28 January 2016

TÂM TƯ (?) CỦA MỘT CON KHỈ - Bảo Lâm ghi lại

Ông bạn người thân mến của tôi ơi:
Có thể ông không nhớ tôi. Nhưng tôi thì vẫn nhớ ông và sẽ còn nhớ ông thêm nhiều năm tháng nữa. Tôi nhớ bữa trước khi ông đến thăm tôi ở cái chuồng của chúng tôi trong sở thú Sài Gòn, ông quăng cho tôi gói đậu phọng rang còn nguyên mà tôi đem chia cho cô bạn gái của tôi. Chúng tôi leo tuốt lên nhánh cây cao nhất trong khu chuồng khỉ để chia nhau và cùng nghĩ là vẫn còn những người rất tử tế với chúng tôi. Đậu phọng rang ông cho có ướp ngũ vị hương ngon tuyệt.

Tôi năm nay cũng lớn tuổi rồi. Khi ông còn ở Sài Gòn dẫn hai con ông vào chơi ở đây thì chưa có tôi và cô bạn của tôi. Hồi ấy chắc ông gặp ông bà cố nội hay cố ngoại của tôi, Đã hơn bốn chục năm rồi còn gì. Tất cả đều đã chết. Đời ông bà nội ngoại của chúng tôi rất khổ, hết đói khát lại còn bị đối xử không ra gì. Tất cả đều chết khi còn rất trẻ. Đến đời cha mẹ tôi và cha mẹ cô bạn thì đỡ hơn nhờ có du khách từ nước ngoài đến thăm hay những khách như ông ném cho bao đậu phọng.
Cha mẹ tôi kể là sau ngày Sài Gòn đổi chủ, trong cái thảo cầm viên này đã có bao nhiêu là giống thú bị chết, phần lớn chết vì bị thiếu ăn. Thời ấy người ta còn chết đói, huống gì bọn tôi trong sở thú. Một số bị những thằng bộ đội giết để ăn thịt. Chúng nó trong rừng đói khát, khi vào Sài Gòn, chúng thấy mấy anh chị em chúng tôi trong sở thú béo tốt thế là chúng nó đớp lẹ cho bõ những ngày cơ cực trên ĐMHCM. Chuồng khỉ của chúng tôi cũng mất gần ba chục anh em. Chúng nó dùng đồ ăn dụ anh em khỉ đến gần hàng rào thò tay ra thì liền bị túm lấy lôi ra ngoài chuồng đem đi nấu nướng ăn với nhau. Khi không bị giết thì mấy anh em khỉ trong chuồng bị chọc phá, ném thuốc lá còn cháy dở dang vào chuồng có anh bị mù mắt, rồi lại có mấy anh khác dại dột nhặt lên bắt chước hút và trở thành nghiện ngập đến là khổ. Có được một lần tử tế một chút là khi có một thằng bộ đội nói với mấy đứa khác rằng ở ngoài Bắc có một thằng cha già có đôi tai giống hệt như những cái tai của chúng tôi. Mà tôi thấy giống thật. Lúc trước tôi nghĩ nó mặt dơi, tai chuột nhưng nhìn kỹ thì nó có đôi tai khỉ thật. Thế là chúng nó lại kéo nhau đến chuồng khỉ xem đôi tai của bác (?) rồi suýt soa khen những cái tai của chúng tôi mãi.
Tôi là khỉ thị thành mấy đời rồi ông ạ. Ông bà cố nội ngoại đều bị bắt ở rừng, sau đó từ đời ông bà nội ngoại xuống đến đời cha mẹ qua tới chúng tôi đều là gốc thị thành hết nên không biết gì về cảnh rừng rú mà anh hổ ở cái chuồng gần bên than thở tối ngày rồi lại viết thành bài thơ hổ nhớ rừng khối anh nghe và tấm tắc khen hay. Chúng tôi thì chưa bao giờ đứng uống ánh trăng tan hay nhìn bình minh cây xanh nắng gội, chim muông véo von tưng bừng chào buổi sáng như trong bài thơ ấy. Chúng tôi ra đời trong cái chuồng khỉ này, rồi cũng chết ở trong cái chuồng này như mấy đời trong gia đình tôi mà thôi.
Ở trên tôi có nói chuyện chúng tôi bị đối xử tàn tệ là vì bọn khách vào chơi thảo cầm viên hầu hết đều là thứ rất mất dậy. Chúng nó chọc phá tất cả những giống thú, ném gạch đá vào chúng tôi, khi thấy chúng tôi la thét thì chúng càng thích thú điên cuồng. Không một anh chị em nào được chúng tha. Nhưng bọn khỉ chúng tôi bị chọc phá nhiều nhất có thể vì chúng tôi có những phản ứng giống người nhất. Chúng tôi cũng la thét nhăn nhó mặt mày và chúng tôi càng la thét thì chúng lại càng thích thú, càng chọc phá nhiều hơn. Loại khách mất dậy này xuất hiện rất nhiều sau năm 1975, chúng nói bằng một cái giọng Bắc nghe rất khác giọng Bắc của ông. Chúng nó chửi thề nghe phát sợ.
Những người vào thăm sở thú cũng không còn là những thành phần hiền lành mà các cụ của chúng tôi kể lại nữa. Hồi ấy gần sở thú là hai ngôi trường trung học lớn, các học sinh của hai trường thường vào thơ thẩn trong vườn:
Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo
Còn nhớ ta chăng, tuổi trẻ tóc bay
Làm học trò nhưng không sách cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ (Đinh Hùng)

Và tôi chắc chính ông cũng đã viết vài ba chữ trên bức tường sau viện bảo tàng của cụ Vương Hồng Sển. Chắc cái tên mà ông viết cạnh tên ông cũng không còn nữa. Bao nhiêu vật đổi sao dời rồi còn chi. Hồi ấy, theo các cụ kể lại, học sinh các ông hiền ơi là hiền. Vào sở thú chỉ là để hò hẹn nhau vì chưa thể "...đi vào tận rừng xanh / ngắt cánh rong vàng bên suối..."
Quên không nhắc tới trường Văn Khoa và trường Dược ở gần sở thú chúng tôi nữa chứ. Các anh chị sinh viên cũng hiền lành và lịch sự. Sáng sáng bọn thú chúng tôi còn được nghe tiếng trực thăng Alouette của ông Kỳ đáp xuống phủ phó tổng thống trên đường Thống Nhất nữa, rồi hàng năm còn có duyệt binh gần sở thú của chúng tôi nữa chứ.
Bây giờ bọn thanh thiếu niên đi chơi sở thú ghê gớm hơn nhiều. Chúng nó đưa nhau vào đây làm trò con khỉ công khai trong khi bọn khỉ chúng tôi có như thế bao giờ đâu. Hết những trò đó, chúng quay ra đánh nhau, trận nào trận ấy dã man tàn bạo không để đâu cho hết. Và đặc biệt bọn con gái đánh nhau nhiều hơn. Chúng dùng toàn những đòn dữ dằn nhất để đánh nhau: giựt tóc, đá vào mặt, vào đầu, lên gối, xé quần xé áo của nhau trong khi bọn con trai lấy máy video ra thu lại hình ảnh... Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến những cảnh dễ sợ như thế. Có người nói nhìn những cảnh đánh hội đồng như thế, người ta có cảm tưởng giống hệt như cảnh đấu tố ở ngoài Bắc mà chính ông bà của chúng đã từng tham gia.
Đã có vài ba lần tôi chán sống trong cái chuồng khỉ này và cũng đã nghĩ tới chuyện vượt thoát ra ngoài đi theo mấy gánh xiếc để kiếm sống nhưng ở ngoài không có xiếc lớn mà chỉ có xiếc rong một mình độc diễn như mấy thằng chóp bu Hà Nội nên tôi nghĩ không đáng đi làm nuôi thằng chủ. Còn chạy lên rừng cũng không phải là giải pháp tốt. Rừng Tây Nguyên đang bị Tầu phá để khai thác. Còn mấy con tê giác sống sót bao nhiêu năm chiến tranh nay cũng không còn. Vài anh sao la cũng phải trốn chui trốn nhủi thì khỉ như tôi sống cũng không dễ. Đó là không nói tới chuyện là sau mấy đời là khỉ thành thị rồi nên tôi cũng đã mất đi cái bản năng để sống trong thiên nhiên như tổ tiên tôi. Đó là chưa nói đến việc để lại cô bạn xinh đẹp của tôi chẳng gì cũng đã cùng ở bên nhau hơn hai chục năm. Đi làm xiếc thì kiếm đâu được một chị khỉ ngon lành như vậy mà lên rừng thi chẳng sớm thì muộn cũng bị mấy thằng Ba Tầu đánh bẫy đem nấu lên ăn với nhau mà thôi. Vậy thì ở lại đây, thỉnh thoảng gặp được người tử tế như ông cũng đỡ. Chuyện sang Ấn Độ tới những nơi có đền thờ khỉ để sống chắc không được. Chỉ có khỉ quốc doanh do nhà nước gửi đi thì mới được. Sức mấy mà đến lượt một con khỉ già như tôi.
Chúc ông một năm khỉ tốt lành. Ông là bạn tôi thì không có gì phải sợ cả. Không lẽ cùng là khỉ mà lại còn hại nhau ư? Xin lỗi tôi không có trò lừa thầy phản bạn bán đồng chí như cái thằng mặt chó tai khỉ ạ.


Bảo Lâm ghi lại