Tôi không dám nhìn lâu vào đôi mắt khẩn khoản của Gunnar. Tôi phải nhìn sang
bên kia hồ Mjoesa, nơi có dẫy núi phủ mây trắng, dường như quanh năm; nơi mỗi
lần có điều khó nghĩ tôi thường nhìn sang, dù đó là điều khó nghĩ của đứa bé
bảy tuổi không biết viết thư cho Ông Già No-en phải gián tem bao nhiêu, có bớt
giá cho con nít không hay điều khó nghĩ của một đứa con gái dậy thì nên mua cái
áo hở ngực tới đâu, và giờ đây phải trả lời với người yêu ra sao. Gunnar tình
cờ ngồi đúng cái ghế da mà ba tôi ngồi hôm đó, và tôi thì lại tình cờ ngồi đúng
cái ghế da chị Lên ngồi, cái hôm kỳ cục đó.
Chị Lên là
con lớn của dì Hoa, em ruột mẹ tôi. Chị có thân hình như một nữ lực sĩ bơi lội.
Mỗi lần chị theo dì Hoa, cậu Dựng tới thăm gia đình tôi, chị thường “chào” tôi
bằng cách nâng tôi lên trời ba lần. “Nữa đi!” tôi cười khanh khách nói. Và chị
tung ba lần nữa. Sau đó chị lên phòng khách ngồi nói chuyện với ba trong khi mẹ
và dì Hoa vào thẳng bếp chuyện trò và nấu phở. Những người khác, như cậu Dựng
và mấy anh chị lớn, ngồi trong phòng TV nói chuyện, uống bia, uống nước ngọt,
trước cái tivi mở không. Tôi nhảy vào lòng chị Lên, hóng chuyện, mặc dù không
hiểu lắm ba và chị Lên nói gì. Thì thường là chuyện học hành và tập aerobic của
chị Lên, chuyện báo đăng chó sói ăn thịt cừu, chuyện một tên cướp ngớ ngẩn,
đánh cắp bưu điện để người ta tóm cổ tại chỗ. Có lần hai người tranh luận con
bò có răng hay không, ba nói bò không răng, chị Lên nói có răng... Tôi thầm
đồng ý với chị Lên rằng con bò có răng mới gặm cỏ được, nhưng tôi im lặng, nghe
sau lưng thân hình nẩy nở và rắn chắc của chị, khác hẳn thân hình nhỏ và mềm
của mẹ. Trong số những người bà con bên mẹ tôi, ba tôi không thích nói chuyện
với ai cả; ba chê họ nói tiếng Na-uy dở quá, mà lại hay nói to, điếc cả tai; ba
chỉ thích nói chuyện với chị Lên. Tôi để ý lúc nói chuyện với chị, ba tươi tỉnh
khác thường. Chị Lên hay vuốt tóc khiến tôi buồn ngủ, tai lơ mơ nghe tiếng nói
đều đều của hai người xen kẽ với tiếng cười vang trong lồng ngực to của chị Lên.
Hôm đó tôi
nghe loáng thoáng ba đề nghị để ba tập lái xe cho chị Lên, và chị rất hào hứng,
hai người hẹn ngày giờ nơi chốn. Rồi ba khen chị Lên đẹp. Chị nói chị chẳng có
cái gì đẹp. Ba nói bữa nào đi hồ tắm với ba, ba sẽ chỉ cho coi chị đẹp chỗ nào.
Chị cười khanh khách nói “Có vợ rồi mà còn nói nhảm.” “Mặc kệ, giết vợ để lấy
Lên tôi cũng sẵn sàng,” ba trả lời. Tôi nói hôm đó là cái hôm kỳ cục là vì thế.
Sau đó, chị
Lên có đi hồ tắm với ba và có đi học lái xe với ba hay không, tôi không rõ. Chỉ
biết có lần dì Hoa cậu Dựng tới nhà nói chuyện gì có vẻ rất trầm trọng. Mẹ và
dì Hoa to tiếng với nhau rồi cùng khóc. Tôi chỉ hiểu một chút tiếng Việt, và
chỉ nghe người lớn nhiều lần nhắc tên “con Lên” và chữ “ông ấy” mà tôi hiểu là
ba. Từ đó chị đi biệt tích. Gia đình dì Hoa không tới nhà tôi nữa. Tôi nhớ chị
lắm, ngày tôi chịu phép Thêm Sức chị không tới dự, tôi hỏi chị đâu thì người
lớn trả lời chị đang ở bên Mỹ. Nhiều năm về sau, khi bắt đầu có bạn trai, tôi
mới tình cờ biết rằng chị Lên đi Mỹ thật, nhưng chỉ chừng nửa năm lại quay về,
sau lấy một người Thổ. Chị sang Thổ-nhĩ-kỳ ở một năm, được một đứa con trai, bị
ngược đãi, phải nhờ tòa đại sứ Na-uy can thiệp giải cứu về lại Na-uy. Cũng nhờ
tòa đại sứ can thiệp chị mới mang được cả đứa con về. Khi tôi gặp chị trên xe
điện với một đứa con trai tóc quăn tít và ngổ ngáo, chị kể chuyện về mười năm
luân lạc, nhiều lần bi thảm hơn những điều tôi đã nghe qua dì Hoa hoặc người
ngoài. Thấy tôi chăm chú nhìn vào cái bụng dềnh dàng, chị cho biết bây giờ chị
đang ở với một ông người Bosnia cư trú bất hợp pháp; cái bầu là của ông này.
Chị không nhắc gì tới ba. Tôi cũng không hỏi hôm đó tại sao mẹ và dì Hoa khóc,
cũng như ngoài thằng bé tóc quăn đang ngồi bên cạnh và đứa con trong bụng, chị
còn đứa con nào nữa không. Về nhà thấy ba mẹ vẫn sống chung, ăn uống chung, đi
xe chung… không nói làm gì – thấy ba làm như mọi sự bình thường, thì tôi thấy
lợn cợn trong lòng. Trong trái tim tôi.
“Cecilia! Em
có nghe anh nói không?” Gunnar kéo tôi về thực tại.
Tôi rời ánh
mắt khỏi dẫy núi bên kia hồ, quay lại nhìn Gunnar. Anh vẫn nhìn tôi chờ đợi.
“Dạ, em
nghe,” tôi trả lời.
“Sao em
không đáp?”
Phải, lẽ ra
tôi phải vui mừng đáp “Dạ” ngay khi Gunnar ngỏ lời hỏi có bằng lòng cưới anh
không. Chúng tôi quen nhau từ cuộc cắm trại chuẩn bị lễ Thêm Sức, rồi thân
thiết trong nhiều năm; trong bụng tôi vẫn mong chờ giờ phút anh ngỏ lời. Nhưng
tại sao khi nó xảy đến, lòng tôi không thể vui mừng như mong đợi?
“Gunnar! Em
bối rối lắm,” tôi đáp. “Anh tha lỗi cho em, em không trả lời bây giờ được.”
“Tại sao? Có
điều gì trở ngại?”
“Dạ không,
hoàn toàn không.”
“Em có yêu
anh không, Cecilia?”
“Anh biết là
em yêu anh.”
“Vậy tại sao
em không trả lời ngay mà lại bắt anh chờ đợi?”
“Em cần thời
gian suy nghĩ.” Tôi vớ được một lý lẽ xem ra vững chắc. “Chúng ta phải xét xem
hai đứa đã sẵn sàng kết hôn chưa.”
“Chỉ cần em
hứa một lời, rồi bao giờ đám cưới cũng được,” Gunnar nói xong, ngả người ra
sau. Mái tóc nâu vàng tươi của anh chạm vào chùm hoa hồng vân trắng, loài hoa
mà mẹ lấy giống từ Pháp về và đặt tên là hoa ti-gôn. Bạn bè Việt Nam của mẹ có
vẻ thích cây hoa này lắm; còn ba thì cười vì mấy bà trọng hóa cái hoa vô danh
đó. Anh nghiêng người về phía trước, cầm ly cà-phê.
“Cà-phê
nguội rồi,” tôi nói. “Để em rót mới cho anh!”
Anh không từ
chối. Tôi vào bếp đổ cà-phê cũ và rót mới cho anh. Anh uống một hớp nhỏ, hình
như nóng quá, đặt tách xuống nói, giọng trở lại bình thường:
“Mình đi
dong thuyền buồm nghe em?”
Tôi nhìn ra
ra hồ nói thẫn thờ
“Hôm nay sao
nhiều buồm vậy?” Rồi tôi lẩm bẩm “Tình yêu không thể coi thường được.” Anh ngơ
ngác, vì không nghe hoặc nếu nghe thì không hiểu hai câu nói không ăn nhằm gì
với nhau và không trả lời vào câu hỏi của anh như thế. Hồi này tôi hay như vậy,
anh cũng biết.
Bề ngoài tôi
chỉ có vài nét giống mẹ - vành môi chúm và ngón chân cái to khác thường, ngoài
ra tâm hồn tôi có nhiều nét giống mẹ. “Nó Việt Nam lắm,” mẹ khoe. Còn tôi lại
lo sợ về cái ‘giống’ đó. Sợ nhất là con đường tình cảm của tôi sẽ như mẹ, nghĩa
là cúi đầu chịu đựng. Dì Hoa kể mẹ tôi là cô gái đẹp nhất trong số những người
tị nạn Việt Nam đầu tiên tới Na-uy. Mẹ đẹp và dễ thương tới nỗi có một ông
thuyền trưởng ngày nào cũng mang quần áo, thực phẩm tới trại tạm cư để được
nhìn mẹ, nói vài câu tiếng Pháp với mẹ. Hôm nào mẹ đi học tiếng Na-uy về trễ,
ông cứ ngồi trong phòng khách, bồn chồn chờ đợi. Có lần cô giáo đưa cả lớp đi
coi nhà bảo tàng rồi đi picnic, ông chờ lâu quá, buồn tay, đem cái giỏ mây của
mẹ đan giở ra đan. Bây giờ mẹ và dì Hoa cứ còn tiếc nuối cái thời người Na-uy
quí người tị-nạn Việt Nam như vàng, con nít ra đường họ cho tiền, người lớn lên
xe công cộng đôi khi họ cho đi miễn phí, các hội từ thiện thay phiên nhau tới
ủy lạo. Ông thuyền trưởng buồn tay đan hết mấy cái giỏ mây mà hội Hồng Thập Tự
bày ra cho các bà các cô trong trại làm để có thêm chút tiền túi; bắt đầu bằng
cái giỏ của mẹ, rồi sang mấy cái của các bà khác. Các bà về thấy thế, cười ré
lên, các cô hát bài “Anh là thủy thủ”. Ông không hiểu tiếng Việt nhưng
biết bị chế diễu, mắc cỡ, nói với nhân viên trực trại “Xin lỗi, tôi quên!” Các
bà các cô chưa tha, hỏi “Quên cái gì?”, rồi lại cười ré lên. Nhưng không bao
giờ ông quên mẹ. Sau khi mẹ lấy ba, ông vẫn chưa lấy vợ. Vài người quen Việt
Nam tò mò hỏi, ông trả lời thẳng “Tôi chỉ yêu Hương thôi.” Hương là tên mẹ tôi.
“Vậy chứ sao hồi đó ông không nói sớm?” một người cắc cớ hỏi ngay trong đám
cưới mẹ. Ông trả lời “Tôi tưởng tình yêu không cần nói bằng lời.” Lại có người
hỏi “Hồi đó sao ông biết cái giỏ nào là của Hương?” Ông trả lời “Biết chứ, nó
thơm và đẹp.” Vậy mà hai người không lấy được nhau – chỉ vì một người ít lời
một người giữ ý.
Ba thì dư
lời. Ba tôi gặp mẹ lần đầu khi mẹ đi lãnh tiền ở ngân hàng mà quên đem căn
cước. Mẹ đứng năn nỉ với cô nhân viên ngân hàng “Bây giờ tôi về lấy giấy căn
cước trở lại thì ngân hàng đóng cửa mất tiêu rồi. Xin cô tin tôi một lần đi.
Tôi là người lương thiện mà!” Sự kiên nhẫn của cô ngân hàng chỉ làm cho cuộc
nói chuyện kéo dài thêm, chớ không cho phép cô vượt qua thể lệ. Bỗng một người
đàn ông từ văn phòng đi ra, thấy mẹ, dừng lại nghe cuộc đối thoại. “Ông ơi!” mẹ
kêu cứu. “Có việc gì vậy, thưa cô?” ông hỏi. Mẹ nói “Ông! Ông làm ơn bảo đảm
cho tôi là người lương thiện được không?” Ông mặc đồ lớn đó nghe mẹ nói, bật
cười, đưa bút ký tắt vào ô “Căn cước” trên tờ ngân phiếu. Mẹ lãnh tiền xong,
nhìn vào trong, thấy ông mặc đồ lớn còn đứng ở cửa văn phòng nhìn ra, gật đầu
mỉm cười. Tình cờ, trong một buổi tiệc hội Lion khoản đãi người tị nạn Việt
Nam, ông giám đốc ngân hàng gặp lại “cô gái lương thiện” lộng lẫy trong chiếc
áo dài. “Trên đời tôi chưa thấy ai đẹp như cô. Tôi muốn cưới cô,” ba nói sau
nửa giờ nói chuyện.
Sau khi chị
Lên bỏ nhà ra đi một thời gian ngắn, lúc đó tôi bắt đầu học lớp năm tiểu học,
ba tôi quen bà Bodil mà ba bảo tôi phải kêu bằng tata. Không có một thỏa thuận
nào, dù thầm kín, nhưng tôi vẫn coi những buổi đi chơi nhà tata là việc hoàn
toàn riêng tư giữa ba con tôi với tata, không liên quan gì tới mẹ, không cần kể
với mẹ. Nhà tata lại hấp dẫn hơn, sẵn đồ chơi, nhiều phim hoạt họa, và có con
chinchilla. Khi tata mua thêm con nữa thì hai con làm chuyện trống mái tự
nhiên. Một lần, vuốt ve bồng bế con chinchilla mềm mại lù đù mãi cũng chán, tôi
định xin ra ngoài đạp xe với lũ trẻ trong xóm. Mở cửa phòng ngủ, tôi thấy ba
nằm chung giường với tata. Tata một tay kéo mền che ngực, tay vẫy tôi lại, mi
một cái, rồi xua ra ngoài. “Người lớn không khác gì mấy con chinchilla,” tôi
nghĩ trong khi thả xe phăng phăng xuống giốc.
Khi tôi lớn
ba ít rủ tới chơi nhà tata, nhưng tôi biết hai người vẫn đi lại mật thiết. Tôi
cũng bắt đầu cảm nhận ra rằng mối liên hệ giữa ba và tata là một việc thầm lén,
nhưng không có cam đảm mách mẹ, sợ mẹ rầy sao không nói sớm. Tôi bỏ qua câu
chuyện một bên luôn. Ông nội tôi rất giầu, có để lại cho ba một hòn đảo riêng,
trên có hai cái nhà nghỉ mát, có bến tầu riêng. Ba nói sẽ chia đôi, cho tôi một
nửa, một nửa cho hai người anh cùng cha khác mẹ của tôi. Mùa hè năm đó, ba hỏi
mẹ có ra đảo chơi không, mẹ bận đi ăn thôi nôi con một gia đình Việt Nam. “Vậy
anh đi với con Cecilia,” ba nói, và sửa soạn lên đường ngay. Ba hối hả quẹo xe
lên đón tata cùng đi. Tôi thấy tata làm tóc mới và diện quần áo đẹp, trông trẻ
trung như một cô gái. Đi hơi vội, nên mặc dầu mẹ có chuẩn bị đồ ăn cho cha con,
nhưng lại quên nhét theo cái áo thung của mẹ. Tôi có cái tật phải kề mũi vào
cái áo thung có hơi mẹ mới ngủ được, dù đã mười lăm mười sáu tuổi đầu. Tối hôm
đó, không có cái áo thung, tôi nằm trằn trọc hoài, nghe con thuyền va kềnh kệch
vào cầu tầu. Mặt trời không chịu lặn, mấy con hải âu cũng không chịu đi ngủ, cứ
kêu réo ngoài ghềnh. Cuối cùng tôi nghĩ ra một điều: tôi đổi sang cái phòng ngủ
bữa trước mẹ nằm, có thể còn hơi mẹ. Phòng này sát vách phòng ba và tata. Qua
vách gỗ, tôi nghe rõ hai người trửng dỡn bên kia và trong những lời trửng dỡn
có câu nói của ba “Giết vợ để lấy em, anh cũng sẵng sàng!” Tôi giật mình.
“Nếu không
lấy được em, anh thà chết dưới hồ này!” Gunnar cột giây buồm, lại ngồi bên tôi,
nói.
Hai người
đàn ông quan trọng nhất trong đời tôi, người thì đòi giết vợ để đi phiêu lưu,
người thì đòi chết nếu không được gắn bó. Bề nào chăng nữa, tình yêu của họ là
giông bão, hủy diệt. Lòng tôi không yên ổn. Một lần nữa tôi trì hoãn:
“Vậy mình
sang bên kia hồ đi, Gunnar nhé!”
Tôi nhích
sang bên, nhường tay lái cho anh. Dẫy núi bên kia thấp nhô trên đám mây như con
tầu khổng lồ trôi trên sóng bạc.
Thuyền buồm
băng qua hồ và trở về bình an; như thường lệ. Sự bình an này trước nay tôi
không để ý. Thấy tôi về mẹ ôm chầm lấy mà khóc:
“Con đi đâu
vậy? Ba bị bệnh vô nhà thương rồi!”
“Ba bị gì
vậy, mẹ?” tôi hoảng hốt.
“Mẹ không
biết. Ba mẹ đi phố về, ba kêu mệt đi nằm. Mẹ làm bếp xong vào phòng coi ba thì
nghe ba ú ớ, rồi im luôn, mẹ hỏi, lay không trả lời. Mẹ kêu xe cứu thương...”
Chúng tôi
vào nhà thương, thấy ba đã tỉnh, nhưng sút hẳn người đi, như bệnh từ nhiều
tháng nay. Mẹ khóc, vuốt vuốt những chấm đỏ trên mu bàn tay ba, nói:
“Bác sĩ nói
sao, ông?”
“Ung thư
máu.”
“Ông ơi! Ông
đừng chết nghe!”
Nhìn ánh mắt
mẹ khi đút xúp cho ba, nhìn nụ cười của mẹ khi cắt móng chân cho ba và đưa bàn
chân ông lên mũi hửi, tôi thương mẹ quá, và hối hận xưa nay coi bà Bodil là
tata.
Bà Bodil
cũng biết tin dữ. Bà ngang nhiên vào thăm ba như một người thân. Mẹ hỏi ba:
“Ai vậy,
ông?”
“Người quen.”
“Quen ra sao? Sao chưa bao giờ tôi gặp
mặt?“
Mặt ba sượng trân, trông rất kỳ cục,
tránh nhìn mẹ, quay sang tôi, như cầu cứu. Tôi không hiểu sự cầu cứu đó có
nghĩa gì - tôi nói ra sự thật giùm ba hay giấu biệt. Cuối cùng, chán ngán sự
giả dối, tôi kể hết sự thật cho mẹ nghe khi chỉ có hai mẹ con ở nhà. Mẹ nghe
một cách bình tĩnh khiến tôi phát sợ. Tôi giấu không nhắc câu nói “Giết vợ để
lấy em anh cũng sẵn sàng.” Bởi vì tôi biết nếu tôi nói ra mẹ có thể chết được,
không cần ai giết.
Hôm sau chúng tôi lại chạm mặt bà Bodil
trong nhà thương. Mẹ nhịn nhục không nói gì. Ngược lại bà Bodil còn khiêu
khích:
“Ở đây dư một người đàn bà!”
Mẹ không mau mồm miệng như người ta,
không biết trả lời sao cả. Lúc đó bà Bodil ngồi trên ghế kê sát giường bệnh, mẹ
đứng cuối giường, tay xách giỏ đồ ăn. Tôi nắm tay mẹ để xác định vị trí của
mình, nói:
“Người dư là bà!”
Mẹ xiết chặt tay tôi hơn nữa. Bodil
không ngờ phản ứng của con bé mà lâu nay bà tưởng đặt lòng trung thành nơi
‘tata’ hơn người mẹ ngoại quốc.
“A! Thì ra
rau nào sâu nấy!” Bodil nói giọng khinh khỉnh, tay nắm tay bệnh nhân, tay vuốt
mái tóc hoa râm của ông.
Tôi cho rằng
chỉ mẹ tôi mới có quyền vuốt tóc ba. Tôi định tiến tới kéo tay Bodil ra, nhưng
mẹ biết ý, trì tay tôi lại, nói:
“Để cho ba
con yên!”
Rồi mẹ kéo
tay tôi ra ngoài hành lang, ngồi chờ. Chờ cho tối mịt bà Bodil vẫn không ra, mẹ
xách giỏ cơm đi về.
Sáng hôm
sau, xảy ra một điều không bao giờ mẹ chờ đợi -- ba yêu cầu mẹ ký giấy xin ly
dị.
Mẹ và tôi
theo Công giáo, ba theo Quốc giáo Tin lành. Hơn nữa mẹ tôi là người đàn bà Việt
Nam xưa cũ. Tôi biết rằng mẹ dễ dàng chấp nhận cái chết nhưng không bao giờ
chấp nhận và tưởng tượng có ngày mình phải ly dị. “Chồng bỏ mình cứ bám lấy, bỏ
được sao?” Mẹ lý luận như thế đó. Mặc dù thống kê nói cứ một trăm cặp lấy nhau
thì có gần năm chục cặp thôi nhau, mẹ thường nói rằng năm mươi phần trăm đó rơi
béng đi nơi khác, không bao giờ rơi vào giữa mẹ với ba.
“Ly dị à?”
mẹ ngẩn ngơ. “Sao ông không chờ khỏe đã?”
“Bà thông
cảm cho tôi,” ba thiểu não.
Mẹ cầm cây
bút có huy hiệu quen thuộc ngân hàng của ba.
“Mà tôi đã
làm gì nên tội?” mẹ khóc.
Tôi cực kỳ
bối rối. Vừa thương mẹ vừa thương ba. Nhưng hình như tôi lo sợ ba chết quá đến
nỗi quên nỗi đau đớn của mẹ, quên tức cho sự khờ dại nhu nhược của mẹ. Và dường
như chính mẹ cũng quên nỗi đau đớn của mình, hoặc không lường được tầm quan
trọng của ngòi bút sắp sa xuống. Như một cái máy, mẹ nức nở đặt bút xuống tờ
giấy:
“Xưa ông đã
ký bảo đảm cho tôi là người lương thiện!”
“Kìa ba! Kìa
má!” tôi rên rỉ, trong tuyệt vọng.
Ba làm như
không nghe, không thấy. Ba quay mặt vào tường. Dường như ba cũng đau lòng,
nhưng không đau lòng đủ để đổi ý, cản má lại. Tôi tưởng tượng nếu bây giờ má
đau lòng mà chết, ba cũng lừng lững mà đi con đường của mình. Có phần nào thật
trong câu nói ghê gớm của ba. Của đàn ông!
Má ký xong,
oà khóc chạy ra ngoài, tôi theo dìu má ra xe.
“Mẹ để con
lái xe cho,” tôi nói.
Trên đường
về, tôi cứ bị ám ảnh vì câu nói của ba “Giết vợ để lấy em anh cũng sẵn sàng.”
Người như ba, nhu nhược ngay trong tình yêu, chắc không giết ai được; nhưng ông
giết niềm tin của tôi vào tình yêu.
Suốt thời
gian ly thân, mẹ như sống trong mơ, cứ tưởng ba sẽ đổi ý. Lâu lâu mẹ lấy quần
áo sạch của ba đem giặt, ủi, xếp ngay ngắn. Mẹ làm chả giò bỏ tủ đá chờ ba về
bất ngờ. Đêm mẹ không khóa cửa, ngày đi làm để chìa khóa nhà trong thùng thư.
Mỗi tối mẹ bắt tôi quỳ trước bàn thờ cầu nguyện, xin Chúa can thiệp soi lòng
soi dạ cho ba hồi tâm. Nhưng ba không quay lại. Ba nhất định ly dị.
Ly dị xong,
ba làm lễ cưới với Bodil liền. Trên giường bệnh. Lễ cưới xong, Bodil không tới
nhà thương nữa.
Một tuần
sau, ba chết trong tay mẹ.
Bà quả phụ
Bodil chỉ xuất hiện để nghe luật sư công bố chúc thư. Theo di chúc, hòn đảo của
gia đình chia hai, một nửa phía nam với nhà nghỉ mát trên đó thuộc hai người
anh cùng cha khác mẹ với tôi, nửa phía bắc cũng có nhà nghỉ mát và bến tầu
thuộc về người vợ chính thức hiện tại, Bodil. Biệt thự mà ba mua để ở với Bodil
trong những tháng cuối đời thuộc về bà, đương nhiên, vì đứng tên bà. Mẹ
con tôi được tiếp tục ở và làm chủ ngôi nhà bờ hồ.
Ba mất được
ba tháng thì bà Bodil đi lấy chồng khác, nghe đâu hôn lễ cũng cử hành trên
giường bệnh. Người hằng ngày ra thắp nến trước mộ ba là má. Tôi giận ba không
thắp nến, má nói “Ở Trên Đó cái lòng người ta không như dưới dương thế này nữa
đâu con ơi.” Tuy bị ruồng rẫy mẹ định để tang chồng ba năm. Trong thời gian để
tang, mẹ không son phấn, và rất giữ gìn trong việc giao thiệp với đàn ông. Mỗi
lần ông thuyền trưởng tới, mẹ bắt tôi ngồi cạnh. Lần đầu tiên thấy mặt người đã
đeo đuổi mẹ mình trước khi mình ra đời, tôi có cảm giác rất lạ. Như là tôi nằm
trong bụng mẹ mà dòm ra thế giới. Lạ lùng hơn nữa là tôi thấy gần gũi ông ngay,
như một người cha.
Tôi bưng
cà-phê ra, ông nhìn một cách thân ái, nói cám ơn. Cái nhìn của ông dành cho tôi
khác hẳn cái nhìn trước đây ba dành cho chị Lên, mặc dù tình cờ ông ngồi đúng
cái ghế da ba ngồi. Còn mẹ ngồi trên cái ghế chị Lên ngồi hôm đó. Tôi định bỏ
vào bếp thì bị mẹ kéo lại ngồi kề bên. Miễn cưỡng tôi phải ‘làm chứng’ cho một
lời tỏ tình:
“Tôi sắp về
hưu,” ông ngập ngừng. “Ước nguyện duy nhất của tôi là được nắm tay bà đi vòng
quanh thế giới những năm còn lại.”
Tôi nhìn hai
bàn tay ông đan nhau để trong lòng, và mường tượng hai mươi lăm năm trước chúng
đan ‘cái giỏ thơm’ để chờ đợi. Tưởng chờ vài tiếng mẹ đi học về đã đủ, lại chờ
một phần tư thế kỷ. Bây giờ ông vẫn đan tay chờ đợi.
Mẹ lặng đi
hồi lâu, mặt đỏ hồng không son phấn. Tay mẹ vò chéo áo không vắt xổ. Mẹ cố lấy
giọng bình thản:
“Ông đi đây
đi đó cả đời chưa thỏa sao?”
“Đi một mình
có tới đâu đâu...”
Thấy câu
chuyện tới hồi đậm đà, tôi gỡ tay mẹ, khoác áo ra khỏi nhà. Tôi xuống bờ hồ
ngồi trên tảng đá quen thuộc nhìn sang bên kia. Đám mây thiên thu như xây bằng
cẩm thạch.
Tâm
Thanh