Ảnh: Ngy Thanh
Đàn cá sẽ chết khi dòng sông nghẽn mạch giữa hàng lớp thủy điện dàn trận
từ Lan Thương về Lào, Campuchia rồi kiệt sức ở Cửu Long xa xôi (Lan Phương – BBC)
Khác với Sài Gòn và Phnom Penh, và tựa như Bangkok, Vientiane gần
như vắng bóng hành khất. Trong suốt thời gian long nhong ở thủ đô Vạn
Tượng, chỉ duy nhất mỗi lần tôi thấy một người khiếm thị vịn vai cô
con gái nhỏ đang lần dò băng ngang qua đường Lane Xang – trước khu Chợ
Sáng.
Hình ảnh này khiến tôi nhớ đến những những người mù trong quãng
đời thơ ấu của mình. Họ thường ngồi ở cầu thang chợ (Đà Lạt) gẩy những
tiếng đàn buồn bã, và cất tiếng những lời ca u uất, giữa đám đông hờ
hững.
Hơn năm mươi năm đã trôi qua rồi. Tôi cứ tưởng là không còn ai lê la hát
xẩm trên thế gian này nữa chứ. Chúng ta đã bước vào thế kỷ XXI lâu
lắm rồi mà!
Ảnh: NgyThanh
Lại có hôm, ở Phnom Penh, nằm chờ hoài mà trời vẫn không chịu
sáng. Chán, tôi mở cửa khách sạn tản bộ dọc theo bờ sông. Đi mãi
trời mới hừng đông. Trong ánh nắng mai yếu ớt đầu ngày, tôi ngạc
nhiên khi thấy những chiếc thuyền con mong manh (cùng những mái chèo
mỏng mảnh) đang lênh đênh trên dòng Mê Kông bao la và trầm lặng.
Ảnh chụp năm 2015
Bất giác, tôi bật hát khẽ những lời ca (thiết tha) của Văn Phụng năm nào:
Ai qua bến Đà giang cho tôi nhắn vài câu, thương về mái tranh nghèo bên
hàng cau. Chia ly đã từ lâu. Ôi mong nhớ làm sao, bao nhiêu bóng người thân mến
năm nào. Tôi thương mái chèo lơi, bên manh áo tả tơi, những người lái con đò
trên dòng nước.
Tôi không biết bến Đà Giang ở nơi nao, và cứ ngỡ rằng những “mái
tranh nghèo bên hàng cau” chỉ là hình bóng xa xôi (thuộc thời Trung
Cổ) vẫn còn rơi rớt đâu đó – trên đất nước mình – vào hồi đầu thế
kỷ trước mà thôi. Có ngờ đâu “những mái chèo lơi” vẫn lặng lẽ khua
nước ngay giữa Biển Hồ, và trên vô số sông rạch của Cambodia, cho mãi
đến bây giờ.
Ảnh chụp năm 2015
Điều bất ngờ hơn nữa là chủ nhân của “những manh áo tả
tơi” này, phần lớn, lại không phải là dân bản xứ. Họ chính là những
đồng hương khốn khổ của tôi, chứ nào có phải là ai xa lạ. Theo tường
trình (“The Situation of Stateless Ethnic Vietnamese in Cambodia”)
của MIRO – Minority Rights
Organization – vào năm 2014 có khoảng năm phần trăm, hay 750.000 người
gốc Việt đang sinh sống ở đất Miên. Đây là sắc dân thiểu số đông nhất
ở đất nước này.
Hầu hết họ đều là dân ngụ cư, không khai sinh, không căn cước, không
được quyền tiếp cận với bất cứ dịch vụ xã hội nào, và (tất nhiên)
không có quyền sở hữu tài sản hay đất đai gì ráo trọi. Bởi vậy,
phần lớn kiều bào ở Miên (theo như cách gọi rất lịch sự của Đại Sứ
Quán Việt Nam ở Phnom Penh) đều sống lêu bêu – rầy đây mai đó – trên
những túp lều nổi xung quanh Biển Hồ, hoặc dọc theo những nhánh sông
phụ thuộc.
Họ sống làm sao?
Cũng giản dị thôi. Chỉ cần một chiếc thuyền con, cùng một mái
chèo, và hai ba người miệt mài quăng chài hay thả lưới suốt ngày –
bất kể nắng mưa – là có cá ăn, phần dư dôi cũng đủ để đổi lại một hai
ký gạo, ít mắm muối, và vài ba xị đế.
Y tế, giáo dục, thể thao, giải trí … đều là những khái niệm mơ
hồ – nếu chưa muốn nói là xa xỉ – và chả ai có bao giờ nghĩ đến.
Đời sống giản dị, và giản lược, từ tay đến miệng thế thôi. Có lẽ
không nơi nào trên trái đất này mà đám Việt kiều trông lam lũ và
thảm thương đến vậy!
Ảnh chụp năm 2015
Cũng đã đôi lần (vào thập niên 1970) cái đám người trôi sông lạc
chợ này cũng đã đàn đúm dắt díu nhau tìm về tổ quốc nhưng rồi họ
nhận thức ra ngay rằng quê hương cũng không phải là nơi nương náu được
nên rồi lại đành phải tiếp tục tha phương cầu thực. Ở xứ người họ
bị gọi một cách khinh miệt là Duồn: “Tụi Duồn về quê tụi bay hết
đi.” Qua bên kia biên giới thì họ bị chửi … là Miên: “Đám Miên chạy qua
đây làm gì?”
Tuy bị chính quyền và dân chúng của cả hai nước Việt/Miên bạc đãi
nhưng bù lại họ nhận được thiên nhiên dung chấp. Sự bao dung này, tiếc
thay, nay không còn nữa. Từ Bankok, vào hôm 25 tháng 12 năm 2015, thông
tín viên Lan Phương (BBC) vừa buồn bã cho hay:
“Những người đàn ông giăng lưới ở Đồng Tháp không hiểu vì sao năm nay không
có nước lên xứ đồng bằng.
Cá linh đi xa dần, đắt đỏ như món đặc sản không biết tìm đâu ra. Lưới cá
treo ở góc nhà, quên mất đã có thời Cửu Long cá nhiều đến mức ứ đầy thủng lưới.
Người nông dân không biết diễn tả điều gì đã hủy hoại sự sung túc một thời
trên đồng bằng châu thổ của mình. Dân ở Biển Hồ (Campuchia) cũng chỉ biết im
lặng nhìn vào mắt lưới trống rỗng lập lờ dưới nước mùa thiếu cá về.”
Qua lại hồ Tonlé Sap, và lui tới những sông rạch dọc ngang của xứ
Chùa Tháp – cả năm qua – nơi đâu tôi cũng thấy những ánh mắt lo âu
cùng với những lời hỏi han (nghe) như những tiếng than dài: “Không
biết tại sao mà cá mỗi năm một ít, ông à!”
Tôi im lặng, tất nhiên, dù thiệt tình thì lờ mờ có biết nguyên do
– sau khi đọc được Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng do
nhà Văn Nghệ xuất bản năm 2000. Tác phẩm này của Ngô Thế Vinh vừa
được nxb Giấy Vụn tái bản, lần thứ ba, vào năm 2014. Xin xem qua đôi
lời giới thiệu nội dung của nhà báo Ngô Nhân Dụng :
Ðầu mối tai họa này là chính sách khai thác điện lực và dẫn thủy nhập
điền của chính quyền Cộng sản Trung Quốc. Sông Mekong, tại Trung Quốc mang tên
là Lan Thương (Lancang, 澜沧) chảy qua Tây Tạng và các tỉnh Thanh Hải, Vân Nam, trước khi
đổ xuống phía Nam. Theo tạp chí World Rivers Review của cơ quan Sông quốc tế
(International Rivers, IR), thì vào năm 2014, Trung Cộng đã xây dựng bảy đập
thủy điện lớn ở đầu nguồn sông Mekong thuộc nước Tàu, con sông phát nguyên từ
Tây Tạng chảy xuống Biển Ðông nước ta. Họ sẽ xây thêm 21 đập ngăn nước lớn khác
trong 10 năm tới. Các nước hạ nguồn cũng bắt chước xây các đập nước khác; với
dự án xây 11 con đập nữa.
Nhưng tai họa lớn nhất là nước biển lấn dần vào đất liền thì chỉ dân
Việt ở đồng bằng sông Cửu Long gánh chịu. Ðập Don Sahong đang xây ở Hạ Lào,
nhằm cung cấp điện cho Lào và Thái Lan sẽ ảnh hưởng lớn trên đời sống dân
Campuchia và miền Nam Việt Nam.
Trong cuốn sách biên khảo viết dưới hình thức vừa tiểu thuyết vừa ký sự,
Cửu Long Cạn Dòng, Biển Ðông Dậy Sóng, Bác Sĩ Ngô Thế Vinh đã mô tả hành động
của chính quyền Trung Quốc: “Vào Tháng Tư năm 2001, Trung Quốc đã ký một thỏa
hiệp về thủy vận trên sông Cửu Long nhưng chỉ với 3 quốc gia Miến Ðiện, Thái và
Lào với kế hoạch vét lòng sông, cả dùng cốt mìn chất nổ phá tung những khối đá
trên các đoạn ghềnh thác, các đảo nhỏ trên sông để khai thông mở rộng đường
sông cho tàu lớn trọng tải từ 500-700 tấn có thể di chuyển từ cảng Tư Mao xuống
Chiang Khong Chiang Sean Bắc Thái xuống thẳng tới Vạn Tượng. Trong khi Việt Nam
và Campuchia là hai quốc gia cuối nguồn, trực tiếp chịu ảnh hưởng của kế hoạch
ấy thì bị gạt ra ngoài.”
Thảo nào mà ở Phnom Penh đã có kẻ bỏ lại “những mái chèo lơi”
cho sông nước, chỉ còn khoác mỗi “manh áo tả tơi” thất thểu bước lên
bờ, rồi nằm dài giữa công viên phố thị.
Ảnh chụp năm 2015
Khi mà ở thượng nguồn sông Tiền, và sông Hậu ngư dân phải đi ăn xin
thay vì đi chài lưới thì ai cũng có thể tiên đoán được hậu vận của
hàng chục triệu người dân Việt – ở Đồng Bằng Sông Cử Long – mà không
cần phải là thầy bói.
Tưởng Năng Tiến