Quốc tổ Hùng Vương
Trọng Nội
1.
Tôi đương ở trong phòng giải lao của trường thì có cảm giác là lạ: Thấy rờn rợn
trên xương sống. Phòng vắng lại âm u vẻ gì như đìu hiu lau lách. Đưa tay tính
bật đèn thì Tuấn nãy giờ lúi húi trong một góc, ngước mặt lên lắc đầu ra hiệu
biểu đừng. Mặt anh xanh xao quá lại ướt mẹp khiến tôi phát sanh lòng thương cảm
pha trộn chút sợ hãi.
Ngó những gì anh đương chăm chú thì thấy là xấp phác thảo mấy năm nay cho
bức họa ‘Hoạt Cảnh Thời Đại’ mà theo anh, nếu thực hiện xong sẽ lớn tổ
chảng, bề thế hơn bức tranh sơn mài ‘Quốc Tổ Hùng Vương’ của họa sĩ
Trọng Nội trưng bày trong phòng khách dinh Độc Lập thuở nào. Xấp phác thảo đó
anh đưa tôi giữ hơn nửa tháng nay trước khi vượt biên mà, sao lại ở trong
trường được? Tôi cũng chưa đưa trả anh sao anh có mà đương lật lật giở giở? Lạ
thiệt chứ! Thắc mắc nhưng tôi không nói gì, chỉ hỏi là anh xuống Rạch Giá cả
hai tuần nay rồi sao bây giờ còn trở vô trường làm gì. Mắt anh buồn buồn ngó
lên trần nhà nơi cái quạt máy đương chạy vù vù, nói nhỏ như hơi thở của người
rất yếu:
‘Nhớ trường quá!’
Tôi ngó bức bản phác thảo anh đương cầm trên tay, hình vẽ hai mẹ con ôm nhau,
nét mặt lo âu đương ngồi chùm hum ở ngạch cửa một gian nhà lủng lổ chổ bom đạn
mà có lần anh cắt nghĩa là một trong 40 cảnh mô tả hậu quả của cuộc chiến vô
ích vừa qua. Tôi còn nhớ anh nói bức họa lớn anh thả cửa đem vô những hình ảnh
mình muốn biệt sợ chẳng đủ không gian. Anh nói tiếp, giọng trầm trầm xa vắng
như từ cõi nào đó vọng tới:
‘Coi tới lui cho đở buồn!’
Tôi hỏi anh tính lúc nào thực hiện dự định thì cũng nghe giọng trả lời trong
tiếng thở dài:
‘Không thể!’
Âm thanh của tiếng không thể phát ra như giọng oán trong một câu
vọng cổ da diết. Tôi tính hỏi thêm thì anh đã mất tiêu, không còn thấy đâu nữa.
Tôi rùn mình, thấy ớn da gà. Lạ thiệt, đi gì mà mau dữ tợn, mới thấy đó đã
biến mất như ánh chớp!
Vợ tôi lắc lắc chồng, nói:
‘Anh mớ quá trời, nằm ngay lại thì hết mớ!’
Tôi trở mình. Đồng hồ trong phòng ngủ chỉ mười hai giờ đúng. Nhắm mắt lại,
tôi miên man nghĩ về số phận và ước mơ của người bạn họa sĩ mong có được thời
giờ để vẽ bức tranh lớn tổ chảng của đời mình. Chuyện vừa mấy phút trước là câu
trả lời bi thiết của anh cho riêng tôi? Ước mơ một đời bị dập tắt rồi sao? Nếu
vậy thì chán thiệt!
2.
Nửa trăng trước đó.
Mỗi khi quan sát sự thận trọng trong cử chỉ pha màu hay nhè nhẹ quẹt quẹt
phết phết trên tấm vải canvas với gương mặt nghiêm trang của Tuấn tôi biết anh
làm việc với quyết tâm cao ngất đáng ngưỡng mộ. Tôi tự hỏi sao một người có thể
vẽ vừa chăm chú vừa thanh thoát như vậy được. Một vài ngày, một vài tuần hay
một vài tháng đối với anh không thành vấn đề. Vẫn mỉm cười khi khách không
thỉnh bò tới làm gián đoạn công việc, vẫn buông cọ xuống mặc áo ra ngoài đầu
hẻm ngồi hằng buổi trước ly cà phê đá với bạn. Từng bức tranh tương tợ nhau vứt
vươn vải trên đường đi vốn dĩ chật chội trong phòng vẽ của anh. Thường, tôi
lượm lại quan sát để rồi không thể kết luận được tại sao Tuấn gọi đó là những
bức tranh dẫn đường. Dẫn đường vô nghệ thuật của người họa sĩ. Nhiều khi
thấy tôi có vẻ quí những thứ liệng đi đó anh áy ngại cầm lên một hai bức, so
sánh và vạch ra ưu khuyết điểm từng chỗ của mỗi bức, chỉ tường tận những vùng
pha màu chưa đạt hay đường nét non nớt hiện diện làm hư toàn bộ bức tranh… Tôi
nghe cũng chỉ hiểu lờ mờ thôi, thế giới của người họa sĩ thể hiện lên tranh qua
màu sắc và đường nét nhưng là biểu tượng cho nội tâm đương biến chuyển, đương
ngập tràn cảm xúc của người cầm cọ là thứ gì tôi cho rằng mình không thể một
sớm một chiều mà hiểu được. Thôi thì cứ nghe. Cứ gật gù cho bạn mình vui. Tôi
thường lập lại câu nói anh nghe lần nào cũng cười đồng tình bằng khóe mép: ‘Nhà
văn và hoạ sĩ cùng là người có tín ngưỡng nhưng khác đạo. Chúng ta là kẻ ngoại
đạo đối với nhau, chỉ có một thứ đồng điệu duy nhứt là có Đức tin.’
Vâng, họa sĩ Tuấn có Đức tin là mình thể hiện được xúc cảm đương có trong
lòng khi sáng tác. Xúc cảm tràn lan, thay đổi như dòng nước chảy cuộn, như áng
mây trôi mau thì đương nhiên anh sẽ thấy những đường nét trên khung vải vài
ngày trước, thậm chí vài giờ trước, không còn phù hợp nữa. Phải bỏ, làm lại cho
tới khi tranh và tâm hồn họa sĩ là một. Nói cách khác, bức tranh phải thể hiện
được nội tâm họa sĩ ở một thời điểm đáng chú ý nào đó.
Tuấn tâm sự rằng anh tự bắt mình vô khuôn khổ là kết quả trui rèn từ những
vị thầy người Pháp và các họa sư Việt tiền phong đã hết lòng chỉ dạy ngay từ
khi anh bước vào trường nghệ thuât ở thủ đô nửa thế kỷ trước. Ông thầy có khi
bắt anh vẽ đi vẽ lại cả trăm lần một đề tài và thường người thầy chỉ nói sơ
rằng phải thay đổi góc độ của bức tranh hay biến đổi cách nhìn bằng màu sắc
cũng như sử dụng sự tương phản hay hòa hợp của màu sắc. Những khi nói đến
chuyện nầy Tuấn thường chỉ cho tôi tại sao có gam màu mờ mờ ở góc mặt của bức ‘Hồ
Hoàn Kiếm,Thu Về’ hay tại sao có khung màu đỏ rực khi người nữ trong hình
thì màu xanh tím của bức ‘Lửa Hè’… Tôi quan sát sự giải thích
của anh hơn là tiếp nhận ý nghĩa của những lời giải thích. Cách trình bày hăng
say cho thấy anh tin tưởng hoàn toàn ở khả thể tiếp cận sự tuyệt đối của thẩm
mỹ cũng như tin chắc tài nghệ mình.
‘Trong các ân sư, tôi cám ơn thầy Detrong vô cùng. Lúc trước mình tự ái, sĩ
diện hảo nhăn mặt nhíu mày khi bị bắt vẽ lại bây giờ mới thấy mình làm thất
vọng thầy biết bao nhiêu. Tôi đã nói thầm là vẽ đi vẽ lại tới gần cả trăm lần ở
tất cả mọi khía cạnh là chuyện vô lý và vô ích. Có lần tôi trả treo nói giởn
mặt với thầy rằng những bản vẽ thầy kêu phế bỏ đó sau nầy trò nổi tiếng bán
cũng đủ làm giàu. Tội nghiệp ông thầy từ chánh quốc qua thuộc địa đào tạo học
trò với cái tâm bao dung tuyệt cùng mà khi nghe trò nói vậy cũng chỉ cười nhẹ
đáp: ‘Ai cấm anh giữ những bản bỏ đâu, nhưng giờ tới đó anh vẽ theo đường hướng
giáo khoa cái đã. Họa sĩ nổi tiếng nào cũng bắt đầu vẽ theo trường ốc trước, mà
phải đúng qui luật, dĩ nhiên có quyền thêm chút gì đó cảm hứng sáng tạo của
mình. Đó là cơ bản.’
Anh biết không, sau nầy tôi nhận chân ra rằng vẽ tạm tạm, bôi bác cho có
tranh cũng kiếm được chút tên tuổi vậy, nhưng đó là cái tên tuổi do sự hiện
diện, không phải do tài năng và tấm lòng của họa sĩ với nghệ thuật. Cái tên
tuổi đó do lòng ham hố và do thói xấu khinh thường người thưởng thức, nặng hơn
nữa có thể nói là có mặt vì đã dám ra tay chém nát thân thể nàng nghệ thuật.’
Anh ngừng lại, tự thưởng mình bằng cách châm điếu thuốc, hít hai ba hơi dài
rồi mới nói thêm cho tròn ý. ‘Bên ngoài không bao nhiêu người nhận chân điều đó
nhưng chính người họa sĩ thì biết rõ ràng chuyện mình làm có giá trị tới đâu.’
Anh nói rằng mình biết ơn tất cả các thầy trong trường. Những vị nầy không
dùng lòng thương yêu để làm hư hỏng họa sĩ lớp sau mà bắt khó để họ có thể phát
triển tài năng sau nầy nhờ đó sẽ đứng một mình, nhứt là phát triển tình yêu
nghệ thuật để đi với nghệ thuật suốt đời. Họ là đôi bàn tay nâng con gà đá độ
lên để luyện cho nó phóng tới với những cú đá tuyệt chiêu như người họa sĩ được
trui rèn tài nghệ để có đuợc cái nhìn sắc bén với xúc cảm nghề nghiệp phổ vào
đôi tay điều khiển cây cọ vàng…..
Tôi còn nhớ khi anh nói câu nầy thì ngừng hơi lâu, lại rít thêm tới gần hết
điếu thuốc, ngó quanh quất chỗ bày biện giá vẻ, xếp xếp sắp sắp lại mấy cây cọ
theo thứ tự lớn nhỏ. Có thể anh chờ đợi tôi thấm hiểu phần nào ý anh. Phòng hẹp
trời mau tối, anh mở đèn, nói tiếp sau khi quăng tàn thuốc qua cửa sổ: ‘Tôi coi
mình như con đại bàng, những suy nghĩ của bậc thầy trong hội họa từ Đông sang
Tây, từ cổ chí kim như những cơn bão mạnh, mình làm con chim đại bàng dựa theo
gió bay vút lên trên nền trời cao thể hiện sự mạnh mẽ và tự do của mình nhưng
khi bay được thì bỏ hết gió bão đó để đến khung trời cao rộng khác, đĩnh núi
khác.’
Tôi đớ lưỡi làm thinh, chỉ ú ớ những âm thanh vô nghĩa, đầu óc quay cuồng
với những ý nghĩ lạ lùng của bạn. Tôi nhớ đến Nguyễn Du bỏ Thanh Tâm Tài Nhân
lại phía sau để truyền lại đời tuyệt tác Đoạn Trường. Tôi nhớ tới Tùng
Thiện, Tuy Lý nhờ gió bão thi ca Thịnh Đường để có Vỹ Dạ Hợp Tập.
Nhưng lịch sử cả nước có được bao nhiêu đại bàng, hay là bị chuyện nầy chuyện
kia của thực tế rồi thì ôm ước mơ dang dở suốt nửa đời sau!
Nãy giờ ngồi trong phòng vẽ của bạn cả buổi trời tôi mới thấy một cái khung
gãy lìa và một bức tranh rách được dùng để lót hai cái lon nước rửa cọ, tôi ngó
bạn dò hỏi, Tuấn trả lời mà ngó lơ là bâng quơ:
‘Họ kêu lên cho biết tranh tôi đã vô chung kết nhưng bị loại vì lý do đặc
biệt gì đó họ cũng chẳng nói cho biết, chỉ báo là sẽ được phát giải khuyến
khích nếu chịu vẽ thêm khía cạnh tích cực vô góc trắng của tranh. Nghe họ nói
tôi bỗng cám ơn cái ông tướng võ biền đã thấy trước được bức tượng Tiếc
Thương của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu khi tượng chỉ còn là những nét
vẽ nguệch ngoạt trên cái bao thuốc lá.
‘Thôi thì mình rạch bỏ nó còn hơn làm những điều mình không thích, giống như
miễn cưỡng đi ăn đám cưới đứa con của một người quen sơ, quen vói, phải ngồi
chung bàn với đại gia, với quan chức mình chẳng quen biết gì, mất thời giờ và
vác bực bội về những khoe khoang hãnh tiến.’
Tuấn đứng lên, trịnh trọng bưng tới giao cho tôi một hộp giấy lớn, tha thiết
xin bạn giữ giùm những bản phác thảo về bức tranh ‘Hoạt Cảnh Thời Đại’
mà anh cưu mang mấy năm gần đây. ‘Ráp lại những phần sẽ vẽ thì có được một bức
tranh bự tổ chảng.’ Anh vừa nói vừa cười vì cái tĩnh từ bình dân vừa mới xài.
‘Mình ra đi. Nửa trăng thôi là biết dữ lành. Để được tự do vẽ không bị tay
ngang ý kiến ý ruồi!’
Tôi nhận sự ủy thác của Tuấn. Lặng thinh không nói, như có linh tánh về sự
không lành của bạn mình. Người họa sĩ cười cười:
‘Chỉ là một chuyến đi, lên tàu ngồi ba bốn ngày là tới chứ dời sông lấp biển
gì đâu mà mặt ông bi thảm quá. Đừng bắt chước người xưa khóc chia tay hay làm
thơ tiễn bạn nhá ông mãnh! Đời người luôn có những trường hợp phải giải quyết.
Cá nhơn phải sáng suốt lựa chọn giải pháp tốt đẹp, hữu lý. Truyện vẽ tranh cũng
vậy, chọn đề tài thì dễ như ăn cháo nguội, nhưng vẽ làm sao, màu sắc gì, bố cục
như thế nào là nan đề và tùy bản lãnh của từng người. Nửa trăng thôi tôi sẽ bắt
tay lại, vẽ những gì mình dự tính bấy lâu nay. Nửa trăng thôi! Nửa trăng thôi!’
Tuấn lập lại một cách chắc nịch với nụ cười mà tôi có cảm giác như anh nói để
tự trấn an mình.
Rồi Tuấn nắm tay tôi dục dặc bốn năm lần, thiếu điều không muốn buông ra.
Đã tới lúc phải ra về. Ôm cái hộp giấy bạn giao như nhận di sản bạn để lại.
Tôi đi như người mộng du không biết nhờ đâu mà về được tới nhà an lành. Cái hộp
giấy từ hỗm tới giờ được đặt trên bàn làm việc trong phòng ngủ, chình ình trước
mặt lúc nào cũng thấy. Cái hộp giấy gói ghém niềm ước mơ của bạn, người bạn đặc
biệt tôi biết mình khó kiếm được người thứ hai.
Nguyễn Văn Sâm
Victorville, CA, Jan. 08-15, 2016