thiếu vắng bên đây. Muỗi gắn liền với đời sống phía Đông của hải đảo này. Muỗi là cái cớ cho áp huyết hai đứa dâng lên cao và là dịp cho tui … chửi bậy. Tui không biết chửi tiếng Đức, tiếng Đan Mạch, nhưng cái miệng chưa chừa chữ “m..rde” của Tây! Muỗi bên này khôn mà lại lanh. Chúng bám vô quần, vô áo, vô đầu cổ khi hai đứa đi từ ngoài sân vô nhà. Hoặc chúng thừa dịp cửa mở, bay cái vù vô trong. Vô tới nơi, chúng kiếm nơi nào tối ám, chờ thời cơ để đột kích, khi hai trự không để ý. Thường là chúng nhắm vô hai ống cẳng, bàn chân, hay bắp vế. Có lẽ vì những phần này của cơ thể nằm dưới gầm bàn, khi hai người ngồi dán mũi vô hai cái PC! Cái hay cái độc địa của con muỗi là khi nó cắn, mình không biết. Nếu biết thì nó đã khui nhị tì từ những bàn tay xương xẩu từ lâu rồi. Sau đó vài phút khổ chủ mới thấy ngứa. Ngứa điên, ngứa cuồng, ngứa chi lạ. Không có dấm táo để thoa lên cho giảm ngứa thì chỉ có chia vẹc-bờ “gãi” mút mùa lệ thủy!
Kiến ở bên phía Đông của đảo này nổi tiếng ác ôn là một loại kiến lửa, nhỏ như đầu kim mà sự lợi hại của cái chích, cái cắn của chúng thấu trời đớn như ngàn vết dao lam cứa rạch thịt da! Tui không bao giờ quên được một lần bị kiến lửa cắn khi đưa tay hái mấy trái ớt hiểm trong mảnh vườn nhà. Nguyên thân người cảm thấy đau rát như có ai dùng dao lam rạch khắp thân mình, trong khi chỉ bị chích ở một cánh tay! Mặc dù chủ nhà xịt thuốc trừ kiến thường xuyên, vài bữa lũ kiến quái ác lại tái xuất hiện trong bếp, nơi chậu rửa chén. Khi làm bếp hay rửa chén, hai đứa không dám dựa người vô những mặt phẳng này mà luôn luôn đề cao cảnh giác những con côn trùng nguy hiểm vô song đó.
Từ nhà Ken đi lên cho tới cuối đường, khỏang nửa cây số nữa thì có ba căn nhà. Một căn của Heidi, người đàn bà độc thân nuôi dê, kế một cánh đồng nhỏ là nhà của một người đàn ông cũng độc thân, sống với vài con mèo. Tuốt luốt, gần cái cổng cuối đường là một căn nhà hai tầng, xây theo vòng tròn, có 6 mẫu ổi đang để hoang. Chủ nhà nói tụi tui có thể “hái bao nhiêu thì hái”. Nghe thì thấy ham, nhưng nhìn những cây dại mọc che lấn hết đường vô vườn ổi, tui thối chí.
Đó là vài hàng tóm tắt về mấy căn nhà “không giống ai” trên con đường làng Kaieie này (đọc là K-A-I-E-I-E). Nhìn ra ngoài sân, trời đang mưa lâm râm. Những cành dừa, cành chuối, cành tre, cành trúc, cành thông đang uốn éo trong làn gío.   Những con chim trú mưa, đang kêu chíu chít trong bụi cây. Trong gara, con Narcissussto vẫn còn say mê gõ cái mỏ nhỏ xíu vào kiếng xe. Xa xa tiếng gà gáy từng hồi, từng hồi, bất kể giờ giấc. Mọi sự bình an chi lạ. Tui còn mong muốn gì hơn?
T.B. Tui định mua cho đám gà cồ một cái đồng hồ để chúng coi giờ trước khi gáy mà chưa có dịp.

ktth