Không giống như thời tiền sử, con người chỉ biết ăn tươi nuốt
sống bất cứ cái gì có thể ăn được và chỉ có thể ăn khi kiếm được thức ăn, vì
thế mà hầu như không có sự phân biệt giữa những con người với nhau vì ăn. Nhưng
kể từ khi con người văn minh ra và nhờ biết sản xuất, chế biến và dự trữ thức
ăn thì tùy theo môi trường, hoàn cảnh và điều kiện của mỗi cá nhân mà cùng là
con người sống chung trong một xã hội, nhưng người thì ăn cơm, kẻ ăn khoai;
người ăn ngon, kẻ ăn dở, người ăn no, kẻ ăn đói v.v...
Rồi cũng vì biết so sánh về những sự cách biệt đó mà con người
mới tìm cách làm sao cho mình có thể được ăn những thứ tốt hơn, ngon hơn và
được ăn no hơn, ăn nhiều hơn kẻ khác. Chính vì thế mà cách sinh hoạt của con người
tuy có thay đổi, nhưng xét cho cùng ra thì cũng chỉ xoay quanh cái việc ăn vì
có ăn thì mới sống cho nên trong ngôn ngữ Việt, tiếng ăn thường được dùng để
ghép chung với những từ khác để diễn đạt không biết bao hình thái sinh hoạt
khác nhau của con người.
Trước tiên, vì con người có óc tổ chức nên biết ấn định ra những
thời biểu dành cho việc ăn để không làm trở ngại cho các hoạt động mưu sinh cho
nên mới có sự phân biệt nào là ăn sáng, ăn trưa, ăn xế, ăn chiều, ăn tối, ăn
khuya... Rồi tùy theo số lượng thực phẩm mà người ta ấn định để ăn vào
bụng theo những thời biểu khác nhau đó mà người ta nói là ăn lót lòng, ăn
chính, ăn dặm...
Tuy đã chia cái việc ăn ra thành có giờ có giấc, nhưng có nhiều
người thấy ăn theo bữa vẫn chưa thỏa mãn cái tính thèm ăn nên mới ăn lắt nhắt
thêm bất cứ lúc nào thấy thèm. An như thế gọi là ăn vặt. Còn những người hễ
thấy hàng quà hàng bánh là nhào vô mua ăn liền thì gọi là ăn quà. Cái khoản này
thì chỉ các bà các cô mới là kẻ rành hơn ai cả. Nói lên điều này không phải vì tôi
có thành kiến gì với phái nữ nhưng tại vì ca dao từng có câu: chưa đi đến chợ
đã lo ăn quà, nên tôi muốn mình cũng phải lý luận theo cho đúng sự nhận xét
khôn ngoan của ông cha ta truyền lại thế thôi.
Vì ăn là một hành động thường lôi kéo thêm vài hành động khác đi
kèm theo như ăn thì phải uống cho nên người ta mới nói là ăn uống. Tuy nhiên
thay vì uống nước lã, nhiều người lại thay vào đấy những chất có đặc tính kích
thích vị giác như la de, rượu tây, rượu đế... để tăng thêm phần khoái
khẩu cho việc ăn nên người ta bảo là ăn nhậu. Nhưng chưa hết, nhiều người nhậu
đã phải tạm ngưng để thở mà chỉ thở suông thì cũng chán mới châm thêm điếu
thuốc để phì phà cho vui miệng nên người ta mới gọi là ăn hút. Rồi cũng nhờ có
ăn thì mới có hơi sức để nói nên thích nói và hay nói nên nói hay, nói nhiều,
nói mạnh, chứ đói thì chỉ có nước nằm co nên người ta bảo là ăn nói.
Sau khi no nê đã đời thì người ta lại đâm ra rậm rật nên mới
xoay ra đi tìm đối tượng để giải quyết cái nhu cầu tiếp theo đó cho thỏa mãn
hết mọi cái thú ở đời nên người ta mới bảo là ăn chơi. Ở đây tôi xin nói thêm
là cái từ ăn chơi này ngoài cái nghĩa vừa nói trên, còn có nghĩa là ăn lai rai
chút đỉnh cái gì đó cho đỡ buồn miệng trong khi chờ đợi ăn các món chính trong
những bữa ăn lớn kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Ngoài ra tiếng ăn chơi cũng có
khi biểu lộ một hành động giả bộ như trường hợp con nít lấy đất sét nặn thành
bánh rồi giả vờ ăn cho vui vì biết cái đó không ăn được. Cũng có khi tiếng ăn
chơi dùng để diễn tả cái ý phải biết kiềm chế hành động ăn vì tuy là món ăn đó
ăn rất được nhưng mình lại không phải là đối tượng được ăn, chẳng hạn khi người
khác đang ăn chợt thấy mình xuất hiện nên phải mời lơi thì mình dù muốn ăn cách
mấy cũng chỉ nên ăn chơi thôi, nghĩa là ăn lấy thảo, chứ đừng ăn lấy no lấy béo
mà đau lòng chủ.
Ngoài cái việc ăn thông thường hàng ngày hàng bữa, con người còn
muốn có nhiều cơ hội để mà tụ họp nhau lại cùng ăn ngon hơn, ăn nhiều hơn và
vui hơn nên mới đặt ra những cái lệ để cho mình tổ chức ăn. Trong phạm vi cá
nhân hay gia đình thì người ta bày ra chuyện ăn tiệc, ăn mừng, ăn khao:
từ ăn đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, ăn đám cưới đám hỏi, ăn thượng thọ
cho tới đủ thứ ăn mừng như ăn mừng tân gia, khai trương công việc; hoặc ăn khao
thi đỗ, khao lên lương, lên chức... nghĩa là bất cứ trường hợp nào mà người ta
có thể vin vào đó như là một cái cớ để tụ họp ăn uống khác biệt hơn ngày thường
là tha hồ ăn khao, ăn mừng.
Ở mức độ tập thể thì có những cuộc ăn liên hoan của cơ quan hay
đơn vị để mừng đủ thứ chuyện. Ngay cả công ty sắp sập tiệm người ta cũng họp
nhau ăn uống để sáng ý ra mà tìm cách gỡ gạc lẫn nhau. Các hội đoàn ái hữu thì
ăn tiệc để thắt chặt tình tương thân tương ái hay mừng nhau sau một cơn tan tác
lại còn có dịp thấy mặt nhau để mà kể lể những chuyện không còn nơi nào khác để
kể. Chung cho cả quốc gia dân tộc thì người ta bày ra cái gọi là ăn tết. Tháng
giêng ăn Tết ở nhà mà vẫn chưa đủ nên người ta lại chế ra những tết nhỏ như tết
Đoan ngọ, tết Trung thu... để có dịp đua nhau ăn.
Tuy đã bày ra mấy cái Tết rồi mà thấy vẫn chưa thỏa mãn nên
người ta lại đặt thêm các ngày lễ, ngày hội để ăn mừng. Ơ cấp địa phương thì có
hội làng, lễ khánh thành ngôi chùa này, nhà thờ kia. Lên cấp quốc gia thì có lễ
Quốc khánh, lễ kỷ niệm vị anh hùng này, trận chiến thắng nọ để mà cùng nhau ăn
mừng. Cao hơn nữa và lan rộng ra cả thế giới thì có những cuộc lễ vĩ đại mang
tính chất tôn giáo để cho muôn dân cùng ăn mừng một loạt như ăn lễ Giáng sinh,
ăn lễ Phật Đản v.v...
Vui người ta nghĩ đến ăn đã đành mà buồn người ta cũng nghĩ đến ăn
cho nên ngay cả khi bị thiên tai, hoạn nạn, đám ma, đám giỗ, người ta cũng cần
phải có ăn thì mới thành đám cho nên mới bày ra trò cúng kiếng để cầu thần
thánh ban ơn hay là để cho người chết cũng được no đủ. Nhưng đã là thần thánh
thì đâu màng tới cái ăn, còn người chết rồi thì làm sao mà ăn được nữa cho nên
những món thực phẩm bày ra để cúng kiến đó tất nhiên là người sống tha hồ mà
hưởng và người ta gọi đó là ăn cúng, ăn giỗ.
Khi người ta chịu khó ra chợ mua thực phẩm đem về nhà nấu nướng
rồi ăn thì người ta gọi là ăn nhà. Những người không thích chuyện bếp núc mất
thì giờ bèn tới bữa thì ghé hàng ghé quán mà ăn luôn cho tiện việc thì gọi là
ăn tiệm. Nhiều người ăn mãi cơm nhà hoài cũng chán hay bỏ tiền ra ăn tiệm hoài
cũng tiếc tiền nên nhiều lúc chỉ mong cho có ai đó mời mình đi ăn hay bao mình
ăn thì gọi là ăn khách.
Ăn khách còn có nghĩa là được nhiều người hâm mộ hay mê thích
như tuồng cải lương này ăn khách, món nhậu nọ ăn khách. Thời tiền chiến có nhà
thơ Tản Đà vừa hay thơ mà cũng nổi tiếng là sành ăn uống. Có lẽ thấy sành ăn
cũng là một nghệ thuật phụng sự nhân sinh đáng đề cao nên thời miền Nam vừa
thoát cảnh nô lệ mấy ông Tây thực dân thì chính quyền Ngô Đình Diệm bấy giờ bèn
cho thực hiện ngay việc đổi tên các đường phố, Hội đồng Đô thành Sài gòn lúc ấy
thấy trong Chợ Lớn có một con đường mà từ trong tiệm ra tới lề đường chỉ toàn
kinh doanh có một ngành ăn uống bèn đặt tên luôn cho con đường này là đường Tản
Đà. Có điều nếu có ai đó cắc cớ hỏi những người làm ăn buôn bán ở con đường đó
có biết Tản Đà là ai không thì câu trả lời chắc chắn sẽ là “Ngộ hổng piếc.” Mà
đúng thế thật. Đã là “ngộ” thì chỉ cần biết mấy món đồ ăn của “ngộ” làm ra ăn
khách và “ngộ” hốt bạc là đủ rồi.
Chính vì ăn là cái mục đích tối hậu nên ngay cả cái động từ làm
cũng được ghép với tiếng ăn để thành ra tiếng “làm ăn”. Rồi khi nói đến những
nhu cầu phụ thuộc nhằm tăng thêm tiện nghi cho cuộc sống con người như vấn đề
trang phục người ta cũng nói là ăn mặc, vì có dư ăn thì mới nghĩ đến chuyện mặc
chứ bụng mà đói thì quần áo cũng đem đi cầm. Tục ngữ cũng có câu: Ăn đói mặc
rách. Đã đói thì nhất định là phải rách. Rồi tới cái nhà dùng làm chỗ che mưa
đụt nắng cũng được gọi là nơi ăn ở. Thậm chí trong cái việc vợ chồng sống chung
thì cũng phải có ăn rồi người ta mới có thể âu yếm ngủ chung giường với nhau
nên người ta cũng gọi đó là ăn nằm.
Cũng giống như cái mặc, cái ở cũng tùy thuộc sau cái ăn cho nên
nếu dư ăn dư để thì mới có nhà. Càng dư ăn thì nhà càng cao càng đẹp. Lỡ khi
hoạn nạn, biến cố hay thất nghiệp không có tiền ăn thì có nhà cũng phải đem
bán. Cũng trong cái mục ăn ở, khi gia đình hoà thuận thì mọi người trong nhà ai
cũng thích ăn chung cho tình gia đình thêm đầm ấm, nhưng nếu lỡ mà sinh sự ra
rồi thì mạnh người nào người nấy ăn cho nên người ta lại thích ăn riêng để đỡ
phải nhìn mặt nhau mà anh ách ở trong lòng.
Người không có cơm ăn không có nhà ở phải mang cái thân trần
trụi tìm đến bà con bạn bè xin tá túc thì được gọi là ăn nhờ ở đậu. Làm thân ăn
gửi nằm nhờ thì nhiều khi chỉ dám ăn thừa, ăn mót và lúc nào cũng cố tìm đủ mọi
cách để lấy lòng nhà chủ nhưng nhà chủ chưa lấy làm hài lòng nên hở ra là mắng
đồ ăn bám hay ăn báo.
Những người thuộc loại vô tích sự lại chỉ thích ăn không ngồi
rồi thì khi thấy nhà người khác có chuyện vui và có ăn thường mò tới chầu rìa rồi
làm bộ xun xoe để được ăn nhưng khi gia chủ cần họ giúp một việc gì thì chỉ tổ
làm hỏng việc hoặc khi gia chủ bị hoạn nạn thì họ lại nhanh chân chuồn gấp bỏ
mặc gia chủ bơ vơ thì được gọi là ăn hại.
Những người lương tháng ba cọc ba đồng mà ưa ngồi hàng ngồi quán
thì thường chưa hết tháng đã cạn túi bèn xoay ra ăn xong ghi sổ nợ chờ đến ngày
lãnh lương thanh toán. Ăn như thế gọi là ăn chịu. Có người túi không tiền nhưng
cũng vào hàng quán gọi đủ thứ ăn nhậu đã đời rồi tìm cách chuồn êm thì được gọi
là ăn quịt. Cũng có người hễ thấy đâu có ăn free hay thấy người khác ăn uống
thì cứ đứng xớ rớ bắt chuyện làm quen chờ người ta bảo ăn thì nhào vào ăn lấy
ăn để. Ăn như thế thì được gọi là ăn chực.
Thân phận con người là có làm mới có ăn cho nên khi một người chỉ
phải bỏ sức lao động ra làm việc cho người khác để lãnh tiền công thì được gọi
là ăn công. Những người làm nghề buôn bán thì phải làm sao cho số doanh thu lớn
hơn cái vốn bỏ ra lúc đầu để có được một số tiền thặng dư gọi là lời cho mình
ăn tiêu nên người ta gọi là ăn lời. Những người thích buôn bán mà không có vốn
nên chỉ biết làm trung gian môi giới giữa người có hàng bán và người cần hàng
mua rồi dựa trên trị giá hàng hai bên mua bán được với nhau để mà ăn tiền tính
theo tỷ lệ phần trăm thì gọi là ăn hoa hồng. Còn khi nhiều người cùng hùn hạp
làm ăn chung với nhau để rồi cùng chia cái lời đó mà ăn thì người ta gọi là ăn
chia. Tuy nhiên khi một kẻ thấy có món ngon ăn và dễ xơi thì chỉ muốn ăn một
mình bèn tìm cách xé lẻ để cho mình ăn trọn thì được gọi là ăn mảnh.
Đi làm cho hãng hay cho nhà nước thì ăn lương. Có nhiều người
thấy chỉ ăn lương nhà nước thì chưa đủ cho mình xài nên thấy công qũy sẵn tiền
bèn ngứa mắt tìm cách moi móc cho vào túi riêng nên được gọi là ăn đục, ăn
khoét. Có người thì nhờ nắm giữ những chức vụ có điều kiện để ban phát ân huệ
cho người khác như cấp giấy tờ, cho việc làm thì cũng được nhiều người vì muốn
được việc cho mình tìm đến đút lót cho ăn để xin xỏ, cầu cạnh. An như thế này
được gọi là ăn hối lộ.
Trường hợp không có phương tiện hay cơ hội để ăn đút ăn lót của
người ngoài thì người ta tìm cách ăn xén, ăn chận người dưới mình như quan ăn
chận lương lính, thủ trưởng ăn xén lương nhân viên. Ngay cả cơm tù đã quá tệ mà
nhiều khi vẫn còn bị đám cai tù ăn bớt như thường. Ăn như thế này tục ngữ nói
là ăn hớt cơm chim. Ngược lại người làm công hay cấp dưới cũng có thể tìm cách
ăn bòn, ăn rút, của chủ. Những cách ăn theo kiểu này nói chung lại đều là ăn
bẩn.
Người làm nghề tự do thì lại kiếm thêm bổng lợi cho mình bằng
cách tính toán sai lệch nhằm mang thêm phần lợi cho mình nên được gọi là ăn
gian, ăn lận. Do sự ăn gian ăn lận này mà nảy sinh ra những tiếng ghép về ăn
nghe rất lạ tai như là ăn vải, ăn xi măng, ăn sắt, ăn đá... tùy theo ngành nghề
của người đó. Làm thợ may thì ăn gian vải nên người ta bảo thợ may thì ăn vải.
Nhà thầu xây cất thì ăn gian vật liệu cho nên người ta mới gọi là ăn xi măng,
ăn sắt... toàn là những thứ nhai không được mà người ta vẫn có thể nuốt trôi
như thường mới là tài. Ngay cả funds (quỹ) của các hội đoàn thiện nguyện do
đồng bào đóng góp hay chính phủ tài trợ để làm những việc cứu tế từ thiện cho
người nghèo, người bị thiên tai v.v... cũng bị người ta bùa phép thành của
riêng bỏ túi cho mình ăn xài nên người độc miệng mới gọi ăn như thế là ăn phân.
Tuy ai cũng làm để có ăn nhưng có người may mắn thì ăn nên làm
ra còn nhiều kẻ đã ăn tằn ăn tiện mà vẫn không đủ ăn. Những người mà ăn bữa
sáng lo bữa tối, chạy ăn từng bữa như thế thường được người ta gọi là ăn đong.
Có người đã phải làm vất vả rồi mà vẫn không có đủ gạo nấu cho đầy nồi cơm đành
phải dặm thêm mớ khoai, mớ củ mì vào cho đầy cái nồi để ăn cho đủ no thì được
gọi là ăn độn. Rồi vì thiếu ăn cho nên càng thèm ăn và cái thèm ăn triền miên
này thôi thúc mà có người hễ thấy đồ ăn của người khác để hớ hênh thì lén lấy
ăn liền nên người ta bảo là ăn chùng, ăn vụng.
Cái tiếng ăn vụng này còn được hiểu rộng ra để chỉ mấy ông bà vì
quá no cơm ấm cật nên rậm rật hơi nhiều thành thử tuy đã có vợ, có chồng nhưng
chê đồ nhà không ngon bèn lén vợ lén chồng đi tìm vui với đào với kép. Thường
thì đào kép rủ nhau đi ăn vụng bao giờ cũng có kèm theo màn ăn uống thực sự cho
nên khi câu chuyện ăn vụng của họ bị đổ bể ra làm đề tài cho dư luận đàm tiếu
thì tùy theo hôm đó họ đưa nhau đi ăn cái gì mà thiên hạ dùng luôn cái món họ
ăn hôm đó để mô tả cho tiện như là tuần trước ông nọ đưa bà kia đi ăn chè ở Nhà
Bè, ăn nem Thủ Đức ... chẳng hạn. Ăn vụng kiểu này mà lỡ bị sư tử Hà Đông bắt
gặp hay ông nhà trông thấy là thế nào cũng bị ăn đòn. Nhẹ ra thì miệng mũi cũng
ăn trầu, còn dữ dằn hơn nữa thì không làm sao kể xiết.
Cái chuyện ăn mà không phải là ăn và chỉ có kẻ cho ăn mới là kẻ
thỏa mãn, còn người được ăn hay bị ăn bao giờ cũng đau khổ mà nhận lấy, thì
ngoài chuyện ăn đòn mà hầu như ai từ nhỏ tới lớn cũng đã từng trải qua, còn có
nhiều thứ ăn khác nữa: Ra đường ghẹo gái mà gặp nhằm cọp cái thì chắc chắn là
sẽ được ăn tát. Ra đời mà đụng chạm thì sẽ có những lần ăn đấm ăn thoi, cho tới
ăn dao, ăn đạn. Ấy là chưa kể có những người mà nghề nghiệp bắt buộc họ trở
thành cái mục tiêu ăn dao ăn đạn như mấy người trót phải theo nghiệp binh
đao.
Mặc dầu muốn có ăn thì phải làm nhưng cũng có những người không
thích lao động làm ra của cải cho mình mà chỉ thích lấy cái có sẵn của người
khác để dùng. Ở mức độ nhẹ thì có ăn cắp. Bạo hơn chút nữa là ăn trộm vì còn
biết sợ khổ chủ hay nhân viên an ninh trông thấy thì bị tóm. Đối với những tay
chịu chơi hết mình, không còn nể nang luật pháp xã hội nữa mà ngang nhiên dùng
vũ khí để uy hiếp kẻ khác đưa tiền cho mình xài thì được gọi là ăn cướp. Muốn
ăn cướp lớn thì cần phải lập thành băng đảng để hành động cho hữu hiệu nên
những kẻ trong băng đảng đều phải ăn thề để không một thành viên nào dám phản
bội, vì chỉ cần một kẻ phản bội là đủ cho cả lũ rũ xác trong tù.
Có một con đường được coi như là khá lương thiện xưa nay vẫn
giúp cho người ta có thể sau này vừa vinh thân vừa phì gia là con đường học
vấn. Nhưng muốn học thì cũng phải ăn cái đã cho nên người ta mới bảo là ăn học.
Tục ngữ cũng có câu: ăn vóc học hay. Cũng vì thế mà thường thì cha mẹ có đủ ăn
hay dư ăn rồi mới có thể cho con đi học. Tuy nhiên có nhiều cô cậu thừa phương
tiện ăn để học thì lại không chịu ăn học cho thành tài để giúp dân giúp nước mà
chỉ biết ăn xài với lại ăn chơi.
Trong các môn tiêu khiển mà con người bày ra cho người ta vui
chơi thì cái môn cờ bạc là hấp dẫn nhất vì cờ bạc thì bao giờ cũng có ăn tiền.
Những kẻ mà bản tính keo kiệt thì đôi khi có ghé vào sòng bài cũng chỉ nhằm mua
vui chốc lát nên thích ké những người đánh lớn mà đang hên để mong họ thắng thì
mình cũng được chia chút đỉnh nên chỉ là ăn ké. Người nào mà vừa ăn được chút
đỉnh đã vội rút lui khỏi sòng bài vì sợ ngồi dai thua lại hết tiền thì được gọi
là ăn non. Tuy nhiên những tay có máu mê cờ bạc thì lúc nào cũng chỉ muốn ăn
thua đủ cho nên lỡ mà thần may mắn không chiếu cố tất nhiên có ngày phải sạt
nghiệp đến mức không còn một đồng mua bánh mì gặm cho đỡ đói đành phải đi xin
ăn nên được gọi là ăn xin, ăn mày.
Mặc dù trong việc làm ăn thì tất cả ngành nghề gì cũng thu nhận
nam và nữ, duy có một nghề bán hoa ái tình thì chỉ dành riêng cho phái nữ mà
thôi. Đây là một công việc làm ăn chẳng lấy gì làm vinh quang nhưng ở những
nước hay nói đến vinh quang lại là những nước có nhiều chị em ta làm cái nghề
này hơn cả. Lý do xui chị em ta chọn cái nghề này là thuộc phạm vi tìm hiểu của
nhà xã hội học, tôi không dám lạm bàn. Ở đây tôi chỉ muốn nói là có những chị
em ta kém may mắn không có cơ sở nào thâu nhận vào làm lâu dài thì cứ phải đêm
đêm ra đứng lấp ló ở mấy gốc cây bên đường chờ đợi khách mua hoa để cho mình có
tiền ăn thì được người ta gọi là ăn sương.
Vì con người thì càng ngày càng đông ra mà của ăn thì càng ngày
càng khó hơn cho nên con người càng phải biết nhanh tay lẹ mắt chụp giật mới có
ăn. Quy luật của sự ăn tranh, ăn giành, ăn giật là kẻ mạnh bao giờ cũng tìm
cách ăn hiếp hay đè bẹp kẻ yếu để cho mình ăn chắc, hay nói khác đi là mình
phải ăn người. Tiếng ăn người ở đây chỉ có nghĩa là hạ được người khác để chỉ
còn lại mình được ăn chứ không phải coi thịt người như là một món thực phẩm rồi
ăn như ăn thịt một con vật, mặc dù hiện tượng này không phải là không có. Các
bộ lạc dã man ngày xưa vẫn thường coi món thịt người là món quý và ngon nhất.
Người văn minh thì không còn ăn thịt người nữa nhưng đôi khi vì quá cùng quẫn
đành phải ăn cả thịt người như chuyện cha mẹ ăn thịt con vào thời xảy ra nạn
đói khủng khiếp ở đồng bằng Bắc Việt vào năm Ất Dậu.
Từ cái chuyện tranh ăn và ham ăn mà có thêm cái hiện tượng ăn
được và được ăn. Ăn được nói ở đây không có nghĩa là cái đồ ăn đó lành, không
có tính độc làm hại đến sức khoẻ con người khi ăn vào bụng, mà có nghĩa là một
người nào đó vì ham ăn nên ăn quá nhiều, ăn đến độ bộ máy tiêu hóa cũng trở
thành tê liệt, nhưng cái bản chất đam mê ăn uống của người ấy vẫn không chừa
nên hễ thấy của ăn hay người khác ăn thì tiếc mới mong cho mình cũng ăn được.
Ca dao có câu:
Ăn được ngủ được là tiên
Không ăn không ngủ là tiền vứt đi
Không ăn không ngủ là tiền vứt đi
Tuy nhiên ngược lại có những kẻ chỉ mong được ăn. Họ là những kẻ
quá thiếu thốn vì không thể kiếm ra cái ăn hoặc bị kẻ khác tước đoạt mất cái ăn
cho nên niềm mơ ước của họ là được ăn. Nắm được cái yếu điểm này của quần chúng
đói rách mà có nhiều kẻ đã lợi dụng cái chiêu bài “cơm no áo ấm” để lôi kéo
quần chúng làm cách mạng. Nhiều người vì tin tưởng vào cái chân lý ấy của cách
mạng nên đã lăn xả vào kẻ bị coi là địch để mà “ăn gan uống máu quân thù” cho
cách mạng sớm thành công nhưng khi “cách mạng” thành công thì mới nhận ra lâu
nay mình chỉ làm kẻ hy sinh ăn bánh vẽ để cho mấy ngài “cách mạng” an vui
thụ hưởng những tàn dư của kẻ thù.
Tại những nước từng làm cách mạng theo kiểu đó mà thành công thì
nhờ có những đỉnh cao trí tuệ sáng suốt nghĩ ra mà nhân dân còn được ăn uống có
chế độ gọi là ăn tiêu chuẩn. Người không có tiêu chuẩn ăn chính thức nhưng vì
dựa vào mối liên hệ đúng trong quy định với một người có tiêu chuẩn để mà hưởng
theo phần nào thì gọi là ăn theo. Các đỉnh cao trí tuệ lại còn tính toán tinh
vi và khoa học để sáng tạo ra được cái lẽ công bằng là cấp cao phải ăn bếp nhỏ
còn cấp thấp thì được ăn bếp to. Điều này mới nghe thì thật là hấp dẫn, nhưng
phiền một nỗi là chỉ có bếp nhỏ nấu cho một hai người ăn mới có thể có chân giò
heo hầm dược thảo, còn bếp to nấu chung cho cả làng cả tổng cùng ăn thì mở chảo
ra chỉ thấy lỏng bỏng toàn là nước lã nấu với chân lý.
Cái tiếng được ăn còn được hiểu theo nghĩa được quyền ăn cho nên
kẻ mong được ăn mà không có quyền ăn hay không được phép ăn mới nghĩ ra một
cách đòi ăn gọi là ăn vạ, giống như khi đứa nhỏ thấy người lớn ăn một món gì đó
mà không cho mình ăn hay có khi còn cấm mình ăn thì xoay ra làm nũng khóc lóc
để đòi hỏi. Người lớn cũng thường xuyên ăn vạ lẫn nhau như hàng xóm ăn vạ láng
giềng, công nhân ăn vạ giới chủ nhân... Trên bình diện quốc gia thì khi
người dân mà cảm thấy mình bị áp bức quá cũng rủ nhau kéo đến cửa công ăn vạ
chính quyền.
Trường hợp dân ăn vạ đòi hỏi những cái không lấy gì làm quá đáng
thì cấp thẩm quyền có thể chỉ cần tuyên bố chờ “ngâm kíu” rồi đóng cửa nằm
trong nhà ăn no ngủ kỹ mặc cho đám ăn vạ cứ ăn chực nằm chờ ngoài trời cho đến
khi không còn đủ sức chịu đựng nữa phải cuốn chiếu ra về. Còn trường hợp dân ăn
vạ quá đông và có nguy cơ làm đổ cả mấy cái ghế lãnh đạo thì cấp thẩm quyền vì
quyết tâm bảo vệ chế độ cũng sẽ không ngần ngại gì mà không sai lính tới cho
dân ăn lựu đạn cay hay có khi còn cho ăn luôn cả đạn thật để hết đòi hỏi lôi
thôi.
Có lẽ vì cái ăn lúc nào cũng ám ảnh con người mà nhiều khi nói
về sự vật người ta cũng dùng tiếng ăn cho nhiều trường hợp như khi người ta nói
chiếc xe hơi này chạy ăn xăng, chiếc tàu nọ cặp bến để ăn hàng... rồi đến các
hiện tượng thiên nhiên như nguyệt thực được gọi là mặt trăng ăn mặt trời, còn
nhật thực là mặt trời ăn mặt trăng v.v... Những tiếng ăn dùng theo cách này
cũng nhiều lắm nhưng vì không nằm trong nghĩa tiếng ăn chủ quan của con người
nên tôi không muốn bàn đến. Duy có cái đường biên giới mới giữa nước ta
và nước Tàu hiện nay đã ăn sang lãnh thổ nước ta thì cũng có liên hệ xa
gần đến cái việc ăn của con người nên đang là vấn đề gây sôi nổi. Đối với những
người dân Việt yêu nước thì thấy đây là một vết thương đang ăn sâu vào lòng dân
tộc nhưng đối với những kẻ có trách nhiệm trực tiếp về vấn đề này thì trót quen
ăn trên ngồi trước nên không muốn lôi thôi về nó mà mất cái chỗ ngồi mát ăn bát
vàng nên vẫn cứ ngậm miệng ăn tiền.
Vì nhận thức được cái sự đam mê ăn của con người là nguồn gốc
của mọi sự sa đọa cũng như nguyên nhân của không biết bao nhiêu tranh chấp
khiến cho con người trở nên hận thù, chinh chiến, tàn sát lẫn nhau nên từ xưa
các nhà tôn giáo đã nghĩ ra phép ăn chay để cho tinh thần con người tỉnh táo ra
mà biết sám hối. Ăn chay là phải kiêng ăn một số đồ ăn nào đó như người theo
Phật giáo thì không được ăn các loài động vật. Thế nhưng nhiều người miệng thì
nói ăn chay nhưng thực tế thì chỉ tìm cách ăn mặn và còn ăn bạo hơn cả người
không bao giờ ăn chay. Có người thì tin theo giáo luật để khi ăn chay chỉ dùng
rau quả ngũ cốc thôi nhưng vì cái ước muốn thèm thuồng những của ngon vật lạ
trần gian vẫn chưa dứt bỏ cho nên mới chế ra gà quay chay, giò heo hầm chay
v.v... để vẫn được ăn ngon mà không sợ phạm giới luật.
Người theo Thiên Chúa giáo thì khi giữ chay phải kiêng thịt và
hạn chế số lượng thực phẩm đưa vào bao tử trong ngày đó cho nên có người mới
chế ra cái trò canh đồng hồ: trước khi sắp bước vào ngày chay là họ đã lo ăn
uống cho căng cả bụng lên để ngày ăn chay chỉ ăn qua loa đúng phép vẫn không
đói. Chưa hết ngày chay thì đã lo sửa soạn sẵn các món ăn thật ngon, thật dồi
dào để chờ đồng hồ vừa chỉ nhích qua ngày là an tâm chè chén mà không hề có một
chút mặc cảm phạm tội nào.
Cũng vì thấy cái ăn lúc nào cũng ám ảnh con người và làm cho con
người thành mê muội nên từ xưa trong ngôn ngữ Việt ông cha ta cũng còn dùng một
tiếng ăn nữa cho dễ nhớ nhưng không nhằm chỉ hành động ăn theo nghĩa vật chất
mà chỉ là một trạng thái tinh thần biết nhận ra những lỗi lầm sai trái trong
suy nghĩ, lời nói và việc làm của mình để mà hối cải, tức là ăn năn. Cái tiếng
ăn này thì hình như chẳng có vẻ gì hấp dẫn hay thú vị đối với nhiều người nên
rất nhiều người cứ tảng lờ đi như không biết.
Tuy nhiên, những người nào mà trong quá khứ chỉ biết sống để ăn
nên đã ăn quá nhiều, ăn đến ngập mày ngập mặt, ăn đến nỗi đâm ra lú lẫn quên
hết mọi cái phải trái ở trên đời, ăn theo kiểu ăn gian làm dối, ăn cháo
đái bát, ăn cây táo rào cây sung, ăn trên mồ hôi nước mắt của kẻ khác, ăn trên
sự đau khổ của đồng bào, ăn trên xương máu của nhân dân, cũng cần nên nhớ lại
hai tiếng ăn năn này để mà chịu khó mỗi ngày biết ăn năn một chút thì may ra xã
hội loài người mới không có ngày bị hủy diệt vì những con người trót bị sa đọa
vì ăn.
Ðoàn Văn Khanh